Truyện ngắn
Chuyện không có tên gọi
09:15 | 28/08/2020

TRẦN LÊ TUẤN

Tôi tỉnh dậy lúc hai giờ sáng.
Hình như có cái gì đang đập liên hồi vào đầu. Đau lắm. Đau đến không mở mắt ra được.

Chuyện không có tên gọi
Minh họa: Phạm Lê

Thôi chết! Hình như tôi đang nằm trong bệnh viện. Mùi cồn, mùi ête, thuốc tây xộc vào mũi. Sao bây giờ tôi mới nhận ra điều này nhỉ. Ngạt thở, tôi muốn chồm dậy, song không sao cất đầu lên được. Hình như có ai đó đã buộc chặt tôi vào thành giường. Đôi tay tê dại chừng như máu đã đông cứng trong cơ thể mất rồi.

Tôi cố xoay người. Nặng quá, ai lại đặt lên ngực tôi những viên đá tảng to thế. Toàn thân tôi không chịu tuân thủ theo sự điều khiển của trí não. Rắc... rắc... xương sống tôi đang muốn rão ra từng đốt:

- Anh tê! Nằm yên không chết bây chừ! - giọng một cô gái Huế cất lên nghe xa lắc xa lơ. À, thì ra có người!

- Tôi đang ở đâu thế này?

- Anh đang chữa bệnh!

Thế là chết rồi. Bệnh viện, cái nơi mà tôi cực ghét bây giờ lại đang ám tôi đây. Làm sao đến nông nỗi này hở trời?!

Từ bé đến lớn, tính ra số lần tôi vào bệnh viện chưa đủ để đếm hết mười ngón tay. Đau ốm gì, tôi cũng cứ nằm lì ở nhà. Cứ nghĩ đến cảnh nằm trên những chiếc giường sơn trắng lỗ chỗ ghẻ guốc, mùi thuốc tây, tiếng kêu thét của bệnh nhân là đã phát rùng mình. Lại thêm thái độ phục vụ, điều trị của các vị "Lương y như từ mẫu" có căn bệnh di truyền từ thời nào thời nào đến giờ, cái bệnh dễ nổi cáu bất cứ lúc nào... Chết thật!

Thế mà bây giờ tôi lại nằm viện.

Bệnh viện nào ở đây nhỉ? Tôi vụt hoảng hốt và nhớ lại tất cả. Sao lại ghê gớm đến thế được! Mới chiều qua tôi còn lang thang ngắm nhìn thiên hạ của Sài Gòn cơ mà?

Vậy là vô phương cứu vớt cho hoàn cảnh của tôi bây giờ.

Bia!... Bia!... Thật oan cho tôi!

Cứ nghĩ đến đoàn xe chở hơn năm mươi tấn xi măng mà tôi có trách nhiệm áp tải đang nằm chờ trên bến mà toát mồ hôi.

Hôm qua, sau khi đã làm xong mọi thủ tục giao nhận hàng thuê người bốc vác xi măng lên xe, tôi yên tâm bàn giao trách nhiệm cho các chủ xe rồi thong dong cùng mấy người bạn làm ăn ở Sài Gòn đi nhậu. Lúc ấy thật phơi phới. Trong tôi chẳng bợn một chút băn khoăn, áy náy gì. Có chăng chỉ để cười ông giám đốc lẩm cẩm của mình. Chẳng hiểu thế quái nào, đường đường là một vị giám đốc, bí thư chi bộ của công ty mà mê tín hơn cả các bà nhà quê. Hôm tôi đi nhận hàng ông ta bảo:

- Hôm nay ngày bảy, "chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba!" Thôi để ngày mai đi.

Sốt ruột vì sợ mất mối hàng tôi bảo:

- Không chết đâu mà anh lo!

- Không chết, không chết nhưng để mất toi nó bạc triệu của nhà nước rồi tôi cùng vào tù với anh à?

