Truyện ngắn
Dưới hiên mưa
15:01 | 17/05/2021


NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

Dưới hiên mưa
Minh họa: Ngô Lan Hương

1.
Thằng cu Bột ngồi bệt xuống sát chỗ mép nước xâm xấp chạm bậc thềm trước hiên. Màu nước vẫn còn vàng đục và dấu nước rút chậm đã đọng lại lớp rêu mỏng trơn láng, xanh bợt bạc. Có đến hơn chục con ốc li ti nhọn hoắt ráo riết bám miệng vào vách đất, chổng đít ra ngoài và cứ nhấp nhổm mỗi khi thằng bé khua thanh tre nghịch nước làm thành những con sóng nhỏ dạt vào. Có con bị sóng xô trôi tuột, chìm xuống. Bột nhẩm đếm coi bao nhiêu con còn bám lại, bỗng giật mình nhìn ra đầu ngõ. Con bé Gấm vừa chạy vừa kêu, tiếng được tiếng mất đã thấy xuất hiện trước bụi dứa dại bên kia đường:

- Bột ơi!... Có xe chở đồ cứu trợ về... Dì Giêng ơi! Dì đi chưa?

Thằng Bột vứt vội thanh tre chạy theo bạn, không kịp ngoái vào nhà gọi mẹ. Hai đứa lúp xúp chạy trên đường xóm còn nhiều đoạn bì bõm nước quá mắt cá chân. Nửa tháng không đến trường và chỉ quanh đi quẩn lại trong nhà, được chạy ra nơi tập trung đông người đối với bọn trẻ là niềm vui lớn, nói chi chuyện nhận quà cứu trợ. Thoắt một cái, thằng Bột đã vượt lên trước, con bé Gấm chạy sau, hai bím tóc nhảy múa theo bước chân hối hả của nó.

Đứa bé gái lên ba được Giêng đội mũ cho bèn níu áo mẹ đòi đi chơi. Nó nhìn ra phía xa, nơi thằng anh vừa chạy mất hút. Người mẹ trẻ ngồi xuống ngạch cửa nhìn mông lung ra khoảng sân ngập nước loang loáng hắt nắng ngược vào hiên nhà. Hôm qua nghe thôn thông báo, nhưng cũng như những lần trước, chị không muốn dẫn con ra nơi đông người. Ở đó sẽ không tránh khỏi những ánh mắt, ái ngại cũng có mà dò xét cũng có, là điều chị sợ nhất lúc này. Hơn nửa năm nay anh ấy không về, điện thoại không liên lạc được, trang mạng xã hội cũng đã khóa. Cho nên khi cơn bão càn qua tốc mái gian bếp và khung cửa lệch nghiêng, người trong thôn đến giúp chị chằng chống, vá lợp một phần nào, chị gần như được xem là kẻ cô quạnh trong mắt một số người làng. Và rồi một ngày mưa dữ dội tưởng như bao nhiêu nước trên trời cả một năm dồn lại đổ xuống, đúng vào đêm con bé sốt cao. Ôm con trong lo sợ và mỏi mệt, chị chợp mắt một lát rồi giật mình thức giấc nghe hơi lạnh phả khắp nhà. Bóng tối dày đặc. Lại mất điện. Phải tìm cây đèn pin. Chị quờ chân xuống giường, hoảng hốt nhận ra nước lụt đã vào nhà. Líu ríu bật lửa thắp cây đèn dầu trên bàn thờ, chị hối hả đánh thức cu Bột, vơ ít quần áo cho nó đưa lên cái gác tạm. Chị chỉ kịp lõm bõm xuống bếp vét hết mấy gói mì cho vào xô gạo, rồi lập cập ôm con bé cùng mớ thuốc lần từng bậc thang trèo lên. Chợt nhớ chai nước uống và cái bình thủy, chị lội xuống bếp quờ quạng tìm được vừa lúc nước đã lên quá chiếc giường của ba mẹ con. Kinh hoàng đến cứng cả lưỡi, chị ôm chặt hai đứa con, chỉ còn biết nhắm mắt cầu nguyện...

Thằng Bột đã trở về cùng với anh Quý, con trai chú trưởng thôn. Quý vác bao gạo trên vai, tay xách túi ni lông khá nặng. Chị lội nhanh ra ngõ đón lấy các thứ:

- Lại phiền em Quý nữa rồi!

