Truyện ngắn
Nhất chi mai
08:59 | 03/02/2020

ĐÀO QUỐC MINH    

Gốc mai trắng đã hơn trăm tuổi. Đó là nhất chi mai, còn gọi bạch mai, hàn mai, nhị độ mai.

Nhất chi mai
Minh họa: Phan Thanh Bình

Nhất chi mai chỉ sống ở nơi có mùa đông giá lạnh. Là loài thân gỗ, vỏ đen sẫm, gốc sần sùi, chậm lớn. Sắc nụ đỏ hồng. Khi nở là màu trắng. Tinh khôi. Nhiều tầng cánh. Lúc tàn loang đỏ. Nhất chi mai nở hoa hai đợt. Một đợt đón xuân. Một đợt tháng hai Âm lịch. Vì thế cũng gọi nhị độ mai. Là loài mai quý hiếm, khó trồng và khó chăm sóc. Nhạy cảm với nước, độ ẩm, đất, phân bón, nắng và gió. Để nhất chi mai sinh tồn và đơm hoa phải tuân thủ những nguyên tắc ngặt nghèo. Hành trình tạo tác một chậu cảnh nhất chi mai tuổi thọ trăm năm phải kỳ công và lao tâm nhiều thế hệ. Gốc mai trắng của dòng họ tôi. Trải qua năm đời nghệ nhân cây cảnh. Nhưng thực không biết có tự bao giờ. Trong trí nhớ xa xôi, có lần ai đó kể cho tôi nghe cuộc di cư ngàn dặm của tổ tiên mang theo gốc nhất chi mai đến nơi này sinh sống. Truyền nhân của dòng họ tôi đều đã từng quỳ trước hương án thụ lễ báu vật tổ truyền này. Như một tín vật tượng trưng cho quyền thừa tự và quyền kế nghiệp. Lão thụ nhất chi mai, thế huyền nhai. Dòng thác đổ xuống lưng trời. Để có được một chậu cây cảnh đẹp, nghệ nhân phải bắt đầu từ lúc cây còn non. Nhất chi mai là cây thân gỗ, do vậy cây có rễ chuột. Rễ chuột là rễ chính. Phải dùng dao sắc cắt bỏ rễ chuột. Cây chỉ còn rễ ngang. Sau này thay chậu, bứng cây, lại cắt bớt rễ ngang. Chất dinh dưỡng cây hút được ít đi. Cây không lớn. Như vậy mới ép vừa chậu. Thế huyền nhai là một thế hiếm. Để tạo thế, nghệ nhân phải uốn thân và cành. Các cụ nhà tôi dùng dây gai, dây bố để buộc vào thân từ khi còn mềm, sau kéo dây định thế cây, rồi cột một đầu dây vào vật chắc chắn, thân không lay động nổi. Ở đoạn khó, phải treo đá để cố định đường cong của thân. Với cành cũng làm như vậy. Lá cây phải nhỏ. Mỗi lần cây ra một đợt lá mới, nghệ nhân cắt nhỏ từng cái lá đi một nửa. Làm như vậy nhiều năm trời, lá sau này sẽ nhỏ lại. Cây thân gỗ, hình dáng phải già nua, như đã chịu tang thương. Đó là thú thưởng ngoạn của người đời. Để được vậy, nghệ nhân phải lấy mũi dao sắc nhọn, khoét sâu vào vỏ cây, thân hoặc cành, đến khi thịt gỗ lòi ra ngoài, nhựa mủ chảy đẫm, thì dùng hóa chất xát vào vết thương, để sau thành vết sần sùi. Cũng mũi dao đó, lột mảng vỏ cây tạo vết sẹo dài, khoét sâu vào thịt gỗ tạo bọng và hốc. Việc lão hóa cây như thế kéo dài hàng chục năm trời. Có thế, cây cảnh mới mang vẻ đẹp cổ thụ. Tuy bất thành văn, như một nghi lễ thiêng liêng, lưỡi dao sắc bén, sáng chói như nhật nguyệt, chỉ dụng tạo tác cây cảnh quý, cũng được truyền thừa qua năm thế hệ của dòng họ tôi. Cùng với nó là chiếc chậu gốm cổ, có lẽ là Cảnh Đức, miệng vuông vức, bốn cạnh lượn cong, tụ xuống bốn chân đế đôn cao mà vững chãi, chạm trổ hoa văn chữ phúc. Men gốm vàng nâu của đất, bốn mặt họa bức Long Tường Phụng Thụy ngọc bích, điểm xuyết tiết lam tươi tắn và chấm phá sắc đỏ thậm. Vài chữ Hán đã nhòe thành một vệt đỏ. Tôi không đọc được. Chỉ nghe cha tôi nhắc lại lời của nghệ nhân đời trước: Tuyên Thống... Niên...

