NGUYỄN THỊ THANH LƯU
Tôi chìa cuốn sách đã mở sẵn trang lót bìa ngập ngừng đưa cho ông nhà văn tuổi ngũ tuần đang cúi đầu trên những chồng sách mới tinh đợi kí.
Ông ta đón lấy cuốn sách theo quán tính, rồi giật mình ngước nhìn lên, đôi mắt màu tro thảng thốt: A, là bạn đấy ư? Aha, thế là K. đã nhận ra dòng kí tặng của ông ta trên cuốn sách ông gửi cho tôi mấy tuần trước. Thế là cuối cùng, chúng tôi đã gặp nhau. Hãy chờ tôi xong việc, tôi muốn nói chuyện với cô. Hãy cho tôi một cơ hội, nhé?! Tôi im lặng, bối rối gật đầu rồi thoái lui trong khi tim bắt đầu đập loạn xạ.
Không bao giờ tôi có thể nghĩ, mình sẽ gặp K. lần đầu tiên trong một tâm thế cáu bẳn thế này. Mấy hôm trước, trong một lúc không tự kiểm soát được sự nóng nảy của bản thân, tôi đã viết cho K. một email với những lời lẽ ngập tràn thất vọng. Thư thế này:
“Ngài K. kính mến.
Tôi vừa đọc xong cuốn sách mới của ngài. Tôi báo luôn cho ngài biết, đây rất tiếc không phải là một phản hồi tích cực như thường lệ của tôi - độc giả trung thành của ngài. Tôi không thể tin được ngài lại bán mình, bán chữ nghĩa của ngài cho những trò giễu nhại nông cạn và rẻ tiền mà ngài cho là “một bước ngoặt về bút pháp”. Tôi thất vọng đến nỗi không biết phải nói gì thêm, có điều, ngài nên xem lại cái “bước ngoặt về bút pháp” của ngài, vì theo tôi, đó là một “bước ngoặt” sa ngã.
Chào ngài.
P/s: Tôi không chắc là mình có đủ kiềm chế để đến buổi kí tặng sách ở thư viện H. như đã hứa.
K. là nhà văn yêu thích của tôi từ thời mới lớn. Tôi lần đầu biết đến K. năm 15 tuổi nhờ một sự tỏ tình tế nhị ngoài sức tưởng tượng (ở cái tuổi đó) của Jeff - cậu bạn hàng xóm thân thiết. Vào một ngày mùa hè sau kì nghỉ hai tuần với cha mẹ tôi ở miền Nam Cali, trở về nhà, tôi nhận được trong thùng thư một cuốn sách được gói vụng về bằng lớp bóng kính mỏng tang, từ Jeff.
Tôi bị cuốn sách thuyết phục ngay tức thì bằng cái bìa đen ngòm với dòng chữ “Im lặng” màu trắng viết bằng chữ nét mảnh (mà tôi đồ là thủ bút của tác giả) bé tí in ngay giữa trung tâm trang bìa, như thể vừa đang nỗ lực nắm lấy vị trí trọng yếu, vừa đang cố tự giấu diếm chính mình. Một cái bìa gợi đến thế thì cuốn sách hẳn phải cực kì hấp dẫn, tôi nghĩ thế, mở sách ra, chọn ngay truyện ngắn chủ đề có cùng tên với cuốn sách đọc một mạch, quên cả câu hỏi phớt qua đầu khi thấy tên người gửi là Jeff.
Mãi sau này tôi mới nhận ra dụng ý chính của cuốn sách từ phía Jeff. Mấy năm sau, khi đã đủ lớn và sắp sửa đi học đại học, cậu bạn hàng xóm nhút nhát của tôi mới thổ lộ với tôi rằng sau hai tuần vắng tôi trong thành phố của tuổi 15 năm đó, cậu đã nghĩ cậu yêu tôi và không thể sống thiếu tôi được. Cậu muốn tỏ tình với tôi bằng truyện ngắn “Im lặng” - một truyện ngắn kể về mối tình câm nín của một chàng thanh niên Mỹ với người bạn gái khác sắc tộc. Cậu nghĩ hẳn tôi phải thấy có cái gì tương đồng trong cặp nhân vật ấy, hẳn tôi phải hiểu ra chuyện tình đơn phương mà cậu dành cho tôi. Tôi bối rối ôm Jeff nói cảm ơn và lí nhí xin lỗi cậu vì đã vô tâm quá. Kì thực, tôi chỉ ước mình đủ can đảm để nói với cậu, một cách thẳng thắn rằng: ngay cả khi cậu đã nói trắng ra với tôi chuyện này, tôi cũng chịu, không thể tìm thấy nét tương đồng nào giữa cậu và nhân vật chàng trai trong “Im lặng” ngoại trừ màu da. Dù cũng là một kẻ yêu đơn phương, anh chàng ấy đâu có nhút nhát và âm thầm mơ mộng như Jeff. Trái lại, anh ta cuồng nhiệt, mạo hiểm, tràn trề lí tưởng và đầy tinh thần xả thân dâng hiến, ngay trong những mặc cảm tự ti vô lí trước cô bạn gái khác màu da. Tôi dám cá là bạn sẽ đồng ý một trăm phần trăm với tôi về những phẩm chất của nhân vật này nếu đã từng đọc truyện ngắn xuất sắc đó của K., dù chúng ta có thể tranh luận với nhau về tất cả mọi điều khác (như các nhà phê bình vẫn cãi cọ nhau hàng ngày kiểu ông nói gà bà nói vịt).
