Truyện ngắn
Tiếng chó sủa bên kia sông
08:56 | 12/02/2018

TRẦN BẢO ĐỊNH  

1.
Nắng trưa hầm hập, chị Hai ngồi đươn rế dưới bóng hàng cây trâm già. Những sợi tre thanh mảnh, qua bàn tay mềm mại của chị, chốc lát biến thành vật dùng làm bếp gia đình.

Tiếng chó sủa bên kia sông
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Thằng Út chẻ và vuốt xong bó tre, dợm đứng dậy đi bắt cá rô ngộp nắng ở ngoài lung. Chị Hai ngăn lại:

- Tháng năm đồng khô hạn, cá rô không có thức ăn nên thiếu thịt thừa xương; bắt chi, cậu Út nó!

Trong nhà, má đương tỉ mẩn sửa lại cái sàng gạo để ngày mốt má sàng gạo sạch trấu, tấm chuẩn bị giỗ tía. Má nói vọng ra:

- Chị Hai của con nói phải đó! Ông bà xưa thường dặn Măng tháng chín thì nhịn cho chồng/ Cá rô tháng năm thì bằm cho chó.

Dự tính của thằng Út bị má và chị cản trở; mặt nó buồn xo, xụi lơ cán cuốc.

Chị Hai bèn bỏ ngang việc đươn rế, rủ cậu em đi róc lá dừa nước mần bánh lá ăn trưa cho đỡ buồn miệng.

Nghe nói tới mần bánh lá, thằng Út nhảy cửng lên mừng rơn hơn mừng húm!

Má nhắc chừng, chẳng khác gì phân công:

- Con Hai lo đi róc lá dừa, còn thằng Út chạy ra gò quơ mớ lá thúi địt mang về cho má giã lấy nước cốt nhồi bột.

Nhà nghèo, thường thì buổi ban mai, không có gì ăn dằn bụng, ai nấy đều lo làm lụng công việc, mãi tới lưng chừng trưa, khoảng chín, mười giờ thì má mới dọn cơm cho cả nhà cùng ăn bữa cơm chính trong ngày. Thành thử đến trưa hoặc xế trưa bụng dạ thằng Út hay bị kiến bò. Má biết ý nên thường bày mần bánh, khi bánh chuối, lúc bánh lá... Cứ vậy, ngày này qua tháng nọ, thằng Út chẳng ngán ăn vì đối với nó, có cái ăn là đã lắm rồi.

Bột gạo nặn mỏng dính trên thân lá dừa nước cắt khúc được chị Bảy gắp ra từ nồi hấp cách thủy. Mùi thơm đặc trưng của bánh lá bay lãng đãng theo hơi nước sôi xông thẳng vô mũi thằng Út, khiến nó thèm ăn muốn chết. Má lật đật cắt bánh cho vào dĩa, chưa kịp chan nước cốt dừa, chan nước mắm thắm, độn thêm dưa leo băm nhuyễn, thì nó đã hấp tấp bốc bánh ăn ngon lành. Má rầy:

- Bây, ăn cái giống gì hồ đồ vậy! Bụng dạ nào chịu xiết!

Miệng thằng Út vừa nhai bánh, vừa hỏi:

- Bụng là sao, dạ là sao, hả má?

- Dạ trên rún, bụng dưới rún. Nhưng rồi, bụng làm thì dạ phải chịu thôi!

Má nói cầu kỳ quá, nó chẳng hiểu. Trong lòng nó vẫn thắc mắc, là tại sao phải dùng nước lá thúi địt nhồi bột thì bánh lá mới ngon? Và, bộ hết tên đặt rồi hay sao!

Con Vện sủa trước ngõ cắt gãy dòng suy nghĩ vẩn vơ của thằng Út. Tiếng má nói vội:

- Nhà có khách, nha bây!

Chị Hai chộp úp cái lồng bàn đậy bánh, thằng Út bưng dĩa bánh vừa ăn vừa vọt lẹ ra sau hè cạnh bến nước.

Ngoài sân, con Vện sủa nà, càng lúc càng gắt củ kiệu.

- Vện! ...ệ...n...!

Con Vện nghe tiếng kêu của má liền cụp đuôi ngưng ngang sủa, nhảy phóc về nằm cạnh chân má như thể sẵn sàng bảo vệ chủ.

- Xin lỗi, bà kiếm ai? - Má hỏi, khi người đàn bà dợm bước qua ngạch cửa.

