Truyện ngắn
Giấc mơ lơ lửng
09:29 | 06/11/2020

LÊ THỊ KIM SƠN  

Đấy là vụ kiện đầu tiên của những người bán những giấc mơ. Bỗng dưng thấy giấc mơ của mình được viết lại.

Giấc mơ lơ lửng
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Khi cầm giấc mơ bồng bềnh ấy trên tay, cô bỗng thấy nỗi uất ức dâng lên tận cổ. Đó là cô, đó chính là cô bị bóc trần cho toàn thế giới thấy cô định bụng náu mình trong những giấc mơ để xây dựng cho riêng mình một thế giới. Cô chỉ dành để chia sẻ một cách thầm kín cho người nào có thể ra giá hợp lý, và cái giá đó là để cùng cô chìm vào những giấc mơ êm đềm này, người quản lý đã đảm bảo như vậy, mỗi người chỉ có một khách hàng thân thiết bởi người mua cũng có những yêu cầu cho riêng mình và gã quản lý sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ theo sở thích của những kẻ sẽ quăng tiền vào túi gã. Thế giới ngày càng kỳ quặc, có những kẻ nghèo nàn cả những giấc mơ phải mua của kẻ khác để mà mơ, và cũng có những kẻ rỗi hơi, bám trụ lại thành phố với những công việc chìm lỉm chẳng để làm gì ngoài việc cố gắng kiếm vài đồng đủ nuôi sống bản thân.

Cô là kẻ như vậy, làm thêm, làm theo ca, làm theo giờ, làm theo mùa vụ, cô trải qua hết thảy để khỏi phải về quê như mọi người trẻ xung quanh mình. Rồi làm gì nơi thành phố chật nêm này? Tiền chỉ đủ để chi dùng hằng ngày, thì người trẻ nào chả vậy, ai chả nuôi một giấc mộng đổi đời trong thành phố lấp lánh đèn hoa. Làm mệt bã ra, nhưng cô luôn cho là đáng, bởi sau một ngày bận rộn như vậy chỉ cần ngả lưng trên chiếc giường quen thuộc cô sẽ có một giấc mơ êm đềm. Vậy mà giấc mơ cũng có thể bán được, cô mỉm cười cầm tiền đi về, giấc mơ của cô sẽ được ai đó mơ chung. Gã quản lý nhìn cô hút bóng với nụ cười trên môi, cô là kẻ có bán giấc mơ chuyên nghiệp nhất mà gã từng gặp, chỉ cần qua một giấc mơ đầu tiên cô sẽ dò được sở thích của kẻ mua để có hướng cho những giấc mơ dài hạn, nhưng cô cũng là kẻ trái khoáy, nếu khách mua mà có những yêu cầu không hợp với sở thích cô sẽ chuyển nhượng một cách nhanh chóng. Mà nghề của gã là một nghề kỳ lạ nhưng hiện giờ nó đang là mốt, nó có sức hút lớn mà đến gã cùng chả hiểu ra làm sao, ai mà chả có giấc mơ, vậy mà những tay nhà giàu ấy lại phải mua nhỉ? Như gã đây, cả ngày tiếp xúc với hàng loạt hợp đồng, đêm xuống vẫn thấy hợp đồng, vẫn thấy tiền bay xung quanh giấc mơ như vậy chả sung sướng thì là gì? Nhưng gã nghiệm ra, giấc mơ giàu có con con của gã chả thể bán được cho ai, những kẻ nhà giàu không thiếu gì tiền sẽ rẻ rúng giấc mơ của gã, chỉ có những kẻ nghèo kiết thì mới cần giấc mơ như của gã. Nhưng những kẻ nghèo thì lấy đâu ra tiền để mua những giấc mơ cao cấp như của gã, thôi vậy, gã chỉ cần làm cái việc môi giới là được, gã chả cần chia sẻ giấc mơ của gã cho ai bởi cả trong những giấc mơ của gã vẫn có những toan tính làm ăn, nhỡ đâu kẻ mơ chung với gã sẽ tìm ra một điều gì đó bất trắc của gã trong việc kinh doanh béo bở này. Chà, gã đã đánh hơi thấy có lỗ hổng trong việc mua bán những giấc mơ này rồi.

