Truyện ngắn
Người từ thị trấn đi
09:35 | 26/10/2021

ĐINH PHƯƠNG  

1.
Bác tôi về thị trấn sống vào một ngày cuối tháng tư nóng đến sớm, nóng nung người, những con chó ghẻ thè lè lưỡi uể oải nhìn nhau lúc bác đi qua chẳng buồn sủa. Bác đi tự tin, bác biết nơi mình đang đến - như cuộc đời bác vẫn vậy - luôn luôn biết điều mình cần.

Người từ thị trấn đi
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Phúc em tôi luôn nói bác về vào buổi trưa, quãng mười một rưỡi, tôi thì khác, tôi nghĩ bác về vào quãng chiều, ba bốn giờ gì đó, lúc ấy tôi đang trèo trên cây ổi đầu ngõ, nhấm nháp những búp non chát xít chấm với súp mì tôm.

Tôi nhìn thấy bác mở cổng vào nhà, trên vai khoác bao tải đựng quần áo, sau nữa tôi biết trong ấy chẳng có mấy quần áo mà là album ảnh, hai bức ảnh lính mặc quân phục rằn ri, hai bức ảnh tươi cười viền đen, bát hương, vài cuốn sổ da bìa vàng. Toàn những thứ chẳng ăn được.

“Chị tha lôi bát hương về làm gì? Ngoài này thiếu đâu…”.

Bố tôi nói khi thấy bác lần lượt bày những thứ trong bao ra đất.

Bác về không thư từ đánh tin báo trước. Bố tôi nghĩ bác chết rồi, trên ban thờ còn bức tranh truyền thần của bác đặt cạnh ảnh thờ ông bà nội. Trong tranh tóc bác đen nhánh, mắt to tròn dõi thẳng ra trước, má núm đồng tiền, răng trắng cười tươi. Ngoài đời tóc bác lưa thưa lốm đốm bạc buộc chét nhỏ sau gáy, mắt lờ đờ đục lúc nào cũng như nhìn xuống, má đồi mồi mọc loang lổ nốt bé như đầu tăm, nốt nhỡ đầu đũa, nốt to nhất gần bằng đồng xu, nếp nhăn chằng chịt đuổi nhau ăn từ cằm lên trán, chỉ có răng là vẫn trắng thế, nhìn vào tôi thấy sợ, răng bác không thuộc về hiện tại mà trôi sâu vào quá vãng âm u nào đó. Nên nhìn bác cười tôi và thằng Phúc chẳng dám lại gần, cũng không giống như nhà mỗi lần có dì ở Hải Hưng ra hay cậu ở Hòn Gai về - chúng tôi đều sán lại đòi quà, trong bao buộc sau gác baga xe đạp bao giờ cũng có bắp ngô, vải, nhãn, xoài, củ ấu, hai ba quả trứng ngỗng đã luộc vì ông ngoại tôi nuôi ngỗng, mấy cái bánh mì mỏ hoặc bánh ông sao đầy vừng trên mặt… Ngồi nhìn bác chán, chúng tôi rủ nhau đi bắt bọ xít dán nhựa đường làm xe đua. Từ lúc vào nhà đến khi ra bác không nói với chúng tôi câu nào; bác cũng không nói với bố mẹ tôi đang ngồi đối diện; chén nước chè vàng ệch rót ra không còn bốc khói; ai cũng ngờ ngợ những câu hỏi; ai cũng muốn là người nói sau.

Cho đến sau này mỗi khi gặp người phụ nữ vác bao đội nón tôi đều giật mình nghĩ đến bác. Tôi đều ngờ ngợ trong bao kia là bát hương, ảnh thờ và lỉnh kỉnh những thứ không tên lẫn có tên, có thể gọi ra lẫn không thể gọi của quá khứ…

2.
Căn buồng xưa của ông bà, sau khi ông bà mất chuyển làm kho, giờ dọn dẹp lại để bác ở. Tôi và thằng Phúc được phân công phụ bác dọn đồ vì bố đi làm ca một trong mỏ than, mẹ đợi tàu từ Bắc Giang về lấy hàng chuyển tiếp xuống Hòn Gai chiều muộn mới về, bố mẹ đều bận rộn.