- Chị Bảy! Tư Sen nè! Bộ chị quên em rồi sao?

Tư Sen giở nón lá, lột cái khăn rằn bịt tóc, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt hốc hác dọc ngang lằn xếp.

- Mèn đéc ơi! Dì Tư Sen!

Má thảng thốt và mừng rỡ kêu lên. Con Vện mõm giảu, ngoắc ngoắc đuôi như muốn chia sẻ với chủ niềm vui bất ngờ chợt đến.

Dì Tư với má thân quen từ thời còn thiếu nữ, từ cái thời cả xóm nghèo sau chợ bám ga Tân Hiệp, chuyên sống cái nghề bán bưng các loại đồ ăn thức uống, trong đó có bánh lá dừa ngon nhất hạng cho khách lữ hành. Nhà ngoại, má thủ vai chính công việc mần bánh lá dừa giao mối cho bạn hàng, cho Dì Tư chạy tàu bất kể ngày đêm thay phiên nhau bán bánh. Má thường nói: Cái nghề này, tuy cực thân nhưng không khổ tâm. Thức khuya dậy sớm riết rồi cũng quen. Hôm nào, đường ray lỡ hư, tàu về trễ chuyến, ai nấy đều trông đứng trông ngồi. Hồi đó, má chỉ tỉ mỉ cách mần bánh lá dừa cho chị Hai, lúc tóc chị còn kẹp chưa búi.

- Xứ mình, không ai không biết mần bánh lá dừa, nhưng để mần cái bánh lá dừa thiệt ngon thì không phải ai cũng biết. Nghề nào cũng có cái mí mửng riêng, chẳng ai chỉ cho ai hết.

Má thường nói với chị Hai như vậy. Rồi, má dặn:

- Bánh ngon, ngoài việc chọn cà bắp lá dừa nước tỉa vuốt thành hình ống xoắn ốc, nếp mới có vị dẻo, nước cốt dừa béo thơm, nhân đậu xanh hay chuối, hoặc đậu đen trộn nếp thì tùy; còn phải tính tới chuyện: bánh khô vì ém nguyên liệu chặt tay, bánh rời vì ém nguyên liệu lỏng tay. Buộc bánh nhớ không buộc chặt cứng, cũng không buộc lỏng quá; chỉ có quen tay mới có thể buộc được vừa chặt vừa lỏng.

Thong thả, má chậm rãi nói tiếp:

- Từng chùm bánh lá dừa hấp bằng lửa củi dừa trong nồi nước hòa tan chút ít phèn chua, màu bánh chín đẹp tươi hơn và bánh mang hương vị miền Nam đậm đà thêm.

Pháp tái chiếm Mỹ Tho, má Bảy dắt chị Hai, thằng Út và cả con Vện rời xóm chợ, bỏ lại sau lưng sân ga; hối hả theo dòng người tản cư chạy về hướng Đồng Tháp Mười qua ngả Phú Mỹ. Rồi, cũng từ đó, nghề mần bánh lá dừa của má thất lạc cùng thời cuộc.

2.

Căn chòi lá giữa rừng, không đủ sức che chắn cái lạnh của rừng đêm. Dì Tư nằm lăn qua trở lại theo tiếng lá rơi lộp độp trên mái tranh, khiến dì nhớ ôi là nhớ những ngày cũ ở quê nhà. Đất Tân Hiệp nằm cạnh con lộ Đông Dương(1) với những chuyến tàu qua, những chuyến tàu về dừng lại ga Tân Hiệp rồi đi(2). Từng hồi tàu kéo nỗi buồn chia ly lê thê theo đường ray hun hút, thắt lòng người ở lại.

- Khuya rồi, chưa ngủ sao, dì nó?

Nghe má Bảy hỏi lời tỉnh rụi, chớ không phải lời ngái ngủ, dì đáp lại câu gọn ơ:

- Thì chị, nào đã ngủ đâu!

Cả hai người đàn bà cùng cười, cùng ngồi bật dậy thầm trong tiếng muỗi vo ve thiếu đói. Con Vện nằm ngoài hiên, kêu tiếng kêu ư...ử... như ngầm đánh động rằng: “tui” cũng chưa ngủ! Người và vật đang canh thức dưới bầu trời đầy sao.

