Truyện ngắn
Bến mê
14:38 | 28/02/2018

NGUYỄN THỊ LÊ NA

Lam gói ghém mấy bộ quần áo ném vào chiếc vali nhỏ, vơ vội vài tờ báo văn nghệ, nghĩ sao chị thần người ra một lúc, ngồi phịch xuống ghế.

Bến mê
Minh họa: PHAN NGỌC MINH

Có ngược đời lắm không, có trái khoáy lắm không, khi Lam quyết định ra đi vào đi vào lúc con bé chuẩn bị thi học kỳ, mà vốn nó học yếu, không có mẹ kèm cặp Lam thấy không yên lòng.

Vương vấn mãi, cuối cùng cũng phải tạm biệt. Lam hôn con mà mặt cứ ngây ra, mắt ầng ậng nước. Cố không khóc, Lam quay đi, nghe nghẹn ứ ở cổ. “Để anh đèo em ra đó”. “Không cần đâu. Em muốn đi một mình, anh đi để con ở nhà tội nghiệp”. Lam cúi mặt lủi thủi đi, như một cuộc chạy trốn.

Khu sáng tác là một khuôn viên rộng, trước mặt là biển, sau lưng là những trảng cát với những rặng dương trải dài xanh tốt. Đang mùa đông, biển vắng và buồn. Dọn dẹp đồ đạc đâu vào đấy, Lam vật ra giường định ngủ một giấc dài sau chuyến xe nhiều giờ. Muốn thế nhưng khi nhắm mắt lại, hình ảnh hai đứa con cứ choán hết tâm trí. Không biết hôm nay Phan đón con sớm hay muộn, chợ búa cơm nước thế nào. Công việc nội trợ đối với Phan là cả một cực hình. Tự nhiên Lam muốn bỏ hết để về ngay với con, nhưng những chuyện vừa xảy ra trong gia đình làm chị tê tái, buốt nhức.

Ngày thứ nhất. Lật giở lại đề cương đã chuẩn bị sẵn lúc ở nhà Lam thấy thế nào, có cái gì đấy như hạt sạn làm Lam thấy khó chịu. Thôi thì vứt đi vậy, viết cái khác. Đầu óc mông lung, ý tưởng rối rắm, Lam cứ luống cuống, bấn loạn không yên.

Khuya lắm. Lam tắt bóng đèn neon, bật chiếc đèn ngủ xinh xinh màu hồng. Cái màu đã từ lâu Lam không còn thấy thích. Kể ra, được cơ quan tạo điều kiện ăn ở tốt thế này, tâm trạng thoải mái một chút thì cũng không đến nỗi nào, Lam nghĩ. Công việc văn chương tùy vào cảm hứng, đâu phải cứ ép là có được. “Chị Lam ơi, mở cửa cho em!” Lam giật mình: “Minh hả, có chuyện gì không?” “Chị cho em ngủ với, bên đó em cứ thấy rờn rợn, như kiểu có ma ấy”. Lam phì cười: “Ma hay người đấy?” Nói thế nhưng nhìn gương mặt nhợt nhạt của Minh, Lam động viên: “Chắc em cảm giác thế thôi chứ làm gì có ma mà sợ!” Ngày xưa, Linh, em gái Lam cũng thế, lớn ngồng rồi mà chẳng bao giờ chịu ngủ một mình. Hỏi vì sao thì câu cửa miệng bao giờ cũng là em sợ ma nên muốn ngủ cùng chị. Lấy chồng rồi, phải lâu lắm Lam mới thôi thức giấc hằng đêm, mới vơi nhớ đến vòng tay ôm siết chị vì giật mình bởi tiếng mèo giữa khuya của em gái. “Minh này, hay bữa nay cứ tối sang đây hai chị em ngủ chung, chị một mình cũng buồn”. “Ở đây yên tĩnh chị nhỉ!” “ Ừ. Yên tĩnh để mà viết chứ có phải đi chơi đâu mà chọn chỗ ồn ào”. “Nhưng mà vắng quá em lại sợ!” Minh rúc đầu quàng tay qua người Lam. “Thích nhỉ, hai con rồi mà còn giòn ghê, chắc anh Phan mê lắm!” Lam nghe như có mũi kim đâm vào lòng nhói buốt.