Từ lần đó, tôi tránh nhắc đến cuốn sách với Jeff, bởi tôi thừa biết dù cố gắng thế nào, tôi cũng không có cách gì ngăn cản được mình phơi bày ra một sự thực rằng: tôi luôn ước ao mình là cô gái trong câu chuyện. Vì tôi không thể vờ vĩnh nói dối Jeff rằng cậu giống chàng trai kia, nên việc tôi thú nhận khát khao thầm kín được là cô gái đó có lẽ là một việc quá phũ phàng với cậu. Tôi quý Jeff và không bao giờ muốn làm tổn thương cậu và tình cảm đầu đời của cậu. Tôi và Jeff vẫn luôn là bạn thân, ngay cả khi chúng tôi mỗi đứa một phương sau khi vào đại học. Cậu chọn học ở một trường gần nhà, còn tôi kiên quyết khăn gói đi New York - nơi K. đang sống và viết ở một căn hộ nào đó nhìn ra Công viên Trung Tâm (như tôi đọc thấy trong một bài phỏng vấn cũ rích nào đó). Dĩ nhiên tôi không tiết lộ cho ai biết lí do thực sự tôi chọn học ở New York, nhất là Jeff. Chắc cậu cũng chẳng bao giờ nhận thấy sự tồn tại hữu ý của khoảng lặng ngập ngừng đằng sau trăm ngàn câu cảm ơn tôi đã nói với cậu mỗi lần cậu giúp tôi việc gì hay chỉ đơn giản là kể chuyện về những đổi thay trong khu phố nơi tôi và cậu cùng lớn lên. Tôi ước mình đã đủ thành thật và can đảm để nói thành lời những khoảng lặng gây áp lực cho tôi đến độ nhiều khi biến thành những tiếng thở dài. Tôi muốn nói: cảm ơn cậu vì đã đem tình yêu đến trong đời tôi, tình yêu với K.
Tôi không có ý định kể gì về mình, vì tất cả những gì tôi muốn nói là về K. và văn chương của ông (dẫu sao cũng chẳng có ai muốn nghe tôi nói mãi về ông ta nên ghi chép vào đây là cách dễ nhất giúp tôi thỏa mãn niềm ái mộ). Nhưng vì mối liên hệ kì lạ của tôi và ông nhà văn ấy, tôi buộc phải viết đôi ba dòng về mình vì tôi tin, theo một cách nào đó, tôi là cánh cửa bí mật để nhìn lại văn chương của K.
Tôi 25 tuổi, thuộc thế hệ “quả chuối” - thế hệ mà sự sai chệch đường ray định kiến giữa màu da và lối nghĩ nhiều khi vẫn gây phân vân cho những người xung quanh, ngay đến cả người gần nhất là ba mẹ tôi. Những người bạn trai tôi từng hẹn hò từ thời đại học có một nhận xét khá chung về tôi, rằng: tôi xinh đẹp và kì quặc. Tôi đồ là cái cách tôi chọn để chơi với họ khiến họ cho là tôi kì quái. Thay vì hỏi tên, tôi thường hỏi: anh có đọc K. không? Những người chưa từng đọc K. đương nhiên không phải là đối tượng tôi muốn (vì tôi biết ngay là tôi sẽ chả có gì để nói với họ trong buổi hẹn hò). Chí ít, họ phải từng đọc K. và tỏ ra yêu mến văn chương của ông ta thì mới đủ tiêu chuẩn để mời tôi đi ăn tối. Đương nhiên suốt buổi hẹn hò, tôi chỉ liên tục nói về K. - những bình luận văn chương và cả những chuyện đồn thổi về đời sống riêng tư của ông ta mà tôi đã cóp nhặt khắp nơi từ khi đọc ông. Tất cả bọn họ đều hầu như mất hết kiên nhẫn sau vài lần hẹn và đều đồng loạt cho rằng tôi đáng yêu nhưng quá kì quặc để có thể tiếp tục mối quan hệ. Một trong số đó suýt làm tôi xiêu lòng vì đã chịu đựng được tôi và ngài K. - nhà văn của tôi suốt một tháng ròng.
