VŨ THANH LỊCH
Tin thông báo, chuyến bay vê- nờ-hai-năm-tám của hãng hàng không... dự kiến khởi hành vào mười sáu giờ ba mươi phút sẽ khởi hành vào mười tám giờ năm lăm phút do thay đổi kế hoạch bay...”.
Thơ đang liu riu ngủ trên ghế chờ trước cửa ra tàu bay bỗng giật mình choàng tỉnh. Tiếng loa nói hết một tràng tiếng Việt, chuyển sang tiếng Anh, dù Thơ không biết nói tiếng Anh nhưng cô cũng nghe lõm bõm được vài từ, nhất là những con số... liệu mình có nghe nhầm không... hai-năm- tám... two-five-eight... có đúng đó là số chuyến bay của mình không nhỉ? Thơ lắc lắc đầu cho thật tỉnh, căng mắt nhìn kĩ xung quanh xem đúng là mình đang ngồi ở cửa chờ không, đúng là mình tỉnh không... rồi mới lật đật móc túi xách, đọc lại từng chữ trên tấm vé, đọc thật kỹ, không để sót dù một dấu chấm do thừa mực hay một vết bẩn đâu đó bám vào, đúng không sai chữ nào, vê-nờ-hai-năm-tám... Vậy là khi hết giờ hẹn cũ, mình phải chờ thêm hai giờ hai mươi lăm phút nữa mới được lên máy bay, đó là lên, còn lên rồi bay về đích nào lại là câu chuyện khác.
Chân tay mỏi rời rã vì ngồi quá lâu trong sân chờ, vai cũng mỏi nhừ vì cái ba lô quá nặng so với đôi vai mỏng mảnh của Thơ. Cũng tại người ta hẹn đến trước giờ khởi hành hai tiếng để làm thủ tục nên cô đến rõ sớm. Làm thủ tục xong, vào nhà chờ xong thì mọi bạn bè đưa tiễn đều ở ngoài cánh cửa an ninh rồi. Ngoái nhìn cái đồng hồ trên cột tường, mới hết có hai chục phút, vậy là còn những một trăm phút để đi dạo khắp các quầy hàng miễn thuế sau cửa kiểm soát cân nặng và trước cửa tàu bay. Một trăm phút trong khi cả khu chờ Thơ chỉ đi bộ hết mười lăm phút. Thực ra Thơ đi lâu nữa cũng được, ngắm nghía các loại hàng hóa bày bán cho sướng mắt, ngắm thôi chứ Thơ lấy tiền đâu mà mua. Nguyên chuyến đi thực tế này, người ta lo ăn ngủ cho rồi, Thơ chỉ cần mang tiền đi tiêu vặt và làm lộ phí đi về mà đã mất tháng rưỡi lương, những tháng sau lại phải đo lọ nước mắm ngắm củ dưa hành làm sao cho đủ để mà bù cho cái sự vung tay quá trán của tháng này nữa. Nghĩ vậy nhưng thấy các em các cháu nó xúm xít lại hỏi han và giới thiệu sản phẩm, rồi mình lại lỡ tay cầm phải cái thứ hàng xịn nhất, đắt nhất, các cháu nó khen có con mắt tinh đời rồi, sành điệu rồi mà bỏ xuống không mua thì còn gì là sĩ diện nữa; thế nào rồi nó cũng lẩm bẩm trong bụng rằng thì đã không có tiền mà còn xem với chả ngắm. Đấy là Thơ cảm thấy thế khi đi dạo quanh các loại quầy hàng trong nhà chờ. Toàn thứ đẹp mê hồn và đắt cũng ghê hồn, vậy nên Thơ đi lướt qua, kiểu như thừa giấy vẽ voi, thừa giờ thì đi quanh nhà chờ cho đỡ nhạt thôi. Vả lại, sau mười lăm phút dạo quanh, cái vai Thơ vốn mỏng manh như khói đã mỏi nhừ, muốn sụp xuống rồi. Mọi khi đi đâu xa Thơ thường đi theo đoàn, người này đi dạo thì người kia ngồi coi đồ, lần này đi một mình, có mỗi cái ba-lô hành lý của nả mà lại để ở ghế rồi ai người ta cầm giúp cho thì coi như xong. Thơ nghĩ thế vì cô không tìm thấy sự yên bình nào