Chậm rãi tiến đến một bàn trống, nàng ngồi xuống và đưa tay vén mớ tóc bướng bỉnh xõa tung trước trán. "Khỉ thật" việc gì phải ngại ngùng!... Đáng lẽ cứ nên đến cùng Phan dù nhạt nhẽo. Có một gã đàn ông bên cạnh lúc này cũng đỡ cô đơn... Đang trượt đi với dải ý nghĩ miên man thì thấy cô dâu chú rể dìu nhau tới: - Chị Trang, sao chị đến muộn vậy? anh Dũng và em mong mãi! – Kim Anh mừng rỡ reo lên từ xa. - Chào em! Hôm nay cô dâu đẹp quá – Nàng cười khẽ – chúc hạnh phúc! - Ôi! – Dũng nắm chặt bàn tay run rẩy và cố nhìn vào mắt nàng – Cảm ơn em rất nhiều! Cả hai đưa nàng đến một bàn tiệc có bốn người đàn ông chắc vừa được lắp ghép lại vội vã. Bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn khi gặp những cái nhìn vui vẻ thân thiện của họ, nàng tự an ủi "Mọi việc bình thường cả. Rồi cũng qua đi thôi!". Quay sang, Dũng đã dẫn Kim Anh đến dãy bàn bên cùng. Ở đó người ta đang xúm xít chúc tụng. Nàng cầm ly của mình, rượu sóng sánh vàng óng. Vừa nhìn đăm đăm cái nút ca vát ngộ nghĩnh của anh chàng béo tròn khá vui tính ngồi đối diện nàng vừa mỉm cười tỏ ý hưởng ứng lời đề nghị sốt sắng của anh ta: - Mình uống một ly chúc mừng nào! Xin mời các bạn! ... Những mẩu đối thoại rôm rả, hài hước của mọi người đã giúp nàng có gương mặt tươi tỉnh đến khi tàn tiệc cưới. Bình thản đi ra cửa và nói lời từ biệt, ngay lập tức trong đầu nàng xuất hiện ý định "Phải về quê thôi! ".
II - Sao lại nghỉ phép lúc này? - Xin lỗi! Em có việc đột xuất! Anh cho em nghỉ một tuần được không? - Em thật lạ! – Phan thở dài – Công việc đang rối tinh lên... Thế bài viết về thủy điện Hòa Bình đã xong chưa? - Bản thảo đây! Đêm qua mệt quá, em chưa kịp xem lại, anh sửa dùm em nhé? - Được rồi! ... Này, nghỉ ba ngày thôi Thứ hai tuần sau đi Huế với anh? - ... - Gần mười giờ sáng xong thủ tục xin nghỉ phép. Đi Huế à? Phan thích thì tìm đứa khác. Biết thừa là nàng chẳng đi còn ỡm ờ rủ rê làm gì? Hay Phan biết hôm qua nàng đến tiệc cưới Dũng một mình, chuyện xưa trỗi dậy, buồn bã nên về quê cho khuây? Hơn hai tháng rồi nàng không về quê thăm ba mẹ. Ngày trước cũng thế vì nàng có Dũng. "Khi yêu, con gái quên thật nhiều..." Ai đó đã nói điều đó và nàng thấy nó sai toét. Quên gì mà quên! Dĩ nhiên, khi Dũng ở bên cạnh nàng nhớ ba mẹ, nhớ bạn bè ít hơn một chút. Chỉ ít hơn chút thôi và bây giờ, Dũng bỏ nàng gần nửa năm rồi, cay đắng rã rời làm nét nhìn sẫm lại, đôi môi heo héo cùng nụ cười khô khan đi, nàng vẫn nhớ được rất nhiều. Đã nửa năm nàng đi về một mình, cố gắng một mình, khóc và đi uống cà phê một mình. Nàng luôn nghĩ rằng, người ta ai cũng sống cùng một cõi riêng, có đau khổ, sung sướng, bình yên và có cả sự gian dối, không chân thật. Mà nàng thì chẳng muốn một mình chui rúc vào mọi cảm giác hay dở đó. Có lẽ vì thế Dũng luôn phàn nàn "Em tỉnh táo đến khó chịu, tại sao vậy?” Nàng im lặng khi nghe anh hỏi câu ấy. Lúc đó, lòng nàng đau đáu buồn. Dũng không thể cảm nhận được rằng nàng cũng rất đam mê và yếu đuối sao? Rốt cuộc, anh yêu nàng vì cái gì? Vì