Tuy nhiều lần tôi thấy anh ta cau mày nhưng chỉ nội việc anh ta chịu khó bỏ ra hàng giờ đồng hồ lắng nghe tôi thao thao bất tuyệt về K. đã đủ khiến tôi động lòng cảm kích. Đấy là chưa kể đến cái lần, sau nhiều bận cau mày và quay trở người liên tục, anh ta bất ngờ ngắt lời tôi, hỏi dồn: Em đang theo đuổi lão nhà văn ấy chăng? Tôi suýt nữa đã ôm chầm lấy anh ta mà hôn đắm đuối ngay giữa cái quán cơm ở khu phố Tàu và thốt lên: Em yêu anh! Anh ta hỏi như thể đã đọc được hết gan ruột tôi vậy. Liệu có khi nào, anh ta đã nhìn thấu suốt cái tình sử bí mật từ hồi tôi 15 tuổi đến nay chỉ qua một tháng kiên nhẫn nghe tôi nói? Nếu quả vậy thì anh ta chính là người đáng được yêu nhất trong số tất cả đám bạn trai vẫn vo ve quanh tôi suốt từ thời mới lớn. Nhưng tôi nhầm. Câu hỏi xuất thần của anh ta hóa ra chỉ là một sự thông minh tình cờ chứ chẳng hề có chút sức nặng tư duy nào trong đó chứ chưa nói đến trình độ nhạy cảm mà tôi có lẽ vì quá trông mong đã nhầm tưởng. Bằng chứng là anh ta cười phá lên ngớ ngẩn sau câu hỏi, trước khi tôi kịp tỏ nỗi vui mừng nhầm lẫn của mình. Sau khi nhận ra mình nhầm, tôi tẽn tò ngồi im lặng, nghe anh ta nói những chuyện tầm phào về chính anh ta rồi bực bội ra về. Tôi thậm chí đã không thèm hôn tạm biệt anh chàng đó và dĩ nhiên là chẳng bao giờ gặp lại anh ta. Nghĩ lại thì tôi hơi thiếu công bằng với hắn, vì dẫu sao, hắn cũng là người kiên nhẫn nhất, dẫu sao, hắn cũng đã suýt nhận ra tôi, dù chỉ là trong một phút bốc đồng vô thức.
Lạ lùng là tôi chưa bao giờ cảm thấy thất vọng về những ra đi chóng vánh của bọn bạn trai. Mà nghĩ cho cùng thì đâu có gì lạ, bởi trong sâu thẳm tôi, tôi biết chính tôi đã đẩy những chàng trai ấy ra khỏi đời mình bằng việc ép buộc họ bước vào một cuộc so sánh không cân sức với người trai trẻ tôi đã phải lòng năm tôi 15 tuổi - nhân vật trong truyện ngắn “Im lặng” của K. Mà đúng ra thì, chính là tôi yêu K., bởi dưới truyện ngắn ấy, ngay sau cái kết, tác giả đề thêm một hàng chữ in nghiêng nhỏ bé và nghiêm ngắn:
Đây không phải là một truyện ngắn. Đây là câu chuyện có thật về tôi và mối tình đẹp nhất mà tôi từng có.
*
Quyết định đi học đại học ở New York không phải là lần đầu tiên (đương nhiên cũng không phải lần cuối cùng) tôi trái lời ba mẹ - những người vẫn kì vọng tôi học gần nhà, theo đuổi một ngành gì có ích cho cộng đồng, luật sư hay bác sĩ chẳng hạn. Tôi đã sớm nhận ra một nỗi hàm ơn to lớn của ba mẹ tôi với những người xa lạ xung quanh (mà chúng ta vẫn gọi là cộng đồng) từ hồi tôi mới lớn. Trong mọi câu chuyện, ba mẹ tôi luôn nhắc tôi nhớ, nếu không có sự giúp đỡ của những người xa lạ đó, tôi đã không bao giờ được sinh ra. Ông bà là hai trong số những người Việt Nam may mắn trải qua một cuộc vượt biên trót lọt trên một con tàu đến Thái Lan. Sau một năm ở Thái, họ mới tìm được đường đi Mỹ nhờ sự trợ giúp cật lực của những người bà con bên phía mẹ tôi. Họ không bao giờ kể cho tôi biết họ đã trải qua những gì trong cuộc di cư mà tôi đoán chắc là vô cùng khủng khiếp đó; chỉ biết rằng, sau mỗi lần dừng đũa ăn cơm nhìn xa xăm vô định, mẹ tôi lại nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: không có họ, chúng ta đã làm mồi cho cá!
Tôi được sinh ra ở Mỹ sau 3 năm ba mẹ tôi chật vật định cư trên xứ sở thiên đường. Số tài sản kha khá hồi còn ở Việt Nam của cặp vợ chồng son đã gần như cạn kiệt sau hành trình dài đến Mỹ, thế nên, ông bà phải bắt đầu lại từ đầu bằng việc làm thuê làm mướn cho đến khi có một cửa tiệm giặt là riêng. Mặc dù phải làm việc cực nhọc vất vả nhưng ba mẹ không bao giờ khắt khe về việc tiêu tiền vào tôi, mua cho tôi những món đồ chơi mắc mỏ mà tôi thích, cho tôi theo học bất kì cái gì tôi muốn. Nhưng, ông bà vô cùng khắt khe trong việc buộc tôi nói tiếng Việt và nghĩ mình là người Việt Nam. Các cụ càng ép buộc, tôi càng cố gắng chứng tỏ cho ba mẹ tôi thấy rằng: tôi là người Mỹ. Dù mẹ tôi là người đàn bà ấm áp nhất mà tôi từng biết, tôi vẫn cứ xa rời bà dần như một phản ứng tự nhiên của một đứa trẻ đòi được lớn. Tôi làm trái ý họ một cách thường xuyên. Chuyện học đại học là một sự trái ý gây tổn thương nhất cho các cụ.