*

Mr. Th đưa T về biệt phủ. Biệt phủ có chùa gỗ lim chữ công. Có tháp đá bảy tầng. Có đầm trồng sen và hồ nuôi rùa. Bao bọc bởi một vòng tường cẩm thạch xanh mướt rêu nhung và con hào màu ngà vàng như nước lưu huỳnh. Đã lâu Mr. Th không về thăm. Mr. Th là chủ tịch tập đoàn. Có hàng trăm biệt phủ như vậy. T mắc chứng hoang tưởng, phải trở về nước khi đang du học Đức. Mr. Th đã đưa T đi chữa trị. Càng chữa càng nặng. Các chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe ban đầu cấp tập, nhưng rồi cũng thưa dần. T là đứa con ngoài giá thú của Mr. Th với một gái làng chơi. Được Mr. Th nuôi lớn. Có điều lạ. Từ ngày T hoang tưởng. Phiên này đến phiên khác, cổ phiếu tập đoàn tăng vọt. Dường như chưa từng giảm. Chỉ mỗi khi T tỉnh thức, chỉ số chứng khoán lại biến động chiều hướng xấu. Trước sự kỳ quặc đó, lão thầy bói trong ngôi miếu đổ gieo xuống ba đồng xu cổ. T chính là thần tài! Giọng lão quả quyết. Niềm tin có một thần tài. Niềm tin bệnh đã nan y. Chứng hoang tưởng đã nhiều năm. Rời các giường bệnh tâm thần, Mr. Th đưa T về biệt phủ. Mua chim cảnh. Chó cảnh. Cây cảnh. Tượng Thánh Mẫu. Tượng thần Hy Lạp. Căn phòng chữ nhật. Cánh cửa phủ đầy bụi. Ổ khóa đã hoen. Một ô thoáng nhìn ra vườn cảnh. Đêm đêm, T ở trong đó. Nếu đứng từ ngoài chỉ có thể thấy một con mắt trố lên. Nhiều lúc đau đáu và khao khát. Lấp láy đằng trong thứ lỗ châu mai đó. Trong các cây cảnh, có chậu cảnh nhất chi mai trăm năm tuổi. Báu vật truyền đời. Nghệ nhân cuối cùng phải bán đi sau khi đất bị thu hồi cho dự án bất động sản. Mr. Th đặt chậu cảnh nhất chi mai sát ô thoáng. Đóa mai trắng muốt tỏa hương tinh khiết. Để hàng ngày T bớt hoảng. Âm khí quá mạnh. Cần phải phong bế nó lại. Lão thầy bói lấp lửng. “Chưa biết chừng... T bị vong hồn tên lính phát xít Đức nhập vào... Đây là ngải. Hãy thiêu. Tán ra. Và pha cho T uống”.

*

Tôi lấy con dao của lão Cầm. Đưa lên ngang lông mày. Xoay ngang. Xoay dọc. Chuôi dao gỗ nam mộc. Chạm trổ hoa văn kỳ lạ. Hương thơm dịu nhẹ. Lưỡi dao sáng lóa như gương. Nhìn thấy trong đó đôi mắt tôi. Đăm đắm. Vàng trong. Chân mày thưa. Bạc trắng và rầu rĩ. Màu sắc của loại sắt này khiến bất cứ ai đều kinh ngạc. Như chỉ từng nghe kể trong các câu chuyện cổ. Về kỹ thuật rèn thần đao thánh kiếm. Rằng trong thời khắc cuối cùng. Nghệ nhân để cho dòng máu kiếm khách hòa vào huyền thiết nóng đỏ. Rồi vong thân trong lò lửa. Để hóa thân thành chủy thủ. Lão Cầm vẫn dùng con dao để cắt lá, tỉa cành, cứa thân, chặt rễ. Chăm sóc cây cảnh trong vườn. Nhưng tôi không bao giờ cho lão chạm vào chậu cảnh nhất chi mai. Đã nhiều đêm. Tôi chong chong bên ô thoáng. Đợi mặt trời lên. Khi lão Cầm uể oải mở cánh cửa. Khi cái bóng lão Cầm khuất hút...