Những cồn cát nối nhau theo gió, dời đi, đắp đổi lại. Những bước chân không dép chạy dài trên cát để thấm cái khô ráp khôn cùng của cát, của nắng và của gió, nhìn quanh tịnh không có bóng cây, chẳng thấy có dáng người, chỉ có những dấu chân lũ trẻ vừa đạp trên cát bỏng rẫy đã bị gió nhanh chóng lấp đi. Mặt trời đứng bóng, làm sao phân biệt được con đường nào ở cái xứ cát mịt mù này? Đám trẻ cứ chạy, lầm lũi, chả nô đùa í ới gọi nhau, những cuộn lông chông cũng theo gió chạy dài, nắng, nắng rát mặt rần rật nhưng chả có đứa trẻ nào mang mũ chỉ để cái đầu trần tóc hoe hoe như nhuộm bóng lên trong nắng. Kia rồi, đứa đi đầu la lên khi chạy được lên đỉnh của một đồi cát, những mái nhà nâu xám vì thời gian thấp rịt dưới bóng những cây phi lao, đó là ngôi làng của đám trẻ thì những bước chân cứ ríu lại vì hò reo vội vàng chạy tiếp. Lạ một điều, là nắng dường như chỉ hun mỗi đám trẻ và đàn ông nơi đây, để ai cùng ngăm ngăm màu đồng hun, còn đàn bà con gái, cứ dậy thì là trút bỏ lớp da nâu bóng của nắng, của cát để nhận lấy làn da trắng tươi như một điều hiển nhiên phải vậy. Những đôi mắt của người xứ cát luôn sáng và đăm đắm, mớ tóc nâu xỉn ngắn ngủn ngày nào của người phụ nữ bỗng trở nên đen đến nhức nhối trong lòng những người đàn ông. Mà sao họ có thể sống như vậy được nhỉ? Mở cửa ra là gió là cát, đóng cửa lại vẫn thấy cát men theo các kẽ hở của thời gian túa vào nhà tự lúc nào, nắng cứ phả hơi nóng từ ngày này qua ngày khác, người đàn bà cứ nhẹ tênh quang gánh đi qua các miền đồi cát xa xăm, rồi chẳng biết nhắm đích nào họ vẫn trở về được ngôi nhà xám xịt thấp tè của họ để cuộn những đứa con vào lòng. Cô luôn nhìn những đồi cát dời chuyển như thế mà hốt hoảng, cô luôn sợ mình sẽ mất dấu đường về nhà, nhưng rồi như lũ trẻ, chân cô có một con đường cần đi, nó cứ thế tự bước nhẹ bỗng chạy theo đám trẻ, rồi lại về nhà cùng đám trẻ. Nhưng rồi những đứa trẻ khám phá ra, có một chân trời rất khác, không có cát lấp lối thời gian, không có những người đàn bà xấp xải quang gánh bước trên những triền cát lún, không có cả những hoang mang khi nhìn vào khoảng trập trùng cát rồi cứ thế lao vào. Cái chân trời đó phân định rõ ràng bằng những lối đi nghiêm ngắn như ô bàn cờ, người và người đông nghịt, xe và xe chật đường, sẽ có những hoang mang nhưng ánh đèn nhấp nháy và những ngôi nhà cao tầng hào nhoáng sẽ che giấu. Vậy nên việc rời đi của cả một thế hệ cũng chả có gì nghi ngại, những người miền cát nhìn những đứa trẻ trưởng thành bỏ chạy chẳng dằn dỗi gì, bởi những con đường cát mịt mù lũ trẻ còn biết đường tìm về thì cái phố thị đèn hoa ấy có là gì đâu nhỉ, thế nên những đôi mắt thẳm ấy nhìn ra ngoài trống không ngôi mộ gió rồi lại nhìn những bước chân đi, chả cần dặn dò gì nữa mà vẫn thấy lũ trẻ đã đủ trĩu nặng miền lo rồi.

