Truyện ngắn
Lọ lem
17:05 | 30/05/2008
Hôm qua nghe đài, có một cái tên giống hệt người thân của mình đã mất tích trong chiến tranh. Rồi một tên khác, kế tiếp một tên khác với hòm thư toàn những chữ số. Hai anh em tôi nhìn nhau. Đã biết bao lần anh em tôi nhìn nhau như vậy. Từ khi con bé thiên thần kia còn chưa biết khóc vì buồn.

Chú tôi kể lại rằng, ngày xưa chú tôi ở miền Tây mưa dầm nắng dãi. Chú lên rừng theo kháng chiến và được điều về đoàn văn công quân giải phóng ở R. Thím tôi là cô giáo làng, vì yêu chú tôi cũng theo đoàn học làm văn nghệ. Hai đứa con đầu của chú thím bị giặc giết chết sau một trận bom bừa khi đang ngồi học trong lớp học của rừng. Sự cao cả của chiến tranh đã níu giữ chú thím ở lại với cuộc sống nhân sinh. Và một ngày kia, bên tấm chăn dù của tình đồng đội, một linh hồn đã được kết thành thai trong hạnh phúc mong manh còn có được của những đêm rừng. Còn tôi, tôi đi từ một phía khác của cuộc chiến tranh và trở thành thành viên của gia đình cùng em tôi – đứa bé tám tháng sau mới được ra đời giữa đêm mưa buồn rả rích bên trạm quân y. Hai anh tôi đi bộ đội không một mẩu tin về. Ba mẹ tôi, bà tôi, cùng đứa em út của tôi đã ở lại mãi mãi bên hố bom đìa của một ngày mùa đông, không mộ chí tuổi tên, không một lời ai điếu. Cái chết giống như sự im lặng. Cái chết giống như sự từ tốn, nhận chịu của đất. Những cái chết hiền hòa có cùng màu với rừng. Và cái gia đình bé nhỏ ẩn mình trú náu giữa cuộc chiến tranh trầm mặc cuối thế kỷ hai mươi ấy đã cưu mang tôi – một sinh vật nhỏ nhoi của tạo hóa may mắn sống sót sau một tiếng nổ được thiết kế bằng văn minh của nhân loại, bằng “lương tâm và lòng hào hiệp” của nước Mỹ! Tôi đã bị cắt đứt mối quan hệ của con người, nếu chú tôi không kịp đến.
Những đêm thanh bình hiếm mọn chú thím thay nhau ngồi dạy tôi học chữ. Những con chữ gầy guộc đi ngang những miếng lá rừng chui vào giấc ngủ của tôi. Tôi học cả trong mơ và yêu những câu thơ để thành mộng mị. Em tôi, đứa em không máu mủ mà tôi yêu nó nhất trên đời ấy, khi đó nó cũng được học đàn trong bụng mẹ. Chú tôi ôm guitare đến bên người vợ tội nghiệp của mình để hát cho con nghe. Tiếng đàn làm xa đi tiếng nổ của pháo bom và dễ thương như nước mắt. Cứ như thế từng đêm đi qua đời tôi và đứa em bé xíu vừa mong manh một chút hình hài. Những chiến dịch dài. Những ngày xuân đi qua không có Tết. Chú tôi có một đêm không về đánh đàn cho em tôi nghe nữa. Thím tôi đợi chồng hoài không thấy được ngày mai. Cái đêm bất hạnh của thím tôi kéo dài vô tận. Cái chết đến như cơn gió thoảng cùng sự im lặng của cuộc chia ly màu trắng. Chim từ quy về gọi bạn bên gốc sầu đông. Rồi em tôi bỡ ngỡ chào đời bằng tiếng khóc. Cái câu đầu tiên tôi viết là: "Chú ơi, sao chú không về...?)
