Truyện ngắn
Con còng cuối cùng
08:05 | 29/01/2021

NGUYÊN QUÂN   

Biển vẫn hồn nhiên quẫy động những con sóng bạc đầu, vỗ đập vào bờ vỡ vụn thứ âm tầng hàng trăm năm thân thuộc.

Con còng cuối cùng

Tâm cảm gần gũi như một dòng chảy trong huyết quản của cư dân làng chài, cho dù với người đang ở, kẻ tha phương mưu sinh nơi xa, thậm chí là con cháu họ không được sinh ra, lớn lên nơi này để không còn nhớ nổi làng được hình thành từ lúc nào, thời nào. Di chỉ duy nhất của làng là hàng vạn nấm mồ gạch đá vôi vữa cũ rích mốc meo rêu phong và mới toanh vẫn còn cắm đầy chân nhang đỏ thắm và những vòng hoa chưa kịp khô héo nằm trên dải cồn cát tựa lưng vào một vùng đầm phá mênh mang.

Nhìn những nấm mồ gạch nâu đen loang lỗ rêu phong, suy diễn mộc mạc của riêng tôi, có lẽ thời gian tồn tại ngôi làng chài này ước ngang chừng biên độ năm trăm năm. Đó là thời gian sau khi vùng biên địa phía nam cổ xưa với xứ Chàm được đánh đổi bằng dung nhan thiên kiều bá mị của nàng công chúa Đại Việt mười sáu tuổi. Đã là biên trấn nên chắc chắn triều đình phương bắc phải điều binh khiển tướng đến đồn trú trấn phòng. Những ông lính thú vô thời hạn ở một xứ xa xôi heo hút tất nhiên sẽ mang theo gia đình vợ con, có hộ gia đình tất nhiên nếp sống quần cư cũng sẽ được phiên chế thành làng thành xóm. Đưa dân đi khai phá canh tác dựng làng lập ấp cũng nằm trong ý đồ mở mang lãnh địa của các vương triều trong quá khứ. Dòng sử lịch về một vùng đất, một ngôi làng thuần túy, luôn mang trên mình đầy huyền tích, dù cái huyền thoại truyền khẩu mơ hồ tam sao thất bổn từ đời nầy sang đời khác, và trong chuỗi thông sử của làng xã, xóm thôn một câu chuyện, một nhân vật kiệt xuất hay kỳ cục nào đó cũng đều trở thành huyền thoại làng, vẫn là điểm tựa tinh thần chẳng thể lay chuyển trong tâm cảm từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vùng làng chài bãi ngang lượn một vòng cong theo chân dãy đại ngàn Trường Sơn. Biển mùa nầy vẫn phủ dày một màn sương trắng đục, vầng thái dương tròn trịa chói chang vẫn chưa kịp nhú lên sau hàng vạn triều sóng bạc. Mùa nầy, với lớp sương mai quánh đặc, là mùa vụ bội thu của ngư dân. Ký ức về làng trước lúc bình minh luôn là những đoàn thuyền tấp nập trở về, những gã đàn ông vạm vỡ ăn sóng nói gió, cười nói oang oang, cong vòm lưng trần cháy nắng, vần chuyển những con thuyền nặng trĩu cá tôm lên bãi bờ, cuộn phơi những tấm lưới còn vướng rong rêu rác rều; những người đàn bà, những đứa con nít tíu tít bên cái khoang thuyền óng lên màu vảy cá lấp lánh; niềm vui trong mắt mỗi con dân làng chài bên những chiếc thuyền lộng khơi trở về là thứ ánh sáng tạo dựng tương lai cho biết bao thế hệ đã trôi qua. Và sớm nay, tôi có thể là kẻ may mắn nhất trong nhóm thâm nhập thực tế sáng tác, vì đã bắt gặp tất cả những truyền kỳ và quan niệm nhân sinh của một ngôi làng tồn tại hàng trăm năm trên dải cát trắng nối liền từ đầm phá đến bờ đại dương. Dưới bóng râm bé bỏng của cái mui chiếc tàu đánh bắt xa bờ bề thế vững chãi, đã hết tuổi rong ruổi đại dương, vô tình trở thành tượng đài ký ức thời hoàng kim. Phía biển vẫn tạnh ngắt không một bóng thuyền, vắng ngắt rờn rợn chính là cảm thụ phi lý trong tâm thức biển, trên cái bãi cát ngang chạy dài suốt dọc bờ, một cơn bão lớn vừa đi qua, biển còn mang dư âm của từng cơn sóng lớn. Không thuyền chài trên sóng, không một thanh âm í ới gọi nhau vần thuyền kéo lưới. Tôi và ba người đàn bà là vật động duy nhất trong thanh âm bất tuyệt vi diệu của sóng gió bãi bờ quyện lẫn vào nhau.

