Truyện ngắn
Trở về
16:16 | 11/01/2018

ĐÀM QUỲNH NGỌC

Y trở về làng sau hơn mười năm lang thang khắp nơi để tìm kế sinh nhai vào một buổi chiều mùa đông rét lắm. Nhiệt độ không khéo xuống 5oC cũng nên. Vậy mà y đi như không hề cảm thấy cái rét như kim châm đang đuổi hết dân làng vào ngồi bên bếp lửa.

Trở về
Minh họa: Nguyễn Tuấn

Y đang vui, niềm vui của một kẻ đi xa lâu ngày trở về quê hương. Y muốn nói, muốn gặp một ai đó để chào hỏi thật to, thật hồ hởi, muốn bộc lộ tấm lòng của y đối với quê hương. Y muốn cho mọi người hiểu rằng y rời khỏi quê hương chẳng qua là một sự bắt buộc chứ lòng y đâu có thích. Y hăm hở bước, người nóng bừng lên dưới lớp quần áo dạ và chiếc mũ lông, bộ cánh y cố công chuẩn bị trước một tháng để trở về quê hương "cho nó đàng hoàng".

Y nghĩ thế. Ngoài ra, y còn một túi xách toàn là tiền, công sức lao động của y hơn mười năm trời. Thế mà đi mãi trên con đường làng y chẳng gặp một ai, rét quá, mọi người ngồi cả trong bếp. Từng đàn chó trung thành với chủ, vẫn nằm ở ngõ, thấy bóng người lạ xồ ra cắn đuổi. Vài cặp mắt lấp ló trong các khe cửa nhìn y tò mò. Một cái đầu bù xù ngẩng mũ lên và khăn thò hẳn ra khỏi cánh cửa:

- Này... đi đâu tới.

Y dừng lại tí chút, nhận ra người hỏi mình, y cười toe toét:

- Bác Minh đấy hả? Thằng Trực đây, có khỏe không.

Có tiếng lao xao, rồi giọng nói lại vọng đến:

- Thế ra mày đã về, tưởng bỏ làng đi luôn, khỏe chứ. Vào uống nước.

- Thôi cảm ơn bác, cháu phải về nhà đã đây.

- Ừ, thế về nhà đã nhớ, lúc nào rỗi sang chơi.

- Vâng!

Y chợt thấy vui lên, thế ra dân làng vẫn chưa quên y. Mà quên làm sao được kia chứ. Dầu sao có một thời y trở nên nổi tiếng, không những ở trong làng xã, mà hàng huyện, hàng tỉnh thậm chí ngoại tỉnh cũng biết đến tên y. Chuyện ấy sẽ nói sau. Còn bây giờ, lòng y đang rạo rực, y muốn quàng chân lên cổ mà bước, y muốn nhanh chóng về đến ngôi nhà của y, mụ vợ của y là một người đàn bà đẹp, lại khéo tay, sẽ nấu cho y bữa cơm ngon lành. Xốc lại quai túi xách. Y mải miết bước. Có trời mà hiểu được những suy nghĩ đang lộn xộn trong đầu óc y. Y săm soi nhìn từng bụi tre già gầy guộc, từng cây thị đang lóc ra khỏi cơ thể những tảng da sần sùi theo năm tháng. Ngước mắt y nhìn lên cây gạo đang mùa thay lá, những chiếc lá sắp rụng làm đỏ ối một góc trời. Nơi đây, có thời y đã cởi truồng đứng suốt buổi bên cạnh một bà già quét lá tre về đun chờ một bông hoa gạo rơi xuống. Y đợi từ sáng đến trưa, nhưng lúc hoa vừa rơi, y chưa kịp chạy ra nhặt, bọn trẻ khác khỏe hơn đã xô y ngã và giành mất. Y khóc, nước mắt nước mũi ròng ròng. Bà già tội nghiệp y, bà vào trong lều đem cho y củ khoai nướng. Cho đến bây giờ y vẫn còn cảm giác cái vị bùi bùi thơm thơm của củ khoai. Bà già ấy đâu rồi? Dưới gốc gạo, nơi ngày xưa có mái lều lợp bằng áo cây măng của bà, là nơi tụ tập những đứa trẻ như y, giờ trống hoác. Bà già nghe đâu không ở được với người con dâu duy nhất điêu ngoa, bà ra ở với cây gạo vậy. Sớm ngày bà chỉ làm mỗi việc duy nhất là quét cho gốc gạo và gốc mấy cây thị gần đó sạch trơn. Vào mùa cây cối thay lá, bà quét đun không hết, bà gọi những người đàn bà suốt ngày bận tối mũi ngoài đồng ruộng ra hốt lá về đun. Ở cái vùng biển này, củi lửa hiếm hoi, không ai từ chối lấy lá về đun cả. Dần dần họ còn dặn bà trước. Bù lại họ cho bà khoai, gạo, những thứ linh tinh cho bà sống qua ngày. Hôm nào đến buổi đi làm, trong lều của bà cũng có vài ba đứa trẻ khoảng một vài tuổi đang bò lê la trên manh chiếu. Còn bọn trẻ trạc tuổi y không lúc nào mà không có. Trừ những lúc ăn cơm, còn, suốt ngày chúng quây quần bên bà. Ở đó, chúng được chơi thoải mái, lại được nghe bà kể chuyện cổ tích. Thỉnh thoảng bà có những cái ăn bất ngờ làm đứa nào cũng thú vị, những củ khoai nướng, múi bưởi héo quắt, quả chuối đã đen sì. Những lần bị mẹ đánh, thế nào y cũng trốn ra gốc gạo ngồi khóc ti tỉ với bà. Bà vuốt lưng y, dỗ dành cho y nín, lại kể cho y nghe những chuyện cổ tích mà thường thường đêm về y thường rú lên vì sợ hãi. Có lẽ y là một trong những đứa trẻ được bà thương nhất, bởi y nghịch ngợm hay bị mẹ đánh. Có lần, gặp lúc mẹ y đang đánh y, bà già vội vàng vào can, nhìn mái tóc bạc trắng, tấm lưng còng còng của bà lúc bà đi vội vàng giống như phải chống cả hai tay xuống đất. Mẹ y tức y, mắng luôn cả bà: "Bà chỉ làm hư trẻ con", bà cười mếu máo: "Cha tổ mi, hắn trẻ con biết chi".

