Truyện ngắn
Cơn dông
09:56 | 21/09/2018

ĐINH NGỌC TÂM   

Đó không phải là một phòng trọ quá chật chội nhưng cũ rỉ cũ ri. Nước đọng rất lâu trong nhà tắm trước khi thoát hết.

Cơn dông
Minh họa: Đỗ Kỳ Huy

Tôi và nhỏ bạn, gầy như hai con hạc, nhỏ nhắn như hai con chim ri chia nhau cái tổ giản dị là chiếc chiếu đơn bé xíu. Những tối mùa mưa hai đứa nằm trên manh chiếu mỏng manh ngó trân trân lên trần nhà lát từ những tấm ván nhợt nhạt như nước da xanh xao của một đứa con gái ốm yếu. Chân tường vàng hoen ố sau rất nhiều mùa mưa. Tôi đã nung nấu trong nhiều năm ý định dán lại những bức tường đó bằng giấy dán tường màu hồng phấn nhưng cho dù có làm thêm cua này cua khác thì năm này tới năm kia bức tường dán giấy vẫn chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Luôn có những thôi thúc thực tế khác cấp thiết hơn. Bức tường dán giấy màu hường phấn chưa xuất hiện nên mảnh rèm, cũng màu hường phấn là điểm nhấn tươi sáng nhất trong phòng. Nó là một tấm màn bằng vải vinyl không thấm nước, giống như được cắt ra từ một tấm áo mưa lớn che chắn ô cửa sổ không trọn vẹn, tức là nếu ai đó áp sát mặt ghé sát tai vào cửa sổ thì vẫn nghe được những tiếng rủ rỉ và nhìn thấy chút gỉ gì. Dù còn xa mới giống phòng trọ trong mơ nhưng với tôi nơi đó dẫu sao cũng là thiên đường tự do đánh dấu những ngày tung cánh đầu tiên trong đời.

Đó không phải một chốn trong mơ nhưng căn phòng trọ thực sự mở ra cuộc đời sinh viên mà cả tuổi hoa niên tôi đã chờ đợi mong ngóng. Đó là nơi tôi bắt đầu, và dứt khoát, thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa gắt gao của mẹ, người giờ đây đã cách xa hàng trăm cây số. Đã qua rồi thời chín giờ tối đồng hồ điểm giới nghiêm, con trai đừng hòng bén mảng tới nhà và mẹ thuộc tên tất cả những đứa gọi điện cho tôi dù thường xuyên hay một lần duy nhất. Giờ thì tôi có thể nấn ná tới gần mười một giờ trong buổi tiệc nhảy free style chào đón tân sinh viên, cho phép bản thân hẹn hò ở quán sinh tố đầu hẻm cùng tên hàng xóm đẹp trai nhưng nhạt nhẽo. Những ngày đầu tiên xa nhà đầy phấn khích cũng có lúc tôi tự chuốc cho mình rắc rối, những bữa cơm vụng về, món ăn nghèo nàn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tự quản lý chi tiêu đồng nghĩa với giữa tháng đã hết tiền. Nghiêm trọng hơn cả, tâm hồn đi mây về gió dẫn tôi đến những lơ đãng triền miên, lúc thì quên chìa khóa nhà, khi quên lịch thi, có lúc quên cả xe máy ở tiệm in mà chìa khóa vẫn còn cắm dưới yên xe. Bạn cùng phòng cũng là đứa bạn thân nhất không biết bao nhiêu lần phải thốt lên, khi nhận tôi làm sinh viên là lúc ngành y khoa đã phạm phải một tội ác lớn nhất thế kỉ, làm sao người như tôi mà không có ngày quên kéo quên dao trong bụng bệnh nhân. Học y khoa nhưng chính tôi cũng rất kém trong việc tự chăm sóc chính mình, những lần cảm sốt nắm còng queo trên manh chiếu chật tôi có mủi lòng nhớ mẹ, nhưng khi khỏe lại và bị hút vào đời sống đô thị ồn ã tôi lại quên những phút mủi lòng ấy đi ngay.

