HOÀNG VIỆT HÙNG
1.
Sau hơn một tháng vật lộn trên vùng núi Tĩnh Giang, chúng tôi đã khoanh vùng được mỏ thiếc nhỏ Cam Túc. Điện báo về trung tâm.
Theo kế hoạch, một ngày “thu dọn chiến trường”, một ngày nghỉ ngơi tại chỗ, chúng tôi được rút quân. Hết thảy anh em đều phấn khởi vì hy vọng được xả hơi dài ngày. Chiều ngày thứ hai, báo vụ nhận được điện của trung tâm: “Đưa toàn đội về Z9. Kế hoạch sẽ thông báo sau”. Nhìn trên bản đồ địa chất, đường từ Cam Túc lên Z9 phải đi vòng theo sườn núi Tĩnh Tây, ước chừng mất 3 ngày đường.
Chẳng khác gì những người lính Trường Sơn năm xưa, chúng tôi cặm cụi bước. Im lặng. Chỉ còn những tiếng giày cọ xát trên đất đá.
Ngày đầu qua đi trong mệt mỏi, chúng tôi đi được khoảng trên chục cây số. Buổi chiều, đội trưởng quyết định cho tạt vào nghỉ nhờ ở một làng gần nhất. Một làng ven núi nhà cửa lèo tèo, xơ xác. Bóng nắng cuối cùng còn vương lại bên sườn núi. Từ những mái nhà tranh, làn khói nhẹ lan tỏa. Một làng quê yên ả và nghèo nàn. Lòng tôi chạnh buồn khi nghĩ đến cuộc sống của con người ở đây, có lẽ chẳng mấy khi họ biết đến phim, ảnh, sách, báo…
Dấu chân chúng tôi vẫn âm thầm in xuống. Đôi ba lời trao đổi nhỏ. Tôi im lặng liên tưởng đến những làng mạc thời chiến tranh, nơi người lính đã đi qua và chứng kiến…
2.
Một buổi chiều, khi vừa tránh được một đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, chúng tôi vượt sông Gianh. Hai bên đường, những hố bom chồng chéo, những dấu vết mà trước đây có lẽ cũng là những làng quê êm ấm, nhưng bây giờ chẳng còn ra hình thù gì nữa. Những bụi tre bị quật sát gốc, cháy đen thui. Dân chúng đa số đi sơ tán, số ít còn lại chủ yếu sống dưới hầm. Không khí chết chóc, tang thương bao trùm. Nơi đây còn là giao điểm của những người lính trong ra, ngoài vào. Đi ngược chúng tôi là những con người có nước da bủng beo, tái xám; những người lính thương tật. Họ lầm lũi bước. Nhưng cũng không ít người phấn khởi ra mặt, nói vói về phía chúng tôi những lời chào bâng quơ:
- Này, các chàng trai, cố mà giữ lấy cái đầu nhé! Gắng sống mà về với mẹ, với người yêu.
- Có ai người Nam Hà không?
- Em đây - Một người lính trả lời… - Em nữa - Lại một người khác.
- Ai Hà Tây?
- Cậu người ở đâu? Ninh Bình à? Còn cậu? Bắc Thái à? Có ai người Tuyên Quang?...
Chúng tôi dừng lại chốc lát trên đường hành quân để nhận đồng hương. Vồn vã bắt tay. Vồn vã ôm nhau.
- Ai là người Hà Nội?
Chưa thấy ai đáp lại. Chợt từ cuối hàng quân, một người lính hớt hải chạy lên:
- Em… Em đây! Người Hà Nội đây!
- Ở phố nào thế?
- Em ở Cát Linh, số nhà 27.
- Có nhắn gì về nhà?
- Có… nhưng liệu anh có đến nhà em thật không?
- Sao lại không?
- Thế thì anh ghi địa chỉ đi cả quên. Mẹ em giờ này chắc ở trên sơ tán. Em đã gửi về nhà 3 lá thư chẳng biết có đến tay mẹ? Nếu gặp được mẹ em, nhờ anh nói hộ, thằng Dũng rất khỏe, đang trên đường vào Nam.