con người nàng với những khoảnh khắc sung sướng, đau khổ bình dị, những cảm xúc vừa lãng mạn lại rất đời thường mà nhờ có nó nàng sống tự tin, đàng hoàng hơn và cũng vì nó nàng yêu Dũng hơn hay vì những gì khác thế để qua thời gian, cả hai cứ xa rời dần nhau, tình yêu hao gầy và rồi bây giờ, mệt mỏi cô đơn quá, nàng lại trở về nhà hít thở khí trời thuần khiết nơi thôn quê và tìm lại cho mình cảm giác thanh thản như vẫn thường làm mỗi khi gặp điều gì bất ổn: - Về đấy ư con! - Mẹ như đã chờ sẵn ở cổng dịu dàng. - Vâng! - Để mẹ lấy nước cho mà rửa mặt! Sao con về giữa tuần? Hôm qua cưới thằng Dũng hả? Cái thằng... ... Lại Dũng! Sao mẹ cứ quan tâm quá đến việc ấy nhỉ? Muôn năm các bà mẹ biết chăm lo con cái. Các mẹ đều tốt cả, đều đúng hết nhưng những lúc thế này thì tuyệt nhiên không. "Cầu mong mẹ hãy quên anh ta đi và đừng hỏi han gì đến anh ta nữa!". Nàng dựng xe máy rồi nhếch miệng cười ngô nghê, mắt nheo lại có tạo chút nghịch ngợm cho mẹ yên lòng: - Đám cưới vui cực kỳ mẹ ạ! Con đến với anh bạn cùng tòa soạn... Có gì ăn không mẹ? Con đói rồi! - Cha bố cô! Rõ thật là. .. Được rồi, mẹ xong ngay đây.
III Ba ngày phép qua đi rất nhanh. Quẩn quanh cùng mẹ nấu những bữa ăn thịnh soạn chỉ có ba người, lúi húi giúp ba làm lại giàn mướp, xới đất trồng cải rồi chạy sang hàng xóm tán gẫu, nàng bình tâm hơn và bỗng thấy mình thật buồn cười. Đã có chút gì ngượng ngập từ trong tâm khảm. Lạy trời, cầu mong ngài hãy phù hộ độ trì giúp con luôn có được sự nhẹ nhõm thư thái khi đắm mình vào không khí trong lành, ấm áp của gia đình, của vùng quê mình... Chiều này, không gian yên tĩnh quá. Nàng nằm yên lặng nghe tiếng thì thầm của vô vàn âm thanh quen thuộc xung quanh... Sau vườn có đàn gà mới nở, mẹ bảo được mười hai con. Xa hơn một chút là đám cây ăn quả mọc rất sung túc, mùa nào thức ấy ba mong nàng về... Mẹ hình như đang quét sân còn ba chẻ mấy thanh củi: - Mình đã tắt điện trong nhà chưa? – Tiếng ba thong thả. - Chưa, con nó thích sáng sủa, cứ để đấy! - Bẩy trăm một số điện, tháng trước hết hơn ba chục ngàn còn gì? Nó đang ngủ thì thắp điện làm gì chứ? - Thôi nào! – Mẹ nói vẻ gay gắt – ông nhanh lên, tôi còn lấy củi luộc gà đấy!... Nghe thế nàng bỗng bật cười. Hai tám tuổi, mẹ đã sinh đứa con út là nàng. Sáu năm ba đứa nhỏ lóc nhóc. Túng bấn vất vả làm người mẹ gầy quắt lại, xương xẩu. Dù thế thì tình yêu ba mẹ dành cho nhau vẫn tròn trịa đầy ắp. Nàng vừa thương yêu vừa ngưỡng vọng tình yêu của ba mẹ. Người ta, ai cũng có phận có phần cả. Dũng đã hôn đôi môi trinh nữ không còn mọng đỏ của nàng, nụ hôn thật ngọt ngào. Nhưng anh lại ra đi để đến giờ, nàng vẫn có cảm giác vừa được yêu thương vừa bị bội bạc. Nửa năm, Dũng cưới Kim Anh, gấp bốn lần thời gian ấy, nàng vẫn bị bỏ rơi như thường: "Chị không yêu Dũng? Vậy hãy trả anh ấy cho em! Tình yêu của chị chẳng khác gì những nốt nhạc buồn, lặng ngắt và lạnh lẽo. Anh ấy đã chán rồi, sao chị còn...". Lúc đó, nàng thấy cặp mắt Kim Anh xanh như mắt mèo, tóc tai dường như xù ra, dựng