Truyện ngắn
Nắng cuối chiều
15:17 | 05/02/2021

THU LOAN

Anh mất vì một tai nạn giao thông. Đang dừng ở ngã tư, chờ đèn xanh thì bất ngờ một chiếc ôtô đâm sầm vào.

Nắng cuối chiều
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Không rõ xe bị đứt thắng hay tài xế say rượu hay ngủ gật hay đạp nhầm chân phanh hay mới tập lái. Nó còn tông thêm 4 chiếc xe nữa mới chịu dừng. Anh văng ra xa. Mũ bảo hiểm nứt nẻ, chiếc xe máy bẹp dúm. Mọi người đến viếng, ai cũng an ủi: “Thôi, cái số. Sống nay chết mai, ai biết trước được”. Thì đó, ra đường có bao nhiêu hiểm họa rập rình: cây đổ, cầu gẫy, đâm chém, xe tông… Nhưng chết vì gì thì người thân cũng chung một kết cuộc: đau đớn. Nếu vì bệnh hiểm nghèo, tuổi già sẽ đỡ đau hơn. Đằng này, anh ra đi mới tuổi 50, cái tuổi không trẻ nhưng không thể gọi là thọ. Cái tuổi chưa thấy hết các con trưởng thành, có cháu ẵm bồng, chưa kịp có ngày tháng nghỉ ngơi, cùng vợ con đi chơi nơi này nơi kia. Nếu sống với nhau nay mắng mai chửi hoặc ngậm bồ hòn làm ngọt thì khoảng thời gian choáng váng sẽ ngắn hơn. Đằng này trải qua gần ba mươi năm, hai vợ chồng chưa có quá một giờ mặt nặng mày nhẹ. Dim nhăn nhó thì anh trêu chọc, cù nách, ôm eo, kéo con cùng làm đồng minh, quyết làm Dim phì cười mới thôi. Đi đâu xa, giữa cuộc nhậu, bao giờ anh cũng gọi về, nói oang oang giữa đông người: “Anh đang ngồi với mấy em chân dài nè. Hôm nay anh quyết uống không say không về”. Đi đâu, có Dim đi cùng, anh hãnh diện lắm. Miệng cười như hoa, nói như sáo sậu. Dim cũng ngấm ngầm tự hào về anh. Dim thường chê anh lười làm việc nhà nhưng trong mắt Dim, anh đàn ông nhất, người Dim yêu nhất. Nếu được chọn lại, nếu có kiếp sau, Dim vẫn chọn anh làm chồng. Nhìn anh nằm bất động trong phòng cấp cứu, Dim khóc ngất. Dim không nhớ đã kêu tên anh bao lần. Môi vừa bật ra tiếng gọi “Liêm ơi, Liêm ơi” là nước mắt tuôn trào, cổ họng nghẹn đắng, tim đau thắt. Dim ôm chặt anh, nắm tay, vuốt tóc, xoa mặt... Dim không tin mới hai giờ trước, anh vừa bảo: “Tui đi mua dây điện đây”, giờ đã nằm thẳng tay thẳng chân, không phản ứng gì trước muôn vàn cử chỉ âu yếm và tiếng gọi đau đớn của Dim.

Ra đường Dim đeo kính râm, khăn bịt kín mặt. Nỗi nhớ anh có thể đến bất cứ lúc nào. Dim sẽ không thể ngăn được dòng nước mắt rơi lã chã, miệng méo xệch. Dim tha hồ khóc nấc gọi Liêm ơi, Liêm ơi mà không sợ ai thấy. Về nhà Dim đứng trước di ảnh, bật cát-sét nghe đi nghe lại lời tụng “Nam mô A Di Đà Phật”. Dim bắt mình phải quen âm thanh não nề này để không bật khóc nức nở mỗi khi nghe tiếng đọc kinh hay tiếng kèn, trống đám ma. Quanh năm Dim mặc sắc màu đen. Mảnh nhựa đen nằm ngay trên tim như con mắt buồn nhắc mọi người vì sao Dim không vui chơi, ít cười nói. Dim đi suốt con đường đất khấp khểnh gập ghềnh, đến nhà chị Lê chỉ để nói vài ba câu vu vơ về những chuyện không đâu. Cả năm Dim đến nhà chị hai lần vào ngày giỗ và năm mới. Thấy Dim đến luôn luôn, vợ chồng chị đều biết vì lẽ gì. Chị bảo: Buồn thì khóc đi. Đừng nén nữa. Nhưng Dim vẫn cứ nén, vẫn lặng lẽ chận dòng nước mắt ầng ậc trên mi, lặng lẽ hồi lâu cho sự xúc động lắng xuống. Than khóc, vật vã trước mặt người khác Dim thấy ngượng. Sao bắt người khác phải chứng kiến, chịu đựng nỗi đau của mình. Dim khóc thầm quá nhiều rồi. Mắt sưng, má cóp. Lúc lấp mộ, nhiều người kinh ngạc thấy Dim thay mặt gia đình đọc lời cảm ơn. Người biết Dim nói: Nó vốn kiên cường. Người ít biết Dim nói: Bình tĩnh thật. Chắc ít yêu chồng.

