Truyện ngắn
Những nụ cười bị đánh cắp
08:53 | 19/07/2017

LÊ THỊ KIM SƠN

Đừng có cười nữa, đừng có cười nữa mà. - Lời nói nửa như van nài, nửa như ra lệnh của Thy làm cho cơn cười ngặt nghẽo của Kha trở nên im bặt.

Những nụ cười bị đánh cắp
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Anh đưa tay quệt nước trên mắt vì nụ cười quá độ khiến anh chảy cả nước mắt. Gương mặt Thy trở nên tư lự kì lạ, Kha chỉ im bặt, ngồi xuống bên cạnh, khẽ níu đầu Thy xuống vai mình để mặc cô vùi đầu vào tránh cơn cảm xúc bất chợt.

Thy rất thích thấy người khác cười, với cô nụ cười mở ra tất cả, nó mang người với người đến gần nhau hơn, nó làm mọi người hiểu nhau hơn, và làm cho thế giới bừng lên những gam màu sống động nhất hiện có. Cô thích nhìn ngắm và tìm ra những vẻ đẹp lạ kì của nụ cười, cái máy ảnh cô luôn mang theo bên người dường như chỉ để ghi lại những khoảnh khắc chân thật của nụ cười ở những nơi cô đi qua. Từ những cụ già móm hết răng, nhưng nụ cười vẫn như có nắng sáng bừng lên cả khuôn mặt khi nhìn thấy đàn cháu đang nô đùa, từ lũ trẻ quê rụt rè nhìn cô gái thành phố xa lạ thầm thì so sánh rồi cười vang vui vẻ, đến những nụ cười lấm lem bùn đất của những người nông dân đều được Thy giữ lại một cách cẩn thận trong những bức hình. Căn phòng của Thy dường như là căn phòng của tiếng cười, khi mà chỉ cần đẩy cửa bước vào là sẽ thấy chi chít những nụ cười, những niềm vui lan tỏa, nụ cười lớn, nụ cười bé, nụ cười to, hết cỡ của một cậu nhóc răng sún, đến nụ cười như có mà cũng như không của Mô na Li sa cũng hiển hiện đầy đủ. Bất kì ai vào căn phòng này đều nhận thấy được niềm vui lan tỏa không chỉ từ những bức hình mà kể cả cô chủ nhỏ lí lắc.

Căn nhà bỏ hoang với gờ tường mục nát, lối vào trơn trượt những cỏ rêu mềm mại, mịn màng đã trở thành chốn nương náu cho một thằng nhóc, khu vườn đầy những cây khoai môn tốt quá đầu nó với những chiếc lá to vật vã hững những giọt sương êm ái nhất của đêm sẽ xoa dịu nó, sẽ an ủi nó, sẽ ru ngủ nó thay cho mẹ. Còn nếu giấc ngủ không đến kịp thì những giọt rượu vụng trộm sẽ giúp nó ngủ vùi trên nền đất mát lạnh với những con giun đất mềm mềm êm ái đang trườn qua những kẽ tay của nó. Những giọt rượu tăng dần thành những ngụm rượu, nhỏ, rồi to, rồi dần biến mất cả một phần chai rượu mà ba thằng nhỏ sai nó đi mua về. Ánh mắt nó dần đờ đẫn hơn, đôi môi luôn mím lại, nụ cười bảo bối của mẹ trên môi nó tắt ngúm theo những cái bạt tai của ba khi mà những chai rượu ngày càng vơi đi, thời gian đi về mua rượu cho ba càng dài ra. Ánh nhìn thăm thẳm của mẹ không đủ để níu kéo, để cứu vớt tâm hồn mỏng manh của thằng nhỏ mười hai tuổi nó, mà càng đẩy nó trôi đi xa hơn căn nhà đầy nước mắt, oán trách, chì chiết của mẹ, cái nhìn gườm gườm, tiếng quát lác nạt nộ của ba. Nó say sưa bên cái nhà hoang đổ nát với những con giun, những tàu lá môn mát rượi mà quên hẳn tiếng cười của mình đã chìm vào câm lặng từ lúc nào ở nơi đây…

- Sao mà anh cười nhìn chả vui gì cả, nhìn sợ lắm. - Câu đầu tiên Thy nhận xét Kha là vậy.

