Truyện ngắn
Vết trở về trong mưa
09:30 | 29/05/2020

CÁT LÂM      

Tôi mười ba năm 196X. Tôi sinh ra đã không gần thành phố rất may có chuyến tàu muộn vắt ngang. Chuyến tàu muộn không bao giờ đỗ lại. Xe máy về làng phải vượt dốc khó khăn. 

Vết trở về trong mưa
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Tôi gặp chú thím, gọi là chú thím là vì bà tôi bảo phải gọi vậy trong đám tang đã tàn của mẹ. Trong đêm mất ngủ, bà đưa tôi lên chiếc xe bò đi xuôi về đường thành phố, và dặn với theo sau nhiều lần lưỡng lự “nếu không thích cứ xuôi theo đường tàu, hướng mặt trời mọc thì về đến nhà mình”.

Nhưng rồi chuyến xe bò của chú đưa tôi xa dần đường tàu. Đi ngoắt ngoéo đến khi tôi không thể đếm và nhớ nổi bao nhiêu lần rẽ phải. Bao nhiêu lần rẽ trái. Đi thẳng khoảng bao nhiêu bước chân.

Đi mãi, rồi cũng đến. Ngôi nhà nằm lọt hỏm, thấp lè tè giữa những ngôi nhà to đồ sộ, cao ngất trời trong cái ngách sâu thẳm tưởng chừng như vô cùng trên con phố quanh năm tắc nghẽn. Ngôi nhà không có gì hài hòa với phố.

Chú bảo cứ tự nhiên như ở nhà ngay từ bữa cơm đầu tiên sau buổi tôi mang hết sách vở quần áo đến nhà chú trên một chuyến xe bò chiều muộn mệt đứ đừ và quay quắt buồn. Chú cười khùng khục. Thím gắp cho tôi một miếng thịt và giục tôi ăn cho nhanh còn nghỉ. Hạ đôi đũa là thím lại đưa tay lên ngoạch một ngoạch ngang mũi, tôi ngước mắt nhìn thím nhưng trước mắt tôi chỉ là dòng sông.

Tôi muốn tìm cho mình một khoảng để quen, thân hơn với nơi này. Nhưng thị trấn buồn nhiều hơn tiếng ồn ào của xe cộ qua lại và tiếng người kẻ chợ sáng sáng chiều chiều nối tiếp nhau không ngơi giữa những ngày mưa. Còn tôi nhỏ bé ở một góc quá hẹp. Cái gác xép cao hơn đầu thím hai mươi phân có kiễng. Thím tự tay mở cửa sổ hướng về một ngõ cụt cho tan mùi mốc. Ngôi nhà cuối cùng của ngõ ấy không bao giờ tôi thấy mở cửa. Tôi đã đóng lại ngay sau khi thím xuống nhà. Chạm lưng xuống chiếc chiếu còn thơm mùi cói, ngửa mặt nhìn nóc nhà rộp vết vôi bong, sần sùi, rờn rợn, hình ngũ giác đẩy tôi về một dòng sông. Dòng sông màu xanh chưa bao giờ tôi được đặt chân tới. Dòng sông mùa cạn nước đá nằm trơ vơ. Đến mùa nước ngập, sóng ở đâu ập tới tôi chẳng kịp chuyển chân.

Mưa chuyển mùa. Mưa không to nhưng dai dẳng đã ba ngày rồi. Chú vẫn đi như ngày nắng với bộ quần áo công nhân có giặt mấy cũng không đi hết vết dầu nhớt. Trước khi đi, chú đút vào túi áo tôi mười hào và nói, ở đây ngoan ngoãn học giỏi, muốn gì cũng có rồi ra khỏi nhà sau tiếng ken két của cánh cổng khô luyn. Sau đó tôi cũng đi. Nhà chỉ còn mình thím.

Ngước mắt thăm dò thái độ để chào thím trước khi cánh cổng gỗ khép lại, tôi thấy thím cũng đẹp như mẹ tôi trong ảnh. Cái mai quăn áp chặt vào khuôn mặt hơi nghiêng có giọt mồ hôi còn vương trên đó cũng duyên lắm. Thím cười. Cười mà như mếu. Sự trầm tư trên khuôn mặt mà không bao giờ tôi giải mã được. Hỏi chú, chú chỉ bảo thím lúc nào cũng thế. Kệ.

Phố vẫn thế, vẫn những bước chân vội vàng không có chú hay thím dắt đi và những gương mặt chẳng bao giờ là quen. Phố vẫn mưa.