Ai nói gì, mặc! Dim chỉ biết lòng Dim đau, đau lắm.

Dim nhớ anh. Nhớ nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt tinh nghịch, nhớ dáng anh đi khuỳnh khoàng, nhớ anh thích ăn mắm chưng, nhậu về là hỏi còn mì tôm không, nhớ mỗi sáng ra khỏi nhà anh thường hôn lên tóc lên má Dim, nhớ giây phút Dim linh cảm cái chết đến, nhớ phút cuối mặc bộ quần áo mới nhất trông anh vẫn trẻ trung như thanh niên. Bộ nhớ vừa chạm tới bất cứ điều gì dù rất nhỏ nhặt cũng khiến lòng Dim thắt lại, nước mắt trào ra. Có một mình, Dim khóc òa lên, khóc nức nở, hơ hơ hơ thật to ở bất cứ chỗ nào, trong phòng thờ, buồng ngủ, phòng ăn, nhà tắm. Đôi khi thằng con mười hai tuổi bắt gặp mắt mẹ đỏ hoe, chớp chớp, nó biết mẹ đang rất buồn nhưng vẫn hỏi: “Mẹ nhớ ba nữa à?”. Dim gật, vùi mặt vào hai bàn tay. Nó mếu máo: “Mẹ khóc con ứ chơi với mẹ nữa”. “Thế con không nhớ ba à?” “Con nhớ!” “ Sao con không khóc?” “Con là con trai mà”. Thằng bé nói và đưa tay vội quệt nước mắt. Rồi hai mẹ con cùng ôm nhau khóc òa. Sau lần ấy, Dim không muốn con thấy mình buồn. Dim sợ nỗi buồn sẽ ám vào tâm hồn non nớt của nó, Dim chỉ khóc lén, khóc thầm. Đêm, Dim nói thằng bé sang phòng bên ngủ hoặc quay mặt vào tường hoặc cắn chặt khăn để khóc không bật thành tiếng.

Lòng Dim đau, đau lắm.

Dim nhận ra chỉ có đến nghĩa trang, nơi anh nằm, dường như nỗi đau mới nguôi. Ở đó, Dim có thể khóc lu loa không ai biết. Không ai thấy được nước mắt Dim rơi lã chã, ướt nhoèn hai má. Dim có thể trò chuyện thầm thì như anh còn sống. Chiều thứ bảy nào Dim cũng ra nghĩa trang vì hôm đó chỉ phải dạy 2 tiết. Còn bất cứ lúc nào sắp xếp được công việc, nhớ anh, là Dim đi. Đường đến nghĩa trang khoảng hai mươi cây số. Dim đi xe máy gần hết 1 giờ. Qua khỏi thị trấn, nhà cửa thưa thớt dần rồi vắng hẳn. Có lẽ chẳng ai dám ở gần nghĩa trang. Lạnh lẽo, hoang vắng, ghê ghê! Đường nhựa chuyển sang đường cấp phối rồi đến đường đất. Hai bên bạt ngàn cây dại, cỏ lúp xúp. Bụi phủ từng lớp đỏ quạch trên lá. Chiếc xe máy nảy lóc cóc vì mặt đường đầy hố to hố nhỏ, lồi lõm. Biết Dim hay ra nghĩa trang một mình, chị Lê liên tục nhắc: “Đừng ra đó nhiều. Hơi đất, hơi người chết không tốt cho sức khỏe đâu”. Chị Thịnh thì bảo: “Cẩn thận. Ở nghĩa trang đã từng xảy ra các vụ xin đểu, cướp gật, hiếp dâm đấy”. Dim không quan tâm. Chỉ biết đến nghĩa trang nỗi đau của Dim mới nguôi.

Lần nào Dim cũng mang theo nhang, hoa, trái cây, khăn, xô nước. Hôm nay trời trong, mây trắng, chắc chắn không mưa. Dim nhớ một lần thấy mây đen khắp chân trời nhưng Dim vẫn cứ đi vì nhớ anh, vì tin cơn mưa không thể đến nhanh. Ai ngờ tới gần nghĩa trang trời bỗng tối sầm lại. Quay về cũng dở. Dim lên ga, vội vã tăng tốc. Người trong nghĩa trang cũng tăng tốc vội vã quay ra. Trong nháy mắt nghĩa trang vắng tanh. Gió cuốn một cơn lốc bụi và rác mù mịt, hất tung chiếc giỏ ra xa. Giấy, nhang văng tung tóe. Mưa ào ào trút xuống, tạt ướt áo quần Dim. Nước đỏ lừ tràn ngập xung quanh. Những ngôi mộ lát gạch và đá đen càng như đen hơn, đen thùi lùi như cả một rừng ma đang chuẩn bị nhảy xổ vào Dim. Dim bắt đầu thấy lạnh và sợ. Răng đánh vào nhau lập cập. Thắp vội bó nhang, khấn vội vài lời, Dim vội vàng ra về. Mưa vẫn to. Từng hạt mưa trĩu nặng quất vào mặt Dim bỏng rát. Chiếc xe máy nhảy chồm chồm bất chấp dòng nước bất ngờ dâng lên cuồn cuộn như sông như suối. Con đường hun hút vắng lặng bóng xe, bóng người. Dim bỗng thấy mình bé nhỏ, cô đơn vô cùng. May mà hôm đó Dim trở về bình an. May mà chiếc xe không bị chết máy. Dĩ nhiên Dim sẽ không bao giờ dám liều lĩnh như thế nữa.