- Thế là ông ta quyết bắt tôi phải chờ sang ngày hôm sau. Chiều qua, tôi xoa tay thở phào, yên chí đi nhậu một bữa cho bõ những ngày chạy long tóc gáy vừa qua để sáng hôm sau lên xe đưa hàng về công ty.

Tôi còn nhớ, lúc ấy khoảng 7 giờ tối. Sài Gòn choáng lộn những dãy nhà cao tầng, những ánh đèn màu lấp lóa. Bọn tôi gồm bốn thằng đàn ông bước vào khách sạn - cái khách sạn lớn cỡ nhất nhì Sài Gòn. Có tiền mà không xài cũng uổng, vả lại lâu lâu mới được đến với "hòn ngọc của Viễn - Đông" nên tôi đi, thế thôi. Thực tình, nhìn vào cái khách sạn nổi tiếng của thành phố nổi tiếng này tôi vẫn thấy nó kệch cỡm thế nào ấy. Bàn nào, góc nào cũng ngồn ngộn những ông to bà béo. Những khuôn mặt láng mỡ, nhờn nhờn son phấn.

Ngồi cạnh bàn của chúng tôi là hai người đàn ông râu ria, tóc tai xồm xoàm cùng hai cô gái trạc hai lăm hai sáu tuổi. Cô nào cũng "mắt xanh mỏ đỏ”. Thú thật tôi chẳng có mấy cảm tình với những cô gái thích có mặt ở hàng quán hơn là ở trong bếp núc nhà mình. Nhưng kệ họ tôi cũng chỉ nhìn qua thế thôi. Việc của chúng tôi vào đây đâu phải để ngắm họ.

Tôi ghé sát vào bộ mặt bự phấn của một cô:

- Cho anh một thùng "con cọp" em nhé!

Thế là uống. Có những món nhậu từ bé đến lớn tôi chưa hề biết bao giờ. Tôi cứ lúng túng mãi với bộ đồ ăn rất "Tây" mà người ta đưa ra. Trên bàn, mấy bộ “lẩu" hừng hực than hồng. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì thì khó quen và phải đòi hỏi thời gian chứ việc uống mà nhất là ăn ngon chẳng phải đòi hỏi nhiều lắm. Vả lại mấy anh bạn đất "Sài thành" lại rất điệu nghệ, thông cảm cho anh bạn "nhà quê chân đất" là tôi đây nên chẳng nề hà gì bày vẻ cho tường tận cách hưởng lạc.

Chẳng mấy đỗi tôi đã chếnh choáng. Làm sao mà đọ nổi với các "anh hai Nam Bộ" về khoản này được. Cái giống bia bọt này, uống vào nên biết điều mà cố nhịn đi vệ sinh. Cứ đi một lần là phải đi mãi. Tôi đã có kinh nghiệm một vài lần ở nhà song cũng không sao nhịn được. Bốn cái "thùng không đáy" hơn một tiếng đồng hồ đã đổ gần hết hai thùng "con cọp" rồi còn gì. Tôi đã phải đứng lên ngồi xuống đến hai ba bận nhưng cũng không sao chịu nổi. Bụng dưới tức anh ách. Bây giờ thì chẳng còn sung sướng gì mà còn ngồi ăn nhậu nữa. Ai cứ bảo được đi nhà hàng là sung sướng chứ tôi đây, tôi cho là một cực hình. Mới biết có tiền nhiều cũng chưa hẳn là hạnh phúc. Tôi chỉ mong các "anh hai" nhanh nhanh đi cho để cho thoát nợ, cho dù mùa đông mà ngồi trong khách sạn có điều hòa nhiệt độ thế này kể cũng khoái.

Nhưng họ nào có chịu. "Rượu vào lời ra", họ cóc cần đếm xỉa gì đến yêu cầu của tôi. Trong cuộc nhậu, anh nào "đổ" trước sẽ trở nên người thừa.

- Lại nhấp nhổm chi đó! Muốn đi mở "rô mi nê" hả? Thì đi đi! Đi không nổi tụi này giúp - Anh bạn lè nhè nói với tôi thế.