Ngày thứ hai. Lam ngồi cắm bút trước trang giấy. Viết đi chứ. Câu chữ trôi tuột đâu mất cả rồi. Đầu óc cứ trong veo. Sốt ruột quá. Ít ra cuối đợt cũng phải có cái gì nộp cho Ban tổ chức trại chứ. Càng nôn nóng, Lam càng bị tâm trạng rối bời cuốn đi. Khổ nỗi choán trong tâm trí Lam lúc nào cũng hiện lên hình ảnh hai đứa con với gương mặt rượi buồn. Giờ này, ở nhà ba mẹ con đã rúc rích trong chăn ấm. Lam quay quắt trong căn phòng vắng lạnh. Chuông điện thoại báo có tin nhắn: “Viết đuợc gì chưa? Gắng lên bà chị. Viết quyết liệt vào, cả trong ý nghĩ và hành động”. Con bé này, lại ra giọng bà cụ non, Lam bật cười. Linh của Lam cũng thường hay triết lý với Lam kiểu như thế. Nhiều lúc Lam giật mình, con bé lớn từ bao giờ thế không biết. Mẹ mất khi Linh mới tròn hai tuổi, Lam dành cho em thứ tình cảm không chỉ đơn thuần chị em. Trong sự chăm sóc của Lam có sự gần gũi thân thiết của người chị, có sự dạy dỗ ân cần của người mẹ. Thế nhưng Lam vẫn thấy như còn thiêu thiếu thứ gì. Và trong tâm hồn Linh, Lam là người duy nhất Linh tin tưởng và dành trọn niềm thương mến. Lam cứ nhớ mãi, ngày sinh con bé, Phan đi công tác vắng. Lam một mình vật vã với cơn đau vượt cạn, Linh khóc như mưa như gió, vừa lau nước mắt vừa tất tưởi lo toan chu tất mọi thứ. Rồi những ngày Lam ở cữ, một tay Linh cơm nuớc, than củi, người gầy xọp đi mà miệng thì cứ thao thao nào chị phải ăn những thứ này này, mới có nhiều sữa cho em bé bú, nào bà ngoại bảo phải xông những thứ lá cây này hết cữ da mới săn, mới đẹp... Thôi thì đủ thứ kinh nghiệm nó tha từ đâu về và bắt Lam làm theo như mệnh lệnh.

Có lần Lam và Phan cãi nhau. Lam buồn vì bị Phan xúc phạm, nhưng ruột gan Lam bời bời khi thấy Linh cũng buồn rũ ra. “Chị cứ chịu đựng làm gì cho khổ thế?” Lam gạt phăng đi: “Con bé này, vợ chồng ai chẳng có lúc này lúc khác. Trời không nghe đất thì đất nghe trời, con cái đó rồi, làm thế nào được!” “Nhưng em không chịu nổi, chị không đáng phải chịu như thế. Là em thì...”. “Thôi thôi, em khác, chị khác. Nhờ trời sau này không ai bắt nạt được em!”