Hòa bình. Tóc thím tôi bạc trắng như sắp hóa đá theo truyền thuyết vọng phu. Người thím tôi gụ lại tật nguyền như một phế tích được mang ra từ ngôi cổ mộ. Bên những chiếc áo blu trắng, lần đầu tiên tôi mới nghe được người ta nói đến cái tên lạ lẫm: chất độc màu da cam! Thím tôi lại chiến đấu một mình với cuộc chiến tranh còn lại. Trong ngôi nhà nhỏ giữa con hẻm ngoằn ngoèo, một hôm bé Xuân ngồi chơi với con búp bê có đủ hai chân, chợt hỏi khi bà vú vừa đi xuống bếp. "Anh Hai, sao búp bê có hai chân đẹp mà em không có vậy?". Tôi bối rối bế bé Xuân lên và hôn vào cái má thiên thần của nó mà nói ngọt ngào: "Bà Tiên đùa nghịch lấy đi rồi. Mai mốt bà Tiên sẽ mang đôi chân đẹp của Lọ Lem tới trả cho em". Từ đó, bé Xuân thích được mẹ, vú và tôi gọi em là bé Lọ Lem cổ tích. Tối hôm ấy, trong mơ bé Xuân gọi: "Bà Tiên! Bà trả đôi chân cho Lọ Lem đi! Chúng bạn có chân đi chơi thích lắm. Anh Hai cũng vậy. Bà Tiên ơi...!" Em gái tôi còn ngây thơ lắm để hiểu thế nào là chất độc và cái chết vô hình len lách đến giữa đêm chiến tranh – khi có một linh hồn bước vào sự sống. Không còn gì tốt đẹp và êm dịu hơn những lời nói dối mà thím tôi, bà vú và tôi dành cho em. Bà Tiên bị vu oan vẫn đêm đêm về cùng giấc ngủ của bé.
Hôm vào bệnh viện thăm thím, bên khuôn mặt đã biến dạng vì sự tàn phá của chất độc vẫn nồng nàn một trái tim hướng về sự sống, trái tim của tình mẹ hướng về con. Thím tôi gọi tôi đến bên với ánh mắt trìu mến, tự tin của một người biết trước sự phũ phàng sẽ đến.
- Con học hành thế nào?
- Con sắp hết năm thứ nhất.
- Lọ Lem có hay đái dầm không? Con đã dạy em học chữ?
- Lọ Lem học hết cuốn vần rồi. Bà vú bảo em dạo này ngoan lắm.
Thím tôi lằn mằn vào ngón tay út lấy chiếc nhẫn đính hôn của chú ngày nào đưa cho tôi, thì thầm:
- Con hãy mua cho em một chiếc đàn organ và nhờ thầy đến dạy cho em. Chú rất muốn con mình theo nghề của chú. Tuần sau, bác sĩ cho phép, con và vú đưa em vào chơi với thím.
Tôi cầm trong tay nặng trĩu một tấm lòng.
Người quen trong nhạc viện, cũng là bạn của chú ngày xưa giúp tôi lo cho em chiếc đàn organ quý hiếm cùng thầy dạy nhạc. Bé Xuân đã bắt đầu một sách say mê. Và bản nhạc đầu tiên em tặng cho thím tôi là bài Lòng me. Thím tôi đã khóc ngọt ngào với tình yêu đẹp nhất thế gian này. Chú tôi chừng cũng theo gió theo mây đi về đâu đó. Bà vú sáng kiến cho bé Xuân đánh đàn bên di ảnh của cha với những bài ca một thời ra trận. Tôi thấy chú tôi cười trong giấc ngủ của em. Rồi thím tôi đã mang theo tiếng đàn réo rắt của con đến cõi vĩnh hằng vào một đêm trăng thu không màu bên ngõ.
Nhà anh em tôi lặng im như chiếc đồng hồ chết.
Mấy mùa thu nữa đi qua. Tôi và bà vú già thay nhau đưa bé Xuân đến trường với chiếc xe lăn dành cho người tàn tật. Một tuổi thơ thật buồn, thật đẹp và thật dễ thương sắp nói lời chia tay với em tôi. Vậy mà bà Tiên với đôi chân mầu nhiệm vẫn chưa về để em tôi kịp làm thiếu nữ.
- Vú ơi! Có phải vú là Bà Tiên không vậy?
- Nào, vú có phải là Bà Tiên. Con cứ cố học đi, Bà Tiên nhất định sẽ giữ lời.
Chiều ý Lọ Lem, tôi đi tìm mua cho em một con chó đen và một con mèo trắng có đôi mắt xanh cẩm thạch. Chúng nó là hai người bạn của tuổi thơ em. Nhiều khi bé Xuân phải nhường cả phần thức ăn ngon nhất của bữa ăn cho hai bạn của mình. Tắm rửa, giặt giũ, may cả áo quần và tấm đắp cho chúng. Bắt chúng để lên bàn, ngồi nghe bé đánh đàn. Bé dạy cho chó mèo phải biết nhường nhịn nhau, phải biết cảm ơn, xin lỗi. Mỗi bận đàn xong một bài cho hai người bạn nghe, bé bảo chúng nó cúi đầu cảm ơn. Cứ thế nỗi cô đơn trôi dần ra khỏi tiềm thức của bé Xuân. Bà Tiên ở đâu đó gắn lên môi em những nụ cười ngon ngọt.
