Truyện ngắn
Cánh cửa trong lỗ tai
08:22 | 23/04/2021


TRẦN BĂNG KHUÊ

Cánh cửa trong lỗ tai
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

1.
“Vụ án bao giờ mới được xét xử?”

Tôi lắc tai bên trái, lẩm bẩm. Chẳng có ai nghe tôi nói. Bởi thế, không ai trả lời. Tôi lại tiếp tục lắc tai bên trái. Thỉnh thoảng nó ù đặc tắc nghẽn, và lao xao một thứ âm ngữ kỳ quái. Có khi là tiếng cười. (K. Ka. Ka ka ka). Có khi chỉ là tiếng con gì trong đêm tối hát ca ráo hoảnh. Lặp đi lặp lại. Buồn chán.

Trời sượt qua mặt tôi. Bóng của mặt trời ném tôi lên không trung rồi buông tay hờ hững. Rõ là ác. Mấy tháng nay, tôi hệt như đang bị rơi vào một trạng thái lơ lửng giữa thế giới thực bên lỗ tai phải và một thế giới ảo bên lỗ tai trái. Tôi rất muốn lặp lại câu hỏi đầu tiên từ khi tôi trở về thành phố có chiếc cầu mù sương cô đơn nối hai bờ than thở. Mỗi lần tôi định mở miệng, lỗ tai trái của tôi bắt đầu khiến tôi khó chịu bởi những âm thanh lạ ấy.

Đương nhiên, với cá tính ngang bướng và cố chấp, tôi không thể/ không muốn buông bỏ việc tìm kiếm câu trả lời cho mình, hết câu này đến câu khác. “Có điều gì khiến thế giới sợ một cái tên?”, chẳng hạn thế.

Im lặng.

Đã mấy ngày, tôi bị cái ý nghĩ này làm phiền lòng. Giá mà tôi biết cách ngừng đặt những câu hỏi. Bởi vì chẳng ai trả lời được cho tôi. Nhìn quanh, tôi thấy có vài khuôn mặt người nhăn nhó, chăm chú vào khoảng không gian bé nhỏ. Chẳng ai nhận ra mình đang bị giam cầm một cách vô hình.

“Có một cánh cửa bên trong lỗ tai tôi thì phải?” Tôi lại nói. Một mình. Bản nhạc rì rào phát ra từ cái màn hình lớn đang cố nhét vào tai tôi. Chúng làm tôi phát nghẹn. Thỉnh thoảng tôi mong muốn những bản nhạc như thế nên biến mất. “Đường lên đỉnh núi cô đơn”, tôi gõ bàn phím một cách chậm chạp. Giọng trầm của gã đàn ông trong bản nhạc khiến tôi trở nên bị động và lạc lối. Cánh cửa đó, trong lỗ tai tôi đang cố tình đóng lại từ từ. Tôi chẳng nghe thấy bất cứ âm thanh nào khác ở thế giới này, ngoài những tiếng vo ve trong não. Chúng gây phiền nhiễu cho tôi, chúng khiến tôi bị xáo trộn tư duy, mạch suy nghĩ. “Không phải là một con ma.” Chữ K đấy. Chúng thích cười ha ha ha. Nhăn răng mà cười. Cười giấu mặt. Hàm răng ấy bạnh ra hệt như muốn ăn hết cả một cánh rừng bị lỗi. Thế giới vẫn không dám nhắc đến chữ K sắc lạnh và khá lặng lẽ. Mặt trời sẽ luôn luôn tỏa sáng kể cả khi chỉ có một mình, hình như ai đó nói vậy.

Tôi nên tiếp tục chơi trò độc thoại, mô tả sự tồn tại của K. Một cái tên bắt đầu bằng ký tự bởi một gạch dọc hai gạch chéo ngược nhau mà vẫn bám dính lấy nhau. Hệt như tình yêu vĩnh cửu và chết chóc của chàng Romeo và nàng Juliet. Tôi nghĩ khá nhiều đến cái ký tự ấy. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi tận cùng hang hốc. Chúng ở trên trời. Chúng rơi xuống mặt đất. Chúng nhoài ra đại dương sâu thẳm. Chúng bám trên những con sóng bạc khóc cười. Chúng lơ lửng trên vầng trăng nửa vành. Chúng bình thản ngược dòng thời gian chui vào đôi mắt nấp dưới hai hàng lông mày rậm kỳ quái của người đàn bà có râu, thân mang đầy thương tích sinh năm một chín không bảy. Thậm chí tôi còn thấy chúng tiếp tục ngược dòng thêm lần nữa, xa hơn xa hơn, để nằm lại trên khuôn mặt gầy gò của người đàn ông cách tuổi của tôi phải chừng một trăm năm.