trong vô số những khuôn mặt người phờ phạc vì đợi như cô, do người ta không đáng tin hay do cô không niềm tin vào người. Thơ nghĩ thế và yên tâm đổ tại mình không có niềm tin vào mọi người, vậy nên không dám gửi đồ cho bất cứ ai, cũng không dám để nó một mình một ghế mà đi loăng quăng, vậy nên cái vai Thơ mới mỏi dừ mỏi dẫn... cái ba lô hành lí... nó có vài cuốn sách bạn bè thương yêu tặng, có vài túi quà khô do người hâm mộ tặng, có vài bộ áo quần mang đi để thay dần, có vài món đồ lưu niệm nho nhỏ xinh xinh mua về tặng bạn bè người thân… Vậy nên Thơ cố gắng còng lưng lên mà đeo, mà vác. Đeo vác rồi đọc cuốn sách mang theo cho mỏi nhừ mắt, rồi nhắm mắt lại nghỉ, rồi ngồi ngủ gà gật, rồi mở điện thoại ra xem có ai xanh đèn không để chat. Lâu quá Thơ lười chát, vì thứ chuyện chát thú vị nhất trên đời và nhanh hết thời gian nhất là tán tỉnh yêu đương thì Thơ ngán tận cổ rồi, nó thực là thú vị nhưng kèm theo vô số hệ lụy phiền phức. Nó khiến tim Thơ có lúc thổn thức ngẩn ngơ loạn nhịp. Lấy chồng cả chục năm mà thi thoảng còn được thổn thức quả tim vì giai thì cũng thú vị. Đó là sau này Thơ mới nghĩ được như thế, chứ cái thuở ấy chẳng khác gì ma làm, dù người ở đẩu ở đâu chẳng gặp bao giờ nhưng tin đi thư lại cũng khiến hồn vía của Thơ treo lơ lửng nóc nhà, đêm ngủ cũng mơ thấy người ta, ngày thức thì bồn chồn đợi tin người ta, đi đâu làm gì cũng nghĩ ước được nhìn thấy người ta, chồng về muộn hoặc không về nhà ngủ đêm thì lại ước được ngủ chung với người ta… Cái sự tưởng tượng ra hạnh phúc nó vô cùng ngọt ngào và say đắm, còn lãng mạn hơn cả phim Hàn, cho dù Thơ thừa biết thực tế mà xảy đến thế nào cũng chả được nổi một phần trăm cái sự tưởng tượng kia. Tưởng tượng là ảo nhưng Thơ ngây ngây ngất ngất thì là thật. Và cái sự này cũng là thật nữa, ấy là khi đối diện với ông chồng quen thuộc cũ kĩ, với những câu chuyện nhạt nhẽo đơn điệu, với nụ hôn còn nguyên mùi mắm tôm thì cái sự ước mơ về người đàn ông xa lạ nào đó nó càng cuộn giẫy sồn sột trong ruột gan Thơ… Suýt nữa thì Thơ chán hiện tại, suýt nữa thì Thơ thoát khỏi thực tế để đi tìm người đàn ông trong mơ, đúng ra là trong điện thoại. May mà anh ta đột nhiên lại lên ti vi, đột nhiên nổi tiếng, đột nhiên Thơ được nghe chuyện này chuyện khác, đột nhiên Thơ nhận ra mình giống vô số các cô gái đang thổn thức trên facebook vì anh ta. Ti vi toàn nói những thứ ảo, chả mấy khi Thơ tin nhưng vụ này lại lôi được Thơ về thực tại. Thực tại phũ phàng khiến hồn vía Thơ rơi phịch xuống đất thì đã đành, nhưng thể xác cũng đau đớn ê chề như thể cái bánh xe lu nó trần qua người giữa trưa hè nắng. Sau vụ mất hồn ấy, Thơ tự thay cái lăng kính nhìn đời cho khác đi. Chẳng hạn như khi phát hiện ra chồng có bồ nhí, thay vì điên đú lên đánh ghen và hành hạ chồng như phần lớn các bà vợ trên đời này thì Thơ lại nghĩ, chúng bay cứ dắt nhau mà bay lên giời đi, rồi có lúc rơi phịch xuống đất cho mà xem, bà đây biết cách làm cho