- Khỏi đi! - Tôi vùng vằng, chếnh choáng đứng dậy.

Bước vào toa-Iét lần này tôi đã phát lộn mửa. Mấy lần trước chưa say nên chưa thấy gì. Càng say mới càng ghê tởm nhà vệ sinh của một nhà hàng lịch sự thế này. Tôi nôn thốc nôn tháo ngay trước cửa nhà vệ sinh. Bao nhiêu đồ ăn thức uống theo nhau tuôn ra. Lúc ấy tôi lại có ý nghĩ rất ngộ nghĩnh, chưa biết chừng lần này mình lại tuôn ra cả ruột già ruột non nữa chứ chơi. Nếu thế thì lỗ quá. Đầu tôi đập vào nắm đấm cửa đau điếng. Nhưng sao thế này? Lúc nãy tôi đã để ý bước vào phòng nam thế mà bây giờ? Khi cánh cửa bị giật ra, lại chồm hổm ở đây một cô gái. Trời ạ! Lại chính cái cô ngồi ở bàn bên cạnh tôi. Cô ta ngồi, mặt mũi đỏ gay, tóc tai xõa-xượi, đầu gác lên chiếc vòi xả nước.

Cô ta cứ ngồi yên như thế, làm như không nghe tiếng cửa mở, không thấy tôi bước vào. Cái khoản cần giấu của người phụ nữ cô ta cũng cứ để tô hô trước thanh thiên bạch nhật. Say bí tỉ tôi cũng còn biết xấu hổ. Đang định quay ra thì nghe cô ta nói, giọng nhão nhoẹt:

- Xin lỗi anh hai... nghe! E... m... say quá!

Không hiểu sao lúc ấy tôi lại cười được, giọng cười của tôi cũng nhão nhoét:

- Anh cũng... xin lỗi em nhé!...

Cô ta nhìn ra cửa, thấy đống "sản phẩm" tôi vừa cho ra nói:

- Anh hai cũng biết chơi xấu sao? Uống với bạn bè mà đi "cho ra" một mình vậy.

Mặc mẹ cô, muốn nói gì thì nói, tôi còn phải làm "nghĩa vụ" cho cái thân xác của tôi đã. Tôi kéo khóa quần ngay trước mặt cô ta. Ngượng ngùng quái gì, giờ thì cô ta còn sức đâu mà thấy gì. Làm xong xuôi cái việc của mình, tôi quay lại nhìn cô gái. Đầu cô ta ngoẹo hẳn sang một bên, mắt nhắm nghiền, dãi dớt tuôn thành dòng. Tôi lay vai cô gái:

- Này! Tỉnh đi chứ. Anh đưa em lại bàn nhé!

- D... a... ạ!

Hai kẻ say dựa vào nhau ra khỏi nhà vệ sinh.

Thật phiền toái cho tôi! Vừa đến gần bàn, tay rậm râu cùng bàn với cô gái nọ đã hùng hổ tiến sát đến, chỉ tay vào mặt tôi:

- Nè! Ai cho mày động đến "người đẹp" của tao hả đồ khốn. Không chút nề hà, vừa dứt câu hắn đã vung tay. Cáu quá, tôi đẩy nhanh cô gái về phía hắn:

- Này đây! Người đẹp quý hóa của mày!

"Bốp"! Bàn tay hộ pháp của hắn đã vả trúng mặt cô gái vừa lỡ đà. Gạt cô ta sang một bên, hắn nhào vào tôi. Khốn nạn cho hắn nhào đúng tầm đầu gối tôi vừa đưa lên. Hắn hộc lên và đổ gập xuống bàn.