Đó không phải là một xóm trọ vui vẻ và thân thiết như những bộ phim truyền hình đã thêu dệt trong tôi quá nhiều mộng tưởng. Xóm trọ là một dãy những căn phòng cũ kĩ như nhau cùng chia sẻ một lối đi chung. Mọi người chỉ giao tiếp với nhau trong những tình huống bắt buộc giáp mặt mà không thể lặng thinh. Họ dòm ngó để biết về nhau ở mức vừa đủ cho những nghi kị phán xét. Phòng cho sinh viên thuê xen kẽ với phòng trọ của người lao động. Một cô sinh viên ngành marketing ở cạnh ba cô thợ gội đầu. Một cặp chị em học luật ở cạnh gia đình có chồng chạy xe ôm vợ bán sinh tố. Người xe ôm mặt dạn gió dày sương, đã đề huề vợ con nhưng không hiểu bị bùa bả gì mà bỏ hết gia đình để sống chung và bươn chải mỗi tối cùng người tình bên xe sinh tố. Người xe ôm trông hiền lành bao nhiêu thì người tình luống tuổi của anh chua ngoa xéo xắt bấy nhiêu. Phòng trọ cạnh tôi chất đầy đồ tạp hóa, những thứ lặt vặt bán cho người trong khu trọ. Tiệm tạp hóa mini đóng cửa các buổi tối cuối tuần để chủ tiệm đến kéo violin ở một quán cà-phê. Những tối đó cô chủ tiệm thường diện váy dài chấm gót, thứ làm cô trông dịu dàng hơn đôi chút so với vẻ bẳn gắt thường ngày. Cô tô son điểm phấn, lớp phấn son khiên cưỡng không đủ che mờ cái héo hon của bấp bênh cô độc, trái lại làm rõ hơn sự bất lực trong cuộc chống chọi với thời gian để níu kéo chút sắc hương vương lại mờ nhạt như một cơn gió thoảng. Vách ngăn phòng trọ dường như quá mỏng để giữ mỗi người được kín đáo yên ổn trong cảnh ngộ của riêng mình. Chị sinh viên năm cuối ngành marketing, vóc bồ liễu, mắt lá răm, từng quen một anh Việt kiều già, và tháng tháng đô-la tự động chảy về tài khoản để cô sinh viên chưa ra trường đã sắm sửa cho mình nào điện thoại nào xe tay ga nào áo quần đắt đỏ. Chỉ riêng phòng trọ của người đẹp có đủ tủ lạnh, bếp ga, nệm Kim Đan, bàn trang điểm. Ba chị thợ gội đầu đã qua mùa xuân sắc cần mẫn kiếm tiền bằng những đôi tay khô sần da bong tróc bởi thuốc nhuộm thuốc uốn tóc vẫn ngọt ngào khen cô sinh viên sao mà đẹp, sao mà tươi trẻ để lần sau cô lại ghé tiệm mình nhưng ánh mắt thì hằn lên những tia hờn ghen oán tủi. Cô bán sinh tố lườm nguýt bạn tôi hay mặc quần đùi ngắn ngủn trong khi cô ngày ngày diễu quanh xóm trọ trong bộ đồ ngủ hoa hòe mỏng tang. Bạn tôi, đứa lớn lên trong cảnh cha mẹ li dị, luôn quăng cho cô hàng sinh tố những cái nhìn nảy lửa đầy khinh khi ác cảm, nó bảo chẳng có lý do gì đủ để biện minh cho một người đàn bà xen ngang vào giữa gia đình người khác. Cô bán tạp hóa độc thân không ưa tiếng tôi mở khóa cổng vào giấc khuya làm cô mất ngủ, còn tôi không ưa tiếng violin ban ngày ồn ào phiền nhiễu của cô. Tiếng violin kéo lên những bản nhạc nhàm chán, những nốt nhạc ráp vào nhau theo công thức, ráo hoảnh cảm xúc và đơn điệu đến tẻ ngắt.