Ngày thứ ba. Đợt gió chướng cuối mùa kéo trời sụp xuống. Lam thẫn thờ nhìn ra cửa sổ, vạt dương lặng thinh, không gian nhuốm màu u ám. Lam cố không nghĩ tới những hình ảnh thân thương đau đáu trong lòng. Phải bắt tay vào việc. Thời gian chỉ hai tuần, quá ít để Lam không thể thảnh thơi phung phí buổi nào. Nửa trang giấy đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn, Lam không thể nào bắt tiếp mạch truyện được. Minh không biết thế nào, cứ hồn nhiên, ào vào phòng này một tí, ghé phòng kia một lát. Có nó căn phòng rộn lên. “Chị Lam ơi, nghe nói gần đây có ngôi chùa hay lắm, mai mình đến đó chơi đi. Thay đổi không khí một chút may ra em mới viết được!” “Thôi, đầu óc chị đã u u mê mê thế này rồi…”. “Nhưng mà ở đó có ông sư nói chuyện hay lắm, chị không thích nghe à?” Lam chợt nghe nhói trong lòng. Không hẳn thế, nó từa tựa mặt hồ yên tĩnh chợt có một bóng cá đớp mồi, làm gợn lên những vòng sóng nhẹ xôn xao. Ngày Lam đang học đại học năm thứ ba, lớp Lam có đến năm người tu hành ở các chùa trong thành phố cùng theo học. Họ tỏ ra là những người am hiểu, trí tuệ. Lam rất ngưỡng mộ. Nhưng trong mắt Lam, những người tu hành có cái gì đó kỳ bí khiến Lam ngài ngại. Và nữa, những người tu hành thì chẳng bao giờ biết yêu. Lam nghĩ thế và cứ hồn nhiên vô tư trước họ, trước những người mà Lam cho là “vô hại”. Thế mà bỗng dưng, chính cái lúc con người mà Lam không ngờ nhất đã nói lời tỏ tình với Lam, dưới tán cây xà cừ rợp bóng trước cổng trường. Nếu thay y phục của người tu hành thì đó là một người đàn ông mà không ít cô gái mơ ước. Đẹp trai, phong độ với biệt tài chơi bóng chuyền, thông minh hóm hỉnh, lại con nhà giàu có. Nghe nói thầy được gửi vào chùa năm lên mười tuổi nhằm cứu gia đình thoát khỏi vận hạn theo lời của một ông thầy bói. Hẳn khi đó thầy chưa hiểu được thế nào là căn nguyên, là chân tu, và chắc chắn không biết được rằng trái tim sau nhiều năm nương náu cửa Phật, tu thân, thầy vẫn chưa thoát vòng tục lụy. Lam đã run lên, khi ngước mắt nghe người ta bảo muốn thay chiếc áo tu hành, cùng Lam đi hết quãng đời còn lại. “Em biết không, dù đã gặp nhiều người con gái nhưng tôi vẫn nguyện trọn đời là một kẻ xuất gia. Thế mà khi gặp em, vẻ mong manh toát ra ở em khiến tôi muốn chở che, tựa đỡ và quên mất mình là một kẻ tu hành, quên mất mình đã từng chay tịnh...”. Mãi lâu, Lam mới thốt nên lời “Thầy ơi, Lam không thể, Lam sợ mình mang tội!” “Trái tim không có lỗi. Nếu em đồng ý, tôi sẽ gửi xin hoàn tục trả y lại nhà chùa.” “Đừng!...” “Tôi yêu Lam. Chỉ cần Lam gật đầu...”. “Không! Thầy là người tu hành mà... Lam sợ...”. Lam quày quả, và đã hèn nhát, không dám đối diện lòng mình, đối diện với tình cảm thực của mình, đã không dám nhìn thẳng vào đôi mắt thẳm sâu đầy đắm đuối, van vỉ và tuyệt vọng. Ra trường, có nhiều cơ hội cho Lam lựa chọn, Lam không còn nhớ đến tình yêu của người đàn ông ấy. Sau này qua mấy người bạn Lam nghe nói thầy đã xin rời chùa. Khi biết tin Lam đã lấy chồng, thầy vào miền Nam và bặt tin từ đó. Giá hồi đó Lam mạnh mẽ lên chút nữa, can đảm lên chút nữa chắc đã không xảy ra chuyện bi đát gia đình như hôm nay? “Hình như chị có vẻ thích giam mình trong phòng, bà chị chưa già mà như cụ cố, suốt ngày ru rú, chán chết!” Minh ngúng nguẩy bỏ về phòng. Hoài vọng những gì đã qua là đức tính cố hữu của người già. Con bé nói đúng. Dạo này sao Lam cứ hay nhớ những chuyện xửa xưa, nhớ thế thôi, chẳng để làm gì. Tỉ như hôm nay vậy, Lam bỗng nhớ da diết hình ảnh bé Lam cách đây 15 năm, ngu ngơ bước chân vào cổng trường đại học, nhìn thấy gì cũng lạ, cũng đẹp. Thế mà khối chàng ngẩn ngơ... Giờ có ai trong số đó chợt lòng nhớ đến mình không nhỉ? Vớ vẩn thật, giữa lúc nước sôi lửa bỏng thế này lại đi nhớ những chuyện đẩu đâu.

Ngày thứ tư. Ăn cơm mà trên gương mặt 15 trại viên vẫn còn nguyên vẹn vẻ đăm chiêu. Có lẽ họ đều đang sống với nhân vật, ai cũng đuổi theo ý tưởng riêng của mình, thành ra không khí trầm lắng và nhạt. “Thế nào? Viết đến đâu rồi? Hãy nói qua ý tưởng xem nào?” Trưởng trại hỏi. Lam bần thần. Biết nói ý tưởng thế nào khi trong đầu Lam chỉ là một mớ bòng bong. Chuyện công việc, chuyện vợ chồng, con cái cứ quấn lấy Lam, không dứt ra được. Lẽ nào Lam đang chạy trốn vì không tìm cho mình được lối thoát. Nhưng dù có trốn ở chân trời góc bể nào thì tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong Lam, còn nguyên đổ vỡ, còn nguyên nỗi đau, không ai chia sớt được.