Chăn màn mùa đông đóng trong bao chuyển từ buồng bác sang buồng bố mẹ và buồng hai anh em tôi. Chai lọ xoong nồi hỏng nhét vào bao mang để góc vườn - mẹ dặn trước khi đi: cái gì bán đồng nát được để gọn, cấm sớ rớ. Giường tháo khiêng ra ngoài sân rửa. Bơm Unicef kẽo kẹt liên hồi, tôi bơm, thằng Phúc xách nước từ giếng vào, bác dội, lau. Lau xong giường vào quét mạng nhện, cọ sàn. Hai thằng bở hơi tai, nắng hiên ngang từ đình đầu dội xuống, ước gì có mấy cái kem túi xanh đỏ ăn cho đỡ háo. Một trăm hai cái thôi. Xin bác một nghìn ăn no. Nhưng ai xin? Tôi thì không rồi, thằng Phúc cũng sợ bác. Cái khát nhằng nhẵng bám lấy cổ họng khô khốc. Nhịp bơm của tôi uể oải giảm dần, thằng Phúc bậm bạch bước, xô nước chao bên trái nghiêng bên phải, mắt ngân ngấn, mồ hôi theo quai mũ tai bèo nhỏ tong tong xuống chân.

Mặc, bác vẫn chẳng để ý gì đến hai anh em tôi. Môi bác mím lại, mắt nhìn vào từng hốc xem còn con nhện chân dài nào. Dọn xong bác tất bật ra chợ mua về cái ban thờ gỗ, đèn dầu, nậm rượu, mấy cái chén con, lọ hoa, dăm bông huệ trắng, ba quả cam sành. Bác tự đóng ban thờ vào tường, xong đặt bát hương lên, tôi nhớ lúc ông bà còn sống có cái ban thờ nhỏ, nhưng khi ông bà mất bố đem tất tật lên phòng khách. Lúc rửa cam mới nhớ thiếu đĩa, bác lộn ra chợ lần nữa - tôi và thằng Phúc hy vọng lần ra sau bác sẽ để ý đến ánh mắt chúng tôi, sẽ thấy tôi tay phải bơm nước, tay trái nhoài ra trước bịt vòi, ấn lấy ấn để rồi ngồi thụp xuống uống như chết khát. Nước bơm lên từ giếng không thể nào lạnh bằng nước đá, hai trăm đá pha quất, đường cũng rất tuyệt trong tình cảnh này.

Nhưng bác mua đĩa về, rồi đi thêm lần nữa mua hương, diêm, rượu mà vẫn quên hai thằng cháu ngồi buồn hiu dưới gốc sấu. Sấu xanh có vài quả non chúng tôi đã ăn từ tuần trước, phải tháng nữa mới có thêm đợt quả mới ăn được. Mì tôm còn hai gói để dành bữa trưa, chúng tôi không muốn phung phí vào giờ giấc lỡ cỡ này. Nếu ăn bây giờ khi ngồi trong lớp học bụng sẽ réo òn ọt, đói đúng nghĩa đen, chữ trôi tai này sang tai kia, đầu óc chỉ còn mơ màng thứ nhét vào miệng. Cơm nguội cũng thế, phải ăn đúng lúc, khi đã vét hết mì, nước vẫn còn âm ấm: thả vào, xúc từng muỗng nhỏ, nếu có thêm quả trứng gà nước mì sẽ ngọt hơn, tất nhiên, song: “trứng chứ có phải đá đường tàu đâu mà chúng mày ăn lắm thế”, mẹ phạt chúng tôi nửa tháng nữa không được ăn trứng bởi hai anh em trót xơi mười quả một bữa - số trứng để ăn cả ngày.

“Bác làm sao ấy anh nhỉ!”

“Kẹt xỉ chứ làm sao! Hỏi gì lắm thế?”