- Tính ra, tui về tá túc với chị và tụi sắp nhỏ, còn nửa tuần trăng nữa là chẵn hai năm. Tự dưng, đêm nay, tui nhớ nhà quá!

Nói xong, dì thở dài, cái thở dài không hẳn vì mệt mỏi của người đi đường xa, mà vì người đi đường xa chẳng rõ tới lúc nào mình mới dừng chân lại.

- Bộ dì tưởng tui không nhớ nhà sao?

Con Vện vung vai đứng dậy, chân quào quào ngạch cửa, như rằng nó không quên chốn cũ; nơi đã cho nó một khung trời đông vui, tự do chạy nhong nhong ra sân ga đón người quen hoặc đứng xớ rớ đâu đó, ngó dì Tư bán từng xâu bánh lá dừa cho khách mỗi chuyến tàu về.

Đêm hồi ức buồn, nhưng là cái buồn đẹp, đầy thơ mộng, xán lạn lòng kẻ ly hương.

Má Bảy nhắc chuyện đại địa chủ họ Đoàn ở Tân Hiệp, mặc dù vợ chùm, con bầy song đã hiến toàn bộ gia sản, đất đai(3) vì nền Độc Lập nước nhà. Nghe nhắc họ Đoàn, dì Tư nhói lòng liên tưởng tới người bạn học của cậu Năm(4) hồi nẳm: Anh Ba Sài Gòn! Ngày lễ, đôi khi vào cuối tuần hoặc kỳ nghỉ hè, anh Ba Sài Gòn thường theo cậu Năm về chơi. Anh dạo cảnh coi huê, thích ăn nem Tân Hiệp, cắn mận hồng đào Trung Lương, nhưng món khoái miệng nhất đối với anh, vẫn là bánh lá dừa quê. Chẳng hiểu vì bánh hay vì người, anh thường lân la bắt chuyện với dì. Có lắm lúc, thấy dì mồ hôi nhễ nhại, tất bật giao bánh và lu bu thối tiền cho khách, anh chẳng ngại ngần bưng thúng bánh giúp dì... báo hại đám bạn hàng ở sân ga cứ xầm xì, trêu ghẹo, khiến dì đôi lần mắc cỡ muốn chết!

- Chồng không nhớ, nhớ người dưng rồi, phải hôn?

Má Bảy điểm huyệt dì Tư.

- Chồng con gì với thứ người đó, chị ơi!

Rồi, dì kể:

- Đương lấy mối bánh lá dừa của chị bán chạy tàu ngon lành ở ga, tía cho người nhắn tin biểu tui nghỉ bán, quay về nhà sửa soạn đi lấy chồng. Trời đất, lấy chồng chi mà lấy nôn dữ vậy! Tui nấn ná nhiều lần là có ý chờ gặp mặt anh Ba Sài Gòn để giãi bày phân tỏ; bởi lần cuối gặp nhau sau kỳ anh nghỉ hè, lúc chia tay khi tàu sắp chuyển bánh rời ga, anh hò câu hò để lại trong tôi niềm thương mến:

“Đường xa ba bữa, xe lửa chạy cũng thấy gần
Anh muốn ăn rau đắng trộn với rau cần
Anh muốn về xứ sở đặng gần với em”.


Ngày qua ngày, bao chuyến tàu qua, anh vẫn bặt âm vô tín và như chị biết đó, tui đành về thôi!

Có tiếng thổn thức khẽ khàng lẫn trong hơi sương khuya.

- Phải rồi, dì nói chị mới nhớ: sau mấy tháng dì đi lấy chồng, hình như cậu Ba Sài Gòn có theo cậu Năm về lại Tân Hiệp. Cậu ngong ngóng, đứng trơ trọi một mình, giữa sân ga chiều cuối năm...

Má Bảy nói, giọng buồn buồn, chia sẻ nỗi lòng cùng dì Tư.

- Chuyện vỡ lở cũng tại cô Sáu hết thảy. Tuy cô Sáu là em của tía, nhưng mọi chuyện hệ trọng trong gia đình tía đều do cô quyết định, vì xét cho cùng, cô là chỗ cậy nhờ mỗi khi nhà gặp khó khăn tiền bạc.