Đang nhớ miên man về lần đi ấy, xe Dim bỗng xóc nảy, tay lái loạng choạng. Bên phải, bên trái, bên phải, trái… trái… trái… Nếu đang ở ngã tư chờ đèn xanh thì không chừng có ai đó sẽ bị văng ra bất tỉnh, không chừng có mấy xe nữa xô vào nhau ngã dúi dụi. Dim hốt hoảng bóp thắng. Tiếng phanh rít rít chói tai. Bánh xe xẹp lép. Dim cúi rạp lưng, cố sức đẩy nó mới ì ạch lên khỏi ổ gà. Dim nhìn trước, sau, phải, trái… Một dãy nhà nằm chình ình, cô độc bên đường. Nhìn tấm bảng trên cổng “Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy”. Dim rùng mình. Dim cảm giác thấp thoáng đâu đây những thân hình tiều tụy, môi thâm, mắt trắng. Dim đã từng nghe loáng thoáng về cơ sở này. Không ngờ nó nằm đây. Dim đi qua đi lại bao lần mà không để ý. Dim tò mò nhìn phía sau cánh cổng. Những người nghiện già hay trẻ, ốm yếu hay khỏe mạnh? Xung quanh vắng lặng, không âm thanh, không bóng người. Dim thấy tiếc sao không thấy ai xuất hiện. Nhất định lần sau Dim phải quan sát xem thực tế trông họ ra sao.

Không có chiếc xe nào dừng lại. Những ánh mắt nhìn Dim rồi cũng ngại ngần quay đi lảng tránh. Nếu là Dim, Dim cũng sợ. Sợ vì bất lực, chẳng giúp được gì. Sợ vì ở đây vắng vẻ, lại có những người dính vào cái chết trắng. Họ có thể làm bất cứ điều gì chỉ vì cơn ghiền. Dim đang loay hoay tìm cách thì thấy một chiếc xe đi tới. Không cần Dim ra hiệu, chiếc xe đã giảm tốc độ. Dim nhìn người đàn ông da ngăm đen như đã thấy vị cứu tinh. “ Cô bị sao thế?” “ Xe em thủng lốp. Anh có cách nào giúp em với”. “Tưởng gì, chuyện nhỏ”. Người đàn ông mở cốp xe của mình lấy ra bộ đồ nghề và hộp keo mang theo. Chưa đầy 10 phút, bánh xe đã phồng căng, lăn đi lăn lại dễ dàng. Chưa đầy 10 phút, Dim đã biết thông tin sơ bộ về anh. Anh tên Phong đang làm việc ở đồn Biên phòng. Thấy Dim tò mò nhìn chiếc túi đựng nhang, đèn, hoa… anh nói: “Tôi cũng đi thăm mộ. Vợ tôi mất được hơn ba năm rồi”. Dim chìa tay: “Cám ơn anh, anh Phong. May quá. Không có anh em chết mất. Không biết xoay xở thế nào. “Có gì đâu. Biết lo xa và chuẩn bị chu đáo, việc gì cũng sẽ tốt”. Câu nói như chạm vào nỗi uất ức của Dim. Cô buột miệng kể: “Lúc chồng em hôn mê sâu, các bác sĩ khẳng định anh ấy không qua khỏi, gia đình phải lo hậu sự. Em cũng muốn lo cho chồng chu đáo nên nhờ một đồng nghiệp viết điếu văn. Trong tổ, anh ta hay kèn cựa với em vì học sinh thích nghe em giảng, vì em liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi, vì em làm tổ trưởng, vì, vì, vì…. đại loại như thế. Nhưng nghĩ anh ta hay viết điếu văn, đã thân thiết với gia đình em từ trước đến nay, biết vợ chồng em sống với nhau hạnh phúc thế nào, dù gì cũng gần gũi hơn người khác. Chẳng ngờ sau đó anh ta lại đi rêu rao khắp nơi rằng chồng đang nằm trong phòng cấp cứu đã lo viết điếu văn, chắc mong chồng mau chết. Anh thấy có bẩn thỉu không”. “ Sao cô không tát vào mặt hắn? Bao người đang sống sờ sờ cũng lo cho cái chết đó thôi. Như tôi đây, tôi đã mua đất, chuẩn bị hòm cho mẹ rồi. Mẹ tôi còn dặn phải tổ chức đám tang như thế nào. Tuần thứ nhất làm những gì, tuần thứ hai làm những gì. Tài sản cũng đã mang ra công chứng chia cho các con. Sợ sau này tranh chấp mệt lắm. Đôi khi vì của mà mất tình thân. Đấy là chuỗi công việc ai cũng cần phải làm để việc hậu sự được chu toàn… Thôi, cô đừng buồn. Chắc hắn ta phải thù ghét cô lắm mới làm vậy.” “Đúng là thù ghét. Giờ em mới hiểu anh ta thù ghét em mức nào! Em không buồn vì việc em làm mà quá buồn vì con người đó. Sao người ta có thể nhẫn tâm với nhau vậy? Muốn nói xấu thiếu gì cách mà phải đem chuyện đau thương nhất để làm cớ nói xấu hả anh? Em quá thất vọng.” “Cô bỏ ngoài tai chuyện đó đi, đừng nghĩ nữa. Người đó mới chỉ nói thôi. Lắm kẻ còn làm đầy những việc bẩn thỉu, đê tiện hơn ấy chứ. Hôm nay tôi bận, phải về lại đơn vị trước 5 giờ. Chỉ có chiều thứ 7 tuần cuối tháng mới được nghỉ trọn vẹn, thảnh thơi nhất. Còn những hôm khác phải tranh thủ lắm. Thôi, tôi đi trước đây. Chào cô nhé”. Phong vội vã lên xe, Dim cũng lên xe. Phút chốc, Dim thấy bóng áo xanh cách mình xa tít.

