LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Dưới cơn mưa sơn cước tầm tã, Hòn Đá Thiêng cheo leo bên sườn núi tự thiên thu kể cho già bản Thào A Phạ nghe, chuyện rằng:
Họ biến tiên tổ ta làm trâu ngựa, cổ đeo xích, đeo cùm. Họ bắt ta làm lính thú, chết thay họ nơi sa trường tanh tưởi. Đại triều ơi đại triều, lòng lợm không bằng con thú. Pú chết, mồ côi, con hát: “Trâu măng uống nước, trâu măng tự mọc được sừng. Mồ côi không chết, mồ côi có đôi bàn tay cần cù. Mồ côi tự làm ăn. Mồ côi sẽ lớn lên*”. Dân ta đi, trăm núi cũng leo ngàn sông cũng lội. “Những người trồng mạ non” sẽ lớn lên, ruộng bậc thang vươn đến đỉnh trời, lúa vàng chín dát núi. Mồ côi không chết, người Mèo không chết. “Người Mèo ta cũng có quê, quê ta Mèo Vạc”.
*
Sương xuống nặng, trắng bạc cả thung lũng Tẩn La, làm nhòa đôi mắt Thào A Phạ một thời sắc như dao Mèo dõi khắp xứ sở cao nguyên đá. Thằng A Lủ đầu đội chiếc mũ tròn bằng vải lanh, gồm tám miếng vải khâu ghép, đi lẩn trong mù, trong làn hoa phớt tím mơ mộng cả thung lũng. Chiếc gùi sau lưng nó đã gần đầy thứ quả hình cầu chín, màu vàng xám, cuống phình to ra, đỉnh quả núm nhô lên như đuôi lồng đèn. Bàn tay A Lủ hái quả thoăn thoắt, thoáng cái vặt trụi cả một khóm dày. Vín đi sau lưng chồng, áo chàm dính cỏ khô, xà cạp bết bùn nhầy, dù mới sinh dậy được hai tháng cũng ngược xuôi giữa nương anh túc, thỉnh thoảng ngó ngang ngó dọc đề phòng người lạ. Thào A Phạ tập tễnh bước qua những gờ đá, miệng luôn mồm gọi con: “A Lủ ơi, có muốn làm người tốt không A Lủ ơi!” Hai vợ chồng cậu trẻ dường như chẳng nghe tiếng bố, mặc, cứ hái cho đã tay cho đầy gùi, gạo dưới ngã ba Khứa đang chờ, thịt dê núi, Mao Đài tửu thằng Hạ chực tặng đang chờ nốt chuyến hàng, cả đám người mù mịt ngoài kia đang chờ cơn khói, mặc. Thằng Hạ ấy bao giờ cũng trả tiền nhiều hơn các lái khác lại còn khen vợ A Lủ đẹp nhất Tẩn La, A Lủ được Giàng thương thật đấy. Thào A Phạ đến gần lắm rồi, cận gùi A Lủ: “Có muốn làm người tốt không A Lủ ơi”. Vừa nói, Thào A Phạ khó nhọc vịn tay lên gùi A Lủ, chụp được một nắm quả vứt sồ trước mặt, gậy cụ phang bừa bãi vào hàng cây quả kết như những quả chùy vươn lên giữa mù sương. A Lủ thét: “Muốn làm người tốt nhưng không muốn làm người đói. Bố về đi...”. “Ma xấu bắt hồn mày rồi A Lủ ơi” - Thào A Phạ gào vào tai con, như đâm thấu những bông hoa tím gúc gắc. A Lủ vung tay gạt gậy bay xuống vực, Thào A Phạ ngã chúi chùi suýt ấp mặt xuống đất ướt, cũng may cô con dâu kịp níu vạt áo bố chồng. Một tay cụ chỉ mặt A Lủ: “Mày... mày... có phải là con tao, con Thào A Phạ không!”
Thào A Phạ đứng dậy, lậm khậm bò lên con dốc cao, tay bấu lấy đá trơn, leo mãi cho đến khi lên đến Sừng Trời thì dừng lại. Nắng chạy qua núi, sương tản từng ô. Thào A Phạ ngồi cheo leo trên gờ đá, nhìn xuống thung xa. Tẩn La dưới kia, bát ngát xanh và những dải tím trắng của loài cây ác nghiệt ôm lấy bụng núi. Sau lưng Thào A Phạ, mộ của Phìn, Dớ, Pử đá tấp đống đen lạnh. Ngọn gió bên kia tạt sang, nghiêng ngả những bông hoa tớ rảy thắm đỏ.