Trong nhà còn có một con chuột chù. Nó lập tức trở thành người bạn của bé Xuân khi bị con Mina (chó) và con Mari (mèo) tóm hụt. Sau lần trở lại với bản tính hoang dã của mình ấy, con Mina và con Mari đều bị phạt, phải quì mà nghe chị Lọ Lem giảng hết một bài đạo đức và ăn cơm lạt xì dầu.
- Không được bắt nạt nó nghe chưa. Con ấy nó hiền lành lắm. Vú bảo nó kêu rúc rích là có điềm vui. Không được ăn hiếp nó nghe chưa!
Nghe tiếng quát mắng của chị Lọ Lem, cả Mina và Mari đều cúi đầu im lặng. Từ đó, cứ chiều tối con chuột chù rúc rích chào bé Xuân và hai người bạn hào hiệp kia để lo cuộc mưu sinh cho mình đến tận sáng mới về. Mấy ngày sau con chuột chù nhí nhảnh ấy lại đưa về tổ ấm của mình một người bạn tình lịch lãm với tiếng chào hào sảng của một bậc nam nhi. Lần nào cũng như lần nào, Mina và Mari đều ngồi kiểu bề trên cạnh chiếc đàn nhìn xuống cái lỗ nhỏ xuyên tường chạy ra phía trước hành lang bằng ánh mắt vị tha xanh biếc của một tình bạn và nhận ở đôi uyên ương lời tạm biệt đằm thắm. Tôi chia sẻ hạnh phúc với bé Xuân mỗi lần cùng em say mê nhìn ngắm những "người bạn" nhỏ bé, gần gũi của mình.

Thế rồi có một ngày kia, đợi mãi không thấy hai con chuột chù thân quen đi về cùng tiếng kêu rúc rích. Cả nhà buồn. Cả nhà chịu tang. Và Lọ Lem đã khóc khi ngồi thật lâu với gương mặt thẫn thờ. Có lẽ đôi uyên ương nhà chuột đã ăn phải bả thuốc?
Những ngày bấn bíu, nhưng sung sướng mấy lâu sau lại đến trong tư thế chị cả, người nội trợ đích thực của Lọ Lem. Con Mina, sau mấy lần sang nhà hàng xóm, giờ đang ở cữ. Tôi phải giúp bé Xuân làm mụ. Bốn chị em nhà chó, hai chị em nhà mèo leo nheo dụi mắt ra đời bên cuộc sống đạm bạc của anh em tôi và bà vú có 60 năm mồ côi cha mẹ. "Ồ, tội nghiệp, có một con mèo thiếu mất chân". Lọ Lem buồn bã kêu lên khiến tôi và vú chạnh lòng. Tôi vỗ về em bằng một câu lượm được của thầy bói: "Biết đâu Bà Tiên hiện về trong con mèo tội nghiệp ấy để được gần em". Lọ Lem nhận câu nói dối như một lời ru rồi quệt mắt lặng nhìn. Mấy ngày sau em hỏi mà như một sự giải thích: "Anh Hai, có phải con mèo dễ thương kia nó cũng bị chất độc màu da cam như em không?" Tôi bối rối lắc đầu rồi lại gật đầu. Tệ hại quá! Có lẽ nào em tôi đã nhận ra cái điều khủng khiếp ấy bằng sự liên tưởng đơn sơ như vậy. Hay có một tiếng đàn nào đó, tiếng đàn của chú tôi, đã bị lấy đi ra khỏi thế giới tri giác của em tôi? Nhưng không, khi nhìn gương mặt nhân từ, đẹp như vầng trăng bị bỏ rơi bên giếng đêm rừng xưa, tôi chợt tin rằng em tôi vẫn còn tin vào câu chuyện Bà Tiên. Nỗi ám ảnh về sự tàn bạo của nước Mỹ văn minh chưa kịp hình thành trong lý trí thơ dại của em tôi. Lọ Lem đang sống với tuổi thơ bất hạnh được tạo ra do cuộc chiến tranh huỷ diệt mà dân tộc Việt phải gánh chịu. Em vẫn nghĩ rằng Bà Tiên đã cố tình đùa. Và nó để nguyên nước mắt dịu ngọt dỗ dành con mèo thiếu chân đang vụng về bên vú mẹ. "Nào, để chị nói anh Hai mách với Bà Tiên của chúng mình, khi nào Bà mang đôi chân Lọ Lem đến cho chị, sẽ mang cả đôi chân xinh đẹp đến cho em. Ngoan nào... Thương...!".