Đó không phải là bức tranh trọn vẹn của xóm trọ nếu thiếu chân dung chị em Trí và Vy ở đối diện phòng tôi. Cửa sổ phòng tôi nhìn thẳng sang cửa sổ phòng họ, những cuộc chuyện trò của chị em họ cũng lọt sang phòng tôi không sót chữ nào. Sự tương phản giữa hai chị em làm họ nổi bật. Cả hai đều học luật, họ hay tranh luận về nhiều chủ đề, từ hợp pháp hóa hay không nghề mại dâm đến bỏ hay giữ án tử hình. Trí lúc nào cũng nhát gừng khi đưa ra quan điểm và chỉ nói đến câu thứ ba là bị chị mình bắt bí đến mức phải bỏ cuộc. Vy thấp đậm, da ngăm đen, mắt xếch, cười tươi dù răng không đều, lúc nào cũng rạng rỡ năng lượng tích cực, giỏi tiếng Anh, nhiều kiến thức, thích tranh luận nhưng không bao giờ phán xét ai. Chị được một số giải thưởng vì hoạt động tích cực trong các nhóm bảo vệ môi trường, mùa hè nào cũng đi miền núi làm tình nguyện, chưa hết, còn điều hành một câu lạc bộ khiêu vũ của sinh viên. Trí thì ngược lại, chỉ ở nhà đọc sách vào cuối tuần, không thích hoạt động xã hội. Trí cao ráo, mảnh khảnh, trắng như con gái. Mọi người trong xóm trọ hầu như toàn nữ ít nhất cũng hợp nhau ở một điểm, đều thích Trí, trừ tôi, bên cạnh chị mình, sôi nổi như mặt trời, cậu ta mờ nhạt như một ngôi sao bị mây che khuất. Trong mắt tôi, cậu chỉ là một bình hoa có sắc mà chẳng có hương. Trí, tréo ngoe thay, lại thích tôi, có lẽ bởi sự nhún nhường mà cậu ta không bao giờ tìm được ở chị gái mình.