Phía bên kia đường có một bà bán xôi dưới gốc hoa điệp vàng cạnh hiệu thuốc tây. Cái lưng còng, cái áo, dáng đi quẩy tay, tôi thấy bà quen ở mọi tư thế. Một phần hai chiếc áo tơi khoác trên người bà để một phần hai còn lại bao trọn thúng xôi, ba phần tư người bà ướt hết bởi nước từ mái ngói hiệu thuốc tây chảy xuống. Quán xôi có hôm đông đúc chạy tay, có ngày ế ẩm bà bán đến tận quá trưa sang chiều.

Gã đi giày tây đến mua xôi sau tôi một bước. Hắn mua ba hào mà chỉ trả có một. Bà ngước mắt chìa tay: Ông còn thiếu hai hào nữa ạ. Hắn trợn mắt ra điều dọa đánh. Định co cẳng đạp đổ thúng xôi. Bà ôm trọn thúng xôi xoay lưng che chắn. Hắn cười khùng khục, khoái chí bỏ đi.

Phố gầy vì gió. Tôi bạt người vì đói.

Thím bảo đây là nhà của tôi rồi mà sao tôi còn thấy lạ. Về đến cổng mà như mình đang đi lạc. Thím ít nói. Lần nào tôi về thím cũng đang mải miết may. Thấy tôi đẩy cửa vào thím chỉ quay ra nhìn như phản xạ tự nhiên thỏa mãn tính tò mò. Biết rồi lại quay vào làm tiếp như không có sự hiện diện của tôi.

Hôm nay, tôi thấy thím cười với một người đàn bà khác. Người đàn bà và cũng là vị khách đầu tiên vào nhà, từ ngày tôi đến đây. Người đàn bà có cái mông to và giọng nói ồm ồm. Người đàn bà với khuôn mặt dày bì phấn son. Mặt bà nhếnh mồ hôi, phấn son thêm phần nhòe nhoẹt. Bà nói nhiều. Chủ đề là những người đàn ông ngoại quốc, về thời trang, về phấn son hàng hiệu, về cách trang điểm cho xinh và hàng ngàn những thứ xa lạ khác. Đang nói, bà ợ lên một tiếng rất to, lè ra một miếng thịt khá dày còn vướng ở cổ họng có lẽ là ăn từ sáng. Bà bảo thịt trâu. Bà vừa nhai miếng thịt vừa dè bỉu. Bà nói, tóc thím để quê quá. Già quá. Bà chê cái áo thím mặc cũ quá, da thím sạm quá. Phải đi ra ngoài đàn ông mới biết được giá trị của mình. Phải biết những thứ tân tiến. Phải có tiền, phải biết những thứ sướng của cuộc đời. Phải cả trăm thứ.

Bà kể về những người đàn ông từng đến với bà. Những người đàn ông ngoại quốc. Họ là người lính Pháp hay Nhật gì đó hoặc cả người đàn ông Nhật và Pháp đều đến với bà. Bà nói họ đều hứa sẽ đưa bà đi nơi này nơi khác. Sẽ cho bà những điều chưa bao giờ bà thấy. Bà bảo kệ. Bên nào hơn bà sẽ theo. Như thế sẽ có nhiều lựa chọn.

Tôi cầm chổi lan lia nhanh lá cây trứng gà. Nước mưa, bụi, dính bệt xuống sân. Tôi lia mạnh cái chổi, tiếng ồn thêm to. Thời gian từ tôi quét sân, tiếng máy của thím và giọng nói muốn lấn áp của người đàn bà giống như ba hòn bi ve ném vào hộp gỗ. Lổng cổng.

Cửa phòng còn vương lại dấu vết của mưa là một chút ẩm mốc, là hình con ếch trên bức tường hoen ố. Tôi nhìn mãi vào miệng con ếch mà không đoán được nó đang ở trạng thái gì. Khoảng trống ấy cứ xoáy chặt lấy tôi. Để đoán. Ban đầu là thế nhưng sau rồi là một khoảng trống. Và quay ra trời đã tối. Mải miết ngắm, tôi quên mất người đàn bà đã về từ khi nào.

Nhà lúc nào cũng đợi chú về mới lên đèn. Cơm tối mới ăn. Thím mới bắt đầu đi tắm. Gần đây, thím bật đèn sớm và ngồi trước gương nhiều hơn.

Một sáng. Người đàn bà lại qua. Bà khóc ông ổng đẩy cổng vào. Cặp mắt sưng húp, có lẽ do khóc cả đêm. Đi thật rồi.

