Truyện ngắn
Mùa thùy mơ nở rộ
10:47 | 17/04/2020

BẢO THƯƠNG

Mày ra giữ cho bố một đầu. Lão Thất đang cúi xuống ghìm sợi dây thừng qua gạc xe, ngó lên bảo Kiền. Kiền vùng vằng ậm ờ rồi cũng đứng dậy.

Mùa thùy mơ nở rộ
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Đầm nước vào mùa hoa thùy mơ trắng cả bờ, cả bụi, cả con đầm rộng lớn, hoa thùy mơ đã không nở thì thôi, nở trắng như mớ tóc bời bời người già, như da cô gái trẻ ngày mười sáu, như bắp đùi Chấn, có lần ai đã ví thế. Mụ Quy ở trong làng, mỗi lần ra bãi lại lấy tay quờ mái tóc dài đen bóng của Chấn mà xuýt xoa, tóc gì mà dài và đen thế, hơn cả đám rong đuôi chó, da gì mà trắng, hơn hoa bưởi, hoa cam, và hoa nhài, hơn cả đám thùy mơ ngoài kia, mụ xuýt xoa như thể muốn chia bớt một chút trắng cho mụ, hoặc như vậy, sẽ đỡ thèm hơn. Mụ đen quá, bắp chân bóng lên của người quanh năm đồng bãi, xắn quần tận bẹn, hì hục cuốc lạch cua, ổ rắn, mụ đen hơn lưng con cua đồng ngày tháng sáu. Nên mụ thèm cái trắng của Chấn lắm, mụ cứ xuýt xoa như thể, giá mình được một phần.