Thằng Phúc hỏi, tôi cấm cẳn trả lời, nắng vẫn hầm hập táp lửa xuống. Qua nghe đài dự báo thời tiết đợt nắng nóng còn kéo dài đến giữa tháng năm mới kết thúc, trẻ em và người già chú ý uống đủ nước, hạn chế ra ngoài, nếu ra phải có ô hoặc mũ nón, chọn chỗ mát mẻ nghỉ ngơi, ăn thêm hoa quả… Trong lịch sử miền Bắc chưa bao giờ có đợt nắng nóng nào kéo dài thế. Chúng tôi lờ mờ hiểu mình được tham dự vào lịch sử dù muốn hay không - lịch sử của thời tiết, sẽ có số ít người chết vì nắng nóng, số nhiều người sống quên nó ngay trong mùa hè này vì nắng đâu chỉ có một đợt đơn giản thế. Lịch sử chồng lấp lịch sử; ngày tháng chồng ngày tháng, cuồn cuộn đẩy hiện tại vào sâu trong quá khứ.

Lịch sử thuộc về tất cả mọi người, còn ký ức dành riêng một người.

Việc bác đột ngột về cũng là lịch sử; thứ lịch sử nhỏ của thân phận người sau nhiều năm trôi nổi. Năm 54, bác vào Nam, năm 94 ra Bắc. Bốn mươi năm gia tài vỏn vẹn hai cái ảnh thờ, mớ tóc xác xơ bạc và kỷ niệm mờ nhạt về bố mẹ, anh em nơi đất Bắc. “Không có bất cứ giấc mơ nào trong bốn mươi năm ấy”, bác nói, nắm tay tôi rất lâu, những ngón gầy rút hết thịt chỉ còn nhăn nheo xương xẩu. Bác nằm trên chiếc giường ngày cuối đời bà nội, rồi ông nội nằm - bốn chín ngày bà nội vừa xong đến ông nội đi chẳng trăn trối - vì điều trăn trối luôn luôn được diễn tả bằng lời nói, ánh mắt mấy chục năm: cả hai đều canh cánh về bác, đứa con đầu lưu lạc chẳng rõ sống chết. Vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước ngày nào đã xóa bỏ. Từ khi về thị trấn bác chỉ ước giá được quay lại Sài Gòn một lần, nếu có tiền bắt xe vô Quảng Trị, thắp hương trên những quãng đất trải rộng vô danh hai bên bờ Thạch Hãn. Sông vẫn lững lờ chảy, đò bải hoải qua lại đôi bờ: “Năm bảy hai anh con chết bên sông, không lấy được xác, chẳng biết sau dấp trên bờ, dưới lòng sông hay bom đạn xóa trắng”. Tôi bỗng nhớ lời bố kể một ngày cuối tháng Bảy năm nào, lúc nắng cũng đủ luộc trứng và đun nước - bố đi liên hoan về, mặt đỏ phừng phừng thở toàn hơi rượu, đưa mẹ cân đường hộp sữa, gói mì chính, đưa tôi và thằng Phúc mỗi đứa mấy cái kẹo cam xong bắt ngồi xuống nghe chuyện: “Năm bảy hai đơn vị bố mày xóa phiên hiệu ở những trận đánh giữ thành cuối cùng, quân bổ sung không kịp, liệt sĩ lúc đầu còn đưa ngược qua sông Thạch Hãn về Vĩnh Linh, sau thì vùi xuống xáo lên chẳng kịp chôn, bom đạn xóa trắng…”.

3.
Sắm sửa ban thờ, đồ cúng tế xong bác thắp hương, hết hai đợt hương mới mang vàng mã đi hóa. Vàng mã đốt giữa trưa nắng là vàng mã cho người chết chẳng lấy ra tiêu được. Nhìn bác qua làn khói lờ mờ bốc lên tôi nghĩ bác là người chết rồi. Con chó đen nhà hàng xóm đuổi guồng theo nhúm tàn tro còn dính lửa, vồ mấy lần vẫn hụt. Tôi và thằng Phúc xuống bếp nhóm lửa đun nước nấu mì. Gỗ ẩm, bao nhiêu săm xe đạp châm vào không bén, khói um, khét lẹt. Hôm trước có trận mưa to, bếp dột, bố dặn anh em tôi ở nhà phơi củi mà mải dọn buồng cho bác quên đi, sợ chiều bố đi làm về đánh lại cuống cuồng ôm củi ra sân. Thằng Phúc vừa làm vừa nghiến răng trèo trẹo, lẩm nhẩm…

Hóa vàng xong bác vào buồng ngồi nhìn trân trân hai bức ảnh trên bàn thờ rồi nhìn ra ngoài, như chờ đợi...