Lam còn nhớ như in ngày tháng bắt đầu hạnh phúc của đời mình, Lam đắm đuối trong men tình yêu của chồng. Cưới nhau, mọi thứ hết thảy đều thiêng liêng và hút hết tâm hồn, Lam cứ muốn được ngoan hiền trong vòng tay thương yêu của chồng. Oái oăm thay, điều đó trở thành nỗi bất an trong giấc ngủ hằng đêm của Lam. Ai bảo trái tim Lam mẫn cảm, đập những nhịp không giống ai!

Ngày xưa, vợ chồng xa nhau dù chỉ một ngày, Lam nhớ chồng, nỗi nhớ nôn nao của người đang say trong hạnh phúc. Mỗi khi buồn Lam lấy đó làm niềm an ủi. Còn hôm nay, đã năm hôm rồi, cũng không phút giây nào Lam không nhớ tới Phan, nhưng với một nỗi đớn đau khắc khoải. Lam tiếc ngày xưa. Ngày xưa đồng nghĩa với những gì thiêng liêng quý giá đã mất.

Ngày thứ năm. “Chị Lam ơi, nhìn chị hạnh phúc thế mà sao người ta bảo hôn nhân là nấm mồ của tình yêu?” “Thế Minh nghĩ thế nào là hạnh phúc?” “Thì như chị ấy, hội đủ những thứ thiên hạ mơ ước, nhà cửa khang trang, vợ chồng thành đạt, con cái xinh ngoan, sướng nhất chị còn gì!” Lam thần người ra. Chẳng ai biết được, hết những ngày đắm say Phan trở thành con người khác. Cũng chẳng ai biết bầu trời tình yêu của Lam sụp đổ khi trong một lần cãi nhau Phan bảo sai lầm lớn nhất của đời mình là lấy vợ, lấy Lam. Lam nghe lòng se sắt, vụn vỡ. Lúc ấy Lam mới hai mươi lăm tuổi, chưa có hai đứa con. Lam cũng không hiểu nổi có phải Lam là người duy ý chí không mà cứ im lặng chịu đựng sự dằn vặt ấy đến bây giờ. Có lẽ Lam sợ sự thay đổi. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Giữa Lam và Phan luôn có một bức tường chắn ngang. Phan đi xa, Lam quay quắt nhớ. Cứ ước giá anh ở gần, Lam sẽ choàng tay ôm anh thật chặt, luồn cả mười đầu ngón tay vào mái tóc dày rậm của anh mà hít thở mùi mồ hôi quen thuộc. Vậy mà khi bên anh, Lam không thể dù một cái đụng chạm khe khẽ. Cái rào chắn mơ hồ mà khắc nghiệt tận trong sâu thẳm đã ngăn hai người ở hai thế giới. Thế mà Lam không thể nghĩ tới ai khác ngoài Phan.

Cất dọn mọi thứ, lên giường, Lam nhắn cho Phan cái tin, chờ mãi chẳng thấy hồi âm. Có lẽ Phan ngủ mất rồi. Hay...

Ngày thứ sáu. Hết mưa lại nắng. Thứ nắng hanh hao mùa đông ở miền Trung khô rát da thịt. Gần hết nửa quỹ thời gian mà vẫn chưa đâu vào đâu. Lam mỏi rũ ra với vô vàn ý nghĩ lộn xộn chồng chéo trong đầu. Con bé Minh lại bắt đầu thao thao chuyện vợ chồng. Điện thoại cho chồng cứ ríu ran như chim hót, Lam bỗng thèm sự hồn nhiên nhí nhảnh của con bé. Mà giờ có vô tư như nó thì giữa Lam và Phan cũng không còn có những giây phút cởi mở thoải mái quý báu đó nữa. Mọi cảm xúc trong Lam co cứng lại từ ngày liên tiếp xảy ra những chuyện bất ngờ. Thoạt đầu là Phan đề nghị ngủ riêng ra kẻo vợ chồng con cái chung vào một giường vừa chật vừa nóng. Kể ra điều Phan đề nghị cũng hợp lý, Lam không chút nghi ngờ. Đêm, Lam trằn trọc mãi không ngủ được. Có mỗi con bé ngủ cùng, Lam thấy giường rộng rênh, sự trống trải khiến Lam thèm nhớ thằng bé không chịu nổi, thôi đành lên gác bồng nó xuống ngủ cùng. Khuya lắm rồi, điện trong phòng Phan vẫn sáng, Lam đưa tay định xoay nắm đấm. “Anh nhớ em quá...”. Lam mở cửa, Phan giật thót mình đút nhanh điện thoại vào chăn khi trong máy vẫn còn eo éo giọng con gái. “Ai gọi điện mà khuya thế anh?” “Có ai đâu... à... đứa bạn. Nó hỏi mấy chuyện ấy mà!” Lam nghe đau nhói ở đâu đó trong ngực, nhưng cố ghìm nén lại. Lấy Phan, Lam biết Phan có nhiều nhược điểm, nhưng chị chấp nhận. “Nhân vô thập toàn con ạ, con người ta ai chẳng có tật xấu, miễn là nó sống nghiêm túc chung thủy...”. Câu nói của bố bao giờ cũng là niềm động viên an ủi Lam trong suốt những năm qua. Lam cứ tin tưởng và bấu víu vào đó để vượt qua mọi thứ.

