Truyện ngắn
Chiều ấy chim yểng hót
08:51 | 08/04/2021

NGUYỄN BẢN

Anh vừa ngồi xuống đi-văng, bỗng giật mình:

- Hello, things, all right? (1)

Chiều ấy chim yểng hót
Ảnh: internet

Tiếng hỏi nghe như tiếng đàn bà đanh đá. Chủ nhà mỉm cười, vừa chỉ chiếc lồng treo lưng tường phía sau anh, vừa trả lời:

- Quite well, miss Brown! (2)

Rồi rót nước và bảo anh:

- Yểng đấy, giống này sõi và không chua như vẹt.

Trời, anh lại nhìn thấy con yểng. Anh cứ tưởng không bao giờ gặp nữa. Con chim đen mỏ vàng.

- Mới mua à? Mua ở đâu?

- Của một tay hàng sách cũ.

- Ông dạy, hay hắn dạy sẵn?

- Ở chủ cũ, mới chỉ bập bẹ: "hoan hô", "nhà có khách".

Lại vẫn "hoan hô", "nhà có khách", có điều trước đây là hiệu thịt chó, bây giờ hàng sách cũ. Anh đứng dậy lại gần phía chiếc lồng, ngước nhìn lên. Con yểng nhìn anh lạ lẫm. Vẫn bộ lông đen mượt, vẫn chiếc mỏ vàng óng. Con yểng này, con yểng kia và con yểng bay đến với anh chiều hôm ấy, chúng khác nhau thế nào? Bất giác anh nhìn quanh lưng tường, cả bên trong lẫn phía đối diện. Cách đây dăm bảy năm lưng tường treo gần chục chiếc lồng, tròn, vuông, bát giác, lồng tầng, lồng cung đình, con Thanh, con Bạch, con Hoàng, con Hồng, con Trúc, các loại chim yến mầu sắc khác nhau, đôi khi xen lẫn cả chào mào, liếu điếu. Chủ nhà chúm môi huýt khẽ cho con Thanh đáp.

- Sáng sớm, nó hót mới căng!

Mấy lần, chủ nhà say mê trò chuyện với một gã ở xưởng phim, quên hẳn cả anh đang ngồi, những thuật ngữ chơi chim làm anh như lạc trong một phòng điểu học.

Chơi chim rồi chơi chó. "I-nu! I-nu Ị". Con chó trắng, lông xồm, mũi đỏ, mắt lồi, oăng oẳng sủa, ngoan ngoãn nhảy tẹt vào lòng chủ. Chủ nhà hãnh diện ôm chó bảo anh:

- Giống Nhật này khôn lắm, không như loại riềng mẻ của ông đâu.

Để cho câu nói thực sự nghiêm túc, anh ta nghiêm nghị cắt nghĩa:

- Hémisphère cérébrale (3) của nó to hơn chó ta nhiều.

Bán cầu não phát triển, dĩ nhiên nhu cầu chất đạm cũng phải cao hơn. Chủ nhà vui vẻ bảo anh:

- Ngồi đây tí nhé.

Chủ nhà chạy đi độ mười phút cầm về một bát hoa nhỏ Giang Tây cháo thịt, tay kia bao thuốc lá, thổi cháo cho nguội cho I-nu ăn, và thuốc lá bóc mời anh.

Một nàng I-nu, rồi một chàng I-nu, rồi thai nghén, rồi lâm bồn, mãn nguyệt khai hoa, một lũ I-nu con quấn quýt, nhà phải tháo cửa lùa chặn lại, sợ chúng bò ra ngoài phố. Mùi nước đái chó khai mù, ẩm ướt. Lần ấy anh đã lưỡng lự định không vào.

- Hàng ngày phải lau rửa à?

Người vợ nhăn nhó trả lời anh:

- Quá hộ lý, ông ạ.