Y chợt đứng sững lại, mỉm cười một mình về cái kỷ niệm xa lắc, xa lơ. Mùi khoai nướng khen khét đâu đây khiến y thấy đói cồn cào. Khói bếp trong các mái tranh bốc lên cay nồng âm ẩm. Y lại mải miết bước, đường làng hình như quang quẻ rộng hơn hồi y còn ở nhà. Ngày còn bé, gặp lúc trời rét như hôm nay, thế nào y cũng đòi ngủ với bà già. Y nằm lọt thỏm trong lòng bà. Ấm sực, y nghe cả tiếng bà nhai trầu bỏm bẻm, mùi cốt trầu hăng hăng, lẫn với mùi người lâu ngày không tắm. Vậy mà bà già ấy cũng chết, hồi ấy y tưởng những người như bà không bao giờ chết. Mà bà sẽ không chết thật, nếu như hôm ấy trời không bão, và cành gạo to không rơi trúng đầu bà. Bà chết tụi trẻ con như y hết chỗ chơi, chúng ngớ ngẩn suốt mấy ngày. Những người đàn bà con mọn xồ xề không biết gởi con cho ai. Đến mùa cây thay lá, lá gạo, lá thị rụng ngập cả lối đi không ai quét về đun.

- Này... ai đấy.

Mải đi, suýt nữa y đâm sầm vào một người đàn bà quẩy quang gánh chắc là đi cấy về, vừa đi như chạy vừa xuýt xoa vì rét, cũng tại trời xâm xẩm tối nữa, y chưa nhận được ai. Ghé mắt vào tận mặt người vừa hỏi, y suýt reo lên.

Người đàn bà, phải, chính là vợ y, lúc nhận ra thì lạnh nhạt hẳn:

- Trời... mình.

- À...

Chị ta à lên, rồi quay ngoắt quẩy gánh đi, không nói không rằng. Y không lấy thế làm tức, y lại còn tủm tỉm cười nữa. Còn dỗi chứ gì? Mình là đàn bà mình cũng dỗi thật. Tức chuyện gì không biết, có muốn đi đâu thì cũng phải nói với vợ con chứ. Đằng này đang đêm đùng đùng dậy bỏ làng đi ra hơn mười năm mới quay về, lại còn không thư từ, không tin tức, ai mà chả dỗi. Vừa tủm tỉm, y vừa theo sau vợ về nhà. Suýt nữa thì y đánh rơi túi xách vì ngạc nhiên, gian nhà lá y làm hồi còn ở nhà giờ đã thay thế bằng ba gian nhà ngói, tuy không đẹp, nhưng xinh xắn và gọn gàng. Vườn tược được rào giậu cẩn thận. Những cây táo lai y trồng hết mùa cho quả đã được cưa sát gốc quét một lớp vôi trắng lốp. Có tiếng lợn ụt ịt, y ngửi thấy cả mùi phân lợn khai nồng. Mấy ngọn đèn đã được thắp lên, ánh sáng vàng ệch. Đứa con gái, hồi y ra đi mới hơn một tuổi, giờ đây đã nhớn tướng đang ngồi trông nồi cơm, một người đàn ông trạc tuổi y hí húi ghi chép bên ngọn đèn hoa kỳ. Không kịp suy nghĩ gì, khi thấy người đàn ông, y ớ lên một tiếng ngạc nhiên. Còn người đàn ông cũng ngạc nhiên không kém. Hai người sững sờ nhìn nhau hồi lâu. Cuối cùng y lên tiếng trước:

- Nam, cậu làm gì ở đây.