Nghĩ đến đây, Kiền lấy tay hất mạnh, con thuyền chòng chành trôi ra giữa sóng, nó lao đi vun vút qua bãi cỏ lát, qua đám lau, vượt lên trên đám rong đuôi chó ken dày kin kít phía dưới, ra giữa bãi hoa thùy mơ trắng muốt, Kiền giơ gậy lên định vụt, đám hoa sẽ tơi bời dưới cánh tay này, những đóa muôn muốt, có những chiếc nhụy vàng óng phía trong cùng, cầm lên, đưa vào mũi, một mùi thơm nhỏ nhẹ lan xa, nhắm mắt vào Kiền còn thấy cả cánh đồng, những cánh cò trắng dập dềnh phía ngọn núi, phía đồng cói, chúng chao lên rồi liệng xuống, mùa này chúng đã bay về phương Nam tránh rét, Kiền thấy bóng áo trắng của mẹ vẽ lên một con xuồng trôi vào giữa bãi lau, ra tận đám sen, hái lá xanh mang về bán cho những người giao buôn trên thành phố. Kiền ơi, tiếng mẹ gọi dội vào đám cỏ nến, chìm vào đám rong, lặn sâu vào tầng nước thẳm. Kiền hét lên giữa trưa, rồi giơ gậy đập vào không khí, khua khoắng cho tan bớt đi cơn nóng nực. Kiền vẫn không nỡ làm đau một cành hoa, những cánh thùy mơ bé xiu xíu trắng muốt như bắp đùi, như cổ tay, như cái ót của Chấn. Ngày xưa, Kiền đã thích lắm, ra véo vào cánh tay, khoảng lườn đó bảo, em gái, sao em trắng hơn anh, mẹ cười lườm lườm, vì em là con gái, phải không Chấn. Thể nào Chấn cũng cười để lộ hai hàm răng trắng, chiếc má lúm đồng điếu sâu hom hóm. Vì sao lại là đồng điếu mà không phải đồng tiền, mẹ bảo đồng điếu nhỏ mà sâu hơn, nhà mình cũng đâu có giàu, điếu hay tiền, miễn là các con chăm ngoan, học giỏi. Bố Kiền sẽ đứng ở góc sân, nơi có đàn ngan đang mổ nhau và mổ rau rồi cười lớn, Kiền giống bố, Chấn giống mẹ, hai anh em đều đẹp theo cách khác nhau. Kiền cứ hòa vui vào câu chuyện. Kiền đủ lớn để biết, bố nói bằng giọng yêu thương thế thôi, bởi năm Kiền lên sáu thì bố đưa Chấn về, nhọ nhem và đen thui, cái đen của dãi nắng, của những lớp da bị bong lên từng đợt, của gai cào, sứt sát, của bẹo gió mưa ngoài đồng, lớp này đến lớp kia chồng lên nhau, đến khi lớp cuối cùng bong ra thì mẹ bảo, Kiền dắt em đi học cùng. Thế là Kiền có thêm một đứa em gái để bảo vệ và tự hào, khoe với lũ bạn, tao cũng có em. Hai mắt Chấn bướng bỉnh tròn to, má xì xị đỏ ửng. Chấn học giỏi và thông minh, nhiều khi hơn cả anh, làm bố rất tự hào, mẹ thì nói, thế là từ nay mẹ có hai đứa, cứ thế lớn lên mà yêu thương nhau thôi. Nên Kiền biết Chấn không giống mẹ mà cũng chẳng giống bố, cũng như Kiền. Năm Kiền lên bốn thì một người tấp tểnh bước vào từ phía bãi bồi xa, mẹ đã dang tay đón lấy những di vật trên tay người ấy rồi quỵ đi, quỵ cho đến ngày người ấy cùng mẹ bê vác những khuôn vuông đất từ con đầm lên lấp cho đầy chân tường, lấp cho cao mảnh vườn, cho thành một quả đồi con con này, nơi có ngôi nhà Kiền mọc lên giữa vùng đầm lầy rộng lớn. Thì Kiền biết, Kiền cũng đâu có giống bố, nên câu nói của mụ Quy làm cho Kiền cáu, khi Kiền nhớ cái ót của Chấn cứ ngời lên dưới nắng, cứ long lanh trong mắt bao kẻ trai, và trong cả mắt ai giờ. Kiền hét lên, Mẹ ơi, Kiền thấy thương mẹ và thương mình, Kiền cần tìm một chỗ bấu víu, Kiền cần níu neo vào một kỉ niệm để gọi về, Kiền thấy mình như con thuyền nhỏ nhoi cô độc, một mình vươn ra giữa mặt đầm mênh mông rộng lớn không một chỗ bấu, không một cái dây níu ràng, Kiền không biết níu vào đâu, Kiền đang trôi, con thuyền nhỏ nhoi trôi qua bậu cỏ lát đã lên cao quá mặt người, nó rẽ đám hương bài để thành một đường thẳng, nó lao ra giữa đám hoa súng rực hồng, cánh mỏng nhẹ vẫy vẫy cùng những con gió, lá xòe rộng như thèm được tắm mình vào làn nước trong xanh của con đầm mùa thu, xa xa là những đám sen đã lụi tàn, màu héo úa của bất cứ vật gì cũng gợi buồn tan tác, sự xao xác, héo gầy, tả tơi, rơi rụng và trầm tĩnh của đám lá sen làm cho Kiền càng như rã rượi. Nếu có mẹ ở đây, mẹ sẽ hỏi, con trai, con nghĩ gì. Mẹ luôn dịu dàng như thế kể cả đến năm Kiền vào lớp 8, nhưng lên lớp 9 thì mẹ đi, Kiền như cây rau mác đã khô, Kiền như gà con bị chết đi con mái, Kiền thấy cô độc, dù xung quanh mình còn bố, còn em, còn bạn bè hay ai, thì trong sâu thẳm tâm thức Kiền vẫn nghĩ chỉ một mình, bởi hình ảnh mẹ quỵ đi trong ngày đón nhận những di vật người kia trao trong cái chiều hai mẹ con trở về từ con đầm Kiền không quên, nước mắt của Kiền lăn cùng tiếng khóc của mẹ da diết giữa đồng khuya. Cho đến ngày người kia trở lại, tôi sẽ ở đây cùng mẹ con mình, nếu mình cho phép, bãi đầm này, ngăn vách này không thể không có đàn ông. Rồi người đó ở lại, rồi Chấn cũng đến. Chấn đến như là một định mệnh cũng một chiều tháng ba, mẹ lôi nó ra khoảng sân trước nhà để dội nước, mẹ dội trôi đất cát, mẹ dội trôi chấy lúc nhúc trên đầu nó, trôi gió nắng trên da, trôi cả ánh mắt buồn thương đau đáu, khi nó hỏi mẹ, dì ơi, từ đây về ấp bao xa? Mẹ nhìn nó rồi khóc, ôm nó chặt hơn, xa nhiều con ạ. Nó gọi Kiền là anh Hai, gọi bố là ba, và sau này gọi dì là má, nó cũng bắt đầu bớt nói giọng miền Nam đi, song đôi mắt xanh biếc buồn thương đau đáu thì đến tận giờ, mẹ không dội được hết, để những chiều nó chạy ra bãi lau hoa trắng bời bời những ngày gió bắc, tà áo mỏng, nó lấy tay vén cho chặt lại, bàn tay run run, bàn chân trần run run trên đất. Chấn chưa quen với mùa gió bắc hả? Nơi em chỉ có nắng và mưa và nước quá trời Hai ơi. Nó lại ngồi cùng Hai của nó cạnh đồi cỏ lau hoa trắng bời bời để nhìn về phía gió mà có lần mẹ chỉ nó, ấp ở xa kia con, gắng ăn nhiều, lớn lên, má cho về dưới đó nghe. Mẹ cũng bắt đầu học một số từ miền Nam của nó, sự trọ trẹ bắt chước làm cả nhà cùng vui, nhưng vẫn không quét hết được ánh mắt thăm thẳm đau đáu như mặt nước con đầm mùa thu ngày gió bắc nổi lên đầu tiên, lũ rong đuôi chó quện vào nhau từng đám, li ti những đóa vàng nở rợp trên mặt nước, nhìn sâu dưới tận cùng nước thẳm cũng không biết được gì, đo được gì, nghĩ và đếm được gì dưới đó, như mắt Chấn, mà đến tận giờ Kiền cũng không hiểu nổi. Kiền giơ mái chèo quật mạnh vào nước, nước vướng vào đám rong bắn lên tung tóe, ướt cả lòng thuyền, này thì không hiểu, này thì muốn hiểu, Kiền lại hét lên. Mỗi lần thế, Kiền biết Chấn và lão Thất đều nghe thấy. Mỗi lần thế họ lại lặng yên để những cơn hú hét vang xa rồi Kiền khác mệt, Kiền về nhà có thể nằm đờ ra ngủ, có thể lục nồi cơm ăn tì tì, như nuốt đi cục nghẹn, nhưng cục nghẹn đó lại vô tình vấp phải bát canh cá nấu dọc mùng hoặc những tảng trứng cá trắm vàng ươm kho nghệ chềnh ềnh giữa mâm. Kiền lại nuốt một cục nghẹn khác, Kiền xúc động, rồi lại chợt nghĩ, họ nấu chi cho mình, Chấn cũng thích canh cá om mùng lắm chứ, đâu chỉ riêng mình. Rồi Kiền và vội và vàng như thể, nếu không thì cơm không kịp trôi xuống cổ, nó sẽ mắc ở họng làm cho Kiền ức mà chửi toáng lên, hoặc nó chẹt ở tim, thì càng đau lắm. Có lần Kiền đã mượn những cục tức mà định hét lên, nhà này của mẹ con tôi chứ. Nhưng nhớ đến dáng lão Thất ôm từng vuông đất đắp lên mảnh vườn cho nhô cao, nhô cao lên nữa thành một quả đồi, để giờ Kiền trồng biết bao nhiêu bưởi bòng, na, nhãn, lại nhớ cái dáng chắc nịch, cánh tay to khỏe tròn cuồn cuộn toàn cơ, bện vào nhau như sợi dây thừng buộc mui thuyền cá, và vòm ngực lớn lấp đầy cả cái bụng quánh gọn như đất đồi phía dưới. Chân lão bước huỳnh huỵch. Quanh năm làm thì quanh năm lão mặc quần dài và cởi trần, ngày mưa, ngày nắng, ngày gió, ngày rét chưa bao giờ lão tháo chiếc quần đó ra. Có lần cũng định vùng lên như thể để khẳng định “chủ quyền” thì cục đất chặn họng Kiền lại, thì bờ tường cao ngăn câu nói lại, nên Kiền cố nuốt, cố nuốt thật mạnh, sợ nó bị mắc thì Kiền lại khùng lên. Mà không thốt lên được thì cục tức càng dâng cao, Kiền sẽ chạy ra sau nhà, chạy vút qua đồi cỏ tranh, chạy lên cánh đồng lau hoa trắng bời bời, xuyên nó, làm thành con đường như con chó đuổi chuột lâu ngày thành lối, Kiền cứ chạy xuyên đó, xuống con đầm, Kiền sẽ nhảy ùm xuống mặt nước nếu mùa nước to, còn không, sẽ nhảy thẳng vào lòng thuyền, đạp mạnh một cái cho nó trôi ra ngoài xa, lấy mái chèo đẩy thật nhanh, con thuyền sẽ xuyên qua đám thùy mơ trắng muốt như đùi Chấn, như vai Chấn, xuyên qua bãi bồn bồn xanh ngắt, rồi qua đầm lúa hoang xanh rì ngả ngớn đổ nghiêng, xa nữa đến cánh đồng sen bát ngát. Kiền cho thuyền chạy thẳng vào đầm sen, mùi thơm của nó làm cho thần kinh Kiền dịu lại, mùi thơm của nó còn đánh thức cả đàn cò đang đậu ở những hàng cây tước xa xa chao lên chao lên rồi rợp cánh, bay về tận phía núi khi tiếng hét của Kiền dội đến, vài con mòng két giật mình từ bụi trúc ơ, con chim bói cá nào đang rình trên cành quỳ túc cũng chúi mình mạnh xuống rồi vút lên. Và lúc đấy là lúc Kiền dễ thở nhất, Kiền sẽ ngâm mình cùng con thuyền, đầm súng, đầm sen, cùng cua, cá, ếch đến xuyên trưa, sang chiều, và thể nào lúc lâu sau lão Thất cũng bơi con thuyền khác ra, giằng lấy riu tôm của Kiền bảo, về mà ăn cơm, để đấy. Không, cứ mặc kệ đi. Từ lâu, những câu nói ngùn ngoằn, gẫy nát như đám cỏ bị roi quất lên vụn rã xuất hiện. Kiền không biết là từ khi nào, từ bận Kiền về lần thứ nhất ư? Tiếng con mụ Quy oang oang: Chẳng về sớm. Về muộn có mà mất hết. Mụ đi, cái đít vảy lên như người được thể và thích chí mà trêu ngươi được kẻ ghét mình cay đắng. Quả từ đấy Kiền càng ghét mụ, ghét lây sáng cả những người xung quanh, từ lão Thất và Chấn. Kiền muốn bỏ quách cái làng, cái đầm, cái bãi, ao, vườn cây, con thuyền này mà đi, đi xa khỏi cái cười đắc ý và ngụ ý của mụ, cái vảy đít đầy thích thú kia, để mà túm cổ Chấn hỏi, chuyện gì, chuyện gì, nhưng Kiền không thể nào hỏi được, cục cơm của Chấn nấu có những nếp trứng vàng ruộm đã chặn họng Kiền, bát canh dọc mùng nấu cá món ăn chỉ lão Thất mới làm nổi không một ai hơn đã chặn đường ra của những câu nói. Không nói được thì Kiền tức, Kiền đá chiếc thau, Kiền đá gốc cây, Kiền lang thang cả đêm ngoài đồng cỏ lau gió lên bời bời, hoa trắng bời bời, Kiền lại rẽ những chiếc lá sắc như lưỡi lam làm thành một đường chó lội để lao băng băng xuống mặt nước mà vùng vẫy, mà vã nước lên người, mà ngụp lặn đuổi nhau cùng cá cả đêm. Những lúc đấy, lão Thất cũng ngồi cùng cây điếu cày cho đến sáng. Chấn thì thức cùng tiếng ếch và ánh trăng. Nhiều ngày sau, không ai nói với ai câu nào, cho đến ngày Kiền đi, cũng không ai nói. Bát canh cá vẫn đều đặn để đấy, hai người kia cũng chẳng gắp lên ăn, những gì ngon nhất như dành Kiền, tặng Kiền, dâng Kiền, để Kiền khỏe mạnh mà làm ăn xa, hay để tống tiễn Kiền, để ăn mừng, để chia vui cho ngày được tiễn biệt, cho ngày Kiền rời khỏi nhà, cho ngày cuộc sống trở về bình yên như cũ. Bình yên là gì? Mẹ ơi… Một tiếng nói thổn thức trong lòng nhoi nhói tim. Kiền muốn lấy tay bóp mạnh thêm một cái để nó vĩnh viễn nằm lại ở giây phút đó, thời khắc đó.