- Rặt là những tên lừa dối. Chúng đang lên thuyền về nước. Mặt buồn như chó cắt tai. Thằng ấy vẫn còn ba cây vàng với tiền ba đêm chưa trả.

Sao không đi đòi? Nhìn khuôn mặt thím tiếc của đến tím tái còn hơn người đàn bà kia.

Bà nhìn thím bĩu môi, nguýt một cái thật chua rồi nguây nguẩy bỏ đi như thể có lửa hơ dưới mông. Rất lâu sau không thấy quay lại. Có thể bà vẫn đang còn đau khổ. Có thể bà đã sống cuộc sống khác hơn vì đã rút cho mình bài học xương máu.

Những cơn sốt cao buộc chân tôi ở nhà. Giấc mơ về đỉa bám chặt lấy chân mình. Nó hút máu mà tôi rứt mãi không ra. Rứt ra rồi lại đứt ngòi và thành một con mới. Giấc mơ về sự mất mát. Nó cứ lặp đi lặp lại khiến mỗi lần tỉnh dậy tôi quay quắt buồn.

Trong cảm giác quay quắt buồn là tôi giận vô cùng khi chú thím lại to tiếng. Họ không biết rằng tôi cần một khoảng không. Họ không biết rằng tôi cần một cái ôm hay đơn giản là một cốc sữa nóng tức thì. Thím tẩm ngẩm không nói ấy vậy mà khi hét lên cũng đanh và ngoa lắm. Chẳng hiểu đã nói gì mà thím hét lên theo đó là tiếng vỡ tan tành của cái bình hoa. Nhiều lần thấy thế tôi co rúm người như cây hoa xấu hổ. Nhưng sau này tôi thấy mình như loài mực, sợ mà vẫn phải tiến lên và tàng hình.

Tiếng cửa đập vào tường chát chúa. Tiếng giày... công nhân của chú lại lao vào mưa, rẽ vũng nước tù đọng trước cửa. Tôi như đang bị giằng co giữa một bên là dòng nước cuốn tôi trôi mãi trong cơn mưa lũ. Một bên là sự rượt đuổi, lần mò, tìm cho mình một chút gì trong cơn đói khát ở một vùng hạn hán. Một cốc nước rõ ràng để trên bàn mà bao nhiêu người tranh giành muốn uống. Dòng lũ cứ trôi, còn tôi chỉ bám được vào một cây dong riềng.

Thím dập từng bước leo lên cầu thang. Tôi đoán được thím đang ở bậc bao nhiêu. Thím nói như hét bên tai. Sự cáu kỉnh của thím khiến tôi muốn buông xuôi, thả mình nghiêng về bên dòng nước. Nhưng bà lại vẫy tôi về cho một nắm xôi. Bà sẽ chết khi tìm tôi không thấy. Ý nghĩ đó kéo tôi trở về. Ngồi bật dậy ngước mắt nhìn. Chỉ mình thím thôi.

Đôi mắt thâm quầng còn chưa khô nước mắt vương lại sự sợ hãi nhìn tôi rồi lại nhìn khoảng không vô định. Mái tóc búi quả ổi nay buông thõng buộc bằng một dây nơ. Tôi cứ nhìn mãi không chớp. Tôi tự hỏi thím cần cái gì trong sự im lặng trước đó tôi không biết. Và giờ thím cũng cần điều gì. Tôi đang cần điều gì. Đầu tôi lại miên man ý nghĩ như lại đang trở về dòng sông. Thật ra, trước nay tôi chưa bao giờ được nghe hoàn thiện một câu chuyện giữa chú và thím.

Vì sao. Vì cả trăm ngàn lý do. Vì đang ăn cơm thím có thể bỏ dở giữa chừng đi về phòng. Vì tôi ăn cơm trước để đi làm một việc gì đó mà quanh quẩn trên cái gác xép đó thôi. Hay đơn giản là tôi trốn tránh thích được ở một mình hơn là những cuộc nói chuyện vô nghĩa. Ngay cả cuộc to tiếng của chú và thím. Tôi cũng chỉ nghe thấy giọng gào thét và đập phá từ phía thím. Tiếng thét rất nhòe, nghe không rõ. Sự nhạt nhòa của nơi này khiến những sự liên kết dần rơi rụng.