Tôi chọn học ngành thư viện không chỉ vì tôi mê mẩn không khí sực nức mùi giấy của những dãy giá sách bát ngát, ngăn nắp mà còn vì, ở đó, tôi thấy mình tự tin hơn bất kì đâu. Ba mẹ tôi có vẻ như đã sớm nhận ra việc tôi yêu thích được một mình từ bé nên ông bà luôn cố gắng tìm mọi cách lôi tôi ra phía đám đông, luôn bày tỏ sự quan tâm của chính họ đến những người xa lạ xung quanh như một cách mở đường vẫy gọi sự quan tâm của tôi. Khi tôi lớn hơn, họ bắt đầu nhắc tôi nhớ về cái gọi là trách nhiệm cộng đồng. Bất chấp mọi nỗ lực, lôi kéo của ba mẹ bằng việc cho tôi tham gia các lớp học nghệ thuật đòi hỏi sự giao tiếp với đám đông, tôi vẫn chỉ cảm thấy yên ổn và dễ chịu nhất khi được ở một mình. Thư viện vẫn luôn là nơi trú ngụ lý tưởng của tôi. Có lẽ, tôi hơi kì quặc thật, so với bạn bè cùng trang lứa.
Tôi không muốn nhắc lại chuyện ba mẹ tôi đã giận dữ cỡ nào khi biết tôi âm thầm nộp đơn xin học đại học ở một thành phố cách ông bà tới tận 4 giờ bay, rồi giận dữ hơn nữa khi biết tôi chọn học ngành thư viện. Có điều, mọi dự cảm trong lo sợ và tuyệt vọng của ba mẹ tôi đều trở thành hiện thực. Tôi rốt cục đã có một thế giới riêng tư như tôi muốn, trong đó, tôi giao tiếp với sách vở thường xuyên hơn với người. Ba mẹ tôi tuy tuyệt vọng nhưng không bao giờ bỏ cuộc, ông bà vẫn luôn gợi ý tôi về việc trở lại Việt Nam, tham gia công việc nào đó có ích cho cộng đồng sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi không muốn làm buồn lòng ba mẹ thêm nên luôn tìm cách trả lời lấp lửng trước những mỏi mong của họ, nhưng trong thâm tâm, tôi đã đinh ninh rằng, những mong mỏi ấy chỉ đang dẫn họ đến một ngõ cụt thất vọng khác về đứa con gái độc nhất ương ngạnh của họ.
Không có nhiều người khiến tôi thực sự cảm thấy muốn trò chuyện, vì sự thực là không còn nhiều người quan tâm đến K. và cuốn sách đã in lần đầu cách đây mấy chục năm rồi lác đác tái bản của ông. Trong số những độc giả không nhiều nhặn gì của K., cũng chẳng mấy ai có khả năng nói chuyện với tôi lâu, vì tôi chưa gặp ai đủ say mê văn chương của K. như lẽ ra nên thế. Có lần, tôi đã tức giận đến phát khóc khi đọc thấy một gã nhà báo láo lếu dám gọi K. là “một văn sĩ hết thời đang bám lấy New York bằng thứ danh vọng hão”. Thực tế là sau tập truyện ngắn “Im lặng”, K. hầu như biến mất không xuất bản gì thêm. Năm năm sau cuốn sách đầu tiên, thảng hoặc đâu đó trên tờ New York Times hay một vài tạp chí khác, K. trở lại bằng những truyện ngắn có cùng một màu sắc của tuổi trẻ thơ mộng và dữ dội. Có nhà phê bình gọi ông là nhà văn của thứ văn chương bốc đồng tuổi trẻ cũng không phải là không có lí. Bằng chứng là những trang viết say mê mà tôi đã ngấu nghiến năm 15 tuổi vẫn còn khiến tôi ám ảnh đến mụ người bằng những xúc cảm mãnh liệt bị dồn nén trong cái vẻ thơ ngây non dại.
K. có một lối viết vừa điềm nhiên, dè dặt, vừa say sưa bất chấp. Ông tế nhị giấu một quả bom cảm xúc trong từng câu chữ lắng đọng mà tôi hình dung ông đã gõ bằng những cú dằn kìm chế trên phím máy đánh chữ. Rồi ông lại lịch lãm (và dường như có chút gì kiêu ngạo) nhường quyền tìm ngòi nổ cho độc giả. Họ buộc phải là người đọc thông thái để đạt đến cao trào của xúc cảm, rồi họ sẽ được toại nguyện tự nổ tung theo cách họ muốn. Có lẽ lối viết hé mở, nửa che giấu những điều muốn viết, nửa phô phang như vẫy gọi người đồng điệu ấy đã làm khó cho K. trong việc tìm đến một lực lượng độc giả đông đảo. Văn chương của ông kén chọn độc giả vì đa số họ đều nản lòng từ bỏ bài toán tìm ngòi nổ mà ông đã dày công bày bố. Họ thờ ơ đọc những dòng cố tình làm ra vẻ thờ ơ, rồi họ cho rằng đó chỉ là thứ văn chương tầm thường nhạt hoét. Những người đọc thiếu kiên nhẫn không vượt qua được thử thách câu chữ của ông dễ dàng cáu bẳn gán ngay cho ông cái tội viết lách kẻ cả. Lối viết đặc biệt ấy đã khiến cho độc giả của K. chia thành hai thái cực rõ rệt: một bên ca tụng hết lời, bên kia dè bỉu hết nước. Những tranh cãi nảy lửa giữa hai thái cực giữ nhiệt cho K. và cuốn sách của ông trong vòng vài ba năm đầu tiên sau khi xuất bản. Cuộc chạy đua tìm kiếm những con mồi mới trong làng xuất bản của báo chí truyền thông đã đẩy lui cuốn sách vào xó xỉnh của lãng quên. “Im lặng” chìm vào lặng im, dù vẫn được tái bản rải rác trong những năm tiếp theo.