Lòng buốt nhức, Lam cứ khóc hằng đêm, âm thầm dằn vặt. Có phải Lam quá quắt không? Hay đó là linh cảm rất riêng của đàn bà? Phan tỏ ra bất cần, cứ như Lam là người có lỗi. Phan là thế. Có lẽ ở cương vị phó giám đốc một công ty có tiếng, anh mang luôn cả thứ quyền uy ấy về nhà. Việc kiếm tiền đối với Phan không khó nên lúc nào cũng thách đố và cố chứng minh cho Lam thấy Lam không thể rời chồng ra được dù với bất cứ lý do nào. Một người phụ nữ với đồng lương ít ỏi, phải dựa vào chồng chứ rời ra làm gì có chỗ dung thân, tất phải chấp nhận anh ta, dù anh ta có tồi tệ đến mức nào đi nữa.

Giờ Lam đâm ra nghi ngờ tất cả. Lẽ nào tình yêu Lam dành cho Phan chẳng có ý nghĩa gì? Phải chăng Lam và Phan chưa bao giờ đi trên một con đường, phải chăng mười năm chung sống với hai mặt con chỉ là kết quả của một sự gặp gỡ không đầu không cuối? Cảm giác chông chênh trong Lam mới thật khủng khiếp làm sao.

Lam không biết mình phải làm gì. Khóc mãi cũng đến lúc hết nước mắt. Mà đàn ông thời buổi này nhiều kẻ đèo bòng đôi ba mối tình… Lam cứ tin với lòng thiện chí và sự thánh thiện của người đàn bà trong chị, Phan sẽ thay đổi. Lẽ nào Phan không nghĩ mình có hai đứa con như hai thiên thần đấy sao.

Lam dần lấy lại sinh khí, nỗi buồn phần nào nguôi ngoai. Nếu người ta nói một ngày nào đó bầu trời sụp xuống thì có lẽ chính là lúc Lam tình cờ bắt gặp Phan cùng đứa em gái ruột thịt đang cùng nhau ngay chính giữa phòng khách nhà mình. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, quá đột ngột đến nỗi Lam không kịp lẫn tránh, đứng trân hồi lâu rồi đưa tay úp mặt, quay đầu bỏ chạy. Ít giây sau, Phan đuổi theo và quỳ mọp xuống chân: “Anh xin em, anh yêu Linh, và Linh cũng thế. Xin em đừng làm ầm lên, nếu không anh sẽ bỏ xứ mà đi.” Thế đấy, đến lúc này rồi mà Lam vẫn bị Phan ra điều kiện. Lam không khóc được, người chị như đóng băng. “Em giải thoát cho anh, chúng ta ly hôn, được chưa?” “Không, anh không muốn bỏ em!” “Vậy anh đang sống với tôi thứ tình cảm gì đây? Hôm nay anh vỗ về tôi, mai anh ôm ấp em gái tôi. Anh không thấy hổ thẹn sao? Nếu anh không còn thương yêu tôi nữa, tôi sẽ không hẹp hòi níu kéo. Sao anh có thể làm được cái điều tội lỗi ngay trong ngôi nhà này, ngay trước mắt tôi? Dù anh có chơi bời, có chung chạ với đủ loại người trong xã hội cũng không làm tôi đau đến thế này. Anh thật độc ác, anh biết không?” Đau đớn ê chề. Lòng tái tê. Lam lang thang một mình suốt đêm. Đi mà không biết mình đi đâu? Vì sao phải đi? Chỉ biết có một thứ gì đó thôi thúc Lam bước ra khỏi ngôi nhà ấy, nếu không sẽ phát điên lên mất. Ý nghĩa về cái chết chợt lóe lên. Lam đứng bên bờ sông cuồn cuộn chảy... Không có hai đứa con, Lam còn cần gì trên đời này nữa.