Tôi vùng mình ra khỏi chăn khi thím vẫn còn nhìn lơ đãng về phía cây trứng gà bên cái máy may. Tôi đi ra cổng mà không chào thím. Trong tôi lúc này chỉ là sự bứt rứt khó tả mà nếu nó là một thực thể tôi sẽ đưa lên mồm cắn cho thỏa. Tôi sẵn sàng tuyên chiến nếu thím nói thêm một lời nào. Nhưng thím cũng không nói gì cho đến khi tôi đi khuất.

Đi dưới mưa trong tôi bắt đầu nhẹ dần, dễ chịu dần. Nước mưa không đủ to để đường phố nổi bong bóng. Bước ra cổng là tôi đi về phía đường bên tay trái. Con ngõ bên tay phải chưa bao giờ tôi đặt chân qua.

Người đàn bà bóp còi inh ỏi. Tôi đã tránh rồi, nước vẫn bắn ngang chân. Đôi giày tôi ướt một vệt, quần tôi bẩn một quệt. Người đàn bà còn quay lại mắng tôi đi ngu thế. Rồi lại bấm còi inh ỏi lao vào cái ngõ hẹp. Tôi đứng nhìn cho bà ta đi hút bóng mới bước tiếp. Còn nốt cái đuôi xe là chưa hút bóng, bà ta đâm phải hòn gạch ba banh. Bánh xe quay tròn. Bà ta bất tỉnh. Nhiều người quây lại bên bà ta chật kín cái ngõ hẹp nhưng chỉ có hai người nâng bà ta lên và gọi cho bà ta tỉnh lại.

Tôi bước ra phố bắt đầu bằng con dốc dài. Đầu con dốc có một đám tang. Bốn người khiêng quan tài có gắn luôn di ảnh đi qua tờ cáo phó. Ngước mắt nhìn lên. Người đàn bà bán xôi. Bức ảnh đen trắng chụp người đàn bà ngồi nghiêng buông tóc. Không thể lẫn vào đâu được cái nốt ruồi to, phá tướng dưới đuôi lông mày. Trong bức ảnh bà không cười nhìn về hướng xa xôi.

Đám tang không một tiếng khóc tiễn đưa. Không vòng hoa cũng không cờ, trướng. Đám tang giảm đến bần tiện. Vẻn vẹn có bát cơm quả trứng với vài thẻ hương. Đám tang chỉ có bốn người đàn ông khiêng và một người gõ phách bịt khẩu trang cố gồng mình khiêng quan tài vượt qua ngõ dốc và hẹp. Họ đặt quan tài như vứt lên xe rồi đẩy nó nằm cho ngay ngắn. Tiếng va đập giữa chiếc quan tài với đế sắt kẽo kẹt, tiếng kĩu kịt của bánh xe khô luyn và mùi sắt rỉ dính nước mưa tanh ngóe. Bốn người khiêng giờ chỉ còn hai người kéo đi về hướng nghĩa trang ngoài thành phố. Chốc chốc, ông gõ phách lại dừng lại để rắc lên quan tài lọ dầu gió và nước hoa rẻ tiền cho đỡ mùi. Đám tang không làm tắc đường nhưng chốc chốc lại có người giục đi nhanh lên. Đám tang đi qua quán bán hoa, người ta đuổi rồi còn đốt vía. Phía bên kia đường quán cháo lòng vẫn đông.

Cái thứ mùi đưa ra từ quan tài làm miếng lòng của họ mất ngon. Người bán quán văng câu chửi tục.

- Đ. Đi nhanh lên, mùi thế ai dám vào ăn.

Khách đang ăn chau mày khó chịu. Họ ngước mắt nhìn thỏa tò mò rồi thôi. Ai đó còn buông câu hờ hững: “Chết rồi vẫn còn hành thiên hạ”.

Đám tang của mẹ tôi luôn muốn quên đi hôm nay lại trở về. Đám tang không có vàng tiền tiễn đưa. Đám tang người ta chỉ sợ lây bệnh, không cho chôn cất cùng người làng. Mẹ nằm lại ngoài bờ đê quay về hướng bắc. Bà bảo qua ba năm sẽ xin cho mẹ về nghĩa trang làng.

Tiếng bánh xe khô luyn chuyển động kĩu kịt thê lương không làm phố chậm lại. Hương bay nghi ngút tạo thành một vệt trắng ngang đầu. Trong giây lát nó tan biến như chưa bao giờ tồn tại. Phố đông người nhưng có ai để ý. Đi qua nó có lẽ cũng không biết mình đã phá ngang, làm khói hương đứt đoạn.

Tôi lững thững đi theo, người đẩy xe tang quay lại mắng:

- Không thấy thối à mà còn lẽo đẽo theo sau.