Nụ cười là gì? Kí ức là gì? Những gì xa lăng lắc như một cái nắm tay có thể kéo quay tuột lại với Kha trong một ngày yên bình nào đó không? Kha không biết mình đã cười nhiều hơn như thế nào, đã vui vẻ hơn như thế nào trong mắt mọi người. Nhưng trong mắt Thy, đó không phải là nụ cười, dù cô có là người đi sưu tập những nụ cười đi chăng nữa thì nụ cười của Kha vẫn chẳng thể trèo vào khuôn hình của Thy một lần nào. Thy không lại quá gần Kha để tò mò khi khám phá ra trong Kha không hề có nụ cười mà chỉ có cái nhếch mép được xé tung ra hết cỡ, mờ nhạt theo một thói quen thông thường của cái gọi là nguyên tắc xã giao. Kha im lặng, im lặng theo dõi theo Thy, cũng không hẳn là theo dõi, không hẳn vì tò mò thu hút bởi sở thích kì quái của Thy, mà chỉ bởi vì không biết vô tình hay hữu ý mà một cái gì đó trong Kha vừa hé mở theo lời nhận xét của Thy, nó gần giống như cảm giác mát lạnh trong khu vườn hoang đầy những con giun đất mềm mại. Làm sao có một ai đó có thể nhìn ra nụ cười không hoàn hảo của Kha, cái mặt nạ bấy lâu của Kha rung lên không phải vì sợ hãi mà vì vui mừng, nỗi vui mừng của một vật sắp được giải thoát khỏi sự chật chội của chính cái khuôn định hình nhỏ bé mặc định trong một thân hình to lớn.

Không phải là tiếng hét thất thanh, không phải là tiếng khóc, tiếng chửi bới, tiếng loảng xoảng của những đồ vật vỡ nát mà vẫn xé nát được màn đêm vĩnh viễn, xóa bỏ mọi ranh giới hỗn độn của sức chịu đựng. Thằng bé câm nín hoàn toàn, người đàn ông như tượng đổ vật xuống, người đàn bà lặng người kinh hoàng nhận thấy những vệt máu bắn lên tường tạo thành vệt dài, đỏ rực như những buổi chiều nằm dài trong căn nhà hoang vắng khi giã cơn say của thằng bé.

Thy tìm về nhà của Kha một mình, căn nhà bị khóa kín, ẩm thấp, bụi bặm và nhỏ thó như người bà con trông nom hộ căn nhà cho Kha. Thy im lặng kính cẩn thắp hai nén nhang lên bàn thờ cho ba, mẹ Kha. Im lặng lắng nghe khu vườn già cỗi, thì thào hòa vào giọng kể của bà cô giữ nhà của Kha. Kha vắng tiếng cười là vì lí do này sao? Một thằng bé mười hai tuổi trong ngôi nhà đầy mùi rượu chè và tiếng nhè của bố, những trận đòn cho cả mẹ lẫn con, những đêm nằm ngoài thềm vì ông ba say chốt cửa đuổi cả hai mẹ con ra ngoài, hay tại vì đôi mắt tuổi mười hai của Kha trông thấy những vệt máu bắn lên tường ngôi nhà ảm đạm chấm dứt những chuỗi ngày quay vòng cãi nhau của những con người trong cái gia đình nhỏ, vỡ tan nụ cười trên môi Kha, vỡ tan tất cả.