Dì nói phân bua với má Bảy và cũng là, tự phân bua với chính mình. Một hồi, dì nói tiếp:

- Cô Sáu thuyết phục tía: “Dù họ Đoàn đại địa chủ vùng đất Tân Hiệp thì cũng chẳng thể bường họ Dương(5) địa chủ vùng đất Mỹ An Phú. Bởi, họ Dương không những đại địa chủ mà còn chiếm được long mạch vùng đất thiêng Láng Cò. Chỗ em mai mối cho con Tư là chỗ ở trên cục đất long mạch đó. Tuy khác họ Dương, nhưng họ của người ta cũng có của ăn của để, vẫn hơn họ của mình mạt cọng từ đường!” Đoán tía đâu dễ một sớm một chiều ưng cái bụng mà giao núm ruột của mình cho người dưng, cô Sáu xoay ngang chơi cái kiểu mưa dầm thấm đất làm tía xiêu lòng. Trấn an tía vững dạ, cô Sáu chắc cứng: “Rằng, nhà chồng con Tư họ Trịnh không là họ Dương, nhưng ở đậu trên đất họ Dương thì chẳng thể nào, không hưởng được sái phú quý của họ Dương...”. Lo tía trở quẻ vì tự ái dựa hơi người, cô Sáu nói xa nói gần: “Con Tư nó đã trổ mã mặn mòi rồi đó, anh chị không tính gấp cho nó yên bề gia thất để mai kia mốt nọ, chỗ đàng hoàng không gã lại gã chỗ điếm đàng thì đội quần cả đám, nha anh Năm!” Sợ lỡ lời tía giận, cô Sáu nói vớt vát: “Bến tàu là chốn giang hồ, hàng ngày con Tư bán bánh lá dừa chạy tàu, thiệt bụng em không yên dạ chút nào!”

Chị Hai thằng Út thức giấc nằm im giả đò ngủ để hóng chuyện.

- Năm đó, trời chớm vào đông, họ hàng đưa tui lên xe ngựa đi lấy chồng... Và rồi, tui khổ sơn trường từ đó!

Có tiếng nấc cục, chẳng biết của dì hay của má.

- Mấy đứa bạn thường nói: “Có chồng hơn ở giá”. Nhưng, có chồng rồi thì tui mới hiểu “thà ở giá hơn có chồng. Ngày mần quần quật như trâu, đêm nằm chèo queo ở lẫm lúa với bầy chó giữ ma giữ trộm. Năm thuở mười thì, họa hoằn thằng chồng mới lò dò mò tới chốc lát, gọi là đoái hoài thương tưởng; vì đâu phải một mình tui là vợ, thằng chồng chí những tới ba vợ...

Tiếng má Bảy cắt ngang:

- Ba vợ hay ba đời vợ?

Dì Tư trả lời nhát gừng:

- Có chết vợ nào đâu mà gọi đời! Rồi, dì nhỏ to nói tiếp:

- Về sau, tui mới rõ: cha mẹ chồng cưới vợ cho con ngoài chuyện sanh con đẻ cái, còn cốt có thêm sức lao động để khai hoang, phục hóa mở rộng đất đai. Cũng thời may, tui chưa có con; chớ nếu có con, chắc là tui khổ tối mày tối mặt.

Lời dì nặng nề khi kể lại cái hôm chồng lặng lẽ cùng cả hai người vợ trước theo gia đình đi tản cư.

- Tui và đám chó giữ lẫm lúa, nào có hay biết trời trăng gì. Tới chừng ngó lên đường làng thấy thiên hạ xôn xao, gánh gồng bồng bế chen lấn nhau đi, chẳng khác chi chạy giặc. Hoảng quá, bầy chó sủa om sòm. Tui hớt hơ hớt hải lội ruộng băng đồng về nhà thì tá hỏa... Ơn trời, tui lưu lạc cả năm sau mới gặp được chị ở đây.

Nói tới đó, dì Tư bật khóc.

Đêm đầm đầm sương, con Vện thỉnh thoảng cất tiếng rên ư...ử... như thấm chuyện người trong cõi đời còn đen hơn mõm chó.

3.