*
Khu nghĩa trang mới xây không lâu đã bạt ngàn mộ, chia thành khu, thành dãy đều tăm tắp, khác hẳn nghĩa trang cũ, nơi người có tiền muốn cái chết cũng phải thể hiện đẳng cấp giàu sang bằng cách làm cao to, khác biệt cả kiểu mẫu lẫn chất liệu. Ở đây, các ngôi mộ có kiểu dáng gần như nhau, chỉ khác lát gạch hay đá, đá Ấn Độ hay Campuchia, màu đen hay đỏ hay vàng… Sự khác biệt chút ít này cũng làm giá thành có thể chênh nhau từ vài chục đến vài trăm triệu. Dẫu sao cũng đỡ tủi cho người có ít tiền vì mới nhìn thoáng qua chúng đều na ná như nhau. Nếu không có người dẫn đến tận nơi ít nhất một lần thì rất khó tìm đúng mộ.

Dù ở bất kỳ nơi nào, Dim vẫn hình dung rõ rệt mộ anh: cao 2m, rộng 1m6, lát gạch men màu đen. Dim mua ly, đĩa đựng trái cây, bình hoa màu vàng nhạt. Hoa ly giả nhưng là loại hoa anh thích nhất. Dim đặt thảm cỏ nhựa trên lớp sỏi trắng. Cạnh mộ Dim trồng 3 cây sống đời để nắng chiều chói gắt không hắt vào giữa mộ. Dim còn trồng thêm hoa mười giờ đủ màu. Nơi anh yên nghỉ mãi mãi xanh tươi, đẹp đẽ. Giá biết trước có ngày biệt ly, Dim sẽ không bao giờ cáu gắt, sẽ chăm chút cho anh cả những điều nhỏ nhặt nhất. Chỉ cần nghĩ đến bấy nhiêu thôi, nước mắt Dim lại ứa ra. Giờ có làm gì thì anh cũng không biết tình yêu sâu đậm Dim dành cho anh nữa rồi. Chỉ mình Dim tự biết, tự hiểu. Lòng Dim đau, đau lắm. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng an ủi, xoa dịu Dim được phần nào.