Con đầm nổi gió to quá, cả vùng đầm trắng hoa thùy mơ, cả cánh đầm đưa mùi hăng hăng của những chiếc lá nhỏ, mùi thoang thoảng nhè nhẹ của những đóa hoa vào đầy sân, vào con ngõ. Thùy mơ ở đâu mà nhiều, mà dày, thùy mơ lắm thế, để Kiền nhớ thủa ấu thơ chèo thuyền ra giữa đầm mà mải mê hái, để mẹ về có bữa canh cá ngon nấu hoa thùy mơ, nhiều thì đem muối chua, phơi khô đợi mùa hoa khác. Mẹ nhìn thúng hoa cười bảo, anh em bay đã lớn cả rồi, biết yêu thương nhau, cùng bảo ban nhau làm ăn mà lớn lên là mẹ vui, có chết cũng đặng. Vì thế mà mẹ chết ư? Cũng vào ngày con đầm nổi gió như hôm nay, cũng vào ngày hoa thùy mơ đưa ngát mùi hăng hăng và mùi thoảng theo gió vào sân, vào ngõ. Mẹ nắm tay Kiền dặn, nhớ yêu thương em và bố, đời mẹ chỉ có ba người. Để Kiền thương, Kiền thương bố quần quật ở con đầm, thương bố nai lưng ở vườn chuối, thương bố nắng mưa ngoài bãi cá, thương Chấn nhỏ bé, đeo chiếc cặp dày vượt con đường cánh cung đi học, chiếc lá sen không che hết cặp má hồng hồng của Chấn. Nó cứ hồng cho đến ngày bố bảo. Các con, bố đã biết tình cảm của chúng mày. Thôi, chẳng gì cũng cùng một nhà, cùng lớn lên, cùng bố mẹ, cùng yêu thương. Nếu chúng mày thật lòng, còn gì để bố mẹ vui hơn.

