Truyện ngắn
Người đàn ông ở ngã tư đường
08:17 | 04/07/2019


NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG

Người đàn ông ở ngã tư đường
Minh họa: Nhím

1.

Khi còn trẻ, tôi không nhớ mình đã kể cho bao nhiêu người nghe về chuyện một người đàn ông ở ngã tư đường. Tôi cũng không chắc rằng họ có kể cho một người khác nữa mà không thêu dệt thêm hay không. Tôi bắt gặp người đàn ông đó, hay nói đúng hơn là quen người đàn ông đó cũng kha khá thời gian. Đó là nếu nói như có thể cho rằng việc quan sát và quan tâm cũng tạo nên một cái gọi là mối quan hệ quen biết. Ông ở ngã tư đường. Còn ngã tư đường nào thì tôi không tiện nêu tên. Nói là một ngã tư nhưng nó là một ngã tư nhỏ, ít người qua lại vì thế cũng chẳng có đèn giao thông. Sau này tôi mới biết nếu có nêu tên về con đường ấy cũng không được vì ổng không ở cố định một ngã tư. Nhưng tôi thấy người đàn ông ở nơi này, tức là ngã tư gần chỗ tôi đang ở, cũng khá lâu, và tôi cũng biết không ít chuyện về ổng.

Tôi đã kể chuyện này cho nhiều người nghe. Lặp đi lặp lại. Họ có lắng nghe, đôi lúc chối bỏ. Nhiều khi họ nghe và nói lại tôi một vài điều gì đó không cùng nội dung; một số người nghe và đi luôn khiến tôi - kẻ đứng lại dễ bị nhầm tưởng là một người nhiều chuyện hoặc vô duyên hoặc vô tích sự; còn hiếm có một số người nghe tôi kể và sáng tạo thêm. Chốt lại, đa phần họ đều thờ ơ như tôi đang nói đến một điều nhạt nhẽo. Vậy mà bằng một niềm đam mê và sự kiên trì không tưởng, cuối cùng tôi cũng tìm ra người có cùng kênh quan tâm với mình. Người ấy còn có vẻ hào hứng bất kể như cuộc sống lâu ngày quá buồn không có gì làm hay đáng để quan tâm. Người đàn ông. Lại ở ngã tư đường. Theo tôi, đó là một chủ đề bất tận khơi mở trí tưởng tượng. Cuối cùng tôi cũng không cảm thấy bất lực với sự kêu gọi mọi người hãy quan tâm vào việc mà tôi muốn nói.

2.

Tôi đã kể cho mọi người nghe về người đàn ông ở ngã tư đường như sau. Vào hôm tôi thấy ông ta, ông đang ở đó và cái ánh mắt cứ như muốn nói chuyện với tôi. Khi nghe chuyện này, một người đã nói với tôi, có lẽ ông ta đợi một người quen tới đi ăn cùng. Đi ăn cùng ư. Tôi không hiểu triết lí này nó như thế nào. Một người đàn ông đứng ở ngã tư đợi một người tới ăn, sao anh ta không tự đi ăn. Anh ta có gia đình không. Hay quả thật anh ta đang đứng đợi ai ở đó. Người đàn bà này lại bắt đầu với việc phân tích và bình luận, anh nghĩ việc ăn uống không quan trọng sao, nó quan trọng như việc đi vệ sinh ấy chứ. Giả như cái người đàn ông ấy vì không tìm thấy ai ăn cùng nên bất mãn, đứng im đó luôn thì sao. Đứng im đó, anh hiểu không. Đứng như là bị... tự kỉ ấy. Đứng để người ta biết là người ta sẽ đói bụng như anh ấy nếu không đi ăn cùng với một người nào đó. Hiểu không. Tôi không biết người đàn bà này có hứng thú gì. Nhưng từ khi nghe tôi gợi mở chuyện về người đàn ông, bà ta hoàn toàn chăm chú và tham gia vào câu chuyện.

Khi bà ta lý giải xong việc vì sao người đàn ông vẫn tiếp tục đứng ngã tư đường như đang đợi ai quần áo chỉnh tề tới mang đi ăn thì ôi thôi, khác xa với sự trông đợi, nhiều khi hình ảnh mới mẻ của ông ta làm chúng tôi, tôi và bà ta mất hồn. Hình như ông ta có đủ năng lượng để đứng - ở từ chỗ này đến chỗ khác. Nhiều lúc bà mất hồn khi đứng ở ngã tư nào đó bà lại thấy ông trong một hình dáng khác. Thỉnh thoảng trong quán cơm tạp nham bốc khói tràn lan bà ghé mắt nhìn thử xem có gã đàn ông đó không. Một gã đàn ông ngơ ngác đang ập mặt vào dĩa cơm chẳng hạn. Hay một gã đàn ông chỉnh chu đàng hoàng ngồi bần thần trước dĩa cơm. Cuối cùng ra tôi cũng khâm phục cái sự sáng tạo của đàn bà. Họ ít khi nào cảm thấy cô đơn là bởi họ có đầu tóc váy áo son phấn để lo hoặc chỉ là món ăn chiều nay là gì. Còn người đàn ông đứng ở ngã tư, anh ta có gì. Anh ta có quan tâm nhiều lắm đến cuộc sống này không.