“Juliet ơi. Đêm qua. Tôi hành hương về sa mạc. Nhà tiên tri già đã đưa tôi về quá khứ. Hiển hiện trong quả cầu thủy tinh trong suốt và lạnh lẽo. Tôi sống trong trại tập trung. Mảnh đất không biên giới. Hàng rào kẽm gai giăng khắp chân trời. Tôi phải nói thứ ngôn ngữ mà tổ tiên tôi không hiểu. Không thần thánh nào chấp nhận tôi. Những sĩ quan đi xuyên qua tôi. Những tù nhân đi xuyên qua tôi. Không ai ở lại trong tôi. Juliet ơi. Tôi đi tìm bằng chứng để được xử trắng án. Tôi đi tìm nàng để hôn vĩnh biệt. Tôi đi tìm hồi chuông nguyện. Màng nhĩ tôi chỉ oăng oăng hai từ cuối cùng. “Đóng cửa”. Rồi đặc quánh lại. Ròng ròng máu chảy. Lỗ mũi tôi bị bít lại bằng những bàn tay nước da vàng nghệ và xăm hình rồng. Cổ họng tôi bị thít chặt như bởi một sợi dây thừng đã nhuốm máu đỏ. Lá phổi tôi căng đầy khí độc. Vô vàn tiếng nói từ lồng ngực không thể đến được thanh quản, từ thanh quản không thể thoát ra tới vòm họng, từ vòm họng không chui nổi qua kẽ răng. Răng tôi nghiến chặt. Lưỡi tôi bị thụt vào và biến mất. Tròng mắt tôi lồi ra. Con ngươi nứt toác. Dư ảnh mà tâm trí tôi còn lưu lại. Đó là ánh trăng chiều tà. Cánh đồng. Xác người. Và bóng tối. Bàn tay tôi đang nắm chặt. Muốn chống đất. Để vùng dậy. Cẳng chân tôi căng tròn cơ bắp. Muốn bật lên. Mà đứng thẳng. Nhưng những thân hình già nua như phiến đá. Treo nặng lên tôi. Những cánh tay trai tráng và thiếu nữ. Khẳng khiu. Lạnh ngắt. Đầm đìa máu. Như dây thép. Neo chặt lấy tôi. Tôi bị đè dưới xác chết các thế hệ. Lão. Thanh. Đồng. Ấu. Tôi không chết vì khí độc. Tôi điếc. Tôi câm. Tôi mù. Tôi bất lực. Thân mình tôi sõng soài trên sàn gạch phòng hơi ngạt. Tôi là người duy nhất không chết được. Juliet ơi! Nàng biết không? Từ đó. Có người gọi tôi là Thiên Thần. Nhưng tôi biết mình đang chết...”. Than thở với nàng. Tôi quỳ xuống. Trong vườn. Giọt nước mắt long lanh. “Gỗ đá vô tri không hiểu lời người. Cậu đừng đau lòng. Cậu trò chuyện với em đi”. Giọng cô gái trọc đầu trong vắt. Tôi nhìn em. Gương mặt buồn bã. Rưng rưng. Nước da xanh. Làn môi đen. Các đường dao gọt đầu còn in vết sẹo. Hai vai so. Cúi gằm. Run lẩy bẩy. Giọng nói như lời cầu khẩn. Tiếng tôi vụt tắt. Tôi không khóc nổi. Em khác gì lão Cầm. Em sẽ không thể hiểu. Bằng một hơi thở hắt. Tôi khước từ.