Tôi chẳng hiểu tại sao, người ta lại sợ một cái tên, một ký tự vô hại. Tôi chọn nó để bắt đầu cuộc chơi mà đa phần kẻ khác không bao giờ dám bứt phá để bước chân vào; (hoặc giả, họ không đủ khả năng, hoặc là họ sợ hãi, như tôi đã từng sợ hãi và căm ghét). Công việc này hệt như một món quà. Dù rằng tôi vẫn thường tự vấn về việc tồn tại của thượng đế. Hoặc sự tồn tại của một cánh cửa bên trong lỗ tai trái của tôi.

Mặt trời vẫn sượt qua tai tôi hàng ngày. Thời gian dịch chuyển một cách thầm lặng. Thời gian cười cợt chế giễu sự huyễn hoặc của tôi. Nhưng tôi thì vẫn chật vật chơi đùa với chữ K. Một ký tự khắc họa đủ đầy chân dung nhân loại. Tôi cảm thấy buồn. Tôi lẩn tránh. Tôi giấu mình trong một thế giới tràn đầy những hồi ức đau thương. Có phải là nàng không? Người tình đầu tiên của tôi. Tôi nhắc nhở đến nàng như một ảo ảnh mà tôi đã châm lửa đốt sạch sau cái đêm hôm ấy. (Tôi không nên nhắc đến cái đêm hôm ấy nữa nhỉ?). Thật lòng tôi chẳng thể lưu giữ nổi một chút hình ảnh nào của cái đêm hôm ấy nữa. Trí nhớ đã phản bội tôi, như tôi đã từng phản bội nàng vì một lý do lãng xẹt.

Hôm nay cũng như mọi ngày khác, tôi đến quán cà phê gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ đối diện với cây cầu sương mù, chỉ vì một lý do duy nhất là tôi cần một thứ kích thích cho não tôi làm việc và bớt cơn buồn ngủ buổi sáng. Ấy thế mà, tôi vẫn không thể nào thoát nổi ánh mắt săm soi của những con người thích cười. Họ soi vào ánh mắt tôi, họ muốn biết trong mắt tôi lòng đen nằm ở phía bên nào chăng? Hay là, mắt tôi có đủ lòng đen lòng trắng không? Tôi có biệt tài khá lạ, bất cứ khi nào tôi thấy ghét ánh mắt soi mói của một vài kẻ khác, tôi sẽ nhìn trực diện vào mắt họ và bắt đầu thực hiện kỹ xảo giấu biệt lòng đen trong mắt mình, chỉ còn lòng trắng bồng bềnh như mây lạnh. Vài lần tôi thấy thần thái của họ tan biến đột ngột, thay vào đó là một vẻ mặt sợ hãi đến độ phát buồn nôn. Con người thường xuyên đáng buồn nôn như vậy đấy anh chàng ngậm tẩu, mà tên anh là một chữ S. Và hình như cũng chỉ có anh không mang thứ ký tự đó, ký tự ám ảnh tôi trong cả những giấc mơ.

2.
Vào những ngày mùa đông lạnh buốt thịt da xương tủy, tôi lại càng muốn ngồi lâu hơn ở quán cà phê. Một vài kẻ không chịu nổi kiểu trơ lỳ như tôi nên rời đi trước. Tôi thì khá rảnh rỗi. Tôi chẳng cần phải gấp gáp di dời khỏi nơi này. Tôi cũng chẳng muốn chạy qua chạy lại trên phố. Làm việc ở những văn phòng bàn giấy tôi càng cảm thấy buồn chán hơn. Câu chuyện buồn chán của thế giới hẳn là không thể nào đếm xuể. Tôi cho người ta thuê thời gian của tôi. Tôi chỉ ngồi cùng họ ở đâu đó. Vì họ cần ai đó để lắng nghe. Tôi chỉ việc im lặng. Tôi không đưa ra lời khuyên, tôi không được phép lên giọng phán xét. Bộ phận hoạt động nhiều nhất trên cơ thể tôi lúc này là đôi tai, ánh mắt, và thỉnh thoảng gật đầu ra vẻ đồng tình với câu chuyện của họ. Hết thời gian, họ sẽ trả tiền cho tôi. Nếu muốn tôi nghe tiếp, họ phải tăng số tiền lên theo giờ. Ấy thế, nói khiêm tốn một chút chứ số tiền tôi kiếm được có khi bằng mức lương của một công chức nhà nước. Tôi chẳng cần phải đến công sở như họ, mỗi ngày tám tiếng. Tôi chỉ cần ngồi xuống và im lặng, lắng nghe họ nói. Loài người trong thế giới này thật là cô đơn.

