Truyện ngắn
Ga hoang
15:42 | 07/10/2019

TRU SA  
Viết riêng cho một người  

Đèn tắt là hết, chỉ còn đôi mắt tỉnh bơ cùng tiếng thở nhẹ. Đường ray vẫn đầy đá dăm, thứ vật lót giúp bánh tàu không đổ nhào.

Ga hoang
Mịnh họa: Lê Văn Ba

Không thể nhớ lần thứ bao nhiêu tôi đến đây. Trước lúc xuống xe, trời vẫn hửng sáng và luôn là thế, tôi thường rời xe khi trời vẫn còn sáng. Thứ sáng của chiều tàn, không bong bóc mà vàng mờ. Những ngày đông lạnh trời sẫm đi, tối thật nhanh. Tôi luôn dạo bộ thật chậm, nhìn từng người khách lên xuống tàu và về nơi của mình. Khi mọi dấu chân tắt hẳn, chẳng còn lời í ới kèo chở xe, tôi mới bước đi. Mọi chuyến tàu thường tản mác ở các chặng đầu, và đông dần lên, người ngồi, đi lại chật ních. Con trăn sắt sau khi nuốt tôi vào bụng, liền bò tìm chỗ ngủ. Bánh xe nghiền xuống đường ray, lao phăng phăng, nhà cửa cùng cây cối bay khỏi tầm mắt. Chặng đường dài ra, rồi ngắn lại, vắng dần dần. Chỗ ngồi của tôi luôn trống khi về ga. Hôm nay có một người ngồi cạnh tôi xin lửa hút thuốc. Luật trên tàu không được phép hút thuốc nhưng người khách đấy bảo thèm quá. Không ngoảnh nhìn nhưng tôi nghe giọng người đó thều thào, rất khẩn khoản. Có tiếng ho, giọng khàn khàn. Người soát vé đi một vòng, đến từng ghế kiểm lại vé. Đã xa rồi thời nhảy tàu trong đêm, chẳng còn cuộc trốn chạy trong nhà vệ sinh, luồn lách trong đám đông ngột ngạt. Ai cũng có vé cùng một chỗ ngồi tùy chọn, mềm hoặc cứng. Người ngồi cạnh tôi vẫn tặc lưỡi, hỏi xin lửa. Chỗ tôi ngồi sát cửa kính, phía ngoài đèn lúc rất mờ khi lại sáng đến lóa mắt.

“Không có thuốc thì đời buồn quá.” - Người khách cùng ghế nói rồi ho. Tiếng ho như cái hắt hơi bệnh. Tôi không chắc chắn mình có mang theo lửa không, và vẫn lần túi áo, túi quần. Sau cùng, tôi lắc đầu. Người khách thở khẽ, bảo rằng chỉ còn mỗi điếu thuốc duy nhất. Tôi bảo người đấy hãy hỏi xin lửa người khác. Một tiếng rất quen tai. Định gật gù, thiếp một giấc hết chặng ga này, mắt tôi quắc như cú mèo. Trước lúc lên tàu tôi không mệt lắm dù cả ngày không ăn gì hơn một miếng bánh mì khô khốc. Lên tàu, tôi thấy mệt hơn bởi mùi người. Họ chen chúc tìm ghế của mình, hành lý lộn xộn khắp sàn tàu. Mấy người khách nước ngoài xịt nước hoa, quái thay thứ hương này không tẩy được mùi mồ hôi, mùi tóc bết bụi. Trái lại, mùi nước hoa khiến tôi dị ứng, gây ho và nôn nao như có ai nhét con cóc chết trong túi áo. Toa tàu bình dân nên không được vệ sinh thường xuyên. Bụi ố mù mịt, lúc đặt bàn ngồi xuống ghế tôi thấy ngứa. Trong lúc ổn định chỗ ngồi, một cô gái tá hỏa khi đạp phải một túi nôn. Ai đó đã nôn mà quên không mang vứt. Một cái bẫy, dường như cô gái nói thế, rồi òa khóc vì cái váy trắng đã lấm bẩn, cái giày hàng hiệu dính nhẹp nước ói. Nhân viên tàu đã vệ sinh lại chỗ ngồi, cô gái tức tối mãi về đứa khỉ gió đã đặt bẫy mình.