- Thế... thế cậu vẫn trở về?- Nam hỏi, vẫn chưa hết ngạc nhiên, giọng nói có phần run rẩy. Đột nhiên y thấy chua chát, y đã hiểu được phần nào sự việc trong câu hỏi của Nam.

- Mọi người tưởng tớ không trở về chứ gì?- Y chợt hăng lên, cởi tung áo, mặc dầu trời đang rét - Đấy, hãy nhìn đây,- y vỗ ngực - Quê hương đấy, quê hương đã in dấu ấn lên cơ thể tao như thế, làm sao mà tao không trở về được.

Người y gầy còm, đầy những vết sẹo phải bỏng không sót chỗ nào. Cặp mắt y đỏ kè dữ tợn khiến Nam lùi xa vào góc tường. Nhưng không, y chẳng làm gì cả. Chậm rãi lấy áo y mặc vào, trời vẫn rét. Vợ y, sau khi đưa y về nhà, hay nói đúng hơn, cho y theo về nhà, không nói thêm lời nào, lầm lì xuống bếp nấu cơm. Y lại nói với Nam.

- Nam, thấy mày ở đây tao đã đoán được phần nào sự việc xảy ra như thế nào rồi. Đừng sợ, tao là thằng liều lĩnh nhưng không phải không biết điều đâu. Chuyện giữa mày với tao hồi xưa cho qua, nhưng còn bây giờ, phải thu xếp thế nào cho êm đẹp. Mày nên nhớ, tao không phải là một đứa khốn nạn đâu. Tao chỉ muốn sự công bằng và sòng phẳng ở cuộc đời này.

Y nói đúng, y không phải là một đứa khốn nạn nếu như người ta đừng khốn nạn với y. Tính tình y hơi kỳ quặc và khác người. Lần đầu tiên y bộc lộ cái tính kỳ quặc ấy là hồi y còn ở lính. Một lần đơn vị y được lệnh bí mật hành quân đến một bản làng heo hút ở chót vót trên núi cao để tiễu trừ bọn phỉ. Nào ngờ, dân bản ấy đã theo phỉ hết. Đơn vị của y không cảnh giác, một đêm, bọn phỉ được sự giúp đỡ của dân làng đánh úp đơn vị y, y thuộc vào diện những người còn sống sót sau cái đêm đẫm máu ấy cùng với anh chàng đại đội trưởng và mấy người nữa. Cứu tôi, anh đại đội trưởng ra lệnh xả súng bắn vào dân làng, bao nhiêu người đã gục xuống trước sự trả thù mù quáng đó. Riêng y, y không bắn, y đập gãy nòng súng và im lặng. Lúc trở về, anh đại đội trưởng làm một bản báo cáo rằng: Đơn vị bị phục kích, bị thiệt hại, nhưng đã tiễu trừ hết bọn phỉ. Còn y, kể từ ngày sống sót trở về, chưa ai thấy y trò chuyện hoặc nói một điều gì cả. Người ta tưởng y câm, mà y câm thật. Suốt ba tháng trời im lặng, mọi người khuyên y đi bệnh viện, y chấp hành, nhưng y vẫn không nói được. Cuối cùng y được ra quân trước thời hạn. Về nhà, y lại nói bình thường, mọi người ngạc nhiên, còn anh đại đội trưởng nghe tin chỉ cười khẩy. Người đầu tiên mà y kết bạn lúc trở về nhà là Nam, một anh chàng cùng trạc tuổi y, nhưng không phải đi lính vì con ông bí thư huyện ủy nhà ở thị trấn. Anh chàng Nam có cô người yêu xinh đẹp, khuôn mặt cô ta cứ như bông hoa gạo lúc mới nở. Anh ta chiều người yêu lắm, mà cô ta cũng tốt tính và tháo vát. Kể từ lúc ấy họ họp thành một bộ ba vui vẻ và kiếm đường làm ăn. Cô người yêu Nam mách rằng: Gần đây có một số người đi kiếm trầm hương về có vẻ phát. Có người đã mua được xe máy, nhà cửa v.v... Nghe bùi tai, y cùng với Nam theo mọi người lên rừng. Mấy chuyến đầu họ may mắn, gặp được cây trầm, lại không bị bắt bớ, tất cả tiền bán trầm đều chia ba. Cô người yêu của Nam không đi nhưng lại làm công việc móc nối mua bán nên cũng được phần. Mấy chuyến sau họ may mắn hơn, cô người yêu của Nam vui lắm, cô ta đã tính toán với Nam đến chuyện cưới xin, mua xe máy. Nam tính rằng: Với cái đà này, chỉ cần đi vài chuyến nữa là đủ tiền sắm sanh mọi chuyện. Lần ấy, họ đi được nhiều chưa từng thấy, như thường lệ, y giao cho Nam giữ tất cả để đi bán. Mấy ngày sau Nam tìm đến y với nét mặt buồn rầu thất vọng.