Vết thương của tôi. Trên ngực trái. Mười hai vết. Lão Cầm bị dọa đuổi việc. Theo lời bác sĩ và cha tôi. Mr. Th. Họ đã cất giữ con dao. Lão Cầm buồn lắm. Đã nhiều năm. Tôi không nghe lão nói một câu nào. Đối với tôi. Lão là một dị nhân. Khuôn mặt bị thích chữ. Đó là một chữ Hán. Có thể là do một lưỡi dao vô cùng sắc bén và tinh xảo, khi vết rạch chưa kịp rỉ máu thì đã thành hình, đẹp như một vết kim xăm, hoặc một miếng sắt bản nung đỏ có dấu chữ nổi, dí vào lớp da mặt, tiếng xèo xèo và khói bạc bốc lên từ lớp da bị cháy xém, và trên lớp da hiện lên một vệt chữ. Trong một cuộc tra khảo nào đó. Hoặc tại một hỏa lò nào đó. Điều đó tôi chỉ có thể đoán. Không bao giờ lão Cầm kể cho tôi nghe. Cho đến một ngày. Rất lâu sau đó. Lão Cầm lại cầm con dao. Dưới ánh nắng của buổi chiều muộn. Lão lau con dao sáng loáng. Đưa lên ngang chân mày. Phản chiếu hào quang thần nhãn. Ánh mắt trong lưỡi dao giống ánh mắt tôi quá. Lão thở dài. Não nùng. Nuối tiếc. Một anh hùng mạt vận. Một nghệ nhân vọng nghiệp. Lão là ai?

Trên tay tôi. Tiếng súng nổ đùng đoàng. Tôi nhìn dội về phía lão Cầm. Hình như lão Cầm chưa hề hay biết tiếng súng. Lão vẫn ngồi đó. Lau lưỡi dao sáng quắc như ánh ngân quang. Tôi hét lên. Lão Cầm vẫn không động đậy. Trước mặt tôi. Hàng trăm tù nhân đổ gục xuống sàn. Trại tập trung nghiêng ngả. Miệng tôi vẫn hét. Âm thanh đầu tiên tôi thốt lên trong trại tập trung lại là tiếng hét.

“Cậu tỉnh lại rồi à. Khổ thân cậu quá. Nào. Seduxen. Uống miếng nước đi. Rồi sẽ dễ chịu thôi. Cậu lại tưởng tượng ra cái gì đấy... Lão Cầm. Lão Cầm. Lão chưa chết hay sao. Tôi vừa cầm súng bắn lão đấy. Tôi bắn cả trăm người nữa. Họ đâu cả rồi. Xác họ đâu. Lão chôn xác họ đi đâu rồi. Tiếng súng. Tiếng súng. Lại là tiếng súng. Tôi sợ quá. Lão Cầm ơi. Tôi đang bắn súng. Là tôi... Nào. Cậu đừng như thế. Ôm chặt lấy tôi. Ngoan nào. Làm gì có tiếng súng nào đâu. Đấy là tiếng chim cu gáy đực gọi con mái trong lồng chim nhà mình kìa. Tiếng chim trong lồng sao lại nghe thành tiếng súng. Cậu nhìn đi. Đấy. Hai con đực đang gọi hai con mái đấy. Cậu lắng tai nghe đi. Đấy. Cúc cù cu cu cu...”. Lão Cầm lại giả tiếng của con cu gáy đực. Tiếng cu gáy mái đáp lại khoan nhặt, bình an khiến tôi bừng tỉnh. Bàn tay tôi vẫn khư khư một cành hoa trong vườn cây bị tôi bẻ gẫy!

