Truyện ngắn
Mịt mờ Hỏng Phỉ
08:50 | 27/05/2021

NGUYỄN NGỌC LỢI   

Hỏng Phỉ - Dốc Ma bên sườn trái Pù Phỉ - Núi Ma. Rừng trên Pù Phỉ âm u rậm rạp lắm. Người Thái Lũng Xài già nhất cũng chưa đi hết cái Núi Ma ấy. Người ta không dám đi bởi nó âm u rậm rạp, bởi nó lắm hổ nhiều beo…

Mịt mờ Hỏng Phỉ
Minh họa: Phan Thanh Bình

Núi Ma quanh năm mây phủ. Cũng nhờ có cái núi ấy mà Lũng Xài làng bản bình yên, đẹp suốt quanh năm. Tháng mười nắng vàng ong, ruộng bậc thang rực vàng lúa chín. Mùa Đông cả bản ướp trong sương giá, từ Dốc Ma nhìn xuống thấy bản như bị phủ trong tuyết trắng… Lại có suối Nặm Ọt nữa. Suối Nặm Ọt chảy từ Núi Ma xuống, quành vòng vèo trong những khu rừng âm u, về đến gần bản thì đổ tràn một cái thác trắng xóa ầm ào, từ đó chảy vòng quanh thung lũng tưới cho cánh đồng ruộng bậc thang. Nước suối Nặm Ọt trong mát lắm. Có lẽ vì lúa tốt, ngô dẻo, lợn béo, gà béo, vì sông suối trong lành quanh năm mát mẻ mà người già bản Lủng sống lâu, con trai khỏe mạnh, con gái da trắng, tóc dài, ngoan hiền siêng năng.

Năm đó bà nội đã kể như thế về rừng núi làng bản quê mình. Sầm Tuyết Mai, cô sinh viên năm nhất từ Hà Nội về quê ăn tết ngồi im nghe và thấy mình như lạc vào miền cổ tích. Trên sàn ngôi nhà nhỏ được người ta xây cho ông bà trong khu tái định cư, cô ngồi vừa nghe vừa nhìn quang cảnh nơi ở mới của ông bà. Nơi ở mới - khu tái định cư cách bản cũ, cái bản lúc đó đã chìm dưới đáy lòng hồ thủy điện rồi, chừng hai mươi cây số. Nghe nói nước hồ dâng ngập lưng núi. Cái Dốc Ma mà bà nhắc đến cũng đã chìm xuống dưới làn nước xanh có tua tủa cành ngọn của những cây chết đứng quanh mép hồ rồi.

- Chứ không à? - Tuyết Mai nhớ như in hôm đó, vừa nói bà vừa đưa ngón út của bàn tay phải xương xẩu lên gạt nước trầu bên mép miệng móm mém, ánh mắt mờ đục như đang dõi về một cõi xa xăm.

- Bản mình, cháu chỉ còn nhớ láng máng thôi. Lớn lên cháu cũng chẳng thấy rừng nữa. Tuyết Mai nói rằng cháu chỉ nhớ là mình còn phải đi bộ đến trường tiểu học. Đường đến trường còn đường đất bà nhỉ. Lúc đó nhà cháu cũng là nhà trệt, và cả bản hình như toàn nhà trệt thôi.

Không nhìn đứa cháu gái đẹp ngoan và giỏi giang mới lớn lên, bà nhìn về một chỗ nào đó. Tuyết Mai níu vai bà, biết rằng bà sẽ nói nữa.