Phìn, Dớ, Pử ơi, mình làm gì cũng không thoát khỏi cái bụng của họ. Chúng mày yên nghỉ đây có buồn với Tẩn La không. Súng nổ cũng nguôi rồi, sóng xấu vẫn còn sang. Tao thương con cháu, thương Tẩn La nhưng chỉ biết gào, gào mãi thôi. Giá như tay tao còn mạnh, chân tao còn rắn như hồi trên chốt. Tao già mất rồi Phìn, Dớ, Pư à. Giờ tao ghét cay ghét đắng thằng Súa họ Lý ngày nào xông xáo ấy, giờ nó bán hồn nó cho ma xấu rồi, suốt ngày nằm ở buồng nhà phì phèo thôi. Buồn quá bọn mày ạ!
*
Đá Thiêng lại kể:
Họ đốt chữ của tiên tổ ta. Dân ta mù chữ như hổ mù màu. Đất ta không biết của ta, nhà ta không hiểu nhà ta. Bụng họ xấu, họ đuổi ta đi khỏi đất ta, nhà ta thành chuồng trâu, chuồng ngựa. Dân ta ăn mày, dân ta mồ côi. Dân ta bỏ đi, họ lấy đao chặn lại. Qua đây rồi, ở trên non cao, họ mang quân tới đánh. Núi che ta, rừng nuôi ta. Bụng họ xấu hơn hổ, núi ăn họ, rừng nuốt họ. Leo cao, cao nữa lên, lên trời mới chạy khỏi tầm với của đám đói ăn, đói quyền, nghèo đức.
*
Mây chiều từ phía đông tràn vào Tẩn La như một dòng sông khói, cuồn cuộn xóa sạch dấu vết của cây của núi. Mộ của Phìn, Dớ, Pư thoáng chốc biến mất trước mắt già bản họ Thào. Ông cụ thôi nói, dò dẫm từng bước chân xuống núi, về nhà. Mà cũng chẳng về nữa, chán cái thằng A Lủ, chỉ biết bù khú với thằng Hoa mắt xếch xấu nết, nhìn đã không ưng bụng. Đèn trong bản đã thắp sáng lên. Đây đó tiếng người hò hát chén tỉnh chén say. Cụm nhà lão Súa, khói bàn đèn xông lên. Chẳng biết đâu là khói thuốc đâu là sương. Sông mây chảy qua bản lướt thướt dưới chân, cái lạnh thấm thịt bủa lấy chân rồi lan ra khắp người. Thào A Phạ bước vào nhà Súa. Thằng Mủi với người bản đang làm “thuốc sống”, mặt dưng dửng. Lão Súa nằm bên bàn đèn, mắt lim dim. “Đã lâu không thấy mày sang?, thằng A Lủ xem chừng tháo vát đấy”, Súa chào lời. “Làm một chút khói đi ông đội trưởng, ha ha”. Súa nói giọng lạnh như hồn ma. Thào A Phạ nhìn chằm chằm vào Súa: “Đáng lẽ Giàng nên để thằng Phìn, Dớ, Pử sống thay mày. Tao không có thứ đồng đội mồm cáo như mày. Mày như măng rừng mọc ngược”, Thào A Phạ phang ngay, giọng bực tức. “Ối ôi, đạo đức làm gì, mau mau, vào đây hưởng chút tiên đi đồng đội ơi. Mày có biết vì sao ta ở trên đỉnh Sừng Trời này không, trên non cao gió hú mây che nắng này không?” Thào A Phạ im lặng, khinh khỉnh nhìn lão Súa nằm như con cá ngáp bên suối khói.
Xưa, cụ Tổ ta chạy đua với các tộc người khác để giành đất sống. Phìii. Trong suốt quãng đua, xuất sắc thay ông luôn là người dẫn đầu. Phìii. Gần về đích, đúng chỗ đến các đỉnh núi, thật trớ trêu ông bị trượt ngã gãy chân, đành yên một chỗ. Phìii. Đã quá! Cú ngã định mệnh đã khiến dân ta sống mãi trên non cao thăm thẳm như thế này đây, hố hô, cụ Tổ Mèo ơi là cụ Tổ Mèo. Tôi trách cái cụ Tổ họ Mèo nhà mình. Phì phì…”. Thào A Phạ vẫn đứng trước cửa nhà Súa, tay chống vào cột “Không có cụ Tổ thì đã chẳng có mày. Đồ suối bẩn!” “Ha Ha, nếu là Súa này, Súa sẽ ngồi ngay vào bàn đèn, châm lửa, thu khói, phút chốc mà Mèo hóa rồng, hổ mọc cánh, chân gãy thành chân lành cứ thế mà xốc xáo với chúng, đất màu đất mỡ về ta, có đâu đá sỏi thế này. Ha Ha”.