hắn chỉ sử dụng mày làm đồ chơi chứ không sắm thành đồ dùng thiết yếu nhá… Nhìn thấy chồng ôm hôn thắm thiết một cô gái xinh đẹp, Thơ lại nhủ thầm rằng hắn ngửi gái tơ cho thơm miệng, có bao nhiêu mùi mắm tôm thì chuyển hết sang mồm nó đi, về mình đỡ phải ngửi, kể ra thì ngửi cái mùi kẹo chewing-gum cũng dễ thở hơn. Còn những lúc chờ đợi, kiểu như đợi tàu ở sân bay như thế này, Thơ cũng nhìn cái sự chờ đợi ấy bằng cách khác, chẳng hạn như nhờ có cái quy định đến sân bay trước hai giờ để làm thủ tục và nhờ cái sự lo xa sợ tắc đường của Thơ mà cô có thừa mứa thời gian để mục sở thị những món hàng hiệu mà thường ngày Thơ chỉ dám ước ao. Này thì cái đồng hồ Thụy Sĩ giá bằng nửa căn nhà Thơ đang ở, lọ nước hoa Pháp bằng cả tháng lương, cái khăn quàng cổ bằng năm tạ thóc, sợi dây chuyền có đính kim cương có giá nhiều hơn cả đời lương lao động trí óc của Thơ. Thế mới biết cái giá của cái quả đầy lông trên cổ Thơ chỉ cao hơn củ hành tây nhập ngoại tí chút chứ đâu có nghiêm trọng như trong các phát ngôn trên ti vi hay trong các cuộc hội đàm tầm cỡ; mà đấy là Thơ cũng học hành tử tế, đủ hết các loại bằng cấp chính quy chứ không cái nào tại chức hay chuyên tu nhé, rồi thì không ít thứ Thơ nghĩ ra đã được lên báo, lên tạp chí trong nước ngoài nước, rồi còn được thiên hạ ứng dụng vào thực tế… Nghĩ đủ thứ, làm đủ trò cũng gần hết một trăm phút đợi chờ vì đến sớm, được cô đón tiếp khen “chào mừng chị là người đầu tiên check in chuyến bay vê nờ hai năm tám, chúc chị có một chuyến đi vui vẻ và an toàn”. Cái giọng nói sao mà nó ngọt lừ như nước thốt nốt tươi vậy cơ chứ. Người ta cũng đàn bà như mình, sao giời cho cái giọng ngọt thế, còn mình thì cố lắm cũng chỉ cất được cái giọng khàn khan. Chỉ nghe bằng ấy chữ, mà bao nhiêu sự hân hoan sung sướng nó dâng đầy lên củ hành tây trên cổ Thơ. Mình là đàn bà mà nghe còn sướng thế này thì cái đám đàn ông như chồng mình nghe thấy… Mỗi lần nghĩ được những điều hay ho, Thơ lại tự thưởng cho mình một thứ gì đó, chén si-rô tự làm thay cho rượu vang chẳng hạn, hoặc là lọ rượu mạnh ngâm với quả ổi ta chát xít ven sông, hoặc là tự cho mình một buổi sáng đi bộ thong dong dưới hàng cây cổ thụ quanh công viên, tự thưởng cho mình một không gian yên tĩnh dù tiếng xe máy ô tô ngoài đường vẫn vọng vào rì rầm như suối reo nước chảy. Mỗi lần như vậy Thơ lại cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, cái hạnh phúc lớn nhất mà Thơ tự nhận thấy là chưa khi nào Thơ thất bại khi cố kiếm ra lí do để tự làm cho mình sướng.
Những ý nghĩ khiến Thơ trôi đi miên man trong hạnh phúc.
Vậy mà một trăm phút sắp hết đến nơi rồi, sắp sửa được bay lên giời rồi, được lượn lờ giữa vô vàn là nắng, là mây, thoát khỏi cái mặt đất chật chội, ồn ào, bụi bặm, hôi hám và những con người nhỏ bé nhưng luôn cho mình là to lớn vĩ đại… sắp…
Thì lại đẻ thêm ra một trăm bốn mươi lăm phút nữa… nghĩ cái gì, làm cái gì để cho hết nốt một trăm bốn nhăm phút này nữa đây?