“Lão Cầm ơi. Hôm qua cậu chủ... Cậu chủ đang đóng cửa phòng riêng. Cậu chủ đập nát dương cầm rồi. Con sợ quá. Con... Mày sợ thì về quê đi... Con còn đi đâu được nữa. Con chỉ biết ở đây đến hết đời thôi. Lão Cầm à... Thì tao cũng vậy. Biết đi đâu được. Trong vòng tường cẩm thạch này là nhà. Kẻ hoang tưởng kia là chủ nhân. Phải cố mà chịu thôi mày ạ. Ở đây còn tốt chán. Có cái ăn. Cái mặc. Có mái che mưa. Có cây cảnh để chơi. Có chim cảnh để chăm. Có chó cảnh để đùa. Có tượng đá để lau chùi. Có đầm sen, vườn rau, hồ cá và lũ rùa để cải thiện. Từ lâu. Tao và mày đã không thể trốn khỏi đất này nữa rồi. Chính vì thế. Tao cam chịu... Nhưng cậu chủ đúng là bị một vong hồn bên Đức quốc xã nhập vào rồi. Vong hồn đó mà nhập vào lão và con thì chết cả. Lão Cầm ơi... Mày yên tâm. Bùa và ngải đầy nhà. Tao thường xuyên cho cậu chủ uống. Lão thầy bói có để lại trong rương. Hãy nhớ. Không phải sợ. Tao và mày phải ở đây. Đó là lệnh. Cũng là quyền lực. Và cũng là sứ mệnh của cả tao và mày. Trọc ạ. Cho đến khi cậu chủ chết. Lúc ấy. Biệt phủ cũng không cần người làm. Nhưng còn lâu lắm mày ạ... Vậy là khi đó. Lão và con có thể thoát nghiệp này rồi... Mày tưởng ra ngoài là thoát sao. Ngoài tường còn có tường cao hơn. Không bao giờ đâu”. Tôi rùng mình. Giọng cô gái trọc chùng xuống. Và tắt hẳn. Chỉ nghe âm thanh lưỡi dao cắt mẩu gỗ rất ngọt. Trong gian phòng dành cho kẻ hầu của biệt phủ. Lão Cầm vươn mình đứng dậy. Tôi vội vã lập cập chạy về phòng riêng. Đóng sầm cửa lại. Bản Polonaise đứt quãng ngân vang. Trong đêm tối. Như ngụy trang cho nỗi lo âu. Khi tỉnh thức. Của tôi.

Tôi quỳ bên Juliet. Nàng là Juliet. Vậy mà lão Cầm và cô gái trọc đầu vẫn gọi nàng là nhất chi mai. Tôi không thích cái tên đó. “Juliet ơi! Nàng có thấu hiểu lời tôi. Nàng có thấu hiểu bản nhạc đêm qua tôi dạo. Đó là Polonaise. Đêm qua. Tôi được nhà tiên tri già đưa đến tương lai. Ở đó. Muôn ngàn cây thập ác. Đứng sừng sững như núi đá. Đều khắc tên tôi. Cái tên của nhà tiên tri bất tử. Nhưng tôi không hề muốn thế. Tôi muốn quay về thành phố ngùn ngụt lửa của tôi. Chừng nào Juliet còn uốn mình. Như dòng thác hoa tinh khôi. Đổ xuống lưng trời. Trong đêm tà giới nghiêm cổ kính. Bên cạnh tôi. Giữa khu vườn biệt phủ”.

Juliet không trả lời. Tiếng tiêu của lão Cầm vút lên, xa lắm. Và bóng dáng cô gái trọc đầu đứng tựa vào cột đá. Ánh mắt sao mải miết. Về phía tà dương đang dần dần lặn xuống. Sau vòng tường cẩm thạch. Hàng đàn bạch nhạn đập cánh bay về phương nam. Bầu thinh không. Cao cao. Trong xanh. Sâu thẳm...