Thằng bạn hắn rất nhanh vớ ngay cốc bia còn đầy nhằm mặt tôi ném tới. Hắn ném trúng đích. Tôi xây xẩm mặt mày gục xuống. Lúc ấy không biết có máu không nhưng bia thì xối đầy tóc tai mặt mũi tôi. Đầu tôi đập vào cạnh bàn, chỉ thấy loang loáng bóng người qua lại. Mảnh thủy tinh lấp lóa dưới chân. Ba "anh hai Nam Bộ" của tôi không kịp can thiệp vì quá bất ngờ. Người ta đổ xô đến ầm ỹ cả khách sạn.

* * *

Giờ thì nằm đây. Tôi linh cảm như có điều gì đó hệ trọng hơn cả việc bị đánh đang đến với mình. Không! Làm sao chuyện ấy có thể xảy ra ở đây được. Nhưng còn giọng nói kia, sao lại giống đến thế? Đấy thôi:

- Anh nằm yên nghe! Cục cựa là đau đó. - Giọng nói sao mà dịu dàng, thân quen. Không trời ạ! Đừng để tôi gặp cô ấy lúc này. Tôi quên khuấy mất đoàn xe hàng của mình. Nó có nghĩa gì với tôi bây giờ nếu quả đây là em. Thúy! Có phải em đấy không? Bao lâu tưởng đã quên, chẳng lẽ giờ lại gặp nhau ở đây?

Có tiếng cửa mở lách cách; tiếng của một hai người đàn ông gì đó:

- Chào bác sỹ! Hắn đã tỉnh chưa?

- Chưa mô anh công an ạ! - Giọng cô gái.

Tôi thót người. Công an? Tôi làm gì mà phải dính đến công an? Sao đợt đi này lại rách việc đến thế.

- Liệu bao giờ hắn có thể nói chuyện được, bác sỹ - vẫn giọng người công an ấy.

Tôi muốn vùng ngay dậy nhưng như có ai đó đang muốn ấn chặt đầu tôi xuống giường.

- Chi mà gấp rứa anh công an hè? - Giọng cô gái bắt đầu xẵng.

- Hắn đang áp tải hàng bác sỹ ạ! Chúng tôi lấy được giấy tờ trong túi áo hắn. Không biết hàng họ bây giờ ra sao?

Ra thế, giờ thì tôi có thể nằm yên giả như không biết gì. Nhất định hàng của tôi sẽ được bảo vệ bằng mọi cách. Thêm nữa, tôi không muốn giáp mặt người nữ bác sỹ lúc này dù đó có phải là Thúy hay không.

- Hắn ta đánh nhau bác sỹ ạ! Giành gái ở nhà hàng. Thật phiền cho mấy ông "con trời" thừa tiền - cha công an nói, giọng ken két.

Thật tai hại nếu người bác sỹ đúng là Thúy. Cô nghĩ gì khi nghe người ta nói như vậy về tôi, người thanh niên ngày nào mà cô quý mến?

Người nữ bác sỹ vẫn nhỏ nhẹ:

- Là chi nữa thì nhiệm vụ của chúng tôi cũng là chăm sóc người bệnh- anh công an ạ!

- Sáng mai chúng tôi đến được chứ?

Bác sỹ nói như muốn đuổi người nói chuyện:

- Mai anh ta sẽ tỉnh, tôi chắc như vậy. Còn bây chừ thì khuya lắm rồi để người bệnh nghỉ một chút!

Họ đi ra, căn phòng như lắng lại. Im ắng lạ lùng. Chỉ nghe tiếng ro ro rất nhỏ của chiếc bóng đèn néon trên trần phòng. Đầu tôi ong ong. Chắc họ cho uống thuốc ngủ hay thuốc mê gì đó. Nhưng tiếng nói của cô gái như có cánh, cứ lởn vởn khắp phòng ám ảnh tôi mãi. Tiếng nói nghe quen thuộc quá. Bao nhiêu năm qua mà âm sắc vẫn thế, cái giọng Huế dù mất đi vẻ thơ trẻ song không thể trộn với giọng nào khác. Mê tỉnh chập chờn, chẳng biết tôi có thốt ra lời hay không - "Thúy ơi!".