Thơ lại còng lưng cõng ba lô đi một vòng. Đầu tiên là ghé vào nhà vệ sinh, vặn vòi, xả nước vào tay cho mát, cần thì vỗ lên mặt tí cho tỉnh táo. Rồi tiện thể, vào phòng bé, ngồi lên cái bệt mà ngả lưng tí, kệ cha ai đợi thì đợi, mình cứ ngồi cho sướng đã, xả được cái gì ra cho đỡ ấm ức trong người thì xả cho hết đi… Nhưng cái mùi nước hoa xịt toilet không cho Thơ ngồi lại lâu, cái thứ mùi gọi là mùi nước hoa này, thoáng qua thì thơm, ngửi lâu muốn ngạt thở… Ra nhanh khỏi cái toilet sáng bóng loáng và ngàn ngạt hương thơm mà nhà mình không biết bao giờ mới sắm được này đi thôi… Ra ngoài mà mở vòi nước ra xả tiếp, dù gì thì cũng nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, cô giáo dạy từ mầm non như thế rồi chẳng lẽ không nhớ mà làm cho ra hồn… tiện thể vỗ lên mặt lần nữa cho tỉnh thêm tí nữa. Giời sắp tối rồi, lại đi với toàn người lạ, có hay không có lớp son phấn trên mặt thì cũng không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của mình với những người xa lạ trong nhà chờ. Rõ ràng là Thơ đã rất chậm rãi, nắn nót từng dòng nước chảy từ lúc vào đến lúc ra khỏi nhà vệ sinh, mà mới tiêu hao hết có bảy phút đồng hồ… Bảy phút… cho cái thứ mà xưa nay Thơ cực ghét là nhà vệ sinh, dù nó có đẹp hơn cả ngôi nhà Thơ đang ở thì bảy phút cho nó cũng là nhiều rồi. Với lại, mình ra, còn nhường chỗ cho người khác nữa, mình ghét cái thằng cha trễ giờ chứ đâu có ghét những người đồng cảnh ngộ với mình, họ cũng đang có nhu cầu như mình thì sao…
Ra khỏi nhà vệ sinh, Thơ chợt nghĩ, giá nhà chờ có cái phòng mát-xa hay gội đầu gì đó thì tốt nhỉ. May thật, vừa đi vừa nhìn ngó lung tung một lúc, Thơ cũng gặp cái phòng thư giãn, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, Thơ dừng lại trước bảng giá dịch vụ. Mát- xa chân mười lăm phút hai trăm năm mươi ngàn, bốn lăm phút năm trăm ngàn, sáu mươi phút tám trăm ngàn; mát-xa toàn thân sáu mươi phút tám trăm ngàn, chín mươi phút một triệu hai trăm ngàn… Bỏ ra một triệu hai trăm ngàn để giết chín mươi phút chờ đợi, trong khi mình phải đi làm tám ngày đẫy mới được bằng ấy. Dưng cơ mà lại được sướng cái thân, tám ngày đi làm để sướng chín mươi phút thì cũng được chứ sao, đời được mấy nỗi đâu mà không tận hưởng; vấn đề là trong túi cũng chỉ còn ngần ấy, nhỡ xuống máy bay phải đi taxi hay xe bus về nhà thì lấy tiền đâu. Cái quãng đường từ sân bay về nhà rõ là gần hơn từ chỗ này về nhà, nhưng ai cho ta niềm tin rằng sẽ hoàn toàn không có sự cố gì xảy đến khi ta hạ cánh xuống sân bay… aiza… không được nghĩ đến sự bất ổn. Bất ổn hay không là do mình, bay lên hay không là do mình. Mình chọn chuyến bay, chuyến bay trễ, là do mình chọn nó; sao mình không chọn cái chuyến sau kia, người ta đã bay lên trời từ đời nào rồi kia kìa. Do mình… do mình mà thôi, không do gì nữa. Nghĩ đến thứ khác đi, ví dụ như chuyện cắt suất học thêm của con vì không cân đối được thu chi trong nhà chẳng hạn, đấy… cả tháng học thêm của con chưa hết bằng ấy, khả năng kiếm tiền của mình có hạn… bằng lòng với những gì mình có đi thôi… nào đi tiếp… thế nào rồi cũng có ối thứ hay ho để xem cho hết bằng ấy phút… mà không có cái gì hay ho thì cứ nghĩ là nó hay ho đi xem nào… hay ho hay không là do mình nghĩ ra cơ mà…
Đi…
Thơ lại đi. Cho đến khi vai lại mỏi rã rời.