Chị không muốn Quý vào nhà. Trước đây cậu bé vẫn thường sang chơi với cu Bột, và giúp chị một vài việc vặt, khi thì đóng lại mấy cái cọc rào, có khi sửa lại bản lề cánh cửa, hoặc phụ nấu cơm rồi ở lại ăn trưa với ba mẹ con. Nhưng từ khi anh ấy không về và bặt tin, có lần thím đã qua nhà kêu con trai về. Chị bắt gặp trong ánh mắt thím một chút dè chừng, cái dè chừng của gà mẹ đang giang cánh ra bảo vệ gà con trước nanh vuốt diều hâu. Dẫu gì nó cũng chưa qua hết bậc phổ thông...

Có vẻ như nước cứ đứng yên không chịu rút. Và mưa lại tiếp tục. Mưa không nhiều nhưng nước lại lên nhanh. Cả tháng trời xóm làng mênh mông nước. Không còn biết đâu là ruộng đồng, đâu là mồ mả. Chỉ nhìn mấy cột điện ngoài đường lộ để nhắm chừng. Người già chết bệnh, người trẻ chết vì đuối nước. Người khiêng quan tài vật vờ trên mặt nước đỏ ngầu. Tiếng khóc đưa tang chìm trong tiếng gió mưa ầm ào. Điện đã lại về thôn chập chờn lúc có lúc không, cũng đủ cho mọi người xem được những tin xấu gần xa về mưa bão, lở núi, sập nhà. Giêng cũng chập chờn giữa mơ và thực, những giấc mơ đứt quãng, rời rạc và hãi hùng. Đám tang bà nội cu Bột trong mùa lụt lớn ba năm trước. Đường đồng ngập sâu. Khăn tang áo xô hụp xuống nhô lên giữa dòng nước bạc. Chỉ chiếc áo quan là được nổi lên trên, lướt đi, lướt mãi và vách núi bỗng hiện ra chặn mất lối. Rồi đất đá đổ xuống ào ào, cuốn mất cả đoàn người, chỉ còn thấy cái mũ rơm của anh ấy loi ngoi giữa lớp đất bùn đỏ quạch... Giêng mở choàng mắt, mồ hôi ướt cả mặt và chân tóc. Những lúc như vậy, Giêng lại đến thắp nhang trước di ảnh mẹ chồng, ánh mắt vẫn hiền lành, ấm áp. Cầu ơn trên cho anh ở đâu đó luôn được bình an... Giêng đã lục hết danh bạ về các mối quan hệ của anh để gọi hỏi, nhưng những cố gắng đó đã không đem lại hiệu quả gì. Họ đều bặt tin anh đã lâu, đúng vào thời điểm chị mất liên lạc. Kể cả chú Hường ở gần trong phố, người đã giới thiệu cho anh đến chỗ làm mới sau khi xí nghiệp của anh giải thể. Lúc đầu chú còn ậm à bảo không liên lạc được, sau thì tắt máy luôn. Định đợi con bé khỏe lại, chị sẽ sắp xếp vào trong ấy tìm xem, cách một cái đèo chứ xa xôi cách trở gì. Nhưng lần lữa mãi, không ngờ bão lụt ập đến, liên miên. Ngày đã rất dài, đêm càng chậm trôi hơn. Đôi lúc những mảng ký ức khô giòn gãy vụn lại thoáng qua, như những bụi tro mệt mỏi, tả tơi... Một tuổi thơ khốn khó. Người mẹ đơn thân đã tìm chỗ dựa cho ngày tháng mới. Nhưng khi mẹ phải chúi mũi vào việc nhà và con mọn thì Giêng, năm đó mười bốn tuổi, đã bắt đầu sợ hãi từng cái nhìn, rồi sau đó là những cái vuốt tóc, vỗ vai của người cha dượng. Và cái buổi chiều khủng khiếp đã đến sớm hơn lo sợ của Giêng, con bé kịp chạy ra khỏi nhà trong hoảng loạn. Từ đó vào ở hẳn với người bà con xa bên nội, nhà tận cuối làng, nơi đó con suối lớn ầm ào mùa nước lớn đổ về sông. Những buổi đi chăn bò, ngồi bên mõm đá, nhìn sông lớn ôm vòng chân núi thao thiết ngày đêm tràn lên những bãi đá giữa dòng, dạt dào tung bọt với khúc trường ca bất tận của đại ngàn, nó nhọc nhằn đánh vật với từng trang vở. Mẹ Giêng sau mấy ngày dắt con nhỏ về xuôi lên vẫn tin lời chồng, lúc đầu còn tìm vào khuyên bảo con gái, nhưng rồi phải tất bật việc nhà nên sau đó cũng thôi...