Không ai trả lời, chỉ có một bàn tay ấm áp đặt nhẹ lên trán tôi. Tôi chìm vào cơn mê, trở lại những ngày xa lắc.

* * *

Tôi từng có chuỗi ngày đẹp như thế. Bây giờ thì chừng như nó đã đi vào cổ tích và chính tôi cũng nghi ngờ tính xác thực của nó. Làm gì trên đời có một thằng đàn ông tốt bụng và một thiếu nữ đầy bản lĩnh như thế.

Hồi ấy tôi khoảng hai mươi hai mốt tuổi. Mới học xong phổ thông hai năm, thi trượt đại học, tôi rong chơi vô nghề nghiệp.

Hôm ấy là một ngày hè nắng dữ dội. Cái nắng của miền Trung có thể thiêu cháy bất cứ vật gì nếu đó không phải là con người. Cũng may là thành phố quê tôi nằm sát biển. Biển xoa dịu cho con người cái nhức nhối của những cơn nắng quái hành hạ.

Tôi lang thang ra biển, trốn nắng trên bãi cát ẩm dưới những cây dừa tơ. Cả những hàng phi lao nữa. Chúng như không biết sợ bất cứ thứ gì trên đời.

Ở đó tôi gặp em, cô bé năm ấy mới mười tám tuổi.

Vừa thi đậu đại học Y khoa, đang chờ hết hè để nhập học, em từ Huế vào thành phố Hồ Chí Minh thăm anh chị đang công tác ở trong đó. Đến Quy Nhơn phải chờ để chuyển tàu đi tiếp, em mất hết đồ đạc khi vừa chen ra khỏi cửa ga. Nhưng đấy là mãi về sau tôi mới biết. Còn lúc ấy, tôi quanh quẩn bên em nhưng chẳng biết làm gì, nói gì để làm quen.

Một thằng choai choai thấy em ngồi một mình trên ghế đá của công viên liền sán lại:

- Sao lại ngồi một mình buồn thế em? Đi với anh không? Anh sẽ làm em vui vẻ trở lại.

Những cô gái ngồi trong công viên có nhiều hạng khác nhau. Hồi ấy người ta thấy con gái mà ngồi công viên thì nghĩ ngay đó chỉ là loại gái làm tiền. Bọn thanh niên chúng tôi đã có thành ngữ "gái công viên". Thằng oắt kia cho rằng nó có toàn quyền trêu một cô gái ngồi như thế. Còn tôi thì không, cứ nhìn vào đôi mắt thất thần của cô kia mà xem. Mái tóc cô cắt ngang vai, thắt vào một cái nơ đỏ thắm phía trái đỉnh đầu. Hai tay cô bắt chéo, đan vào nhau bối rối. Cô luống cuống định đứng dậy, nhưng thằng kia sán đến:

- Đi đâu mà vội! Ở xứ khác mới đến hả? Để anh dẫn đường cho. - Nói thế và hắn sán đến nắm lấy tay cô.

Quả ông ôn con đoán cũng khá. Tôi thấy cô gái hốt hoảng rút phắt tay ra, giọng cô cũng run run tắc nghẽn:

- Ông ni kỳ hè!

Huế, đích thị con gái Huế. Tội lặng lẽ nán thêm chút nữa xem sao.

- Có chi mô mà kỳ! Thằng kia nhè giọng nhái cô gái, nó lại sán đến, định cầm tay em lần nữa. Chỉ nghe đánh "bép", tôi đã thấy thằng bé ôm miệng. Thì ra chàng bị vả. Nó cay cú, vằn mắt xông đến em:

- "Cương" với tao hả?

Em đưa đôi mắt đen láy ra xung quanh. Đôi mắt ấy dừng lại chỗ tôi. Tôi còn chần chừ thì thằng kia đã nắm được chéo áo của em. Em ngồi thụp xuống vốc vội nắm cát vãi thẳng vào mặt nó. Tôi vội nhào đến:

- Cút! Khôn hồn thì cút! Tôi hét thằng bé, véo thật mạnh vào tai nó.