Và lại về chỗ ngồi chờ. Lần này thì hàng ghế Thơ ngồi nóng nhựa lúc trước đã kín người, đành vậy, chọn cái khác, dù Thơ rất ngại đổi ghế với đổi chỗ.
Thơ kiếm được cái ghế nhựa vỡ lưng dựa, để ở sát cột gần cửa ra tàu bay; cái ghế ở hàng đối diện với chỗ cũ, ngồi ở đây có thể nhìn hết cả gian nhà chờ trước mặt.
Những bóng người lượn lờ đờ đẫn. Những ánh nhìn hờ hững thèm thuồng trước các gian hàng, những cái mặt úp sụp vào màn hình sờ-mát-phôn, khi khóc khi cười một mình, khi ơ hờ không cảm xúc, những dáng ngồi phó mặc thân mình cho cái ghế nhựa mỏng như cuốn vở tập viết của trẻ con…
Có tiếng nói ngay sát bên cạnh làm Thơ giật mình:
- Đ. mẹ, đã lên tàu đéo đâu mà gọi… bảo nó chờ thêm vài tiếng nữa đi… mày không thuyết phục được nó đợi tao về bàn tí rồi kí hợp đồng thì tháng này đừng có đòi lương… mặc mẹ mày… không thì kiếm đối tác khác… tao có mọc cánh được đéo đâu… tại đéo gì tao… tao đã tính trừ hao hẳn một tiếng để ra gặp nó còn gì… giờ nó chậm những hơn hai tiếng thì phải chịu chứ sao… mày không giữ được chân nó thì tao cũng đéo giữ mày làm gì! Vậy nhá! Không lôi thôi nữa tốn tiền điện thoại.
Thả máy xuống. Nhìn màn hình. Người đàn ông ngồi cách Thơ một ghế chạm một ngón tay vào máy, nhận tiếp cuộc gọi đang chờ. Nỉ non:
- Xin lỗi cưng nhé, thằng thư kí nó gọi, anh phải nhắc nó lo việc công ty nên để cưng phải chờ lâu… làm ăn kiểu này thì chết mất… anh vẫn đang ở gần cưng… ừ… trễ giờ… chuyện thường ngày ở huyện ấy mà… kệ cha nó, đứa nào chết thì chết chứ anh phải tồn tại, bằng mọi cách… Giá kể mà nó báo sớm thì anh ở bên cưng thêm được vài giờ nữa… hí hí… sợ cưng không đủ sức thôi… đừng có chê anh già… gừng càng già càng cay đấy nhá… đấy… biết thế rồi mà còn…
Anh ta vừa nói, vừa đảo mắt nhìn quanh, chừng như nhìn thấy ánh mắt chăm chú quan sát của Thơ giống cái kính hiển vi soi những xung động tế bào cơ mặt và âm thanh của anh ta… nên anh ta hạ bớt âm lượng rồi vừa nói vừa đứng lên, tiến đến sát ô cửa kính nhìn ra sân bay. Không còn âm thanh nào lọt đến tai Thơ, Thơ cũng không quan tâm đến anh ta làm gì nữa, cứ cái đà ấy thì quanh đi quẩn lại cũng là cái chuyện ấy thôi… Chả nghĩa lí gì, hơn nữa âm thanh nọ vừa đi qua thì âm thanh khác lại vọng tới, đó là tiếng thút thít của người đàn bà ở hàng ghế đối diện. Tiếng thút thít bé tí, nhưng nó lọt đến tận ngực Thơ, Thơ thấy thế, cô khá nhạy cảm với những tiếng khóc, nhất là tiếng khóc của đàn bà.
Người bên cạnh, Thơ đoán là người quen, đi cùng với chị ta, khẽ ôm lấy vai chị ta mà vỗ về:
- Thôi chị, đừng khóc nữa mà kiệt sức, đằng nào cũng đã thế rồi, về còn bao nhiêu việc phải lo nữa cơ mà.