- Bây tính rứa cũng phải. Lo liệu chi cũng đừng quên để ý tới sức khỏe con bé Đậu nghe! Mụ hôn cháu gái mụ một cái nì! - Mệ Lọc ôm chặt con bé, thơm thơm lên trán nó, rồi buộc gọn mấy bì hạt giống của người hàng xóm gác lên giàn bếp.

Giêng không biết mình tính vậy là đúng hay sai. Nhưng không thể bó chân nhìn nước bạc cứ dập dềnh bốn phía. Cá tôm ngon không mấy khi mua được cho hai đứa nhỏ. Rau khoai chục ngàn một lọn lỏng lẻo chừng mươi cọng. Giêng thắp nhang khấn vái rồi khép cửa men theo bờ rào đi ra ngõ.

2.
Khu nhà trọ không còn đông đúc ồn ào như ba năm trước. Dễ dàng để ba mẹ con có được một phòng cuối dãy. Phòng này được trả đã lâu. Hơn nửa năm rồi, dịch bệnh đợt này đến đợt khác khiến dì Phúc cũng khó khăn theo. Vừa than thở dì vừa chọn một chiếc trong xâu chìa khóa đưa cho Giêng, người khách trọ mấy năm trước dì vốn rất thương và dành cho nhiều ưu ái. Về quê chồng sinh con bé Đậu, không ngờ mấy tháng sau thì bà nội nó mất nên chị ở lại chăm con nhỏ, việc làm ở công ty đành bỏ ngang. Giờ gặp lại Giêng, dì Phúc vui lắm, không cần đến khoản phụ thu khi có thêm hai đứa nhỏ.

Không khó để lo chỗ học cho tụi nhỏ và kiếm được chiếc xe cũ để chạy lui chạy tới xin việc. Nhưng việc thì xin không dễ trong lúc này. Chiếc nhẫn và đôi bông tai đem ra trang trải đã gần cạn. Vừa lúc bà chủ hụi đến gặp dì Phúc thu tiền, dì hỏi:

- Bà coi đằng quán có việc chi cho hắn làm với! Cũng có chữ nghĩa đó, nhưng nghỉ sinh con lâu ngày nên chi bị mất việc. Tội!

Người đàn bà kia có vẻ như vừa ăn sáng xong, còn mải xỉa răng và đang thấy dễ chịu vì đã giải phóng được cái chân răng khỏi chút vụn thịt, xởi lởi gật đầu:

- Việc thì có đủ người rồi. Nhưng bữa ni con Thúy còn bận đi giao hàng nên cũng có khi thiếu đứa chạy bàn.

- Dạ, có việc làm là tốt rồi. Khi mô thì con đến làm hở dì?

- Được thì mai tới. Hỏi mụ Phúc ni chỉ đường cho!

Bà ta nói trống không, rồi về luôn.

Hôm sau Giêng đến quán Kim Ngọc làm việc, chỉ là chạy bàn và đôi khi coi việc ngồi quầy thay cho cô Kim, con gái bà Ngọt. Có lẽ tên Ngọt không đẹp, bà đổi thành Kim Ngọc. Quán cũng không mấy đông khách trong thời buổi khó khăn này. Nhưng đồ nhậu bà Ngọt làm thì có thương hiệu, nên khách gần xa cũng đến lai rai. Công việc khá thuận lợi cho Giêng đưa đón hai đứa nhỏ, và những tối ít khách, cô Kim cho chị về sớm, lại còn có thời gian coi bài vở cho cu Bột. Những khi đi giao hàng giúp con Thúy, thỉnh thoảng chị còn được chút tiền “boa” từ một vài khách hàng tốt bụng. Dì Phúc cũng mừng cho mẹ con Giêng.

Một buổi chiều muộn, bà Ngọt xếp các hộp đồ nhắm vào túi xách đưa cho Giêng:

- Có địa chỉ trong này rồi. Đi giao cho họ rồi về luôn, đây đã có con Thúy.

Chị hỏi mãi qua mấy con đường ướt mưa mới tới được ngôi nhà khuất trong vườn cây. Cổng ngõ chỉ khép hờ.

- Vào đi! - Tiếng nói vọng ra khi Giêng gọi cửa.

Căn phòng nhỏ có đến bốn hay năm người đàn ông gì đó. Giêng chưa kịp nhìn rõ đã vội rụt tay lại khi một gã bước ra định kéo chị vào. Giọng nói của gã ta đuổi theo:

- Ô hay! Sao lại thế? Không vào lấy tiền à?

Chị cắm đầu chạy nhanh ra cổng. May sao chiếc xe cũ không trở chứng...