Người lính trẻ mắt rơm rớm. Người lính già cũng bị lây cái bùi ngùi ấy. Chợt giữa hàng quân có tiếng khóc hu hu:
- Em ở… Yên Thế… Hà Bắc… Tận trên núi… Chẳng ai đồng hương với em cả. Em cũng đã gửi về nhà 2 lá thư. Nhưng mẹ không biết chữ. Chẳng biết có ai đọc thư hộ mẹ? Em nhớ mẹ quá!
Người lính già tần ngần bước đến nơi vừa có tiếng khóc:
- Tôi sẽ đi tìm được mẹ cậu, dù có xa mấy. - Anh ta vỗ về rồi mở sổ ghi địa chỉ.
Cái chốc lát qua đi. Chúng tôi cảm động chia tay nhau, hối hả lên đường. Người đi ra. Kẻ đi vào. Có thể trong số chúng tôi rất ít người trở lại, nhưng, lúc bấy giờ chẳng ai nghĩ thế…
3.
Buổi chiều ấy trên đất Quảng Bình, chúng tôi còn nghỉ chân ở một làng mà chỉ còn lơ thơ độ mươi nóc nhà, vài chục bụi tre xác xơ tiêu điều. Không gian yên lặng và quạnh quẽ. Trong chiến tranh có những khoảnh khắc yên lặng đến lạ kỳ. Có lẽ là khoảng hở giữa những đợt bom mà người dân vô tội đang thắc thỏm, âu lo, bởi tai họa có thể giáng xuống đầu họ bất cứ khi nào. Chúng tôi được nghỉ khoảng vài ba tiếng đồng hồ. Tối lại tiếp tục đi.
Tôi một mình đi bộ dọc theo đường làng tróc lở, méo mó. Thơ thẩn chẳng mục đích gì. Đằng kia, chỉ xa một chút thôi, trên con đường mòn là những người lính của đơn vị khác đang cặm cụi bước. Cả những người lính trở ra. Lòng tôi càng buồn khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ mấy người lính già hơn một tiếng đồng hồ về trước. Chợt có tiếng gọi thất thanh:
- Ôi thằng Tuấn!... Tuấn!... Ơi Tuấn...!
Tôi quay về phía có tiếng gọi. Thấp thoáng bên kia bờ tre, một người đàn bà chạy vòng về phía tôi. Đến gần tôi. Rồi bà nhìn chằm chằm vào mặt tôi:
- Trời đất! Răng mà con giống thằng Tuấn của mạ rứa? Mạ lầm. Mạ lầm con ơi!
Tôi đang còn lúng túng, thì người mẹ của anh Tuấn nào đấy đã sờ sẫm lên vai tôi, vuốt vuốt ve áo:
- Con đi vô phải không?
- Sao mẹ biết?
- Thì ngó nước da, ngó quần áo, lẫn răng được.
Người mẹ vẫn xoa lên vai tôi:
- Con mấy tuổi rồi? Vợ con chi chưa?
- Dạ chưa! Người yêu còn chưa có.
- Tội nghiệp. Thằng Tuấn của mạ cũng rứa! Ngày nó đi vô cũng ngơ ngáo in con vậy. Ba năm rồi, chẳng thơ từ chi cả. Mấy bữa mạ nằm mơ thấy nó về xin áo mặc, nó kêu ở rừng lạnh quá.
Tôi im lặng vì chưa biết nói gì, thì người mẹ ấy lại tiếp:
- Con vô Nam mần chi khỏi gặp nó, thằng Tuấn của mạ ấy!
- Dễ gì gặp được mẹ ơi!
- Không, dứt khoát sẽ gặp, anh em vô đó gặp nhau cả mà, mạ hỏi rồi. Thằng Tuấn của mạ dễ nhìn ra thôi. Nó có cái sẹo trên trán ri nầy. - Người mẹ ngồi thụp xuống vạch một hình dấu nhân xuống đường.
Tôi suýt bật cười vì cái ý nghĩ ngớ ngẩn của người mẹ này. Nhưng tôi đã kịp kìm lòng. May mà chưa đụng đến cái niềm tin mong manh và mơ hồ của mẹ. Dẫu sao cũng là một niềm tin. Tôi cảm thấy xót xa. Người mẹ này có lẽ cả đời chưa ra khỏi làng. Mẹ hình dung chiến trường miền Nam chắc chỉ bằng vài ba cái làng của mẹ cộng lại là cùng.