Tôi không nhớ lần thứ bao nhiêu mình đi tàu. Tôi có thói quen giữ lại vé đi của mình. Vé tàu, vé máy bay, vé xe bus, vé rạp chiếu bóng, rạp xiếc, hóa đơn mua sách… tôi đều giữ lại, cất vào một ngăn bí mật trong phòng. Cách vài năm, tôi mở khóa ngăn, lấy từng chiếc vé ra. Mỗi vé là một ký ức, nhỏ nhoi cho một kỷ niệm về nụ hôn hờ hững trên một chuyến đi. Nhiều vé nhìn vào thấy rỗng không. Một vé nhàu nát, thủng lỗ chỗ lấy đi của tôi nửa giờ trầm tư. Bởi dòng ký ức xối quá cuồn cuộn, tôi như được du hành về quá khứ, ngắm nghía thời gian mình ngồi trên chuyến đi đấy, các gương mặt quen đã thành lạ và càng nhớ càng thấy xa xăm. Tôi mỉm miệng rồi cười phá khi nghĩ đến màu mây trên trời ngày trước, một cánh cò nhỏ đuổi theo bầy giữa mưa phùn ẩm ướt. Từng có một cô gái nhìn tôi suốt chuyến đi và tôi cũng đáp trả bằng ánh nhìn tình tứ, cho đến khi cả hai xuống tàu, mỗi người về một nơi. Chẳng có gì xảy ra ngoài việc đôi người nhìn ngắm nhau, trở thành tình nhân trong tưởng tượng.

Quá nhiều chuyến đi vì công việc, mong muốn lọc sạch lá phổi đang ngục tù trong bụi khuẩn thành phố mình đang sống. Trong lúc người người hối hả trong dòng xe máy kẹt cứng đường, hăm hở nắm tay nhau vào những đêm giáng sinh, tôi lặng lẽ rút khỏi thành phố. Các ngày lễ chẳng có chỗ cho công việc, ai cũng rảnh tay cho một cuộc vui bên bạn bè và gia đình. Tiếc thay, tôi chỉ thấy vùng khí quyển đang chật lại, mất dần đi sự trong sạch bởi những đoàn người rúc vào nhau trong công viên và những khu vui chơi. Các quán ăn đắt hàng trong những ngày này, rác xả đầy mặt đất. Lũ trẻ con xúng xính áo quần đẹp, cắm cúi trong các máy tính bảng, trò chơi lái ô tô. Không bàn chân nhỏ nào chạy phăng phăng dưới đất, để rồi vấp ngã, khóc mếu trên đất mẹ sinh thành. Chân chúng sẽ teo đi, mất sự hoạt bát còn trí nhớ đã chỉ kịp ghi chép về việc cưỡi trên máy móc, chuyển động dựa trên động cơ chứ không phải niềm vui về sự nhảy nhót cùng những chia sẻ về cái bánh, viên kẹo ngọt. Sẹo ký ức nuôi tuổi thơ tốt hơn đồ chơi và món ăn ngon, mọi chăm bẵm chỉ khiến con trẻ ẻo lả mãi ẻo lả. Sau mỗi đêm pháo hoa đón giao thừa, tôi không về nhà mà đi hoang các khu phố. Đến khi không còn một bóng người ngoài đường, tôi chỉ thấy bạt ngàn rác, dấu vết của con người hiện đại là thế. Nhân viên lao công đón năm mới bằng việc dọn sạch hết mọi xú uế ngổn ngang của đám đông. Các công dân đẹp đẽ, thơm tho từng ngón tay luôn đãng trí về một cái thùng rác. Đôi lần tôi cùng dọn rác với các nữ lao công, có lúc tôi chỉ ngồi một chỗ quan sát công việc của họ. Nhiều lần, tôi đặt vào tay từng người ít tiền, coi như mừng tuổi đầu năm cũng như đấy là lời xin lỗi vì cộng đồng mình đã làm họ mất đi một đêm du dương bên gia đình.