Hai người trong bức ảnh vẫn ôm súng cười, họ trẻ mãi, chỉ có bác tôi già đi theo năm tháng. Hai người trong ảnh: một người chết ở Quảng Trị; người còn lại mất tích giữa tháng Tư, ở Xuân Lộc, cánh cửa thép phía Đông Sài Gòn. Bác hy vọng bác trai còn sống, sang nước Mỹ xa xôi rồi sẽ về đón cùng đi. Vì điều đó bác đã đợi ở Sài Gòn thêm gần hai mươi năm mới quay ngược ra Bắc.

Bác khư khư ôm quá khứ sống như con nhện ôm bọc trứng.

Tối qua thức muộn nghe đọc truyện đêm khuya tôi biết bố to tiếng với bác.

“Chị cất kĩ mấy cái ảnh đi, người ngoài nhìn vào chướng lắm.”

“Người ngoài hay chú?”

Bác gằn từng tiếng. Lạ, bao nhiêu năm sống trong Nam mà bác vẫn giữ giọng Bắc. Tôi chờ đợi sự tức giận sôi sục trào lên nơi bố. Chiều, trong bữa cơm sum họp, khi thằng Phúc hỏi hai người trong ảnh cầm súng gì lạ thế. Bố tợp nốt ngụm rượu trong chén hoa hồng, mở chai rót chén nữa đặt xuống mâm, gắp miếng đầu gà, khoan khoái trả lời: “M116 của… ngụy”. Nghe chữ “ngụy” bác giật mình, mặt tái dại buông đũa, nhìn ngơ ngác ra ngoài. Mặt trời xuống từ lâu, trăng lên cao rồi mà sao vẫn oi thế. Hai cái quạt con cóc è è chạy chỉ phả thêm hơi nóng. Bát cơm vừa chan bỏ mứa, bác như một giáo dân đột ngột bị rút phép thông công về thứ tội lỗi không thuộc về mình…

“Chị ăn thêm đi”, mẹ giục, bác lắc đầu. Tôi và thằng Phúc khoan khoái nhìn đĩa thịt gà, giá có thêm gấp ba chỗ ấy hai anh em cũng đánh bay. Lâu rồi tôi mới thấy bố uống nhiều thế. Bố là người chiến thắng. Có thể bố vui và hả hê khi gặp bác…

Năm 54 bác vào Nam bố còn chưa thôi nôi, tính ra bố chỉ hơn con trai bác một hai tuổi là cùng. Bác lấy chồng khi chưa tròn mười tám, con trai bác chưa tròn mười tám đi lính, bố tôi cũng đi lính khi mới mười bảy.

Khi bước vào nhà bố có nhận ra bác ngay không?

Bức tranh truyền thần trên ban thờ và người thật chẳng mấy giống nhau. Sợi dây máu mủ ruột già níu qua cuộc chiến đứt làm mấy đoạn? Bố và bác nối lại thế nào? Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện người lớn, mà nắng thì vẫn thế, miền Bắc năm nào cũng nắng, miền Nam nắng quanh năm. Bác quanh quẩn xa lạ trong căn nhà ấu thơ với khoảng trời quá vãn của mình. Bác đợi bố trả lời.