Lần nào cũng vậy, thắp nhang xong thì Dim lau mộ. Nhúng khăn trong nước, vò vò, vắt sạch. Bắt đầu từ nơi thờ, kỳ cọ bát nhang, bình hoa, đèn, ly đựng nước… Tiếp đến thân mộ. Những miếng đá nằm ngang, Những thanh đá dựng dọc. Những lớp bụi bám trong kẽ, những vệt sơn trắng còn dính lại… Dim lau đi lau lại sạch bóng. Có lúc Dim lau như trong mê muội. Dưới lớp đất kia, Dim vẫn thấy anh như đang nằm ngủ, nét mặt thanh thản, khóe môi khẽ nhếch lên như cười, như lúc anh trút hơi thở cuối cùng, như một khuya nào đó, Dim chợt thức giấc, quay sang ngắm anh. “Chị ơi, làm gì cho cực. Chị để em nhận lau. 100 ngàn 1 tháng. Rẻ thôi mà”. Dim ngẩng lên. Người phụ nữ đi ủng, mang bao tay cao su, cầm xô đứng trước mặt Dim. Hẳn cô ta có thân quen với người trong Ban quản lý nên mới chen được vào dịch vụ này. Có một dạo báo chí phản ánh việc xây dựng ở nghĩa trang độc quyền, giá “cắt cổ”, ai cũng kêu trời. Thì thôi, ai muốn xây thì xây. Nhưng cứ thử người ngoài đến xây xem! Điện lấy ở đâu? Tường xây hôm trước, hôm sau đổ. Ống nước vùi trong bêtông bị moi ra bẻ làm ba bốn khúc. Câu đối gắn lên, vài ngày sau sẽ bị đập nham nhở. Làm sao bắt được thủ phạm? Mọi việc lại đâu vào đấy. Giá gấp 3, gấp 4 cũng chịu. Tốt nhất không dây vào, không làm Ban quản lý mất lòng. Hơn nữa làm việc gì cho người chết đa số người thân cũng đều không muốn kỳ kèo. Dim không tiếc 100 ngàn mà chỉ muốn tự lau để ở với anh lâu hơn, cảm giác đang gửi bao tình yêu thương nhung nhớ vào việc này vậy. Nhưng cũng phải nói năng khéo léo kẻo bị ấn tượng không hay. Rồi người chết, ngôi mộ lại lãnh đủ. Như những lần trước, Dim từ chối nhẹ nhàng: “Ừ, để thư thư thời gian đã. Chồng chị mất sớm, chị muốn tự tay lau cho đỡ đau lòng. Khi nào cần, chị sẽ gọi”. “Chị nhớ gọi em nhé”. Dim gật dù biết mình không thể nhớ nổi một gương mặt mới gặp một lần, ắt sẽ nhòa mờ trong cả chục gương mặt đã từng đến đây hỏi han, từng tìm cách tỏ ra thân thiện để được thân nhân cảm tình, tin cậy giao phó.