Thào A Phạ tức lắm, máu nóng dồn lên mặt: “Mày không còn là người nữa Súa à? Tao xấu hổ quá, xấu hổ với anh em, với tiên tổ quá!”
“Thào A Phạ ơi, mày chẳng hiểu gì. Mà thôi, ở đâu có cây anh túc sống được thì ở đó có người H’Mông nhà ta, biết không? Dù sao cũng tạ ơn cụ Tổ đã cho tao ở đây, trên núi mây này. Ha ha ha!” Súa kể thêm: “Tao muốn chạy theo giúp cụ Tổ lắm, chỉ một cơn khói thôi!”
Thào A Phạ buồn bực bỏ về, trước khi đi, nói: “Rồi đám khói kia sẽ nuốt đời mày thôi Súa à”. Thằng Mủi nghe thế bụp miệng cười. Bộ bàn đèn trước mặt Súa ngập ngụa khói. Súa lên tiên rồi. Cụ Tổ đàng kia, đang hì hục chạy vượt lên mỏm dốc. Một đoàn người đủ màu da, sắc áo chạy quáng chân đằng sau. Mồ hôi túa đầm đìa người cụ Tổ. Bắp chân săn chắc, sải chạy dài, nhanh nhẹn vượt qua những chướng ngại, bỏ xa đoàn người đang vận hết tốc lực đằng sau. Súa ngồi trên đám khói nhìn cụ Tổ, thấy vui. Bỗng dưng cụ ngã kềnh ra đất, nhằm ngay cái đỉnh y như đỉnh Sừng Trời để ngã. Ôi thôi cụ ơi, chân cụ ngắc nghệu như đốt măng gãy. Gã to kềnh mặc áo xá xẩu chạy lên trước, cố dẫm lên cái chân đau của cụ, nghe thêm tiếng rắc rõ to. Đau quá, cụ hét lên. Rồi đám người đông đúc lần lượt bước qua cụ thi nhau về đích. Súa lúc bấy giờ bay xuống, đưa bộ bàn đèn trước mặt cụ, châm khói. Cụ hít đi, sức lực dồi dào, núi đèo vứt hết. Cụ tổ ngơ ngác nhìn “ông thần khói” từ trời xuống. Chỉ cần cụ Tổ hít, chân sẽ liền, sức sẽ mạnh, cụ phải về đích mà giành lấy đất màu cho con cháu. Cụ đưa ống lên miệng như Súa làm. Ôi, xong, lịch sử sang trang, ta về đồng bằng ở. Đoàng! Đoàng! Cụ tổ đánh rơi ống, Súa đánh rơi ống. “Thằng Hoa mang người về bản đòi hàng!” Súa lật đật đi ra, mây xộc vào nhà rét cóng.
*
Thào A Phạ buồn lắm, lại tìm đến Hòn Đá Thiêng, ghé tai vào đá, đá kể:
Núi chồng núi, dựng lưng chừng trời ngăn dòng thác người gồng gánh di thê. Địch quân dồn trống đuổi, nộ khí như mây đen bao phủ miền sơn cước. Dao Mèo bạt rừng, chém núi. Chân Mèo làm đá cứng phải mềm, núi cao phải thấp. Chân Mèo đi, chạy, leo, trèo lớp lớp, đoàn đoàn qua núi, qua khe. Không biết mỏi, không biết mệt, không biết đau, chỉ buồn, chỉ hận, chỉ tủi. Trước mặt là núi, sau lưng là núi, bốn bề là núi. Phía trước là... đất hứa. Đồn rằng, ánh sáng nơi ấy có màu hồng, loài mưa thì trinh suốt và cây thơm như tẩm hương trời. Dân Mèo phải đi xa, thật xa, thật nhanh. Đất hứa.
*
Đoàng... Đoàng...