Khoang tàu êm ru. Ai nấy đều đã mệt. Họ với tay tắt hết đèn. Lâu lâu, tôi nghe tiếng nghiến răng, cựa mình. Vài bước chân thận trọng ra vào tránh va đập, phiền đến giấc ngủ người khác. Tôi nghĩ người khách ngồi cùng ghế đã ngủ, ai dè khi tôi quay người che hết cửa sổ, tiếng khó chịu vang lên. “Để tôi nhìn với chứ.” Người khách nói, ánh sáng lờ đờ từ cột đèn đường soi vào. Tôi hỏi người khách có muốn đổi chỗ không. Người đấy lắc đầu. Lúc này, tôi nhận ra người ngồi cạnh mình là một ông già. Một khuôn mặt nhàu và sẹo đến mức không còn dấu vết của tuổi tác.

“Anh đi đâu?” - Người khách nói với tôi.

“Tôi không đi.”

“Chuyến về?”

“Ga cuối chưa nhỉ.”

“Có lửa không?”

Tôi lắc, dĩ nhiên thôi, không có lửa lúc này. Trong một cú chuyển bánh, ngoặt vào một đường gấp khúc, khoang tàu như rụng rời. Vé bình dân nên chất lượng ghế rất tồi, hạ bàn tôi ê ẩm. Một vài người kêu oái vì ngã khỏi chỗ nằm. Tiếng một đôi tình nhân gằm ghè nhau vì trong lúc khoang tàu rung, đầu chàng trai thốc mạnh vào ngực cô gái. Cửa kính đang tối thui chợt lóa lên bởi một ánh đèn. Cũng chỉ chốc lát, rồi mọi thứ êm ru, tõm hết vào bức đêm dịu dàng. Chết tôi rồi. - Tiếng người khách. Gì vậy, tôi nói còn ông ta dường như vẫn đang lần mò dưới sàn Rơi mẹ nó điếu thuốc rồi. Tôi lần xuống, tìm cùng người khách. Đáng lẽ phải bật đèn lúc này nhưng sẽ thật xấu hổ khi đánh thức khoang tàu vì một điếu thuốc.

Không phải lần thứ nhất nhưng sẽ luôn là chỗ ngồi cho mọi lần tàu. Bữa đó tôi có mang theo lửa. Trước lúc xuống tàu, trong khoang chẳng còn ai. Lúc xuống tàu cũng vậy. Mây đêm rèm hết trời. Tàu chuyển bánh một lần nữa, vào sâu trong sân ga. Hết khách, nhân viên cũng bỏ tàu. Họ tìm cái gì đấy lót dạ, hút một điếu thuốc trong giấc thiêm thiếp tạm thời của con tàu dọc ngang đất Bắc. Như tôi còn nhớ, hôm đấy trời tối nhèm. Cột đèn phía kia đường léo lét mở mây. Tôi hít hà mùi cỏ dại lọt trong không khí. Gió không đến, tôi có thể đánh lửa, đốt một điếu thuốc hoặc một mảnh giấy nhỏ. Nhặt một viên đá dưới đường ray, nắm cho ấm cả đá lẫn bàn tay rồi trả nó xuống đường. Trong lúc đi lại, dẫm trên đường ray tàu thẳng tiến, tôi nghe ngóng từng âm vang ở khu này. Vẫn tiếng gió ru nhè nhẹ, rồi lạnh tanh, tiếng côn trùng nhỏ vù vù gần tai, lúc này có hú vang cũng không phiền ai. Nghĩ vậy, và tôi ngửa cổ, chĩa lên phía mặt trăng mà tru. Thêm một tràng chữ a hướng xuống lối đi. Con đường hút sạch tiếng của tôi. Giọng tôi thoát hẳn, man mát cuống họng rồi khan đi, thèm một cốc nước.