- Giá mà chị đừng lấy chồng xa thì đã chả phải thế này… về đến nhà thì đóng quan rồi còn đâu… đã bảo đợi chị về rồi hãy đi mà không chịu đợi… hai năm nay chồng con ốm đau liên miên, chị không sao mà về thăm mẹ chị được… giờ thì còn cái hòm gỗ… chị tính giờ về kịp liệm đấy chứ, cả nhà đã chọn giờ đẹp cho bà rồi… đợi làm sao được nữa… chậm vài chục phút chứ chậm hàng mấy giờ thế này thì nó sang giờ khác rồi còn đâu… khổ thân mẹ chị… con cái phiêu bạt khắp nơi… lúc về đủ thì chả nhìn được mặt đứa nào…
Thơ thở dài. Nghe tiếng loa phóng thanh thẽ thọt trên đầu… chuyến bay … sẽ khởi hành vào lúc… xin mời hành khách ra cửa số… để lên máy bay. Đúng là cái cửa mình đang ngồi chờ đây rồi còn gì… chỉ khác giờ và chuyến thôi.
Thơ chuyển cái nhìn ơ hờ sang đoàn người nối nhau xếp hàng vào chỗ lẽ ra Thơ đã đứng trước họ… lại mở túi xách tay xem lại cái vé, giá mà nó in nhầm thành cái số này có phải tốt không… rồi lại ơ hờ cất vé vào túi.
Người đàn bà vừa khóc chợt chồm dậy, lao ra chỗ các cô gái mặc áo tân thời đón tiếp ở cửa ra tàu bay, nài nỉ:
- Các cô làm ơn làm phước… cho tôi đi chuyến này đi… mẹ tôi chết… tôi phải về ngay bây giờ… Vừa nói, người đàn bà vừa run rẩy rút tấm vé trong túi chìa về phía các cô lễ tân.
- Mong chị thông cảm, chuyến bay đã hết chỗ rồi thưa chị! Thêm một giọng nói ngọt ngào nữa cất lên, chỉ có điều Thơ nghe thấy cái giọng ngọt này, không phải là vị đường thốt nốt tươi… nó là đường hóa học. Chỉ nghĩ thế, cơn lợm giọng đã tràn lên cổ Thơ.
Người đàn ông ngồi cạnh Thơ đã nghe xong điện thoại từ lúc nào, chồm đến cửa soát vé, rút cái vé thương gia ra khỏi túi, gằn giọng:
- Tôi có việc cần về gấp, tôi có vé ưu tiên đây.
- Anh vui lòng đợi em giây lát.
Cô lễ tân nói rồi cầm điện thoại bấm gọi đi đâu đó, sau vài câu trao đổi, cô khẽ giơ tay nói:
- Mời anh sang cửa bên này.
Đó là lối đi dành riêng cho đối tượng ưu tiên. Người đàn bà khóc thành tiếng, vẫn không thôi nài nỉ:
- Tôi xin các cô, các cô làm ơn làm phước… tôi về chuyến này còn kịp nhìn mặt mẹ tôi… các cô cũng có mẹ như tôi… rồi trời phật sẽ thương các cô để các cô không phải mất mẹ giống như tôi. Các cô làm ơn đi…
Một vài người đang xếp hàng sát cửa lui dần về phía sau, không ai nói thành tiếng, nhưng có vài tiếng thì thầm:
- Khổ, máy bay chứ có phải tàu chợ hay xe đò đâu mà xin… chọn cái hiện đại để đi thì phải chấp nhận rủi ro chứ.
- Nhưng mà kể cũng tội…
- Đã đành! Nhưng mà ai cũng ưu tiên vậy có mà loạn, ai cũng có việc mới phải đi chứ làm gì có ai tự dưng lại đi thế này.