Trên bãi cát trổ đầy màu tím hoa muống biển, ba người đàn bà và tôi cùng trốn nắng trong bóng râm của cái mui thuyền nhưng lại chẳng trở thành cái chợ, mà thành một chuỗi dài những câu chuyện vừa thầm thì trầm lắng vừa ồn ả kỳ thú trên từng khúc đoạn. Bởi ba người đàn bà đang chụm đầu trò chuyện thuộc ba thế hệ khác nhau, nên quan niệm diễn đạt ý tình cũng hoàn toàn khác biệt về một sự kiện từng xảy ra, cái khác tất nhiên của sự va chạm giữa sự chuyện với thời gian tiến hóa. Cả ba người đàn bà đều ngồi xoay mặt ra đại dương, một dáng ngồi nhất quán bất biến của những người phụ nữ ở biển, ánh mắt ngó ra khơi xa ấy, ẩn chứa rất nhiều triết đạo chờ chồng, trông con bằng tất cả lo âu, bằng tất cả niềm tin hy vọng. Sự đột hiện của thằng đàn ông lạ, một con vịt im lìm ngồi thu lu sau lưng, trên bãi cát vắng hoe bằng cái thế chồm hổm sợ đít dính cát phía sau lưng họ, cũng chẳng là cái đinh gỉ gì. Hình như họ đã quá quen sự xuất hiện của những kẻ lỡ độ đường chui trốn vào cái bóng râm hiếm hoi trên một dải bờ cát dài nên họ vẫn râm ran tán chuyện.

Niềm tự hào của người dân vùng quê nghèo xưa kia vốn cách biệt với nền văn minh, nếp sống phù hoa của phố thị nằm bên kia bờ đầm phá, là đã sản sinh ra một người con gái chịu thương chịu khó, hiền thục vẹn toàn, chỉ một bước tình đầu ra ngoài biên độ cát bỏng là trở thành mẫu nghi thiên hạ. Với truyền tích ly kỳ này, ba người đàn bà dưới bóng râm con thuyền, cũng là một chuỗi liền lạc họ tộc, duy chỉ đại danh xưng O và Con trong suốt cuộc đối thoại, đã minh chính cho tôi họ là bà con trực nhánh gốc rễ với nhân vật chính của câu chuyện. Người đàn bà lưng còng đầu bạc trắng, tôi ước độ bà ấy chí ít cũng đã chạm ngạch tám mươi, vẫn luôn miệng ca ngợi hết lời chuyện tứ đức tam tòng, sắc đẹp chim sa cá lặn và sự may mắn trời ban của người mà bà ấy xưng hô là mụ o (là bà cô trong chuỗi đại danh xưng dòng họ dân xứ này).

Người đàn bà lớn tuổi nhất hào hứng kể:

- Lúc o tui được ông vua nhắm trúng, trong dịp ngài xuất cung vi hành chốn dân dã, ông lập tức cho lính quây màn loan trướng gấm giữa đồng trống, lâm hạnh luôn. Chẳng ngờ may mắn o tui lại được mang thai, chao ơi, cả làng nghe tin thì vui sướng hội lễ liên miên hy vọng làng mình sẽ được hưởng ân phước triều đình...