- Hỏng hết rồi Trực ạ, tụi "cớm" đánh hơi thấy, thế là đi tong. Tao đã tìm mọi cách, nhưng lũ chó má...

Lúc ấy y đang mài dao, con dao sắc lẹm cạo vào chân, lông thi nhau rơi xuống. Y không nói không rằng. Y trợn tròn đôi mắt cá chày của y lên, nhìn như muốn lóc da mặt của Nam, khiến anh ta cúi xuống. Y nghĩ đến những ngày chui bờ, ngủ bụi, những lần rơi xuống khe suýt chết đuối để có được từng ấy trầm. Y chợt nhớ đến giọng nói tỉnh khô, giả vờ phẫn nộ của Nam, một đứa còn hám tiền hơn y, vậy mà mất chừng ấy trầm sao hắn có vẻ bình tĩnh được nhỉ? Y nhớ đến những lần Nam và con người yêu xinh đẹp của hắn ngồi bàn bạc, thì thào, trông rất nghi ngờ. Mà con người yêu Nam nữa, một đứa rất quen luồng lối mua bán tại sao lại mất được. Không hiểu sao, lúc ấy y thấy hiện lên khuôn mặt của anh chàng đại đội trưởng cùng với bản báo cáo gian dối, lại gian dối. Y im lặng, những lần tức giận y thường im lặng, sau đó y ngẩng lên bảo Nam, giọng bình thường như không có chuyện gì xảy ra:

- Về đi.

Nam đi ra ngõ, vừa nhìn y sợ hãi, hay y biết hết mọi chuyện rồi? Còn y, y nhìn theo Nam, nhếch mép cười khẩy một cách nham hiểm.

Tối hôm đó, cô người yêu Nam đang trang điểm thì y đến, y bảo với cô ta:

- Nam có việc, nhắn cô sang gấp.

Nhận thấy giọng nói của y có vẻ là lạ, lại gọi mình bằng "cô". Mắt y phát ra những tia sáng ma quái. Thấy cô gái chần chừ có vẻ sợ hãi, y nói thêm:

- Đi sang bàn chuyện chia tiền nong ấy mà.

Mặt cô gái biến sắc, cô ta hiểu có chuyện rắc rối đã xẩy ra. Nhưng không đi không được, y nhìn cô có vẻ đe dọa. Cực chẳng đã, cô gái đứng lên đi với y. Cô nhủ thầm, nếu cần thì đem tiền bán số trầm chia nhau cho yên chuyện. Phải, cô đã bàn với Nam giấu số trầm đó đi, tưởng y là thằng hiền lành ai ngờ. Y chậm rãi theo sau cô gái, trong khi cô đang nghĩ đến chuyện tiền nong thì hắn nghĩ tới chuyện khác. Đến bãi đất trống vắng, xung quanh cồn cát trải dài chỉ có dăm ba hàng phi lao lơ thơ. Phía bên kia là bãi tha ma đầy những ánh sáng lập lòe phát ra từ các ngôi mộ, tiếng côn trùng kêu ri rỉ. Tiếng mèo hoang gào lộng óc. Y chợt đứng lại, bảo cô gái, giọng y rin rít.

- Đấy, cô có giỏi thì đi đi.

Cô gái nhìn về phía bãi tha ma, lại nghe giọng nói của y rờn rợn. Người cô nổi gai ốc, trong lúc thần hồn nát thần tính, cô tưởng như thấy những bóng ma đang đội mồ lên, giương đôi mắt trắng nhìn cô như người làng hay kể với nhau. Còn y, không thấy ma, sao y lại đứng lại mà bảo cô với cái giọng như thế (!).

- Xem kìa.

Y lại nói nhát gừng, trừ những lúc vui vẻ, còn y luôn nói bằng cái giọng như thế. Lúc tức, y lại ít nói hơn. Y vừa chỉ tay ra phía bãi tha ma, vừa bảo cô. Trước mắt cô gái là muôn vàn ánh sáng xanh cùng với các bóng đen đang di động, dường như chúng sắp tiến đến bên cô. Cô rú lên hãi hùng, người bủn rủn, cô lao vào ôm chặt lấy y. Y ôm lấy cô như che chở, nhưng bàn tay y bắt đầu lần mò, sờ soạng. Cô gái phần nào bắt đầu nhận biết, nhưng nỗi sợ ma còn lớn hơn sợ... người. Những con ma kia mà đến, chúng sẽ ôm lấy cô, người cô nhớt nhèo, lạnh toát, cô cảm thấy mình sắp chết đến nơi, cô ôm lấy y chặt hơn, người vẫn run lên bần bật. Đến lúc cô hiểu ra y đang định làm thì cô đã nằm duỗi dài trên bãi cát, tấm thân lực lưỡng của y đè lên người cô. Y bắt đầu, rứt quần áo cô một cách thô bạo. Cô giẫy giụa, la hét, nhưng giữa vùng vắng vẻ như sa mạc, tiếng kêu của cô rơi vào khoảng không, vả lại, cô làm thế nào thoát khỏi được cánh tay lực lưỡng của y, một khi y đã có chủ định sẵn.