Bố tôi vẫn im lặng. Im lặng chuẩn bị như khi ông cùng đồng đội chuẩn bị đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột một đêm mưa rả rích giữa tháng ba 75. Ông vẫn tiếc đoàn quân tiến chậm quá, khi ông vào đến nơi Sài Gòn đã giải phóng. Xe tăng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập; cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tung bay. Ông hân hoan đi tìm bạn thân: Nguyễn Văn Ninh, nguyên quán: Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh; được biết: hy sinh ngày 12 tháng 4 năm 1975, tại Xuân Lộc; lúc ấy: không tìm thấy xác; sau này: ai hay biết phần mộ liệt sĩ ở đâu xin báo về… Cả thị trấn có năm đứa nhập ngũ cùng ngày, hai chết ở cánh đồng Chum, một Tây Ninh, một Xuân Lộc, rải rác từ 71 đến 75. Tháng Tư nào bố cũng lai chúng tôi lên nghĩa trang liệt sĩ huyện thắp hương trước những ngôi mộ gió. Bạt ngàn mộ, trắng đến rợn người… và cả im lặng nữa…

4.
Bố không trả lời câu hỏi của bác, ý của ai, ta hay ngụy thì bố và bác vẫn phải sống cùng nhau dưới một mái nhà; hai bức ảnh vẫn nằm trên ban thờ, chỉ khác ban ngày bác đậy lên tấm vải đen, mờ mờ tối mới kéo ra. Bác cũng xin bố cho bác bức tranh truyền thần chính mình mang xuống dưới buồng - không phải cất đi mà để thờ, bác thờ sống bác cùng chồng con. Bác là người chết rồi. Bác vẫn cười nói đấy nhưng đã là người ở cõi khác. Người quen của bác, người quen chồng con bác khi còn sống cũng thế: chết hết rồi, chỉ còn trong mồ ma ký ức.

Ký ức rất khó diễn tả rõ ràng.

Chỉ có một điều rõ ràng nhất trong những ngày này: tôi, thằng Phúc sợ và ghét bác. Bác ra giếng chúng tôi vào nhà. Bác vào nhà chúng tôi ra giếng. Nói chúng tôi tránh bác, nhưng ngược lại mới đúng, là người chết rồi bác tránh cả nhà chúng tôi lẫn người trong thị trấn. Mò mẫm sống trong căn buồng lúc nào cũng thiếu sáng bởi cửa chính và cửa sổ luôn đóng. Bác cũng hạn chế ra ngoài, bác sợ ánh mắt soi mói, gièm pha của hàng xóm láng giềng; sợ những câu nói như dao cứa vào tâm khảm; sợ người chết rồi chẳng yên.

Tôi để ý răng bác bớt trắng hơn khi mới về thị trấn, nó xỉn đi từng ngày.

Bố tôi cũng quan tâm điều ấy, lúc mẹ và thằng Phúc không có nhà bố gọi tôi vào hỏi “Răng bác mày làm sao ấy nhỉ?”, “Con chẳng biết”. Những điều chúng tôi biết về bác ít quá, chỉ là những cái nổi lên trên bề mặt nhìn thấy, còn tận sâu thì sao. “Nơi tầng đáy chỉ có xương cốt, những con cá voi chết không dạt được vào bờ đành gửi xương nơi đại dương sâu thẳm.” “Mày lẩm bẩm gì như thằng thần kinh thế con?”, giật mình, tôi đang nhẩm lại đoạn truyện đọc tối qua về cá voi, vội nói lảng: “Con để ý tóc bác bạc hết rồi”. Thuốc lào đã nhồi vào nõ, lửa đóm cháy gần hết rồi bố vẫn lặng đi không châm hút. Bác về thị trấn mới chưa đầy một tháng…