Đó không phải tất cả phẩm chất ba dạy tôi nhưng “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là câu ba nói đi nói lại nhiều đến mức tôi đã lớn lên thành đứa con gái còn nhu mì hơn mức chính mình mong đợi. Cuộc đời sinh viên hé mở không chỉ làm tôi thỉnh thoảng quên mẹ mà còn lắm lúc trách cha. Những phẩm chất ba rèn luyện cho đã chẳng giúp gì tôi trong việc thu hút sự chú ý từ người con trai tôi thích mà trái lại còn chuốc lấy rầy rà bởi sự đắm đuối của một kẻ tôi vốn chẳng ưa. Trí cũng như tôi vào tuổi đó, bị những cái màn cửa màu hồng che mắt. Trí mất hồn bởi điệu bộ tôi nhẹ nhàng, như cái màn cửa màu hồng lay nhè nhẹ. Tôi là kiểu con gái không thể hiện mình qua tranh luận và không quyết liệt khi phải bày tỏ quan điểm. Tôi thu mọi phán xét về lẽ đời giấu nhẹm vào trong vẻ ngoài khiêm cung kín đáo. Một buổi tối tĩnh lặng mát mẻ, Trí thu hết can đảm để hẹn tôi ra đầu hẻm uống sinh tố, nhưng rồi quá thẹn thùng để bày tỏ tình cảm bằng lời, cậu ngó lơ trời trăng mây gió sau những câu hỏi thăm nhát gừng sáo rỗng. Trí chọn cho mình phong cách lãng mạn thị trường kiểu Hàn Quốc, nhắn tin chúc ngủ ngon bằng câu chữ vay mượn từ truyện ngôn tình, đợi đầu hẻm với cái dù mượn của chị để đón tôi khi trời mưa, mở chương trình Quick and Snow show sáng chủ nhật thay cho lời muốn nói. Trong khi đó, người tôi thích không bao giờ nhìn tôi đủ lâu để nhận ra tôi dễ thương hơn bạn nhảy của anh, không bao giờ nói chuyện với tôi đủ lâu để nhận ra tôi sâu sắc nhạy cảm hơn một cô búp bê chẳng có gì ngoài đôi mắt to và khuôn mặt bầu bĩnh. Anh là bạn nhảy của chị Vy trong câu lạc bộ gồm sinh viên nhiều trường đại học, những người có chung sở thích khiêu vũ. Anh và Vy như thể được sinh ra để nhảy cùng nhau, từ tango đến quickStep, từ salsa đến foxtrot, từ samba đến bachata,họ nhịp nhàng trong mọi chuyển động, ăn ý trong mọi bước chân. Họ nói với nhau đủ thứ chuyện, tung hứng pha trò, trao nhau những nụ cười rạng rỡ và đưa đẩy những ánh mắt âu yếm vượt trên tình cảm của đôi bạn nhảy thông thường. Cách phối hợp ăn ý đó khiến họ đẹp đôi bất chấp sự chênh lệch ngoại hình mà không ai không thấy. Tôi không tìm ra được kẽ hở nào dù nhỏ để chen một chân vào giữa họ, hay ít nhất một cơ hội để đến gần hơn người mà tôi thích. Anh cách xa tôi cả dải ngân hà, thỉnh thoảng quăng cho tôi một đốm sáng hy vọng khi nở nụ cười, xoa đầu nhẹ như chỉ chạm vào tóc hay hỏi thăm những câu khách sáo như hỏi thăm một người quen bất chợt gặp trên đường. Mỗi lần chộp được ánh sao băng hy vọng vụt qua, một mầm hạnh phúc nhỏ cứ tự nhiên đâm chồi trong lòng tôi mà không sao nhổ rễ đi được. Mối tơ tưởng đó có lẽ sẽ chết yểu trong câm lặng nếu không có ngày Vy đột xuất vắng mặt để tham gia một hoạt động thiện nguyện ở nước ngoài. Chính Vy đề nghị tôi thay vị trí của chị để nhảy cặp cùng người mà chị không biết là tôi âm thầm trao bao tình cảm bấy lâu.

Đó không phải mùa hè đầu tiên bạn cùng phòng bỏ tôi lại một mình, chỉ chờ buổi thi cuối cùng hoàn tất là nó phi ngay lên chuyến xe sớm nhất để về quê với người mẹ vẫn còn đau khổ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Tôi nấn ná ở lại nhà trọ, chờ đến vũ hội mùa hè, một trong những buổi tiệc thường niên của câu lạc bộ khiêu vũ. Thường thì Vy nhờ tài quảng giao hoạt bát mà mượn được hội trường hay phòng tiệc nào đó, thành viên câu lạc bộ sẽ tự trang trí nơi này thành phòng nhảy bằng đèn Led, giấy kim tuyến, hoa và ruy băng bạc. Năm nay tôi được thay vị trí của Vy nhảy cùng người tôi thích vũ điệu mở màn, một điệu valse. Từ nay tới buổi tối đó, mỗi ngày tôi đều tự cho mình được mơ những giấc mộng huê tình, mỗi ngày tôi đều cho tim mình tự do phập phồng trong sóng lòng xao động.Tôi mường tượng cảnh mình sóng bước cùng anh, đặt tay trong tay anh, đứng gần anh đến mức có thể cảm thấy người anh tỏa ra hơi ấm. Ở cự ly gần đến thế, anh sẽ bị thôi miên trong miền từ trường êm dịu của tôi như kim loại bị hút về phía nam châm, như anh xe ôm bị hút bởi chị sinh tố. Liệu những bước nhảy của tôi có nhuần nhuyễn phóng khoáng được như bước nhảy của Vy? Ánh mắt tôi có long lanh nhưng đong đưa tinh tế như ánh mắt chị? Trong những mộng tưởng tự mình thêu dệt, tôi nóng bừng mặt, tôi cười một mình, tôi biết nói gì đây, tôi biết làm gì đây? Làm sao để anh nhảy với tôi thêm một vài điệu nữa? Làm sao để anh chủ động đề nghị đưa tôi về? Tôi làm kiểu tóc phồng. Tôi kẻ đuôi mắt dài. Tôi mặc chiếc váy xám ombre chạm đến gối. Tôi mang đôi giày nhảy cao màu trắng. Tôi chờ đợi. Tôi đếm ngược từng giây. Rồi ngày đó cũng đến.