Trên chim, dưới chó, nhưng chủ nhà lại có thẻ nhà báo, có cả thẻ ra vào câu lạc bộ quốc tế. Gọi là nhà báo thì đúng nhất, nhưng gọi là nhà thơ cũng được vì đã có thơ đăng từ báo "Tia sáng" với bút danh Thanh Lang; gọi là nhà biên kịch cũng xong, vì đã có kịch bản phim hoạt hình, phim đèn chiếu... và lúc đó đã hơn hẳn anh về ngoại ngữ vì đã học thêm tiếng Đức.

Nhà báo Thanh Lang sau khi khoe đã học thêm tiếng Đức, rút từ túi trong áo Veston ra cuốn sổ nhỏ giở những trang ghi chép tiền nhuận bút từ năm này sang năm khác cho anh xem, nếu đánh số thứ tự ắt phải tới non trăm tác phẩm, kể cả ý kiến ngắn, chuyện lạ đó đây, thơ trào phúng, vui cười... và không ít những thứ đó rút ra từ thế giới chim chó của anh ta...

- Còn thiếu khoản chuyến đi Kiếc-ghi nữa chứ?

- Cái đó không phải nhuận bút.

- Nhưng với danh nghĩa "Trưởng đoàn”, ít ra cũng khiến vài ba cô lác mắt?

"Trưởng đoàn" Thanh Lang bấm anh:

- Suỵt, khẽ chứ, hồ ly tinh nghe thấy thì bỏ mẹ.

Mùa xuân rón rén - Tượng: Phan Thế Bính

Nhưng đấy là những chuyện dăm bảy năm về trước. Bây giờ, nghĩa là từ ngày đứa con gái đi học nghề ở Tiệp về, thì Thanh Lang chỉ còn con Phốc để giữ nhà và mua thêm con yểng để "all right", mặc dầu lũ chim chó trước đây không phải không làm dồi dào thêm cảm xúc, xức thêm những tưởng tượng phi thường trong kịch bản, chuyện trẻ con, và chắc chắn còn đem lại số thu nhập lớn hơn cả quyển sổ nhỏ kia cộng lại, và mỗi lần nghe nói đến giá tiền một con Hồng, con Bạch, hoặc một nhóc I-nu, anh không thể không giật mình, vì thế nhất định chối từ nhã ý của Thanh Lang định tặng anh một con Thanh, loại hót căng nhất, vin cớ thích nghe tiếng chíu chít tự nhiên của chim chóc trong vườn, lại vụng về và biếng lười không đủ kiên trì chăm sóc chim lồng.

Thanh Lang và anh trước đây cùng dạy văn một trường cấp ba tỉnh Bắc. Hai người đều mong ước trở thành nhà báo. Từ năm 1954, khi anh gửi một bài tùy bút "Hội xuống đồng ở Bản Là" cho báo Nhân Dân, thì ở Hà Nội, học sinh trung học Thanh Lang cũng đã gởi thơ cho tờ "Tia Sáng". Tất nhiên tùy bút không được đăng, có lẽ vì lập trường chưa vững, vả lại không phù hợp với nhật báo, tòa soạn cám ơn và khuyên anh nên gởi cho Văn Nghệ nhưng anh không dám. Còn thơ của Thanh Lang thì được "Tia sáng” đăng, bài thơ đã được cắt khung để trong ví tiện cho bạn bè xem, và nhuận bút đã được kê biên trong sổ nhỏ. Thanh Lang bao giờ cũng may mắn hơn anh. Anh ta đạt ý nguyện và được chuyển về một tờ báo ngành. Hơn một năm sau, gặp nhau, Thanh Lang lúc này từ quần áo, dáng điệu đã ra dáng một nhà báo, những tin tức giật gân, những nhận định tầm cỡ, và tất nhiên cả những chuyện tằng tịu, dan díu của ông này cô khác, anh nọ bà kia... khiến anh không khỏi cảm thấy mình có đôi chút quê mùa. Nhìn bộ mặt vẫn đặc sệt tỉnh lẻ của anh, Thanh Lang ái ngại, như sực nhớ ra điều gì bỗng reo lên:

- À, báo Tổ Quốc đang thiếu một phóng viên!