Đôi lúc cô băn khoăn tự hỏi, ai sẽ là người mua giấc mơ của mình? Nhưng cái hợp đồng của gã quản lý chìa ra chỉ có gã và cô cùng ký, vậy chắc ở đầu kia cũng chỉ có gã và người mua biết với nhau. Cô thở dài, kéo chiếc chăn lên ngang miệng, cô vẫn có thói quen đắp chăn dẫu trời có nóng đến đâu, thật ra đấy cũng không hẳn là đắp mà chỉ là cái để ôm kề lên cổ, nếu không có một cái chăn để ôm và kề lên che kín cổ cô sẽ không thể ngủ được. Cảm giác chờn chợn ở cổ họng khiến cô không thể ngủ nếu không che kín cổ và đó cũng là lý do đổ vỡ cuộc tình đầu của cô; cô không thể để cho ai đụng vào cổ của mình, kể cả một nụ hôn bất ngờ cũng có thể khiến cô phản xạ quá đáng thành một cú đấm. Anh chàng của cô đã nhìn cô đầy tức giận, anh ta tưởng rằng sẽ dễ dàng có được cô như có hàng tá cô gái tỉnh lẻ đang cố gắng trụ lại thành phố này, anh ta chẳng cần nghe cô giãi bày nỗi sợ đã tông cửa rồi hậm hực đi mất. Đến anh người yêu thứ hai, rồi thứ ba, cô vẫn không thể thả lỏng ra khi họ luôn luôn nhắm đến cái cổ của cô để mơn trớn như một minh chứng của sự thăng hoa, cô đầu hàng, chẳng thèm tìm kiếm nữa. Chỉ trôi sượt qua ngày bằng những công việc, không hẹn hò, chẳng tụ tập và giờ chỉ cần bám chắc vào việc bán những giấc mơ là được. Tiền cần hơn một tình yêu, đó là điều cô học được sau khi trải qua nhiều năm lăn lộn, mà thật ra, các cô bạn của cô cũng vậy, bám lại thành phố này chỉ vì tiền chứ chả có cái ước vọng gì cao xa.

Đôi khi cô thấy trống trải một chút khi mẹ vẫn thở dài hỏi tình hình hẹn hò của cô, mẹ muốn cô sắp xếp để tham gia vài chương trình hẹn hò trên ti vi mà bà vẫn hay xem, cô chẳng để tâm, chỉ ơ hờ cho qua chuyện. Cô cảm thấy việc không có người yêu thật ra không còn quá quan trọng, ở cái xã hội bận rộn này việc một cô gái không có người yêu vốn không phải là một điều bị dò xét nữa, đấy đã là một chuyện quá sức bình thường, mà cô thì không để tâm lắm đến việc tìm một người yêu nữa, cô cần những thứ rõ ràng và cần thiết hơn như là giấc mơ sắp đến. Cô với tay tắt điện để chìm vào cuộc mua bán mà bản hợp đồng mới đã ghi rõ, cho cô toàn quyền tự tạo giấc mơ chứ không cần phải ép giấc mơ như những hợp đồng trước, điều này quá dễ với một kẻ chuyên nghiệp như cô. Một giấc mơ của riêng cô, giấc mơ cô tìm lại từ những hình vẽ ảnh ảo ở trên tường, ở trên đám mây, ở ngọn gió miên man từ biển thổi về, ở cả cơn ác mộng không phân biệt được cái nặng nề dày dặn như một con sứa khổng lồ đang đè ép cô hay một làn hương mong manh mà cô cần bám dứt. Cả những giấc mơ về những cuộc đời khác mà cô là nhân vật chính của mình đều được hiện ra. Dường như cô có bản năng để đêm nào cũng có giấc mơ, không phải gò ép vào những khuôn mẫu của người mua cô nhận ra những giấc mơ của cô bắt đầu lơ lửng như những quả cầu pha lê lấp lánh, ở đó cô nhốt mình hoàn toàn trần trụi như giấc mơ mười sáu tuổi được nằm trên cỏ xanh trong một đêm mưa êm dịu để mưa tắm táp cô hoàn toàn. Cô chợt nhận thấy chỉ có trong giấc mơ đó cô được mưa chạm vào cổ mà không có cảm giác kến buốt gì cả, cô thư giãn hoàn toàn nắm tay một người nữa đi sâu vào giấc mơ.