Mù phủ kín xuống lèng đá, mọi thứ mù mịt, đây đó nhô lên từng chóp đá đen, ướt đẫm. Từ trong hang nhìn ra con đường mòn đã mất lối, trắng xóa mù sa. Những bóng mờ bắt đầu xuất hiện, giày ba đinh, súng CKC, K-56 lăm lăm trong tay xăm xăm băng lối. Thào A Phạ nhớ đôi mắt hoảng sợ thất thần của Phìn khi chạy vào hang. “Họ tới rồi, súng nhiều lắm, chạy đi không thành ma mất!” “Ai cơ?”, Thào A Phạ dụi mắt. “Bọn quấn xà cạp!” “Sao, hôm qua còn vào bản xin cỏ về cho ngựa cơ mà. Chẳng phải tuần trước mới đá bóng giao hữu biên giới với tụi mình sao?!” Thào A Phạ vò đầu không hiểu. “Không biết, chỉ thấy đầy lính trong đường mòn, tiến nhanh lắm”. Thào A Phạ gỡ chăn ra, xỏ giày vác súng ra khỏi hang, Phìn, Dớ, Pư, Súa chạy theo. “Toàn giày 3 đinh. Bọn này quen đánh trận trên núi, lẩn như sóc, thoắt ẩn thoắt hiện. Lính sơn cước. Lạ nhỉ? Vào đây làm gì. Ôi có cả đoàn xe K63 nữa. Thôi chết, động binh rồi còn gì. Phìn đứng bên nói. Dưới bản Pàn nghe tiếng súng nổ đùng đoàng. Giày 3 đinh đang tủa ra chạy vào thung lũng Tẩn La nhà mình. Có tiếng người la hét. Thào A Phạ tỉnh hẳn người. Đoàng... Đoàng... Lợn kêu như chọc tiết. Đoàng Đoàng. Chết! Chết rồi! Máu! Máu! Chặn họ lại đi, có súng, có dao Mèo.
*
Mây lùa qua núi, lẩn trong mây bóng một ông già bản dựa mình vào Hòn Đá Thiêng, mắt đăm chiêu nhìn bóng trắng.
Đoàn người thiên di đi trong cơn đói, khát, bệnh, chết. Những người già hát: “Con quạ không có nơi đậu. Người Mông không có quê hương...”. Dao cùn, Chân mỏi thì Miêu tộc đã ngự trên đỉnh cao nguyên đá. Địch quân bỏ lại đằng sau, chửi bới vang trời. Ta về miền đất hứa, bạt núi làm ruộng, bạt đất làm đường, ngô, lúa mọc lên, Nam phương mở cõi. Lúa đầy nhà, ngô đầy bếp thì họ sang, nào chém, nào giết, nào cướp, nào hiếp. Tổ tiên ta vào rừng, dao Mèo sắc lắm.
*
Vợ A Lủ dỗ con ngủ, thỉnh thoảng nhìn sang bố chồng Thào A Phạ đương ngồi nhìn chăm chăm vào bếp lửa rực than hồng.
Chim về ngàn yêu thương,
Con ơi ngoan con ngủ hỡi con
Ơi con ngủ ngàn lời yêu thương với đời con
Chập chùng ngoài xa đêm đêm nghe tiếng rừng vọng nơi đây
Ru hỡi ơi, ru hỡi ru ơi.
Quả ngô nướng đã cháy, mùi khét khắp nhà. Bố chồng ngồi im như tượng, không nói, không cử động. Vợ A Lủ nhìn ra đường mù mịt mong bóng chồng. A Lủ đi uống rượu với thằng Hoa, hôm nay hàng giao lãi lớn. A Lủ sinh ra chẳng biết mẹ chết trong lửa. Họ đốt bản, đốt nhà, đốt nương mình A Lủ ơi. Giờ họ xông khói đời con, làm kiệt dòng giống Mèo một thời băng rừng đạp núi. Con đi đâu họ theo đó, thân bố già chỉ làm phiến đá mốc con ngồi.
“Bao giờ thì chặt hết anh túc? Nhiều người chết lắm rồi. Chúng mày không phải con tao”, Thào A Phạ hỏi vợ thằng A Lủ.
“Gạo hết rồi bố ơi. Muối cũng cạn rồi. Không có anh túc lấy gì mà ăn!”, vợ A Lủ nói trong nước mắt. “Thằng Nặm đang bệnh, bố có tiền mời lang, mời mo không? Sao bố không đi theo A Lủ mang tiền về?”