ngược dù ngày thường nàng vẫn lén nhìn theo và thầm thừa nhận mắt cô đen còn tóc thì thật mềm mại. Không nói câu nào, chỉ cười thật khẽ, nàng bỏ đi. "A ha! Hóa ra tình yêu là thế! Phải chăm bẵm nhau, phải thẽ thọt nói những lời có cánh rồi chiều chuộng đón đưa đến nơi này, đi chỗ kia... Tóm lại, phải thật cuồng nhiệt say đắm chứ không như mình, chỉ cần lặng lẽ đi bên nhau, khi nào mỏi mệt dừng lại nhìn vào mắt nhau mà tin yêu, mà nghỉ ngơi để tâm hồn bình yên thanh thản...". Nàng manh nha nhận thấy cuộc tình nghiêm túc của một đứa con gái nghiêm túc là mình đã vỡ vụn. "Nếu Dũng cần cho cô đến thế thì hãy giữ chặt lấy kẻo lại có đứa khác xông vào cướp đi hoặc anh ta thay đổi, xổng mất! Cầu mong cả hai đều hạnh phúc và đừng dè chừng với tôi nữa! Hiểu chứ?". Nàng nói với Kim Anh những lời ấy thật bình thản vì nghĩ rằng, trong chuyện tình yêu, hợp hay tan chỉ do hai người quyết định, thời gian đâu có nghĩa lý gì. Nàng đã yêu thật lòng và thành tâm mong tình yêu của mình kết trái. Hai năm yêu thương nhau, nàng và Dũng cũng bỏ nhau vài lần vì những cuộc cãi vã nhỏ nhặt nhưng khó quên, những va chạm thực tế khắc nghiệt mà cách giải quyết của cả hai cứ "một vực một trời". Rồi thì vài lần làm lành, vài lần tha thứ. Mỗi lúc như thế, nàng vừa thấy mềm lòng lại như hốt hoảng vun đắp để tình yêu của mình tròn đầy hơn vì sợ phải bắt đầu lại, sợ phải hôn thêm người đàn ông thứ hai... Thật buồn, đến khi nàng nghĩ rằng, không nên xa Dũng nữa vì tình cảm đã sâu đậm rồi thì cũng là lúc Kim Anh xuất hiện và Dũng hát khúc chia tay. Luận điệu cũ rích như không thể có lý do nào phù hợp hơn "Anh yêu em, nhưng chúng mình không hợp nhau! Anh chẳng mang lại cho em điều gì tốt đẹp cả. Mà trái lại, toàn chuyện bực mình! Hãy tha thứ cho anh". Dũng mời nàng đi xem ca nhạc, uống cùng nhau một ly rượu màu hồng đào thơm và cay đến tái người rồi nói như thế. Nàng thấy trống rỗng. Giá Dũng cứ nói thẳng tuột ra rằng, anh đã hết yêu nàng có dễ chịu hơn không? Tại sao Dũng không nghĩ là nàng sẽ chịu đựng được, sẽ nhẫn nại làm lại từ đầu dù vẫn biết hạnh phúc của người đàn bà chính là được lựa chọn bởi một người đàn ông. Hạnh phúc của nàng, nếu có, cũng thế – Nó được đánh dấu bằng một đám cưới cùng tờ giấy đăng ký kết hôn. Sự lựa chọn ấy là tuyệt đối mặc dù hạnh phúc nhiều khi lại rất tương đối? Nàng tiếc ngẩn ngơ những lời của Dũng. Nếu anh nói thật, có lẽ nàng sẽ cảm ơn anh. Vì dù sao, anh là người đàn ông ở bên nàng nhiều nhất. Anh làm cho nàng nhiều nhất so với những người đàn ông khác... Chao ơi, giá Dũng thật lòng với nàng lần cuối, nàng còn muốn nói với anh một điều rằng, nàng thấy tiếc nuối vì tại sao ngày trước có anh, mình không chăm sóc anh nhiều hơn một chút. Buồn cười thật... Đêm đầu tiên ở nhà, nàng đã rúc đầu vào ngực mẹ mà khóc thỏa thuê rồi kể lể than vãn rất dài dòng về mối tình đã qua với Dũng, sự tận tụy của Phan cùng hàng đống nỗi niềm đan xen giằng xé làm nàng mệt phờ. Mẹ lặng lẽ lau nước mắt rồi xoa lưng nàng bằng bàn tay ram ráp