Xong việc, Dim ngồi trên bệ xi măng. Tay khoanh bó gối, ánh mắt chậm rãi lướt trên những ngôi mộ xung quanh. Mỗi ngôi mộ như một lăng tẩm uy nghi chứa đựng mọi bí ẩn của một con người. Anh có bí ẩn gì mà Dim chưa biết? Dim tin anh chẳng giấu Dim điều gì. Sao một người hiền lành, tốt bụng, vui tính lại rời bỏ cõi đời sớm như vậy? Sao cõi đời phi lý vậy? Chớp mắt anh đã là người thiên cổ. Dim thành góa bụa. Hai đứa con bỗng mồ côi cha. Mới nghĩ vậy thôi nỗi đau lại ùa đến. Đầu Dim gục xuống. Dim không còn nước mắt nữa nhưng vai cứ rung lên từng đợt. “Lại buồn rồi à?” Một bàn tay vỗ vỗ trên lưng Dim. Thằng con mỗi lần an ủi Dim cũng vỗ vỗ như thế. Dim lau vội ngấn nước mắt ngẩng lên: “Ơ! Anh Phong. Sao anh biết em ở đây?” “Tôi thấy xe của Dim - Phong đã thay đổi xưng hô từ cô thành Dim từ khi nào - Hôm nay giỗ vợ tôi. Dim ăn xôi gà này. Đường về xa lắm”. Dim lắc đầu: “Em ăn chay anh ạ”. “Hả? Người ta ăn chay 49 ngày đầu thôi mà. Anh ấy mất hơn bốn năm rồi còn gì”. Dim cười buồn: “Thường là thế. Em chưa ăn chay bao giờ. Hồi đó, em dâu còn bảo nếu chị không quen, em sẽ ăn thay chị. Em không chịu. Và em nhận ra nhờ các món chay mà em mới nuốt nổi. Rồi em ăn luôn vì thấy nó nhẹ nhàng, hợp với mình chứ không phải vì phong tục hay vì hình thức gì hết… Em buồn lắm, đau lắm. Anh ấy đi quá đột ngột”. Phong bảo: “Dim hãy nghĩ đó là số. Số anh ấy ngắn ngủi vậy thôi. Ai rồi cũng phải chết. Đi nhanh như thế có khi là hạnh phúc. Tôi vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng Dim cứ tưởng tượng người thân và chính người phải sống với một cái chết được báo trước thì kinh khủng thế nào. Vợ tôi bị ung thư giai đoạn cuối. Cả gia đình tôi giấu nhưng cô ấy biết. Cô ấy không chịu chữa. Tôi phải làm công tác tư tưởng suốt một thời gian dài. Phải chiến đấu để giành sự sống chứ. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cuộc sống đẹp biết bao! Cho dù có đau khổ, cùng kiệt, bất hạnh thì sống vẫn là điều kỳ diệu nhất. Tôi thế chấp nhà, vay mượn người thân, bạn bè, làm như trâu điên để có tiền chữa bệnh cho vợ. Cuối cùng cô ấy vẫn ra đi. Tôi thì được mãn nguyện là đã làm hết sức mình”. Phong thở dài, mắt nheo nheo nhìn ra xa. Có một nỗi buồn đóng băng trong đó. Có vài lần Phong và Dim cũng gặp nhau ở đây, hỏi thăm vài ba câu. Chưa bao giờ Dim thấy Phong nói nhiều như hôm nay, đăm chiêu như hôm nay và hôm nay Dim mới biết vì sao vợ Phong mất. Hôm nay Dim mới nhận ra Phong quá già so với tuổi. Gương mặt khắc khổ, hằn những nếp nhăn. Dim khẽ thở dài nhưng trong lòng thầm nghĩ, nếu là mình, mình còn quyết liệt hơn vợ Phong, dứt khoát không chữa, để lại tiền cho chồng con. Phong ngắm những ngôi mộ xung quanh, giọng buồn hẳn: “Tôi ân hận nhất là chỉ làm được cho vợ ngôi mộ quá sơ sài. Không trần, không ốp gạch men. Chỉ có một hàng gạch bao quanh tấm bia cũng bằng gạch. Chữa cho cô ấy xong là hết sạch tiền. Không thể cố được nữa”. Dim đã nghe nhiều gia đình khánh kiệt vì chữa ung thư. Có người tiền đầy túi nhưng hàng ngày vẫn xếp hàng lấy cháo từ thiện chỉ vì cần phải dành tiền chữa trị lâu dài. Bệnh đó ngốn số tiền khủng mà đôi khi vẫn phải trông chờ phép màu may ra… Dim rời khỏi nỗi đau của mình, hạ giọng: “Thôi, anh nghĩ làm gì. Chết là hết. Bây giờ còn có đất xây mộ chứ biết đâu hai ba chục năm nữa, đến đời mình, đất cho người ở còn khó nữa là đất cho người chết. Em tính rồi. Sau này em chết, xác sẽ đem thiêu. Lấy tro rải lên đồi núi, sông ngòi. Xong! Không ô nhiễm môi trường còn khỏe cho con cháu nữa”. Phong cười: “Lại lo chuyện hậu sự khi còn sống. Chắc mong mau chết hả?” Dim gật gù: “Em vẫn hình dung đám ma của em sẽ không có kèn trống ầm ĩ, chỉ có âm thanh của bài Hồn tử sĩ vang lên buồn bã nhưng oai hùng. Cũng không cần nhiều hoa. Chỉ một lẵng đặt trên quan tài là đủ. Dân mình nghèo nhưng chuộng hình thức khiếp. Mấy chục vòng hoa tương đương hàng chục triệu, chưng trong hai ngày là bỏ thành rác. Trong khi còn bao nhiêu làng nghèo, người đói, không áo quần, không thuốc men. Còn anh, đã khi nào anh nghĩ đến cái chết chưa?” Phong lẳng lặng lấy ví, rút ra một tấm thẻ bằng ba ngón tay. “Dim xem đi”. Vừa dán mắt vào dòng chữ đầu tiên, Dim đứng bật dậy: “Hả? Anh hiến xác à. Khiếp quá!”. Một cảm giác ớn lạnh chạy rần rật từ chân lên đầu Dim. Dim biết có nhiều người tình nguyện hiến xác, hiến tạng. Xã hội tôn vinh những người đó cũng phải bởi chính cái đêm thức trắng trong phòng cấp cứu, Dim hiểu không dễ gì đem cho người khác bất kỳ bộ phận nào của cơ thể mình hay người thân. Thương lắm. Dim không đủ dũng cảm để làm việc đó. Không, ngàn lần không. Còn anh thì đã sẵn sàng hiến toàn bộ thân mình cho y học. Dim hình dung thân hình anh cao lớn nổi lềnh bềnh trong bể foocmond từ năm này qua năm khác. Cô rùng mình. “Sao anh phải làm vậy?” “Ồ, tôi đã ao ước điều này từ lâu. Lúc đăng ký, làm xong thủ tục tôi sung sướng lắm. Lòng nhẹ nhàng, thanh thản lạ kỳ. Chết rồi còn giúp ích được cho đời, cho người khác, hạnh phúc lắm Dim ạ”. Dim lắc đầu: “Em cứ thấy ghê ghê. Khi chết con người phải tổ chức mai táng theo kiểu địa táng hoặc thiên táng hoặc thủy táng chứ. Làm như vậy sao yên lòng được”. “Tất cả do mình quan niệm thôi. Mà sao hôm nay mình nói toàn những điều xa quá. Cứ phải sống đã. Lạ thật, sống lo chưa xong đã nghĩ đến chết. Chúng ta chưa đến tuổi già mà.” “Em già rồi. Nắng cuối chiều rồi”. Hình như Phong không nghe thấy Dim nói. Anh mải nhìn ra xa, nghĩ điều gì đó. Nắng vàng rực trên các ngôi mộ. Xung quanh thật tĩnh mịch, dường như nghe được cả tiếng i u ở rất xa đang vọng trong sâu thẳm đất trời, như thể tiếng người chết đang cố nhắn gửi điều gì đó cho người sống mà không thể cất thành lời.