Sống ở thành phố, những khu đông dân cư, nhà cửa san sát, mỗi mét đất là một dấu chân người, sẽ chẳng ai đột ngột hét vang. Con người luôn cần lý do hòng tống tiếng mình ra ngoài. Hét cũng như cười như khóc, sự trút xuống những cảm xúc tiêu cực. Một sự lọc độc, tái tạo luồng khí sạch trong ngũ tạng. Chú tôi nói rằng chỉ em bé mới sống chuẩn lẽ tự nhiên. Lúc cần khóc thì khóc muốn cười thì cười và lúc giận dỗi thì cứ làm toáng lên. Càng lớn, con người càng đánh mất bản năng tự do, trở nên thận trọng, dè chừng ngay với bản thân mình. Sự kiềm tỏa này khiến con người dễ hóa điên và khi điên họ trở về đúng bản năng của mình, tiếc rằng chẳng phải tự do, thứ xúc cảm cuồng loạn khi đấy gần với tiếng nhếch cười đắc thắng của người khiển rối. Tôi thích cười, và luôn cười. Lúc cần khóc, hay hú toáng lên, tôi chọn một nơi hoang vắng, đúng thế, một nơi hoang vắng chứ không phải một căn phòng tối. Vài chục phút để trần mình trước thiên nhiên, tuốt hết gai quắm, tháo cho hết gông xiềng người lớn để được bé con vô tư như ngày chào đời. Mặt mũi được phép lấm lem, tôi sẽ nằm dài hít hà trước khi nhặt lại thứ quy củ hà khắc về luật trưởng thành.

Và rồi, cốc trà cùng đĩa bánh rán hút tôi vào cái ghế. Khuya đã rất sâu, người người hiến tế cho đêm thân xác mềm nhũn trong thế nằm, còn linh hồn sẽ bị xiềng đi trong mê cung của cõi mộng. Tôi vẫn đây, dường như thách đố đêm trường bằng sự tỉnh táo. Con bé cũng vậy, nó thức, đặt một cây đèn dầu trên cái bàn nhỏ gần đường ray. Nó hẳn mừng quýnh vì giữa đêm tối, có một vị khách lạ đến mở hàng. Một quán nước trước mặt, giữa buổi khuya lành lạnh thật không còn gì bằng. Tôi ngồi xuống ghế rồi gọi trà, với đĩa bánh rán lót dạ. Con bé hỏi tôi có phải đang chờ xe không. Tôi gật gù.

Ngày hôm đấy tôi đột nhiên muốn trò chuyện. Đôi mắt con bé biết chăm chú và im lặng, tôi chỉ cần thế. Tôi nói đủ nhiều, dai dẳng đến mức trời sáng lúc nào không hay. Trong đầu tôi có quá nhiều thứ, về những chuyến đi, công việc điên đầu trong thành phố cùng ti tỉ mối phiền muộn. Sống cuộc sống của mình với nhiều khuôn mặt, bộ mặt nào cũng thuyết phục người như đấy là mặt thật, tôi nói thế nhỉ, còn con bé sẽ không hiểu đời sống khó lường này. Nhìn vào đôi mắt láy đen của con bé, tôi thấy rõ mình, dường như lúc đấy tôi gần với tôi nhất. Hửng sáng, đúng giờ tàu đi thì tôi chào con bé. Tôi quên béng việc trả tiền cho bữa trà. Lên tàu, tôi không ngủ, mắt vẫn chong chong cho đến khi tàu vào ga cuối.