với những ngón tay khô gầy: "Ngủ đi con! Âu cũng là số phận cả!...". Trằn trọc một lúc trong lòng mẹ, nàng nhắm được mắt rồi ngủ say đến tận sáng bạch... Không muốn suy nghĩ vẩn vơ nữa, nàng hất tấm chăn đơn sang một bên, ngồi bật dậy cào lại mái tóc rồi cầm áo choàng mỏng bước ra ngoài. IV Mặt trời đang mải mê đi về hướng tây. Khối cầu lửa dịu dần vãi từng tia nắng yếu ớt chênh chếch rụng xuống trần gian. Mầu vàng nhạt của nắng hòa quện với mầu nâu của đất tạo thành màu tím huyền ảo. Cả cánh đồng lúa rộng bát ngát đã gặt gần hết nhấp nhô những cọng rạ tròn xoe. Mùi thơm nồng của cây cỏ lẫn trong gió thu se lạnh thật dễ chịu... Nàng hăm hở chạy trên bờ mương lúp xúp cỏ may rồi rẽ xuống con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng. Tha thẩn một hồi, bỗng nhìn thấy một lùm cây xanh thẫm, rung rinh đứng lẻ loi trên thửa ruộng cao nhất, xung quanh đầy lúa vàng. Hình như có bóng phụ nữ lúi húi ở đó. Trong cảnh chiều tà, chị giống như dấu chấm than trắng đục ghim hờ hững vào mặt đất. Nàng rụt rè tiến lại gần - Chị cũng bẫy được chim cơ à! – không giấu được vẻ ngạc nhiên, nàng hỏi. - Sao cơ? Chẳng lẽ đây chỉ là việc của đàn ông? - Ồ không! Nhưng tôi chưa thấy phụ nữ làm việc này bao giờ. - Thì bây giờ có tôi! Chắc cô ít về quê lắm? - Vâng! - Vụ gặt nào tôi cũng đi bẫy chim... Mấy hôm rồi chẳng được con nào, nhưng biết đâu... Nàng không nói gì, im lặng ngồi ra xa. Chị ta hình như cũng không để ý đến nàng nữa mà mải mê ngồi đan. Những chiếc đĩa mây xinh xắn để bên cạnh. Nàng nhìn cái lưới, con chim mồi đã bị khâu mắt đang xòe cánh bay xấp xoải, sợi xích nhỏ xíu bằng nhựa dai nhách cứ níu chặt con vật xuống khi nó cố sức vút lên cao. Mỗi lần như thế, nó lại mất đà chúi nhủi vào đám lúa bên cạnh. - Chị bán bao nhiêu tiền một con? - Bảy ngàn. - Mỗi ngày được mấy con hả chị? - Hai hoặc ba gì đó. Hôm nào may mắn, được dăm bảy con. Cũng có hôm về không, thất thường lắm! -. .. Nàng tưởng tượng ra lũ chim ngói đang hối hả bay trên trời cao. Bỗng một con chim nhìn thấy đồng loại thấp thoáng nơi xa, nó nghiêng cánh suy nghĩ rồi rủ cả đàn đậu xuống. Kìa, cơ man nào là thức ăn! Thật sung sướng! Bầy chim xôn xao, ríu rít... Rồi tấm lưới to tướng kia bất ngờ chụp xuống. Chao ơi, lũ chim sẽ giãy dụa cuống quýt tìm lối thoát ra ngoài. Chúng chẳng còn hơi sức đâu để ý đến con chim mồi – cái đồ lừa lọc phản phúc đang dúm dó, run rẩy nép vào một góc trong cảnh hỗn loạn nháo nhào ấy nữa... Cuộc sống hóa ra không thể hiểu được sự đau khổ, dối lừa! Đến thế giới của loài chim còn được con người tạo cho chúng bi kịch nữa là! Sự cay đắng đã nếm trải khiến ta sáng suốt và độ lượng hơn khi nhìn vạn vật xoay vần. Nàng là con bé lãng mạn và bướng bỉnh một cách thái quá. Mà mọi sự thái quá đều không tốt. Học hành rồi đi làm, một công việc ổn định tại Hà Nội. Phụ nữ thế là ổn. Giá nàng chỉn chu, cần mẫn và dịu dàng một chút thì đã có khung trời riêng ấm áp rồi. Nhưng trời đã tước mất những khả năng bình thường ấy và cấy vào nàng nhiều