Vui chưa được mấy ngày thì một điều không thể tin được đối với hạnh phúc của bé Xuân đã xảy ra: Con mèo mẹ bị những kẻ đê tiện hãm hại. Một bữa tiệc thịnh soạn bằng thịt con Mari được lén lút dọn ra bên căn nhà hàng xóm. Người đổ rác bên hẻm đã thông báo cho bé Xuân hung tin ấy cùng một nỗi cảm thông. Bé Xuân đọc cho con Mari mấy lời điếu thật buồn. "Mari, thế là Mari đã ra đi. Lọ Lem xin gởi cho Mari tình yêu của người bạn, người chị. Xin chia sẻ với Ali và Ili nỗi buồn lớn nhất đời mình... Lọ Lem hứa sẽ nuôi cho Ali, Ili khôn lớn. Vĩnh biệt Mari!".
Bé Xuân cắm cúi vẽ hình con Mari lên trang giấy trắng có viền tang. Đôi mắt Mari vời vợi nỗi buồn và long lanh tình mẹ. Sớm tối bé Xuân ân cần cho Ali và Ili bú thép bằng sữa của con Mina thật thà tốt bụng. Ba chú chó con phải di cư sang nhà những đứa bạn xa để có được cuộc sống tốt hơn giữa thời bao cấp. Bé Xuân rưng rưng nước mắt trong cuộc chia tay bên lời an ủi của bà vú thân tình. "Nhà mình nghèo. Đừng bắt chúng nó sống kham khổ tội nghiệp con à. Hãy để cho chúng nó có cuộc sống tốt hơn". Con Mina đứt ruột xa con cứ thẫn thờ bên bậu cửa. Thằng "Jôn" (con chó còn lại) trở thành anh nuôi với Ali, Ili chiều sớm cợt đùa. Ngày ngày bé Xuân bắt con Mina cõng Ali và Ili đi chơi quanh hành lang và sân thượng có mấy chậu hoa cảnh của tôi mang về từ mấy mùa Tết trước (cái sân thượng thi thoảng có trăng về trong những đêm mất điện, bé Xuân được tôi cõng lên chơi để ngắm trăng xưa và kể chuyện rừng). Chuyện mẹ chó con mèo đã trở thành câu chuyện nhỏ trong xóm phố của tôi. Và với những giọng kể bi bô của tuổi nhi đồng, câu chuyện của bé Xuân đã sớm thành cổ tích cùng với Bà Tiên sắp đến ngày về...
Tôi đưa bé Xuân đến trung tâm chỉnh hình làm chân giả. Mãi mới có được hai cái chân vừa cho các buổi tập. Những buổi tập đoạn trường làm cho gương mặt của em tôi có những nếp nhăn của một bà lão ở tuổi 13. "Cố lên em, muốn học đàn piano phải có chân giả. Rồi mai kia em còn sử dụng nó để đi học cùng chúng bạn mà không cần anh đưa nữa chứ. Gắng lên!". Có một buổi chiều bâng quơ Lọ Lem chợt hỏi: "Bộ Bà Tiên anh nói đã không về... ". Tôi đứng lặng im để em tôi tựa đầu thổn thức. Bên cái ngọt ngào, nước mắt em tôi đã bắt đầu có vị đắng, cái vị đắng nhân thế mà người ta thường nhận ra sau mỗi lúc trưởng thành.
Bà vú đã không còn một mình đi phố được. Vú đưa tôi ít tiền và dặn nhỏ vào tai "Vú không đi được. Nó thành con gái rồi. Con hãy đến chỗ bán đồ cho phụ nữ mà mua..." Tôi bồn chồn như chính mình trở thành con gái. Tôi cầu mong cho em tôi có được những hạnh phúc nhỏ nhoi của cuộc sống con người.
Em tôi 16 tuổi.
Buổi trưa, đi làm về, tôi chợt nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp mặc áo dài màu thiên thanh đang mải miết nhìn tôi với ánh mắt nồng nàn say đắm của một kẻ đang yêu. Tôi định thần nhìn kỹ khuôn mặt quá đỗi thân yêu ấy và chạy lại bên em. "Anh Hai này, anh thấy Lọ Lem mặc áo dài có đẹp không ?", "Có, đẹp lắm. Chưa biết chừng Bà Tiên dạo trước đã hóa thân thành em gái của anh", "Nào, anh tránh ra nhìn em đi đây nè! Tránh ra...!". Và bé Xuân đi bên những giọt mồ hôi đã biến thành nước mắt. Bà vú móm mém cười với manh áo vá trên tay. Con Mina luống tuổi mơ màng nhìn lên mảng nắng dột hiên nhà rồi tha thẩn bước đến gác mõm lên lưng cô bạn mèo cũng đang lim dim nhìn chủ. Chiếc gậy bé Xuân chống cứ lụp cụp gõ nhịp nhàng cùng những bước đi tự tin đến tội nghiệp của em. Lòng tôi chùng lại.
Đêm ấy, Lọ Lem đàn mãi cho tôi nghe bản Sônát Ánh trăng của Bettôven, bản nhạc mà cả nhà tôi yêu thích bằng chiếc đàn piano cũ kỹ trường tặng mùa thu trước.
Bà vú thân yêu không đủ sức trời cho để sống và nghe hết những bản nhạc của em tôi theo lời bà hứa.
Anh em tôi như đã thành hai đứa bé sinh đôi bên sớm tối cuộc đời có nhiều màu trắng.
Lọ Lem 18 tuổi. Tôi bận đi viết bài phóng sự về những thôn bản nhiễm chất độc ở Tây Nguyên đến hơn một tuần mà vẫn chưa về. Cô bạn đồng nghiệp ra trường sau tôi ba năm vừa nghịch ngợm bỏ vào giấc ngủ hoang dã đầy ắp trăng rừng của tôi một câu trách móc xa gần. "Dường như anh bị mất ngủ từ lúc còn trong bụng mẹ?", "Giá như người ta ngủ mướn được cho nhau thì tôi đã mướn cô rồi", "Tôi nghĩ mụ bà đã nhầm khi nặn ra anh", "Lúc đầu bả nặn ra tôi là con gái đó chứ. Nhưng rồi thấy làm con gái xấu xí quá, lại hay nhiều chuyện nữa, nên mới thôi, tôi kêu mụ bà chịu khó thêm một chút...". "Hèn gì... mấy anh ở tòa soạn nói anh là giống lưỡng tính", "Ngủ đi! Chọc một hồi tôi nổi cáu, mếch lòng đó". "Anh mà dám động vào ai để "mếch" với "lòng"!". "Thiệt hông?". "Tôi cuộc anh đó. Anh mà bắt được tôi thì tôi cho anh toàn quyền". Tôi bật dậy. Cô bạn đã nhanh như sóc thoăn thoắt trong mờ sương. Phải nhờ sợi dây rừng ngáng chân cô té, tôi mới túm được vạt áo của cô. Suỵt! Cái mạnh tay đáng trách và có phần vũ phu của tôi đã làm cô gái hốt hoảng đến tiêu tan sự can trường ban nãy của mình. Thời trai trẻ bị ngốn mất bởi những nỗi đau, sự dày vò cay nghiệt mà tôi lặng lẽ chịu đựng suốt những năm tháng đi sưu tầm tài liệu về chất độc màu da cam cho cuốn sách sắp được viết ra vì một lời nguyền, phút chốc đã hiện về cùng tôi giữa đêm trăng ngan ngát hương hoa mật. Cô bạn tôi yếu đuối, vụng về khâu lại chỗ ngực rách bằng tay, những ngón tay run rẩy, mềm dịu và dễ thương của con nhện. Tôi cúi xuống với thái độ của một tên ăn cướp, rồi một tên ăn trộm, rồi một tên ăn mày. Tôi hôn bạn bằng cái hôn của mẹ dạy cho thời chưa dứt sữa. Hai cánh môi có lúm trái tim của bạn phập phồng bên đôi mắt lim dim như thể giả vờ trong trò chơi trốn kiếm. Lọ Lem bất ngờ hiện đến với tôi. Tôi bị đốt cháy trong cơn nông nổi khờ dại với cái hôn tật nguyền vừa đánh rơi trên cỏ. Cô bạn độ lượng đã tha thứ cho sự xúc phạm thật thà và quái đản của tôi. Sáng hôm sau, tôi viết cho em tôi mấy chữ, nhờ cô bạn đồng nghiệp mang về. Tôi thầm nhủ với bạn rằng: trên đời này, đối với tôi, còn có một cô gái đáng yêu hơn tất cả những người yêu. Tôi bảo với Lọ Lem vài hôm nữa tôi về.
Một cảnh tượng làm chân tôi nhão ra như bún khi nhìn thấy bé Xuân gục đầu trên đống tư liệu về chất điôxin của tôi cùng quyển bản thảo viết dở ngoằn ngoèo những mũi tên nhọn. Bên cạnh là một tấm thiệp hồng có ghi tên chú rể cô dâu. Đám cưới của một bạn nhỏ cùng trường vừa nghỉ học lấy chồng để làm hồ sơ xuất cảnh. Tôi lặng người bên tiếng khóc run giật tội tình của em. Một linh cảm của riêng hai anh em tôi đã khiến Lọ Lem ngước nhìn lên với đôi mắt đẫm nước. Rồi bất thần tôi nghe từ miệng em, cái miệng hiền lành xinh đẹp chưa một lần nói hỗn với cả chuột, mèo – một chuỗi những tiếng thét gào khô khốc.