“Đất còn đó, nước còn đó. Tao ăn gạo tao trồng, ngô tao chăm. Mai đem thằng Nặm lên huyện, tao là cựu chiến binh cơ mà!”
“Bố ơi, gạo không đủ no, ngô không đủ vụ. Cả Tẩn La này đói triền miên bố không thấy sao!”
“Đói, đói nhưng đừng ở dơ con ơi!” Thào A Phạ bực mình bỏ ra ngoài, đi trong cơn mưa bắt đầu nặng hạt xuống Tẩn La.
Lát sau thằng Hoa hớt hải đến: “A Lủ uống rượu với tôi thì có đám người cán bộ dưới huyện lên bắt rồi. Mau theo tôi đi cứu anh ấy!” Vợ A Lủ chết sững như con trâu nghẹn cổ uống nước bùn. Bỏ con, bỏ nhà chạy theo thằng Hoa đi tắt qua đường núi cho nhanh. Vợ A Lủ đi mãi, đi mãi chẳng thấy huyện đâu, đến sáng thì qua biết bao nhiêu núi đồi, hỏi Hoa nó bảo: “Sang nhà tao hẳn hay!” Trước mặt vợ A Lủ, một con phố nhỏ đầy người nói thứ tiếng như nước suối dồn lũ, nhìn các biển hiệu ghi chữ như que củi ghép lại. “Đất tao đấy! ha ha”. Rồi hắn bắt tay bạn bè, chỉ vợ A Lủ bảo: “Quà tao mang về đây!”
*
Họ bắt vợ của dân ta làm tỳ, làm thiếp. Họ lấy mạng đàn ông của dân ta như lấy mạng ruồi kiến. Đại triều mạnh lắm, đại triều hung hãn, chẳng biết nhường nhịn cho ai. Người Đại triều như sông dữ, người Mèo ta như con suối. Suối chảy về Nam, Nam phương một cõi yên bình. Rồi ta sẽ xây nhà như to hơn nhà họ, dân ta sẽ giàu hơn đại triều. Đi thôi, đi thôi. Đến đây... đến đây.
*
A Lủ ngủ dậy chẳng thấy Hoa và người nó đâu. Cả người vẫn còn vương mùi Mao Đài tửu ngật nghệu. Về nhà, vợ A Lủ cũng đi mất, bố cũng đi mất. Thấy A Lủ về hàng xóm hỏi: “Không phải A Lủ bị cán bộ bắt rồi hay sao? Vợ A Lủ theo thằng Hoa đi tìm A Lủ đấy!” A Lủ choáng váng. Hàng thằng Hoa đã lấy, hôm qua nó bảo sáng nay sẽ gửi tiền, giờ nó không gửi lại còn bắt vợ A Lủ. A Lủ đau đớn ngồi tựa xuống cột hiên. Thằng Nặm trong nhà đói bụng khóc lu loa. A Lủ vầy đầu, bứt tóc. Thào A Phạ chống gậy về, A Lủ nhào ra đường chạy mãi về hướng Bắc.
*
Mặt đá thiêng nơi Thào A Phạ dựa vào, sau nhiều ngày lộ ra bức họa cổ. Già bản nheo mắt nhìn. Tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang khắc trên đá, đẹp hùng vĩ như tranh.
Cuốc. Xới. Nước trên nguồn đổ về. Nước réo đêm ngày. Nước ngủ trong ruộng. Nước cười nước vui. Lúa mở mắt. Lúa vươn xanh. Ruộng bậc thang leo mãi lên mây. Người Mèo ta là vua đỉnh trời.
