Truyện ngắn
Mênh mang miền biên ải
15:12 | 04/01/2019

TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN

Gã tự xưng là Quốc vương, phong ta làm Hoàng hậu, phong nàng ấy làm Hoàng phi. Gã từ sông La Vỹ đến đây, nàng ấy từ sông Thương nước chảy đôi dòng.

Mênh mang miền biên ải
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Ta người miền Tân Cương phương Nam núi cao sông rộng, Thất Sơn huyền bí bên dòng Cửu Long hóa chín con rồng khi hòa vào biển bao la. Cuộc gặp mặt tình cờ đồng tâm tương ý tạo nên chuyến ngao du kỳ thú trên dòng xanh hiện tại lẫn dòng xanh miền lịch sử xa xưa chảy tràn về.

Ngã ba sông Châu Đốc nổi tiếng từ thời Nguyễn Hữu Cảnh cầm gươm vừa khai phá mở mang vừa giữ yên bờ cõi, tự trăm năm xưa từng là nơi phong cảnh hữu tình tạo nguồn thi hứng cho các thi nhân từ vô danh đến lẫy lừng như Doãn Uẩn hay Cúc Nông, nay vẫn là thắng cảnh vừa đẹp vừa phồn vinh với ghe thuyền tấp nập, với tượng đài cá Ba sa tượng trưng cho thế mạnh về thủy sản của An Giang nói chung cũng như là miền Châu Đốc tân cương nói riêng với làng bè trải dài bờ Cồn Tiên nổi tiếng một huyền thoại đã từng có những nàng tiên xuống tắm. Chính nơi ngã ba sông này, con đò chở chúng ta đi đã xuất phát với bác lái đò tự xưng là ông Tư. Ta đùa, vậy con gọi ông là ông Tư giữ ngựa nghen. Ông nhìn ta bằng ánh mắt là lạ mà thoáng chốc ta quên ngay, chỉ nhớ đến bức tượng ông Tư giữ ngựa bên lăng Thoại Ngọc Hầu những năm tháng tuổi thơ ta hay nghịch ngợm đứng khoác tay lên vai ông chụp hình, rồi ù té chạy khi ông từ cửa lăng rượt đuổi cùng lời rầy: “Thánh thần mà tụi bay cũng hông tha nữa hả? Ông Tư là lính trung thành của Đức Ông đó”.

Từ sông Châu Đốc, khi con đò rẻ vào kênh Vĩnh Tế, con kênh đào nối liền sông Hậu với sông Giang Thành ra tới cửa biển Hà Tiên, cũng là lúc Hoàng thượng, một vị Hoàng đế tự phong ngày hôm qua khi bùi ngùi xúc cảm trước vương quốc Phù Nam hoang phế ở Óc Eo, một hỗn hợp gia, lĩnh hội trong người toàn bộ sự phức tạp của quá nhiều đam mê, nào khoa học, nào văn chương, nào lịch sử, nào thiên nhiên, nào các mỹ nhân..., bắt đầu nhập vai khi thì Hoàng đế, khi thì thi nhân khi thì sử gia, bắt đầu lên tiếng. Ê nè, ta đọc cho Hậu và Phi nghe lời dụ của vua Gia Long vào năm 1816 nhé. Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng thông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất càng mở rộng, sẽ thành một trấn to vậy. Công trình đào sông ấy rất khó, nhưng việc nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Các ngươi tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời sau; dân ngươi phải báo nhau cho biết chớ nên sợ nhọc. Khi vua Gia Long nói điều ấy, chắc ngài cũng không nghĩ rằng Châu Đốc sẽ thành một xứ sở phồn hoa như ngày hôm nay, một phần nhờ kênh Vĩnh Tế bắt đầu được đào vào cuối năm 1819, mà ba kẻ hậu sinh đầy mơ mộng đang bắt đầu chuyến lãng du trên con đò nhỏ.

Đó không chỉ là con đò. Đó là chiếc ghe bầu thời thương hồ lênh đênh trên sông nước, với đầy đủ vật dụng cho một gia đình, có cả những chậu hoa cúc vàng tươi, hoa mồng gà đỏ thắm trước mũi ghe hiên ngang đối nghinh cùng sóng gió. Ông Tư nói ông Tư từng có một gia đình. Kia bàn thờ vợ ông với bốn đứa con gái cùng chết trên dòng kênh Vĩnh Tế khi pháo từ Miên bắn sang vào năm đấy, máu nhuộm đỏ dòng kênh. Vậy khi đó ông Tư ở đâu? Ông cũng ở cùng họ. Vậy sao ông không chết? Giọng Hoàng Phi hỏi vừa ngây thơ vừa ngạc nhiên lạ lùng. Ông Tư không trả lời, ánh mắt lóe lên cũng đầy sắc lạ lùng. Ta mang máng nghe trong gió “Ta không biết chết. Ta phải đi cùng Ngài Ngọc”. Ta nhìn miệng ông Tư, không dám chắc ông vừa nói câu đó hay không, vì miệng ông khép chặt như một đường vẽ chân trời mờ xa xăm.