Tôi ngước mắt nhìn, họ giơ tay dọa đánh. Đứng lại nơi góc phố nhìn bức ảnh người đàn bà đi qua tôi rồi xa mãi, nhòe dần trong mưa.

Lòng chưa muốn về nhưng phải về. Tôi mở cổng, đón chào bằng giọng nói của người đàn bà mất hút lâu ngày. Tôi cứ nghĩ bà đã rút cho mình kinh nghiệm và tử tế hơn thế, những câu chuyện của bà vẫn vậy.

Bà khoe với thím mới quen được người đàn ông Mỹ. Hắn ga lăng và khỏe. Thím nháy bà ta nói nhỏ vì sợ tôi nghe thấy. Bà mắng lại: Sợ gì, nó còn nhỏ không biết được đâu.

Tôi cũng như không biết đi thẳng lên gác xép. Họ đang nói với nhau về kiểu tóc. Bà ta hứa sẽ thiết kế cho thím một kiểu tóc ưng ý. Hóa ra bà ta đã từng là thợ cắt tóc ở đầu phố. Trong phút chốc mái tóc đen dài mượt mà, óng ả của thím nằm rối tung mù, ghê rợn dưới đất, thay vào đó là một kiểu tóc rất tây ngắn củn ngang tai chỗ dài chỗ ngắn. Cái mặt hơi xương của thím tự nhiên như bàn tay chéo. Không hợp chút nào với cái áo cánh cổ tròn và quần sa tanh đen thím đang mặc trên người. Bà ta khen như thế mới thời trang, như thế mới phong cách và lại ợ lên một tiếng rất to. Lại tóp tép nhai cái gì đó trong miệng. Bà bảo, chỉ cần một chút phấn son và thay bộ quần áo tây, đôi giày cao gót nữa là thím bắt mắt được khối ông, không phải quanh quẩn xó bếp với thằng chồng vừa đần vừa thô.

Thím ngượng ngập, đứng co rúm trông buồn cười. Người đàn bà bắt thím phải thoải mái, bắt thím làm đủ những tư thế. Nhưng bà ta nhắc câu trước câu sau thím lại đưa tay lên ngoạch ngang mũi.

Còn tôi nhìn thím là hình dung ra cái bình hoa bị vỡ, gắn mãi không thành.

Căn phòng tôi quên không đóng cửa sổ. Bọn chim chích chòe bay loạn xạ khi tôi đẩy cửa phòng vào. Mưa hắt ướt một khoảng sàn nhà. Gió cuốn làm tung chiếc rèm cũ bám đầy bụi.

Tôi nằm dài trên giường nhìn chiếc bóng tuýp đang ngắc ngứ già muốn cháy cho đến khi chú về.

Chú về cứ đứng mãi ngoài sân nhìn lưng thím không nhận ra. Khi nhận ra rồi chú tìm con dao đòi chém chết quân lăng loàn. Mắt chú đỏ ngầu, mặt chú tái đi như thể muốn nghiền nát tất cả. Từ lá cây trứng gà đổ đi. Chú giống con ngựa gặp phải hơi mèo già. Bốn người giữ vẫn để chú buột mất. Trong phút luống cuống tôi không nhớ mặt được đã có những ai. Chỉ nhớ có hai người áo xanh màu trứng sáo và một ông bán cháo quẩy. Chú hăm hăm đuổi theo thím và người đàn bà ra cổng. Hậu đậu thế nào ngã nháo nhào cả hai. Cả xóm thót tim phen này hai người đàn bà sẽ chết. Tôi vớ được cái chổi lan lia ngang chân chú chạy. Chú ngã rúi rụi, con dao văng ra, hai người đàn bà chạy thoát. Chú thở phì phì, lao thẳng ra giếng dội nước ào ào.

Bữa cơm chỉ còn tôi với chú. Chốc chốc chú lại lườm một cái, rồi lại nhìn thách thức một hồi. Cứ thế. Chú nghĩ gì bực mình ném đôi đũa bắn vung rồi bỏ ra ngoài hút thuốc lào.

Những ngày này chú gầy hơn trước. Chú không cười và hút thuốc lào ngoài hiên cho hết đêm không chịu vào nhà. Chú chống cái điếu cày ngủ gục. Không lâu lại buông tiếng thở dài. Lâu lâu lại tỉnh dậy vỗ muỗi. Chú già đi trông thấy.

Chú mang chai rượu lên phòng tôi ngồi, hỏi nằm thế có lạnh không?