*
Thằng Mủi con lão Súa dắt hai con ngựa, hai người bản chở hàng qua bên họ. Hàng nhà lão Súa có tiếng thơm, phê hơn các nhà khác ở Tẩn La. Mủi bao giờ cũng rủng rỉnh tiền, Mao Đài tửu chật gian bếp. Vì hàng gấp, Mủi không cần đợi bạn hàng ở ngã ba Khứa mà dắt ngựa đi băng qua núi. Núi biên cao ngút mắt, đứng ở chân chẳng thấy đỉnh. Mủi đi đêm đi ngày thì đến chốt cũ thời họ muốn giành, giờ chỉ còn cột mốc biên gần đó. Mủi dùng dao Mèo đi trước phạt cỏ choáng đường, hai người bản dắt ngựa đi sau. Chuyến này về Mủi sẽ tậu thêm váy cho vợ, mua thêm xe đạp cho oách với dân bản. Mũi vừa tới chốt mới phạt được mấy cành bụi trước mặt. Uỳnh! Mủi bay như thân anh túc hết mùa vứt bên bờ nương. Mủi đau đớn bò lê trên đất, nước mắt giàn giụa, lấy hết hơi tàn để thi thoảng lào khào vài tiếng kêu cứu. Hai người bản đi sau chạy tới, Mủi ngất trong vũng máu. Mủi được người bản đưa về nhà, lão Súa thấy con được khiêng về, máu dồn lên tim, ngã xuống bàn đèn, nói không thành giọng. Sau, lão Súa nhờ người lên chốt tìm cái chân bị mìn tiện, lấy mấy bao hàng về. Người bản lên tìm thì còn thấy chân, hai bao hàng sơ chế thì mất tăm. Súa nghe tin uất thêm, nhưng rồi cũng bảo người nhà quấn cái chân thằng Mủi trong giẻ, nong nó lên gác bếp. “Có cái chân cho nó để sau này khi về với ông bà tổ tiên, thằng Mủi mới mang chân hoàn nhập cùng thân xác”, lão Súa cay đắng nói. Thằng Mũi từ đó nhét một chân vào một chiếc ống bương, lọc cọc lê lết đi lại trên con đường trước nhà nó.
Thào A Phạ cõng Nặm sang nhà lão Súa: “Súa ơi, thối không gì bằng phân, gian không gì bằng Hán”. Súa ngậm ngùi nhìn xuống thung lũng Tẩn La, anh túc nở tím mênh mông, Súa lộn gan lộn ruột ngửa mặt lên trời. Mủi nằm bên bếp, trời lạnh, chân đau, Mủi rên hừ hừ. Thào A Phạ nhét vào tay Súa một ống nứa nhỏ, bảo: “Thuốc đắp vết thương mau lành, ông lang bên Xín Mần cho tôi ngày trước. Lấy mà đắp cho thằng Mủi. Thằng Mủi còn may mắn trở về, vợ chồng thằng A Lủ nhà tôi cả tuần nay không biết sống chết ra sao nữa”.
*
Thào A Phạ cõng Nặm cùng ngồi kể với Đá Thiêng.
Năm ấy họ sang, Sừng Trời mây đen ròng một tháng. Nhà nhà bị thiêu trụi. Nương bị đốt, lợn bị bắn. Đèn dầu hỏa, vại dưa, chum nước, cối đá... bị đập vỡ tan tành. Dao bài giắt ở vách bếp cũng bị chặt vào nhau cho nát lưỡi. Giếng nước lựu đạn tống tanh bành. Suối đầy thuốc độc. Chuyện ấy Phìn, Dớ, Pư, Súa và Thào A Phạ này biết, còn nhớ, nhớ kỹ, nhớ sâu lắm Đá Thiêng ơi.
*
Trên đỉnh sừng trời nhìn xuống Lìm Mông lúa chín vàng rực, những nếp nhà úa màu trong mưa xám nổi bật lên giữa sắc vàng. Mây đen cuộn trên đầu, dồn ứ lại một khối lớn trên đỉnh trời rồi rỉ rả mưa. Thào A Phạ lặng im ngồi giữa nhà nhìn xuống thung lũng trắng xóa. Mưa bay qua hiên làm ướt những cánh hoa đào bên hông cửa. Xác hoa rụng tơi bời, theo dòng nước dàn trôi một dải hồng ra tận cổng, chảy xuống đường cái. Bát rượu ngô đưa lên miệng, một hơi, men ấm tỏa khắp người. Hàng rào đá bây giờ nổi rêu cam, mọc tròn quanh lỗ châu mai lần đánh nhau với họ. Tiếng súng vẫn còn nổ bên tai đau nhói. Thào A Phạ nhớ khẩu súng kíp, nhớ con dao Mèo sắc lém nhìn lên tường dát ván pơ mu. Súng kíp đã nộp cho chính quyền, dao Mèo còn giữ lại. Súng kíp bắn được giặc, dao Mèo cũng chém được giặc. Một sức mạnh đẩy ông đứng dậy, bước thẳng đến tường rút con dao Mèo rồi xăm xăm xuống thung lũng.
“Tao đi chặt, chặt hết!”