Tôi lại tiếp tục câu chuyện về người đàn ông ở ngã tư, đa phần kết quả tôi thu lại được là vì ông ta bị khùng. Thông thường khùng là một trạng thái nào đó lạ lùng lắm. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những anh hùng ăn mặc lạ lùng trên đường phố, hôm hóa trang thành hiệp sĩ, hôm khác lại hóa trang thành người dơi, lúc thì quay về xưa cũ với áo nón tơi và chống gậy. Nhưng nếu nói người đàn ông này khùng, tôi không biết có đúng không. Anh chỉ ở im một chỗ, anh cũng không lên tiếng, chẳng có gì thân thuộc với một người khùng. Vậy giờ tôi phải cho là anh khùng vì anh khùng thật sự hay là do sự bình luận của người đàn bà kia đây. Anh bắt đầu ở đấy, anh mọc rễ và đôi lúc người ta có thể mường tượng đến một cái cây có cả lá cành đôi khi đã ra quả. Đường phố lên đèn, xe cộ qua lại, đôi lúc nó che lấp cái sự nổi bật nơi anh. Hóa ra anh chỉ như một người như bao người tình cờ đứng đó thôi. Chẳng có gì hơn kém. Đôi khi đèn đuốc ko rõ màu thì anh hóa ra một cái gì đó chìm vào đêm đen. Tôi không biết sau đó là gì vì tôi còn phải về nhà. Người đàn bà nói có nói sẽ suy nghĩ thêm để lí giải.

3.

Một lần không thấy anh ta đâu cả. Tôi đi tìm. Những hỡi ôi trong cái thành phố này có biết bao nhiêu ngã tư. Biết cái nào là cái nào. Ngã tư nào có một người đàn ông như đứng im và chờ đợi điều gì đó. Người đàn bà ấy lại xuất hiện và nói về chuyện người đàn ông. Tôi vì không tìm ra ông ta nên cũng không muốn bình luận gì. Lần này bà ta đã tìm ra lí dó gì để nói về người đàn ông kia. Ông ta đang đợi bồ. Giống như chuyện ông ta đợi người tới ăn cơm thôi, tôi nói, ông ta vẫn vậy thôi. Nhưng bà ta không chịu. Bà ta tiếp tục phân bua, bồ không phải là chuyện có hay không. Nhưng chờ bồ nó có sự khác biệt hơn chờ cơm. Có thể nó không cấp thiết nhưng day dứt hơn, rõ ràng hơn. Từ chuyện cơm áo, tôi và người đàn bà đã đẩy anh ta đến khía cạnh tinh thần. Chúng tôi mường tượng người đàn ông cũng có một ai đó để yêu và anh ta đang chờ đợi. Trường hợp yêu nó xảy ra cũng lắm tình huống, yêu trong giai đoạn nào. Yêu thật hay đang tưởng tượng được yêu mới là vấn đề.

Tôi và người đàn bà đi đến một quyết định, sẽ hẹn nhau để nói về người đàn ông ở ngã tư đường. Mỗi ngày chúng tôi nêu ra một ý tưởng về người đàn ông. Trong đó vận dụng những hiểu biết và suy nghĩ về các vấn đề đời sống xã hội. Tôi và người đàn bà nói say sưa, bất kể trời mưa hay trời nắng, đói hay no. Không ít lần tôi và bà ấy không thấy người đàn ông đâu cả. Chúng tôi cùng nhau leo lên xe và đèo nhau khắp phố phường. Điều này thoáng có vẻ lãng mạn bởi một người qua tuổi trẻ như tôi và một người đàn bà cũng không còn dáng dấp gì; hai người chở nhau đi từ nơi này sang nơi khác với khuôn mặt bình thản ẩn chứa một tâm hồn sôi động và tìm kiếm khám phá. Những cái hẻm, những ngóc ngách trong thành phố, chúng tôi đều thuộc. Khi mệt, chúng tôi thường chọn một quán nhỏ nào đó, trong một con đường ngộ ngộ để ngồi. Trên con đường tìm kiếm người đàn ông ở ngã tư đột nhiên biến mất, tôi và người đàn bà băn khoăn như không biết đó có phải là mình không. Tôi cảm giác chúng tôi sốt sắng khủng khiếp.