Rồi bố khóc, ôm đầu Chấn rồi xoa đầu Kiền, cầm hai bàn tay đặt vào nhau, khi nhiều lần thấy ánh mắt len lén của thằng con trai, đôi mắt buồn không phải nhìn về phía ấp của đứa con gái, cặp môi lấp lánh và nụ cười xòe rộng hơn bông thùy mơ mùa rộ nhất. Bố biết, nên bố chủ động đề nghị, để Chấn và Kiền từ tình anh em thành tình chồng vợ. Thế mà đã mấy năm. Lưng bố đã gù hơn, mắt Chấn đã nhiều lo toan.

Mải nghĩ, Kiền quên mất nỗi đau riêng. Kiền ứa nước mắt nghĩ đến bố và em. Từ lâu Kiền không gọi bố, Kiền nói trống không. Từ lâu, cứ Kiền ngoài đầm nước cả đêm, thì lão Thất ngồi bên điếu cày đến sáng. Cứ Kiền ngồi ở sân nhà rít thuốc, thì lão Thất ì ọp ở ngoài đầm dũi tôm. Họ không mấy khi giáp mặt nhau, trừ bữa cơm. Nhưng bữa cơm có lúc Kiền cũng không về dù nhiều món Chấn nấu kì công, hay lão Thất kì cạch cả buổi. Dù cho lần về trước, Kiền thấy chiếc xe máy hiệu Yamaha đúng màu xanh cánh chả như Kiền đã ao ước trước khi lên đường làm ăn xa. Có lẽ lão Thất trúng vụ tôm nào đó. Nó vẫn dựng im ở góc nhà. Chấn vẫn ra bờ sân dội nước. Tiếng nước dội vào đêm, tiếng vỗ da bì bạch, tiếng con cú đêm đi rình bắt chuột, tiếng con ễnh ương ngoài đầm vắng. Ngày xưa, Kiền ghen với cả con cú đêm trên bờ tường nhà tắm, thì giờ đây Kiền còn tức tối hơn.

Kiền tức với chiếc sào phơi nơi đặt hai chiếc khăn mặt của Chấn và lão Thất song song. Kiền tức với chậu giặt lẫn cả chiếc quần dài của lão cùng chiếc áo dài tay của Chấn. Kiền tức với chiếc điếu cày vẫn dựng ở bậc thềm, trước cửa phòng Chấn.

Về muộn thế, không về sớm hơn mà giữ. Nụ cười tinh quái của mụ Quy lan sang cả những con chuột đồng, nó cũng nhìn Kiền hả hê, giễu nhại. Nó cười cợt Kiền. Tiếng nói đầy thâm ý của mụ lan vào tất cả những con mắt của bao mụ đàn bà trong làng mỗi khi Kiền vào đó có việc. Đến cả những đứa trẻ cũng hỏi Kiền bằng câu như khiêu khích. Chú Kiền đi Sài Gòn có tha được ít gió nào về không?