Đó không phải một ngày đẹp trời. Buổi sáng nắng rát oi nồng nhưng chiều đầy giông, sấm chớp liên hồi. Mặc kệ phía xa mây đen kịt cả góc trời, tôi vẫn diện chiếc đầm ombre, đi đôi cao gót trắng hướng đến bữa tiệc nhảy, lòng phập phồng thắc thỏm. Nhưng tôi chỉ vừa ra khỏi ngõ trời đã đổ mưa lớn, gió giật mạnh đến mức người xe chao đảo, những cành cây khô gãy răng rắc rụng đầy đường. Mưa chặn đường tôi, gió lốc hất tung hạnh phúc nhỏ nhoi chỉ tình cờ rơi vào tay tôi trong khoảnh khắc. Tôi não nề biết mình không thể đi tiếp mà phải quay đầu về, lòng tràn trề thất vọng. Không chỉ ướt từ đầu đến chân, tôi còn làm rơi luôn cả chìa khóa nhà. Tất cả nỗi mong chờ thắc thỏm bấy lâu bỗng vỡ tan như bong bóng nước, lòng tôi rũ rượi, tan tác. Trí đứng sẵn ở đầu cổng với chiếc dù của Vy, hơi ngỡ ngàng nhìn thấy tôi trong chiếc váy màu xám ombre đã ướt, bối rối khi biết tôi làm rơi chìa khóa, ngập ngừng đề nghị nếu tôi không ngại có thể ngủ lại trên chỗ của chị Vy đang bỏ trống.

Đó không phải một cơn bão bất ngờ, hẳn đài báo phải loan tin để mọi người phòng bị. Nhưng xóm trọ, có lẽ bận bịu với những lo toan tủn mủn riêng mình, chẳng ai để ý đến dự báo thời tiết. Hoặc cũng có thể do ai nấy đều chủ quan tin rằng bão chưa từng ghé nơi này mà không hề phòng bị. Chị sinh tố vẫn chuẩn bị đủ trái cây, hai vợ chồng vừa đẩy xe ra đường đã gặp mưa phải lật đật đẩy về. Cô bán tạp hóa đã đóng cửa, lên áo quần son phấn xách violin chuẩn bị đến quán cà-phê rồi lại không đi được. Mưa càng lúc càng to, gió càng lúc càng mạnh, sấm sét rạch trời. Ba chị thợ làm tóc kẹt ở tiệm gội đầu không thấy về nhà, quần áo phơi ngoài sân được chị sinh viên marketing cất giúp. Nếu nước ngập dâng lên cao, tiền đô-la liệu có kịp gởi về để nỗi cô đơn đóng xuồng vượt bão?