- Thế à? - Anh chợt vui lên rồi lại ỉu ngay - Nhưng biết nhờ ai giới thiệu?

Thanh Lang chậc lưỡi:

- Cậu cứ gặp tay Sơn, phụ trách biên ủy đấy.

- Nhưng sao cậu biết?

Thanh Lang giơ hai ngón tay làm bộ quan trọng:

- Top secret!(4) Không được bảo tao mách, nghe không.

Anh không tin Thanh Lang lắm, nhưng mất gì, cứ thử xem, biết đâu. Xưa nay anh chỉ quen nói về những thất bại, những say mê ngốc nghếch của mình. Tự giới thiệu đã có truyện được đăng ư? Nhưng đó là thứ bèo bọt, mấy ai để ý. Đọc và dịch được vài ngoại ngữ, biết chụp ảnh, công tác từ chống Pháp, bỏ cái nào, nói cái nào. Liệu có vượt qua được nỗi xấu hổ nói về mình không. Tuy vậy Sơn tiếp và nghe anh rất tự nhiên, hào hứng, khiến anh vượt qua được tất cả, không lúc nào đỏ mặt, và mãi mãi về sau vẫn còn trân trọng thái độ lịch sự, hiểu biết ấy của Sơn.

- Tôi sẽ xếp anh phóng viên 4 - À mà anh tốt nghiệp Đại học Văn khóa nào nhỉ?

- Khóa 56.

- Khóa 56, khóa đầu à?

Sơn hỏi lại như một phản ứng, một phản ứng đã được đánh dấu rồi nhìn anh bằng một cái nhìn hơi khác lúc ban đầu, khiến anh không khỏi cảm thấy xao động trong lòng. Hình như Sơn cũng nhận ra được điều ấy, vội nói để anh yên tâm:

- Thôi được, sáng mai tôi sẽ sang bên anh làm việc ngay, nếu xong, chiều mai xong mọi thủ tục. Nếu không, coi như không xong, anh khỏi phải gặp lại tôi nữa.

Chưa bao giờ anh hồi hộp như thế. Sáng hôm sau, bài "Luận về chính học và tà thuyết", bài anh thường giảng rất thành công, nhưng buổi ấy chẳng ra sao cả. "Thật là con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ... Ôi, Trịnh Khải đời Đường mà làm thủ tướng thì sự đời không nói cũng đủ biết rồi". Dạy xong, anh ra Ty xem kết quả ra sao, vẫn ân hận chưa giảng hết những ý ấy thì đã trống hết giờ. Cô đánh máy văn phòng Ty vui vẻ cho anh biết có chiếc xe Pabêđa sang lúc 8 giờ đã đi khoảng 9 giờ. Anh hồi hộp bước vào phòng quyền Trưởng Ty:

- Chào bác.

- Có việc gì đấy anh?

- Anh Sơn báo Tổ Quốc có sang gặp bác không ạ?

- Không, không có anh Sơn nào cả.

Mặc dầu vẫn linh cảm sẽ phải đón nhận cái tin hẫng hụt, người anh vẫn cứ run lên và không kìm được một câu khẳng định sỗ sàng:

- Tôi đã hỏi Văn phòng, rõ ràng anh Sơn có đánh xe sang?

Quyền trưởng ty đỏ mặt và còn khẳng định sỗ sàng hơn:

- Anh ấy có sang, nhưng không lấy anh nữa.

Không chào, anh bước ra, lòng chán ngán, rã rời. Cô đánh máy và mấy nhân viên văn phòng nhìn theo anh thông cảm. Về trường, cơm canh chắc đã ôi nguội. Anh rẽ vào một hiệu thịt chó. Vừa bước vào, anh đã giật mình:

- Yểng ơi, nhà có khách.