Hồi đi tản cư, má Bảy không theo dòng người đổ xô về hướng Cai Lậy mà chọn hướng về chợ thầy Yến(6) Phú Mỹ, vì đoạn đường từ Tân Hiệp tới Phú Mỹ chỉ ngót nghét mười cây số; trong khi đó, đường từ Tân Hiệp tới Cai Lậy xa gấp năm bảy lần hơn. Vả lại, má Bảy đinh ninh đi tản cư mươi ngày nửa tháng là cùng, nào ngờ hai mùa trăng trôi qua má cũng chưa định được ngày trở lại nhà. Tây đóng đồn ngay tại bến đò Phú Mỹ, khiến cho tuyến đường sông duy nhất ở phía Tây của Đồng Tháp Mười nối với xóm làng phía Đông lộ Đông Dương, coi như bị thắt gút nơi cuống họng. Việc đi lại mần ăn của dân chúng trong và quanh vùng mỗi ngày một khó khăn; có khi, vì bị Tây nó tình nghi mà chết oan mạng.

Má Bảy và dì Tư bây giờ đã là người cùng cảnh ngộ, cùng “đỏ mờ con mắt trong lờ”(7) nên cả hai hết lòng đùm bọc nhau. Ở nơi rừng tràm bạt ngàn, đồng lầy ngập nước “Muỗi lềnh kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tợ bánh canh” trong cảnh trời mênh mông bàng, sậy... thì má và dì chẳng còn lòng dạ nào nghĩ tới chuyện mần bánh lá dừa để sống đắp đỗi qua ngày. Bởi, một điều dễ hiểu là không có nguyên liệu và bánh bán cho ai, rồi ai dám bơi xuồng mang bánh xuống chợ thầy Yến? Một hôm, dì Tư ngồi nhổ tóc sâu cho má Bảy, nhơn dịp dì gợi chuyện:

- Hay là, chị em mình nhổ bàng đươn mê(8) bỏ mối cho ghe trà vải(9). Tui tính vậy, chị Bảy nhắm coi có được không?

Má Bảy “ừ hén”:

- Sao lâu nay, chị em mình chẳng tính ra!

Má Bảy nhớ hồi còn ở quê, bà ngoại con Hai hay nói: “Cùng nghề đươn thúng, túng nghề đươn mê” (Tục ngữ).

- Phải rồi, dì Tư nó!

Hàng ngày, dì Tư với con Hai chống xuồng vô bưng nhổ cọng bàng mang về phơi giã; rồi cả nhà xúm lại đươn mê. Cực nhưng không khổ, mà lại vui. Đâu chỉ có dì cháu nhổ bàng, nhiều người tứ xứ đi tản cư rồi mắc kẹt ở lại cũng chăm nhổ bàng mần kế sinh nhai.

“Lòng thương con gái Kiến Vàng(10)

Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm” (Ca dao).

Tiếng giã bàng đêm cùm cụp... cùm cụp... nghe sao mà buồn thúi ruột, nhớ nhà.

Thằng Út vô tư bên cạnh con Vện đa đoan việc: Vện giữ nhà, Vện đẩy đuổi chuột, rắn mỗi khi chúng lăm le xâm nhập nơi ăn chốn ở của chủ. Đó là, chưa kể những buổi trưa nắng nóng trên lưng, hầm dưới chân ven rừng tràm bén mí đông bưng, Vện chạy ộp oạp trên đất sình theo cậu chủ Út hốt ổ cúm núm, lượm trứng cò, diệc, le le, vịt trời... cho cậu chủ ngậm mỗi khi khát nước. Vện không từ nan bất cứ việc gì dù nặng hay nhẹ, một khi chủ cần đến.

- Chẳng được đâu dì Tư nó!

Má Bảy gạt phắt ngang ý định của dì Tư gánh mê bàng xuống chợ Phú Mỹ bán, rồi tùng dịp về Tân Hiệp. Má Bảy thở dài ngán ngẩm:

- Mình đàn bà tay yếu chân mềm, bất quá cũng chỉ là người gánh mê bàng đi bán dạo thì chắc, tụi Tây, tụi theo Tây mần lính kín, chẳng bắt bớ hay gây khó dễ gì đâu.

Dì Tư phân bua với má Bảy và có ý hờn mát:

- Chị khéo lo xa!

Má Bảy không những không để bụng lời nói hờn mát của dì Tư mà ngược lại, càng thấy thương dì nhiều hơn. Má hiểu chữ tình của dì đối với chàng trai Ba Sài Gòn sâu đậm tới mức nào. Và, sự dở dang tình từ cổ chí kim đều đẹp tuyệt! Bán dạo mê bàng chỉ là cái cớ để dì  thực hiện nỗi khao khát tìm về sân ga, với mong mỏi tìm lại được bóng người xưa.