Đó không phải buổi tối mà tôi tưởng tượng, dù tôi nhận ra mình đang điền vào khoảng trống Vy bỏ lại, chỉ không phải theo cách tôi muốn nó diễn ra, không phải ở nơi tôi muốn ở, không phải bên cạnh người tôi muốn ở bên. Có lẽ bữa tiệc nhảy bị hủy vào phút cuối vì mưa to gió lớn, hoặc buồn thảm hơn, buổi tiệc vẫn diễn ra nhưng sẽ có ai đó điền vào vị trí tôi bỏ lại và thay tôi nhảy cùng người ấy một điệu valse. Tôi thay bộ đồ khô ráo của Vy, ngồi ở chỗ chị vẫn hay ngồi, quàng lên mình chiếc chăn mỏng của chị. Thì ra Vy vẫn thường nhìn ra xóm trọ từ vị trí này. Ở góc nhìn của mình, chị có thấy những điều tôi thấy, bình phẩm những điều tôi thầm bình phẩm trong lòng, chị có đánh giá cuộc đời bên ngoài khung cửa như cách tôi vẫn thường đánh giá. Từ cửa sổ phòng Vy tôi nhìn sang cửa sổ phòng mình thấy tối thui, tấm màn cửa màu hồng bị gió lay bay phơ phất. Thì ra Trí và Vy vẫn thường nhìn sang phòng tôi từ vị trí này, những màn cãi cọ vặt vãnh hay những buổi tâm sự rủ rì của tôi và nhỏ bạn, chắc hai chị em họ cũng nghe không sót chữ nào. Khác với Trí chỉ nhìn tới tấm màn cửa màu hồng, Vy tinh tế hơn có lẽ đã nhìn sâu vào tâm can tôi. Tôi bất giác có cảm giác lạnh gáy, cảm giác bẽ bàng của một kẻ giả tạo bị bắt thóp, một kẻ tự cao bị lột sạch lớp áo khiêm cung, một kẻ đầy khát khao giả vờ lãnh đạm, một kẻ si tình đơn phương không dám nhìn nhận thất bại của mình.

Đó không phải một buổi tối dễ chịu, tôi và Trí gom sách vở, chăn chiếu đặt lên cao cho khỏi ướt. Mưa liên tiếp nhiều giờ không dứt, nước bắt đầu tràn vào nhà, dâng tới đầu gối kéo theo những hộp xốp từng dùng để đựng xôi, những li nhựa từng dùng để đựng sinh tố, những bao ni-lông từng dùng để đựng tất cả mọi thứ, những bông phượng rũ rượi không dùng để đựng gì cả. Bao nhiêu rác ngoài đầu ngõ tràn lềnh bềnh vào phòng. Theo dòng nước, những cánh phượng, bao ni-lông, li nhựa quấn vào nhau xoay vòng vòng như trong một vũ điệu valse. Tôi và Trí leo lên ngồi bó gối trên bàn học, ngó ra ngoài thấy đèn đường chiếu trên mặt nước loang loáng, phố biến thành sông.

Đó không phải chiếc bàn học đủ dài và rộng cho hai người ngồi thoải mái. Dù muốn dù không, tôi vẫn phải nép sát bên Trí trên cái ốc đảo chật hẹp bị nước vây quanh, thấy hơi ấm từ người cậu tỏa ra êm ái như hơi ấm của ba, ánh mắt cậu chở theo một vẻ dịu dàng tử tế. Nước vẫn không có dấu hiệu rút đi khi mưa đã nhẹ hạt, tiếng nói xì xào từ những phòng bên nghe rõ hơn, giống như lời thoại từ những cảnh phim bị mất hình. Ở một trong số những cảnh phim mất hình đó, đôi vợ chồng tuổi xế chiều lầm rầm tâm sự những chuyện đời thường vặt vãnh bên xe sinh tố ế. Mưa rơi rơi, lao xao xao, thì thào thào. Tiếng mưa làm nền cho bản The second waltz, ngân nga cất lên từ dây violin, biểu diễn bởi người nhạc công vò võ cô độc đêm nay vì mưa mà không thể lên sân khấu. Nếu cái bàn hai đứa đang ngồi không quá chật, có thể tôi đã đủ cao hứng để mời Trí ôm mình xoay vòng trong một điệu valse.