Rồi con yểng, lần đầu tiên anh nhìn thấy con yểng, con yểng trong lồng tíu tít nịnh anh:

- Hoan hô, hoan hoan hô!

Anh ngồi ăn lại nghĩ đến bài "Luận về chính học và tà thuyết”. Thật là con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ. Con yểng chằm chằm nhìn anh rồi nhắc nhở:

- Yểng ơi, đời đẹp lắm Ị

Anh nhìn những bức tranh bờ hồ treo trên tường rồi nhìn gã chủ quán! Lạy chúa, cái bụng gã. Anh đã nhìn thấy ở đâu cái bụng này. Gã cười. Anh bảo gã:

- Ông dạy con yểng khéo quá.

- Khó nhất là việc gọt lưỡi nó.

- Lại phải gọt lưỡi kia à?

- Vâng, sáo cũng thế, vẹt thì không cần.

- Thế thì khó lắm nhỉ.

- Hẳn rồi, ông tính đâu phải như chuyện đập chó, mấy chầy là xong.

Mấy món ăn như quá nhiều tương mẻ, anh bỏ dở, đứng dậy trả tiền ra về. Trước khi về, anh lại gần nhìn con yểng. Con chim lông đen mượt, mỏ vàng. Nó ngơ ngác nhìn anh. Anh muốn bảo nó:

- Nào, chia buồn cùng tao một câu đi.

Nhưng nó nguây nguẩy và kêu thất thanh:

- Có trộm, có trộm!

Thế đấy, nó cũng nghi ngại anh.

Sau đó hình như Sơn tiếc anh, có đến thêm cả Bộ chủ quản để xin, nhưng vì khóa tốt nghiệp đã được đánh dấu và bản thân anh nằm trong số được đánh dấu, nên vấn đề vượt quá sự tế nhị thông thường, cần tự hiểu.

Còn Thanh Lang, tại sao hắn lại phải dấu chuyện mách bảo, hay hắn sợ bị lây dấu, nhưng anh vội gạt ngay cho là mình võ đoán.

Tuy vậy lần ấy anh buồn lắm.

Nhưng không có cái lần ấy, thì chín năm sau, một chiều đông giá lạnh, anh làm sao biết được tiếng hót kia, cái tiếng hót say đắm, trầm lắng mãi trong lòng anh, chính là tiếng hót của con yểng.

Anh vẫn vừa ầm ừ trả lời chủ nhà vừa nhớ lại tất cả. Nhưng một chiếc xe Toyota Corolla mầu sữa mới tinh, nhấp nháy đèn đến đậu ở lề đường, cắt đứt dòng hồi ức của anh. Vợ con Thanh Lang cuống cả lên:

- Bác Phương, kìa bác Phương đến.

Tài xế mở cửa xe. Một người đàn bà sang trọng, mỡ màng, trạc tuổi anh và Thanh Lang, ngần ngại đặt chân xuống hè. Thằng con lớn Thanh Lang biết ý, chạy ra ném cái nhìn giận dữ về phía anh, bê chiếc Jawa mầu vàng, rách yên để dọc hè phố như muốn quăng ra chỗ khác. Anh để dọc mép vỉa hè, cốt để khỏi vướng người đi lại, lại nào tính đâu đến chuyện nó cản bước chân người đàn bà mỡ màng kia.

Cả nhà Thanh Lang xô cả ra đón. Con yểng cũng nhảy lên, nhảy xuống như sợ chậm chân:

- Welcome, great pleasure! (5)

Chỉ còn mỗi mình anh trong nhà. Người đàn bà giơ tay vẫy con yểng, cùng tài xế theo mọi người vào, và khẽ nghiêng đầu chào anh. Anh bất đắc dĩ phải máy môi đáp lễ. Thanh Lang trịnh trọng:

- Chị Phương vợ anh... phó giám đốc sân bay...