Tôi ngồi vụt dậy, ngước nhìn chú sợ sệt, tự ý ngửa hai cái chén. Chú rót cho tôi một chén tràn. Không mời, không cụng, chú làm một hơi.

- Có lẽ phải đi thôi, đi để giết bọn chó chết. Đi để giết bọn phá hoại. Biết thế này ngày xưa đi quách cho xong. Chú đã từng giả điên trốn lính để ở nhà lấy vợ. Mua cái chân công nhân hết tám mươi ba nghìn vay lãi. Tưởng thế là yên ổn, vợ đẹp con khôn đến hết cuộc đời. Ai ngờ nhục như chó. Hê hê... hê hê... Chú cười cay đắng.

Không khí cứ thế trong nhiều ngày. Cái bóng tuýp già đã cháy thật. Nó tắt ngóm. Tôi bật thế nào cũng không lên. Tôi dùng đèn học hai mươi lăm oát. Rồi nó cũng nổ vì quá tải. Tôi mở cửa sổ nhờ ánh sáng của đèn đường.

Một lúc tôi ngủ thiếp. Câu nói của bà bỗng trở về bên tai. Nếu không thích cứ đi dọc đường tàu xuôi về hướng mặt trời mọc là về đến nhà mình. Tôi vùng dậy khỏi chăn. Đem cho mình một chiếc áo. Không quá dày. Chú đi đâu đó hôm nay không về nhà. Tôi mở cổng và đi khi mặt đất mang màu tím than, gà gáy râm ran và tôi đi theo quán tính. Ban đầu là con đường quen thuộc đến trường.

Tôi cứ đi theo hướng mình nghĩ là sẽ tìm được đường tàu. Thực tế tôi cũng không nhớ mình đã đi bao giờ chưa. Đường vắng, sương giăng, mưa ướt. Cho đến khi trời mờ đất tôi biết mình đang ở một khoảng của cánh đồng. Cỏ còn ướt sương. Trời hơi lạnh nhưng mồ hôi tay tôi đổ. Đường trơn nhầy nhụa, chân tôi đi dôi dép rách, mòn đế dính bệt xuống bùn toạc thêm một đoạn. Bước một bước bùn bắn lên gáy một vệt. Tôi xỏ vào hai tay hai chiếc dép và đi. Thất thểu giữa cơn mưa trắng trời, nhòe nhoẹt chỉ có mình tôi giữa đoạn đường dài như vô tận.

Trời sáng hẳn, đường bắt đầu đông. Người đi ngược, người đi xuôi trên con đường nhầy nhụa đất sét. Người gánh trên vai thúng cà chua nặng trĩu. Người đèo trên xe tải ngô cao ngất ngưởng. Họ cũng bấm chân để vượt qua đoạn đường ấy. Nặng nề, chậm rãi.

Tôi đi đâu để tìm được đường tàu?

Một chiếc xe bò đi xuôi chiều với tôi. Xe chở rơm và một cô gái áo hồng. Cô gái cười giòn tan khi con bò đứng đái. Tôi đi theo chiếc xe bò có cô gái mặc áo hồng có cái xúc xắc nghe vui tai. Điều gì đó khiến tôi tin đi theo họ tôi sẽ tìm được đường tàu.

Thấy tôi đi theo, cô bé nhìn chằm chằm. Cô hát một đoạn nhạc gì đó mà tôi nghe thấy nhẹ lòng, có động lực đi tiếp mà quên đi cái đói.

Đi qua đoạn đường xấu, cô xin bố cho tôi ngồi lên. Ông bố quát đừng nói linh tinh mà ngã bổ nhào xuống đất vỡ đầu biết chưa. Ngồi im.

Cô bé nghe lời bố ngồi im như thóc. Đoạn thấy tôi mệt, cô bé lại kêu lên. Bố ơi anh ý mệt lắm rồi, cho ngồi cùng đi. Ông ấy lại hét. Ngồi lên đầu con à. Ngồi im. Họ lại ngân lên câu hát để vượt qua đoạn khó khăn.

Thế rồi xe bò đi vào ngõ hẹp lắm, đường vòng và kết thúc bằng ngõ cụt.

Họ về đến nhà còn tôi đi đâu?

Trời bắt đầu le lói nắng buông.

C.L  
(TCSH374/04-2020)



 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Giọng hát (14/05/2020)
Bếp lửa (08/03/2020)
Đỗ Quyên (21/02/2020)
Nhất chi mai (03/02/2020)