Những kẻ mua giấc mơ có quyền phàn nàn về những giấc mơ trùng lặp, có quyền trừ tiền vì những điều nhỏ nhặt khi gặp một cơn ác mộng của kẻ bán nhưng một năm trở lại đây cô chưa từng bị vị khách hàng nào phản ánh điều gì, quản lý luôn nhe răng cười mỗi khi phát tiền cho cô. Khi nhìn những cái răng nhọn trong miệng gã quản lý, cô không hiểu gã sẽ được bao nhiêu hoa hồng trong viêc môi giới bán mua này, nhưng cái nụ cười thỏa mãn ấy chắc chắn báo hiệu đây là một món hàng có lợi nhuận cho gã. Bán giấc mơ giá thành cũng tương đối ổn định, bởi nếu gặp người mua hào phóng những giấc mơ sẽ mang lại một khoản thu nhập đáng kể, có khi tương đương cả một tháng lương chạy việc đến trật mặt ra, đấy là chưa kể đến nếu có một giấc mơ hài lòng khách thì ngay ngày hôm sau đã thấy có một khoản thưởng riêng chui thẳng vào tài khoản. Còn nếu gặp những vị khách keo kiệt, hay phàn nàn phản ánh về chất lượng giấc mơ, nào là giấc mơ lặp lại, những ác mộng xen kẽ, hay những chao đảo bất thường hất người mơ ra khỏi chiếc giường ấm,… để trừ thêm một vài đồng thì món tiền còn lại vẫn đủ để chi trả tiền nhà. Vậy thì dại gì không bán, trong khi việc chỉ đơn giản là trước khi nằm vật ra để có một giấc mơ thì chỉ cần đeo một tai nghe vào và bấm nút, thế là xong.

Nhưng những kẻ hay trốn vào giấc mơ như cô có xây dựng gì cho xã hội, các bạn hãy tưởng tượng xem đáng ra những giấc mơ đó đi hoang, lang thang vô thưởng vô phạt rồi sẽ quên nhanh như bong bóng xà phòng. Đằng này, những giấc mơ được mã số lại, bán cho những người cần, mà người ta đã bỏ tiền ra mua rồi thì người ta phải được phép sử dụng thôi. Đấy là điều chắc chắn của quy luật thị trường. Nhưng đấy là khi các ông chỉ thu mua giấc mơ để bán cho người ta mơ, chứ không phải cho người ta đem phô ra trên giấy tờ, mã hóa ngược lại thành những thước phim và lại thu lợi bất chính ngược lại từ giấc mơ của tôi như thế. Hợp đồng này không nói là người mua không được quyền sử dụng bản quyền những giấc mơ. Đúng, nhưng hợp đồng cũng chỉ nói rõ là người mua được mơ chung giấc mơ của kẻ bán, chứ hợp đồng không nói là người mua được quyền lấy giấc mơ ra sử dụng, đây là một dạng bản quyền đặc biệt chỉ có kẻ bán mới có thể cho ra giấc mơ. Thế nên nếu cần mã hóa những giấc mơ sang bất kỳ phiên bản nào khác để hưởng lợi cho riêng mình thì cần phải có sự đồng ý của bên bán giấc mơ mới phải.