Rồi quay về phía anh lúng túng:

- Anh... bạn cũ, giáo viên bên tỉnh Bắc.

Thanh Lang móc túi trong áo veston lấy ra bao Marl-boro giống như ngày nào móc cuốn sổ ghi nhuận bút, bóc thuốc mời tài xế, rồi mời anh.

Anh cám ơn vì đã hút quá nhiều, và cảm thấy ngồi lại sẽ vô duyên, anh đứng lên cáo lỗi mọi người. Thanh Lang ngạc nhiên nhắc lại việc hẹn nhau xem phim.

- Sao, không đến viện tư liệu à?

- Xin lỗi, vừa nhớ ra có chút việc riêng.

Thanh Lang tiễn anh ra tận ngoài đường:

- Nếu xong việc, sáu giờ lại đây cùng đi nhé.

Anh lên xe và tiếp tục trở về với con yểng. Lần sau, có lẽ lần sau con yểng nói tiếng Đức. Tiếng Đức thì anh chịu. Qua cầu Chương Dương, anh loạng choạng suýt lao vào thành cầu, giống buổi chiều nào anh loạng choạng lao vào bờ dứa dại vì đuổi theo con yểng, nhưng đấy là con yểng khác, con yểng trong bầu trời.

Đó là một buổi chiều giá buốt vào những ngày cuối năm 1972, khi B52 dội bão lửa xuống Hà Nội và những vùng phụ cận. Thị xã vắng ngắt. Khu vực phía Bắc nơi anh ở cũng sơ tán hết. Chỉ còn bác thương binh cụt tay, bảo vệ bệnh viện, một số người coi kho, những kho tàng đầy ắp các khoa phòng bệnh viện, kho đỗ tương, mì chính, thịt hộp, vải vóc, nghe đâu cả đồng hồ, pin đèn, điện máy... Ông già hàng xóm đã rút từ hai hôm trước. Con rể lão đã bán xong lợn, trước đó lão còn ở lại chính vì con lợn bảy tám chục cân của con gái lão. Qua hàng rào dứa ngăn cách hai nhà, lão hẹn hò anh: "Đêm, có gì tôi, bác gọi nhau nhé". Vậy mà nhá nhem tối, lão rón rén khóa cổng, lấm lét nhìn quanh rồi nhẩy lên xe đạp, phớt thẳng. Lão không biết anh vô tình nhìn thấy hết.- Nghe chuyện, bác bảo vệ nổi cáu: "Sao không túm lại hỏi luôn cụ đi đâu, cụ bảo đêm có gì gọi nhau cơ mà?, mẹ kiếp, lừa người ta trông lợn hộ à?"

Anh không đi chẳng phải vì bất cứ cái gì cụ thể. Chẳng có gì phải giữ. Ở nơi sơ tán chẳng có gì đáng kể. Ở nhà lại càng không. Một cái xe đạp, một giường cá nhân, một chăn bông, một xoong nhôm nhỏ, vài cuốn sách và ngoài vườn mấy luống rau cải đang nở hoa. Hàng ngày anh cắt vài cây mang xuống nơi vợ con sơ tán rồi đến trường cũng ở nơi sơ tán dạy vài tiết, rồi lại đạp xe về ăn ngủ ở nhà. Bác thương binh thỉnh thoảng xuống anh hút thuốc, chuyện gẫu, và đêm bất chợt gặp nhau bên bờ hồ, cái hồ nhỏ trước mặt nhà anh cùng nhìn về bầu trời Hà Nội rực hồng, pháo gầm, bom nổ, những vạch đỏ vun vút rạch nền trời, bất giác nhìn nhau như muốn hỏi: "Đêm nào thì đến lượt thị xã mình?”.