Sáng hôm sau, mãi tới hơn tám giờ sáng y mới thức giấc. Vừa mở mắt, y vụt nhớ lại sự việc tối hôm qua. Ừ, phải rồi, lúc mọi việc đã đi vào "sự đã rồi" y đứng lên giúp cô gái mặc quần áo tử tế. Cô gái la hét, khóc lóc, chửi rủa, cào cấu y. Nhưng y không lấy thế làm điều, cái chủ yếu là y đã đạt được cái cần đạt. Y đưa cô gái về tới tận nhà cô, rồi mới quay trở về nhà mình. Nhà y nằm ở cuối làng, bố mẹ y đã chết lúc y còn ở lính. Ngôi nhà tranh ba gian nằm lọt thỏm giữa vườn táo lai đang mùa trĩu quả. Y chỉ cần lấy tiền bán táo cũng thỏa sức y ăn tiêu. Có lẽ cậy có vườn táo mà bố y không vào hợp tác xã. Lúc bố y chết, mọi người vận động y vào, y cương quyết từ chối. Lúc tối vừa về tới nhà, y đổ người xuống ngủ say như chết. Giá không có mấy tia nắng chiếu vào mắt, chưa biết bao giờ y dậy. Vừa uể oải ngồi dậy, y vừa liếc nhìn xem thằng Nam tới đây có việc gì. Thấy y đã tỉnh, Nam ghé sát mặt y rít lên:

- Tao với mày dầu sao cũng là bạn, cho nên tao mới chờ mày thức. Mày... mày là một tên khốn nạn.

Y tỉnh ngủ hẳn, y nhếch mép cười nửa miệng:

- Tao khốn nạn, ừ, tao công nhận, nhưng giá như mày đừng khốn nạn với tao trước. Đối với tao, đời là công bằng, được cái này phải mất cái khác. Bây giờ mày muốn gì. Chả nhẽ nhìn mặt mày tao không biết được mày vừa lập mưu ăn cướp toàn bộ vốn liếng của tao trong đợt đi kiếm trầm hương vừa rồi sao? Bây giờ thì mày được tiền, cứ giữ lấy, còn tao được vợ. Người yêu mày là vợ tao rồi, dù cô ta muốn hay không. Có nói gì nữa không? Không thì về đi.

Câu chuyện dừng ở đây. Y không nói gì nữa. Còn Nam, mặt tím lại vì tức giận nhưng chẳng biết làm gì. Hai người chia tay nhau bằng hai cặp mắt tóe lửa. Và cô người yêu Nam trở thành vợ y thật. Cái tục lệ nhà quê lạ lắm, khi một cô gái đã mang tiếng với người này người khác thì không có ai mắt tới nữa, cho dù có đẹp đến bao nhiêu. Mà Nam đường đường là con một bí thư huyện ủy. Có lẽ y lợi dụng cái tập tục nhà quê để cướp người yêu Nam. Giá như bố Nam không phải là bí thư huyện ủy thì có lẽ chẳng có gì để nói thêm về y. Hồi này ở quê y, mọi người đang xôn xao bởi phong trào: "Di dân định cư xây dựng vùng kinh tế mới" và phong trào vận động những gia đình còn nằm ngoài hợp tác vào nốt. Y đã không ủng hộ thì thôi, đằng này lại còn châm chọc, y lớn tiếng bảo: "Hợp tác hợp te. Không có manh vải mà che cái...". Câu nói vần của y đến tai bí thư huyện ủy, ông ta gọi y lên. Y im lặng, chốc sau y bảo:

- Tôi không nói thế, chắc đứa nào phát ngôn bậy bạ. Tôi chỉ bảo: "Hợp tác hợp te, người đi bộ thì ít, người đi xe thì nhiều".

Lần ấy y được tha về. Nhưng lần sau, trong phong trào "di dân định cư xây dựng vùng kinh tế mới" y có tên trong danh sách phải đi. Người ta giải thích cho y hay rằng: tuy nhà y chỉ có y là con trai, nhưng những người ở ngoài hợp tác xã phải đi hết, bí thư huyện bảo thế. Y chợt nghĩ đến sự xui dục của thằng Nam, và suy nghĩ, y chợt thấy bất công. Tiêu chuẩn là mỗi gia đình ba anh em trai phải đi một người lên vùng đất mới. Xây dựng những nông trang, nông trại. Khi đi có sự trợ cấp của hợp tác xã, còn y đi, y đi sẽ phải tự túc. Vợ y lại mới đẻ. Thế là chống, y phát biểu:

- Nông trang nông trại. Thằng mô ngu đại, thì đi nông trang. Xa xóm xa làng, đầu niên đầu bị.