- Thì cũng ối người kiếm được vé rẻ thì đi chơi vậy chứ có gì nghiêm trọng đâu…
Những tiếng thì thầm cứ rì rầm trong khoảng vọng âm thanh bé tí của họ còn các cô gái xinh đẹp áo dài thướt tha vẫn đứng đó, khuôn mặt không bộc lộ xúc cảm gì kể cả khi cất lên tiếng nói ngọt như nước đường mà người nghe lần đầu như Thơ muốn nhũn tim. Có tiếng chạy xé hàng cắt lối của dòng người đang sửa soạn lên chuyến bay khởi hành không bị trễ giờ, một phụ nữ trẻ mặt cắt không còn giọt máu, nói như người từ cõi nào:
- Làm ơn đi, các cô làm ơn, cho tôi đi chuyến này với… con gái tôi bị tai nạn, đang cấp cứu, nó cần tiếp máu mà ngoài tôi ra, không ai phù hợp để cho nó cả. Nó mới có bảy tuổi thôi… tôi đi thăm mẹ già ốm nặng mà chưa kịp gặp đã phải về gấp… các cô làm ơn đi…
- Cảm phiền chị, máy bay còn duy nhất một ghế trống hạng thương gia, và anh ấy đã làm xong thủ tục, hạng vé của chị không còn chỗ.
Vẫn là giọng nói ngọt như nước đường nhưng Thơ thấy lờm lợm. Một trong số các cô áo dài liếc nhìn thương gia đang sắp sửa bước qua vạch kẻ vào cửa tàu bay, thương gia trao lại cái nhìn gằn dữ khiến ánh mắt cô gái cụp ngay xuống. Có tiếng ai đó trong dòng người xếp hàng:
- Ơ hình như doanh nhân X mới được nhận giải gì truyền hình trực tiếp trên ti vi hôm qua ấy nhỉ… ông này trả lời phỏng vấn hay cực,
- Hôm qua á, là giải thưởng doanh nghiệp vì cộng đồng, người đứng sau đế vào, hôm qua trao ở trung tâm Z rồi truyền hình trực tiếp ấy, chắc ông ấy đi nhận giải về đây mà…
Những bàn tán cũng hết cùng với cái lưng khuất sau lối lên máy bay và chẳng ai quan tâm đến cái ngoảnh đầu nhìn lại, thoáng chút ngần ngừ của doanh nhân trước khi khuất bóng…
Hàng người cùn cũn bước đi lần lượt sau cái quẹt mã rời rạc của các cô gái đồng phục áo tân thời xanh như màu trời.
Một cô gái trẻ tai đeo hít-phôn, mắt dán vào màn hình sờ-mát-phôn, các ngón tay nhoay nhoáy lướt trên màn hình, chỉ chừa lại hai ngón cuối bàn tay trái, kẹp sẵn cái thẻ lên máy bay cho người ta kiểm soát.
Một chàng trai cũng như thế. Đi qua.
Một mệnh phụ phu nhân đeo kính râm. Cũng lừng lững đi qua như thế…
Dòng người biến mất dần sau vạch kẻ phân cách nhà chờ và cầu cửa máy bay. Không ai nghe thấy tiếng khẩn cầu của bà mẹ trẻ. Cũng chẳng ai đoái hoài tới lời rên rỉ của người con già.
Người đàn ông cuối hàng đi khập khễnh, một chân thật một chân giả, dừng lại giây lát trước cửa, hỏi các cô áo dài:
- Tôi đổi vé cho cô kia về tiếp máu cho con, có được không?
- Dạ thưa, quý khách vui lòng chờ giây lát để chúng tôi xin ý kiến cấp trên. Giọng nói ngọt lịm của chất tạo ngọt hóa học lại cất lên. Một giọng ngọt khác cũng cất lên ngay lập tức:
- Còn có ít phút nữa đến giờ máy bay cất cánh… chúng tôi sợ không kịp làm thủ tục thay đổi…
- Mẹ kiếp… mọi thứ kiểm soát đã xong hết mẹ nó từ ngoài kia rồi, tất cả chúng tôi đều đã đủ tiêu chuẩn bay… chỉ khác giờ… - Người đàn ông bực bội nói trong khi người mẹ trẻ vẫn chỉ một câu rền rĩ: Các cô làm ơn đi…
Và cái loa trong nhà chờ lại vang lên: “Quý khách đi chuyến bay… khẩn trương vào cửa số… để lên tàu bay…”.
Vẫn là số cửa Thơ đang đứng. Và vẫn chưa phải là số chuyến bay trong túi Thơ…
V.T.L
(TCSH345/11-2017)