Anh ở lại chẳng phải vì nhiệm vụ gì, bảo vệ không, chiến đấu không, chẳng lẽ trông coi cái xác nhà chưa bằng cái bếp của một hộ nông dân? Vậy thì vì cái gì, chính anh cũng không biết, cũng chẳng tự hỏi, tại sao cứ thích ăn ngủ ở nhà lạnh buốt và hoang vắng. Có thể đó là do bản tính, anh thích chứng kiến, anh thích chứng nghiệm tâm hồn mình trong những sự kiện, anh thích lặng lẽ đi tới tận cùng của sự chứng giải. Cũng giống như anh phải đến lớp cho tới buổi cuối cùng những ngày cuối năm 46, khi vắng hết bạn học, không còn thầy giáo, mình anh trong cái sân trường Felix Faure lúc đó là của trường Chu Văn An, mênh mông, vắng lặng. Anh tiếc mãi đã về quê ngày 15, ngày 17 giặc chiếm Gia Lâm, đường tắt, anh không thể trở lại để sống cùng Hà Nội đêm 19 tháng 12. Ngay từ thời niên thiếu, anh đã thích lang thang một mình trong những đền chùa cổ kính, những nghĩa địa tha ma hoang vắng suy nghĩ về giáo lý, về sống chết. Thời chống Pháp, anh thường thích những lần đi công tác một mình. Một lần ở cao nguyên Hoàng Xu Phì, anh đi theo con đường dọc một triền núi đất, đến đoạn con đường uốn cong và như ngoặt lại phía bên kia, anh quyết định trèo tắt băng qua, nhưng rồi trước mắt anh triền miên những núi, con đường mất hút, dưới chân anh thảm cỏ xanh mượt, và có lẽ trên đời không còn nơi nào sạch bằng nơi đây, anh tháo ba lô, cởi áo, bỏ mũ, nằm xuống cỏ, nhìn trời trong veo xanh thẳm, bỗng từ một bụi sim sườn núi bên kia, một tiếng chim mi cất lên cao vút, chói chang, anh nằm mãi như thế nghe chim hót rồi trèo xuống trở lại con đường cũ.

Anh đang ngồi phơi nắng ngoài thềm cho đỡ giá, ôn lại những kỷ niệm "một mình" như thế thì Thanh Lang ở đâu tò tò bước vào. Sáu bẩy năm không gặp nhau, dù chẳng phải bạn bè tâm đắc, nhưng vào cái thời khắc này, anh xúc động thật sự lắc mạnh tay Thanh Lang:

- Kìa, nhà báo, cơn lốc nào, hay quả bom nào?

- Intéressant hả (6)

- Đi công tác hay...

- Từ nơi vợ con sơ tán về.

- Vậy ngủ đây chứ. Cơm lạc rang thôi.

- Ngủ chứ, anh thấy không, không ngủ lại với vợ lại về ngủ với bạn. Đáng một bài tùy bút chưa?

Anh xem đồng hồ, gần bốn giờ chiều, giữa mùa đông, đêm sập xuống rất nhanh, anh giục Thanh Lang:

- Ra giếng rửa mặt đi, mình đi nấu cơm kẻo tối.

Nhưng đúng lúc ấy, tiếng loa điện vang lên:

- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Phòng không nhân dân thị xã nhận được tin điện: đêm nay, địch sẽ đánh phá thị xã ta, tất cả những ai hiện còn ở lại, khẩn trương rời khỏi thị xã, chúng tôi nhắc lại, yêu cầu mọi người rời ngay khỏi thị xã.

Hai người nhìn nhau. Anh bỗng thấy thích thú theo dõi những biến đổi trên bộ mặt Thanh Lang và nhắc lại điều vừa nói:

- Rửa mặt đi, khăn ở dây phơi, mình đi nấu cơm. Thanh Lang ngần ngừ:

- Khoan đã, làm gì mà vội, sớm chán.

Rồi móc túi lấy ra bao Điện Biên, bật diêm mời anh:

- Hút thuốc đã.