Một chiếc võ lãi đang rẻ sóng ngược chiều trên đó là những chú bộ đội biên phòng ra hiệu cho ghe tấp vào đồn biên phòng gần đó. Đồn Vĩnh Ngươn xây trên một mô đất cao bốn bề muôn trùng nước. Mùa này cánh đồng hai bên bờ kênh linh láng nước. Chỉ có thể nhận diện ra con kênh bởi hai hàng cây dọc hai bờ kênh. Ông Tư nói ông đã trải qua hơn trăm năm nước nổi cùng con kênh này. Trăm năm? Hoàng phi lại tròn xoe mắt. À không, hơn sáu mươi năm thôi. Ông giật mình trả lời như vừa rơi từ đâu xuống, kiểu giật mình của cô đồng thoát hồn ta đã từng xem trên am bà Vi, một cô đồng nổi tiếng một thời.

Anh Đồn trưởng hiền queo chất phác đứng giữa các tân binh mới tinh khôi, nụ cười tươi rói hồn nhiên, cứ đùng đẩy thủ trưởng về phía khách. Nhà văn, nhà báo đó thủ trưởng. Xin cho lên hình đi. Rồi các em hớn hở lao vào chụp hình khi Hoàng phi đưa máy ảnh lên. Những nụ cười trong veo hiện lên khuôn. Những chú lính thời bình. Những chú lính thời Polpot tràn qua kênh thì sao? Ta chợt nhớ những người bạn của ta thời đấy, chưa kịp học xong lớp mười hai đã xung phong ra trận ngay trong đợt tổng động viên, ngày trở về mắt mờ bóng đêm, nụ cười hồn nhiên trẻ trung mãi mãi không bao giờ trở lại, trong ba lô mang nặng những kỷ vật chiến trường.

Ông Tư cho ghe vượt bờ đê ngập nước đến tận đường biên giới. Ở chỗ này nè, mấy thằng Khmer đỏ tràn sang, giết người, đốt nhà. Tụi nó trẻ măng, có đứa cỡ chừng mười bốn mười lăm tuổi, mặt lạnh tanh. Khi bộ đội chủ lực mình phản công, trận chiến diễn ra dọc dài theo kênh Vĩnh Tế. Không đơn giản đâu, cả ta và nó đều chết nhiều vô kể. Nhưng tụi nó là bọn vô ơn. Đức Ngọc đã đào kênh này cho tụi nó cùng hưởng lợi, thế mà tụi nó nỡ làm nước sông hóa thành máu.

- Đức Ngọc là ai vậy ông Tư? - Hoàng Phi hỏi.

- Là Đức ngài Thoại Ngọc Hầu đó.

- Sao con chưa từng nghe ai gọi như vậy?

- Đó là cách gọi của Phu nhân. Ta bắt chước bà cũng gọi Ngài như thế.

Ta nghe giọng ông thoảng nhẹ như hơi gió, mắt hoang đi đầy vết loang lỗ ma mị. Rồi ông giật mình gắt:

- Đi thôi, đường còn xa lắm. Tụi bây có muốn tới Hà Tiên hông?

Ông ngâm nga:

Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên.
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu
.

Bây giờ đã có đường lộ cặp bờ kênh, đi tận đến Hà Tiên, nên kênh Vĩnh Tế không còn cảnh ghe thuyền bán buôn dập dìu như trước nữa, nhưng vẫn dập dìu những chiếc thuyền ghé bờ viếng chùa, một ngôi chùa cổ xưa hơn ba trăm năm với tên gọi Bài Bài, lưu chút dấu vết của làng Bài Bài xưa.

Dù ta không biết ngày xưa chùa như thế nào, nhưng rõ ràng chùa đã nhiều đổi thay, với mái ngói đỏ tường vôi vàng. Nhưng ta chắc tấm bia bị giam ở hậu liêu chùa vẫn là tấm bia xưa được cho là của Cao Biền đã yếm phương Nam mà đức Phật Thầy Tây An đã dạy đạo Lập giải ếm và cây thẻ Tây Phương Bạch đế vẫn đúng là cây thẻ đức Phật thầy đã cắm nơi này.

Hoàng thượng bùi ngùi nhìn tấm bia. Đóng vai Hoàng đế, nhưng Hoàng thượng không mang chút gì phong thái một đế vương lạnh lùng, mà cảm xúc biến thiên liên tục từ vui sang buồn, từ cứng cỏi mạnh mẽ sang yếu mềm, đa sầu đa cảm với cả chiếc lá rơi, một con chim non lạc bầy rơi giữa đồng nước mênh mông. Ta biết vẻ bùi ngùi đó là xúc cảm trào dâng trước hình hài quá khứ, một tấm bia từ phương Bắc xa xôi Cao Biền mang tới có thực sự ảnh hưởng đến bao đau thương mà Vĩnh Tế Hà đã chịu bao đời nay không? Nào bao lớp người chết vì lam sơn chướng khí khi đào kênh; nào bao cuộc chiến tranh liên miên từ thời Nguyễn cho đến gần đây là chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer đỏ máu đỏ cả dòng xanh, đỏ cả đồng nước mênh mông những tưởng chỉ mang những mùa tôm cá phồn vinh cho dân chúng hai nước bao đời nay. Bất giác ta nắm lấy bàn tay của Hoàng thượng, tay người lạnh ngắt. Hoàng thượng chợt hỏi, ánh mắt vẫn chưa tụ về: “Sao tay Hậu lạnh vậy?” “Tay Bệ hạ lạnh thì có”. Ngồi xuống đi. Hoàng phi kéo cả hai ta ngồi xuống bộ bàn ghế đá đặt dưới gốc cây Sa la chi chít hoa và quả trên cành.