- Dì không có cái giấy “Lách-xê- pát-xê” tức là cái giấy thông hành tạm, thì đừng hòng lọt qua được bến đò, chưa nói tới cái đồn Phú Mỹ tinh quái.

- Chớ người ta đi, nghe trà vải lui tới hà rầm đó, có sao đâu!

Dì Tư cãi lại má Bảy. Má Bảy nói chậm rãi:

- Người ta khác, mình khác! Thời giặc giã, không thể lấy người mà so với mình.

*

Hai ngày đêm, cả nhà má Bảy nôn nao và nóng lòng, không ai ăn ngủ được. Mọi người ngóng dài cổ trông tin tức dì Tư thông qua con Vện, nhưng rồi con Vện cũng biệt tăm. Má Bảy cằn nhằn một mình suốt ngày:

- Đã nói đừng đi, vậy mà, cứ nằng nặc đòi đi cho bằng được!

Hễ mỗi lần cằn nhằn, má Bảy lại ra sân vái bốn hướng, lạy mười phương cầu nguyện ơn trên phù hộ cho dì Tư dữ ít lành nhiều. Thằng Út tuy tánh tình không được đằm thắm như con Hai, nhưng nó lại là đứa nặng tình trượng nghĩa. Qua nay, có lúc nó khóc, có lúc nó nằm vùi trên cái chõng tre dựa mé hè, phần thương dì, lớp nhớ con Vện - một người bạn chí cốt - chưa bao giờ rời xa nó nửa bước. Vậy mà...

- Thằng Út đâu rồi?

Phía sau bếp, má Bảy hỏi.

- Dạ! Con đây nè!

- Con rủ con Vện đi với con ra bến sông ngồi chờ ghe trà vải chèo ngang qua, ngoắc vô mua cho má cặp dừa khô.

Rồi, má dặn:

- Nhớ nói người bán lựa dùm cặp dừa bị dày cơm, nha con.

- Dạ.

Chưa dứt tiếng “dạ”, thằng Út co giò chạy ra bến sông. Con Vện cũng chẳng vừa gì, phóng theo cậu chủ bén gót.

Má Bảy tính mần bánh lá dừa đãi dì Tư, trước lúc sớm mai dì thử gánh mê bàng xuống chợ bán. Song, giữa Đồng Tháp Mười bốn bề rừng tràm giăng giăng, chẳng có cách nào tìm được cà bắp của cây dừa nước để lấy lá gói bánh, nên đành chuyển qua mần bánh lá nước cốt dừa.

- Út! Con nạo dừa, còn chị Hai con nhồi bột với lá thúi địt cho dì nắn bột hấp bánh.

Dì Tư phân công chị em nó rành rọt.

Má Bảy dùng lá điều thay lá dừa nước nắn bột. Mùi bánh lá có thể có khác, nhưng vị bánh lá chưa chắc đã khác, vì nhờ nước cốt lá thúi địt chận đứng mùi lá điều phá hỏng vị bánh lá.

- Không phải vô cớ mà người đời đặt cho lá cái tên thúi địt. Ăn nó là phải địt. Hễ địt là phải thúi và hễ thúi thì chất dơ trong cơ thể mới được tống ra ngoài bằng cách xì hơi, giúp đường ruột khỏe khoắn. Kẻ tham vô độ thường gian manh, tráo trở thì sao biết thưởng thức mùi vị của lá thúi địt.

Thằng Út đang gò lưng, kềm chân lên bàn nạo, dằn tay nạo cơm dừa, nghe má Bảy nói, nó đã cái lỗ tai.

Vậy mà, giờ đây “đang khi vui vẻ ra buồn bã”, thử hỏi làm sao nó cầm được nước mắt mà không khóc! Chính nó vỗ về và sai biểu con Vện đưa dì Tư đi tới bến đò rồi hãy quay về, nếu hữu sự thì hết sức giúp đỡ dì Tư. Vện hiểu ý, ngúc ngoắc cái đuôi ra chiều ưng thuận.

Từng đàn cò bay về tổ cắt đứt những vệt nắng còn chần chừ, nấn ná trên cây. Rừng chiều tối sớm hơn cánh đồng bàng.

Con Hai chạy hớt hơ hớt hải từ bến sông lên nhà.

- Má! Má ơi, dì Tư... bị...

- Dì Tư, bị... bị cái gì?