- Anh Hiếu! Anh Hiếu! Em đây mà, bỏ tai em ra.

Sau này tôi mới biết nó là thằng Hải cùng xóm. Nó biết tôi nhưng hồi ấy tôi có để ý gì đến lớp choai choai bọn thằng Hải. Mãi sau lần gặp lịch sử ấy hai anh em mới quen nhau, thỉnh thoảng thằng Hải vẫn hỏi thăm tôi về em. Cũng may chứ gặp phải một thằng lạ lẫm biết đâu lần ấy tôi đã chả bươu đầu sứt trán.

Như hiệp sĩ Đôngkisốt, chẳng cần biết quen lạ gì, tôi quát:

- Biến, đừng để tao nổi điên!

Tất nhiên là nó biến nhưng không quên ném lại một câu lèm bèm: "Báu gì thứ gái công viên mà phải tranh nhau!".

Bấy giờ em mới ngồi thụp xuống bãi cát khóc như trẻ con. Tôi lập cập chẳng biết an ủi ra làm sao.

- Thôi! Nín đi em! Có ai bắt nạt em nữa đâu mà sợ. - Cuối cùng tôi cũng lấy được can đảm nói với em.

- Em không sợ, nhưng em thấy nhục lắm!

Và như để đáp ơn, em kể hết cho tôi nghe hoàn cảnh của mình. Tôi không nỡ bỏ em thế này, nhưng giúp em bằng cách gì? Tất nhiên tôi không thể đưa em về nhà được, về nhà, tôi sẽ ăn nói thế nào về một cô bé lạ lẫm như em. Vả lại em cũng chẳng chịu để tôi đưa về. Thuyết phục Thúy đến bã hơi nhưng em vẫn không chịu đi với tôi:

- Sao em đần thế? - Tôi cáu - Em định nhịn đói đến chết à? Rồi tiền đâu mà em đi tiếp? Hay lại...

May quá, tôi kịp nén lại không nói tiếp. Nhưng em đã kịp hiểu nên càng khóc to hơn. Tôi bối rối:

- Anh xin lỗi! Nín đi... Nhưng Thúy này... Em có tin anh không?

- Mới gặp anh lần đầu, tin ngay răng được - Thúy nói, tay quệt nước mắt.

- Đứng dậy em! Tôi nói bằng cả sự thành khẩn của mình - anh coi em như em gái anh vậy, anh không muốn hoàn cảnh làm em khốn đốn. Anh có tiền, không nhiều đâu nhưng cũng đủ cho em đi đến nơi đến chốn.

Thúy nhìn vào mắt tôi. Hình như em đọc được trong ấy điều gì đó nên đứng dậy đi theo tôi.

Nói với Thúy cho oai thế nhưng lúc ấy trong túi tôi còn đúng mười đồng - vừa đủ để em ăn một bữa cơm quốc doanh. Vào cửa hàng, tôi gọi một suất cơm rồi nói với Thúy:

- Em ở đây chờ anh chạy về nhà tý nhé! - Rồi chẳng để em kịp phản ứng tôi đã chạy vù đi.

Tôi kéo bà chị ra một góc nhà:

- Cho em vay một trăm!

- Làm gì mà nhiều vậy? Mua sách à? Sách gì mà đến một trăm?

Cuối cùng thì chị tôi cũng đưa tiền bởi chị biết tôi chẳng bao giờ tiêu tiền vô bổ.

Tôi dẫn Thúy lang thang khắp thành phố nhỏ bé của mình. "Để em biết quê anh" - Tôi nói với em như vậy. Buổi tối tôi không về nhà. Mười hai giờ khuya tàu đã chạy rồi. Chúng tôi lại ra biển, ngồi trên chiếc ghế đá hồi trưa Thúy đã ngồi.