Quay lại việc người ta sợ một cái tên. Hẳn là tôi đang nói đến một ai đó có tên bắt đầu bởi ký tự ấy. Chẳng hiểu sao lại phải sợ một cái tên, hệt như “kẻ mà ai cũng biết đó là ai” vậy. Tôi dám khẳng định rằng, tôi chưa bao giờ đứng về phía những đám mây màu xám đen hoặc bóng tối. Tôi thích mặt trời ấm áp. Tôi thích thứ ánh sáng tinh khiết thơm tho của cây lá xanh non. Bởi thế, tôi nghĩ, cái tên có ký tự đặc biệt ấy sẽ mang lại nhiều điều tốt lành. Và, tôi thực sự mong muốn rằng, mỗi lần một ai đó ngồi xuống bên cạnh tôi, họ sẽ thấy con đường càng đi càng rộng mở thênh thang, dĩ nhiên có nhiều hoa thơm cỏ ngọt chim ca bướm lượn rập rờn. Lúc này, tôi chợt nhận ra, chính trí nhớ suy tàn của tôi đã giúp tôi làm được cái công việc này. Tôi có thể nghe họ nói hôm nay, (hoặc là tôi chẳng cần nghe bất cứ điều gì). Chuyện lưu giữ thêm một vài dữ liệu bên ngoài cuộc sống của tôi, có khi không thật cần thiết lắm. Bởi thế, những câu chuyện của họ cứ thản nhiên đến, rời đi khỏi tôi như chưa bao giờ tồn tại vậy. Vì lẽ ấy, nên tôi mới tiếp tục làm được công việc của một kẻ lắng nghe, kiệm lời, và vô hại đối với mọi người.

Kể ra trong tai tôi có thêm một cánh cửa cũng tốt. Tôi nhận thấy sự tồn tại của cánh cửa đó, khi càng ngày những âm thanh vo ve xuất hiện càng nhiều, và lỗ tai trái của tôi không còn nhạy bén với các loại âm thanh, thậm chí nó từ chối cả việc lắng nghe những câu chuyện của các vị khách. Tôi nghĩ như vậy là tốt nhất. Nếu không, một khi tôi biến thành quả bom mà kíp nổ là những ẩn ức của con người, hẳn sẽ rất nguy hiểm cho thế giới này. Bất giác, hôm đó, cái hôm mà tôi có hẹn với một vị khách lạ, anh ta xé tấm lịch tường ngày thứ sáu, thì đồng thời, tôi lại nhìn thấy một ánh mắt khác trong bóng tối. Hệt như cú vọ. “Những kẻ thích chơi trò quan sát tôi, thật ra cũng chỉ là bọn dở hơi”, tôi nghĩ vậy. Chúng không làm được cái công việc đặc biệt như tôi nên khả năng là chúng đố kỵ ghét bỏ. Sự đố kỵ của con người là căn nguyên đầu tiên của mọi tội lỗi.

Hôm nay là một ngày u ám. Thành phố này lạnh lẽo nấp dưới làn sương mù xám quen thuộc. Tâm trạng tôi cũng bị cái khung cảnh ấy đóng nẹp, chi phối rất rõ rệt. Tôi đến quán như thường nhật. Ánh sáng từ phía bầu trời nhàn nhạt màu xám lạnh khiến tinh thần tôi không thể nào ổn định. Tôi gọi cà phê, một loại thức uống không thể thiếu được của thế giới. Gã chủ quán không buồn ngước mặt lên chào khách, gã chăm chú với việc pha chế, sau đó cẩn trọng đặt xuống bàn tôi, một espresso, một tách sữa tươi nhỏ, một cốc nước. Gã vẫn cúi gằm, miệng lẩm bẩm hỏi, “Người đàn ông thích xé lịch tường đâu rồi?” (Gã không thắc mắc tại sao, vị khách đó lại thích bộ lịch tường mà gã treo ở quán). Chẳng việc gì phải tò mò về sở thích của người lạ mặt. Người đàn ông thích xé tấm lịch tường vài lần ngồi cùng tôi, nhưng anh ta chưa có ý định thuê tôi lắng nghe câu chuyện của mình.

Sau đó, gã hỏi tiếp về một cánh cửa trong lỗ tai. Tôi giật mình, “quái lạ, sao gã biết tôi có cánh cửa ấy nhỉ?” Tôi nhìn gã dò xét. Gã lúc bấy giờ mới liếc mắt qua vai tôi như muốn hỏi, “Thế mày đóng cánh cửa trong lỗ tai chưa?” Tôi im lặng. Gã tiếp tục, “Tao muốn thuê mày làm người lắng nghe hôm nay, nhưng mày phải đóng cánh cửa ấy lại”. Thật khó chịu cho tôi, vì lúc này, đúng lúc này tôi lại muốn mở toang mọi cánh cửa, kể cả nó, cánh cửa vô hình (hoặc có hình dạng nào đó) đi chăng nữa trong lỗ tai mình. “Ông chủ quán, tôi không thể đóng cánh cửa ấy bây giờ, tôi cần phải lắng nghe thế giới, nếu không tôi sẽ chết mất. Thế giới của tôi, nỗi cô đơn của tôi đang căng lên như một quả bóng bay vậy.”