"Em là nạn nhân chất độc màu da cam. Cái chết đang đến... Ai sẽ yêu em... Ai sẽ cưới em... Đi-ô-xin... Em thù ghét... Anh nói dối... Bà Tiên đã không trở lại... Em là cô gái tật nguyền... Ai sẽ cưới em... Em không phải là Lọ Lem...!
Nghề nghiệp của tôi đã đưa tôi đi quá xa với sự chờ đợi và nỗi tuyệt vọng của em tôi. Tôi ôm em vào lòng. Em khóc vào tôi những ngọt ngào cay đắng của một đời anh em.
- Lọ Lem... nghe đây... em của anh...! Em sẽ là Lọ Lem... Anh sẽ cưới em ... Bà Tiên đã mách như vậy từ lâu lắm...
Bé Xuân ngước lên, quẹt tay lên đôi mắt ràn rụa giống như trẻ con:
- Anh Hai... Anh không gạt em đấy chứ... Em có được là Lọ Lem không. . ?
-... Em là Lọ Lem?... Nhưng còn chị ấy...?
- Chị ấy chỉ là bạn tốt của anh thôi...
- Anh...?
Tôi đưa em đến bên giường, rồi chạy nhanh ra hiệu thuê một cái áo đầm trắng và chiếc lúp của cô dâu. Xuân mặc áo vào người. Xuân quàng tay vào cổ vòi tôi phải hôn em như hoàng tử hôn công chúa Lọ Lem. Ôi! Hạnh phúc đối với em tôi giản đơn như một trò chơi tuổi nhỏ.
Con Ili thiếu hai chân sau đang ở lứa tuổi bà lão của giống mèo vừa tòi đến bên cây đàn nằm gác mõm nhìn bằng đôi mắt xanh mỏi mệt về phía đôi uyên ương, rồi móm míu kêu "ngao" như tiếng thở dài. Em tôi lịm người bên hạnh phúc thật của trò chơi mà quên mất cô bạn Ili tội nghiệp của mình. Rồi em mở mắt ra với nụ cười dịu ngọt lấp lánh ánh sáng mầu nhiệm của tình yêu, vẫy tay ríu rít gọi Ili đến gần. "Nầy cưng, Lọ Lem của cưng sẽ lấy chồng và sẽ thương cưng hơn. Đừng giận nhé. Bà Tiên rồi sẽ quay về..."
Những ngày tất bật cho công việc chuẩn bị đón tổng thống Hoa Kỳ W.J. Clinton đến thăm Việt đã làm cho anh em tôi không kịp nghĩ đến nhau. Bé Xuân thì lo tập luyện chương trình âm nhạc để đón phu nhân cùng con gái tổng thống ở nhà hát lớn Thành phố và Viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Tôi và các đồng nghiệp thì bấn bíu với công việc làm thẻ phóng viên, dự họp báo công bố chương trình nghị sự đón tiếp các vị khách đặc biệt nầy. Chúng tôi được chuẩn bị tư tưởng, thái độ, từ việc không nên đăng tin bài liên quan đến đời tư tổng thống, không đăng tải các thông tin nhạy cảm đối với lòng tự trọng của nước Mỹ, không đăng các tài liệu, bài vở về cuộc chiến tranh ô nhục của Hoa Kỳ ở Việt Nam, không đăng hình ảnh về sự tàn bạo của lính Mỹ, không đưa tin về hậu quả của chất độc màu da cam... đến việc cập nhật kiến thức về đặc điểm, tính cách, thói quen, phong tục tập quán của người Mỹ. Tôi chú ý chi tiết người Mỹ hay phóng đại về bản thân mình và đặc điểm người Mỹ không giữ được tình bạn lâu bền với ai, cả họ đối với nhau. Tôi có phần thú vị khi nghe nói về thái độ ân cần hào hiệp của người Mỹ lúc hoàng hôn hoặc nơi vắng vẻ. Một nước Mỹ giàu chất đàn ông, giàu chất kẻ cả.