Một lần nữa, câu nói của y đến tai vị bí thư. Ông ta ghép cho y cái tội: "Chống phá chủ trương chính sách" và "Cố tình đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản". Bởi suốt ngày y chỉ chăm chăm nơi vườn táo chứ không làm gì khác.

Cuối năm ấy, những gia đình có tên trong danh sách đi vùng kinh tế mới đã lục tục lên đường. Mặc dầu họ chống rất dữ nhưng cứ phải đi, bởi hộ khẩu đã cắt rồi. Đất đai phần họ hợp tác xã thu hồi. Hơn nữa, nghe mấy ông cán bộ nói bùi tai quá, rằng ở vùng đất mới, đất đai phì nhiêu mà không có người, thả sức làm, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Ba năm đầu không phải nạp thuế... Một số người đã tình nguyện đi thật. Còn y, y cương quyết không đi, người ta cố tình bắt đi. Thu hồi luôn miếng đất y đang ở. Y gân cổ lên cãi:

- Đây là đất của cha mẹ tôi để lại, không ai có quyền.

Ông Chủ tịch xã cười bảo y:

- Cha mẹ anh có đẻ ra đất không?

Y im lặng, ấy là y tức lắm. Ông Chủ tịch xã lại bảo tiếp:

- Vả lại, lên vùng đất mới anh tha hồ làm. Với cái tài làm vườn giỏi như anh.

Dù dốt đến mấy, y vẫn biết đó là một mưu kế để đuổi y đi khỏi làng. Y im lặng đi vào nhà không nói năng gì cả. Mấy ngày sau, họ đọc lệnh thu hồi đất y thật.. Vợ y ôm đứa con gần đầy năm ra đứng giữa sân khóc. Rồi họ cuốn hết các gốc táo vườn y lên, bảo y rằng: Y giờ không phải người vùng này, rằng: Hộ khẩu giấy tờ y đã cắt chuyển. Y lại cãi: Tôi có phải người hợp tác xã đâu mà có quyền cắt hộ khẩu tôi.

Ông chủ tịch xã lại bảo:

- Anh không vào hợp tác xã, nhưng anh đang ở trên đất hợp tác xã khi người ta đo đất toàn xã, người ta tính luôn phần đất của anh vào. Thế anh đang ở đất của ai thì anh biết chứ.

Mặc cho mọi người nói, y nhất định không đi. Dân quân đến giục y dỡ nhà trẻ. Y cười nhạt bảo:

- Đợi đấy.

Hơn ai hết, y biết đi lên vùng đất mới cuộc sống sẽ ra sao.

Buổi tối hôm ấy, y xách ở đâu về một can xăng, không nói lời nào với vợ con. Y đi lên thị trấn trước cổng huyện ủy dội cả can xăng vào người, quần áo y ướt đẫm. Đợi lúc người qua lại đông nhất, y đứng ngay giữa ngã tư thị trấn thét lên:

- Hãy xóa bỏ mọi bất công.

Mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì xẩy ra, chỉ thấy một ánh lửa nhỏ xíu, rồi bốc lên rất nhanh. Tiếng kêu thét loạn xạ, cuối cùng người ta trùm được chiếc chăn lên người y. Lúc ấy, y giống một con lợn quay. Tóc tai cháy trụi, da căng lên, có chỗ nứt toác, nom rất tởm. Mọi người khẩn trương đưa y vào bệnh viện gần nhất.