5.
Thêm hai tháng nữa ở lì cố thủ trong nhà rồi bác mở hàng bánh gối. Ban đầu bác định ra chợ, nhưng tiền thuê địa điểm đắt quá lại trở ngược về đầu ngõ, giăng bạt nổi lửa, pha mắm trộn nhân, đặt mấy cái ghế nhựa quanh gốc ổi làm quán. Khi nghe tin bác mở hàng bánh mẹ bĩu môi “vẽ chuyện, có mà bán cho ma Tây”, dù trước đó mẹ luôn than phiền, lườm nguýt bác chẳng chịu làm ăn gì, của núi cũng lở. Mẹ còn trách bác mang tiếng đi Nam đi Bắc mấy chục năm về mà các cháu chẳng được gói bánh gói kẹo, các em chẳng được chỉ hào, tấm áo manh quần gì, chỉ ăn sẵn là giỏi. Tôi nghĩ thầm bác có ăn sẵn nhà mình đâu, xoong nồi gạo nước mắm muối tự sắm tự nấu, củi đun cũng mua ngoài chợ. Có hôm bố đi làm ca ba về, mặt mũi đen nhẻm gặp bác ì ạch vác củi, liền dựng phắt xe gắt lên: “Chị làm thế này xấu mặt tôi, hàng xóm biết người ta cười cho, củi chất đầy bếp mà chị phải ra chợ mua còn ra thể thống gì”. Bác đặt bó củi xuống, nhỏ nhẹ: “Tôi ngại cô ấy…”, bố nghe, chẳng nói chẳng rằng hầm hầm vác bó củi đi vào như sợ ai nhìn thấy. Cả hôm ấy, bố loay hoay mua gạch ba banh, mấy tấm fibro xi măng về dựng cho bác cái bếp ở góc vườn, chẻ củi chất đầy bên trong. Bố nói: “Hết củi chị cứ bảo cháu lấy, dây phơi quần áo căng trước cửa buồng rồi”. “Để tôi gửi tiền gạch”, bác dúi tiền vào tay. Bố gạt phắt đi. Mắt bác ngân ngấn nước. Bố đi mấy bước quay lại vu vơ nói: “Em ra công an thị trấn đăng kí tạm trú tạm vắng cho chị rồi, giá kể chị cắt khẩu trong ấy chuyển ra ngoài này luôn, hay chị còn tính đi…”.

Bác mở quán, tức muốn ở lại thị trấn.

Ngày ngày, tôi và thằng Phúc theo lệnh bố ra phụ bác bán hàng. Bóc tỏi, gọt cà rốt làm nước chấm, cắt miến, mộc nhĩ, bóc trứng cút luộc làm nhân, rửa bát, thu tiền khi khách ăn xong. Ban đầu, mẹ cũng lườm nguýt việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng, nhưng sau thấy chúng tôi phụ bán hàng bớt lêu lổng đánh đấm, ngoan, dễ bảo hơn, cơm cháo buổi chiều không còn phải hò hét thét lác nấu nướng, buổi trưa ăn cùng bác nên chẳng ý kiến gì thêm. Từ bánh gối bác làm thêm bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô. Công việc tôi và thằng Phúc tăng thêm: gọt khoai, bóc vỏ chuối, nạo ngô. Quán quen, giá rẻ chỉ ba trăm một cái, khách biết tiếng kéo đến ngày một đông, nhiều hôm chẳng còn chỗ, người đến sau phải mua về. Chúng tôi không còn sợ bác nữa, bánh bác cho ăn thả cửa, thỉnh thoảng sẵn dầu bác mua gà về rán tẩm bổ cho cả nhà. Và cứ dăm bữa nửa tháng, bác lại cho hai thằng theo cùng ra chợ mua quần áo, đồ dùng học tập, đồ chơi xanh đỏ. Đến mức bố tôi mang bánh mì mỏ, mấy hộp sữa đặc ăn ca sang gặp thằng Phúc đang thử áo mới hình vịt Donald cáu: “Chị bán thế lời lãi mấy mà suốt ngày mua sắm cho chúng nó”, “Tôi trả công hai đứa đấy chứ”, “Công xá gì, chiều nó hư đi”. Tối trước khi ngủ, bố gọi hai đứa tỉ tê, bác một thân một mình khổ hai đứa phải thương, bác có dẫn ra chợ mua đồ cũng chọn thứ rẻ thôi, phải lấy cho bác vui, nhưng lấy sao cho khéo…