Tổng thống Mỹ đã đến Hà Nội vào lúc đêm. Cái đêm rét chưa kịp về. Chúng tôi háo hức chờ đón buổi truyền hình trực tiếp từ Đại học quốc gia Hà Nội. Vị tổng thống lịch lãm có gương mặt thanh tú, cái nhìn khả ái, cởi mở đã bước đến micrô trong sự hồi hộp đợi chờ của chúng tôi. Một bài diễn văn có phần khách sáo, có phần chân thực và xúc động, đôi chỗ bị lem luốc vì người phiên dịch, đã được phát đi như bức thông điệp tốt lành mà nước Mỹ có được trong lịch sử quan hệ với Việt Nam. Và một nước Mỹ đáng thương với những giọt nước mắt đã hiện ra trong buổi sáng hôm sau giữa cánh đồng Việt bao dung, nhân ái. Tổng thống Mỹ đã khóc như một người dân thường. Thật không ngờ, bé Xuân cũng khóc... Hóa ra nỗi buồn giống nhau đến vậy. Tôi lặng im bên những lời truy niệm về một cuộc chiến tranh.
12 giờ đêm 18 tháng 11- 2001, thảm đỏ đã được trải liền tới cầu thang máy bay. Trời xanh văn vắt nỗi niềm. Gió đầu đông thanh thản trào lộng. Qua những thời khắc giao thừa kỳ diệu của đêm hôm trước và ngày hôm sau, vị tổng thống của Hiệp chủng quốc đã xuất hiện với những cái vẫy tay thân thiện bên cửa hông chiếc chuyên cơ có lá cờ nhiều sao dành riêng cho tổng thống. Chưa kịp cho cái bắt tay nồng nã được vị chủ tịch thành phố cùng các quan chức tùy tùng chờ đợi, tổng thống W.J.Clinton bỗng có một giây phút xao động, người tròng trành trong cảm xúc mênh mang về một miền đất nửa lạ nửa quen, như thể ngài vừa gặp lại tuổi thanh xuân của mình bên những người bạn vừa nhận số quân bồi hồi chia tay ba mẹ, người yêu, em gái để lên đường... Tổng thống không đi trên thảm đỏ. Dường như ngài đang bước về phía vương quốc của những linh hồn gẫn gũi thân quen đã hiện về đâu đó bên gió bên mây. Tiềm thức của hơn 30 năm làm người sau lần chống lệnh thi hành quân dịch, tham gia phong trào phản chiến ở ngay xứ sở của bản tuyên ngôn nhân quyền đẹp như một bài hát về tự do của người nô lệ cho pháp công dân W.J.Clinton có cái nhìn trầm tĩnh về cuộc chiến tranh đã đi ngang một cách bẽ bàng trắc ẩn qua thời trai trẻ của ông. "Tuyệt dịêu! Tuyệt diệu!". Ngài tổng thống đã khẽ reo lên với bàn tay với gọi vào khoảng không huyền bí đang hiện ra trong tâm tưởng ngài. Ồ! Cái khoảng trời xanh huyền diệu của ngày xưa và của hôm nay. Hơn 30 năm, chọn một trong hai lần đến. Nếu hơn 30 năm trước ngài đã đến đây thì hôm nay, người được đến không phải là ngài? Một đồng nghiệp nào đó đã khéo ví von rằng: như một vật rơi tự do, tâm thức của ngài tổng thống – chỗ chứa đựng nhiều năng lượng của lương tri, nhân cách, tâm hồn vừa thoát khỏi vùng chế ngự của quyền lực uy nghiêm mà một chính khách nước lớn phải có như một sự tất nhiên – vừa chạm khẽ vào vùng sâu thẳm của cuộc chiến tranh oan nghiệt chìm khuất sau phần tư thế kỷ với những lời sám hối thành thật của một con người nhân sinh biết yêu quý nỗi đau, lẽ phải và đạo lý CON NGƯỜI. Ngài tổng thống nhắm mắt. Một lời nguyện vừa đi qua bên những cây nến trắng và những ngọn lửa mềm mại mang trong lòng nó những lời thơ buồn của một chuyến hành hương. Và tan biến. Cái khoảng khắc tuyệt diệu chẳng khác nào sự lãng mạn cao quý còn có được từ cuộc chiến tranh xưa của ngài tổng thống và cũng là của chúng tôi vừa vụt thành quá khứ sau cái bắt tay rất thật và rất trần thế của ông chủ tịch. Tôi không chụp được một tấm ảnh nào giống với ý nghĩ của mình. Thật là lố bịch!