Gã chủ quán làm thinh, lặng lẽ đến gần bộ lịch tường có in những bức tranh tĩnh vật. Gã hẳn là đã đoán ra lý do vị khách lạ lần trước vẫn thích xé những tấm lịch tường. Hôm nay anh ta không đến. Gã làm thay công việc ấy, một cách tự nguyện. Ánh mắt gã trầm tư. Tôi thì vẫn dứt khoát từ chối lắng nghe câu chuyện của gã lúc này.

3.
Tôi có hẹn. Một cuộc hẹn khá vội vã. Vị khách hàng đã từng ngồi cùng tôi. Anh ta trông thật là mảnh khảnh. Cái dáng cao lênh khênh, đôi mắt sâu hoắm, (chắc nhiều đêm mất ngủ). Thói quen của tôi mỗi khi tiếp xúc với ai đó, việc đầu tiên là quan sát. Tôi muốn nắm bắt được những đường nét cơ bản trên khuôn mặt họ, thần thái. Điểm tôi thích lướt qua trước bao giờ cũng là cái lỗ tai. Có lẽ, tôi tò mò. Thật tình tôi cũng là kẻ khá tò mò như những kẻ tò mò khác khi săm soi thế giới xung quanh. Tôi thì chỉ săm soi cái lỗ tai thôi. Bởi, thứ tôi quan tâm là một cánh cửa. Liệu họ có một cánh cửa bên trong tai giống như tôi hay không?

Tôi hẹn với anh thi sĩ. Cuối cùng anh ấy cũng đã quyết định kể câu chuyện của mình. Anh đến, ồn ào ngồi xuống ghế. Việc đầu tiên của anh, là tiến đến bộ lịch tường, xé một tờ. Trên đó là một bức tranh mới. Tôi quan sát nhanh khuôn mặt anh, đôi mắt sâu hoắm của anh. Mái tóc anh hệt như mây. Chắc hình dáng mái tóc của các thi sĩ đều thế. Hẳn là anh không biết tôi đang săm soi anh, và chờ đợi để nghe anh kể chuyện. (Với điều kiện, tôi là người có một cánh cửa trong lỗ tai). Thật kỳ lạ, tôi thấy ai cũng muốn kẻ khác lắng nghe, nhưng lại đòi hỏi việc giữ kín những câu chuyện bí mật đó. Anh thi sĩ có gì phải giữ kín nhỉ? Ngoài một bầu trời đầy thơ. Theo tôi biết, anh thi sĩ kia cũng chỉ là kẻ yêu thơ, biết chơi đùa với thơ. Thế thì có gì bí ẩn ở bên trong câu chuyện của thơ nữa? Ấy vậy mà có, đấy, như hôm nay, anh ta hẹn tôi, thuê tôi một giờ bằng số tiền nhuận bút thơ ít ỏi để được kể chuyện. Anh ta kể về vườn rau có cây hoa đậu biếc nở bông tim tím (mà vườn rau đó hình như vừa bị vùi tan nát sau những cơn bão). Anh ta kể về một vườn hoa hồng vừa vun trồng ở khoảnh đất trước nhà, hoa nở bừng nhiều sắc màu khi mặt trời ghé qua. Đấy, chỉ có chừng đó thôi mà anh ta cũng phải bỏ tiền ra để thuê tôi, để bắt tôi lắng nghe. Những thứ anh ta kể như một bài thơ đẹp, nên tôi, hôm ấy không muốn đóng cánh cửa trong lỗ tai mình lại. Tôi tranh thủ đón bắt mọi cảm giác tươi tắn yêu đời từ câu chuyện của anh ta. Nhà thơ có đôi mắt sâu hoắm và thích xé những tờ lịch tường mỗi ngày ở quán cà phê của gã đàn ông trung tuổi có tên Ocean.