- Ôi, ôi… Rừng hết lâu rồi mà. Lúc mẹ mày đẻ mày thì làm gì còn rừng nữa. Bố mày lớn lên cũng không còn được vào rừng bẫy con sóc con gà nữa. Đến mày, lúc mẹ đẻ mày ra thì người ta sắp sửa làm cái thủy điện Lũng Xài rồi mà. Người ta mang cái máy về, trải những tờ giấy to chỉ trỏ rồi lội khắp rừng đo đo đếm đếm mãi… Nhà định cư của ông bà chỉ hai gian, tường xây, cầu thang xây, cửa sổ nhỏ giữa vạt đất trống, bếp nấu ăn gian trong, gian ngoài kê hai cái giường nhỏ. Nhìn mấy nhà sàn đẹp nằm ngoài mép đường mới mở, hôm đó cô đã thắc mắc tại sao ông bà không làm nhà sàn như người ta thì ông bảo, ông già, không còn sức chặt gỗ, không làm được nhà nữa, phải nhận tiền thôi. Những nhà có người trẻ, khỏe, họ nhận tiền đền bù sắm tivi, sắm tủ lạnh, mua xe máy… gỗ làm nhà thì vào rừng chặt. Mấy nhà đó làm hết nhiều gỗ lắm đó cháu.

Năm nay mấy tỉnh miền Trung mưa rất to, mưa rất nhiều ngày. Xem trên ti vi nước ngập trắng băng, nhấn chìm nhiều nhà cửa, đường sá, ruộng đồng. Hình ảnh người dân lẩy bẩy dỡ ngói mái nhà chui ra kêu cứu thảm thiết. Vùng Lũng Xài quê nhà báo Tuyết Mai mấy ngày sau cũng mưa, mưa to kéo dài. Đài, ti vi đưa tin các đập thủy điện lũ dồn về căng ứ, nguy cơ phải xả rất cao. Khu tái định cư của ông bà nằm trên vạt đất mới san bên vách núi đất. Toàn vùng Lũng Xài núi cũng bị khoét nham nhở như những vùng đã bị sạt lở kinh hoàng kia. Hình ảnh trên mạng người ta đưa lên cảnh từng mảng núi trôi tuồn tuột đè sập nhà, đè chết nhiều người nữa khiến cô như có lửa đốt trong lòng. Năm trước về thực tập ở thủy điện Lũng Xài, cái thủy điện nhờ nó góp điện hòa vào mạng lưới quốc gia mà toàn vùng quê cô đã được dùng điện lưới nên cô đã cùng một tốp sinh viên Học viện Báo chí về thăm để viết bài. Lần đó Tuyết Mai đã viết mấy bài ca ngợi cái đập thủy điện, nào là làm giàu đẹp cho quê hương miền núi, góp điện phục vụ công cuộc xây dựng đất nước… Bài viết xong gửi và được đăng ngay. Nhiều báo đăng bài của cô, Tuyết Mai bắt đầu được người ta nói đến nhiều.