- Cây Sa la này có bao nhiêu năm rồi hả Hậu?

- Chắc gần trăm năm.

- Em muốn biết chính xác - Vẫn là câu cửa miệng của Hoàng phi. Cái gì cũng phải “chính xác”.

- Để ta hỏi ông Tư.

Ông Tư không những biết cây Sa la bao nhiêu tuổi mà chuyện gì cũng biết, từ chuyện tấm bia của Cao Biền đã được tìm thấy ở đâu và bị đạo Lập đục chữ Bùa như thế nào cho đến những người dân lánh nạn vào chùa thời Khmer đỏ tràn sang ra sao.

Đó là năm 1850, Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên viếng Thủy Đài Sơn, phát hiện tấm bia làm bằng sa thạch chôn giấu nơi heo hút và bị đá lấp chìm gần hết. Thầy sai đạo Lập, Phạm Thái Chung, một trong mười hai vị đệ tử “Thập nhị hiền thủ” của Ngài khai quật. Trên bia có khắc những chữ “Cao Biền trấn phù bia”. Bia của Cao Biền mang sang không thể còn đến hôm nay và trôi dạt xuống tận phương Nam này, mà thật sự tấm bia do Thiên địa hội lập nên với ý đồ hùng cứ dãy Thất Sơn huyền linh và yểm long mạch nước Nam, phá thế Cửu Long hội tụ. Tụi bay không thấy bên phải bia ghi hàng chữ “Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, Trọng thu, Cốc đán” sao. Là sao ông Tư? Là bia được lập vào đời nhà Thanh, vua Càn Long năm thứ 57, vào tháng tám, mùa thu. Đạo Lập đã đục chữ “Bùa” ở giữa bia rồi đem về đây giam trong miếu ở hậu liêu như tụi bây vừa thấy đó. Chân đế đặt tấm bia bị trói bởi dây xích sắt có yểm bùa chú rồi nhận chìm dưới lòng đất.

- Bia đã được giải yểm và giam rồi mà sao vẫn còn lắm tai ương vậy ông?

- Vẫn là Hoàng phi luôn đặt những câu hỏi kinh điển và nghiêm trang.

- Biết làm sao được con. Lòng người tại trời mà - Ông Tư thở dài.

- Con không nghĩ như vậy. Tất cả đều tại người.

- Có cần phải hỏi những câu như chất vấn vậy không nàng? - Hoàng thượng lên tiếng.

- Kệ nó, nó muốn hỏi gì cứ hỏi - Ông Tư cười hiền hậu.

Ghe tiếp tục xuôi dòng. Đồng nước mênh mông thấp thoáng vài mô đất nhấp nhô đôi ba chòm mả. Ông Tư cho ghe tấp vào một mô đất, một khúc nổi của bờ kênh phía Cao Miên có một túp lều tạm của người chăn vịt. Hoàng phi ngơ ngác hỏi:

- Ghé làm gì hả ông?

- Thăm bạn ta.

Ông dẫn cả bọn phăng phăng đi đến một cây cổ thụ già nua chi chít quả màu đỏ chót mà cả bọn không ai biết là cây gì, còn ông Tư chỉ ậm ừ những âm thanh không rõ. Dưới gốc cây là một ngôi mộ cổ phảng phất nét tương đồng những ngôi mộ trong Nghĩa trủng ở lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam. Mắt ông lại như có màn sương bao phủ. Miệng ông lại mấp máy những ngôn từ như từ đâu thoảng đến chứ không phải từ đó thoát ra.

Nó mới hai mươi tuổi, từ miền Trung vạn dặm vào đây. Đêm đó Ngài Ngọc dừng chân nơi này để kiểm tra việc đào kênh, nó hát cho ngài nghe một đoạn tuồng làm Ngài rơi nước mắt. Ngài hỏi nó ở đâu. Nó nói nó ở làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Ngài sửng sốt nhìn nó nói. Thế là cùng làng với ta rồi. Ngươi con cái nhà ai. Một cái tên được thốt ra. Ngài ôm chầm lấy nó. Ngươi làm ta nhớ quê hương quá. Ta nhớ làng, nhớ dòng sông Hàn, nhớ cả Diệu. Khi nhắc đến Diệu, mắt ngài rưng rưng.

Ta với Diệu(1) cùng lớn lên bên nhau, uống cùng giếng nước làng, cùng tắm chung dòng sông Hàn. Vì loạn lạc binh đao, ta phải theo cha mẹ về sống tại cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, rồi 16 tuổi theo phò Đức Cao tổ(2). Diệu cũng rời quê hương về quê ngoại ở Trà Khê rồi vào Quy Nhơn gia nhập Tây Sơn. Hai ta từng chung một dòng sông Hàn đã phải tách đôi hai dòng từ dạo ấy. Ta trở thành Khâm sai Bình Tây Đại tướng quân của Đức Cao tổ, còn Diệu thành Đô đốc cho Tây Sơn Nguyễn Huệ, rồi Thái phó cho Quang Toản. Hai đứa trẻ ngày xưa từng chia nhau một củ khoai lang vùi, một tàng lọng bằng lá sen, nay phải đối đầu trên hai chiến tuyến.