*

Một buổi sáng mùa xuân. T. Lão Cầm. Cô gái trọc đầu. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm trời. Bước ra khỏi cánh cổng biệt phủ. T nhất quyết cả ba người đều phải đưa chậu cảnh nhất chi mai ra trồng trên quả đồi xa. Cách biệt phủ một làn sương mù mịt. T để mặc lão Cầm và cô gái trọc đầu lặng người, ngây dại và run rẩy. Trước cơn gió mùa đông bắc về muộn vẫn còn lùa vào lưng áo. T chạm nhẹ vào nhất chi mai. Màu trắng tinh khiết. Hương thơm êm dịu. Vóc dáng yêu kiều. Niềm rung động thanh tú. T ngả đầu. Nghiêng mình. Mỉm cười mãn nguyện. Như muốn ôm lấy nhất chi mai. “Juliet ơi. Mùa xuân muộn đến rồi. Ngọn đồi cao. Nàng hãy ngước nhìn lên. Những cánh nhạn đang trở về”. “Cậu ơi! Ta sẽ trồng nhất chi mai trên đỉnh đồi nhé!” T cùng lão Cầm và cô gái trọc đầu ôm chậu cảnh nhất chi mai về phía ánh ban mai đang rạng chiếu. Đặt chậu cảnh xuống. Lão Cầm xoa tay tiếc nuối. “Chậu gốm Cảnh Đức này đã hơn một thế kỷ rồi! Thật xót xa khi phải đập vỡ!” Nhưng T đã giáng xuống một xẻng. Chiếc chậu cổ vỡ tan. Lớp đất thịt lộ ra. Những đầu rễ ngang đâm ra tua tủa. Trắng như sữa. Nhất chi mai được bứng ra. T muốn được trồng theo thế thẳng đứng. Để nhành mai được vươn cao. Ân hưởng ánh mặt trời. Để hoa mai được tỏa hương. Cùng gió bay xa đến chừng nào có thể. Để người sống trong biệt phủ. Vẫn có thể ngước nhìn về đỉnh đồi. Mà thấy màu trắng tinh khiết của ngàn cánh mai. “Không trồng theo thế tùng thập được cậu ạ. Đã hàng trăm năm nay cây được trồng theo thế huyền nhai. Không thể thay đổi được. Đừng nói là uốn lại trong một chục năm. Mà dù cho nghệ nhân có uốn lại trong cả trăm năm. Cũng khó có thể thay đổi thế cây từ nằm bò sang thẳng đứng được”. T buồn rầu. Thử nghiêng ngả nhất chi mai. Mong có thể trồng cây theo ý muốn. Nhưng không thể. Họ chỉ đặt cây một cách miễn cưỡng theo thế bán huyền nhai, hay thế nửa thác. Nhất chi mai nằm sõng soài, cong mình, gục đầu, úp mặt xuống đất đồi. Lão Cầm ứa nước mắt. Một đời nghệ nhân cây cảnh. Chưa bao giờ nỗi đau khổ trong lòng lão lại lớn lao và sâu thẳm đến thế này! Chỉ có cô gái trọc đầu đứng trầm ngâm. Thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười. Nụ cười hồn nhiên. Và mê mải. Cặp mắt lung linh. Cứ ngoảnh đầu nhìn mãi. Về nụ hoa nhị độ khép hờ. Hiển lộ sắc hồng phai. Trên suốt chặng đường trở về biệt phủ...

Mùa xuân muộn. Những cơn mưa thất thường. Lúc mưa phùn. Khi mưa rào. Gió đông hòa lẫn với gió nam. Mang hơi ẩm lạnh của tiết Vũ Thủy. Đợt sâu nở của tiết Kinh Trập. Cùng sự nóng nực của tiết Cốc Vũ đang dần dần ập đến. Nhất chi mai đứng một mình trong sương gió. Tuần nào cũng vậy. T huy động được lão Cầm và cô gái trọc đầu vác một bao tải phân vi sinh. Cùng dung dịch B1. Và bình tưới vòi hoa sen. Họ chạy đến đỉnh đồi để bón và tưới cho cây.

Và những đóa hoa cuối cùng của mùa xuân muộn rụng đỏ đỉnh đồi. Khi T lên tới nơi. Đỉnh đồi không còn hình bóng nhất chi mai. Những đợt gió và cơn mưa mùa hạ trút xuống dồn dập. Quất tung từng lớp đất đá. Nhất chi mai đã trở thành một thân gỗ mục. Nằm quặt quẹo trong vũng bùn. T vục đầu xuống đất, nằm ôm lấy thân cây mục ruỗng. Đôi mắt khô héo đẫm máu, hòa cùng mưa bão. “Juliet nàng ơi! Ta đã đến muộn mất rồi!” Vài ngày sau. Người trong ngôi làng dưới chân đồi. Chỉ còn nghe tiếng hét. Cùng tiếng chuông nhà thờ truyền thế. “Juliet ở đâu... Juliet ở đâu... trong cõi sống này...?”

Một thời gian sau. Họ mở cửa phòng riêng của T trong biệt phủ. Xác T nằm trong vũng máu. Tự sát bằng một lưỡi dao đâm xuyên qua tim. Trên ngực trái là cây thánh giá bạc. Những cánh hoa mai đã vụn nát. Lấm tấm dính lên thân mình. Trong ánh chiều tà chiếu rọi. Lưỡi dao long lanh tia sáng màu đỏ rực.

Đ.Q.M
(TCSH371/01-2020)



 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Dì Ba chẻ chữ (20/01/2020)
Phượng hoàng (08/01/2020)
Một khoảng xanh (02/01/2020)
Dị mộng (16/12/2019)
Bản nhân (27/11/2019)