Truyện ngắn
Nhân ngư
16:55 | 02/06/2008
Có thể cô gái ấy đã trồi lên từ thủy cung do thủy triều xuống quá nhanh. Một nửa thân hình của cô từ dưới eo trở lên, hoàn toàn khỏa thân nhô ra khỏi mặt nước.

Nàng trăng thượng tuần khi mờ khi tỏ dùng dằng sau lớp lớp mây giăng cuối cùng cũng chịu hắt ra chút ánh sáng bảng lảng phủ lên những ghềnh đá lô xô, bãi cát hình vòng cung nằm lọt thỏm giữa rừng dương và vách núi lởm chởm xác san hô và những tảng đá phủ đầy rong rêu hãy còn ẩm ướt. Óng ánh trên tóc, trên vai trên lưng của người con gái đang đứng bất động là những sợi rong lá kim đan quấn quít trĩu qua bầu ngực và rơi bồng bềnh xuống những con sóng nhỏ đang lao xao ngang vòng hông.
Cũng có thể là mùi hương do nàng mang theo đặc trưng cho sự sống tươi rói trong lòng đại dương đang tràn ngập không gian đã đánh thức giác quan của một chàng trai trẻ và thu hút cái nhìn của chàng về một vật thể lạ đang từ từ nhô lên giữa lòng biển cạn. Có lẽ cô gái cũng đã kịp nhận ra chàng trai trước khi cô từng bước uyển chuyển leo lên trên một tảng đá bằng phẳng ngoi cao cô độc rồi ngồi vươn mình chân duỗi dài mềm mại. Ánh trăng chỉ đủ tạc nên một pho tượng đồng đen tuyệt mỹ.
Biển như rẽ làm đôi để đón những bước chân mộng du của chàng trai. Chàng băng qua những con cầu gai đang nghênh chiến, đạp bừa lên tầng tầng nghĩa địa san hô và lướt qua thành trì tập đoàn hào bén ngót hơn lưỡi kiếm. Chàng đã chạm được vào những ngón tay trơn dài, mềm và ướt như xúc tu của loài thân mềm. Chàng đã nhìn vào đôi mắt to có muôn vàn vì tinh tú đang nhấp nháy. Chàng cũng đã hoài công tìm một cái đuôi cá của loài ngư nữ và cuối cùng, chàng cũng nghe được nhịp đập bồi hồi muôn thuở của con tim đang khát khao.
Chỉ có tiếng róc rách của sóng vỗ nhẹ vào mạn ghềnh, tiếng hơi thở của biển khơi, tiếng phản kháng của những chùm rong bị vùi đập tơi bời trên mặt đá. Rồi cũng chỉ bằng tiếng gieo mình của một con cá chuồn, chàng trai còn lại một mình chơ vơ trên tảng đá đang xâm xấp nước, sửng sốt bàng hoàng nhận ra tất cả những vết thương đang rướm máu và nhức nhối trên thân thể là có thật mà thôi.

- Người cá! Người cá!, A, người cá kìa!...
Trên chiếc ghe máy nhỏ được cải biên thành một chiếc du thuyền sơn ba màu sặc sỡ xanh trắng đỏ với hàng chữ thật to choáng hết một bên lườn ghe N.tourist – cứ như không có hàng chữ này thì thiên hạ sẽ nhầm lẫn thành một thương thuyền chở mắm không bằng – lũ trẻ con vừa nhất loạt reo lên vừa chồm ra khỏi khoang chỉ trỏ. Các ông bố bà mẹ hoan hỉ nhìn theo những bóng người đen trùi trũi đang lặn hụp nhấp nhô xa xa ngoài khơi. Không thấy họ mặc đồ lặn, đeo bình dưỡng khí, lờ lững bên cạnh là những chiếc thuyền thúng hình lá sen bềnh bồng.