Đêm biển có trăng. Mấy ngọn điện nhợt nhạt không đủ át ánh trăng huyền ảo đêm hè. Biển mênh mông là sóng, tóc Thúy bay tạt sang tôi, mơn man trên da mặt tôi buồn buồn. Tôi vụng về đưa cho Thúy mảnh giấy con con ghi địa chỉ của mình:

- Em cất đi, nếu muốn thì gửi thư cho anh, quyển sách này nữa, tập "Lá cỏ" đấy. Lên tàu mà đọc cho đỡ buồn.

Thúy run run cầm lấy. Cô kẹp tờ địa chỉ vào tập thơ của Uýt Man. Ở đâu ra mà trong tay Thúy lúc ấy lại có tấm thẻ thư viện của em:

- Em tặng anh - Cô xòe tấm thẻ có dán chiếc ảnh nhỏ xíu ra trước mặt tôi.

- Tôi mừng quá, cầm ngay mà không nghĩ đây là thứ giấy tờ tùy thân duy nhất còn lại của em. Sau này tôi cứ giận mình mãi vì sự vô ý đó.

Chẳng hiểu tôi đã ngồi sát vào Thúy từ lúc nào. Hình như nghe cả tiếng em thở gấp gáp. Tôi cảm thấy những mạch máu nhỏ li ti trên đôi má bầu bĩnh của em ngừng chảy. Sóng biển mạnh dữ quá. Đêm hè ngột ngạt, có hàng ngàn lưỡi sóng đang ầm ầm táp vào bờ, cứ chực trào khỏi mép cát lao lên mà chụp lấy tôi. Bàn tay tôi nắm lấy tay Thúy từ lúc nào. Em giật mình rụt phắt tay về. Giọng em run lên:

- Anh đòi em trả ơn đó phải không?

- Không! Không! Thúy... Anh xin lỗi...

- Hồi trưa nói với em điều chi anh còn nhớ không?

- Anh nhớ! - Tôi lập bập - Anh coi em như em gái anh mà!.

Thúy đứng đậy, dằn dỗi:

- Em biết mà! Ai cũng rứa thôi, làm ơn thì phải đòi trả ơn. Đây! - Em xòe ra bảy mươi đồng tôi đưa em để mua vé tàu, em sẽ xin những người kiểm soát vé để vào Sài Gòn. Còn tiền anh đây, anh cầm lấy.

Tôi thấy mình bị xúc phạm. Nào tôi có ý lợi dụng em đâu. Tất cả vì tôi không làm chủ được mình, thế mà em nỡ phủi sạch những gì mà tôi và em vừa kịp có. Mọi việc làm của tôi đều được xuyên tạc và hiểu sai vì cái cớ rất nhỏ như thế. Vậy ra trong mắt em, tôi cũng bị đánh đồng với tất cả những thằng khốn nạn khác.

Tôi đứng dậy, từ từ tiến sát đến trước em:

- Em cho anh xin lại tờ giấy lúc nãy!

Vừa nói, tôi vừa gạt xấp tiền Thúy đang xòa trước mặt mình, Thúy luống cuống:

- Để làm chi?

- Cho anh xin! - tôi nhắc lại.

Có lẽ mặt tôi lúc ấy trông dễ sợ lắm nên Thúy nem nép đưa lại tập thơ cho tôi. Tôi lật gấp những trang sách, lấy mảnh địa chỉ xé toang. Thúy hoảng hốt níu lấy tay tôi:

- Anh không hiểu em chi cả!

- Đừng nói nữa em! Anh đưa em về ga, sắp có tàu rồi đó.

- Anh Hiếu! Em xin anh! Em lỡ dại miệng rứa thôi. Làm răng mà em nghĩ xấu về anh cho được!

- Đừng áy náy! Tốt nhất là quên nhau đi!