Những ngày tháng yên ổn biến mất, những điều tra vô tình xáo trộn không gian sống. Người ta chỉ lắc đầu, những người trẻ khốn khổ thu hẹp mình lại rồi sống trong những căn phòng chỉ đặt vừa cái giường ngủ, cái tủ, cái bàn, một cái nhà vệ sinh, mười mét vuông khép kín ấy đầy những quần áo, rác, mì gói, ẩm thấp, chán chường. Vậy mà nó vẫn có những giấc mơ kỳ lạ để bán và có người mua sao, một nghề kỳ quặc? Người điều tra lặp lại, cái máy ghi lại giấc mơ được truy xuất. Người điều tra chụp vào để xem lại, cái quyển sách viết ra đó không bằng sự mênh mông lạc lõng của giấc mơ này.

Đôi chân trần lướt trên cỏ biếc, những cột ánh sáng cố xuyên qua màn mây đã tạo thành nét viền mảnh mai bên mép đám mây vàng sáng chói các hình thù kỳ ảo, một cô gái nhỏ rực sáng như một nàng công chúa đang cười khanh khách trên xích đu. Ngôi nhà nhỏ bằng đất trộn được quét vôi ve với nhiều màu sắc trang trí, có một người thiếu phụ đang ngồi quay tơ bên một rặng tre, có một hơi thở, có những lời thì thầm kỳ diệu phát ra từ đôi môi đỏ mọng có đường chẻ như một lời niệm chú mơ hồ. Đưa tay chạm vào cảnh sắc ấy, mùi hương thanh thoát phả nở cả buồng phổi u ám vì mùi ngột ngạt tan biến, điều tra viên bước vào câu chuyện của cô gái, mê mải. Quyển sách đó không lột tả hết được, không thể nào với tới được sự chân thực và chi tiết của giấc mơ này, nó thô mộc hơn nhưng vẫn là một nguyên bản sao chép từ giấc mơ.

Vậy đấy, những chứng cứ đã được xác thực, hợp đồng có kẽ hở, chỉ có điều không ai nghĩ những giấc mơ đã được mua bán nhiều năm như vậy lộ ra những yếu điểm. Những đơn kiện liên tiếp được gửi về, cô đã châm ngòi cho những vụ kiện tụng liên quan đến những giấc mơ. Những người trẻ bán giấc mơ bất ngờ bước ra khỏi căn phòng mười mét vuông của mình xem xét lại, những ngông cuồng nào chỉ ẩn giấu trong giấc mơ đã được kẻ mua giấc mơ hiện thực và số hóa, những người bán giấc mơ bắt tay cô, nói với cô lời cám ơn vì đã đánh thức họ ra khỏi những giấc mơ triền miên. Cô né tránh lời cám ơn, cô thấy có lỗi vì đánh thức những thường nhật yên ổn để bước vào những kiện tụng liên miên, những nhát búa chát chúa và gương mặt của chánh án sẽ làm bay mất rất nhiều giấc mơ đang ấp ủ. Giống như cô hiện giờ, sau một loạt những phiên tòa, sau một loạt những tra hỏi chẳng có giấc mơ nào về bên cô mỗi đêm mà chỉ có đêm thinh lặng, trĩu nặng một bức màn đang kéo cô chạm gần vào hiện thực trần trụi của cuộc sống khắc nghiệt. Cô chỉ là một nhánh cỏ mềm, cô bước chân ra ngoài gió bão làm gì để đánh mất đi những giọt sương ban mai lấp lánh dành cho cô mỗi sáng. Những đêm tối trải dài vô tận, như cánh đồng xa hút chỉ có bóng đêm và bóng đêm, một cơn gió trở mình hoang lạnh, cô không còn hình hài dành cho những giấc mơ nữa rồi.