Sao vết thương lại dài như thế này, sao miệng vết thương lại mở rộng ra như thế. Thy cố gắng lấy bàn tay nhỏ bé của mình bịt miệng vết thương của Kha lại cho khỏi chảy máu nhưng dường như vô ích. Miệng vết thương ngày càng mở rộng ra, để lộ những vết lở loét dường như đã hoại tử ăn sâu vào trong ngực Kha, nó khiến Thy không thở được. Nhìn nụ cười của Kha, Thy càng tuyệt vọng, cô nghĩ mình có thể vớt anh ra khỏi nụ cười đó, có thể vá lành vết thương trong anh, nhưng tại sao lại thế này? Tại sao mọi thứ lại vượt khỏi tầm kiểm soát của Thy? Tại sao vết thương của anh ngày càng lan rộng, ngày càng trầm trọng hơn khi mà Thy tưởng chừng có thể chạm tay vào sâu bên trong Kha để xoa dịu vết thương của Kha? Rốt cuộc là Thy đã sai ở đâu? Rốt cuộc là vết thương Kha do điều gì tạo thành mà nó đau đớn và dai dẳng đến nỗi Kha chẳng thể nở nổi một nụ cười thật lòng mà không có một vệt xước nào trong sớm mai bình lặng bên Thy?

Làm sao đây? Khu đất cũ chưa một lần Kha đặt chân đến từ ngày ngôi nhà im tiếng cãi nhau, chấm dứt cả thói quen nhấm nháp những giọt rượu của thằng nhóc mười hai tuổi, chấm dứt cái nhìn thăm thẳm của mẹ, chấm dứt cả những đòn roi và tiếng chửi rủa của ba. Kha chôn chặt tất cả, cố gắng ngoi lên tìm ánh sáng để lừa mị chính mình khỏi câm nín, cố gắng vẽ ra một nụ cười mà chính lòng Kha ngày càng cảm thấy sợ nụ cười đó. Những giấc mơ hỗn độn vẫn về với những vệt màu đỏ thẫm, nhớp nháp, tiếng la lặng câm không thành tiếng của mẹ, tất cả đang bóp nghẹt cuộc sống của Kha. Kha cần có một bàn tay để níu mình ra khỏi cơn mê, nhưng bàn tay của Thy quá đỗi nhỏ bé, nó cần được che chở hơn là làm nhiệm vụ cứu vớt một cái thể xác mục ruỗng vì những vật vã đau khổ hiện thành vệt trong Kha. Im lặng tìm chỗ có thể ngồi được, Kha run rẩy nhìn trong những tầu lá môn héo rũ hình ảnh một thằng nhỏ nằm còng queo, giật đùng đùng trong cơn sợ hãi, mẹ nó tím tái quỳ bên vuốt ngực, thổi phù phù cho nó, trên người nó vương vãi những vệt máu. Trên mặt mẹ cũng đầy những vệt máu khi ôm trên tay cái thân hình không cử động của ba nó, rồi hốt hoảng ù té kéo nó bỏ chạy. Kha gục xuống đất mềm, khóc không thành tiếng, thấy vết loét trong ngực đang bung khỏi vết chỉ khâu mang tên Thy, bốc mùi tanh hôi hoang dại, thấy máu nóng nhớp nháp tràn qua những kẽ tay, đang bốc lên ám vào làm sạm đi rất nhanh gương mặt mình, thấy những vệt máu bắt đầu lan nhanh rạ, thấy chính mình đang cầm trên tay một thanh củi, giấc mơ nào chấm dứt được những nỗi đau đây. Kha không dám đối mặt với sự thật, mà thằng bé mười hai tuổi ngày đó cũng đã chết rồi mà, tại sao nó lại nằm còng queo nơi đây nhìn Kha như thế? Bàn tay Kha buông lơi khỏi ngực, trừng mắt nhìn về phía trước, cố gắng cào vào mặt đất đang đanh lại, cố bươi ra khỏi mặt đất khuôn mặt của ba đang dần chìm xuống.

Đào một cái hố chôn cất những sự thật mềm lòng vào, cất đi những giọt nước mắt. Quên đi cái quá khứ ám ảnh, tìm cho mình một nụ cười, một quá khứ thật êm đềm và một con người thật mới.