Lam giờ như miếng bã trầu ném bên vệ cỏ, xác xơ như cánh đồng sau bão. Suốt thời gian dài, Lam như một cái bóng. Lam sợ đêm xuống, nhắm mắt lại, mọi thứ cứ hiển hiện trước mắt. Lam bị chúng dày vò, bị chúng cày xới, hành hạ đến tả tơi. Lam không biết phải làm thế nào, rũ bỏ hết, vung vít hết mọi thứ, hay chấp nhận thực tế? Cái gì cũng quá sức với Lam. Thôi thì làm người ai chẳng có lúc lầm lỡ. Lam đồng ý cho Phan cơ hội. Dù thế Lam vẫn cứ chơi vơi trong cảm giác không biết những ngày tiếp theo phải sống thế nào với vết thương không bao giờ kín miệng lên da, mỗi khi trái gió trở trời lại một lần nhức nhối, quặn thắt. Lam đau. Nỗi đau không giống ai. Vì chồng ngoại tình ư? Không. Đấy không đơn thuần chuyện trai gái đèo bòng. Ruột gan Lam như có ai xát muối mỗi khi Phan đến bên. Phan trơ trẽn bảo, dù có Linh nhưng vẫn khao khát chị, rằng anh chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ chị để lấy người khác. Sống với nhau đã có hai mặt con, sao Phan không chịu hiểu, với Lam chuyện đó đòi hỏi một sự hoàn hảo về tâm lý. Hay con người Phan ít cảm xúc và bất cần nên cố tình mặc kệ Lam thế. Mà tại Lam nữa, đã tha thứ cho Phan rồi sao cứ phải dày vò mình mãi. Giấc ngủ đến với Lam thật khó khăn, thường chỉ lịm đi vì mệt mỏi.

Phan giờ tỏ ra là người biết lỗi, có lẽ anh cố bù đắp những mất mát đã qua. Lam thấy như được an ủi phần nào cho dù bát nước đổ đi rồi sao vốc lại cho đầy được. Phan không hắt hủi, xử tệ hay đánh đập Lam như những người đàn ông vũ phu khác mà làm yên lòng vợ bằng những điều khiến Lam giật mình tự hỏi hay lâu nay mình đã không làm tròn bổn phận của người phụ nữ? Một hôm, trước khi bỏ quần áo vào máy giặt, Lam tình cờ bắt gặp trong túi quần của Phan chiếc sim điện thoại. Không lẽ... Bủn rủn cả người. Lam không tin. Phan không thể như thế nữa, Lam đã cố hết sức rồi. Sự chịu đựng cũng đã đến tận cùng. Lòng vị tha cũng không là vô hạn. Phan không có quyền, Phan không thể cầm dao ngoáy vào tim Lam thêm một lần nữa. Lam muốn cất lại, quên đi, nhưng tính tò mò khiến Lam không cưỡng được. Run run, Lam bỏ chiếc sim vào điện thoại. Hiện lên trên màn hình duy nhất số điện thoại của đứa em gái với những tin nhắn nóng bỏng và những cuộc gọi giữa khuya. “Không gặp em mấy ngày mà anh tưởng như dài mấy năm, suốt ngày anh như một kẻ mất hồn, không làm được việc gì cả.” “Em cũng có khác gì anh đâu, hình bóng anh choán hết tâm trí em rồi. Em bắt đền anh đó!” “Sáng mai em đến chỗ cũ rồi nháy máy cho anh nhé”... Lam khuỵu xuống, cảm giác sợ hãi xâm chiếm cõi lòng. Mà cũng không biết sợ cái gì nữa, rùng mình, Lam thấy hoang mang như đang đứng một mình giữa bãi tha ma. Heo hút. Vắng lặng.