Thanh Lang vừa hút thuốc vừa nhìn về phía Hà Nội, rồi quay lại nhìn về phía sau, nhìn xung quanh. Sau tiếng loa, lúc này không khí xung quanh càng vắng lặng hơn, chìm hẳn xuống. Đột nhiên Thanh Lang hỏi anh:

- Xung quanh đây còn ai không?

- Đi cả rồi, chỉ còn bác thương binh bảo vệ bệnh viện - anh hất hàm chỉ về phía sau nhà anh - và những nhân viên coi kho.

- Kho gì?

- Kho hàng. Đủ thứ, đỗ tương, mì chính, vải vóc, đồng hồ... đầy ắp các khoa, phòng bệnh viện.

- Thế à? - Thanh Lang sững sờ, lặng im, ngẫm nghĩ một lát rồi nghiêm nghị bảo anh - Thế thì cậu nên đi thì hơn, nguy hiểm đấy.

- Nói chung, nó không đánh bệnh viện đâu, trừ phi được tin tình báo.

- Thôi đi ông ạ, chúng nó không mù đâu, nó lạ gì cái trò chứa gạo, chứa hàng ở trường học, bệnh viện.

Anh đang định nói thì có tiếng bác thương binh gọi trên cổng:

- Chuẩn bị đi chưa?

- Bác cũng đi à?

- Đi chứ, lệnh đi cơ mà, bọn coi kho cũng đang xem xét kho khóa, niêm phong, rồi chuồn.

Như chỉ đợi có thế Thanh Lang thao thao tràn lấp cả những lúc anh định cắt ngang tranh cãi:

- Đấy, thấy chưa, với một phóng viên, bão lửa là chuyện thường, và sẽ được một bài phóng sự nóng hổi, nhưng anh, anh có nhiệm vụ gì? Người ta sẽ nêu những nghi vấn về anh, anh định hôi của chăng, nếu kho bị đánh phá. Nếu kho bị ăn trộm, anh ở lại làm gì, có dính líu gì không? Nếu anh chết, không một chút vinh quang, một thằng dại dột, vợ con anh côi cút, mà vì cái gì mới được chứ? For none! (7) Không, tôi chẳng chơi, sao lại có thể vì tôi mà anh ngoẻo. Tôi phải về Hà Nội. Đêm nay tôi sẽ ở Hà Nội. Với những người chiến đấu, những người có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Người ta chỉ hy sinh vì nhiệm vụ.

Nói rồi, Thanh Lang một tay dắt xe, một tay chìa ra cho anh vui vẻ:

- Bye! (8)

Anh bắt tay mà không chào lại, tiễn Thanh Lang ra khỏi cổng. Khi lên xe, Thanh Lang còn ngoái lại:

- Sorry!(9)

Anh lại nghĩ đến ông già hàng xóm. Ôi, giá anh biết được ra tới quốc lộ Thanh Lang đi về phía Nam, về Hà Nội, hay về phía Bắc, nơi vợ anh ta sơ tán!