Tôi khéo gợi bác kể những chuyện xưa trong Sài Gòn những lúc vắng khách và chưa đến giờ đi học. Nhìn mắt tôi, bác bảo cháu giữ ký ức hộ bác, sợ sau này già lẫn cẫn quên kể lại bác nghe. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng tư năm 54, bác không tự nguyện vào Nam mà bị bắt đi. Hôm ấy, bác trốn ông bà từ bến Đụn qua sông Đá Bạc sang Thủy Nguyên, Hải Phòng chơi với bạn. Chơi chán, ăn bánh đa cua ở chợ Giá xong rủ nhau sang đền cạnh chợ ngồi nghỉ đợi vãn nắng rồi về. Ai ngờ có toán lính Pháp xì xồ ập vào, súng ống lăm lăm đẩy tất cả lên xe tải. Chúng bắt cả người bên chợ, bỏ hàng giằng ra nhảy xuống sông hoặc chạy ngược vào núi thì thoát, tiếc của chậm chân là bị ủn đi. “Giá lúc ấy cứ liều chạy thì thoát, súng để dọa chẳng bắn ai.” Bác cứ tiếc điều ấy mãi, tiếc đã không liều. Cho đến khi say sóng giữa biển Đông, ngập ngừng giữa những cơn nôn ọe mật xanh mật vàng, nước mắt chảy mặn chát bác vẫn tiếc. Khi đặt chân lên đất Sài Gòn, chếnh choáng say đất bác cũng tiếc. Giữa những người có đức tin bác không có đức tin. Giữa nhiều lớp người có Chúa bác không có Chúa. Bác chẳng chuẩn bị gì cho chuyến đi, hành lí tiền bạc không, người bạn gái bị bắt cùng lạc nhau khi vừa xuống tàu, ngay cả một lời nhắn cho bố mẹ ở quê cũng đành xa ngái. Sau này, khi bác và bố mẹ mất rồi tôi có dịp sang đền Chợ Giá, hỏi, mấy người trông đền bảy tám mươi tuổi bảo chẳng biết chuyện năm 54 lính Pháp bắt người di cư thế nào. Cạnh đền, chợ giáp sông lệch phiên không mở. Tôi đâm ngờ vực, liệu trí nhớ bác có đúng không. Lịch sử của trí nhớ có tin tưởng được? Hay tôi nghe nhầm, không, bác còn kể tên chính xác con tàu đưa bác đi trong đêm từ cảng Hải Phòng: USS Montague của Mỹ.

Những ngày đầu bác sống trong trại Hà Nội, do Chính phủ Quốc gia lập cho người di cư Bắc ở tạm trước khi chia đi định cư các nơi. Cũng tại đây bác gặp bác trai, một trong hai người cười trên bàn thờ kia, tên Lê Xuân Giang, quê mạn ngược Hà Giang, mồ côi từ nhỏ, được một giám mục người Huế đi truyền đạo nhận nuôi, sau ông về Hưng Yên cho về cùng ăn học. Năm 51, giám mục nhận lệnh vào Nam cai quản giáo hạt Bạc Liêu, năm 54 nhờ người nhắn ra bảo vào cùng; vừa xuống tàu nhận thư viết cứ vào trại Hà Nội ở, liên lạc sau để cha con gặp nhau.

Rồi những đoàn di cư lần lượt chia đi Gia Kiệm, Đà Lạt, Cái Sắn, Xuân Lộc, Biên Hòa…, bác định cư tại chỗ, tổ chức đám cưới với khách mời là hàng xóm cùng ngõ, nhờ số tiền mừng của người cha giám mục mở hàng tạp hóa nhỏ. Trại Hà Nội lúc này hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình chuyển thành ấp Hàng Dầu, nhưng chẳng mấy người gọi theo tên ấp gợi nhớ Hà Nội thế, người ta hay gọi là khu Ông Tạ: một thầy thuốc quê Mỹ Tho - Tiền Giang. Trong ấp có hai xứ đạo lớn là Nam Thái và An Lạc nhưng bác không theo, bác trai biết hoàn cảnh không ép, con trai bác tên Lê Xuân Bắc, theo mẹ, bên lương.

6.
“Sao bao nhiêu năm bác không nhắn gì về cho ông bà?”