- Tướng quân có từng chạm nhau cùng ngài Thái phó trên trận chiến không thưa tướng quân?

Nó đã rụt rè hỏi Ngài Ngọc như vậy. Ngài Ngọc trầm ngâm nhìn xa xôi, rồi nhẹ nhàng nói:

- Ta đã tìm đủ cách để hai ta không gặp nhau trên chiến trận. Ta hay Diệu, hay bất cứ ai trên xứ Đại Nam này đều không muốn cảnh huynh đệ tương tàn. Nhưng làm dân đen không có quyền chọn lựa. Mọi cuộc chiến tranh đều vì chúa này vua nọ mà xảy ra, và cũng vì ai đó mà bao người phải ngã trên chiến trường. Ta và Diệu, hay bất cứ ai khác trên mảnh đất này có chọn lựa nào khác sao ngoài việc phải theo ông vua này hay ông chúa nọ. Nhưng dù tránh né thế nào nhất định cũng phải gặp nhau trên trận chiến cuối cùng quyết định sinh tồn.

- Hai Tướng quân đã gặp nhau chứ? - Nó nôn nóng hỏi Ngài Ngọc.

- Không. Năm đó ta được lệnh mang quân từ Vạn Tượng tiến đánh Phú Xuân thì nghe tin Diệu từ Quy Nhơn cầm binh ra tiếp cứu Phú Xuân. Không muốn đối đầu bạn, mà người nào cầm gươm đâm người kia đều đau như nhau, ta giao binh quyền cho Phó tướng Lưu Phước Tường rồi bỏ vào Gia Định. Khi Đức Cao tổ giáng chức ta xuống làm Cai đội quản Thanh Châu, vì tội tự tiện bỏ quân, ta cũng không hối hận, dù cuối cùng Diệu cũng phải bị xử tử vào ngày đại thắng của Đức Cao tổ. Trước kia khi vây thành Quy Nhơn, khiến Võ Tánh phải tự thiêu, Diệu phục tài đức Tánh mà tha chết hết cho tướng sĩ trong thành. Vì lẽ đó Đức Cao tổ ban cho Diệu thuốc độc thay vì phải bị voi xé như vợ con.

- Sau đó thì sao hả Ngài?

- Còn thì sao nữa? - Ta gắt - Trận chiến tàn, người làm vua, kẻ bị diệt vong, thế là xong.

- Nhưng vẫn chưa xong trong lòng ta - Ngài Ngọc ngậm ngùi nói - Cả nhà Diệu bị giết, không còn ai hương hỏa, ta đã cắt một phần đất của ta ở quê nhà sắp người lo hương hỏa cho Diệu. Diệu vẫn chưa chết trong lòng ta. Nếu không có chiến tranh loạn lạc, thì hai ta vẫn tay trong tay đi trên con đường làng, đi trên cuộc hành trình đời người hạnh phúc yên vui.

Khi nghe đến đó, trên mặt nó đầm đìa nước mắt. Nó hứa:

- Khi nào về quê con sẽ đến đốt hương cho ngài Thái phó.

Nó còn giúp ta thắng yên cương ngựa, đỡ Ngài Ngọc lên yên và còn tiện tay vuốt ve bờm ngựa khen con ngựa này đúng là con tuấn mã. Được giữ ngựa cho Ngài, huynh quả là diễm phúc. Câu đó nó dành cho ta.

Nhưng mãi mãi nó không bao giờ được trở về làng An Hải để đốt hương cho Ngài Thái phó. Sau khi công cuộc đào kênh Vĩnh Tế hoàn thành, Ngài Ngọc có quay lại tìm nó, thì nó đã thành nấm mộ này. Những người chết vì bệnh dịch, vì lam sơn chướng khí, vì thú rừng hai bên bờ kênh như nó phần lớn được đưa về Nghĩa trủng ở núi Sam cũng như nhiều vùng xung quanh, chỉ riêng nó vẫn nằm nơi đây, vì ông lão tự tay chôn nó không muốn nó đi, muốn nó vẫn như còn bên cuộc đời cô độc của ông ngày bắt cua mò ốc, chiều ngà ngà say bên bờ kênh nghe gió rượt đuổi mênh mang trên dòng kênh hun hút dài vô tận. Và như thế, lẽ dĩ nhiên nó cũng không được hội về Nghĩa trủng núi Sam vào ngày Ngài Ngọc đọc bài Tế nghĩa trủng văn để tế các cô hồn tử sĩ tử nạn trong việc đào kênh, nhưng ta tin linh hồn nó vẫn theo về đó, có lẽ đứng bên ta cạnh con tuấn mã của Ngài Ngọc mà nghe những lời chân thành thống thiết của Ngài.