Người khách thở than vì thèm thuốc. Ánh đèn pin của tay soát vé lóe sáng, xuyên một đường sáng vào khoang tàu. Ghế trên, phía trái cùng dãy dưới trống không. Cửa kính lạnh, mặt kính mờ mờ những vết mưa. Mắt tôi đã quá lơ đễnh trước làn mưa đêm. Mắt tôi vẫn thao láo, trí óc râm ran. Nhiều phút trước tôi ngỡ như mình thiếp đi, tôi thấy chú đi cùng một đứa trẻ mang khuôn mặt mình. Hai người hí húi ở phần đất cạnh gốc mít. Lấp đất đi con, chú nói và đứng lùi ra. Vùi xong phần đất, người chú đưa tôi một nhành hoa… Ảnh vỡ rồi và tôi mất dịp ngắm trận mưa, chỉ còn nước đọng tàn dư trên mặt kính. Trời không sáng hơn dù tôi có thể nhìn thấy khu dân cư phía ngoài. Mấy ngôi nhà nín lặng sau cánh cửa khóa. Các quán nhậu tấp nập khách ăn đêm. Tôi chưa đói, tôi chưa ăn gì, tôi thèm múi mít chín cây.

“Xuống không!” - Người soát vé nói vang.

“Không phải lúc này.” - Tôi nói.

“Tàu đang nghỉ, ai muốn ra ngoài thì ra.”

“Anh có lửa không, ông khách cạnh tôi muốn hút thuốc. Ông, xuống tàu hút thuốc đi chứ.”

Người soát vé lục túi, lấy bật lửa. Ánh đèn pin vẫn chĩa vào chỗ ngồi của tôi, tôi lóa mắt. Người khách trước đó vẫn thì thầm về một cơn thèm thuốc, giờ ông ta im lặng, mắt lim dim. Người soát vé đợi người lấy lửa. Tôi vừa với tay lấy lửa thì người khách ngăn tôi lại, rồi lắc đầu. Ông ta bảo mình đã làm rơi điếu thuốc. Một người trong tàu nói rằng mình có sẵn thuốc lá nhưng sẽ không miễn phí.

“Giữ sự miễn phí cho mày đi.” Người khách ho khan.

“Tôi sẽ mua, tất cả thuốc ông có trong người.” Tôi nói, thật nhanh sau tiếng ho của ông khách già. Người kia nói rằng mình không bán thuốc dạo, chỉ có một điếu. Tôi vẫn muốn mua, bao gồm cả cái bật lửa người soát vé.

“Tôi không bán nữa, đã hết giờ cho việc mua bán.” Người đó nói, và tủm tỉm.

“Cũng sắp đến giờ tàu chạy rồi.” - Người soát vé trả bật lửa vào túi, lùa ánh đèn pin lên trên rồi đi sang toa khác. Chục phút sau, tàu thông báo chuyển bánh, ai về chỗ nấy. Người khách vuốt mặt lần một, thả ánh nhìn lên trần tàu.

“Ông tìm thấy điếu thuốc chưa?” - Tôi hỏi.

“Để tôi giúp ông tìm nhé, bật đèn một lúc không phiền ai đâu.”

“Không cần.”

“Sao thế?”

“Không có thuốc thì đời buồn quá.”

“Tôi tìm giúp ông.”

“Không cần, đời buồn thì không có thuốc. Tao mệt quá, muốn ngủ.”