Sau một cuốn sách “bốc đồng” như “Im lặng”, sự mờ nhạt dần của tác giả khiến đám phê bình liên tưởng ngay đến một thực tế trái khoáy về một lòng suối cạn ngay gần kề con thác sục sôi phía thượng nguồn. Ngay cả những người từng đánh giá rất cao cuốn sách đầu tay của K cũng cho rằng K. đang hết hơi tụt dốc. Họ hời hợt đánh giá K. là một cây bút nông cạn và không đủ trường sức để có thể đi tiếp con đường chữ nghĩa. Có người còn mỉa mai rằng: bút của ông ta hết mực ngay trong lúc tuổi hẵng còn xuân. Trong khi tôi điên tiết đọc những dòng công kích nặng nề về văn chương của K. (đã xuất bản trước cả khi tôi biết đến ông) thì K. dường như không có bất kì một mảy may tự vệ. Thậm chí, trong một bài phỏng vấn ngắn về sự đoản mệnh đột ngột của cuộc đời văn chương, ông đã trả lời một cách buông xuôi rằng đời sống hôn nhân với đủ thứ lo toan đã ngốn cạn cảm hứng và thời gian dành cho viết lách của ông. Ông hài lòng với công việc bàn giấy ở một nhà xuất bản tư nhân chuyên xuất bản những sách vở kĩ thuật để bám trụ lại New York - thành phố ông có quá nhiều kỉ niệm để có thể rời bỏ. Tôi tin rằng, một trong những níu kéo tinh thần ấy là tình yêu đơn phương thơ mộng của K. với cô bạn gái người Ấn Độ mà ông đã kể rất thật và rất đẹp trong “Im lặng”. Nghĩ đến đó, tôi lại thấy tim mình nhói lên một nỗi xót xa. Giá mà tôi là cô gái ấy…
Tôi vẫn thường lướt tìm những khuôn mặt phụ nữ Ấn Độ và cố gắng hình dung ra người bạn gái K. yêu. Có lẽ cô ta có mái tóc đen giống tôi, có lẽ màu mắt của cô cũng nâu như tôi, hoặc cũng có thể là sẫm hơn… Thật ngớ ngẩn là tôi cứ tự so sánh mình với cô gái ấy trong tưởng tượng. Giá như K. đã miêu tả đôi chút về ngoại hình của cô ấy thì tôi sẽ chẳng quá mất công và chắc cũng thôi ngay được cái trò vận vào mình như thế. Đằng này, trong suốt câu chuyện tình đơn phương đắm đuối, cô gái chỉ được khắc họa bằng nụ cười với tất cả những cảm xúc hỗn độn mãnh liệt của ông nhà văn đa cảm. Tôi đã yêu K. như thế, mà nói đúng ra thì tôi yêu tình yêu của ông ta với cô bạn gái. Bỏ qua mọi tranh cãi về bút pháp của các nhà phê bình sau này tôi mới tìm đọc đến, câu chuyện của K. đã thực sự nhen lên một hạnh phúc trong trái tim mười lăm non nớt của tôi.
*
Sau hai năm sống trong cảm giác lạc loài ở trường đại học và không còn tìm thấy ai đủ kiên nhẫn nghe tôi nhắc thêm một lời nào về K, tôi táo bạo nghĩ đến việc viết thư cho chính ông ta. Không khó khăn gì để có thể tìm thấy địa chỉ email của ông. Tôi đều đặn viết email cho ông vào tối thứ 7 hàng tuần, thay cho việc đi hẹn hò với cậu trai trẻ nào đó. Năm emails đầu tiên không được hồi đáp không làm tôi nản chí vì tôi đã chuẩn bị trước tinh thần cho việc này. Tôi vừa hồi hộp chờ thư trả lời, vừa e sợ nhận được thư trả lời, vì tôi không rõ mình sẽ phản ứng thế nào. Tôi chỉ viết để bày tỏ những hiểu biết của mình về những nhân vật, những câu chuyện, những ngôn từ sống động của K. cho thỏa chí. Trên những câu chữ ấy, tôi đã “gặp” ông ta rồi và thực sự là tôi không có nhu cầu gì hơn. Thế nhưng, sau bức thư thứ sáu, K. đã trả lời tôi. Đúng ra là ông ta vặn vẹo tôi bằng một tá các câu hỏi, nhưng tôi cho chúng đều là dạng câu hỏi tu từ nhằm biểu lộ một nỗi kinh ngạc. Tôi có thể đọc thấy mồn một niềm hân hoan khó che giấu của K. đằng sau những câu hỏi dồn dập đó. K. không tin được là sau ngần ấy năm buông tay với văn chương, ông vẫn còn một độc giả như tôi - người vẫn luôn kí tên trịnh trọng sau mỗi bức thư: Độc giả trung thành của ngài.