Trời xanh thẳm mồ hoang lợp lợp
Trăng soi nhòa mấy lớp bia tàn!
Mây che bao nấm đất vàng,
Sương sa sao giọi gò hang đổi dời!
...
Đào kinh trước mấy kỳ khó nhớ,
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Bình man máu nhuộm chiến trường.
Bọc thây da ngựa gửi xương xứ này.
...
Tỏ lòng ghi nhớ ơn sâu,
Điếu người thiên cổ mấy câu ca rằng:
Đỉnh núi Sam giáo xuân thổi ngót
Triền núi Sam móc ngọt đượm nhuần
Hợp nơi mồ vắng reo mừng,
Hồn ơi! Hồn hỡi! Mưa đừng luyến xa!
Cỡi văn báo hay là xe ngựa,
Cảnh chia ly gợi ứa lệ hồng,
Phương Tây thỏa dạ ruổi dong,
Núi Sam sừng sựng như mong hồn về!


Ông Tư ngưng kể từ lâu, mà ta như vẫn còn nghe âm hưởng bi thiết của bài văn tế. Mắt ông Tư lại mờ hơi sương. Rồi ông chới với, điệu bộ y hệt bà Vi ngày xưa xuất đồng. Mặt ông chợt đanh lại, giọng gắt gỏng: “Đi thôi”.

Ghe đến Tịnh Biên. Neo ghe vào bờ, ông Tư như tỉnh hẳn khi bước lên bờ nhìn ngắm khắp nơi, bước chân ông chừng như quen thuộc lắm vùng này. Ông đứng bùi ngùi trước chợ Tịnh Biên, nói một mình.

- Hồi đó ghe ông thường ghé đây. Hồi đó chợ không bề thế như vầy. Bả dắt mấy đứa con lên sắm đồ. Tội nghiệp, lên đênh thương hồ cơm cá qua ngày, quanh năm chỉ hai bộ đồ manh múng, nên mỗi lần được đi chợ đứa nào cũng mừng.

- Ông kể chuyện thiệt hả ông? - Hoàng phi rụt rè hỏi.

- Cái con nhỏ này, bộ bây nói tao kể chuyện giả hả? - Ông mắng yêu. Lần đầu tiên ta thấy mặt ông giãn ra, nụ cười ra nụ cười, mắt không mờ hơi sương.

- Tại con thấy những chuyện ông kể sao sao ấy - Hoàng phi nói.

- Nhưng - Giọng ông chợt trầm xuống - Đó là lần cuối cùng bả và tụi nhỏ được sắm đồ. Khi ghe vừa về đến cầu Vĩnh Ngươn, pháo từ Miên bắn tới tấp vào Châu Đốc. Tối mày tối mặt không biết bao nhiêu là quả. Người chạy nháo nhác. Ông cũng chạy nhưng không biết chạy đâu, cứ cho ghe loay hoay chạy tới chạy lui trên kênh. Bả và mấy đứa nhỏ lần lượt trúng pháo, lần lượt rơi xuống kênh. Ta cũng rơi xuống kênh. Khi trước mặt ta chỉ còn là màn đen thăm thẳm, ta còn thấy cả năm người lềnh bềnh trên mặt kênh, những bộ đồ mới mua xanh đỏ tím vàng phập phều cùng con sóng.

- Họ chết hết chỉ mình ông còn sống - Hoàng phi hỏi, giọng thoáng nét hồ nghi.

- Không. Ta không sống mà cũng không chết. Ta phải đi cùng Ngài Ngọc - Mắt ông lại mờ hơi sương.

Ghe vào ngã ba sông Giang Thành, nơi tiếp giáp giữa kênh Vĩnh Tế và sông Giang Thành của Hà Tiên. Hoàng thượng ra lệnh:

- Chúng ta neo ở đây đêm nay để nghe tiếng trống canh Giang Thành đi.

- Là sao? - Ta hỏi.

- Là nghe tiếng trống trong bài thơ “Giang Thành dạ cổ” của Mạc Thiên Tứ đó Hậu. Hơn nữa ta thấy Hậu và Phi cũng mệt lắm rồi.

- Dạ vâng. Em cũng mệt lắm rồi. - Ngoan hiền, cô gái Bắc Giang nhanh nhẩu đáp.

Tiệc rượu bày ra ở mũi ghe, một bữa tiệc thời lưu dân với rau rừng đầy ắp, nồi canh chua cá linh bông điên điển nào màu xám trắng của cá, nào màu xanh của rau tần rau quế, nào màu vàng lộng lẫy của bông điên điển. Ta ngâm nga câu dân ca:

Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng thấy ngon


Hoàng phi nói mệt nhưng vẫn không chịu chui vào ghe ngủ vì sợ mất cuộc vui, trùm mền kín mít từ đầu tới chân tránh muỗi và gật gù theo từng câu vọng cổ của ông Tư.

Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu... Hà.

Chữ Hà vừa rơi xuống mùi ngọt thì một giọt nước mắt rơi trên má Hoàng thượng, trong giờ phút này không còn là Hoàng đế uy quyền nữa, mà như là Giả Bảo Ngọc dễ dàng khóc thương hoa tàn ngọc nát. Ta bấm lấy tay Hoàng thượng, sao lại khóc. Ta nhớ đến thành Quy Nhơn của ta, nhớ Võ Tánh trên giàn tự thiêu. Võ Đông Sơ chính là con trai của ông. Dễ mủi lòng đến vậy sao Hoàng thượng? Thì nàng cũng dễ mủi lòng mà Hậu, chỉ có điều nàng biết che giấu cảm xúc của mình hơn ta. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu.