tính cách trái ngược. Những người đàn ông đến rồi lại đi, ký ức về họ nhạt nhẽo và trống trải lạ kỳ... Rồi Dũng xuất hiện. Yêu anh, nàng vẫn cô độc và cao ngạo. Nàng luôn tin rằng Dũng không thể bỏ mình được. Đàn ông chỉ sở khanh, bạc tình, lừa dối những thứ đàn bà xấu xa ngu muội kia! Còn nàng, làm sao anh phải qua mắt mà đóng kịch? Dũng không đóng kịch, anh chỉ yêu một lúc hai người đàn bà. Nàng thì quá tự tin nên Kim Anh đã là người đứng cạnh anh trong hôn lễ... Quẳng đôi dép xuống đất, nàng lại gần hơn: - Chị dạy tôi đan được không? - Ngồi đó đi! Biết đâu lát nữa có đàn chim bay về! Chiều mai cô ra đây nhé, tôi bày cách cho! - Vâng! Nàng trả lời và trải cái áo khoác dài trên cỏ, ngả người quay mặt về phía chị ta. Ngày còn trẻ chắc chị ấy đẹp lắm. Đôi mắt, cái mũi, cả hai bàn tay thoăn thoắt kia nữa! Có điều, tuổi bốn mươi làm chị ấy gầy gò đi nên trông các đường nét cứ bé nhỏ, nhòn nhọn vẻ úa tàn. Bất giác nàng đưa tay sờ lên mặt mình: - Chị được mấy cháu? – Nàng buột miệng. - Mỗi. - Con trai à? - Con gái, mười tám tuổi rồi... - Chắc cô bé xinh lắm! - Cũng tàm tạm. Thực tình, tôi không thích nó là con gái. Đàn bà – cái giống sinh ra để người ta dụ dỗ ấy – hay ho gì? Nàng choáng người nhìn chị ta và thấy chị vừa gần gũi lại thật ra vời. Bò dậy, xỏ chân vào đôi xăng đan, nang vơ lấy cái áo: - Gần tối rồi, chị về đi kẻo nhà mong. V - Cô đan đẹp lắm! - Cám ơn, vẫn thua xa chị mà! Chị có bàn tay rất giống tay mẹ em! Thật đấy! - Hồi trẻ, mấy lão thầy bói đều nói số tôi rất sung sướng, có tướng "phu nhân" cơ đấy! Và tôi tin, rất tin là đằng khác... Cô đưa tay đây! -. .. - Móng tay áp út có một chấm trắng hình ngôi sao – Một người đàn ông đang rất si mê cô. Anh ta sẵn sàng làm tất cả để có cô. .. Đúng chứ! Nàng nghĩ đến khuôn mặt khắc khổ cùng vẻ ân cần lo lắng của Phan. Chắc anh đã đi Huế vài hôm rồi. Phan cho nhiều nàng lại không muốn nhận. Còn Dũng, nỗi ám ảnh khôn nguôi – Dũng cho là bao mà lấy đi của nàng nhiều thế?. .. Nhìn cuộn mây đã chuốt óng ả, nàng không trả lời. - Nghĩ gì vậy? – Im lặng một lúc lâu, chị hỏi. - Sao ba bốn hôm rồi chẳng thấy bóng dáng một con chim nào? Hay tại em nặng vía hả chị? - Vớ vẩn! Kìa, cô dựng lại cành cọ đi! Sắp đổ bây giờ? ... Cả hai lại cắm cúi đan. Hình như chị ta còn hát nho nhỏ nữa. Những lúc thế này trông chị thật dịu dàng. Đã năm chiều rồi, nàng đều cầm áo mò ra đây. Mẹ biết nhưng không nói gì, chỉ nhìn nàng ý nhắc nhở và lo lắng vì không ưa chị "Nó giống hệt mụ phù thủy nhiều phép màu, vừa hiền thục dịu dàng, vừa thật xấc xược. Từ ngày nó trở về, đàn ông trong vùng ngoại tình nhiều hơn. Thỉnh thoảng dân làng lại đổ xô đến xem có người đánh ghen với nó. Những lúc như thế, hoặc là nó biến đi đâu mất hoặc ngồi im lặng trong nhà, mặc kệ người ta xúm đen xúm đỏ trước cổng trong tiếng chửi rủa của người đàn bà là vợ một gã nào đó nó đang tằng tịu... Chỉ tội con bé con, vừa ngoan ngoãn lại học giỏi. Con như thế mà mẹ thì. .." Nhà chị ở bên kia sông, cái làng lèo tèo vài chục hộ sống bằng nghề sông nước và trồng màu trên đất bãi bồi. Mười chín tuổi, không cam chịu cảnh nghèo đói, chị bỏ làng ra Quảng Ninh buôn than. Đám trai trong vùng tiếc ngẩn ngơ cái dáng thon thả, đôi mắt lá răm "rất tình" của cô thiếu nữ vạn chài sắc sảo... Biệt đi hai năm, chị dẫn về một anh chàng cao lớn, da nâu sạm cùng bảy cây vàng bốn số chín sáng lòa căn nhà bé nhỏ tồi tàn. Hai tháng sau, họ kéo nhau đi... Biệt tích gần ba năm nữa, người ta mới nhìn thấy chị với cái bụng lùm lùm về cùng người đàn ông khác. Lần này họ cưới! Đám cưới xôm ra trò! Mẹ bảo ít đám cưới đông như thế. Làng trên, xóm dưới kéo đến ùn ùn, phần vì có bánh kẹo, nước ngọt (điều lạ này chưa từng xảy ra ở quê nàng), phần nữa họ muốn xem cô dâu vác bầu có giống các cô dâu khác hay không(!)... Bàn tán, đồn đại, bình phẩm chưa xong, chị lại biến mất. Người đã đi rồi, còn hứng thú gì để thì thầm to nhỏ nữa? Xóm làng trở lên tĩnh lặng như chưa hề có chuyện đó xảy ra... Ba năm nữa trôi đi, mẹ chị qua đời. Thằng em họ phải lần mò hàng chục ngày, tìm kiếm khắp nơi mới thấy chị tít tận Móng Cái cắp đứa con gái hai tuổi buôn bán nhì nhằng. Chị lại về làng và lần này thì ở hẳn. "Cha nó đâu?" – "Đi xa rồi?" – "Nghĩa là thế nào? Làm ăn xa là... chết rồi! Sao vậy?" – "Sao à, chẳng sao cả!"... Rốt cuộc, chẳng ai hiểu mô tê gì... Cứ vậy, chị nuôi con gái lớn lên. Đến khi nó mười sáu tuổi, chị mới kể thật cho con bé nghe về cha nó. Người đàn ông da nâu ấy đã chung vốn cùng buôn bán với chị từ những ngày đầu khi chị chân ướt chân ráo đến Quảng Ninh. Anh ta biết điều và quân tử trong chuyện làm ăn nhưng bạc bẽo và lăng nhăng trong chuyện tình ái. Chị phải lòng anh ta trước... Mặn nồng được vài năm thì anh ta rũ áo quay lưng khi cả hai thua lỗ khá nhiều và chị có mang mà không chịu "giải quyết hậu quả". Họ đã cãi nhau kịch liệt và khi chị hét lên căm giận "Anh hãy xéo đi!" thì anh ta xéo thật. Tút một cái vào tận Sài Gòn... Vừa yêu vừa hận, chị cương quyết giữ lấy sinh linh bé bỏng đang yên ổn nép trong cơ thể mình. Về làng với đứa con không cha, chị không dám. Vậy nên phải mượn chồng. Người đàn ông thứ hai chính là ông chồng hờ chị trình với thiên hạ. Hai chỉ vàng để anh ta về quê mười ngày, gọi chị bằng mình xưng anh – kiểu xưng hô của các cặp vợ chồng ở quê nàng và cung kính đứng trước bàn thờ tổ tiên nhà chị mà vái tạ... - Từ bấy đến nay sao chị không tìm một ai đó... chứ sống thế này... - Cô tưởng dễ lắm sao? Tai tiếng như tôi lại càng khó. Đàn bà không chồng vốn phải sống rất nhọc nhằn và dễ điều tiếng mà!... Có hôm, tự dưng trong nhà xuất hiện một vị khách lạ. Ông ta xăm xăm ngồi xuống ghế, tự tay rót nước và nhìn chằm chằm vào ngực tôi với ánh mắt vừa xem xét vừa đĩ thõa. Cáu tiết, tôi giằng lấy cái chén, úp chụp xuống khay làm nước đổ lênh láng rồi rền rĩ: "Mời anh cút!". Những lúc như thế tôi thấy mình chẳng khác gì một con quái vật, lưng bọc kín bằng giáp sắt cứng quèo, thân có đốt còn chân tay thì nhỏ tí, khẳng khiu. Tôi đau đớn và ghê sợ chính mình. "Hoá ra mình chẳng đáng giá một cắc!"