Từ đó, chúng tôi trao đổi thư từ thường xuyên và luôn giữ chuẩn mực phép tắc giữa hai người chưa từng quen biết. Tôi không bao giờ tiết lộ bất kì điều gì về mình ngoại trừ cái tên, nhất là việc tôi đang sống trong cùng thành phố với K. Tôi hoàn toàn hài lòng với việc được trò chuyện với ông về văn chương qua thư từ. Với tôi, giao tiếp bằng chữ nghĩa là thứ giao tiếp vi diệu hơn cả. Vì lẽ đó, tôi thích sách và thích ở lì trong thư viện một mình. Tôi không có quan hệ tình cảm với bất kì ai. Tôi tự giải phóng những đòi hỏi của cơ thể bằng những cuộc làm tình trong tưởng tượng với chàng trai trong Im lặng. Quái lạ làm sao, câu chuyện tình thơ mộng và trong vắt không một vết gợn dục tính của K. lại mang đến cho tôi thứ khoái cảm tình dục đặc biệt. Những câu chữ kìm nén kích thích tôi lần tìm dấu vết của ngòi nổ để tự vỡ tung. K. không bao giờ biết đến những bí mật riêng tư ấy của tôi và nhân vật tự họa của ông cho đến một ngày, tôi đọc thấy mẩu tin về việc ông sắp ra cuốn sách mới sau nhiều năm bỏ bê viết lách. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện gặp K.
Tôi nghĩ đến lời K. trong một bức thư ông viết cho tôi, đại loại những độc giả như tôi khiến ông càng cảm thấy sự thôi thúc quay trở lại với nghề viết. Nếu điều đó là thật, thì có lẽ mấy năm trời viết email qua lại với K. quả là điều ý nghĩa nhất tôi đã làm suốt thời đại học. Tôi đã viết email ngay cho K. chúc mừng ông và hứa với ông rằng tôi sẽ đến gặp ông trong buổi ra mắt sách. Dù đã đoán chắc rằng tôi có dự phần vào sự quay lại với văn chương của K., tôi cũng không dám mơ đến việc K. viết lại cho tôi với những lời lẽ thế này:
“A. thân mến.
Bạn là một độc giả đặc biệt - một người đồng sáng tạo, một bạn đồng hành mà mọi nhà văn đều ao ước trong hành trình chữ nghĩa vốn cô đơn. Tôi chưa bao giờ kể với bạn điều này, ngày tôi nhận được bức thư đầu tiên của bạn là ngày tôi suýt nữa đã vứt bản thảo cuốn sách tôi đang viết dở vào sọt rác. Ngày tôi lần đầu tiên trả lời thư bạn là ngày tôi quyết định sẽ viết tiếp cuốn sách bằng mọi giá (kể cả một cái giá rất đắt là vợ tôi rời bỏ tôi sau nhiều năm chung sống). Tôi đã quá tự mãn để có thể nói với bạn ngay từ những ngày đầu trao đổi thư từ, rằng: bạn đã nâng đỡ tinh thần cho ngòi bút của tôi nhiều hơn cả chính tôi. Cảm ơn bạn! Tôi vẫn chưa có hân hạnh được biết bạn là ai, nhưng tôi mong mỏi được thấy bạn trong buổi ra mắt sách sắp tới của tôi ở thư viện H. Rất vinh hạnh cho tôi nếu chúng ta có thể ngồi trò chuyện cùng nhau về cuốn sách mới trong buổi hôm đó. Làm ơn cho tôi một địa chỉ để có thể gửi cuốn sách mới nhất tặng bạn - độc giả trung thành của tôi!
Thân ái.
K.
Đúng là sự đời khó lường, cuốn sách tôi hân hạnh nhận được từ chính K. lại là một thất vọng khủng khiếp của tôi. Nó là nỗi hổ thẹn cho cuốn sách đầu tiên. K. thay đổi hoàn toàn bút pháp, chuyển sang viết trào phúng với những lời lẽ chua cay mà tôi cho là không hợp với ông ta chút nào. Làm sao một ngòi bút thuần khiết như K. lại có thể đi chệch đường một cách khó hiểu như thế? Một bút pháp ngây thơ tuyệt đích như ông đã có trong cuốn “Im lặng” thì cần gì đến một bước ngoặt nào khác nữa? Tôi giận dữ vì cảm thấy ông ta đã tự phản bội chính mình, phản bội lại tôi. Sao K. có thể viết ra thứ văn chương nhảm nhí đến thế này sau bao nhiêu lời hay ý đẹp về thứ văn chương tuyệt vời chúng tôi đã nói với nhau?
*
Buổi ra mắt và kí tặng sách diễn ra tại thư viện H. của K. thành công ngoài sức tưởng tượng. Tôi không rõ liệu đám đông ồn ào kia thực sự biết họ đang tung hô cái gì hay K. chỉ là một miếng mồi ngon cho đám truyền thông ưa những chuyện giật gân? Riêng sự trở lại ngoạn mục sau nhiều năm im vắng của ông đã là một món hời cho báo chí. Đấy là chưa kể, sự trở lại ấy kèm theo những chi tiết đời tư dễ giật tít. Một ngòi bút vừa được phóng thích, chẳng hạn thế! Tôi đứng lùi vào góc cuối hội trường, mỉa mai nghĩ đến cảnh đám độc giả có thể còn chưa thấm hết vẻ đẹp của những trang viết cũ của K. (hoặc thậm chí còn chưa đọc chúng) đang xúm xít vào chồng sách mới dầy đặc những ngôn từ sa ngã.