*
Không nhớ bao nhiêu chiều ngồi trên mộ một mình, Dim lật đi lật lại những suy nghĩ về cái chết. Thoạt đầu, Dim nghĩ chuyện này như lẽ đương nhiên, khi anh đột ngột ra đi, khi Dim đột ngột đối diện với nó. Hàng ngày, vợ chồng Dim vẫn nghe tin tức về tai nạn, tự tử. Thi thoảng vẫn phải phúng điếu, đưa đám một người quen. Cái chết vẫn chỉ là một hiện tượng gì đó ở bên ngoài cuộc sống, chưa bao giờ hai vợ chồng nghĩ tới, quan tâm. Thậm chí lúc bạn bè trêu: “Liệu có sống đến ngày lên chức bố chồng, mẹ chồng không đấy.” (Vì Dim sinh con muộn), hai vợ chồng chỉ cười vui sướng. Thời nay, con người sống 80, 90 tuổi là bình thường. Chẳng lẽ mình không sống nổi đến 70 để thấy con yên bề gia thất? Nhưng giờ đây cái chết ám vào tâm trí Dim, như thể bây giờ Dim mới thấu hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó. Dim tưởng tượng đời mình đã ngoặt sang một lối rẽ. Lối rẽ ấy đi qua tuổi già đến cái chết dường như rất dài, có thể còn dài hơn cả quãng đời Dim chung sống với Liêm. Trên đó không còn bóng cây, tiếng chim hót, không còn niềm vui. Trên đó chỉ có mình Dim lủi thủi giữa đồng cỏ trơ trụi. Buồn nối tiếp buồn. Cô đơn nối tiếp cô đơn. Từ nay Dim phải làm bạn với chúng. Con gái Dim đoán biết tâm trạng mẹ, đêm nào cũng gọi Zalo chuyện trò. Con trai tự giác rửa chén, phơi quần áo. Đồng nghiệp ới cà phê. Bạn bè rủ đi nhậu. Cả Phong nữa. Phong nhắn: “Dim rầu rĩ mãi, tôi cũng xót.” Biết ai cũng muốn chia sẻ chân thành theo cách của mình nhưng nỗi buồn, sự trống vắng vẫn không thể xóa nhòa. Tình cảm mẹ con, bạn bè có thắm thiết mấy cũng không thể thay thế tình vợ chồng.

Lòng Dim đau, đau lắm.

Dim và Liêm đã từng chung sống những ngày tháng nhọc nhằn, làm kiệt sức mới kiếm đủ miếng ăn. Vợ chồng cùng nhau nấu rượu. Anh vắt chiếc áo thun, mồ hôi chảy tong tong. Tắm hai ba lần, lưng vẫn ướt nhẫy. Dim ngồi cạnh, chắt rượu ra can, bình đem đi bỏ mối. Vừa đi dạy về lại vội xăn quần, thái chuối, bằm rau, nấu cám nuôi heo. Lúc nào rảnh rỗi thì băm bổ ra vườn cuốc đất trồng rau. Chủ nhật, chồng kéo xe phế liệu, vợ cúi rạp đẩy. Việc gì lớn nhỏ cũng làm miễn có tiền. Suốt thời trẻ chẳng biết quán cà phê là gì, du lịch là gì. Giờ mới khấm khá lên được tí chút, đã mỗi người mỗi cõi. Có lần chị Thịnh bảo: “Giờ mày thành độc thân rồi. Muốn ăn gì, làm gì, chơi gì tha hồ tự do. Nhưng phải cảnh giác đấy. Đàn ông nhiều thằng như chó, đánh hơi nhanh lắm. Chúng thấy mình còn nhan sắc, có tiền, hai đứa con ngoan là lăn xả đến. Con Nga kia, biết bao thằng đứng ngoài hàng rào, réo gọi cả đêm, hàng xóm không ngủ được”. “Nga với em khác xa nhau mà. Loại đàn ông lăn xả, đứng ngoài hàng rào bộc lộ tình cảm thì chẳng bao giờ tìm em đâu”. Tất nhiên là chị Thịnh lo xa. Dim không sợ đàn ông lăn xả, đàn ông đứng ngoài hàng rào. Chỉ cần Dim thích. Dim biết mình thuộc tạng người khó yêu. Ba mươi tuổi chưa có mối tình nào, ba mẹ không hiểu vì lẽ gì bạn trai đứng xếp hàng mà Dim không chịu chọn ai. Lúc gặp Liêm, ba mẹ, người thân, bạn bè hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Liêm không cao to, đẹp trai nhưng anh ứng xử luôn có lý có tình khiến ai cũng phải nể phục, quý mến. Cách ứng xử của anh đánh bay tính lì của Dim. Thời trẻ đã khó thích ai, giờ tuổi này còn thích nổi ai nữa. Huống chi tháng ngày đã qua dày đặc kỷ niệm của anh và Dim. Dim nghĩ lòng mình đã lạnh, như bếp lửa bị mưa giột đẫm nước rồi. Giờ đây, Dim chỉ nghĩ nhiều đến cái chết. Trước kia, nghe chết là sợ, lạnh run người, coi như điềm gở. Giờ ăn, ngủ, làm việc, đi chơi, cái chết đều lởn vởn trước mặt. Chết chẳng có gì là sợ. Cùng lắm như một cơn buồn ngủ, kéo díp hai mắt lại rồi không biết gì nữa.