Lúc đó Kiền thường gằn mắt nhìn Chấn như muốn bảo. Có chuyện gì? Chấn không hiểu hay cố tình không biết, Chấn cúi đầu tránh ánh mắt soi mói của Kiền, Chấn đỏ mặt lên rồi dấm dứt. Quả lúc đó Kiền có ân hận thật, nhưng nỗi ân hận tan biến ngay khi Kiền thấy lão Thất cởi trần. Lão vẫn cởi trần quanh năm. Những đám lông bụng đen loăn xoăn chạy từ ngực xuống rốn, gồ lên của những cuộn cơ chạy từ rốn lên cổ. Màu da dám nâu có lúc đỏ au dưới nắng mặt trời. Lão đang gồng người bổ những nhát cuốc vào từng gốc thanh long. Lão không biết Kiền đang nghĩ gì, lão không biết Chấn đang khóc. Chiếc quần dài lão mặc lụng thụng chảy xệ xuống, phập phồng qua từng nhát cuốc giơ lên rồi hạ xuống, càng hở những đám lông, làm Kiền tức điên. Kiền tức với cả mái tóc chẳng chịu bạc sợi nào cứ ngời ngợi đen của lão. Kiền tức với bắp tay rám nâu mà to như gốc bưởi. Kiền tức bàn chân to lội phăng phăng trên đất bùn in hình như những bước chân gấu khổng lồ, chiếc lưng cong cong, khum khum lao về phía trước của lão nông mà như thanh niên lực lưỡng. Nếu ngày xưa đã là niềm tự hào khi lũ bạn bảo, bố mày đầy râu, bố mày có cả ria quai nón. Kiền về sờ vào từng sợi cong queo vuốt mãi mà chẳng thấy tức, cũng không lấy gì làm buồn khi mình không có ria quai nón. Kiền hiểu, người đàn ông này đến đây để yêu thương mẹ con Kiền, cánh tay kia để che chở cho những cơn đau, tấm lưng kia để gánh gồng và bàn chân lội phăng phăng, vun đất tân nền nhà, thành bãi, thành đồi, thành vườn, che nắng, che mưa, chắn gió, chắn bão cho Kiền rồi cho Chấn lớn lên.

Lão vẫn không biết Kiền đang nghĩ gì. Người lão vẫn nhấc lên hạ xuống trên từng cái hố. Nuôi, nuôi, nuôi để mà thịt, Kiền hét lên rồi chạy xộc vào nhà. Chấn òa lên khóc rồi chạy thẳng ra ngõ. Lão Thất dừng cuốc ngơ ngác nhìn hai đứa con không hiểu, rồi lão hạ cuốc, ngồi bệt xuống nền cỏ, đôi mắt nhìn xa xăm vào từng tán cau, trên đung đưa những chúm hoa màu vàng. Ở một cành khác, quả na vừa hé mở, mắt giãn ra và to dần, như những đứa con lão nâng niu, yêu chiều chờ từng ngày để khôn lớn.

Mụ Quy vẫn lượn qua nhà lão mỗi ngày. Mụ Quy vẫn vào hỏi xin lão những gốc cây thừa để mang về làm củi. Mụ vẫn vào gạ Chấn bán nốt đàn ngan đang lớn lên cho mụ, hay gom từng quả trứng vịt để mụ lên phố giao buôn. Mụ Quy ở một mình trong ngôi nhà cuối xóm, nhà mụ lún sâu hơn mặt đầm, mụ cần bàn tay đàn ông để đào đất đắp lên. Mụ nhìn bàn tay của lão Thất mà vờ hỏi. Nhà anh còn cây bưởi nào chặt vất đi nữa không. Kiền đã bỏ lên thành phố từ chiều hôm ấy, không cả kịp ăn bữa cơm cuối cùng với bố và Chấn. Kiền đi, chiếc quần đùi vẫn còn vất lại nằm chỏng chơ bên chiếc quần đùi của lão vắt trên chiếc sào phơi cùng chiếc áo dài của Chấn và chiếc khăn mặt hoa. Kiền không về nữa, Kiền không thèm về, Kiền đã nghĩ, đã quyết tâm, đã nhớ đến ánh mắt mỗi lần cúi xuống rồi ngẩng lên của lão chọc thẳng vào cái ót trắng ngần như da trứng mỏng mà mụ Quý ví von. Kiền không về nữa. Nhưng mùi cá, mùi nước, mùi bùn đen nơi đầm lầy có bao giờ không ám, không thơm, không lôi kéo được một người cả đời chỉ bám vào đồng bãi, cỏ lát, cỏ bợ, súng sen và bời bời hoa trắng của cánh đồng lau cơ chứ.

Nhớ cá thì về, nhớ tôm lại muốn ngược, nhớ gió mang mùi tanh của rong rêu của nước cạn phả vào chân vách. Hay nhớ mùi của Chấn. Tóc Chấn dài được gội bằng thứ dầu mùi cỏ mật, xả thêm bằng nước hoa cam, làm Kiền nhớ nôn nao. Đêm trăng nào Chấn ra nhà tắm dội nước cả đêm. Tiếng dội phì phạch lọt vào phía buồng Kiền nằm, dội vào phía lão Thất ngủ. Lão trở mình khe khẽ, chiếc nan giường khẽ rung lên, lão cố nằm im để không ai biết mình còn thức. Tiếng dội nước đêm trăng làm trong cả tiếng gió, tiếng dội nước đêm trăng làm tan những đám mây.