4.
Tôi ít khi gặp ai lần thứ hai. Mỗi người có thể kể cho tôi một câu chuyện. Anh nhà báo thì lặng lẽ hơn, và tôi ưu ái anh ta hơn một chút. Chẳng phải vì tôi thích nghe anh ta kể về những con đường chạy bộ. Nhưng, khi anh ta bắt đầu bằng chất giọng trầm ấm thì tôi biết thế giới của tôi đang mở rộng. Tôi được phép bước chân ra khỏi cái vỏ bọc co quắp như hình dạng chiếc bào thai của mình và bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới mẻ. Tôi có thể tưởng tượng ở nơi chốn ấy tôi không cần phải lắp một cánh cửa bên trong tai, sau đó khóa kín lại. Hoặc là tôi hóa thành một đứa trẻ hồn nhiên chẳng hạn. Một đứa trẻ không hề bị dính một vết bẩn nào trên chiếc áo sơ mi trắng. Một đứa trẻ luôn tươi cười rạng rỡ giữa những cánh đồng, giữa những sắc màu của mùa xuân đầy hoa lá xanh non. Và, tôi thích nghe giọng trầm ấm của anh ta vì một lý do khác nữa. Có lần tôi nói với ai đó rằng, tôi từng mơ ước trước giờ đi ngủ, tôi được nghe người đàn ông lớn duy nhất trong nhà tôi kể một câu chuyện cổ tích và đặt một nụ hôn lên trán tôi cùng lời chúc ngủ ngon. Bởi lý do ấy, mà tôi ưu ái anh ta, cho phép anh ta gặp tôi nhiều hơn, không chỉ một lần, để anh ta được kể về những con đường chạy bộ lên đỉnh núi cô đơn của mình.

Giá như tôi chỉ lắng nghe và đừng ngước lên nhìn vào mắt anh ta. Trên khuôn mặt đó, lại có thêm một đôi mắt thẳm sâu khác ám ảnh lấy tôi. Nhưng, đôi mắt của anh có điểm khác với thi sĩ, đôi mắt anh sáng lấp lánh, mạnh mẽ như ánh mặt trời. Khi anh ta bắt đầu mở miệng. Cánh cửa trong lỗ tai trái của tôi lại muốn mở toang chờ đợi những cơn gió. “Đỉnh núi cô đơn ấy ở đâu?” Tôi thắc mắc. Dĩ nhiên anh ta không biết rằng tôi đang muốn biết đường lên “đỉnh núi cô đơn” đó đến nhường nào. Trí tưởng tượng và những giấc mơ về một thế giới cổ tích trẻ thơ luôn cứu rỗi lấy tôi mọi nơi mọi lúc. Thế đấy, việc tôi dành cho anh ta những cuộc hẹn, không phải vì tôi cần tiền của anh ta. Tâm hồn tôi cũng là một vũ trụ thẳm sâu cần được khám phá. Nhưng, tôi muốn quay trở lại với cuộc đời thực, với công việc chính của mình. Tôi là kẻ làm nghề “người lắng nghe”.

Có mấy bận tôi hẹn với những vị khác khác, chẳng hạn như, một cậu dịch giả. Cậu ta chỉ nói về chuyện mua sắm quần áo và giày dép. Kỳ quái thật. Tôi phải chủ động đóng gấp cánh cửa bên lỗ tai trái của tôi lại. Mà thực tình, chỉ cần cậu ta cất giọng, lỗ tai tôi đã tự khép lại từ bao giờ.

Một khách hàng khác của tôi là anh nhà giáo. Thêm một kẻ rỗi hơi, anh ta đã có gia đình, nhưng hình như giữa họ có một vài khoảng cách thì phải? Anh ta rất muốn chia sẻ những câu chuyện nào đó của riêng mình mà vợ anh ta không muốn nghe. Và dĩ nhiên, tôi là sự lựa chọn phù hợp. Tôi đã nghĩ, trước đó rằng, có khi tay nhà giáo này sẽ khiến cho tôi cảm thấy vui vẻ chút ít bằng những câu chuyện ở học đường. Ấy vậy, mà ngược lại, lỗ tai trái của tôi, cái hôm hẹn với anh nhà giáo nó dường như thông suốt kỳ lạ. Cánh cửa quen thuộc biến đâu mất tích. Bởi thế, tôi chắc chắn phải nghe anh ta kể lể về những mánh lới kiếm chác thêm tí mắm muối bên ngoài giờ dạy. Câu chuyện học đường như tôi mơ hồ tưởng tượng về thời tuổi trẻ của mình bỗng chốc chỉ còn là một nỗi thất vọng tràn trề.

5.
K. Cái thằng nhà văn, hắn ngồi soi chữ, bàn về những tư tưởng, triết thuyết, nghệ thuật cao cả, nhưng hắn lại không thể trả nổi tiền trọ mỗi tháng. Hôm nay hắn thuê tôi, bằng vài đồng nhuận bút ít ỏi của hắn. Một giờ. Nhưng hình như hắn đã nói hơn một giờ. Số tiền hắn có sẽ không đủ để trả cho tôi một giờ tiếp theo. Vậy mà hắn vẫn thao thao bất tuyệt kể lể những ý tưởng hắn sẽ viết, chẳng hạn câu chuyện về một cơn gió độc hoặc về một phiên tòa không được kết án. Giá mà hắn biết rằng, trong tai tôi có một cánh cửa nhỉ? Tôi ra hiệu cho hắn, “đã hết giờ làm việc, nếu mày muốn tao tiếp tục nghe thì phải trả tiền”. Hắn hậm hực ngậm miệng lại, dù vẫn kịp lôi trong túi ra vài tờ giấy bạc đã cũ đẩy về phía tôi vừa lẩm bẩm, “Tao còn muốn nói về tình yêu, về lòng nhân ái”. Tôi nhếch mép, cầm tiền, đứng dậy rời khỏi quán.