Y nằm viện đúng 3 tháng 15 ngày thì khỏi. Trong thời gian nằm viện, y đếm được không biết bao nhiêu là người đến thăm. Vì tò mò cũng có, vì thương hại cũng có. Trong số đó có cả bí thư huyện ủy, ông ta ra lệnh, bằng bất cứ giá nào cũng phải cứu sống y. Có lẽ vì thế mà y được hưởng sự quan tâm đặc biệt của bệnh viện, sự bình phục ở y rất nhanh. Lúc các vết thương bắt đầu lên da non, ngắm chừng y không thể chết được, bệnh viện cho y về nhà. Bởi họ đã khó chịu vì y lắm rồi. Điều trị cho y không được gì lại thêm tốn kém. Y về nhà nằm ăn bám vợ hơn hai tháng nữa thì vết thương lành hẳn. Có điều, bây giờ da thịt y nhăn nhúm, gân dính lại với nhau. Y phải cắn răng chịu đau tập mãi mới đi đứng cử động bình thường được. Cũng may, trong thời gian y bị bỏng, không thấy ai đến giục đi vùng kinh tế mới nữa. Có lẽ do y bị thương là một phần, phần nữa, quan trọng hơn là: dân ở vùng kinh tế mới làm ăn gặp quá nhiều khó khăn vất vả, bệnh tật, đói khát v.v... đã tự động bỏ về, suốt ngày họ réo tên bí thư huyện ủy mà chưởi, rằng: Đem con bỏ chợ. Cái kế hoạch "thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn" của vị bí thư sụp đổ tan tành. Bây giờ thì trong các làng xã của cả huyện lại nháo nhào lên một lần nữa vì những người đi vùng kinh tế mới về đã mất chỗ ở. Họ chưởi nhau, cuối cùng lại lôi bí thư huyện ra mà chì chiết. Nhưng cũng có những người ở được vùng đất mới, thỉnh thoảng họ kéo nhau về huyện ủy kêu xin cái này cái nọ. Lúc ấy y đang chữa các vết bỏng. Y cười thầm bí thư huyện ủy:

- Đã ngu thì biết phận ngu, đằng này lại muốn làm ra vẻ giỏi, muốn giỏi hơn cả những người giỏi nữa mới khiếp chứ. Cho chết.

Nhưng ông bí thư không chết, mà cũng không ai chết, chỉ có y lẳng lặng bỏ làng ra đi vào một đêm trời đầy sao. "Chim khôn ăn trái mù u. Người khôn sống với người ngu bực mình...". Thỉnh thoảng y lại lẩm nhẩm như thế. Y không thể chịu được cái cảnh trống giong cờ mở, loa hát suốt ngày, kẻng gõ liên tục mà buổi sáng mãi tới hơn 8 giờ mới có mấy người lác đác ra đồng. Và mỗi khi có họp hành gì đó thì ông bí thư nói đến hai phần ba thời gian. Tất cả những lý do y có thể nêu ra được với mọi người là như vậy. Nhưng lý do lớn hơn, đó là sự nhục nhã của kẻ vì kẻ khác mà phải chết nhưng không chết nổi, bây giờ quay lại nghe chính kẻ ấy bảo ban, dạy dỗ, sống dưới quyền nó, ai mà không tức, không nhục.

*

Bây giờ thì y và Nam ngồi lặng lẽ nhìn nhau. Hơn 10 năm xa cách, vậy mà y cảm thấy hình như chẳng có chuyện gì để nói. Những gì cần biết thì y đã tự biết tự hiểu. Mà tính y, không ưa khách sáo, điều gì biết rồi thì y không hỏi. Vợ y, hay vợ Nam - Y biết điều đó khi bước vào nhà thấy Nam đang ngồi - cũng không nói năng gì. Chị ta lầm lỳ đi rửa ráy. Rồi nấu cơm, và ngồi luôn dưới bếp không lên nữa. Đứa con gái y, thấy không khí im lặng, nó buồn quá tót đi chơi đâu không biết. Dưới ngọn đèn dầu lù mù, y chợt thấy những ngày xưa hiện về. Y bảo Nam:

- Bây giờ thế nào? - Giọng y khàn khàn.

Nam ngơ ngác sợ hãi.

- Sao ạ?

- Tao biết rồi - Y nói - lúc tao bỏ làng ra đi, mày tưởng tao đi luôn, hoặc chết ở xó rừng nào chứ gì? Vậy nên mày chiếm luôn nhà tao, trở về với người yêu cũ của mày phải không?

Trong lúc y nói, Nam lùi dần, lùi dần vào góc tường nhưng y vẫn ngồi im, nói tiếp.

- Đừng sợ, tao không làm gì mày đâu. Tao chỉ muốn tính toán nợ nần giữa mày với tao từ trước tới nay. Mày ăn cướp toàn bộ vốn liếng của tao trong chuyến đi tìm trầm. Ngược lại, tao lấy người yêu của mày. Thế là công bằng. Mày thù tao, xui cha mày bắt tao đi vùng kinh tế mới. Đó là cái kế hoạch ngu ngốc của cha mày. Vì muốn nổi tiếng tao không đi, tao uất quá phải tự tử nhưng không chết. Đó có phải do mày không? Vậy là mày nợ tao. Trong lúc tao bỏ làng ra đi, mày chiếm nhà cửa vườn tược cùng vợ con tao. Tính toán cho đến cùng, mày còn nợ tao hai món. Bây giờ tốt nhất, mày hãy xéo ra khỏi nhà tao. Tao sẽ cho hết nợ.

"Nhà cửa vườn tược do mình gây dựng nên, hắn là một đứa đi tha phương cầu thực ở đâu về, tự nhiên nhảy vào chiếm, đâu có được". Ý nghĩ nhoáng qua đầu Nam như tia chớp, Nam gào lên, như thể sắp bị bóp cổ đến nơi:

- Không, không được, tất cả cơ ngơi này là do công sức của tao.