Kiền lại nhớ mẹ. Những đêm trăng ngày xưa, Kiền nằm bên bố, mẹ nằm ngoài kia, tiếng cục cựa cả đêm, mẹ cựa mình cả đêm, rồi mẹ vùng dậy, ào ra chỗ chiếc giếng đào, tiếng gầu múc va vào thành gạch, tiếng dội nước vang cả con đầm, ào ào, phì phạch. Bố nằm bên thở dài, Kiền nằm trong cũng khó ngủ, khó ngủ với những gáo nước đêm trăng của những người đàn bà trong nhà này. Bóng mẹ đêm nào lồng vào bóng Chấn đêm nay, những người đàn bà thích dội nước đêm trăng. Chấn vào lặng lẽ với phần giường ngăn đôi phía cửa, khẽ nằm im ắng. Phía bên này Kiền giả vờ tiếng ngáy to to. Trăng sáng quá, trăng bạc quá, trăng đã soi qua cành đào phía trước cửa, dọi thẳng qua chiếc then không cài vào thẳng mặt Chấn, vào thẳng phía Kiền nằm. Kiền sợ Chấn đọc được sự giả vờ ngủ say của mình, Kiền khe khẽ thở, tiếng thở kìm mạnh bên trong, tiếng thằng đàn ông trỗi lên dữ dội, Kiền thở dốc, thở mạnh, thở to, rồi thở dốc. Ngực Chấn lộ một đường cong lớn phía trăng, ngực Chấn phập phồng, phập phồng phía ấy. Chấn cố nằm im, bàn tay vân vê chiếc cúc áo. Kiền vẫn thấy rõ, đôi mắt lim dim của Kiền nhìn thấy được cả một chiếc cúc vì căng quá mà bật tung. Tai Kiền nghe được rõ hơi thở nặc mùi buồn và khát của người đàn bà trẻ khát trăng. Mũi Kiền ngửi được mùi hương từ miệng Chấn. Kiền không chịu. Đớn đau, bẽ bàng, chịu được, nhục nhã cũng chịu, tiếng tai cũng đành. Nhưng giây phút này Kiền không chịu. Chẳng còn thù hận, uất ức, chẳng còn những nghi ngờ. Tiếng lòng thằng đàn ông cục cựa, tiếng con đực gọi dậy bản năng. Chấn vẫn là vợ Kiền, Chấn vẫn là người đàn bà của Kiền. Kiền vùng dậy, trăng ập vào trong, trăng nằm đè lên Chấn, trăng cấu cào và giẫy đạp, trăng giãy cong những tàu lá sen ngoài đầm, hay tiếng giãy của con chuột nào trong góc nhà, tiếng giãy của gió trên những cành bưởi non, hay tiếng giãy của đôi bàn chân khao khát tìm nhau. Rã rượi, thỏa thuê, và mãn nguyện. Kiền ngủ. Chấn trằn trọc thao thức nằm bên. Đến gần sáng Kiền vùng dậy, tung cửa lao ra ngoài đồng lau hoa trắng bời bời, rẽ một đường như con chó sục đi tìm chuột, Kiền chạy xuyên qua nó đến đầm nước, Kiền lao mình xuống đó vẫy vùng và hú hét. Kiền muốn giải phóng nỗi nhục nhằn, Kiền muốn tẩy rửa sự ô uế, Kiền muốn quên đi cảm giác nhớp nhúa, Kiền muốn trằn vặt bản thân. Đã bảo không về rồi lại bước, có phải mùi cá, mùi tôm, mùi gió nắng, mùi tanh lờm của đất nhão, của nước nơi vùng đầm lầy này, hay đám cỏ lát xanh bời bời, hay đám lúa hoang ngoi mình mà chui lên mạnh mẽ, hay đám lau vào mùa ra bẹ chửa đòng đòng oằn mình trong sinh sản, hay những con bồ nông, bìm bịp, nhớ vùng nước nhiều sinh khí cá tôm, hay loài cò hết mùa tránh rét lại về nở trắng như những bông hoa chuyển mình di động từ những đám cây thùy mơ giữa bãi đến ngọn núi đá xa kia, hay mùi tóc, mùi ngực Chấn, mùi mồ hôi, cả mùi nách, làm Kiền nôn nao nhớ mà phải trở về. Lần này đã là lần thứ ba, sau khi bảo lòng ra đi vĩnh viễn, sau khi muốn hét lên: Nó là đứa con của thằng phản bội. Nhưng nhìn chiếc ảnh thờ của mẹ trên bàn Kiền không nỡ, nhìn bộ quân phục bạc màu của bố cùng chiếc mũ cối gắn sao nằm cạnh Kiền không thể.

Bố mẹ đưa em về đây để con có em mà yêu thương. Đó là những câu nói duy nhất của hai người dành cho Kiền. Nhưng Kiền biết được bố Chấn đã chạy về phía bên kia. “Chiến tranh có những khoảng mờ bí mật, chỉ nó hiểu. Cậu ấy có về phía bên kia, hay hy sinh chẳng qua cũng chỉ là lời đồn đại. Chết chóc, quả thực còn chẳng đau bằng những lời đàm tiếu. Giết cả đời người đấy mình ạ”. Mẹ đứa bé vì không chịu được mà bỏ đi. Bà nó vì đau buồn mà cũng chết. Nó bị cho đi vào tận phía trong. “Tôi và cậu ấy, cùng bố thằng Kiền là bạn thân nối khố thủa xưa, thề sống chết vui buồn có nhau. Ngày ra trận cùng hứa trở về. Đứa nào không về được thì đứa khác phải có bổn phận vì nhau. Tôi đã làm tròn bổn phận với bố thằng Kiền, còn cậu ấy, bây giờ coi như đã mãn nguyện”.

Bố vuốt tóc mẹ vào một đêm không gió ngày Chấn mới về. Con đầm nặc lên mùi cá chết, không khí như cô đặc tứ phía, con chim nào kêu ô hú giữa bãi cỏ lác dù.

Mẹ thổn thức khóc, mẹ khóc mãi trên cánh tay bố. Mẹ giơ tay vuốt tóc Chấn nằm bên, mẹ sờ nắm bàn tay, bàn chân Kiền thấy còn nguyên vẹn. Là mẹ sợ, mẹ sợ những gióng chân cũng rời ra như bố đẻ Kiền trong trận pháo nào, khi đồng đội kể.