Tiếng thở dài của người khách triền miên như tiếng còi rú. Con bé luôn cười mỗi khi tôi cười. Tôi lắc đầu khi con bé hỏi tôi có phải về thăm nhà, lúc nó hỏi tôi sắp đi, tôi cũng lắc. Nó vẫn luôn ngồi thế, trong lần tàu thứ nhì và nhiều lần khác, giữa đêm khuya, khi rạng sáng, trước hoàng hôn. Mắt người khách già buồn, mắt con bé cũng buồn. Màu mắt nó không còn thuộc về tuổi trẻ dầu ánh nhìn vẫn ngây ngô, đầy cả tin. Giọng con bé đục hơn giọng người khách già, nó ít khi cười nhưng mỗi lần cười thì rất thật. Thật, như những gì tôi kể với con bé sau mỗi lần nó nhen lại ngọn đèn dầu. Vào mỗi lúc trời sáng, quán con bé cũng có khách ghé vào. Họ gọi trà, đánh một hơi thuốc lào và nói đủ thứ chuyện. Cuộc sống nhiều năm trên khắp các thành phố trui rèn cho tôi khả năng thích nghi với đủ thứ người. Tôi có thể bàn với họ về chuyện công trình, những mẹo lặt vặt trong xây cất, nếu có rượu tôi sẵn lòng uống với từng người một trong tiếng cười rôm rốp. Con bé thinh lặng, nhìn như chẳng thấy ai. Mấy người dân sống quanh đây nói rằng con bé mở quán không để sinh nhai. Nó có một công việc khác trong thị trấn, người nói nó bỏ học giữa chừng, người khác nói nó từng lên thành phố học đại học rồi trở về với bộ dạng của trẻ bụi đời. Họ nói chẳng bõ bèn gì cho cái quầy xập xệ của con bé, khách đợi tàu sẽ lựa chọn một chốn nghỉ chân khác chứ không phải ở cái ghế nhựa nhìn ra đường ray. Người nói con bé đã đến tuổi lấy chồng, người nói nó lầm lì chẳng đàn bà, giọng bà góa chua ngoa rằng nó đã mất đời trong chuỗi ngày trên thành phố, thật hư đốn, ngữ này đáng bỏ rọ trôi sông… Nhiều nhiều nữa, tôi nghe và quên khoắng đi cho đến lúc chỉ còn hai người. Tóc con bé dài, xơ xác với nhiều sợi bạc. Đôi mắt láy buồn của nó trầm tư như đợi chờ một chuyến đi không hẹn ngày về. Gió đều đều, đẩy đưa mùi của đất của cây. Chú đi hay về thế, con bé nói với tôi trong một ngày lạnh. Một chuyến tàu vút qua trước mặt. Trong lớp sắt gỉ nhèm nhèm, tôi đọc được nơi đến của đoàn tàu. Chuyến không về thành phố và sẽ có người xuống bến cuối, trở về nhà hoặc bắt thêm nhiều chuyến đường để vào thành phố. Cái bàn gỗ rung rung. Trên ô cửa, vài người đang gật gù. Một đôi tình nhân khoác vai nhau ở khoang hạng nhất, môi họ chưa kịp dính với nhau thì tàu đã chạy hết đường. Đi hay về thế, con bé nói, ngọn đèn héo đi khiến tôi không nhìn được mắt nó. Trong lúc con bé lấy thêm một cây đèn khác sáng hơn thì tôi nói Thế nào cũng được. Tôi nói như buột miệng, nó bảo với tôi rằng thành phố có nhiều người, nhặt mãi không hết nước mắt người. Một tiếng cười vuột khỏi tôi khiến con bé ngơ ngác. Nhặt, lúc đấy tôi không cố tưởng nhớ về điều gì, hàng chữ lệ đá xanh vờn qua óc, cổ tôi như có quả trứng chín kỳ, tôi buộc phải nhổ ra trước khi con vật chào cuộc đời bằng trong cú nhào mình xé toang cuống họng. Cười.