Thủy điện Lũng Xài công suất vừa phải, đập chắn dòng Nặm Ột phía dưới đưa mức nước dâng cao đến hàng trăm mét. Đứng dưới chân đập, gần nơi xả lũ tung bụi nước mù mịt, che lấp cả một vùng, cô và tốp bạn đã reo lên thích thú. Cái đập thật cao thật dài, ngửa cổ nhìn lên thấy người đứng trên mặt đập chỉ nhỏ như một con ruồi, Tuyết Mai thấy cái đập vừa hùng vĩ vừa có điều gì đó chênh vênh rờn rợn. Thị trấn dưới kia, cách đập đâu chỉ hơn ba chục cây số đường chim bay, nghe nói còn thấp hơn đáy hồ những sáu bảy chục mét… Có điều gì đó cứ gờn gợn trong lòng. Chiếc xe mười sáu chỗ chở các cô tiếp tục tham quan toàn vùng. Xe lượn theo triền các dãy núi bao quanh đập. Đường nhựa mới làm bóng loáng lên xuống trập trùng. Trên những sườn núi, rừng đôi vạt mới trồng, ngọn keo ngọn tràm loi thoi giữa đất đá, rễ cây. Xe lượn quanh hồ như con kiến bò quanh mép cái chảo lớn hết gần nửa buổi. Dưới ánh nắng chiều, đáy cái “chảo” lớn lấp lánh ánh nước của cái đập. Mùa khô, cái đập chỉ thế, lúc có lũ nó rộng đến đâu? Xe chạy tiếp. Núi rừng xơ xác kéo dài kéo rộng ra mênh mông trập trùng trong mây trong gió. Nhìn qua cửa xe, Tuyết Mai không thể biết bản cũ ở đâu. Và cô cũng chẳng thể nhận ra khu tái định cư, nơi có ngôi nhà nhỏ của bố mẹ và nhà ông bà chỗ nào. Cái Dốc Ma chỗ nào? Tất cả đều bị mây trắng phủ kín. Mây lớp lớp trập trùng lúc đọng phủ kín các sườn núi, lúc tan phơi ra những chóp núi đỏ bầm màu đất. Tối đó, tốp nhà báo trẻ được giám đốc Thủy điện gặp mặt thân mật. Trong bữa cơm tối ở phòng ăn công ty có cá nướng xôi nếp, có món lạp và canh ột truyền thống của người Thái, giám đốc nói cười rất vui. Giám đốc thủy điện Lũng Xài tuổi độ tuổi bố cô, phong độ phương phi, nói năng hoạt bát vui vẻ và nhiều hài hước. Chẳng biết tìm hiểu từ đâu, bác ấy biết Tuyết Mai là người Lũng Xài. Ông cầm cốc bia đến chỗ cô, nhìn với ánh mắt nheo nheo. Ông nói “Khôn tày hau nhăng hụ khoăn tay bọ?” (Người Tày ta còn nói được tiếng Tày nữa không?, làm cô ngơ ngác. Ô, bác cũng nói được tiếng Thái à? Bác gốc Thái mà, cũng người bản Lũng đây cháu. Ôi, ôi... Tuyết Mai lúng túng. Người Thái Lũng Xài cũng có người giỏi và giàu như bác đây thì thật là vui. Tuyết Mai quay sang nhìn bạn. Mấy cô Hà Nội, Thái Bình hết nhìn giám đốc lại nhìn sang Tuyết Mai, ánh mắt không giấu được sự ngưỡng mộ và khâm phục.

Bác giám đốc nói tiếng Thái khiến Tuyết Mai nhớ đến bà nội. Ngày còn nhỏ, cô thấy lũ trẻ trong bản ít đứa nói tiếng Thái, còn lại toàn nói tiếng phổ thông. Chúng quen nói với nhau như ở trường rồi. Tuyết Mai cũng thế, ở nội trú huyện hay nội trú tỉnh, mấy đứa vùng cao xuống cũng chỉ nói với nhau bằng tiếng Thái đôi lúc thôi, nói vài tiếng dân tộc mình lại chuyển ngay sang tiếng Kinh. Ra Hà Nội thì hầu như bỏ hẳn. Tiếng Thái mình mới đầu nghe cũng chưa kịp nhớ. Tiếng Thái nói giữa Thủ đô nghe lạ lẫm lắm. Ở bản chỉ người già nói tiếng Thái với nhau thôi. Bà nội cũng thế, nói chuyện với đứa cháu yêu, đứa cháu để bà khoe với khách, khoe với dân bản bao giờ bà cũng nói bằng tiếng Thái. Tuyết Mai biết tiếng Thái đã là hồn, là máu thịt của bà. Bà nhớ, bà đọc, có lúc bà hát những điệu hát của dân tộc mình, những làn điệu cũ xưa nghe âm u như hồn người váng vất dưới tán rừng già. Lời của những điệu hát từ miệng bà cũng cũ kỹ như cái cối trầu quánh đen của bà, đen bóng như cái dỏ để lâu trên gác bếp. Bà hát rằng: “Tè mở chơ tang nứa pạy mi phạ/ Bường tờ páy mi đin/ Ột ổ nứng cánh bón/ Xắn xi còn...” (Từ thuở bên trên chưa có bầu trời/ Phía dưới chưa có đất/ Nhão sệt tựa canh môn/ Lắc thì rung...). Ngồi nghe bà hát nước mắt Tuyết Mai lăn trên gò má lúc nào không biết. Thương bà lắm, Tuyết Mai bảo bà hát nữa đi. Bà hát tiếp. Bà có cả kho bài hát. Các bài hát chất đầy trong đầu bà. “Mi pả, bọ men xút mẻn pha lon hầu/ Bọ men nậu tè nọi hậu huốm chong non…”. (Không phải màn không phải chăn của mình cũng vào giường nằm/ Không phải vợ chồng từ nhỏ cũng vào giường ngủ…). Lời bài hát của bà toàn chuyện ngày xưa, cái lúc còn rừng ấy. Còn rừng thì làng bản yên vui. Còn rừng thì con người gần gũi, thân ái… Người Thái mình giỏi giang chẳng kém dân tộc nào. Người Thái Lũng Xài có nhiều người đi học rồi làm cán bộ khắp nơi. Tuyết Mai cũng vậy, hết tiểu học ở Lũng Xài cô được vào trường nội trú huyện học cấp 2, lên cấp 3 cô xuống tỉnh rồi ra Hà Nội học tiếp đại học. Chuẩn bị ra trường nhưng Tuyết Mai chẳng thấy lo lắng một tí nào. Môi trường sống ở thủ đô cho cô sự quảng giao, cho cô tầm hiểu biết và cho cô bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu sự quan hệ để cô có thể tung tẩy tự nuôi sống mình.