Kiền lấy chân đẩy mạnh con thuyền. Con thuyền chúc từ đám sen úa tàn, qua đám hương bài, sang bụi lác dù, lại trở về với đám thùy mơ hoa trắng muốt, nhìn đến tận chân trời cũng chỉ nó, những cánh nhỏ rung rung. Bất giác, Kiền nhớ mẹ lạ lùng. Không hiểu sao những giây phút yếu lòng Kiền càng nhớ mẹ, ý nghĩ mình chỉ còn một mình trên đời thường xuyên xuất hiện, đặc biệt từ lần trở về đầu tiên, khi nghe tiếng xối nước mạnh của Chấn ngoài sân giếng, tiếng kẽo kẹt từ giường lão Thất, ánh mắt mụ Quy ngời lên sắc lẹm, ánh mắt những người đàn bà đi làm đồng qua bãi, ánh mắt bọn trẻ con xoáy vào Kiền như những mũi dao, và ánh mắt bố từ trên cao nhìn xuống ân cần và đầy nghiêm cẩn. Con trai, cuộc sống đầy những muộn phiền, phức tạp, con phải đủ bản lĩnh để vượt qua. Nhưng Kiền không vượt qua nổi. Mùi cá hay mùi lá sen, mùi đồng cỏ dại, mùi tanh của rong đuôi chó, mùi bùn đặc hay mùi ngực Chấn bắt anh phải về. Đứng giữa đồng cỏ tranh lá lên xanh ngắt, những lưỡi lam sắc lẹm cứa vào cánh tay Kiền chảy máu, Kiền đã tự hỏi và dằn vặt, cả đau đớn, Kiền ào ào bước qua nó về phía con thuyền, nhảy ùm xuống rồi bơi ra giữa đầm, mùa nước cạn, những cây lục bình trôi nổi, Kiền giơ mái chèo lên, khua vào không khí làm cản bước đi của một con gió rồi cất tiếng hò. Tiếng hò đau đớn dội vào lồng ngực như thắt những cơn mê:

Ầu ơ…
Con sông chảy ở nơi nào
Người thương phận mỏng nổi chao
cánh bèo…


Khi lần về này, bụng Chấn đã to chảng bảng. Dáng Chấn liêu xiêu, hai chân choãi ra nặng nhọc, cái cúi mình thở hồng hộc, nó cắt vào da thịt Kiền từng mảng, nó chọc vào trời xanh, làm cho Kiền như bị hút hết không khí. Đứa bé, đứa bé. Ngọn gió nào mượn đêm đó để bẻ măng. Đứa bé, hình ảnh của nó cứ xoáy vào tận cùng đau đớn, trong cơn mê man, Kiền hình dung những sợi râu quai nón của nó mọc ra kéo dài từ thái dương đến hết cằm, bất giác Kiền sờ tay lên, Kiền không có thứ râu đó, Kiền giống bố đẻ của mình. Mẹ ơi. Kiền hét lên làm vang động mặt đầm, cánh cò còn lạc sót nào đi ăn đêm vụt bay ra từ một bụi cói sải cánh vù lên, vài con ếch cất lên tiếng đồng thanh uôm uôm như hòa điệu cùng tiếng lòng đau của Kiền. Đứa bé? Mụ Quy vẫn nhìn xoáy vào Kiền cái nhìn nham hiểm, đồng lõa cùng tiếng cười của bao người đàn bà ngồi bên cây cầu hóng gió khi Kiền lướt qua họ để đi hết con đường về bãi. Đứa bé… rồi nó sẽ gọi Kiền là ai, gọi lão Thất là ai, dù gì giữa họ chỉ là ba hòn máu lạc, sự gắn kết chẳng qua là mái nhà và kỉ niệm. Mà kỉ niệm, giờ còn ai nhớ?

Ngày Chấn trở dạ, con đầm vẩn lên mùi xác thối, cá nổi trắng đầm, cá nổi trắng bờ, những con gió to quật mạnh xuống dòng nước, những cột trắng nước dựng đứng giữa trời, ầm ù những đợt sóng nước xô. Con đầm nổi trắng xác cá tôm, con đầm nổi đen rong đuôi chó. Mùi tanh, mùi xú uế, mùi bùn, mùi nước bẩn tỏa ra khắp vùng. Đứa bé, đứa bé. Nó mọc lên trong giấc mơ của Kiền những cọng râu quai nón, nó mọc lên trong giấc mơ Kiền cánh tay rắn chắc cuộn những thớ, bộ ngực đầy như đắp nổi những ụ bột làm u lên, và bắp chân to, bàn chân to, những sợi lông loăn xoăn chạy hết chiều dài bộ ngực…

Ngày Chấn trở dạ, con đầm sục lên màu đỏ của sóng máu, nước ở đâu dốc về mà đỏ, chưa khi nào vùng này như vậy. Cơn giận dữ của thiên năng ư, quật ngã cá tôm, quật nát súng sen, quật tan đám xác rong đuôi chó, và quật ngã cả lão Thất. Xác lão nổi trắng cùng cá tôm, trôi dập dềnh giữa sóng, xác lão quẩn quanh bên đám thùy mơ được đám rong đuôi chó tụ về và trói chặt.

Lão Thất, con đầm, sóng máu, những cơn dông, trận mưa, xác cá. Những điều lạ lùng chưa từng thấy.

Lão Thất bơi giỏi hơn con rái cá vùng này, lão Thất khỏe hơn một con trâu vào độ mộng. Lão có thể bơi từ bờ con đầm này sang bờ bên kia, phía núi cùng xa tít, đến cả chục cây số ngày nước lên. Lão có thể lặn cả mươi mét sâu mò thuyền chìm giúp ngư dân đánh cá. Lão có thể khoét thủng hà bá để lôi xác người từ tận đáy bùn đen. Sao lão có thể chết? Hay sự giận dữ của thiên năng, trừng phạt một sinh thể bé nhỏ là đứa con tội nghiệp, lỡ lầm của người?