Giêng bó gối nhìn nắng mới chảy tràn trên sân. Lâu lắm mới có một ngày nắng ráo hiếm hoi như thế này. Khu nhà trọ giờ này yên ắng nghe rõ cả tiếng đôi chim rủ rỉ trên cành sầu đâu đang trổ lá xanh non. Yên ắng đến nỗi Giêng còn như nghe rõ tiếng bà Ngọt sáng nay, tuy cố rít giữa hai hàm răng nhưng vẫn không nén được tức giận:

- Mi giỏi hí, có lấy tiền túi ra bù mãi được không? Rứa mi tưởng chỉ chút việc chạy bàn mà tau trả lương cao cho tụi bây đủ tiền ăn tiền tiêu như ri chắc?

Rồi dịu giọng:

- Mà ngồi lại một chút có mất chi của mi mô! Đũa một chiếc vết cũng khó khăn, nhắm mắt cho qua ải con ơi...

Giêng lắc đầu như thể đang đứng trước mặt bà, không để ý đến người đàn ông vừa chạy xe vào đến trước hiên.

- Giêng! Phải Giêng không? - Anh ta vừa gạt chân chống dựng xe vừa oang oang gọi chào.

Nhận ra anh bạn học cùng lớp trung cấp kế toán ngày trước nhưng hơn mình đến mấy tuổi, Giêng cũng thấy vui:

- Dạ... Mà anh đến thăm ai ở đây vậy?

- À, tôi có đứa em họ tuần sau sẽ về trong đó, định nhờ nó đưa một ít quà cho ông bà ngoại mấy cháu.

Anh nhìn căn phòng đầu tiên đã khóa cửa, nhún vai:

- Nhưng nó đi vắng rồi. Bữa khác tôi trở lại... Hay là thế này, tôi mời Giêng sang quán bên kia đường uống nước nghe!

Gọi cho Giêng một ly chanh nóng, và cà phê đen cho mình, anh ta kể về công việc và đủ thứ chuyện. Nhờ biết xoay sở và gặp thời, anh phất lên rất nhanh. Nhưng bà vợ không may đi sớm vì ung thư. Giờ có của ăn của để, chỉ thiếu một người hợp tính để nhà có bàn tay đàn bà chăm sóc... Vừa nói, anh ta vừa cho tay vào túi quần lấy chai dầu xanh xức lên mũi rồi xoa khắp hai bên thái dương. Mùi dầu phả lên ngột ngạt cả góc quán làm Giêng khó chịu, muốn nôn khan. Anh ta không để ý, cứ huyên thuyên hỏi Giêng sống thế nào, chồng con ra sao. Chán nản, chị nói lảng sang chuyện khác rồi đứng dậy chào, đi nhanh ra cửa vì không muốn đón bắt bàn tay nặng mùi dầu đang chìa ra...

Nghe Giêng kể chuyện đã bỏ việc ở quán, dì Phúc chỉ biết thở dài:

- Khổ thiệt! Đang yên đang lành...

Chợt nhớ ra, dì mừng rỡ nói to:

- À, ra giêng, con cháu dâu của dì mở lớp giữ trẻ. Chắc là con nấu bếp được đó. Lại đỡ phải đi gửi con bé Đậu.

Chị nắm chặt tay dì Phúc, người phụ nữ luôn đem đến cho mọi người cảm giác gần gũi và ấm áp:

- Con cám ơn dì nhiều lắm! Có gì con sẽ gọi điện cho dì sau.

- Ủa! Răng phải gọi điện?

- Dạ, tuần sau là có việc ông nội mấy cháu. Con về cúng cơm nhớ ngày, luôn tiện thu vén nhà cửa, không biết ra sao rồi.

Bà ở vậy nuôi con từ khi anh ấy mới vào lớp vỡ lòng. Và mỗi năm bà lo cho cái kỵ này rất chu đáo. Vì vậy mà mấy năm nay Giêng vẫn cố gắng lo hai cái kỵ tươm tất, để cho vong linh bà được mát mẻ. Chị về phòng thu xếp. Nghĩ đến vẻ hớn hở của hai đứa nhỏ khi sắp được về nhà, chị cũng đã thấy vui, mặc sau đó tới đâu thì tới...

3.
- Đã về đây rồi, bây nói đi là đi mô nữa?

Mệ Lọc đứng dậy nhấc ấm nước vừa sôi, rót đầy bình thủy, còn lại chế thêm vào ấm trà nhỏ trên bàn. Người đàn ông ngồi đối diện, đúng hơn là ngồi trên xe lăn, bỗng ngước mặt nhìn ra phía hiên nhà, tránh không nhìn mệ, và cũng không trả lời.