Người đàn bà trung tuổi, khoác bộ bà ba hoa cách điệu sành điệu của tầng lớp có của ăn của để, lại quan niệm hoàn toàn ngược lại với bà o, bằng một từ gãy gọn: Chán...

- Chán lắm o à, ai nghĩ răng thì nghĩ chứ với con thì cái kiếp sống trong lồng, dù đó là cái lồng sơn son thếp vàng, dù được thụ hưởng sơn hào hải vị gì đi nữa cũng là cái cung cấm, là cái tử cấm thành, không tình yêu, không tự do, đời sống trên nhung lụa thì đâu có khác chi bị ở tù... Chán đến chết.

Cô gái trẻ măng, tóc vàng hoe lại làm tôi bật cười với chất giọng hồn nhiên:

- Ôi dào, tự nhiên mới thấy lại đè người ta, dù là vua chúa chi cũng là hành động... thời mạng xã hội lướt phây ni là cuộc đời ông ấy coi như xong phim...

Cô gái nói xong lại cười. Hình như bà già không khoái câu nói huỵch toẹt của cô gái, nhưng không hề bực bội, cũng cười:

- Cha mi, ăn với nói...

Vui, đó là sự cảm nhận của tôi về câu chuyện. Ừ thì dù có trĩu nặng mấy về văn hóa làng, cũng phải chấp nhận trôi trong dòng chảy tiến hóa chứ. Cũng như ngày xửa ngày xưa nơi đây bị biệt lập giữa đầm phá và biển cả, không phương tiện giao thông bên ngoài nào hơn chiếc ghe xập xệ bềnh bồng vượt phá. Bây giờ thì cầu kiều đủ kiểu, xe cộ tấp nập, chở đi đem về cho làng đủ loại hàng hóa, văn hóa tứ phương. Những gã đàn ông buông lưới bỏ thuyền đều có cơ hội để cầm vô lăng xe hơi xịn, uống rượu ngoại, nói chuyện làm ăn kinh doanh bằng đô la Mỹ. Những người đàn bà cũng thoát thân ra khỏi nếp sống buồn tẻ nhất quán ngồi ngóng những chiếc ghe câu từ khơi xa quay về, để mót từng con cá, gánh nặng đôi triêng gióng chạy chợ cho kịp thời gian cá ươn. Bàn chân của người dân nơi đây chẳng còn đen đúa trần trụi dẫm lên cát bỏng, mà đã hóa thành những bàn chân trắng sáng nõn nà trau chuốt móng xanh móng đỏ... Tất cả và đó là những gì đang xoay quanh câu chuyện của ba người đàn bà, ba thế hệ cùng tồn tại trong ngôi làng hơn trăm năm tuổi, với họ hay với tôi cũng chỉ là một khối thể tồn lưu trong dòng chảy đầy biến động của một vùng đất đầy những huyền tích, và dĩ nhiên quan niệm sống về mỗi thời đều có sự dịch biến phù hợp.

Tôi cũng như ba người đàn bà, đều đang trốn dưới bóng râm của tượng đài hoàng kim vượt trùng trấn biển đảo của tiền nhân, bóng râm của những người lính thú biên địa khai hoang lập làng, mở ra trang sử bi hùng đầy máu lệ, nhưng tất cả không phải, không thể làm những con dã tràng già suốt đời xe cát để tái tạo ký ức bằng thứ tư duy cực đoan. Bởi suy cho cùng nó chỉ là cái gốc rễ vững chắc để cành nhánh vươn lên cao hơn, xa hơn những cái bóng râm tượng đài bất động bình lặng như cái bóng râm mui thuyền của ba người đàn bà và tôi đang trốn chút nắng trưa vừa chập chờn trở lại sau cơn bão biển.

Vinh Mỹ tháng 9/2020
N.Q
(SHSDB39/12-2020)




 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)
Chiếc cù lao (13/11/2020)