Nơi đây xưa Mạc Thiên Tứ đã cho xây một lũy đất dài từ bờ sông ra đến núi Châu Nham và cho đặt một vài đồn canh phòng nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của quân Chân Lạp. Cũng tại nơi này, ông đã làm bài thơ “Giang Thành dạ cổ” nhân khi nghe tiếng trống canh. Ta ngâm cho Hoàng hậu và Hoàng phi nghe nhé.

Gió cuốn trời cao mây lạnh tung,
Sông dài vây tỏa khí anh hùng.
Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh,
Trống mõ cầm canh sóng nước trong.
Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ,
Cẩm bào cho được chốn thung dung.
Lược thao đem đáp tình minh chúa,
Nước Việt biên thùy vững núi sông.


- Phương Nam lắm cảnh đẹp người tài. Bài thơ này rất hay, từng là bài thơ yêu thích cũng của một người tài, Hậu và Phi có biết là ai không?

- Là ai hả Bệ hạ?

- Là Tây An mưu lược tướng Doãn Uẩn, là danh tướng văn võ song toàn xứ An Giang của Hậu đó. Năm đó, Doãn Uẩn mang quân đi dẹp giặc cỏ, dừng chân đóng quân tại Hà Tiên. Có người dâng tập thơ “Hà Tiên thập cảnh đề” của Tướng công Mạc Thiên Tứ. Ông quên ăn quên ngủ đọc liền một mạch. Nơi ông đọc chính là thư phòng của Mạc Thiên Tứ. Ông bâng khuâng cảm khái: “Cảnh cũ còn đó mà người xưa đâu tá?” Khi ông đang trầm ngâm đọc bài thơ “Giang Thành dạ cổ” thì từ đồn Giang Thành, trống quân báo giặc tới bỗng thúc lên từng hồi. Ông tiếc rẻ thơ đang đọc dỡ, bèn gài bài thơ vào bao gươm lệnh, rồi cùng tướng sĩ lên mình ngựa xông pha vào chốn làn tên mũi đạn mà dẹp tan giặc cỏ. Thắng trận, ông mở tiệc khao quân ngay trận. Tướng sĩ nói Rượu ngon nhưng không có đồ nhắm. Ông cười ha hả, rút bài thơ trong bao gươm lệnh ra nói “Thức nhắm đây”, rồi sang sảng đọc bài thơ. Tướng sĩ ngồi im phăng phắt lặng nghe quên cả rượu trước mắt. Đọc xong, ông nói: Thơ hay phải nói cái thực, đã là thực thì thành thơ hay ngay.

- Đúng đó Bệ hạ - Hoàng Phi lên tiếng - Cho đến tận bây giờ, quan niệm về thơ của Doãn Uẩn vẫn không sai. Em thấy viết văn hay làm thơ đều phải nói lên được cái thật và cái tình. Có những người làm thơ không xuất phát từ cái thực bên ngoài và cái tình chân thật của lòng mình, mà như là thương vay khóc mướn, nên đọc xong cứ như dòng nước lũ trôi phăng qua tim óc mình, không lưu lại điều gì. Em đọc một số bài thơ hậu hiện đại ngày nay, ngôn từ uốn éo, cốt cho mới lạ, mà không có hồn cốt gì hết. Đọc không hiểu nổi, đã không hiểu, càng không thể nào cảm nổi.

- Ta cũng làm thơ hậu hiện đại nữa đó nàng - Hoàng thượng làm bộ trợn mắt đe nẹt.

- Thơ hậu hiện đại của Hoàng thượng vẫn còn vương nhiều nét truyền thống, vẫn có chân tình và cảm xúc thật của lòng, nên Hậu đọc vẫn còn thấy hồn vía của nó và xúc động - Ta nói.

- Hậu xúc động rồi nhé! - Hoàng thượng trêu.

- Xúc động trước thơ thôi. Chứ Hậu không bao giờ xúc động trước một người làm thơ mà...

- Mà gì?

- Mà... quá mít ướt.

- Ta mít ướt hồi nào?

- Không sao? Gặp cái giống gì cũng đỏ hoe mắt và rưng rưng. Ngày xưa mà làm vua thiệt thì quốc gia suy vong chỉ trong vòng... một nốt nhạc.

Hoàng Phi cười rân lên, ngất ngưởng như lên đồng. Cô gái đến từ dòng sông Thương, cũng y hệt ta và Hoàng thượng, dễ khóc cho từng chiếc lá rơi, dễ cười cùng từng tiếng chim rộn rã trên cành.

Sáng hôm sau, ghe vào Vũng Đông Hồ. Đêm Đông Hồ trăng treo trên đỉnh Tô Châu tỏa ánh sáng vằng vặc xuống mặt hồ.

Đêm nay trăng nước hữu tình, mình ngắm trăng ngâm thơ nhé!

- Ngâm thơ hậu hiện đại của Bệ hạ - Hoàng phi cười nói.