... Quả thực, cũng có vài người tử tế đấy, nhưng họ đã có vợ con đề huề. Họ đi ăn phở và luôn miệng nói phở ngon hơn cơm(!). Đàn ông mà. Thế là tôi dĩ nhiên trở thành kẻ quyến rũ chồng người khác cho dù chính họ cùng chồng của họ là những kẻ gây khó dễ và đau khổ cho tôi trước. Tôi đâu thiếu tiền? Cửa hàng đại lý tuy không lớn nhưng hai mẹ con vẫn sung túc. Nhiều lúc thấy mình thật khốn nạn! Cay độc ruồng rẫy cuộc đời chán chê, tôi vẫn phải tự mình trả giá cho cuộc đời lem nhem của mình. Con gái tôi đã lớn, tôi cần phải dừng lại. Dừng lại thì cũng đã xế chiều mất rồi!... Ranh giới giữa sự đoan chính và thói lẳng lơ thật mong manh. Tôi không biết mình là kẻ lẳng lơ hay người đoan chính bị bội bạc rồi dồn đuổi nữa... - Bố của con gái chị có lần nào tìm hai mẹ con? - Anh ta bỏ đi thẳng và không hề ngoái đầu lại, làm sao biết được mình đã có một đứa con gái phổng phao xinh đẹp và rất giống anh ta? - Sao chị lại đi bẫy chim? Em thấy nó kì kì... - Tôi thích, thế thôi! Con nào tham lam, ngu ngốc thì chết! Thời gian đầu tôi như kẻ say nghiện. Ngày nào không bắt được vài con là trong lòng tức tối lắm... Nhưng tôi lại không dám ăn thịt chúng. Bán sạch, bắt được con nào bán cả. Nhà chùa mua thường không lấy tiền. Sư cụ cũng nghèo, mua để phóng sinh mà! Còn lại, đám thợ chim trên phố về đem đi hết. Chẳng biết họ mang chúng đến tận đâu để chết (!). Nàng lặng người, ngước nhìn cây gạo rất lớn mọc chơ vơ bên kia cánh đồng, lòng trào lên xa xót. Chị ấy muốn trả thù, muốn trút giận dữ, đau đớn của mình vào một cái gì đó cho hả hê! Nhưng sao chị lại chọn lũ chim? Chẳng lẽ cứ cần phải như thế? Chị ấy còn con gái cơ mà? Nhiều người đàn bà chẳng có gì hết, trắng tinh, cô độc đồng hành với chính họ thì sao? Nàng nữa! Nàng cũng sao thế này. .. Nhưng nàng còn trẻ lắm! Còn chị ấy? Chị ấy đã già rồi... Chợt thảng thốt khi nhìn thấy một đàn chim đang bay rất nhanh từ bên sông mờ sương chiều về phía cánh đồng, nàng như hụt hơi: - Chị ơi! Nhìn kìa! - Cái gì thế?. .. Ồ! - Làm thế nào hả chị? - Nhanh lên! Nấp vào tán cọ này! Nàng vội chui gọn vào đám cành cọ đã dựng sẵn, ghé mắt nhìn con chim mồi. Nó vẫn kiên trì hết bay lên lại chúi xuống. Hồi hộp, nàng quay sang. Chị ta ngồi nghiêng, mặt đanh lại căng thẳng. Cặp mắt buồn rầu khi nãy thoắt trở nên lạnh giá pha chút cay độc. Nàng bỗng thấy bực bội trong lòng và thầm mong lũ chim dại dột kia đừng nhào xuống. Thật kỳ cục, mấy buổi chiều rồi nàng đều nhấp nhổm chờ nắng dịu để ra đây bẫy chim cùng chị ta. Nàng cũng rất thất vọng khi chưa bắt được con nào. Vậy mà... - Này, cầm lấy một đầu dây được không? - À... Vâng! Cũng được! – Nàng run run. Những chấm đen to dần, đàn chim hiện ra trong chớp mắt rõ mồn một. Trời, bảy tám chục con là ít. Nàng run bắn lên khi thấy chúng đến gần và hình như bắt đầu thay đổi "đội hình". Đằng kia, con chim mồi vẫn không ngừng vút lên, chúi xuống... Rào rào, xôn xao... Ôi chao, trước mắt nàng chen chúc những cái mỏ xinh xinh, những