- À này, Tuyết Mai, em là con ai ở bản Lũng nhỉ? - Giám đốc hỏi cô.

- Bố cháu là… Bác có biết không? Bố cháu cũng tầm tuổi bác đấy.

Giám đốc lắc đầu.

- Bố em thì tôi không biết nhưng bà nội em tên là Lương Thị Duyên, là bà Duyên đúng không?

- Ôi ôi, đúng rồi bác. Bà nội cháu là Duyên, năm nay hơn bảy mươi rồi. Bác đi lâu thế rồi mà sao biết bà nội cháu?

Tuyết Mai lúc này cảm thấy người đàn ông này sao gần gũi và thân thuộc thế. Bất chợt cô nhớ tới câu chuyện bà kể năm nào. Câu chuyện có cả lời của ông nội góp vào. Cô nhớ câu chuyện đang dở dang về việc Lũng Xài hết rừng. Cô hỏi, thế người ta không sợ kiểm lâm hả ông? Kiểm lâm làm sao giữ được suốt ngày? Kiểm lâm cũng có những người muốn ăn ngon, cũng muốn uống say mà, cũng cần nhiều tiền mang về cho vợ mà... Ông nội nói một thôi dài.

Bà nội ngồi như mơ màng. Ngoài kia, chỗ mấy nhà sàn mới, cạnh đường, loa đài xập xình, người đi sắm tết về cười nói râm ran. Họ bê từ ô tô xuống nào bia, nào bánh kẹo, nào cá biển…

- Bây giờ dân bản đón tết nhiều nhà chỉ uống bia, ăn đồ biển. Rượu cần chỉ dành cho khách lạ miền xuôi. Người bản mình, người trẻ ấy, không ai biết hát các điệu hát của ông bà nữa. Bà nhớ ngày xưa. Suốt tháng giêng, làng bản réo rắt tiếng sáo tiếng khèn và dập dìu trai gái…

- Bà có kể nữa thì cháu cũng chỉ biết vậy. Tuyết Mai nói. Cháu chỉ ăn tết với ông bà bố mẹ qua mùng 1 thôi. Sáng mùng 2 cháu phải đi rồi.

- Thế là mày cũng như người ta, hễ ra khỏi bản khỏi Mường là không ai muốn quay về nữa.

- Và “người đó” cũng đi mãi bà nhỉ… - Ông nội lên tiếng.