Nhặt. Nhặt. Nhặt…

Sao cho hết. Sao cho xong…

Con bé từng ngâm nga. Tôi lẩm bẩm trong lúc con tàu xuyên vào đường núi trước khi nhả cánh một lần nữa trước ga. Một cột đèn lòe như sợi bấc, thật thế, tôi nghĩ ngợi về cái ghế nhựa màu xanh của con bé. Ngày cũng như đêm con bé dựng quán ở đấy. Nó thắp đèn cả sáng lẫn khuya. Khách đến rồi đi. Họ mang theo những dấu chân, những đôi mắt, luồng khí thở sưởi ấm ghế. Đồ vật mất vô tri bởi con người. Tôi từng hỏi nó đã bao giờ bắt một chuyến tàu đi đâu không, và nó im lặng. Mắt nó nhìn đường ray. Con bé nói gì đấy, người khách nói gì đấy… Ngày bao nhiêu cho tháng năm này, tôi không nhớ nổi. Thuốc lá hút từng điếu, thuốc cháy hết thang. Lửa ăn gì cũng không no. Rượu cũng vậy, thứ thuốc gạo não nề luôn phiền muộn trong sự lãng quên của người đời. Tôi, ai đấy tìm đến rượu để say, giết thời gian và giết mình. Nhưng tôi thì tỉnh. Tôi mang lá gan loài cú, riêng đôi mắt thì mất màu trong đêm đen. Chú tôi đang dưới chân tôi. Sau bữa tiệc lớn, tất cả đã về nhà. Trời đã tối, sao mù mịt khi trăng trôi quá xa vào những rặng cây. Còn lại tôi và một người thanh niên vạm vỡ. Đứng cạnh tôi là một đứa trẻ. Nó đốt lửa cho sáng thêm bãi đất. Tôi nhớ rằng gió đã hú rất cao và tôi cũng nhớ gió đã á khẩu khi nhát cuốc đầu tiên bổ xuống đất. Ai cũng về hết rồi, họ no rượu và đang say giấc. Người thanh niên nhìn về phía tôi, bảo rằng “Về đi chứ.” Tôi đã lắc đầu, đứa trẻ lắc theo rồi cười, chỉ mình nó. Những bia đá phủ nhiều tầng quanh bãi đất. Sương xuống lạnh, may mà còn có ngọn lửa. Tôi và đứa trẻ cùng đi nhặt cành cây khô, ném vào lửa. Người thanh niên nóng quá, cởi trần. Cơ thể hắn cứng cáp, đầy cơ bắp. Lưng một vết sẹo chém. Đám lửa được nuôi, lớn phổng lên, nhảy nhót giữa bãi đất hoang. Tôi vẫn nhớ gió đã không lên và tôi cũng rất nhớ trời lạnh đến run tay. Và rồi tôi gặp chú. Sau mấy nhát cuốc vỡ toang cửa thép, ông chú về với tôi sau ngày áo sương. Da chú đã hết, áo quần được thay mới bằng lớp đất dày. Mắt chú sâu hơn thường ngày, nhìn vào đấy tôi thấy mình sảy chân, lộn nhào dưới triền dốc không mặt đất. Người thanh niên nhìn ra phía chúng tôi một lúc, rồi gật đầu, ném chiếc cuốc ra xa. Đứa trẻ thả thêm củi. Tôi đi gần về phía ông chú đang nằm nghỉ. Đỡ chú cháu dậy rồi cháu sẽ tắm cho ông ấy, tôi đã nói thế phải không. Tiếng ho. Chỗ ngồi trống dần. Ba cái ghế nhựa xanh. Con bé nói với tôi rằng một cái của nó, một ghế cho bất kỳ ai và một ghế… Vùi đất lên, chú tôi nói vậy, ông không còn đứng sau tôi. Chú tôi nằm trước tôi. Người thanh niên xua tay, tôi vẫn tiến đến. “Mày điên quá.” Tôi còn nhớ người thanh niên nói thế, tôi cũng còn nhớ mình đã tỉnh bơ không cười đấy là chú của cháu. Nhiều năm trước lúc nằm, chú rất lạnh, tôi đã ôm và nhiều người đã xé đôi vòng ôm. Họ đánh cắp chú khỏi cuộc đời tôi. Đêm đầy sao nọ ông chú cũng lạnh, chú tôi không run, ông ấy cứng và lạnh hơn trái tim đã chết nước mắt của tôi. Đứa trẻ nói lanh lảnh nhặt, và con bé cũng luôn nghêu ngao về phía đường ray như vậy. Cái giường chữ nhật có thành cao hết thân mình thoát khỏi ba tấc đất. Chú tôi được giỡ khỏi chỗ nằm, chuẩn bị tắm. Tiếng đứa trẻ giúp tôi một lần sáng suốt. Không khéo lại thiếu đi một ngón tay, tôi nhớ như thế và chắc chắn tôi đã nói như thế trước vạt trăng dài sáng hết khu đất, sáng quắc những bia đá đầy rêu, tấm lưng trần vết sẹo dài con rắn của người thanh niên cùng tiếng vỗ cánh của đàn chim sẻ di trú giữa khuya khoắt. Ngón tay đi lạc không liền trở lại và đấy vẫn là bàn tay chú tôi. Đầu, trán, ngực, lưng trần và đôi bàn chân vẫn hằn dấu yêu thương từ những cái vuốt, xoa, cầm roi đét đít. Bàn tay từng bế ẵm, dốc tôi lên cao, lén lút nhét cho tôi chiếc bánh rán đường mỗi buổi tan chợ. Bàn tay sẹo, bàn tay nhăn, bàn tay xương, bàn tay ấm… tôi ngâm nga, tôi gắn ngón cho chú. Nắm lấy tay chú, ngón chú vẫn rơi vẫn rơi. Ngày chú đi, tôi không khóc. Ngày chú về tôi không khóc. Nhặt mãi không hết nước mắt người, con bé nói thế và tôi muốn khóc. Tôi đã cười, lúc đấy tôi muốn tát cho miệng mình mếu hẳn. Sẽ không có viên đá xanh nào rơi ngoài con sông đá trắng lẫn đen đổ dài trên đường ray. Buổi khuya mờ hôm đấy, tôi nghe tiếng còi tàu, tiếng xình xịch của bánh xe. Tắm xong, chú tôi nằm xuống ngôi nhà mới và ngủ, lần này là mãi mãi. Người thanh niên đi. Đứa trẻ cũng theo tiếng đoàn tàu. Con trăn sắt nuốt theo tất cả, trừ tôi. Không biết ai đã đặt vào tay tôi một nhành ngọc lan. Hoa thơm hơn mít chín cây. Lấp đất đi thôi, tôi nói, và đặt lưng, một giấc ngon và ấm trên đất quê hương.