Anh chôn đi cả anh mười hai tuổi, chôn đi cả ba cả ngôi nhà và những con giun đất - nhưng không thể chôn nổi nụ cười, anh đã đào bới cả những giấc mơ mất dấu để tìm phần thiếu vắng của mình mà không hề nhận ra ngôi nhà hoang đã trượt mất dấu, chỉ còn một ruộng bắp đang mùa trổ bông đâm hương ngai ngái. Cái vết thương của anh lan rộng ra vì những con giun đất của ngày thơ muốn tuồn ra khỏi ngực, muốn trở về với đất im lìm để ngủ quên cùng những tàu lá môn cổ tích.

Có phải sự thật vậy không? Những giấc mơ luôn khiến Kha chối bỏ hoảng sợ, cậu bé và cơn động kinh đẫm máu, khúc củi đầy những mấu trên tay. Là ai? Là ai thật sự gây ra thương tích nặng nề cho người ba luôn say xỉn của Kha, cái nhìn lo lắng sợ sệt của mẹ khi nhìn Kha, có phải là Kha không? Có thật là Kha không mà trong giấc mơ thằng bé luôn co rúm lại trong ánh mắt sợ hãi của mẹ, trong nỗi sợ hãi khôn cùng, để nó phải lẩn trốn hai mươi năm trời như một con giun lầy lội trong đám bùn của mình mà không một lần ngoi lên nhìn lại mảnh ruộng mình đã cày cấy. Là mẹ, là mẹ thật sao? Mọi thứ như dòng cát thời gian của chiếc đồng hồ màu nhiệm bắt đầu trôi tuột xuống đưa thời gian trở về quá khứ, mẹ đang nấu cơm, ba lại trở về say xỉn như chuyện đương nhiên, thằng bé vẫn dụi đầu vào đống rơm tránh lắng nghe những lời cãi vã nhàm chán còn nhiều hơn những bữa cơm, nó điềm nhiên ngủ, hay giả vờ ngủ, để khi tiếng ba lặng im một cách đột ngột trong cơn giật dữ cực điểm, tiếng nức nở cự cãi của mẹ cũng lặng ngắt một cách bất thường mà dành cho tiếng rơi loảng xoảng của xoong nồi mới khiến nó bật dậy, nó thấy mình nhặt thanh củi vướng chân mình lên, thấy ba lặng im nằm sóng xoài bên cửa, thấy tay mình nhớp nhúa, thấy ba đầy vệt máu, thấy mẹ co rúm, thấy vách bếp có những vệt đỏ thẫm, nó thấy mình ngã vật xuống, giãy dụa như một con giun bị xéo quằn cho đứt đôi người ra, môi giật giật với những bọt trắng xóa túa ra. Rồi nó mê đi, mê đi với linh hồn bị chia làm hai nửa. Một nửa ở lại với tuổi mười hai mãn kiếp, một nửa cứ lớn lên với những cuộc trốn chạy không ngừng, với một khuôn mặt rúm ró rạn vỡ những nụ cười nát bươm.

Mẹ đã cố nói cho anh biết, nhưng anh không về. Không phải do anh mà mọi thứ tan vỡ, tiếng nói của Thy nhẹ bẫng như mây trời. Lá thư mẹ để lại trong di ảnh cho ba anh, mẹ muốn anh và ba tha thứ. Ba đã tha thứ cho mẹ, còn anh tự mang trong mình vết thương của mẹ để day dứt cho riêng mình mà không dám mở lòng ra với ai…

Vết thương có lành không? Khi mà những con giun đất đã trườn ra khỏi vết thương lặng lẽ, trở về với mảnh vườn yên tĩnh, nước mắt của Kha được Thy thu lại vào ống kính của mình phảng một nụ cười trẻ thơ, yên bình tuyệt đối…

L.T.K.S  
(TCSH341/07-2017)





 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Ngài đội Cóc (07/07/2017)
Trí nhớ biển (30/06/2017)
Ngọn lửa Artek (26/06/2017)
Mùa vàng (29/05/2017)
Sa ngã (22/05/2017)
Cái tủ thờ (12/05/2017)
Hồ Xuân (04/05/2017)
Tiếng thở dài (25/04/2017)
Giả lập (14/04/2017)