Đó không phải lần đầu tiên tôi nói chuyện với Trí, nhưng là cuộc nói chuyện đầu tiên không lùng bùng, không ngượng ngùng, không ngắc ngứ. Tôi và Trí lần đầu tiên nói về nghề nghiệp, vì sao tôi chọn y và vì sao Trí chọn luật. Tôi cố để cuộc chuyện trò có âm lượng to hết mức có thể, xuyên thủng những bức vách mỏng để chui tọt vào những đôi tai hóng hớt từ các phòng kế bên. Bằng đoạn hội thoại cắt từ cảnh phim bị mất hình, tôi muốn người ta biết hai đứa không thân mật quá trớn trong căn phòng một nam một nữ giữa đêm mưa gió bất thường, dù biết rằng chẳng thể ngăn được những đồn thổi từ trí tưởng tượng thuộc về tự do riêng của họ. Rồi đây khi tôi thành bác sĩ, biết đâu đấy, ai trong số thành viên xóm trọ này cũng có thể là bệnh nhân của tôi. Cô tạp hóa có thể bị vẹo cột sống, chị sinh tố da vàng vọt có thể đang bị viêm gan, anh xe ôm ăn uống qua quýt có ngày rối loạn tiêu hóa. Cuộc đời đầy rủi ro bất chợt như những cơn dông đến mà không hẹn trước. Rồi đây khi Trí trở thành luật sư, ai trong số thành viên xóm trọ này cũng có thể là thân chủ. Cô tạp hóa có thể bị kiện vì bán hàng không rõ xuất xứ, chị sinh tố có thể bị kiện nếu có người uống sinh tố không sạch mà đau bụng, anh xe ôm có thể bị kiện vì vi phạm luật hôn nhân gia đình khi chưa li dị vợ đã sống với người khác. Mọi người hiểu biết về pháp luật cũng ít như quan tâm đến số lượng bịch ni-lông và li nhựa thải ra mỗi ngày mà không thể tái chế hay rộng hơn là số lượng quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mà không có cách nào kháng cự. Tia chớp mang viễn tượng tương lai ấy chỉ lóe lên trong chốc lát để rồi tôi và Trí lại sớm chìm vào cơn mưa hiện tại mà ngày mai khi nước rút đi sẽ chỉ còn là kỷ niệm neo đậu lỏng lẻo nơi mỏm đá ký ức gồ ghề bị sóng thời gian không ngừng đánh tan.

Đó không phải cơn bão lớn nhất tôi từng trải qua, nhưng là cơn bão khó quên nhất. Cơn dông qua đi, không chỉ những cánh phượng mà rác rến còn lềnh bềnh chờ nước rút. Trí lại co cụm trong cái vỏ bọc dè dặt của mình. Câu lạc bộ khiêu vũ chỉ tổ chức được thêm một hai đêm tiệc rồi tan rã. Tường phòng tôi ố vàng nặng hơn mà tôi chẳng bao giờ đủ tiền khoác cho nó lớp giấy dán màu hồng như tôi vẫn dự định. Xóm trọ sau cơn dông không gần gũi cũng không xa cách hơn. Chúng tôi không có cơ hội sống bên nhau đủ bền lâu để tiếp tục mua vui lấp buồn bằng nghi kị phán xét. Mỗi người đi một ngả sau một thời gian vì khu nhà trọ càng ngày ngập càng nặng vào mùa mưa. Chia xa rồi chẳng ai còn giữ liên lạc với ai. Mỗi mùa phố thành sông, nhìn người người bì bõm ngụp lặn trong những cơn mưa của tương lai quá khứ tôi có lúc bất chợt nhớ tới Trí và cơn mưa năm ấy. Cuộc đời chưa kì khôi đến mức biến Trí thành bệnh nhân của tôi hay tôi thành thân chủ của Trí, nó chỉ lẳng lặng đủ để có những người không bao giờ gặp lại nhau.

Đ.N.T  
(TCSH355/09-2018)





 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Bướm (31/08/2018)
Giấc mộng (10/08/2018)
Nhạc hoa (27/07/2018)
Nến (19/06/2018)