Người mua giấc mơ của cô náu mình không xuất hiện, chỉ đại diện của bên thu mua giấc mơ dàn xếp đó là gã quản lý, gã chẳng thèm nhe hàm răng nhọn ra để cười với cô mà sít lại chằn chặn, đúng là đồ đàn bà nhiều chuyện, cô là người được khách trả giá cho những giấc mơ cao nhất đấy, đã không biết điều lại còn. Cô chẳng cần nói lại với gã, bởi mọi chuyện phía sau trôi đi suôn sẻ theo đúng sự dàn xếp. Dàn xếp làm sao? Cô cầm tiền quay bước, thế giới này vốn dễ dàng làm sao, những gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất, rất, rất nhiều tiền. Cô có một gia tài để sống, để có thể đi du lịch và sống một cuộc đời sung túc, nhưng cô trở về vùng đất cằn cỗi nhất, nơi có gió hun người, cát bay cùng những cuộn gai lông chông chạy dài vô tư lự trên triền xa nắng chói, một đôi quang gánh trĩu nặng đời người đàn bà và những đứa con. Chả đứa con gái nào muốn lặp lại cái cảnh chai sần đôi vai với một đôi quang gánh, chả đứa con gái nào muốn trở lại để gánh một đứa trẻ đi qua những mùa nắng nơi đây, ai cũng chạy trốn, chả ai thèm quay lại để nhìn thấy bóng mình đã lẳng lặng trải dài trên cát, rồi chôn dứt vào trong cát khi một cơn gió vừa đi qua cùng lúc với bước chân bám lên toa tàu xa ngút.

Con người cần gì? Cần tiền, cần một ngôi nhà, cần một công việc, cần một ảo vọng. Có phải vậy không? Cô đã bám riết vào thành phố từ lúc đi học đến tận lúc ra trường, cô không muốn trở về nơi khô cằn đó vì khổ ải, vì cô cảm thấy một bên vai mình có thể chai cứng và phồng rộp lên đến mức dị dạng như những người đàn bà lặng lẽ vùi mình trong cát. Nhưng đó lại là nơi trao cho cô những giấc mơ, những giấc mơ đã mất từ khi cô tham gia vào kiện tụng, cô chơ vơ trong đêm không tìm thấy những ký ức quen thuộc nối tiếp nhau trôi đi trong căn phòng ẩm mùi rác bụi. Đến bây giờ, khi chỉ chìm vào những giấc ngủ không mộng mị chỉ có đêm tối và đêm tối, chỉ có trần thuật và trần thuật những hiện thực ban ngày chán nản thì cô muốn tìm lại nơi khởi nguồn cho mình. Giờ cô đã biết được, giá trị của những bay bổng trong đêm đấy, nó là một cánh cửa kỳ lạ đã tạo ra một cô gái riêng biệt, thế nên cô trở về đơn giản như đôi cánh chim đã mỏi tìm chốn cũ. Cô thấy mình cần để đôi chân lướt lại miền cũ, không có một con đường, không có một cái bảng tên chỉ dẫn, chỉ có mình cô giữa sa mạc nóng rẫy tự băng qua gió, tự băng qua cát để tìm về những giấc mơ.

Tiền của cô đủ cho cô một cuộc sống an nhàn, sao cô lại không ở lại thành phố? Điều tra viên đưa lại chiếc valy nhỏ cho cô ở ga tàu, giờ đây cô đã là người nổi tiếng vì là người khơi mào cho một cuộc chiến, cô lại là người chiến thắng vụ kiện, cô có tiền, có tiền là có tất cả. Mặc dầu báo chí không nêu số tiền cô thắng kiện, nhưng điều tra viên đã gặp được người mua, đấy là một kẻ lịch thiệp, lạnh lẽo, kín băng và có vẻ rất nhiều tiền. Gã không quan tâm lắm đến vụ kiện, gã chỉ muốn giải quyết nhanh và dứt điểm, bởi gã có những việc quan trọng cần phải làm, lời nhắc nhở quan trọng là không được dồn ép hay bắt chẹt người đã bán giấc mơ cho gã. Gã lạnh tanh quay bước, đôi mắt giấu sau cặp kính đen chả chạm hờ vào đôi mắt của điều tra viên dường như bị thiếu ngủ, tiếng gã lẩm bẩm thoáng qua tai lạnh ngắt, mình cần có những giấc mơ như một liều thuốc ngủ.