Linh hẹn gặp Lam vào một buổi chiều, khi trái tim Lam đã khô quắt lại. Câu đầu tiên Linh nói với Lam suốt thời gian dài vừa qua là báo tin đã có thai. Lam im lặng, ngồi nghe. Sao Lam không khóc được nhỉ? Cũng không tức giận hay nói một lời vỗ về an ủi. Giờ Lam đã không còn cảm giác đau thắt vùng ngực như trước đây mỗi khi nghĩ tới đứa em gái Lam chiều chuộng nhất nữa. Lam đèo Linh trên chiếc xe chạy mất hút vào con hẻm sâu cuối phố. Phải căng mắt tìm kiếm mãi mới thấy cái bảng gỗ gắn xộc xệch trên một gốc cây cụt ngọn. Một cô bé chừng 16,17, gương mặt nhợt nhạt ôm bụng từ buồng trong bước ra. Cậu thanh niên áng chừng cũng không hơn tuổi cô bé đứng lên đỡ ngang hông: “Xong rồi à? Nhanh nhỉ!” Cô bé im lặng, đôi mắt thất thần. “Cẩn thận đấy, thêm lần nữa coi chừng toi luôn tử cung”. Tiếng người phụ nữ từ buồng trong vọng ra lạnh lùng vô cảm, cũng vừa lúc cô cậu lặng lẽ, lên xe nhả lại làn khói xăng khen khét. “Người tiếp theo!” Lam giật nảy người, một luồng điện chạy dọc sống lưng. Linh đứng lên, bước rụt rè. “Dạ...” “Mấy tháng rồi?” “Dạ, khoảng hai”. “Lại còn khoảng, ra kia đóng tiền!” Linh đưa mắt nhìn chị, ánh mắt như ẩn chứa sự van lơn, khẩn cầu, hình như cả sự oán than. Ánh mắt chạm vào Lam đau nhói. Một cơn đau nhói xuyên thấu tim Lam như một phát đạn của sự yêu thương. Lam bước tới bàn thu phí như một phản xạ. Linh lẩy bẩy leo lên bàn. Lam run bắn ngươì khi nhìn thấy những mỏ vịt inox sáng loáng. Chị rùng mình, gai ốc nổi khắp người. Lam không biết phải gọi tên cảm giác lúc này là thế nào. Mọi thứ sao trở nên khô khốc và trần trụi thế kia. Sao Lam có thể đưa em gái mình đến đây, ở cái nơi không có gram nào đảm bảo tính mạng, và giản đơn hơn, chỉ một sơ suất nhỏ Linh cũng có thể vĩnh viễn là một kẻ vô sinh; vĩnh viễn Linh và Lam là kẻ độc ác khi phá đi giọt máu mang thân phận người… Tiếng dụng cụ va vào nhau dội vào Lam những thanh âm khủng khiếp. “Đừng, dừng lại đi!” Lam đứng bật dậy, lao thẳng đến bên bàn sản phụ kéo Linh ra ngoài, rồi oà khóc. “Chị...?” “Thôi, ta về đi!” “Này, làm trò gì thế?” “Cháu xin lỗi!” Lam nói và kéo em gái như chạy trốn khỏi nơi tử thần. Phan gọi điện: “Em đi đâu, sao giờ vẫn chưa về?... A lô! Sao không nói gì cả thế?” Người Lam run bần bật, Lam muốn hét lên thật to, cho căng vỡ lồng ngực, nhưng có cái gì chẹn cứng ở cổ.

Không biết từ bao giờ, Lam phải cần đến những viên seduxen. Dù thế giấc ngủ của Lam cũng chỉ là sự chắp nối những cơn mộng mị. Lam nghĩ tới những tờ bản thảo. Vẫn chẳng có gì ngoài những dòng nghuệch ngoạc không đầu không cuối, viết rồi không dám đọc lại vì nó nhạt thếch như nước không muối.

Ngày thứ bảy. “Mai chủ nhật rồi, chị xếp mọi thứ lại, đi chùa nhé!” “Có gì ở đó mà nhất quyết phải đi thế?” “Có ông sư trụ trì tuyệt lắm. Em muốn mục sở thị” “Ừ! Trời không nghe đất thì đất nghe trời vậy!”