Người Tẩn La chạy ra đường xem. Thào A Phạ cởi trần, tay vác con dao Mèo sắc nhất vùng, xăm xăm lên nương anh túc. Thằng Nặm chập chững nhìn ông hớn hở.
Thào A Phạ chém hết nương anh túc của vợ chồng A Lủ. Nhổ sạch không còn một mống. Hôm sau, già bản gửi Nặm lại, đùm cơm leo lên đỉnh Sừng Trời ba ngày ba đêm. Khi Thào A Phạ về Tẩn La, về đến đâu, nước réo rắt chạy theo chân ông đến đó. Nước theo ống bương chảy vào nương A Lủ lênh láng và tươi mát như dòng sữa trời. Thào A Phạ lấy những cây cuốc gỉ ra xới đất ruộng tơi mềm như mèn mén. Thào A Phạ bỏ Tẩn La một ngày nữa lên huyện đem bao giống về. Bây giờ là tháng 4, mùa nước đổ đấy bà con ạ. Mạ gieo, mạ lên xanh, xanh khắp nương A Lủ. Mạ xanh đến đâu, Thào A Phạ vàng người đi đến đó. Lão Súa ra thăm nương không còn nhận ra Thào A Phạ. “Mày còn sống đến ngày hôm nay thì gắng làm người đi chứ!”, Thào A Phạ nói. Súa im lặng. “Mày và tao đã giữ chân họ 1 tuần. Phìn, Dớ, Pử vì đất mình mà chết. Thào A Phạ này đạn còn nằm trong chân, trong bụng. Chỉ có Súa mày còn nguyên vẹn nhất cả đội du kích xã ta thôi”. Rồi Thào A Phạ dẫn Súa ra Hòn Đá Thiêng. Hôm sau, cả Tẩn La theo Súa ra Hòn Đá Thiêng. Mủi cũng tập tễnh ra Hòn Đá Thiêng.
Nước vẫn còn đổ. Lão Súa cũng vác dao Mèo ra nương anh túc nhà mình. Người Tẩn La vác dao Mèo đi ra nương anh túc nhà mình. Mủi cũng cà thọt vác dao Mèo ra nương anh túc nhà mình.
Chặt! Chặt!
Nhổ!
Đốt!
Cả nương anh túc cháy ba ngày trời. Đứng xa hai ngày đường vẫn thấy khói từ Tẩn La bốc lên trời cao.
*
Đá Thiêng như muốn ôm Thào A Phạ vào lòng. Thào A Phạ lạnh lắm.
Thào A Phạ làm họ sợ nòi giống mình. Thào A Phạ là anh hùng. Thuốc đen đã triệt. Lúa đã lên xanh. Thào A Phạ ngủ đi. Nắng chiều vàng non khơi. Bên lửa hồng ai đón chờ người năm xưa. Mẹ A Lủ đó, họ không bắt được mẹ A Lủ đi đâu, không ai bắt người Mèo mình phải đi đâu. Người Mèo ta cũng có quê, quê ta Mèo Vạc. Họ không thể ăn hết đất của mình. Lúa đã lên xanh, lúa sẽ chín vàng, Thào A Phạ ơi, ngủ ngoan ngủ ngoan!
*
Vợ chồng A Lủ dìu nhau về Tẩn La, chẳng còn nhận ra Tẩn La nữa. Ruộng bậc thang trải dài từ trên cao xuống tận thung lũng như dấu vân tay trời. Ruộng bám trên sườn núi, ruộng chạy dọc triền suối, ruộng ngự đỉnh Sừng Trời rồi mất hút trong sương mây. Những vệt nắng nhảy xổ xuống khoảng ô mây hẹp chiếu rực một vùng lúa chín làm nhòa mắt A Lủ.
Về đến nhà, Nặm chạy ra ôm chân bố mẹ khóc. “Ông đâu rồi hỡi con!”, A Lủ hỏi. Nặm gạt nước mắt dẫn bố mẹ ra Hòn Đá Thiêng, cạnh đó một đống đá úa đen, im lìm ngủ giữa mưa mù. A Lủ lấy khèn ra thổi, tiếng khèn khóc với Sừng Trời, với mây, với gió. Mưa xuống, lần đầu tiên ở Tẩn La, người ta ngửi được mùi của mưa. Mưa thơm hương trời, mưa thơm lúa chín, thơm như lời tổ tông ngày tìm về đất trồng mạ non.
Nhớ mùa vàng Mù Cang Chải
L.V.T.G
(TCSH339/05-2017)