Ấy thế, tối nay, sau một tuần ở một thế giới khác, tôi lại là kẻ quyết định thử tìm kiếm cánh cửa trong lỗ tai mình, (cánh cửa mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy). Tôi muốn mở nó, muốn tháo gỡ nó ra, triệt để. Tôi cầm cái bọc tiền mình kiếm được sau bảy ngày tôi tự thử thách mình, làm người lắng nghe. Tôi đến tìm hắn, K, gã nhà văn nhiều chuyện. Đấy, tôi ném bọc tiền về phía hắn và nói: “Tao muốn mày ngồi xuống, im lặng và lắng nghe. Chừng này tiền có thể đủ cho mày trả tiền trọ vài tháng đấy.”

“Nào nói đi, mày muốn gì hả người lắng nghe?”.

Tay nhà văn mân mê bọc tiền, mắt không nhìn tôi. Tôi mở miệng và bắt đầu kể câu chuyện của tôi cho hắn. Như thế nào nhỉ? Phải bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi phải kể về một người đàn ông trung tuổi, gã ở sát bên cạnh nhà tôi. Cái hoạt cảnh mà tôi đã vô tình nhìn thấy. Chúng ám ảnh tôi suốt cả tuổi thơ. Trong một đêm trăng sáng. Phải, chính xác là trong một đêm trăng sáng. Người đàn ông trung tuổi ấy đã ra lệnh cho tất cả những đứa trẻ cùng với người đàn bà tội nghiệp của ông ta phải bước ra khỏi căn nhà méo mó những giấc mơ và nằm xuống con mương đất bên ngoài trời mưa gió, chỉ để thỏa mãn một cơn say máu. Tôi phải nói cho K nghe về việc tôi đã từng muốn có trong tay một khẩu súng như thế nào.

“Khi đó, tao không hề biết đến sự tồn tại nữ thần công lý Athena, nhưng quý bà ấy bây giờ cũng chỉ là một bức tượng đá”. Tôi nói và tiếp tục nói. Hệt như tôi chưa bao giờ được nói vậy. Hắn thừa biết là tôi muốn được nói hơn bao giờ hết. Cái nghề làm người lắng nghe này cần phải có một trái tim thật lớn mới đủ dung chứa mọi đau khổ phiền muộn trên đời. Không biết phải thuê hắn bao nhiêu giờ để tôi có thể kể lể hết câu chuyện của tôi. Nhưng tôi mặc kệ, bọc tiền của tôi hắn đã cầm, vì thế, hắn bắt buộc phải tiếp tục nghe tôi nói. Trong lỗ tai của hắn không hề có cánh cửa nào như tôi, chắc hẳn hắn sẽ khá mệt mỏi. Những câu chuyện không đầu không cuối, rả rích rót vào tai gã nhà văn K.

“Tao nhớ năm đó tao chỉ mới hơn mười tuổi, và đứa lớn nhất trong đám trẻ ấy cũng bằng tuổi tao.” Tôi nói đến đó, rồi bất chợt im bặt. Kể một câu chuyện đối với tôi quả thật không đơn giản chút nào, nhất là cho kẻ lạ mặt như K. Tôi biết thế, nhưng tôi đã trả tiền cho hắn rồi, bởi vậy, tôi nói tiếp với hắn. K, hôm nay, mày hãy là người lắng nghe. Mày không có bất kỳ cánh cửa nào trong lỗ tai cả. Mày hãy tập làm người lắng nghe đi. Tao sẽ là khách hàng đầu tiên của mày. Mày nhớ cái ngày hôm nay và cả cái nghề này. Biết đâu mày sẽ sống được với công việc mới. Biết đâu mày không cần phải chật vật kiếm ăn bằng nghề viết. Đừng viết nữa. “Tay nhà thơ kia”, tôi ngập ngừng hình dung ra hình ảnh một người đàn ông gầy gò đẩy chiếc xe cút kít đi chở đất. Tôi nói tiếp, tay nhà thơ kia không chỉ nói về việc cuốc đất trồng hoa đâu. Tao nhớ, có lần hắn đã kể cho tao về cuộc đời hắn, cuộc đời của những người thích làm thơ như hắn. Nhưng thôi, mày không cần phải nghe chi tiết nhiều làm gì. Mày chỉ cần biết là hắn đã từng mong muốn biến thành một cuốn lịch tường, thay vì phải xé rời nó xuống mỗi ngày ở quán cà phê của ông Ocean. Hắn đếm thời gian, hay đếm những nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ trầm luân của hắn? Giá như hắn đừng làm thơ. Giá như cha mẹ hắn cấm cản hắn làm thơ từ bé như anh bạn trẻ có lần vô tình dặn dò con gái nhỏ không được đọc thơ trước mặt hắn vậy. Nhưng mày ạ, cha hắn cũng đã làm thơ. Thơ là cái thứ gì thế mày? Có phải thơ là một khu rừng đầy hoa thơm trái ngọt, chim ca bướm lượn hay thơ chỉ là một nỗi đau luôn luôn được giấu kín trong đôi mắt sâu hoắm.