Ông đang nhắc tới người đó. Tuyết Mai biết chuyện này rồi. Ký ức về thời trẻ đã hằn sâu trong óc trong não người già. Chuyện ngày xưa, bà yêu người trai bản, hai người hẹn nhau về sống chung nhà, ngủ chung giường, đắp chung chăn nhưng người đó đi mãi không về. Xa lắm rồi, lâu lắm rồi, cái thời con gái của bà. Cái thời mà bản làng đẹp, núi rừng đẹp như bà vừa kể. Hồi đó bà và người đó hẹn hò, rồi người đó xuống Hà Nội học, hẹn sau bốn năm sẽ về. Bốn lần ruộng bậc thang trong thung chín vàng. Cô gái trẻ làm đủ chăn nệm, gối bông lau chờ mà người đó không về. Người con gái ấy đi làm nương, đi lấy măng, lấy nấm, chiều chiều dõi lên đỉnh Dốc Ma ngóng đến mờ con mắt mà chỉ thấy đoạn đường trăng trắng mờ dần trong sương thôi…

- Người trai đó là người bà mày thương đó cháu à.

- Cháu biết chuyện rồi mà. - Cô nói. Tuyết Mai sợ bà buồn, muốn ngăn nhưng ông vẫn nói.

- Già rồi, chuyện ngày xưa cũ lắm rồi. Nó cũ như cái rẫy xấu bỏ đi cho gai góc mọc, cho đất đá bị mưa gió bào mòn. Cái chuyện bây giờ đã như là chuyện của người khác, nhắc lại cho vui thôi. Hồi đó nhà ông nghèo, nghèo lắm, ruộng chỉ một mảnh, nương chỉ vài khoanh, không trâu không lợn... Bà cháu lại đẹp, ông chỉ dám đứng từ xa mà nhìn thôi. Bà cháu và người ấy như đôi chim cu ấy, cứ rúc rích cù rù suốt… - Ông nói rồi ông cười móm mém. - Người ấy không về để ông có được bà mày.

- Mãi sau, khi người ấy về đón bố mẹ ra Hà Nội gặp ông bà sui để bàn chuyện cưới, rồi mãi đến khi nghe tin họ có con thì bà mới nhận lời, phải không bà? Vậy là bao nhiêu chăn nệm bà chuẩn bị cho người ta được bà mang về bên này.

Vậy thì theo lời giám đốc thủy điện Lũng Xài hẳn ông ấy là con trai của người mà bà đã hẹn ước. Người ấy không về bản Lũng nữa vì một người đàn bà Hà Nội, con một cán bộ lớn. Những chuyện như thế bây giờ có nhiều, Tuyết Mai được chứng kiến nhiều. Chỉ khổ cho những người quá tin tưởng, hy vọng chờ mong đến mòn con mắt như bà nội thôi.

Tuyết Mai quyết định về quê. Làm sao yên được khi Lũng Xài đang chìm trong mưa lũ. Ở Lũng Xài còn ông bà, còn bố mẹ, còn bà con dân bản. Hơn nữa cô còn là một nhà báo, cộng tác với nhiều tờ báo ở thủ đô.

Đường nắng ráo, nửa chiều cô lại phải chuyển tiếp một chặng xe nữa mới về tới thị trấn huyện. Phố huyện cuối chiều sập sìu, những ngôi nhà hai tầng, ba tầng ép bên vách núi rào rào tiếng nước chảy. Bên kia đường, sau những dãy nhà ngoảnh mặt ra đường là sông Nặm Pệt. Sông Nặm Pệt đang réo sôi sục bởi những con sóng đỏ ngầu. Thủy điện đang xả lũ, trời vẫn tiếp tục mưa to. Lúc tạnh lúc mưa. Nền mây còn dày còn nặng thế kia. Mà thời tiết bây giờ lạ lắm, có lúc nghĩ sẽ tạnh nhưng lại mưa. Lâu lắm rồi, chưa có mùa mưa nào như mùa mưa năm nay, mưa mấy ngày mà nước nhiều bằng cả năm… Năm trước, trời cũng mưa lớn, nước sông dâng mấp mé bờ như thế này, một người trong thủy điện đi xe máy ra, chẳng biết anh ta thấy đập ra sao, đã kêu lên vỡ rồi, vỡ đập rồi khiến cả phố huyện hoảng hồn nhốn nháo. Rồi người ta hốt hoảng vơ quáng vơ quàng vài thứ bồng bế dắt díu nhau chạy ngược lên chỗ cao quanh thị trấn. Mấy cái clip được tung lên mạng từ năm ấy vẫn còn trong điện thoại của cô đây. Còn bây giờ?