- Con ơi, đi vô cho mạ gởi thằng Tuấn cái áo nó mặc kẻo tội.
Tôi vẫn lúng túng chưa biết nên ra sao thì người mẹ lại năn nỉ, trông khuôn mặt đầy khẩn cầu:
- Con hí! Con ừ đi cho mạ mừng!
- Vâng, mẹ về lấy áo đi, con chuyển giúp.
- Thiệt nghe! Con nghe! Mạ về lấy đây!
Người mẹ ngập ngừng đôi chút, rồi quay lại chạy rất nhanh. Tôi đi loanh quanh thẫn thờ. Sao tôi lại nhận lời một cách ngớ ngẩn thế nhỉ? Nhưng... lúc bấy giờ tôi còn biết làm gì hơn?
Thời gian trôi qua chậm chạp. Tôi nóng ruột nhìn về phía đơn vị đang nghỉ, chỉ sợ có hiệu lệnh xuất phát mà mẹ vẫn chưa đem áo ra.
Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau, người mẹ lại xuất hiện phía đường vòng bên kia bụi tre, một tay cầm gói giấy báo, tay kia nách rá khoai luộc. Vẫn chạy chân đất; hai bàn chân mẹ nhăn nheo, nứt nẻ. Mẹ gặp tôi nói như đứt hơi:
- Con... Con ăn khoai đi. Ngày mô... mạ cũng đến đây, xem thằng Tuấn nó có đi qua? Chắc nó chưa ra mô hí? Ra mần chi khỏi ghé qua nhà.
Tôi nhận gói giấy báo nơi tay mẹ rồi mở ra xem. Một chiếc áo Đông Xuân màu xanh. Tôi ngồi xuống cúi đầu lặng lẽ ăn khoai. Mẹ cứ sờ nắn vai tôi, rồi xoa tóc.
- Mạ đã nhờ nhiều người mà chẳng ai nhận cả. May lại gặp được con. Mạ mừng quá! Đêm nay về ngủ ngon rồi! Ri là thằng Tuấn sắp nhận được áo, đỡ lạnh...
Người mẹ còn ngồi nói rất nhiều. Lảm nhảm và thảng thốt như trong mơ. Y như đang ngồi nói chuyện với anh Tuấn của mẹ vậy. Sau một hồi, tôi đứng dậy chia tay mẹ:
- Thế nào con cũng tìm gặp được anh Tuấn của mẹ.
- Con vô mạnh giỏi nghe! Cho mạ gởi lời thăm anh em trong nớ. Nói thằng Tuấn biên thơ cho mạ. Anh em có chi đừng để bụng nhau. Đùm bọc nhau cùng tiến bộ là mạ mừng.
Tôi đi về phía đơn vị đang ngồi nghỉ. Người mẹ vẫn đứng đó nhìn theo tôi. Cho đến lúc đơn vị xuất phát mà mẹ vẫn thơ thẩn như tìm kiếm cái gì.
4.
Vào đến chiến trường, tôi đem câu chuyện về chiếc áo của người mẹ nọ ra kể cho anh em trong đơn vị. Chỉ ít ngày sau, cả đại đội ai cũng biết. Họ cứ truyền miệng kể lại đến nỗi những đơn vị bên cạnh cũng biết. Câu chuyện được thêu dệt mãi trở thành như huyền thoại về một bà mẹ. Thỉnh thoảng có những người lính gặp tôi lại gợi:
- Này, cậu đã gặp được anh Tuấn ấy chưa?
- Thế nào, cái áo cất ở đâu rồi?
- Gắng mà thực hiện lời hứa với mẹ Việt Nam đấy nhé! Không đùa được đâu!
Tôi cũng chỉ biết mỉm cười... rồi im lặng.
Thời gian vùn vụt trôi. Cái đói, rét, bệnh tật, thiếu thốn của núi rừng; những chiến dịch lớn, nhỏ; sự lần hồi mất mát của những người lính... khiến câu chuyện về người mẹ ấy ngày một nhạt phai, ít ai còn thời giờ nhắc đến. Riêng tôi vẫn âm thầm le lói một hy vọng.
Hôm đó, đang mê man trong cơn sốt, tôi nghe mơ hồ có tiếng người gọi:
- Tuấn ơi... đợi bọn mình với!