Trong lúc chờ nhang tàn, Dim ngồi trên bệ xi măng, đầu óc vẫn nghĩ lung tung về cái chết. Hình như có tiếng lịch kịch, tiếng di chuyển. Dim căng mắt nhìn. Chẳng có gì ngoài những ngôi mộ vốn im lìm như bị bỏ hoang lâu ngày. Không phải ngày đầu tháng, Rằm, Tết thì sẽ rất ít người tới thăm mộ. Dim xếp đồ vào giỏ, sửa soạn ra về. Thình lình những tiếng động biến thành ba con người đen đúa, gầy nhẳng. Chúng đột ngột hiện ra sau mảng tường đặt bàn thờ và câu đối. Từ một gương mặt xương xẩu vọng ra một âm thanh the thé mà ai nghe cũng phải sởn da gà: “Chào bà chị”. Hỗ trợ cho âm thanh này còn một cánh tay gầy guộc cầm một thanh gỗ, một cánh tay khác áo xắn tận vai để lộ những hình xăm xanh thẫm cầm dao. Cái ngáp uể oải, vết kim li ti trên da thịt chúng như nhắc Dim nhớ về dãy nhà có tấm biển “Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy”. Chắc đây là những tên trốn trại. “Các chú muốn gì?” “Hi! Cho chúng em mượn chìa khóa xe.” Dim hiểu ngay tình thế. Nhanh như tên bắn, cô vụt chạy giữa hai hàng mộ, nhảy bổ ra đường. “Cứu! Cứu!” Dim lấy sức hét thật to. Xung quanh Dim không một bóng người. Dim nghe tiếng chân đuổi rầm rập phía sau. Tên đi đầu vươn tay ra túm được tóc Dim. Dim giằng ra, quay ngoắt lại, lấy hết sức húc vào người nó. Nó lao vào Dim, giằng co, cấu xé. Dim đẩy nó. Nó túm lấy áo Dim. Cả hai ngã dúi dụi vào bụi cây. Đúng lúc cơ thể Dim rệu rã, tưởng chừng không còn chút sức lực nào chống trả thì bỗng thấy tên nghiện bị kéo ra. Dim nhận ra Phong, màu áo xanh anh mặc loang loáng trước mặt. Nắm đấm của Phong như búa tạ, giộng thẳng vào mặt tên nghiện. Anh xoay sang, đá và đấm luôn hai tên đang lao đến. Cú ra đòn của Phong mạnh và chuẩn xác đến mức cả ba tên văng ra ba phía. Chúng lồm cồm bò dậy rồi hốt hoảng bỏ chạy. “Cút ngay! Chúng mày đã làm khổ người thân, giờ còn muốn hại cả người khác nữa à?”. Phong chạy lại đỡ Dim. Khắp người Dim lấm lem bụi đất. Mặt còn tái mét vì sợ và mệt. Dim thở dốc, nép vào Phong như dây leo yếu ớt tựa vào cây cột vững chãi. Lúc mặt sấp xuống đất Dim đã nghe thấy tiếng xe máy. Âm thanh đó như vị cứu tinh, như vọng đến từ sự tin yêu vững chắc. Hôm nay là chiều thứ bảy tuần cuối tháng. Dim linh cảm Phong sẽ đến. Tiếng xe máy đó của Phong. Tim Dim vẫn đập thình thịch. Phong dịu dàng với Dim hơn bao giờ hết: “Dim có bị cào không? Có bị chảy máu không? Nhiều bệnh hiểm nghèo lây qua máu người nghiện đấy”. Dim khẽ lắc đầu. “May quá Dim ơi. Lỡ Dim có mệnh hệ nào anh buồn lắm - Phong đã thay đổi xưng hô từ tôi sang anh từ khi nào - Dim đừng buồn nữa, đừng dằn vặt làm khổ mình nữa. Những người chết đã thành tiên rồi. Người ở lại cần phải sống, tận hưởng cho hết cái đẹp của cuộc sống dù cuộc sống có đầy đắng cay, buồn tủi, Dim à.” Dim cảm tưởng hơi thở, dòng máu của anh đang trở lại hồi sinh trong thân xác người đàn ông xa lạ này. Dim khóc. Từng giọt nước mắt như từng giọt buồn nóng hổi lặng lẽ lăn trên má Dim rơi rơi.

Nắng quái buổi chiều thật rực rỡ, rải khắp các ngôi mộ một thứ ánh sáng ảo diệu và ấm áp.

Pleiku 11/2018
T.L  
(SHSDB39/12-2020)



 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)
Chiếc cù lao (13/11/2020)