Tiếng Bảy hốt hoảng. Thằng Út ngồi vụt dậy:

- Chị Hai nói sao? Chị Hai!

- Dì Tư bị... g...i...ế...t..

Ba má con sững sờ ôm nhau ràn rụa nước mắt.

Tin dì Tư bị giết, con Hai nghe được từ người đàn ông trên ghe trà vải học lại và nó còn nghe, con chó đi theo người đàn bà bị giết đã bị thằng Tây búa bắn gãy cẳng, xém chết. Lúc má Bảy hoàn hồn chạy ra bến thì chiếc ghe đã rời bến lâu rồi.

4.

- Má ơi! Má ơi má! Vện đã về, má ơi!

Thằng Út kêu má chói lói trong nỗi mừng vui khôn tả.

Tiếng con Vện sủa gấp gáp bên kia sông.

Con Hai xô cây chống cửa bước ra sân

- Về tới nhà, sao Vện không bơi qua sông?

- Bộ con quên rằng, Vện bị bắn gãy cẳng sao!

Má Bảy trầm tĩnh nói với con gái.

Tiếng con Vện mỗi lúc mỗi sủa gấp gáp như nhắc nhở, thúc giục chủ không còn kịp thời gian.

Má hiểu chuyện kinh thiên sắp xảy ra cho gia đình qua tiếng sủa của con Vện. Má hối chị em thằng Út quơ đại áo quần rồi nhanh chân xuống xuồng qua sông.

Biết hai con thắc mắc, má nói:

- Nội trong sáng mai, tụi Tây và tụi theo Tây sẽ tới đây!

Lúc xuồng ra gần giữa sông, má Bảy ngửa mặt lên trời than:

- Xưa, “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”. Nay ngược lại, thời thế chẳng biết đâu mà lần!

T.B.Đ
(TCSH348/02-2018)


--------------------
(1) Quốc lộ 1A bây giờ.  
(2) Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho hoạt động từ  1885 đến 1958.
(3) Ông Đoàn Giang (thân phụ nhà văn Đoàn  Giỏi) có 3 người vợ, 18 người con. Nhà văn Đoàn Giỏi (Đoàn Văn Hòa) con thứ năm của người vợ cả ông Đoàn Giang, trước Đoàn Giỏi là anh trai và 2 chị gái. (Theo lời bà Đoàn Thị Tuyết, em gái nhà văn Đoàn Giỏi).
(4) Nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 1989) học  Trường Collège Mỹ Tho (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho), đậu bằng thành chung, theo học hội họa Trường Mỹ thuật Gia Định. Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (hiện nay) là nhà của gia đình ông Đoàn Giang đã hiến khi xưa. (Tài liệu lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
(5) Họ Dương trải qua bốn đời: Dương Văn Bảo,  Dương Văn Long, Dương Văn Lâm, Dương Văn Cường, khai phá vùng đất nay gọi là xã An Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Thời nhà Nguyễn, Láng Cò là Tân Hòa Tây thuộc tổng Hưng Long). Gần mộ tổ họ Dương, có hai ngôi mộ Dương Văn Huề tự Mau (1891 - 1944), Nguyễn Thị Kỷ (1895 - 1992) là thân phụ và thân mẫu của cựu Tổng thống VNCH, Đại tướng Dương Văn Minh.
(6) Thầy Yến thuộc tầng lớp nho sĩ theo lưu  dân tới khai phá và định cư Phú Mỹ; (làng Phú Mỹ thành lập năm 1808). Thầy Yến mở trường dạy học và bốc thuốc. Về sau, dân tụ về đông đúc, thầy Yến lập chợ và từ đó, dân gọi chợ thầy Yến. Đến năm 1896, chính quyền thời bấy giờ xây lại chợ mới và cho đặt tên chợ Phú Mỹ, nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi chợ thầy Yến. (Theo Di tích lịch sử tỉnh Tiền Giang).
(7) Lờ là dụng cụ dùng để bắt cá.  
(8) Đươn mê là đươn manh đệm.  
(9) Ghe trà vải là ghe bán tạp hóa lưu động trên  sông.
(10) Tên gọi cũ của xã Hưng Thạnh (nay thuộc  huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).  




 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cõi một (31/01/2018)
Trở về (11/01/2018)
Mun và tôi (05/01/2018)
Tân Cảnh Dương (27/12/2017)
Song song (15/12/2017)
Dịch quỷ sứ (08/12/2017)