Tôi bật dậy lao ra. Mặt mày xây xẩm, tôi phải ôm và dựa vào một gốc cây. Chợt người cấp dưỡng của đại đội đi đến:
- Đi đâu thế, cậu đang sốt cơ mà?
- Anh có nghe thấy ai mới gọi Tuấn?
- Ồ…! Tưởng gì. Mấy người của Binh trạm 14.
Quên cả sốt, tôi chạy về hướng con suối. Đuổi kịp mấy người lính kia, tôi gọi to:
- Anh Tuấn ơi!
Cả mấy người lính cùng ngỡ ngàng quay lại. Tôi nói như đứt hơi:
- Ai... Ai là Tuấn?
- Anh hỏi tôi? - Một người lên tiếng.
Tôi cảm thấy hoa mắt, đầu óc choáng váng, bởi, người lính đứng trước mặt tôi chẳng hề có vết sẹo nào trên trán.
- Xin lỗi! Xin lỗi các anh, tôi nhầm.
Tôi xấu hổ, lầm lũi quay về...
5.
Một năm, sau ngày đuổi theo mấy người lính bên bờ suối, tôi thuộc trong số người còn trẻ, khỏe, được bổ sung cho Trung đoàn độc lập 27 đang thiếu hụt quân số. Chúng tôi phải đi qua và dừng nghỉ ở Binh trạm 14. Đêm ấy bên bếp lửa, tôi nghe một cô giao liên nhắc đến một người tên Tuấn đã từng ở đây. Đồ rằng anh Tuấn mình đã gặp hôm nào, nhưng vì tò mò nên tôi cứ hỏi:
- Anh ấy người ở đâu hở chị?
- Dạ... người miền Trung.
- Miền Trung... nhưng ở đâu mới được chứ? Tôi hỏi nóng nảy.
- À... người Quảng Bình.
- Gần sông Gianh chứ?
- Hình như thế.
- Anh ta có cái sẹo nào trên mặt không?
- Có mấy cái.
- Trên trán?
- Cũng có.
- Hình dấu nhân chứ?
- Sao lại phải hình dấu nhân? Anh này thật kỳ cục. - Cô ta phì cười.
- Xin lỗi chị, anh ấy giờ đang ở đâu?
- Một đơn vị chiến đấu nào đó, làm sao em biết được.
Bên bếp lửa, tôi kể lại câu chuyện chiếc áo với cô giao liên, khiến cô cứ liên tục dụi mắt và nói líu ríu những điều gì đó trong cổ họng.
Sáng hôm sau, khi chia tay cô giao liên ấy, tôi còn dặn đi dặn lại, nếu gặp được anh Tuấn nọ, hãy nhìn kỹ cái sẹo trên trán; hoặc giả có anh Tuấn nào qua đây, có cái sẹo như thế, thì hãy kể lại câu chuyện của tôi...
Về đến Trung đoàn 27, chúng tôi bước vào những khó khăn mới. Trung đoàn thường xuyên bị đói vì đường vận chuyển lương thực đầy trắc trở. Một lần tôi được phân công phụ trách một tổ 5 người đi gùi gạo cho đại đội. Để tránh đụng độ với bọn thám báo, chúng tôi phải vòng qua một khu rừng rất khó đi. Mất khoảng 7 ngày cả đi lẫn về. Trong lúc nhận gạo, tôi gợi chuyện người thủ kho thì được biết ở kho quân nhu T3 có một anh Tuấn người Quảng Bình.
- Anh ta có cái sẹo nào trên trán không? Tôi hỏi người thủ kho.
- Hình như... À, mà có thật.
- Sẹo mang hình dấu nhân?
- Không rõ lắm vì hôm đó tôi gặp anh ta buổi tối.
Tôi bàn với anh em trong tổ, để lại 3 người giữ gạo, tôi cùng 1 người nữa đi T3, vì chỉ mất nửa ngày đường, hơn nữa, ngày nào chưa trao được cái áo ấy tôi còn lo canh cánh. Cả mấy người lính cùng đi đều là các chàng trai lãng mạn, họ dễ dàng chấp nhận phiêu lưu. Nhưng, một lần nữa tôi lại thất vọng khi đến T3. Anh Tuấn ấy đúng là có cái sẹo trên trán thật, song nó lại mang một hình thù rất khó tả, và mẹ anh ta đã mất trước ngày anh nhập ngũ.