...

Tôi nằm viện khá lâu. Và nhận ra chẳng có ai thăm mình ngoài người đàn bà kia. Người đàn bà cùng tôi vòng vèo qua các phố phường để tìm kiếm người đàn ông ở ngã tư đường. Không hiểu tại sao. Mỗi buổi sáng ngoài việc gọi điện hỏi thăm tôi đã hết bệnh chưa, bà ta còn nói thêm, bà sẽ tranh thủ đi tìm người đàn ông ở ngã tư đường. Công việc này hai chúng tôi cùng làm, bây giờ tôi đau nằm một chỗ thì bà ấy vẫn thực hiện. Tôi có chút xúc động. Đó không phải là một di chúc hay là một ước nguyện. Thỉnh thoảng nằm buồn quá tôi có lắng nghe xung quanh, những người này đọc báo và nghe tin tức, chuyện một ai đó bắt cóc hay bị giết đều làm tôi quan tâm. Vì biết đâu người đàn ông ở ngã tư đường của chúng tôi chính là nạn nhân. Tôi thường mò đầu dậy và xin cho được tờ báo có in hình (nếu còn thấy được gì), không là thông tin, địa chỉ của người ấy.

Quãng thời gian nằm viện mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ, biết đâu anh ta đã mắc một căn bệnh nào đó và đang nằm như tôi chẳng hạn. Và đôi khi anh ta cũng ất ơ ở một góc căn tin của bệnh viện hay ngủ quên ở vệ đường nào rồi. Tôi nằm dưỡng bệnh mà lòng suy nghĩ khôn nguôi. Tôi hình dung những bình dịch truyền vào mình hình như cũng có chút gì đó nuôi dưỡng lại niềm đam mê không dứt của tôi về cái người đàn ông đó.

Ngày tôi ra viện, bà ta đến mang theo một khuôn mặt rạng rỡ. Cái cung cách ấy làm tôi ngờ ngợ, bà đã tìm ra người đàn ông ở ngã tư đường rồi sao. Bả nói, hình như có. Trong một đêm bả đang đứng ở lan can thì đột nhiên thấy người đàn ông ấy xuất hiện. Tôi cũng hớn hở. Thật vậy à. Nhưng đợt này ông ấy nhìn có vẻ tiều tụy, giống như anh vậy đó, sau một trận ốm nặng. Trí óc ổng cũng ít linh hoạt hơn xưa. Bà ta nhận xét ghê quá. Tôi cũng muốn tận mắt xem người đàn ông này mấy bữa nay đã đi đâu mà khiến bọn tôi líu quíu tìm kiếm đến như vậy.

4.

Anh không làm hại ai. Anh chỉ là chính mình. Anh thường ở ngã tư đường bởi đó là chỗ đông đúc cũng là chỗ cô độc nhất. Không ai quan tâm anh làm gì. Nhưng anh có thể giao lưu với tất cả mọi người bằng cách của mình. Đèn đỏ, mọi người dừng lại. Anh quan sát họ dừng. Đèn xanh người ta bắt đầu đi. Anh lắng nghe họ chuyển động. Anh không muốn ai thấy mình. Nhưng anh ăn mặc dị kì. Vì trí tưởng tượng của anh quá kinh dị. Hoặc có thể gọi là sáng tạo nếu người nào muốn nghĩ như vậy. Anh có biết rằng có một người đàn ông và một người đàn bà được coi là nhiều chuyện đã nghĩ ra bao nhiêu thứ về anh không. Rồi khi anh biến mất. Họ quắng quíu lên, anh biết không. Nếu anh là một người bán báo hay trứng vịt lộn, bánh bao, anh sẽ khác. Anh biến mất họ sẽ thấy. Còn anh ở ngã tư đường thì tình hình tệ lắm, anh chỉ là mối quan tâm của một gã đàn ông và một người đàn bà mà thôi.

5.

Chúng tôi tự nhiên quên mất người đàn ông ở ngã tư đường. Lý do. Tôi phải đi lấy vợ và người đàn bà kia hình như cũng ràng buộc chuyện gia đình. Sau một lần gặp mặt, tôi nhớ lần cuối chúng tôi gặp nhau là đêm trước cơn bão, chúng tôi đứng chờ dưới gốc cây quen thuộc ở ngã tư đường. Ngày hôm sau, bão tố ập đến. Cái ngã tư ấy đã không còn tồn tại nữa. Đường sá hư hại, cây bật gốc. Mọi thứ nát bét. Tôi cũng bó tay không biết người đàn ông có nhớ đến ngã tư mình thường đứng hay không. Một lần như rất nhiều lần chúng tôi đã lạc mất người đàn ông đó. Và lần này thêm một chuyện nữa là người đàn bà cũng biến mất như gã đàn ông. Bây giờ tôi nhận ra, mình không những không tìm ra người đàn ông ở ngã tư mà người đàn bà cùng tôi quan tâm đến ngã tư đó cũng đã không còn. Tôi lẳng lặng sống tiếp những ngày còn lại trong một trách nhiệm khôn cùng. Tôi bị mẹ gọi về nhà và lập gia đình.