Ngày Chấn trở dạ, người ta lôi xác lão lên, trắng hết cả, mắt, mũi, mồm, bắp tay, cẳng chân bợt bạt, bộ râu và lớp lông cũng phớ ra của bùn đất, ngậm mồm lão lại, ngậm mũi lão, ngậm những nỗi đau bí mật cả tội đồ.

Dân làng vớt xác lão lên, lột quần lão ra, chiếc quần dài chấm gót đã bị cá cắn lôi đi một đoạn, bị rễ cây cứa te tua, tướp tơ đến tận khuỷu. Chiếc quần dài lão mặc quanh năm thâm đen, tanh lờm dưới nước bùn đặc.

Ngày Chấn trở dạ, người ta tuột chiếc quần dài duy nhất đó ra, cho nghi lễ tắm rửa và khâm liệm, trong một công đoạn cuối cùng trang trọng và linh thiêng, để đứa con Chúa Trời câm nín một đời vất vả nhọc nhằn về với Chúa, ở cái xóm đạo nghèo nàn, bé nhỏ và cũng rình rang nhiều chuyện, của đàn bà và đàn ông này. Ra đi thanh thản nhé lão.

Chiếc quần được lột ra… Mọi thứ bằng phẳng, trơn tru, không một gợn nổi, không một khúc đoạn nhô cao, mà thụt lùi, cụt cằn, xù xì và phẳng lặng...

Bố, bố đái cho con xem chim. Chưa khi nào Kiền nhìn thấy lão đái, chưa khi nào Kiền được tắm cùng lão, chưa khi nào được biết cái đấy của đàn ông liệu có giống nhau trong những ngày của dậy thì cục cựa lớn lên ở thằng con trai tò mò muốn khám phá thế giới cùng cơ thể đàn ông và đàn bà nơi gã, chưa khi nào Kiền thấy. Kiền chỉ thấy mẹ phì phạch tắm ở ngoài sân giếng hằng đêm. Trăng sáng quá soi rõ bà, bà dội nước từng đêm trong tiếng thở ra ì ạch của bố, trong tiếng thao thức của con chó đêm, trong tiếng túc túc của bầy chuột tìm thóc và cơn cựa mình không hiểu vì sao thao thức của Kiền nằm bên.

Thao thức như những lần Chấn tắm. Ánh trăng cũng chiếu qua bờ tường nhà tắm dọi đến tận cùng cơ thể Chấn như Kiền vẫn hình dung, dọi đến từng đường cong lớn nơi ngực Chấn, đám lông xuân thì sẽ mỡ màng được tưới tắm bởi dòng nước mát mà vẫn còn nóng nực quá, để Chấn phì phạch cả đêm cùng tiếng gàu múc, tiếng gáo dội, bàn tay vỗ da bì bạch, vỗ lưng, vỗ hông, vỗ ngực bì bạch làm Kiền thức trong này, còn lão Thất thức trong kia.

Ngày Chấn trở dạ, con đầm hục lên màu máu, hục lên tiếng rên than và khóc của Thủy Thần, người già bảo chưa khi nào như vậy. Nỗi đau nào lớn của chúng sinh, nỗi oan nào bi thảm của kiếp người?

Thằng bé được lôi ra từ bụng Chấn, nó khóc oe oe vài tiếng rồi im bặt, nó trân trân nhìn lên trần nhà, như nhìn được cả những cái gờ phía ấy. Nó nhìn chăm chăm không hề động đậy mắt. Nó dán vào một điểm, lặng yên. Nó khác đứa trẻ bình thường khác, không nhìn được xa. Nhưng mắt nó xuyên qua cả cái gờ của thân gỗ mà về phía con đầm. Thằng bé khóc oe lên vài tiếng rồi im bặt.

Kiền lặng lẽ xoay người nó để tìm. Kiền thấy tai nó, tay nó, chân nó, Kiền thấy cả chim nó. Kiền xoay lòng bàn chân, đồng tiền xu tròn xoe đỏ ửng giữa cái gót hồng xinh xắn. Đồng xu tròn ủng, đỏ son nổi giữa màu da trắng hồng, nổi lên rõ nét, Kiền hoa mắt đi, Kiền hoa tai đi. Mắt Kiền không thể trông xa được, không thể xa hơn thằng bé, mắt Kiền mờ đi, nhòa đi bởi cự li gần quá, Kiền chỉ còn nhìn được từ bàn chân nó đến bàn chân mình - cũng đồng xu tròn ủng, bé tí, đỏ son nổi lên ở đó từ ngày Kiền đẻ ra cho đến giờ. Mắt Kiền chỉ trông được gần, từ bàn chân nó, đến bàn chân mình, mắt Kiền không nhìn xa được bằng nó. Đồng tiền xu cứ xoáy lên, đỏ son, tròn ủng, xoáy trong mắt Kiền, xoáy nơi hai bàn chân, xoáy lên bầu trời gió dông, xoáy trên mặt đầm cá tôm, và cỏ dại, câu hò…

Ầu ơ…
Con sông chảy ở nơi nào
Người thương phận mỏng nổi chao cánh bèo
Ai làm cả gió cheo leo
Bắc Nam cách một con đèo mồ côi…


B.T  
(TCSH373/03-2020)



 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Bếp lửa (08/03/2020)
Đỗ Quyên (21/02/2020)
Nhất chi mai (03/02/2020)
Dì Ba chẻ chữ (20/01/2020)
Phượng hoàng (08/01/2020)