Phố huyện đang lo lắng phập phồng. Dọc phố, từng tốp bộ đội choàng áo mưa hối hả bước. Cuối thị trấn xe khách, xe tải, cần cẩu, máy húc dồn ứ. Lại có chiếc xe chữ thập đỏ hụ còi lao đi. Khách đi đường cụm đứng từng tốp lo lắng bồn chồn.

Toàn vùng Lũng Xài nhiều chỗ bị chia cắt do bị sạt lở, đường tắc nên các phương tiện giải cứu không vào được, cũng không liên lạc được do trong đó mất điện, mất sóng… Người sĩ quan phụ trách tốp bộ đội muốn vào Lũng Xài cho cô biết. Trả lời xong, anh ta hỏi Tuyết Mai. Cô là… Em là…, Tuyết Mai đưa thẻ phóng viên ra. Nhưng bố mẹ, ông bà em trong đó. Tình hình chừng nghiêm trọng lắm không anh? Tôi chưa nói được gì lúc này. Chúng tôi đang liên lạc, yêu cầu cho trực thăng mang lương thực vào trong đó… Tuyết Mai quay ra móc điện thoại bấm. Vẫn chỉ tút, tút… Anh bộ đội trẻ dúi vào tay cô chiếc bánh mỳ và chai nước, nói chị ăn tạm rồi tìm chỗ nghỉ đi, không có hàng quán gì đâu.

Trời đã tối và người đã vãn, trần mây đè nặng những đỉnh núi bao quanh thị trấn. Chốc chốc lại có chiếc xe phóng qua chạy ngược lên, vệt đèn pha xuyên màn mưa quét loang loáng lên nền đường bóng nhẫy. Qua cửa sổ tầng 3 của một nhà nghỉ bên trái đường nhìn ra, Tuyết Mai bồn chồn như lửa đốt trong lòng… Chừng khuya lắm rồi, lên giường trùm chăn nghe nước dội ào ào bên vách taluy, cô cố nhắm mắt đưa mình vào giấc ngủ. Rồi chẳng biết có chợp mắt được chút nào không. Chập chờn nghe mưa rơi, nghe thác dội, tất cả âm âm u u. Lúc sáng, ngoài kia, trước lúc lên xe cô còn liên lạc được với em gái ở trường nội trú tỉnh. Em gái nói vẫn gọi được cho bố nhưng trong đó lũ lớn lắm. Khu tái định cư đất mới được san trôi từng mảng lớn. Từ lúc lên tới giờ không thể gọi cho ai được nữa, lòng cô rối bời, lên nằm trùm chăn rồi mà người cứ bập bềnh như trôi trên con sóng dữ. Nước sông Nặm Pệt đang sùng sục trôi xiết, từng đợt sóng dữ đang vỗ mạnh vào vách núi bờ sông dưới kia. Chao ôi cái nước lũ. Hình ảnh thấy trên tivi, trên điện thoại mới kinh khủng làm sao. Cả ngôi nhà đổ nhào, cả mảng núi trôi tuột… Bố mẹ, ông bà, dân bản… Cái chân đau của bà, cái lưng còng của ông… Tiếng người í ới gọi nhau… Rồi Tuyết Mai nghe một tiếng “bục” dội lên trong lòng đất. Cái giường rung rung. Và cái đập, nó từ từ nứt ra… trời ơi, từ lưng chừng trời ập xuống. Nước, nước… Một trời nước ập xuống. Tuyết Mai vùng bật dậy, cứ thế ngồi rồi ngơ ngác nhìn quanh.