Nơi tôi ở không có ngã tư. Chỉ có cây. Và cây. Và tôi đã sống ở nơi cây cối đó suốt phần đời còn lại đến mức tôi không thể tin nổi mình có thể làm được việc đó. Nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng dấy lên một mối quan tâm, rốt cuộc người đàn ông đó đã đi đâu. Tại sao ông ta lại đứng ở ngã tư đường. Rồi người đàn bà cùng tôi, cũng đã trốn đâu biệt tích.

Nơi tôi sống ít khi có bão. Có lẽ nó đã được bao bọc khá kĩ. Nơi đây tôi thấy ai cũng có gia đình. Họ ít khi nào đi một mình. Và con cái họ cũng không rời xa quê hương để đến nơi khác sống một thời gian như tôi. Có lẽ họ lấy tôi làm bài học xương máu cho con em mình. Tôi luôn quan tâm một cái gì đó ngoài mình. Tôi cũng không phủ nhận chuyện đó, nhưng vấn đề tôi không hiểu rằng thành phố với những ngã tư đông người và vắng người đã làm gì đầu óc của tôi, đến nỗi tôi phải ám ảnh về một gã đàn ông lặng im lâu đến thế.

Chẳng biết làm gì vì không ai sống được với ký ức rực rỡ ấy của mình. Tôi buộc phải sống với nó vào ban đêm. Ban đêm, tôi cùng anh ta đến với những ngã tư moi móc và tìm kiếm. Và dù chỉ có một mình tôi vẫn kiên trì sáng tạo thêm những câu chuyện về anh. Những câu chuyện để chỉ lí giải tại sao anh lại sống ở ngã tư đường. Trong phần đời còn lại của mình, tôi khả dĩ đã sáng tạo thêm một vài lí do nữa.

6.

Tôi có vài đứa con. Tôi có kể cho nó nghe chuyện về người đàn ông ở ngã tư đường. Ngặt một cái, tới thời đại của nó không còn một ngã tư nào hết. Tất cả đều là đường thẳng. Những đường thẳng chồng lên nhau. Chỉ lựa chọn bắt đầu đi từ đường nào. Chỉ có dừng và đi tiếp mà thôi. Nó bắt đầu nghi ngờ tôi bằng cái đầu của tuổi trẻ. Nó nhìn những sợi bạc trên đầu tôi, và bằng sự tiếp trợ của mẹ nó về cái thói ghen tuông của đàn bà, chuyện tôi và một người nữa đèo nhau trên xe đi lòng vòng khắp các ngã tư tìm người đàn ông ở ngã tư đường là một chuyện hoang đường bậc nhất. Có thể tôi đã trở thành tội phạm phá hoại gia đình chính mình. Và thậm chí còn cứng đầu khi bảo vệ quan điểm bản thân.

Tôi không biết tại làm sao mà những ngã tư đường lại thành một đường thẳng. Tôi có nên suy nghĩ đến chuyện cầu may kể cho đứa con khác của mình nghe không. Tai hại thêm hay tìm được một đồng minh. Một lần nào đó trong đời như người đàn bà năm xưa.

Đứa con đi xem triển lãm tranh về. Nó nói cho tôi biết, trong tranh có một ngã tư. Một người đàn ông ở ngã tư đó. Xung quanh đó có rất nhiều con mắt. Và nó nhìn vào mặt tôi. Hình như con mắt đó giống của bố thì phải. Con mắt lập thể. Nhiều màu. Và khi nó bắt đầu săm soi. Tôi đột nhiên muốn gặp người họa sĩ đó. Đột nhiên, tôi có một tia hy vọng về người đàn bà năm nọ. Con tôi bảo, người này trẻ lắm, bằng tuổi con thôi bố ạ. Còn gì hay hơn thế nữa. Cuối cùng sau bao nhiêu năm sống ở vùng miền xa xôi hẻo lánh, tôi cũng đã tìm được một ai đó quan tâm đến người đàn ông ở ngã tư đường.

N.Đ.T.T  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Trăng biển (28/06/2019)
Núi cựa (18/06/2019)
Cái bóng (22/05/2019)
Qua sông (26/04/2019)
Hoa để mùa sau (09/04/2019)
Bến vắng (03/04/2019)