Ông già chủ đò ngồi sau lái bật lên tiếng cười ngắn và nặng “Ờ, mấy đứa nhỏ ngồi yên chớ rớt xuống biển là người cá lượm liền đó". Đi chậm sát một cái thuyền thúng vừa có người leo lên, ông già quát to "Chớ bữa nay mày cũng ra tuốt ngoài này hả con Hai". Những người trong thuyền nhìn ra lấy làm thán phục cô gái có nước da đen giòn đang vắt mớ tóc dài sũng nước ra phía trước, bộ bà ba đen cô mặc dán sát người để lộ ra một cơ thể dẻo dai khỏe mạnh. Trong lòng thúng là một thùng phuy nhựa nhỏ màu xanh có gắn bộ phận sục khí. Cô vẫy tay với ông già rồi chỉ chỉ ra dấu về phía những hòn đảo mờ mờ đằng xa. Ông già gật đầu, "đảo Giáng".
Họ gồm bốn cặp vợ chồng và ba đứa trẻ con đến từ một thành phố chằng chịt người và xe còn bầu trời thì chật chội như một cái gầm cầu. Văn được coi là nguyên soái của chuyến du lịch về thành phố biển này bởi anh đã có hơn bốn năm học đại học tại đây. Sau mấy ngày chán chê với một bãi biển cạnh phố rất đỗi hiền hòa đơn điệu nhưng lại quá ư phiền phức rắc rối với vô số dịch vụ kéo theo nó, Văn quyết định đưa cả nhóm hưởng thụ kiểu sống của Robinson. Anh dễ dàng tìm ra một chiếc ghe máy bao trọn gói đi về trong ngày theo ý mình ở một làng chài ven biển, nơi mà ngày xưa anh đã từng ăn ở thực tập hơn hai tháng trời. Ông già chủ đò là một trong những người bạn vong niên của anh thuở đó. Bỏ qua các tour tham quan đến các hòn đảo đã được cắm cờ mốc để đón và móc túi du khách, Văn và ông chủ đò nhất trí trực chỉ đến một trong những nơi không có tên trên bản đồ du lịch đảo, ngoài vùng phủ sóng của các nhà khai thác. Họ đã đi được gần một tiếng đồng hồ từ bãi ra, lòng vòng né các đảo có những cái tên mỹ miều được kẻ thật to trên những tấm bảng sát mép nước: Cô Tiên, Gió Cuốn, Hoa Mai... Ông già không ngớt làu bàu về cái sự lộng ngôn đó đã từng khiến ông đưa khách đi lạc đường. "Nó cứ vẫn là Hòn Mẹt, Hòn Bà, Hòn Đen... thì đã sao". Văn cười, "Tỷ như các cô gái chân lấm tay bùn bước ra chốn phồn hoa thôi mà".
Ghe bắt đầu đi vào vùng biển nước trong như hổ phách và không sâu lắm. Nắng mai xuyên suốt tận đáy phô bày sự sống tuyệt vời thiên hình vạn trạng của thế giới đại dương. Khó mà quên được cảm giác ngất ngây một lần trong đời được tận mắt chứng kiến vũ khúc của các loại hải quỳ. Các cụm san hô bung xòe thay đổi hình dạng liên tục. Chấm phá những đóa huệ biển thảng thốt đỏ như máu. Từng bầy sao biển đủ màu im lìm trên nền cát. Rong và tảo ken dày như một cánh rừng kéo dài cho đến tận sát bờ. Cá chuồn búng mình từng đàn lên khỏi mặt nước, lấp lánh như sao băng.