Hóa ra Tuyết Mai nằm mơ, một giấc mơ khủng khiếp. Ngồi một lúc cho định thần, cô mở điện thoại nhìn, đã gần năm giờ, mơ mơ sáng. Dưới đường đã lao xao tiếng người và tiếng xe cộ. Tuyết Mai với tay bật công tắc đèn. Điện mất. Cô lò dò xuống từng bậc cầu thang. Có tiếng ai đó kêu lên, nhà tui nước ngập hết giường rồi. Tiền sảnh nhà khách chật kín người, trẻ con, người già.

Thủy điện vẫn đang xả lũ. Trời dày mây và vẫn tiếp tục mưa. Hình như có tiếng trực thăng. Đúng rồi! Một chiếc trực thăng đang bay lên, màu trắng của nó hiện rõ trên nền trời đầy mây màu xám. Dõi theo chiếc trực thăng cô chỉ thấy hiện lên dãy núi Lũng Xài. Cả vùng Lũng Xài đang mờ mịt. Pù Phỉ, Hỏng Phỉ cũng mờ mịt trong mưa.

Đám người phía trên rục rịch chuyển động. Một chiếc xe màu cỏ nổ máy. Tuyết Mai chạy vội lên phòng vơ hành lý lao xuống. Cô phải theo bộ đội vào thôi. Một anh bộ đội ngăn lại, chị đừng vào, nguy hiểm. Không! Em phải vào, cho em vào với.

Xe qua cầu. Nước sông vẫn đang gầm réo. Hết đoạn đường bằng độ hơn cây số, xe bắt đầu leo dốc. Các rãnh taluy nước dội ào ào. Xe quành quèo tránh từng bãi đá tảng, từng khối bùn đất mới bị trôi xuống. Thế rồi xe phải dừng và cả mấy chiếc máy xúc, máy ủi cũng dừng lại cùng cái gàu gục gặc vẻ tức giận. Một chiếc máy gạt rẽ đường tiến lên… Cứ thế, xe nhích từng đoạn… Gần đến khu tái định cư, một khe núi sâu hoắm hiện ra. Đoạn này trượt hẳn một mảng núi và kéo theo đoạn đường độ gần mười mét… Leo núi đi tắt các đồng chí! Chỉ huy tốp bộ đội ra lệnh dứt khoát. Hình như người chỉ huy cảm nhận được điều gì đó cấp bách, nóng bỏng. Và cả Tuyết Mai nữa. Có điều gì đó đang run rẩy trong cô, đang hối thúc cô.

Và điều đó đã hiện ra trước mắt. Khi Tuyết Mai cùng mấy chục anh bộ đội biên phòng gần như tuồn tuột từ đỉnh ngọn đồi trôi xuống thì… Trời ơi... mái núi đất còn lại cạnh khu tái định cư đã biến dạng. Đất đá từ nó trôi xuống phủ lấp… Rìa đống bùn đất chổng lên mấy cột nhà xiêu xiêu…

Xa phía cuối bãi sót mấy nếp nhà đổ nghiêng và túm tụm những người vẫy gọi cứu giúp. Lại một chiếc trực thăng đáp xuống. Tốp bộ đội ào ra mang theo băng ca. Tuyết Mai nhìn xem trong những người đằng kia có ai đó giống bố. Và, người giống bố kia đang dìu một ông già. Có lẽ bố rồi. Bố còn mẹ sẽ còn; bố còn ông bà cũng sẽ còn… Vừa nghĩ Tuyết Mai cũng đón lấy một chiếc xẻng từ tay anh bộ đội vác đến rồi cùng tốp bộ đội tản rộng quanh mấy nếp nhà bị vùi, hối hả đào.

N.N.L  
(TCSH386/04-2021)



 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Dưới hiên mưa (17/05/2021)
Tranh lập thể (23/03/2021)
Ngọn nến (23/02/2021)
Giao thừa sương (09/02/2021)