Ngôi chùa là một khuôn viên không rộng nhưng đẹp mắt. Nghe nói do một ông sư tự thiết kế và lập nên. Minh cứ tấm tắc với những hàng cây cảnh uốn tỉa công phu từ ngoài cổng vào, được tạo dáng cẩn thận. Cách bài trí, tạo cảnh chứng tỏ chủ nhân là một người có trình độ và con mắt tinh tế. Đang buổi sáng, không khí mát mẻ, quang cảnh thanh tịnh. Lam thấy lòng thư thái. Bởi lâu lắm rồi, thường trực trong Lam là cảm giác lo âu, chới với, thắc thỏm. Lam ngắm nhìn hồ sen, hít thở không khí trong lành, chẳng hề để ý Minh đã vào chùa từ lúc nào. Con bé nhanh mồm nhanh miệng đã bắt chuyện với sư rồi. “Dạ thưa, con đi cùng một người bạn, chị ấy đang đi dạo ở ngoài, để con ra mời chị ấy.” “Thôi, thí chủ cứ để bạn thoải mái, chẳng mấy khi có khách xa tới thăm, trưa nay nhà chùa mời thí chủ cùng bạn ở lại ăn bữa cơm đạm bạc!” “Dạ, con cám ơn thầy!” Giọng nói nghe quen lắm, Lam quay ngoắt nhìn vào trong, sư trụ trì ngồi quay lưng lại, Lam không nhìn rõ mặt. Rõ ràng, giọng nói trầm và truyền cảm ấy, Lam đã từng nghe. Khuôn người ấy không lẫn vào đâu được. Lam run lên. Hồ sen lặng sóng, nhưng trái tim Lam đang chao đi. Vì lẽ gì, Lam không phân định được rạch ròi. Trớ trêu thay, Lam cứ chôn chân trên bậc tam cấp, nửa muốn bước lên, nửa muốn lùi lại. Ôi, con người ta nhiều khi không biết phải làm gì cho hợp lẽ? “Dạ, thầy con mời cô vào trong uống nước!” Lam giật mình, chú tiểu có gương mặt khôi ngô với một chỏm tóc trên đầu đã đứng sau lưng, khoanh tay trước ngực lễ phép. Lam hồi hộp bước vào. “Lam!” không gian như ngưng đọng. Mọi cảm xúc dồn ứ, xô xiết. Là… anh đấy ư? Sao… anh không ở mãi cuối trời mà lại về đây? Gương mặt Lam chuyển từ hồng sang trái rồi đỏ lựng. “Thì ra sư quen chị con à? Thế mà chị giấu kín thế!” Minh hồn nhiên.

Lâu lắm rồi, giờ Lam mới ăn lại bữa cơm chay, chỉ tương cà đậu phụ mà nhìn vào mâm cơm cứ ăm ắp tình. Minh tấm tắc khen hết món này ngon đến món kia đẹp. Vô tư chẳng hề hay biết giông bão đang nổi lên trong trái tim của Lam.

Cả một triền thông đổ dài hun hút, Lam thả bước với vô vàn ý nghĩ. Thoảng trong gió thông rì rào dội lại âm ngắn của tiếng còi tàu. Cái ga xép dưới chân đồi này liệu có bao nhiêu hành khách lên xuống? Lam bần thần đứng dưới gốc thông già. Sao thế này? Cơn cớ chi ông trời lại cho Lam gặp lại người ấy ở đây, vào lúc mà mọi thứ trong Lam đang vụn vỡ? Suốt bữa ăn, Lam đã không dám ngẩng đầu, sợ chạm vào ánh mắt thẳm sâu nhìn như muốn hút Lam vào. Hồi ấy, Lam cứ nghĩ người ấy đã lấy vợ, sinh con, sao giờ lại trụ trì ở ngôi chùa này? “Cô Lam!” Sư trụ trì đã ở bên tự lúc nào. “Dạ!” “Cô Lam có chuyện buồn phải không?” “Dạ, không!” “Đừng dối. Nhìn cô sư biết mà.” Lam cúi mặt, tay mân mê quả thông khô. Lam ngước mắt định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Lặng im. Đồi thông vi vút gió. Lam cứ thế, mặc nước mắt lã chã rơi, như những khổ đau chất chứa lâu nay giờ được khơi nguồn. Trước mắt Lam, bóng vị sư đổ dài trong nắng. “Cô Lam cứ khóc đi, khóc được cũng là một cách vơi bớt nỗi buồn, đừng cố chịu đựng…”.

Lam chợt nghĩ trái tim hướng thiện của một người đàn ông tu hành ở tuổi bốn mươi sẽ không làm Lam phải đau đớn như những gì Lam đã chịu đựng… Tiếng còi tàu phía xa bỗng rú lên khiến Lam giật mình như thể bị bắt quả tang một ý nghĩ nổi loạn. Lam luống cuống, đưa tay quệt vội nước mắt. “Em phải về!” Lam quay ngoắt, vùng chạy. Bóng vị sư đổ liêu xiêu khuất dần sau những rặng thông. Ngôi chùa nhỏ ẩn hiện rồi chìm dần vào sương khói lãng đãng, và mất hút trong triền thông xanh ngút ngát...

N.T.L.N  
(TCSH348/02-2018)


 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cõi một (31/01/2018)
Trở về (11/01/2018)
Mun và tôi (05/01/2018)
Tân Cảnh Dương (27/12/2017)
Song song (15/12/2017)