6.
Sau hơn một năm kể từ ngày tôi đến T3 trở về, Trung đoàn 27 được lệnh về áp sát vùng đồng bằng P., chuẩn bị cho chiến dịch. Trong một lần hành quân về vùng giáp ranh, tiểu đội trinh sát của tôi đi đầu. Vừa vượt khỏi đồi Tràm thì một người vướng mìn. Tôi chỉ kịp thấy ánh chớp lóe sáng. Rồi không biết gì nữa...
Có người nào đó vỗ vai tôi, nâng tôi dậy. Tôi mở mắt thấy một người lính ngồi bên cạnh nhìn tôi cười. Mắt tôi bừng sáng, bởi, giữa trán anh ta có cái sẹo hình dấu nhân. Anh tự xưng mình tên Tuấn. Tôi bật khóc vì quá mừng rỡ:
- Trời, anh Tuấn ơi, tôi đi tìm anh khắp mọi nơi!
- Đừng khóc nữa, dũng cảm lên người lính. - Anh ôm chặt tôi vỗ về. Trên môi anh vẫn một nụ cười đầy hồn nhiên thơ trẻ.
Tôi vội vã mở ba lô lục tìm. Lạ quá! Chiếc áo biến đâu mất! Tôi đang còn loay hoay thì một người lính khác ở đâu xuất hiện không rõ, cũng chạy đến ôm tôi. Rồi 5 người… 10 người… dễ đến cả năm chục người lính cùng xuất hiện. Ai cũng có cái sẹo hình dấu nhân trên trán. Ai cũng xưng mình là Tuấn. Thế là thế nào? Chỉ có một chiếc áo mẹ gửi mà có đến năm chục anh Tuấn, và bây giờ nó lại chẳng còn? Như đoán được ý nghĩ của tôi, cả 50 người cùng đồng thanh:
- Đừng băn khoăn điều ấy anh ạ! Từ lâu chúng tôi đã mặc chung một chiếc áo của Mẹ rồi!
- Nghĩa là thế nào? - Tôi hét lên.
...Tôi tỉnh dậy được biết mình đang nằm trong trạm xá của Trung đoàn. Trên đầu, trên mặt, trên ngực, và 2 tay tôi cuốn đầy băng. Mấy ngày sau họ chuyển tôi về trạm phẫu thuật để gắp mảnh đạn.
Tôi bình phục dần theo thời gian. Ngày tháo băng, việc đầu tiên tôi mượn cô y tá chiếc gương soi mặt.
- Trời đất ơi, sao lại trớ trêu vậy? - Tôi la lớn.
Người y tá hoảng sợ chạy đến:
- Không sao đâu! Vài ba cái sẹo trên mặt chưa thể là xấu. Đừng buồn, anh vẫn còn đẹp trai chán!
- Không phải thế!... - Tôi la còn to hơn.
Điều tôi chẳng ngờ tới, chiến tranh đã tặng cho tôi một cái sẹo giữa trán có… hình dấu nhân.
7.
Nhắc lại chuyện ngày ấy đã lâu lắm rồi. Hồi đó, sau gần 5 năm ở chiến trường B5, tôi được ra Bắc. Ngày trở ra, tôi vẫn âm thầm để ý những người đi cùng đường với mình, những người vượt qua mặt mình, xem ai có cái sẹo giống tôi. Tôi còn mơ hồ nhìn cả những người lính trẻ đang đi vào...
Câu chuyện đã lùi xa vào quá khứ, nhưng thỉnh thoảng nó vẫn sống lại trong tôi. Hai mươi mấy năm qua đi kể từ ngày tôi nhận chuyển hộ chiếc áo cho người mẹ ấy. Một câu chuyện thật thơ ngây và ngớ ngẩn, nhưng... khiến tôi suốt đời ngẩn ngơ. Anh Tuấn nọ có thể trở về với nụ cười chiến thắng, nhưng, cũng có thể đã nằm lại một khu rừng nào đó trên Trường Sơn. Người mẹ của anh có thể được đón con bằng khuôn mặt rạng rỡ, nhưng, cũng có thể đã khóc khô nước mắt vì mòn mỏi đợi chờ đứa con trai yêu quý của mình. Biết đâu mẹ cũng chẳng còn đủ nhẫn nại mà chờ đợi. Riêng tôi còn giữ chiếc áo đó đến tận hôm nay, vẫn, với một hy vọng mong manh. Nhiều lần đi công tác qua, tôi có ý tìm về cái làng ấy để cúi đầu nhận lỗi với mẹ vì không thực hiện được lời hứa. Nhưng tôi không còn hình dung nổi nó nằm ở đoạn nào trên đường hành quân năm xưa, bởi cảnh vật đổi thay quá nhiều, bởi tên làng tôi chưa kịp biết, đến tên của mẹ tôi cũng không kịp hỏi.