Đấy chẳng phải là mục đích của cô khi bám trụ lại đây sao? Điều tra viên bối rối khi cô gái nhỏ đưa tay lấy lại chiếc va ly từ tay anh. Tôi đã mất những giấc mơ, tôi phải tìm lại. Tôi là kẻ mơ màng, chân tôi không chạm đất, anh không thấy ngày gặp đầu tiên tôi vẫn lơ lửng và là kẻ không có lấy chiếc bóng của riêng mình sao? Ngày gặp đầu tiên, đúng là có gì kỳ quái nhưng điều tra viên cứ nghĩ là do mình quáng nắng, cô ta đã khéo léo mặc váy dài hơn chân để che đi tình trạng lơ lửng của mình, còn việc cái bóng, điều tra viên chẳng để ý đến thật. Bởi cái thành phố này chẳng thấy ánh nắng, chỉ có đèn điện chiếu thẳng xuống những chiếc mũ và những chiếc váy sẽ đảm bảo cho cô gái có một chiếc bóng đúng hướng khi cần thiết, à, giờ điều tra viên mới giật mình nhớ ra những chi tiết kỳ lạ đó. Đúng vậy, cô gái gật đầu xác nhận. Nhưng giờ đây, anh nhìn xem, tôi đã chạm vào đất, cái bóng đen đã nối vào tôi. Chạm vào đất là chạm vào nỗi đau của kiếp người, cái bóng nối lại là những đêm đen sẽ đến xua đi những giấc mơ màu nhiệm đó, mẹ tôi bảo vậy. Tôi sợ lắm, tôi không thể có nỗi đau được, tôi không thể để mất những giấc mơ lấp lánh được, tôi sẽ đi tìm lại những giấc mơ bồng bềnh của mình.

Cái dáng nhỏ xiêu xiêu của cô gái khiến điều tra viên động lòng, cái dáng mỏng manh quá, nó sẽ tan vào những khắc nghiệt đời thường ngay tắp lự. Con tàu mang cô đi rồi, điều tra viên rút ra điếu thuốc gõ gõ xuống mặt hộp, lơ đãng nhìn sân ga vắng tanh, đã lâu lắm rồi người ta không chọn những con tàu dập dềnh, ồn ào và chậm chạp cho những chuyến đi nữa, chỉ có cô gái kì lạ ấy chọn. Đột nhiên ánh mắt của anh thay đổi, có những vết chấm đỏ trên nền gạch, là những vết máu đỏ tròn như vết cọ đều đặn, là vết máu của chân cô rỉ ra sao? Thì ra cái mà cô gái nói là chạm vào nỗi đau của kiếp người là nghĩa như thế này sao?

Những tổn thương mang hình hài của mất mát, điều tra viên rít một hơi thuốc trong đêm, những đêm trước khi va vào cô gái nhỏ đó thì giấc mơ của mình là gì nhỉ? Chỉ đơn thuần là công việc nối tiếp công việc, triền miên nối tiếp triền miên, kế hoạch gối lên kế hoạch, rồi tắc lại trong ngày dài. Còn cô gái và gã nhà giàu, họ có những giấc mơ lấp lánh, cái giấc mơ ấy như một phần của những câu chuyện cổ tích, như một lần lạc bước vào tuổi thơ, dường như anh cũng đã từng trải qua những giấc mơ như vậy cho đến khi thành phố và công việc như một bóng đêm chắn ngang lại giấc mơ kì diệu đó. Những vòng tròn thuốc lơ lửng, chả có gì ngoài hiện thực đang phả vào anh ngoài kia, con người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục cố gắng, cố gắng không ngừng để giành lấy điều gì? Những vệt ngày đã dần dâng đỏ lên từ phía chân trời, một đêm không ngủ, ánh sáng của ngày mờ đỏ quáng lên từ một tòa cao ốc chói kính, căn phòng của anh cũng chói kính, mọi thứ xung quanh anh dường như được một lớp kính trong suốt bao bọc. Ánh sáng chọc thẳng vào mắt điều tra viên, chói lòa, những vệt đỏ nhảy múa, anh bỗng nhớ đến cô gái nhỏ và những bước chân. Cô gái sẽ làm sao? Những giấc mơ thế nào? Liệu anh có thể tìm thấy những giấc mơ như của cô gái nhỏ chăng?