Còn nữa, mày có muốn biết những câu chuyện của thằng nhà báo không? Chao ôi, chán chết. Tao nghĩ, tao đã từng bị thu hút với những con đường đầy hoa thơm cỏ ngọt mà hắn kể mỗi lần chạy bộ lên đỉnh núi cô đơn. Phải, chính tao cũng biết rằng tao bị quyến rũ bởi thế giới rộng mở của trí tưởng tượng. Ấy vậy, nếu không có những giấc mơ, tao thật chẳng hiểu làm thế nào để sống? Sau mỗi lần gặp thằng nhà báo, tao có hồ nghi về bản thân mình, hồ nghi sự tồn tại của cánh cửa bên lỗ tai trái. Tao tự huyễn hoặc những gì thằng nhà báo kể về những con đường nó đã chạy bộ mỗi chiều từ ngày này sang ngày khác là những thứ nhảm nhí, nhàm chán.

Có bận, tao cố gắng khóa thật chặt cánh cửa trong lỗ tai trái. Ấy thế mà cái âm lượng từ miệng của nó vẫn cứ đều đều xuyên qua cánh cửa, rồi bắt tao phải thâu nhận hết sự mơ mộng về những con đường chạy bộ. Đã nhiều lần, tao nghĩ đến việc đưa nắm đấm lên làm một phát vào mặt nó, cho nó im hẳn. Nhưng tao không làm được. Bạo lực chỉ là một giải pháp tức thời trong cơn bĩ cực. Vì thế, nên thôi, tao nghĩ về khẩu súng đó năm tao hơn mười tuổi, giờ thì nó hệt như một giấc mơ, một sự ám ảnh đầy ẩn ức bất chợt. Những đêm trăng sáng nhiều khi chỉ dành riêng cho loài sói trên thảo nguyên. Đôi lúc, tao nghĩ tao nên lấy tiền của nó và đóng chặt cánh cửa bên lỗ tai trái lại, để không cần phải mơ mộng về đỉnh núi cô đơn nữa. Và thật tình, tao biết nó có rất nhiều tiền. Tao chẳng hiểu tại sao nó lại có nhiều tiền đến vậy. Trong khi nó chỉ có những câu chuyện liên quan đến mấy con đường chạy bộ lên đỉnh núi mù sương, đỉnh núi cô đơn.

“Vị dịch giả có mái tóc lởm khởm với một đôi mắt kính dày cộp thì sao?”, K bất ngờ cắt ngang mạch kể của tôi.

“A, hóa ra mày chính là cái gã đi giày da ngồi trong bóng tối rít thuốc và quan sát những cuộc hẹn của tao đấy hả?”, tôi hỏi vặn lại.

K không trả lời. Và dễ thường tôi quên chắc cái khuôn mặt lạnh như tiền của hắn trong bóng tối. Khuôn mặt khiến ai nhìn lướt qua một lần cũng ám ảnh, hệt như tôi từng thấy khuôn mặt của người đàn ông say nào đó những năm tôi bé nhỏ sợ hãi lẩn trốn trong góc nhà, góc phòng, góc tường. Tôi phải tự đấu tranh để vượt qua nỗi sợ hãi đó, để bước ra khỏi cái bóng tối của chính mình. Dù rằng những năm sau này tôi đã dần dần tước bỏ cái ý nghĩ, cái ước muốn có được một khẩu súng. Thời điểm ấy quả thật tôi khá hoang mang, sợ hãi, và yếu đuối. Tôi không biết cách kháng cự lại những cảm giác ẩn ức từ việc nhận diện khái niệm về tình yêu, lòng nhân từ, hay hình ảnh độc ác mà tôi đã chứng kiến đó trong tuổi thơ của mình ngoài việc nghĩ đến một khẩu súng. Nhưng, càng lớn tôi càng hiểu rằng, bạo lực thường chỉ sinh ra bạo lực.