Hoàng thượng cũng cười:

- Trăng đẹp như vầy mà ngâm thơ hậu hiện đại ngắt ngứ tới sáng chưa xong. Trăng buồn lao xuống đáy nước cho vỡ tan luôn. Ta từ sông La Vỹ xa xôi đến tận vùng sông nước Cửu Long, được Hậu dẫn đi thăm Óc Eo, di tích của Phù Nam xưa, quả là một thỏa ước lâu nay. Giờ xuôi dòng Vĩnh Tế, chạm đến cảnh đẹp của Hà Tiên thập vịnh, quả là điều ngoài mong đợi. Đến một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên, vương quốc của Mạc công, thì phải đọc thơ của Mạc Thiên Tích tướng quân thôi. Hậu đọc bài “Đông Hồ Ấn Nguyệt” đi Hậu.

- Ui chu choa - Ta nhại giọng Bình Định - Đúng là Hoàng đế, khéo ra lệnh. Tuân chỉ.

Ta lắng lòng ta vào từng câu thơ ta đang ngâm lên giữa trăng nước mênh mông sáng lòa, tưởng như Mạc tướng công đang ngồi cùng bọn ta ngắm Hằng Nga múa khúc Nghê Thường trên kia.

Mặt hồ leo lẻo tiết thu quang
Giữa có vầng trăng nổi rỡ ràng
Đáy nước chân mây in một sắc
Ả Hằng nàng Tố ló đôi phương
Rạng thanh đã hứng thuyền Tô Tử
Lạnh lẽo càng đau tiếng Nhạc Xương
Cảnh một mà tình người dễ một
Kẻ thì ngớn kẻ sầu thương


Sáng hôm sau, khi khởi hành quay trở lại thì điện thoại của ta reo. Giọng bên kia rụt rè:

- Mình ở đồn biên phòng Vĩnh Ngươn.

- À, em nhớ ra anh rồi - Ta thoáng nhớ anh đồn trưởng hay mắc cỡ với các tân binh vây quanh.

- Trong mấy đứa lính của tui, có thằng quê ở Quy Nhơn, theo cha mẹ vào đây lâu rồi. Nó muốn gặp lại anh gì đó ở Quy Nhơn.

- À.

- Mấy bạn có thể ghé lại đồn ở chơi với tụi nhỏ một đêm không. Tụi nó khoái văn nghệ, văn chương và được lên hình lắm. Tội nghiệp quanh năm suốt tháng có được đi đâu ngoài việc tuần tra dọc kênh. Tụi nó còn khiếu nại, nhà văn thích viết về lính chủ lực hơn lính biên phòng.

- Ha...ha...ha - Ta bật cười - Được thôi, lần này sẽ viết cả một thiên tiểu thuyết về lính biên phòng, những người âm thầm giữ gìn bờ cõi.

Chờ ta ở phía trước đồn là một cái bè đã bán hết cá, được thương lượng kéo về đó làm một đêm thưởng trăng. Ui chu choa, mấy đứa nhỏ mặt bún ra sữa mà cũng tâm hồn vậy sao. Anh đồn trưởng lại một phen toát mồ hôi, mặt mày đỏ rân khi bị bọn nhỏ đùn ngồi kế Hoàng phi. Thằng nhỏ Quy Nhơn nắm tay Hoàng thượng ríu rít hỏi dòng sông La Vỹ còn không? Hoàng thượng bật cười, sông thì phải còn chứ đi đâu. Thằng nhỏ ngây ngô cười, ừ hén, em tưởng em đi rồi sông cũng đi. Ta như phiêu bồng giữa không gian hư hư thực thực, giữa những con người vừa bụi bặm trần gian vừa trong trẻo như người Tiên. Ông Tư giật máy nổ lên, nói vọng vào, ta đi nghen. Ta hoảng hốt nói, ông đi về trước thì mai tụi con về bằng gì. Ông không trả lời. Trước mặt ta là một màn sương và ông biến mất trong màn sương đó. Ta nhìn dọc kênh Vĩnh Tế hướng về Châu Đốc, không thấy bóng chiếc ghe ông. Ta nhìn dọc kênh Vĩnh Tế hướng về Hà Tiên, cũng không thấy bóng ghe ông đâu. Ta chợt thảng thốt nắm tay Hoàng thượng, không hiểu tay ta hay tay Hoàng thượng lạnh ngắt. Hoàng thượng cũng đang tròn mắt ngỡ ngàng nhìn màn sương phủ khắp mặt kênh Vĩnh Tế.

Cậu trai Quy Nhơn ngồi sát bên Hoàng thượng, mắt ngời vui lấp lánh, thủ thỉ:

- Hồi em đi mới có mười tuổi. Em nhớ quê khủng khiếp. Chiều chiều em hay ra cầu Tam Quan, nhìn miết xuống sông Châu Đốc mà nhớ về sông La Vỹ của mình.

- Anh cũng vậy, đi đâu cũng nhớ về sông. Hình như ai đi đâu cũng nhớ sông ở quê mình hết. Vì nơi đó có nhiều kỉ niệm nhất. Vùng vẫy trên sông, nhận nước nhau, thủy chiến trên sông, hẹn hò nhau trên bến bãi...