Người Sài Gòn đổ ra hai bên phố để nhìn những người khách lạ. Không có mấy lá cờ nhiều sao. Cũng dễ hiểu: nó đang ở bên Mỹ với những người không cần phải đón ngài tổng thống. Hoàng hôn Sài Gòn chiều ấy dài ra đến tận nửa đêm. Người Sài Gòn nói nhỏ với nhau về chuyến thăm của ngài tổng thống giống như người ta nói với nhau về một cuộc dạm hỏi. Bỡ ngỡ, tò mò, thích thú, e thẹn. Dẫu sao đó cũng là dấu hiệu tốt về sự làm lành của nước Mỹ. Ngài tổng thống và gia đình ngài xứng đáng nhận được niềm cảm kích từ người bạn mới từng là một kẻ cựu thù. Xin thượng đế hãy ban cho tất cả một lòng chân thành để hai dân tộc được gần nhau!
Khi tôi trên đường về nhà thì có một cú điện thoại gọi đến báo tin bé Xuân đã được đưa cấp cứu ở bệnh viện. Tôi đến thì Xuân đang được các bác sĩ cho thở bằng máy. Sáng lại, em tỉnh dậy nhìn tôi rưng rưng. Tôi biết em rất buồn vì không đủ sức khỏe cho buổi tiếp đón phu nhân và con gái ngài tổng thống. Tôi an ủi Xuân và kể cho em nghe về những gì ghi nhận được trong cuộc đón tiếp thâu đêm ấy.
Bác sĩ gọi tôi lên phòng trực để nói về căn bệnh của Xuân. Tôi suýt bật khóc khi lại nghe nói về chất độc đi-ô-xin hay là định mệnh của em! Và tôi không giấu được nước mắt của mình trong buổi sáng ảm đạm.
- Anh Hai, đừng khóc, rồi em sẽ khỏe thôi mà.
Tôi mang bài báo có nhiều chỗ lem đến tòa soạn. Cô bạn đồng nghiệp đánh máy giúp tôi bài phóng sự ngắn và nhìn tôi bằng ánh mắt chia sẻ.
Một ngày nữa qua rồi mà bé Xuân vẫn phải thở bằng máy. Em luôn miệng hỏi tôi về những cuộc đón tiếp với sự háo hức, nóng lòng đến thương. Tôi nhặt được những mẩu tin qua điện thoại để kể cho em nghe. Tổng thống đến Viện bảo tàng mỹ thuật, đi bộ trên phố Lê Công Kiều, ăn phở ở tiệm phở 2000, tham dự diễn đàn doanh nghiệp ở trụ sở ủy ban: bà Hillary Rodham Clinton mua thật nhiều hàng thủ công mỹ nghệ, gặp mặt sôi nổi 600 đại biểu phụ nữ Sài Gòn...
Để rồi chiều hôm ấy, khi nghe nói đoàn của tổng thống Mỹ sẽ rời thành phố vào lúc 19 giờ 30, bé Xuân đã khẩn thiết yêu cầu tôi chạy ngay về nhà, lấy ra từ trong quyển tập một phong bì gửi cho ngài tổng thống mà em đã chuẩn bị tự bao giờ. "Nhanh lên, anh... Em muốn gửi đến tổng thống Mỹ hình ảnh của một cuộc sống Việt , của một tình cảm Việt ... Hãy tha thứ cho nước Mỹ... Nhanh đi anh... Rồi em sẽ thơm anh nhiều...".
Một bức tranh con chó Mina cõng hai con mèo Ali và Ili đi dạo. Ba bức tranh của riêng ba mẹ con mèo. Tôi nín thở nhìn bức tranh của con mèo tật thiếu mất hai chân sau đang trong tư thế kêu gào thất vọng với con chó hàng xóm. Một bức vẽ hai con chuột chù vui nhộn bên hai đôi mắt hiền lành của con Mina và bạn Mari. Một bài dân ca Mỹ được em chép nắn nót. Và bức ảnh chân dung với gương mặt thánh thiện, đôi mắt thiên thần của em cùng cái thiệp giáng sinh 2000 gửi cho con gái ngài tổng thống.
Tôi lao xe đến nhà hàng Phố xưa trên đường Điện Biên Phủ, chỗ ngài tổng thống, gia đình và đoàn khách Mỹ ăn tối trước khi ra phi trường về nước. Muộn màng quá bên một hoàng hôn đầy ắp nỗi niềm. Ngài tổng thống đã chia tay với ngôi biệt thự thanh lịch, cổ kính của Sài Gòn xưa với cái nắng mong manh vương víu còn máng lại trong lòng về buổi chiều hôm nhiệt đới.
Tôi đến sân bay. Trời ngăn ngắt xa.
Tôi trở về bệnh viện với em. Em đã không đợi được tôi về. Ơi, Lọ Lem của tôi...!
Chiều 17-12-2000

TRÚC PHƯƠNG
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)
Dứa dại (27/05/2008)
Hậu sự (22/05/2008)
Đường chim bay (22/05/2008)