"Tới rồi". Ông già loay hoay tắt máy, neo thuyền. "Coi chừng chớ cầu gai nhiều lắm đa!". Tim Văn chợt nhói lên một cái. Ngày còn là sinh viên về thực tập ở làng chài đó cách đây hơn mười năm, những chiếc lông kim cầu gai đã từng xuyên qua cơ thể anh và chỉ chịu tan ra cùng máu thịt sau khi hành hạ tra tấn anh suốt cả tuần lễ liền. Lũ trẻ đang được đặt trên những cái phao to làm bằng ruột xe để đẩy vào bờ. Văn nhìn vợ. Dung đã tốn khá nhiều công sức cho một chuyến đi chơi biển. Nàng đã mất ba ngày trời ở bảy cửa hàng để chọn cho mình một chiếc áo tắm không quá kín, không quá hở, không quá đơn điệu và cũng không quá cầu kỳ nhưng lại cũng phải không trùng lặp với ai. Rồi lại còn giày đi biển, kem chống nắng, mũ rộng vành, áo choàng tắm, thuốc chống say sóng... "Lại đây anh cõng vô", Dung gật đầu ngay không ngần ngại. Họ mới cưới nhau được hai năm, chưa có con, theo ý Dung.

Đảo Giáng nằm tách biệt hẳn cụm đảo dân cư và du lịch, không có người sinh sống, bơi quanh một hồi đã thấy quay trở lại điểm xuất phát. Bãi tắm thoai thoải, sóng lặng và nước trong veo xanh lơ như mặt hồ. Xa xa trên bờ, cây cối mọc thưa thớt cằn cỗi, từng bụi từng lùm thưa thớt buồn bã. Tuy nhiên, rác rến dấu tích của các cuộc dã ngoại thì vương vãi khắp nơi. Những tấm bạt nhựa được giăng lên vội vàng để có được chút bóng mát hiếm hoi.
Ông bạn già rủ Văn xuống nước lặn bắt cầu gai làm mồi nhậu. Ông nói đời mình chỉ mới có hai lần làm món này mời khách mà thôi và Văn là người thứ ba. Với một cái que cời và một cái vợt lưới miệng rộng, ông già chỉ lặn xuống hai ngoi là đổ được trên sàn ghe cả thúng cầu gai rối nùi tua tủa như một bầy nhím đang kích động. Văn lắc đầu, căng thẳng nhìn ông già không thay đổi sắc mặt dùng dao nhọn tách từng con một để lấy phần thịt rất gọn gàng. Được lưng lửng tô canh, ông đánh vào đó mấy quả trứng vịt, ít gia vị rồi mang đi chưng cách thủy. Quả thực là một món hải vị đặc sắc thơm ngọt đậm đà, tợp một chút rượu, kèm chút bánh tráng nướng rau sống, dễ dầu gì Văn nếm được trong đời nếu không có một ông bạn vong niên... can đảm như vậy?
Rồi anh chú ý đến cái thuyền thúng với một bóng người quen thuộc đang tâp dần vào trong bờ, hình như là cô gái mặc bồ đồ đen ban sáng. Nhận ra Văn bên cạnh ông già, cô gái luống cuống bước ra suýt té quỵ xuống nước.
"Mày biết nó không?". Văn lắc đầu. "Con Hai cháu bà Mười Điếc nhà gần chỗ tụi mày ở trọ hồi nẳm đó". "Cổ cũng đi biển à?". "Ghe thuyền đâu mà đi. Mua bán cá ngoài chợ thì không lại với người ta. Nhà có hai bà cháu mà bà ngoại nó liệt giường mấy năm nay rồi. May mà dạo này rộ lên mấy cái vụ nuôi cá biển cảnh nên mấy tụi như nó cũng sống lai rai được". Ông quay qua cô gái đang đi từng bước rụt rè tới "Khá hông mày?". Cỡ chục bụi hải quỳ với san hô, còn cá thì chỉ toàn là khoang cổ với thia xanh thôi hà bác". Văn sực nhớ "Hóa ra cô đi từ trong làng ra chỉ với cái thuyền thúng này à?" Ông già cười lớn, "Ở vùng này thiếu mẹ gì đảo, mệt thì tâp vô nghỉ, láng cháng trong bờ chỉ có nước lượm đá cục". Văn vẫn chưa thôi "Cô bơi suông như vậy sao?". Cô gái nhỏ nhẹ "Dạ có kính lặn với ống thở nhưng em cũng ít khi xài tới". "Chớ rái cá mà cần gì phụ tùng hả mậy, nè, ở chơi chút bỏ lên thuyền bác chở về". "Dạ thôi", cô gái quay mặt đi, "Con đi về trước đây", rồi cô tất tả lội ào ào xuống thuyền. Ông già lắc đầu, "con nhỏ này bị man man từ hồi có chửa hoang rồi đẻ con ra nuôi cũng không đặng". Mới đây à?". "Không, chắc cũng phải mười năm rồi".