- Và nhớ những câu hát nữa anh. Nhớ những đêm mẹ dẫn đi hát tuồng.

- Anh cũng vậy - Rồi Hoàng thượng ngâm nga một đoạn tuồng Đào Tấn:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.


Mắt Hoàng thượng rưng rưng, chừng như quá thấm sâu, quá xúc cảm trước lời tâm tình của cậu trai. Ta dí tay vào trán Hoàng thượng cho tỉnh lại, chọc:

- Ui chu choa! Vương quốc Phù Nam sắp được khôi phục với một Quốc vương... mít ướt!

Hoàng thượng cười xòa:

- Nàng cũng vậy thôi, Hoàng hậu.

Rồi Hoàng thượng quay sang Hoàng phi:

- Tới phiên nàng.

- Là sao?- Hoàng phi ngơ ngác.

- Là hát chứ sao?

- Ơ, em uống rượu nhiều lắm rồi mà.

- Nhiều thì sao?

- Hậu nói ai uống nhiều rượu thì miễn hát mà.

Ta cười ngất:

- Phi hông nhớ ta là người An Giang sao?

- An Giang thì sao?

- Là Ăn Gian đó. Nãy giờ ta cụng ly ào ào, uống ào ào, nhưng thực tế có giọt rượu nào lọt vô bụng ta đâu, toàn lọt vô bụng Bệ hạ.

- Hả?

- Ta nói ai uống rượu được miễn hát nhưng người miền Tây có câu: “Nói vậy chớ hông phải vậy?” Nàng dám hông hát hông?

- Em bái phục Hậu - Hoàng phi chấp tay vái dài - Dạ vâng, em hát đây. Hát quan họ nhé!

Cô gái Kinh Bắc mặt đỏ nhừ vì rượu, mắt long lanh, trùm khăn lên đầu, lắc qua lắc lại như những liền chị ngày xưa đội khăn mỏ quạ, lắc lư trên những con thuyền trôi giữa dòng sông Cầu, cất giọng trầm bổng thiết tha.

Người ơi! Người ở đừng về
Người ơi! Người ở đừng về
Người về em vẫn (í i ì i) nay
Có mấy khóc (iii) thầm
Đôi bên là bên sóng đôi vạt áo
Mà này cũng có a ướt đầm
Ướt đầm như mưa.
Người ơi! Người ở đừng về


Đêm ngà ngà say. Đêm hoài niệm nhớ quê hương. Nhớ dòng sông La Vỹ muôn trùng sóng vỗ. Nhớ sông Thương nước chảy đôi dòng. Ngồi tại miền sông nước Cửu Long mà vẫn nhớ sông Cửu Long lúc hiền hòa lúc ầm ào cơn lũ chứa trong lòng bao cuộc bể dâu nước mắt lưu dân rơi đầy dòng sông hòa cùng với máu.

Ngày mai chia tay rồi, Hoàng hậu hát một bài vọng cổ đặc trưng phương Nam tặng Hoàng thượng và Hoàng phi nghen, để kỷ niệm cuộc gặp gỡ tình cờ mà hóa cuộc tri âm. Ừ, hát đi Hoàng hậu.

Hiền đệ.

Đệ hãy nhìn bọt rượu sủi đầy trong chung hàn sĩ. Nghĩ gì đây khi men rượu cay nồng. Xin trao tay gởi chút nghĩa tương phùng. Ta và đệ cùng cười sang sảng để thay lời đưa tiễn. Uống đi đệ. Ha...ha...ha..

Ôi tiếng cười vỡ vụn giữa không gian như thay vạn lời đưa tiễn.
Xin hãy cạn chén rượu hàn vi cho ngất ngây say mà mơ ước chuyện tương... phùng.
Đời đã rộng thênh thang tình ý lại khôn cùng
Làm sao biết chuyện bèo mây tan hợp
Nghĩ thêm buồn cho những ngày sông núi cách xa
Chén rượu hôm nay nào phải chén quan hà
Sao đưa tiễn mà nghe lòng buồn rười rượi
Uống cạn chén này rồi chén nữa
Rượu đã cạn bầu chưa thấy say
Hồn đã thấm say tình tri kỷ
Ngày mai chia biệt vạn đường mây.


Hoàng phi ôm Hoàng hậu khóc ròng. Ta biết nàng khóc không chỉ vì phải chia tay với những người tri ngộ hôm nay, mà còn khóc vì phải quay về với thực tại buồn. Hoàng thượng cười “lêu... lêu..” Hoàng phi mà mắt đỏ hoe. Mắt Hoàng hậu đầy sao. Dưới đáy dòng kênh Vĩnh Tế cũng đầy sao lung linh, như hồn muôn vạn người đã ngã xuống trên dòng kênh này vẫn còn trông theo cuộc đời mãi tuần hoàn bất diệt.

T.T.T.H
(TCSH358/12-2018)

.............................................
(1) Trần Quang Diệu.
(2) Nguyễn Ánh.   




 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Gam màu lạnh (13/12/2018)
Biển (07/12/2018)
Tình yêu (29/11/2018)
Chiếc thẻ bài (09/11/2018)
Con chim cu cườm (26/10/2018)
Môi freud (12/10/2018)