Làm sao có thể nói cho mệ nghe về cái ngày anh tỉnh dậy trong bệnh viện, sững sờ thấy đôi chân không còn nguyên vẹn. Tỉnh táo hơn, anh nhận ra đây là cái giá của sự mông muội khi đã hào hứng theo chân đám người mê mải làm giàu từ một cụm rừng xa. Người phụ nữ nắm quyền hành mà anh đã tin và say như điếu đổ trong những ngày tháng ấy, giờ đã chấm dứt mọi liên lạc. Anh rùng mình nhìn xuống sàn xe trống trải. Nếu đôi chân lành lặn, chắc gì anh đã về lại nơi này, chí ít cũng là lúc này.

- Cái thằng!... Trời lành chỉ chém đằng sống chơ không chém đằng lưỡi. Bây coi chân cẳng như rứa, đi mô cho bằng ở làng. Nhà đó, ruộng đó, vợ con đó...

Mệ Lọc đưa chén trà lên, bỏ lửng câu nói nhìn ra cùng hướng với anh. Ngoài đồng xa, những thảm rau xanh đậm nhạt đã phủ khắp màu đỏ nâu của đất ruộng. Đúng là trời lành thiệt. Xuống giống đợt đầu mấy bữa lại gặp mưa to hai ngày liền, coi như xong. Phải đợi gần một tuần cho đất ráo ráo một chút, lại cuốc xới, che chắn, may sao cũng tạm ổn. Mệ bước ra ngồi chỗ ngạch cửa, quay mặt vào anh:

- Chỗ ruộng ném với lại đậu ve của mẹ thằng Bột, tau làm lại cho đó. Cơ chi hắn về thắp nhang cho ôn thì cũng kịp có đậu đi chợ bán.

Cả làng ai cũng biết mệ Lọc gắn bó với gia đình anh từ thuở nào đến giờ. Không chồng con, mệ coi anh như con đẻ. Khỏi phải nói mệ mừng vui ra sao khi thấy anh trở về sau nhiều tháng ngày bặt tăm... Anh di chuyển xuống phía bếp để có lối cho xe lăn ra hiên. Ba bốn ngày rồi, có mệ Lọc lăn xăn qua giúp, anh đã dọn dẹp trong ngoài khá sạch sẽ. Khói nhang làm ấm lên gian nhà đã mấy tháng vắng hơi người. Được vài ngày tạnh ráo, hôm nay trời lại mưa từ sáng sớm. Ngoài ngõ vang vang tiếng người đi chợ về. Anh nhìn ra hiên. Hai cây trạng nguyên đã xòe những bàn tay đỏ che rợp thành tán lớn, là của thằng Quý đem qua tặng anh em cu Bột trước ngày chuyển trường vào Đà Nẵng. Hắn nói với mệ Lọc rằng chắc chắn chị Giêng sẽ về.

Anh thở dài:

- Trước sau con cũng chỉ là một đứa không ra gì. Giờ còn làm khó cho mẹ con cô ấy...

Mệ Lọc soạn mâm lách cách trong bếp rồi bưng lên. Trách cá đồng kho với nhiều ném, ớt xanh và lá gừng, thơm đến nôn nao giữa ngày đông.

- Chuyện! Là số phận cả thôi. Mà có lần hắn nói với tau, rằng thì “anh ấy có chi đi nữa cũng là cha của hai đứa nhỏ, anh có theo ai thì con cũng mong anh được bình an”. Đó, bây thấy chưa?

Mệ cười thành tiếng, xới cơm và gắp đầy các món đưa ra hiên cho anh. Nhưng anh chưa vội ăn. Ngoài đường đã vắng người. Sắc trời đã hửng lên, tươi sáng hơn. Trong làn mưa trắng mỏng rây rây, anh ngỡ như thấy mẹ con cô ấy đèo nhau trên đường thôn chạy về ngõ. Họ sẽ chở mùa xuân về với mái nhà lâu nay có lắm buồn đau. Bụi mưa đã dày trên mặt lá trạng nguyên, long lanh những giọt ngọc như những giọt vui còn ở trong mơ.

Dù chỉ là mơ, nhưng anh vẫn chờ. Đau đáu và thiết tha...

N.T.D.S
(SHSDB40/03-2021)



 

 

Các bài mới
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Tranh lập thể (23/03/2021)
Ngọn nến (23/02/2021)
Giao thừa sương (09/02/2021)