Anh ra vườn cải, định cắt rau nấu cơm. Trời càng giá, hoa cải càng vàng tươi kỳ lạ. Nhìn hoa cải, anh lại như thấy hiện ra tuổi thơ. "Tại sao không muối cả hoa hở u?" "Đắng, không ăn được." Anh van nài bác vú em "Em lạy u, u cứ thử muối lẫn một ít hoa". "Ông bà mắng, em chịu nhé". "Vâng, em chịu hết, em nhận em bỏ trộm vào.". Anh đang mân mê những bông hoa chưa nỡ cắt, bỗng từ sau bếp, từ khu vườn quả bỗng vang lên một tràng dài tiếng hót trong trẻo đến lạ lùng. Anh ngây người ra nghe. Tiếng hót dài, không ngừng, không nghỉ, bao nhiêu cung bậc, vang vọng những cộng âm, sâu xa, trầm lắng, trong đời anh, anh đã nghe bao nhiêu tiếng chim hót, nhưng chưa bao giờ anh được nghe tiếng hót dài hơi, khỏe, âm vực rộng mà sâu và nhiều âm giai khác nhau đến thế. Anh cứ ngẩn ngơ nghe mãi, một lúc lâu sau anh mới biết chim ngừng hót. Chim bay đi rồi chăng. Anh xao xuyến vòng ra sau bếp, ra khu vườn quả, ngơ ngác tìm kiếm trong các tán lá cây, và khi vừa nhìn thấy thì chim đã vỗ cánh bay đi. Trời, con chim đen, mỏ vàng, con yểng. Anh lao theo nó, ngã vào bụi dứa. Nó đã bay qua mặt hồ. Mặt mũi xây xước, anh thẩn thờ nhìn theo. Và từ khóm cây nào đó, bên kia hồ, chim lại cất lên, không ngừng, không nghỉ, bổng trầm bao nhiêu cung bậc, bao nhiêu âm sắc, khiến anh tưởng như khi bay qua hồ, chim đã buông rơi từng giọt, từng giọt chìm dần tận dưới đáy hồ, rồi lại từ đáy hồ vọng lên mặt nước, dội vào không gian.

Những âm thanh vang vọng từ mặt nước, mặc cho anh tiếc ngẩn ngơ bên rào dứa dõi nhìn về phía chim thôi hót, và chỉ còn một mặt trời đỏ giá đang hạ dần xuống dưới ngọn tre, cành tre và lá tre như đang bùng cháy.

Sương chiều nhờ tím trên cánh đồng trước mặt, sương phủ dần lên nhà cửa phố phường phía nam thị xã, nền trời chỉ còn in rõ hai tháp chuông nhà thờ. Mấy hôm rồi không thấy gióng giả tuần giáng sinh, chiều nay cũng vậy. Không tiếng gà, tiếng chó, tiếng người, tiếng xe cộ, thậm chí cả tiếng giun dế, yên tĩnh đến tuyệt đối.

Đêm xuống, đường phố tối đen như mực, không một ánh sao, không một ánh lửa, không một bóng người, lạnh buốt. Nhưng đêm đó thị xã không bị đánh phá. Còn anh thì được nghe tiếng yểng hót, và đối với tiếng hót khỏe, trong và ấm như từ một lồng ngực, một trái tim say mê không mệt mỏi, như tiếng đồng vọng của những dòng sông anh đã đi qua, những động nhũ anh từng thăm viếng, trầm lắng và suy tư này, thì tiếng hót chim mi trên cao nguyên ngày nào anh đi lạc núi, thật là ngây thơ, nhỏ dại, không thể nào sánh nổi.

Nhưng chín năm về trước, nếu không có chuyện suýt nữa anh trở thành nhà báo, thì anh sao biết được tiếng hót đó, chỉ có một lần trong đời nhưng đọng lại mãi mãi trong tâm hồn anh chính là tiếng hót của con yểng, cùng lắm anh chỉ biết đó là con chim lông đen mượt, mỏ vàng thích bay đâu thì bay, thích hót đâu thì hót.

Giáng sinh 1990.
N.B
(TCSH48/03&4-1992)

 

----------------
(1) Thế nào, mọi sự ổn cả chứ?
(2) Tuyệt vời, cô Brao ạ. (tiếng Anh)
(3) Bán cầu não (tiếng pháp)
(4)Tối mật! (tiếng Anh)
(5) Xin chào, rất hân hạnh (tiếng Anh)
(6) Thú vị hả (tiếng Pháp)
(7) Chẳng vì cái gì cả (tiếng Anh)
(8) Tạm biệt (tiếng Anh)
(9) Đáng tiếc! (tiếng Anh)

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Tranh lập thể (23/03/2021)
Ngọn nến (23/02/2021)
Giao thừa sương (09/02/2021)