K chen vào, khi đang nghe tôi nói, “thế tại sao bây giờ mày lại chạy đến và nói với tao rằng mày cần cái gì kiểu như bạo lực?” Tôi không trả lời được. Tôi im lặng và đánh lạc hướng hắn, “Dịch giả, để tao nhớ lại, thực tình thì vị đấy chỉ nói với tao về việc mua sắm hàng ngày. Tao chẳng thể nào hiểu nổi, tại sao một con người như vị dịch giả đáng kính kia chỉ có mỗi nhu cầu duy nhất là kể lể về việc mua sắm. Mày thấy lạ không? Tao chưa bao giờ nghe gã nhắc đến những công trình dịch thuật. Tao chưa bao giờ nhìn thấy vị ấy khoe những bản thảo như một vài kẻ khác.

“Thôi thôi, tao không muốn nghe về công việc mua sắm nhảm nhí của gã dịch giả ấy. Tao tò mò về anh nhà giáo, hình như anh ta khá giả lắm nhỉ?” Nhà văn K nói. Không, anh nhà giáo, để tao nhớ xem. Anh ta cũng bình thường thôi, chẳng có gì ấn tượng. Một con người đơn giản. Thật đấy. Mày tò mò gì về anh ta? Tao chỉ nhớ rằng, anh ta chưa bao giờ có nhu cầu chia sẻ bất cứ điều gì thú vị hơn, ngoài chuyện kiếm cơm. Tuy nhiên, anh ta vẫn bỏ tiền ra, thuê tao một giờ, chỉ để thỉnh thoảng được lặng yên, bắt tao ngồi nhấp cà phê với anh ta, sau đó mỗi đứa một đường. Đương nhiên, tiền cà phê anh giành trả. Tao cũng chẳng mấy quan tâm đến số tiền mà anh ta kiếm được. Nhà giáo thì kiếm được bao nhiêu? Tao nghĩ thế.

“Vậy, cuối cùng cái thứ mày cần tao lắng nghe, để xứng đáng với số tiền mày trả cho tao là gì?” K hỏi gắt. Thằng nhà văn này kỳ khôi thật. Tôi đã cố tình kể cho hắn nghe về một cánh cửa bên lỗ tai trái? Hắn kém cỏi hay giả vờ khờ khạo nhỉ? Con mắt cú vọ của hắn trong bóng tối, tôi đã từng thấy, sáng như ánh đèn pha. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ khá điên rồ. Hơn một giờ đồng hồ đi qua. Tôi không muốn chia sẻ thêm với hắn bất cứ điều gì nữa. Chao ơi, thằng nhà văn kém cỏi. Giá mày nhanh nhạy một chút, mày đã có hàng đống ý tưởng cho một câu chuyện hư cấu, biết đâu mày sẽ kiếm thêm được ít nhuận bút từ số báo ngày chủ nhật. Mày muốn trở thành nhà văn, trước hết mày phải là người biết lắng nghe.

Tôi nhớ ra mình còn việc phải làm. Tay nhà thơ tối qua hình như có gửi cho tôi hình ảnh chụp bức tranh anh ta vừa mới hoàn tất, (trước khi là thi sĩ, anh ta đã từng là một họa sĩ), trong bức tranh là người đàn ông ngồi trước giá vẽ, tay trái cầm một khẩu súng và chỉa lên thái dương ngay bên cạnh lỗ tai của mình. Dưới đất có một cánh cửa. Bất giác, tôi đưa tay sờ lên lỗ tai trái. Chẳng biết cánh cửa của tôi liệu có còn ở đó? Thằng nhà văn K nhìn chằm chằm vào lỗ tai trái của tôi. Hắn đi tới góc làm việc, tay hắn kéo hộc bàn. Thứ gì trong đó nhỉ? Tôi tò mò, nhưng cũng đồng thời đứng dậy rất nhanh lao ra khỏi cửa. Một tiếng nổ toang vang lên trong căn phòng nhỏ. Chỉ là một âm thanh mà lần cuối cùng tôi được nghe thấy rõ ràng bằng cả hai tai của mình.

“Tôi cần phải kể cho nàng, tình yêu đầu đời của tôi về một cánh cửa bên lỗ tai trái, tôi cần phải nói với nàng lý do tại sao tôi rời bỏ và phản bội nàng. Dĩ nhiên, tôi còn muốn mô tả cho nàng những con đường lên đỉnh núi cô đơn, tràn ngập sắc màu của thế giới cổ tích”.

Đôi mắt người đàn ông trẻ trước căn phòng trọ của nhà văn K hờ hững khép lại. Có một cánh cửa màu đỏ sậm rớt ra từ lỗ tai bên trái. Chẳng ai biết gì thêm về câu chuyện của gã chủ quán cà phê tên Ocean. Vụ án của người lắng nghe bây giờ mới thực sự bắt đầu.

T.B.K  
(TCSH385/03-2021)



 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Tranh lập thể (23/03/2021)
Ngọn nến (23/02/2021)
Giao thừa sương (09/02/2021)