8.
Theo sự chỉ dẫn của mấy người dân, chúng tôi đi về một ngôi nhà cũng lợp tranh nhưng khá rộng, được gọi là Ủy ban xã (không có biển hiệu).
Theo sự bố trí, chúng tôi cứ 2 - 3 người về một nhà.
Tôi uể oải mang ba lô bước dọc theo đường làng. Ánh nắng đã tắt hẳn. Từ những mái nhà tranh, làn khói nhẹ vẫn lan tỏa giăng giăng như sương mù. Không gian thật huyền ảo. Chỉ nghe tiếng lá khô lạo xạo dưới chân. Yên ả quá! Cô quạnh quá! Tôi thốt ra một mình.
Qua khỏi cửa ngõ, chúng tôi bước đến gần ngôi nhà. Vào đến nửa khoảng sân đất mà vẫn nghe im lìm. Không tiếng người. Không có cả chó sủa. Nhìn vào trong nhà chỉ thấy một ngọn đèn dầu le lói. Cả ba chúng tôi còn lúng túng, chưa biết nên lên tiếng, nên bước vào, hay tiếp tục đứng đợi, chợt, trong nhà có tiếng động. Rồi nghe giọng người hớt hải:
- Thắng ơi... Thắng! Giời đất ơi...!
Tôi giật mình sửng sốt. Có ai lại biết tôi, gọi đúng tên tôi, ở cái làng hẻo lánh trên vùng núi Cao Bằng này, nơi tôi chưa một lần đặt chân đến. Từ trong nhà chạy ra, một người đàn bà tóc bạc, lưng đã còng, đến ôm chặt lấy tôi:
- Thắng ơi... Giời ơi, con ơi... con của mẹ! Chiến tranh đã hết từ lâu, sao hôm nay con mới về? Bao năm qua con ở đâu?
Người mẹ cứ ghì chặt lấy tôi, khiến tôi không biết nên xử sự ra sao.
- Ngày ấy... vì quá lo cho con mà mẹ đã mắng con. Sau nghĩ lại mới thấy... thanh niên ai chẳng thích hẹn hò trai gái. Chẳng ngờ 3 ngày sau con đã lên đường. Từ bấy đến nay... đêm nào mẹ cũng trằn trọc khó ngủ vì nỗi ân hận đã to tiếng với con. Ôi... con ơi, sao dạo ấy con chẳng nói gì?
Người mẹ cứ gục đầu, chùi mặt lên ngực áo tôi. Áo tôi ướt đẫm nước mắt mẹ. Tôi đã lờ mờ hiểu. Người mẹ này có lẽ quá đau khổ vì đợi chờ đứa con trai của mình mà sinh ra lẩn thẩn, nên gặp ai đeo ba lô cũng tưởng là con mình.
- Con giận mẹ lắm phải không? Mẹ biết thế nào rồi con cũng hết giận mẹ, con sẽ trở về, nhưng... sao mà lâu thế hở con?
- Mẹ ơi!...
Tôi chỉ nói được đến thế, vì cả đời tôi chưa biết được gọi mẹ, bởi năm tròn một tuổi tôi đã chẳng còn mẹ nữa.
- Con già đi nhiều quá!... Mặt lại có sẹo nữa chứ!
Tay mẹ run run sờ mặt tôi, xoa vào cái sẹo hình dấu nhân trên trán, rồi vuốt ve đầu tóc:
- Con hết giận mẹ rồi phải không, ôi, con trai của mẹ?
- Mẹ ơi!...
Tôi muốn nói rằng làm sao con giận mẹ được, dẫu mẹ có mắng con, đánh con...
Cổ họng tôi nghẹn tắc.
H.V.H
(TCSH352&SDB29/06-2018)