Chín giờ tối, tôi thấy K. có vẻ mệt và bắt đầu lắc đầu từ chối trước cánh phóng viên. Khi đã vãn người, ông ta tiến tới chỗ tôi bằng những bước chân khoan thai, chậm rãi - những bước đi khiến tim tôi lạc nhịp. Ông nhướng mày nhìn tôi bằng đôi mắt màu tro rồi hỏi bằng một giọng từ tốn: Tôi có thể mời cô uống chút gì chứ, độc giả đặc biệt? À, không, độc giả khó tính chứ nhỉ? Ông kết thúc câu hỏi bằng một nụ cười tự nhiên đến nỗi tôi không thể chối từ, dù tôi đã tự dặn mình sẽ không vì tình yêu với K. trong “Im lặng” mà nhượng bộ cho ông ta về cuốn sách mới. Chúng tôi tản bộ đến một quán bar nhỏ cách thư viện vài dãy phố. Sau rất nhiều lần K. nỗ lực bắt chuyện với tôi mà tôi chỉ nhất mực im lặng, cuối cùng, trước khi bước chân vào cái quán đã bắt đầu đông khách, tôi quay sang ông ta, hỏi: Chắc ông vẫn còn đắc chí về sự thành công của buổi ra mắt sách? Có lẽ ông nên nhận lời phỏng vấn một tờ báo nào đó thay vì đi uống nước với tôi, vì tôi sẽ chẳng có lời khen nào dành cho ông đâu. K. cười sảng khoái, quay sang tôi, hỏi vặn: Thế cô nghĩ tôi gặp cô để nói chuyện về cuốn sách ư, cô bé? Tôi đã mời cô chính thức ở trong bức thư nhưng cô từ chối, thế là coi như cô mất cơ hội rồi. Khi đã ngồi yên vị trong quán bar ấm cúng với li rượu trước mặt, K. nhìn tôi chằm chặp, thốt lên: Chúa ơi, không thể tin được, tôi lại có một độc giả trẻ trung xinh đẹp nhường này. Cô đã qua 20 tuổi chưa, cô gái? Tôi nhoẻn miệng cười: Tôi đã ở vào cái tuổi mà ngài khởi viết những dòng đẹp nhất trong đời văn chương của ngài, thưa ngài K.
K. nhíu mày nhìn tôi: Ý cô là truyện ngắn “Im lặng”? Tôi gật đầu, lẩm bẩm: Ông viết truyện đó lúc 25 tuổi, tôi nhớ rõ. Hít một hơi dài, tôi nghiêm mặt nói tiếp: 25 năm trước, ông viết ra kiệt tác của đời mình, xây dựng bút pháp riêng biệt không trộn lẫn. 25 năm sau ngày đó, ông viết ra một thứ văn vẻ dở hơi mà tôi đồ là sẽ giết chết tên tuổi ông đã từng có. K. phá lên cười khi nghe tôi phán chắc nịch, rồi ông nhìn sâu vào mắt tôi, hỏi: Cô đến đây để tranh luận với tôi thật sao? Tôi lại nghĩ tôi sẽ được đóng vai cha xứ nghe cô xưng tội cơ đấy! Nào, cô bé, nói tôi nghe, cô đã yêu sách của tôi hay yêu chính tôi vậy?
Tôi sửng sốt cầm li rượu tu một mạch, tự thấy má nóng bừng trước đôi mắt nheo cười của K. Là K. - chàng trai nồng nhiệt trong “Im lặng” đây rồi. Tóc đã muối tiêu, nét mặt mệt nhọc những nếp nhăn uể oải nhưng vẫn toát ra vẻ gì đắm say, cuốn hút. Đêm đó, tôi không biết mình đã uống bao nhiêu li và đã nói những gì, chỉ biết rằng tôi đã vừa khóc vừa cười kể lể cho ông nghe về tình yêu năm 15 tuổi của tôi với anh chàng trong “Im lặng” - chàng K. thời tuổi trẻ. Rồi chúng tôi cùng về căn hộ của K. trên tầng áp mái một chung cư nhìn ra hướng Công viên Trung Tâm. Khi bước vào nhà, tôi nói với K. rằng đã có biết bao nhiêu buổi chiều mùa thu tôi tha thẩn trong công viên, nhìn ngó chung quanh cố gắng kiếm một cái cửa sổ, thầm tin sau cánh cửa sổ ấy có bàn viết của ông. K. dắt tôi đến bàn viết, đúng như tôi đã hình dung, đó là một cái bàn gỗ giản dị không lớn lắm, nằm kế bên khung cửa sổ mở rộng cánh rèm. K. bế bổng tôi lên, đặt tôi ngồi trên bàn rồi ôm lấy khuôn mặt tôi bằng đôi tay giá lạnh và hôn. Tôi không cưỡng được K., dù tôi vẫn tin, giao tiếp bằng chữ nghĩa là giao tiếp đẹp nhất. Ngay giữa những giây phút si cuồng ấy tôi vẫn tự nhủ mình: chữ nghĩa vẫn là chất keo gắn kết chúng tôi trong mối giao tình này. Chúng tôi đã ôm ấp ngay trên bàn viết của ông - nơi chữ nghĩa của K. được sản sinh và gieo rắc nhớ thương từ nhiều năm trước. Tôi đã kêu lên: hãy gọi em bằng tên của cô ấy! K. kinh ngạc nhìn tôi, thốt lên: Em thật là điên rồ! Hãy quên các nhân vật của tôi đi! Trong căn phòng này chỉ có tôi và em - một đàn ông và một đàn bà, hiểu chưa? Tôi vừa thở hắt vừa nài nỉ K. hãy coi tôi như cô gái Ấn Độ ấy. Rồi tôi cuống quýt hỏi: hay tại em không đẹp như cô ấy? Cô ấy có mắt màu nâu phải không? Tóc cô ấy đen và dài chứ? K. cúi xuống hôn vào tai tôi, thở ra một hơi thật khẽ: Không có ai giống em, tin tôi đi! Ông dìu tôi nằm xuống, rồi cả hai chúng tôi cùng thiếp đi trong cơn say tình.