Tiếng xình xịch của tàu nhỏ dần, điều tra viên lặng đi trong giấc ngủ, ngày đó, anh là kẻ vẽ những bình minh chân trời kia chói lọi ánh sáng của ngày. Cây bút vẽ rời khỏi tay anh tự lúc nào, những tính toán nhảy múa, trên lớp học thêm, anh với tay ra ngoài cửa sổ chạm vào những đám mây bồng bềnh mềm mại, anh ghép chúng thành hình, anh nhào đám mây thành những cục bột rồi thả một đàn cừu lấp lánh vàng đi ra biển. Những giấc mơ bị giễu cợt, anh cắm mặt vào tường, quay lên bảng viết những con tính khô khan, những đám mây nhẫn nại đợi anh ngoài cửa đã bị bố mẹ đóng chặt lại, cắt đứt cuộn dây anh đang cầm trong tay như dây cương, sợi dây bằng mây đó thoáng chốc tan biến trong căn phòng ngột ngạt của anh. Đến ngày anh mở được những cánh cửa ra, những đám mây không còn ở đó, đàn cừu không còn ở đó, anh với tay chạm vào thinh không trống rỗng đến nhói lòng rồi rụt tay lại, quay vào bàn tính toán đến tận bây giờ.

Rời khỏi nhà ga, điều tra viên ngơ ngác, cả một niềm hoang hoải cát trắng trải ra, các đồi cát nhấp nhô, không một con đường nào đẫn đến địa chỉ của cô, cái sân ga đơn lẻ bị đoàn tàu bỏ lại nhìn anh xa lạ. Vậy mà anh vẫn khoác ba lô, bước đi, bước chân cứ như bị hụt nhưng vẫn đều đều sải bước, chả tìm thấy bóng cây, chả còn thấy bóng người, một sa mạc thực thụ mà có thể nuôi dưỡng những giấc mơ sao. Một đám trẻ lầm lũi chạy qua triền cát bỏng, anh vội vàng bám gót theo sau để về làng, ngôi làng kỳ lạ như cô gái nhỏ ấy. Điều tra viên giật mình, bên kia cánh cổng bằng gỗ rời là ngôi nhà của những giấc mơ, còn đường lát sỏi trắng dẫn dụ đôi chân điều tra viên bỗng bồng bềnh như không chạm vào lớp sỏi đang lạo xạo kia. Cô gái sinh ra giấc mơ đang ngồi bên xa quay và niệm chú thì thầm, lời tình khe khẽ, gương mặt cô được ánh sáng hạnh phúc chiếu rọi. Khung cửa gỗ kẹt lên một tiếng, gián đoạn, cô gái quay lại, một người đàn ông hồ hởi bước đến bên cô gái. Mồ hôi rịn ra trên trán điều tra viên, anh quay ngoắt lại bước ra ngoài đường với nỗi mơ hồ lo sợ đang lơ lửng. Người đàn ông bên cô ấy chính là kẻ giấu mặt đã mua những giấc mơ của cô…

L.T.K.S  
(TCSH380/10-2020)



 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
T (05/10/2020)
Con mèo đen (30/09/2020)
Góa phụ Paris (18/09/2020)
Gió rừng (21/08/2020)
Kẻ ăn mày (07/08/2020)