Dung réo gọi Văn í ới từ xa. Hóa ra có vị nào vừa đâm được con mực khổng lồ dài hơn hai gang tay nặng không dưới năm kí, nó trong suốt như men sứ phủ một lớp kim tuyến óng ánh, hai con mắt lồi to xanh biêng biếc. Lũ trẻ hò reo tở mở. Ai nấy thay nhau nâng con mực lên để chụp hình kỷ niệm trước khi mang đi xẻ năm xẻ ba cho vô nồi. Dung khoe cô đã bỏ phao ra và bơi được hơn bốn thước nhưng bù lại phải thoa kem chống nắng đến lần thứ ba. Văn lại nhớ đến cô gái đen trùi trũi cô đơn trên chiếc thuyền thúng hình lá sen xoay tròn trong đại dương mênh mông.
Hơi xế bóng một chút, ông già nhìn trời rồi hối mọi người thu dọn. Chỉ có một gợn mây đen nhỏ cuối chân trời và ai nấy cứ nấn ná không muốn chấm dứt cuộc vui. Từ lúc ông già phát lệnh cho đến khi lùa hết được mọi người lên ghe cũng mất cả tiếng đồng hồ, các bà vợ còn kịp tô lại son môi.
Ra được giữa biển trời bỗng dưng âm u, nước đục và dậy sóng. Ông già không nói gì, mắt nhìn thẳng, mặt lạnh tanh vô cảm. Chiếc ghe càng lúc càng chòng chành, lắc lư một cách hung hãn trên mặt biển đang sôi sục. Lũ trẻ mệt nhoài ngồi phịch dưới chân người lớn. Những ngón tay của Dung bấu mạnh vào cánh tay của Văn và anh cũng kịp nhìn quanh kín đáo ước lượng số phao hiện có. Không kể Dung, có thêm hai chị nữa và cả ba đứa trẻ đều cần đến chúng. Mọi người bắt đầu nhìn nhau không dấu được nỗi lo sợ mơ hồ đang lớn dần.
Ghe đi vào khu vực có nhiều hòn đảo quây quần và có vẻ như đã bớt dần xốc, đã thấy đất liền mờ mờ phía xa. Văn thở phào, toan đưa tay véo má Dung. Lũ trẻ đã dợm đứng dậy.
"Ngồi yên!". Ông già gầm lên dữ dội. Từ đôi mắt đang mở lớn kinh hoàng của Dung, Văn chỉ kịp ngoái lại nhìn, một con tàu lớp gấp mười lần chiếc ghe máy xuất hiện đột ngột như một bóng ma đang xé nước lao vùn vụt vào ngay chính giữa họ.

Thực ra cô gái biết rất rõ thói quen dạo chơi ngoài bãi đá khi thủy triều xuống của người mà cô thầm trao gửi con tim dại khờ. Mỗi bữa trưa đứng bóng, cô lại cắp cái thúng rỗng nhớp nháp sót lại mấy con cá ươn sau phiên chợ về nhà mình, ngang qua cái nhìn hờ hững của các chàng trai đến từ thành phố, cắn chặt cái quai nón bằng vải thô che hết cả khuôn mặt lầm lũi bước. Có một lần chàng trai đó lịch sự chận cô lại hỏi đường, lịch sự cảm ơn. Lần khác cô gánh cá từ bến lên, vội vàng đâm cả vào người anh nhưng anh lại còn dịu dàng nhặt hộ cá rơi ra ngoài dùm cô. Dưới vành nón lá và cái quai nón, không biết anh có nhận ra đôi mắt đang nhìn mình vô cùng bối rối và thổn thức hay không. Rồi cô tình cờ biết được rằng, anh sắp quay về trường đại học của mình, có thể, chẳng bao giờ cô còn được trông thấy anh lần nữa.