*
Sáng nay thức dậy, câu đầu tiên tôi đã nói với K. là: Cảm ơn anh đã cho em mãn nguyện khát khao được là cô gái ấy, được anh yêu hết mình đêm qua! K. mỉm cười nhìn tôi trìu mến: Em vẫn tin những nhân vật ấy có thật? Nếu tôi nói họ chỉ có trong tưởng tượng của tôi thì sao? Đêm qua, không phải là chàng trẻ trai nào khác mà chính tôi đã làm em mãn nguyện, cô bé ạ! Tôi không tin vào những gì mình vừa nghe, thảng thốt hỏi lại K. bằng một giọng nhẹ bẫng, thất thần: ý anh là sao? Là không ai có thật, cả nhân vật tôi tuyệt vời ấy, cả cô bạn gái người Ấn Độ và tình yêu đơn phương lãng mạn của anh ta? Thế còn những chữ in nghiêng ở cuối câu chuyện ấy thì sao? Anh đã nói…
K. khóa môi tôi bằng một nụ hôn, thầm thì: Chúa ơi, sự ngây thơ của em đáng giá ngàn vàng, em biết không?
Tôi im lặng tái tê bước vào phòng tắm. Trong gương, tôi thấy một cô gái xinh đẹp, kì quặc và sa ngã.
*
Gửi K.
Em xin lỗi vì đã trốn tránh anh sau đêm hôm đó. Anh nói anh yêu em, anh chắc chứ? Còn em, em không chắc là mình có yêu anh không hay chỉ đang sống trong một ảo tưởng em tự vẽ nên từ thời mới lớn. Đã đến lúc em phải bước ra đời sống, học lại từ đầu. Em đã quyết định sang Việt Nam làm tình nguyện viên cho một tổ chức quốc tế. Em muốn anh giữ cuốn sổ này, coi như đó là một kỉ niệm giữa hai ta - một người đọc sa ngã và một người viết sa ngã. Em vẫn giữ quan điểm của em về cuốn sách mới nhất của anh. Đó là một cuốn sách sa ngã. Nếu còn cầm bút, xin anh hãy viết những gì tươi đẹp như đã từng, anh nhé!
Tạm biệt anh,
Độc giả trung thành của anh.
A.
*
Lời người biên tập: Đây không phải là một truyện ngắn. Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, kì thực là một ghi chép cá nhân của một cô gái tôi vừa nhận được từ K. Theo lời K, tôi cứ đọc những ghi chép này thì sẽ hiểu, tại sao ông lại đột ngột quay về bút pháp từ thời đầu tiên cầm bút trong cuốn sách mới.
Tôi đang là biên tập viên cuốn sách mới nhất của K. - một cuốn sách theo tôi là kì quặc và sa ngã, so với cuốn sách trào phúng sâu cay ông mới xuất bản hồi năm trước. Trong lúc biên tập, tôi luôn viết thư quấy rầy ông với vô số câu hỏi. Khác với sự hồi đáp sốt sắng vui nhộn của những lần trước, lần này, ông hoàn toàn im lặng. Mãi đến khi tôi gần như cạn kiệt kiên nhẫn chỉ ngày ngày hỏi vào không khí, ông mới gửi cho tôi bản copy của một bản thảo viết tay có nét chữ con gái với một câu nhắn gọn lỏn: cô đọc đi, cuốn sổ ghi chép của cô gái này có tất cả những câu trả lời mà cô muốn biết.
Tôi đọc, và tôi vỡ lẽ. Hóa ra, cuốn sách sắp in của K. là một trả lời cho những câu hỏi cô gái ẩn danh kia đặt ra trong những ghi chép riêng tư của cô. Chúng là một cặp - một tương tác tuyệt vời của mối quan hệ căn bản nhất trong văn chương nghệ thuật: nghệ sĩ và công chúng.
Giờ thì tôi đã lờ mờ hiểu ra căn nguyên về ý tưởng kì cục của K. cho trang bìa cuốn sách: bìa đen và không có bất kì chữ nào. Đó sẽ là một cuốn sách không có tựa đề. Tôi nghĩ nó là một cuốn sách xinh đẹp và kì quặc. Rồi bạn sẽ thấy, khi nhận ra nó trên một giá sách nào đó một ngày không xa.
N.T.T.L
(TCSH339/05-2017)