đôi mắt đen nhấp nhánh... - Xoạch... ào... Cái lưới đã chụp xuống gọn gàng. Cả đàn chim chụm lại nằm gọn lỏn. Vài con may mắn thoát ra qua mảng lưới chưa khép vì nàng còn cầm một đầu dây. - Kìa! Giật xuống! Cô sao thế? Như một cái máy, nàng co tay ra sau. Lũ chim nhốn nháo giãy dụa trong đám lưới một cách tuyệt vọng. Khó nhọc chui ra khỏi tán cọ của mình, nàng đứng ủ rũ, thở dốc mặc chị ta hớn hở lăng xăng quanh bầy chim. Vẻ mặt mãn nguyện và nụ cười hả hê của chị khiến đầu nàng buốt nhói, người lạnh toát, mắt hoa lên. Nàng cố trấn tĩnh khi nhìn thấy lũ chim thoắt trở thành những con vật bé xíu, mắt chúng trong suốt như pha lê, long lanh ươn ướt. Những cái mỏ hồng hồng yếu ớt hếch lên chờ đợi... Len lén như một tên trộm, nàng đến gần cái lưới rồi thò tay hất ngược trở lại, một khoảng trống khá lớn hiện ra: - Ôi trời, sao thế kia? -. .. - Cô điên hả? Chị ta hét lên thất thanh rồi quăng cái lồng xuống đất, chạy đến. Lũ chim vẫn không ngừng vun vút bay ra. Có con mệt lử sau khi chen chúc hoảng loạn trong lưới, loạng choạng chấp chới một lúc mới hoàn hồn vụt đi. Tiếng hét của chị ta khiến người nàng chùng lại, nhão ra, tâm trí đờ đẫn. Bất ngờ, nàng đổ ụp xuống, nằm co quắp bên những cái lồng đựng chim trống hoác... Im lặng, bên tai nàng, tiếng đất thở phập phồng, gió đứng lại, khẽ khàng chạm vào từng nhánh lúa mơn man. Rụt rè ngước mắt nhìn chị ta, nàng chợt tỉnh. Chị đứng lặng thinh, cặp mắt mở lớn. Kỳ lạ, nàng thấy nó tĩnh mịch, lặng lẽ và có phần hoang vắng chứ không phấn khích rộn ràng như lúc vừa rồi. Không nhìn cái lưới, chị ta đưa tay thu nó lại dần một cách vô thức, chậm chạp... Những con chim cuối cùng được giải thoát... Nàng bò dậy, ngồi bó gối im thít nhìn hai dòng lệ từ mắt chị tràn xuống gò má rám nắng... - Em xin lỗi! -. .. - Chị ơi! Em xin lỗi! Tiếng nói của nàng rơi tõm vào khoảng không thinh lặng. Cúi nhặt mấy cái đĩa mây vứt chỏng chơ trên cỏ, chị thập thững lại gần con chim mồi vẫn co ro ngơ ngác ở góc lưới. Bàn tay chị run rẩy dữ dội khi chạm phải cái xích nhỏ. Lặng lẽ, chị tháo xích ra, rung con chim lên trời rồi bỏ đi... Vớ lấy cái làn, nàng hốt hoảng bỏ chạy theo chị ta. Nàng chạy rất nhanh và vấp ngã dúi dụi. Một lúc sau, nàng mới vồ được chị trên con đường sâu hút vào làng. Cỏ dưới chân lạnh và ẩm ướt: - Chị ơi! – Nàng hổn hển – Con chim. .. con chim mồi có bay được không? ... Nó... nó bị mù mắt rồi còn gì. ..? Chị hơi chững lại, ngoắt người nhìn nàng, nụ cười méo xệch khiến giọng chị ngạt đi, run rẩy "Rồi nó sẽ khỏi! Nó không sao cả đâu!...". Cái lưới, những chiếc lồng trống trải, đám đĩa mây xinh xắn trắng muốt và con chim mồi tội nghiệp... tất cả thoắt lùi xa, rất xa như chưa hề xuất hiện trước mắt, chưa từng tồn tại trong tâm thức nàng. Có một điều gì đó thật yên ổn, ấm ấp tràn đầy không gian vắng vẻ xung quanh khi nàng thấy bóng chị nhỏ bé, dịu dàng khuất dần, nhòa lẫn trong sương chiều... Lúc này, nàng bắt đầu khóc...
HUÊ MINH (nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001) |