- Làm răng để em quên anh đây? - Nước mắt Thúy bắt đầu tràn xuống má. Tôi đưa em về ga. Trời đổ xuống một cơn mưa rất nhẹ, không đủ để ướt áo. Thúy đi sau tôi, thỉnh thoảng lại giật tay áo tôi khe khẽ, xin lại địa chỉ. Nhưng không làm gì tan được cơn tự ái của tôi. Đến ga, thấy vẫn không thuyết phục được tôi, Thúy bảo:

- Anh đã quyết như rứa, em sẽ trả lại anh tất cả.

- Em không nhận tiền, anh sẽ về ngay lập tức!

Thúy lại khóc:

- Em không ngờ anh lại cố chấp như rứa!

Hai chúng tôi đứng chờ đến lượt mua vé, không nói với nhau câu nào nữa.

Tàu chuyển bánh đúng mười hai giờ khuya. Sân ga mất điện, chỉ có ánh trăng vẫn sáng. Thúy nhoài người ra khỏi cửa sổ toa tàu. Em nói cùng tôi cái điều đáng lẽ tôi phải nói với em:

- Một tháng nữa em sẽ trở về Huế để học. Còn nghĩ đến em thì anh ra thăm em. Tìm em ở địa chỉ trong thẻ thư viện. Nếu không thì đến đại học Y khoa Huế nghe anh, em chờ anh...

Thúy đi.

Mấy năm qua rồi, tôi có lần ra Huế. Đến nhà em thì đã có chủ mới. Ngôi nhà có hàng rào chè ngay trong Đại Nội Huế, dây tigôn phủ kín trước cổng. Người ta bảo mẹ con Thúy đã chuyển vào Sài Gòn lâu rồi.

Thế là hết. Những năm ấy làm sao tôi đi được đến Sài Gòn để tìm em. Làm sao tôi có điều kiện, và cả bản lĩnh nữa, để tìm đến một lời hứa hẹn mong manh.

Lâu lâu tôi lại lật tấm thẻ có ảnh của em, cô bé có đôi mắt sáng nhìn thẳng vào cuộc đời mà như chẳng nhìn vào ai cả. Tôi ngắm vầng trán hơi bướng bỉnh, đôi má bầu bĩnh, mái tóc cắt ngang vai của em. Lâu lâu tôi lại đến công viên biển Quy Nhơn, tìm lại chiếc ghế đá sứt một góc hồi nào em và tôi đã ngồi. Nhưng nó cũng đã mất. Người ta đã mang nó đi, thay vào đó một chiếc khác mới hơn. Bảy tám năm qua, những cây dừa tơ, hàng phi lao cũng đã lớn. Chẳng còn gì nhắc đến em ngoài tấm thẻ cũ. Tấm thẻ có dán ảnh một cô bé con mười tám tuổi. Tôi coi đó là một kỷ niệm đẹp cuối cùng trong cuộc sống vô tư của mình. Tôi lao vào cuộc đời đầy khó khăn, vật lộn với nó để kiếm ăn. Thỉnh thoảng nhớ lại và tự hỏi mình "Có thật mình từng có một quãng đời như thế không?". Có thật em đã đi qua đời tôi như thế không?

* * *

Tôi đã đỡ đau hơn nhiều. Song không dám cựa quậy nữa, cứ nằm bất động, úp mặt vào tường.

Cứ như lời người công an nói lúc khuya thì quả tôi là một thằng khốn nạn đi dứt. Tôi không muốn chường mặt ra với người bác sỹ, cứ cho đó không phải là Thúy. Lạy trời điều ấy đừng xảy ra. Tôi ước ao có phép mầu gì làm tan biến mình vào bức tường luôn.

Lại có tiếng mở cửa. Bây giờ đến giọng của một cô gái Sài Gòn chính hiệu, có lẽ cô ta là y tá:

- Sao hôm nay chị lại giành phần trực của y tá thế này? Sắp sáng rồi, chị không nghỉ sao?

Huế - Quy Nhơn tháng 7/1990
T.L.T.
(TCSH47/01&2-1992)




 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Gió rừng (21/08/2020)
Kẻ ăn mày (07/08/2020)
Giọng hát (14/05/2020)