Sau cái đêm thần thoại đó, cô thảng thốt nhận ra mình đang sắp phải đối đầu với một trong những điều khắc nghiệt nhất ở chốn trần gian. Khi cái thai đã đến tháng thứ ba, cô cắn răng lần mò tìm đến trường đại học nọ sau một ngày đường dò hỏi. Cô thơ thẩn trước cổng trường mất ba ngày, vất vả hết hàng này qua quán khác. Đến ngày thứ tư, người mà cô chờ đợi mòn mỏi xuất hiện nhưng với một người con gái trắng trẻo, xinh xắn và yểu điệu. Cô kéo chiếc nón che một bên mặt. Họ đi ngang qua cô, rớt lại tiếng cười trong vắt như pha lê của cô gái. Có lẽ họ đã nhìn cô trong phút chốc với bàn tay đặt lên mũi. Không còn mùi hương quyến rũ đặc trưng cho sự sống tươi rói trong lòng đại dương nữa, thay vào đó là thứ mùi của một sinh vật biển bị lôi lên khỏi mặt nước đã quá ba ngày. Tim cô đã đông cứng kể từ đây.


Không ai nhớ rõ mình đã thoát qua cơn đại hoạ bằng cách nào kể cả Văn. Lúc đó trời đất quay cuồng hỗn loạn, tối tăm mù mịt. Văn liên tiếp ngoi lên rồi bị nhận chìm trong vùng nước xoáy đang chấn động dữ dội. Đó là cái giây phút khủng khiếp nhất trong đời của mỗi người.
Từng người một đều được tiếp cứu kịp thời. Văn được một ai đó đẩy mạnh từ phía sau áp sát vào mạn thuyền lớn cho tới khi chàng bíu được vào. Chưa kịp định thần, ngay tức khắc Dung cũng được một bóng đen đẩy thốc vào người anh, cô đã ngất đi rồi.
Còn rất nhiều điều để nhớ, để kể rất lâu sau đó về chuyến du lịch biển có một không hai này. Chỉ riêng Dung, càng lúc cô càng khẳng định cái niềm tin chắc nịch của mình về vị cứu tinh giữa lúc thập tử nhất sinh đó. Văn không có ý kiến nhưng cứ nghe vợ nhắc lại mãi với một tâm trạng sùng kính và cùng với thời gian anh cũng dần cho rằng đó là sự thật. Dung kể, giữa lúc chung quanh cô tối đen mịt mùng thì bỗng dưng có một vật thể mềm mại và đen bóng đẩy vút cô lên cao, băng băng lướt trên mặt sóng. Dứt khoát không phải là người trần. Cô cho rằng mình đã gặp được thần linh của biển khơi, ông Nam Hải, như cách nói của ngư dân. Có mấy người thoát nạn hôm đó cũng xác nhận về một bóng đen tả xung hữu đột như Dung. Dù sao, đó cũng là một niềm tin đáng trân trọng.

Cô gái đó không biết chữ, không biết Anderson là ai. Cô có một thế giới riêng không hòa nhập với cộng đồng.
Biển khơi là tất cả cuộc đời cô, là chính cô. Những đêm trăng mờ biển cạn, cô lại lội ra phía ngoài xa, nơi có tảng đá bằng phẳng nhô cao cô độc và ngồi lặng lẽ hàng giờ; chỉ có điều, cô không bao giờ chờ ai, gặp ai nữa.
Nha Trang, 5.2001

ÁI DUY
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Thời gian (02/06/2008)
Lọ lem (30/05/2008)
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)
Dứa dại (27/05/2008)