*

“Tàu đi rồi kìa.” Người ta bảo vậy.

“Cứ đứng đực ra thế, tàu chạy rồi còn đâu!” Mấy người quanh tôi bảo vậy.

Đầu tàu xuyên khỏi tôi từ lâu. Tôi nhẩm đếm, thật chậm và từ từ cho đến khoang của mình. Cửa kính đóng trắng, không thấy ai đang ngồi hay một ghế trống. Chưa phải ga cuối. Tàu đi mới nửa chặng đường. Tôi đang ở một thành phố xa lạ. Tôi đứng thế, nhìn đến đuôi tàu, nhìn cho xong các nhân viên thu dọn rào chắn tàu. Một đường ray thoáng đãng, đầy đá. Tôi định nhặt một viên đá mà thôi. Tôi bỏ tay vào túi quần. Mấy tay xe ôm hỏi tôi có đi không. Có người nói tôi vào ga mua vé. Quờ tay trong túi, tôi nhặt thấy cái gì đấy. Một cái bật lửa cùng một điếu thuốc. Tôi có đem theo lửa, thế còn thuốc... Nhớ đến người khách, cười, tôi nợ ông ấy một lời xin lỗi.

Tôi đi giữa đường ray, cười, đánh lửa châm thuốc. Bật lửa hết ga, vẫn cười.

T.S  
(TCSH367/09-2019)



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Kẻ mồ côi (02/08/2019)
Gloria J (17/07/2019)
Trăng biển (28/06/2019)