Y cười khẩy, tiếng cười lạnh tanh:

- Vậy thì giữa hai đứa, chỉ một đứa được sống. Đứa nào mạnh thì còn, đứa nào yếu thì chết. Bắt đầu từ bây giờ đi.

Y đứng dậy cởi áo, chợt nghe bụng réo ào ào, và y thấy đói quặn ruột, từ sáng đến giờ y chưa ăn gì cả. Nom thái độ của y, Nam tái mặt, lắp bắp:

- Mày... mày định làm gì tao.

- Không, tao, không phải là đứa khốn nạn đâu - Y nói - nhưng giữa hai đứa, bây giờ chỉ một đứa được sống thôi. Tao không thể bỏ làng mà ra đi lần nữa. Tao đã chứng kiến nhiều cảnh con người dày xéo lên nhau để kiếm tiền. Tao muốn trở về nhà để yên thân, nhưng mày chiếm nốt chỗ nghỉ ngơi cuối cùng của tao. Bây giờ, mày với tao, sẽ thử sức đứa nào khỏe, được sống. Đứa nào yếu, phải tìm cách mà chết, chết ngay trong đêm nay, không được làm liên lụy đến đứa kia. Nào đứng dậy.

Không biết Nam có nói gì thêm không? Chỉ biết rằng sau đó cả hai gã đàn ông nhảy bổ với nhau dữ tợn như hai con sói đang tranh mồi, mặc kệ tiếng kêu khóc của người đàn bà. Cả hai bên đều muốn giành phần thắng. Một đằng, vì vết hận bốc lên, khiến y như muốn nhai sống đối thủ. Một đằng vì sợ y phải chết, cho nên quyết liệt không kém. Cuối cùng thì cuộc thử sức ấy cũng kết thúc. Kẻ nằm dưới đất rên rỉ là y, y thua không phải vì y yếu hơn Nam, mà vì y mệt lại nhịn đói từ sáng đến giờ. Nam đứng bên cạnh, nhìn y thở hồng hộc. Cuộc thử sức bắt buộc khiến anh ta phải cố gắng quá mức, mặt tái mét, đầy những mồ hôi, tuy rằng trời đang rét dữ dội.

Y nằm lịm đi dưới đất, khoảng nửa đêm thì tỉnh dậy, gương mặt đầu tiên mà y thấy là vợ y (cứ tạm gọi như thế) đầy những nước mắt. Y chợt thấy nao lòng, y không chịu được nước mắt đàn bà. Vợ y đó, vẫn dáng vẻ như ngày nào, tuy không yêu y, nhưng chị vẫn thương y. Vậy mà bây giờ y phải chết. Y chợt cảm thấy buồn. Y cố nhổm ngồi dậy, người vẫn đau ê ẩm. Y thì thào vào tai người đàn bà:

- Cầm lấy số tiền trong túi kia mà nuôi con. Tao đi đây. Người đàn bà dường như hiểu ra mọi chuyện, chị ta hốt hoảng:

- Không.

Ở lại ư? Y thầm nghĩ, trong ngôi nhà này mà hai thằng đàn ông ở với nhau được? Bây giờ y là kẻ thua cuộc, một cuộc chơi quái gở do y bày ra. Thật là nhục nhã nếu y không thực hiện điều kiện do y đặt ra mà lại sống ngay trong làng... Bỏ quê ra đi lần nữa ư? Không được, y đã chán sống cái kiếp của một kẻ lang thang.

- Tao đi đây - Y gạt tay người đàn bà đang đặt trên vai y, khập khiểng ra khỏi nhà, Nam lấm lét nhìn theo.

*

Sáng hôm sau, những người đi qua nghĩa địa sớm, thấy y nằm chết gục bên mộ bà già ngày xưa hay ngồi dưới vòm cây gạo. Cả làng xôn xao bàn tán, không ai hiểu vì sao mà y một kẻ bỏ làng ra đi lâu ngày không thấy về, bây giờ lại chết trong nghĩa địa của làng. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết. Cuối cùng, một anh bác sĩ pháp y về khám nghiệm tử thi, kết luận: Trong máu của y có quá nhiều rượu cồn. Một ai đó chợt nói: Có lẽ sau nhiều năm xa cách, bây giờ trở về làng, xúc động uống quá nhiều rượu, bị say, lại đi giữa trời lạnh, ngã xuống trong lúc gần về đến nhà mà không ai biết.

3-1990
Đ.Q.N.
(TCSH43/06-1990)




 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Mun và tôi (05/01/2018)
Tân Cảnh Dương (27/12/2017)
Song song (15/12/2017)
Dịch quỷ sứ (08/12/2017)
Trễ giờ (01/12/2017)
Thông điệp (08/11/2017)
Mười ngày (20/10/2017)