Tôi định hỏi bác câu ấy bao lần mà không dám hỏi. Bác cũng không nói, tuồng như sợ, mà cũng tuồng như ân hận. Ông bà giờ nằm cạnh nhau trong nghĩa địa thị trấn, năm vài ba lần dọn cỏ vào dịp tết nhất, giỗ chạp. Giờ bác đã về, ông bà chẳng còn gì để mong ngóng, mà người chết rồi thì còn mong ngóng được ai. Bác cũng là người sống mà như chết. Lần cuối tôi gặp răng bác xỉn hết, khác xa với lần về vào cuối tháng tư. Bác run run nói về giám mục, cha nuôi chồng mình: cuối năm 63, khi anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết sau đảo chính thì người cha nuôi cũng đồng thời biến mất không một dấu vết lẫn liên lạc về sau. Bác cùng chồng tìm đến giáo hạt Bạc Liêu, đến nhà thờ nơi ông ở, hỏi, người ta bảo đây chẳng có giám mục nào tên thế, người Huế càng không. Thậm chí còn mang danh sách giám mục giáo hạt từ khi mới thành lập đến nay ra cho hai người xem, rất hồ hởi dễ chịu, và cả nguy hiểm nữa.

Hai người ra xe về trong những ước đoán... Không có vị giám mục nào thế, trí nhớ hai người sai?

Hai người nơm nớp sống, mỗi ánh mắt nhìn, mỗi câu hỏi, mỗi người ra vào tiệm tạp hóa đều gieo rắc những nghi ngờ. Có hay không một người cha giám mục từng hiện hữu trên cõi đời này? Nhiều lúc, bác nghi ngờ chính mình lẫn chồng con. Liệu hiện thực đang diễn ra có đúng hiện thực bình thường, không phải trong một bộ phim, một giấc mơ. Chồng con có đúng chồng con mình, họ không diễn hay lừa phỉnh. Và quan trọng nhất mình có đang là mình, chứ không phải loài ốc mượn hồn vỏ một đằng, thân một nẻo.

7.
Các câu hỏi của mình - bác phải tự trả lời lấy, không ai làm thay được.

Còn tôi và thằng Phúc lần lượt nối nhau bỏ thị trấn đi. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ cũng chỉ là nhớ những ký ức cũ đã chết, thứ ký ức chẳng giúp gì được nơi thành phố chộn rộn. Thỉnh thoảng có về cũng chỉ cho có rồi vội vã tất tả đi ngay. Bác đọc được trong mắt anh em tôi điều ấy. Tôi biết bác không trách, biết bác còn hy vọng lắm nơi tôi, người giữ ký ức cho bác. Nhưng để làm gì bác ơi, mấy chục năm qua rồi, bố tôi cũng chẳng cằn nhằn bác thờ hai tấm ảnh người lính phía bên kia trong nhà. Tôi biết, thi thoảng tối ông vẫn xuống thắp hương cho họ, rồi ngồi cùng bác trên chiếc giường năm xưa ông bà đã nằm, nhìn ra sân, nói chuyện bằng im lặng. Chỉ có bức tranh truyền thần bác thờ chính mình là bố nổi cáu. Ông lấy xuống mang ra sân đốt, nhờ thợ chụp ảnh vào chụp cho bác bức ảnh mới mặc áo dài xanh. “Ảnh thờ nó phải đàng hoàng, mày thấy tao nói đúng không”, bố nói khi hai bố con cùng nhau cạn chén, rượu nếp cái hoa vàng thơm lựng, bác tự tay ngâm cho bố. “Chú cứ vẽ, mà mả mẹ cái thằng chụp ảnh, nó cứ bắt tôi đánh phấn ngứa ngứa là”, bố cười, bác cũng cười, mẹ tôi gắp miếng thịt lườn vào bát bác. Tôi giật mình, bán hàng bao năm giờ bác cũng biết nói bậy, cũng đèo xíu, cũng buôn chuyện nhà nọ, nói xấu nhà kia. Bác vui vẻ, hoạt bát hơn trong nhịp quay vòng đến cái chết của thời gian.

Đêm ấy ngủ với bác, tôi nói ý nghĩ của mình cho bác nghe, với tôi bác chết rồi.

Bác cười, bảo đúng là lúc mới đầu ở Sài Gòn ra bác tính tự tử ngay, nhưng rồi lần lữa lại thôi. Bác cứ thế sống, sống để thấy Chúa lần thứ ba dù không theo đạo. Lần thấy Chúa đầu tiên vào sáng một ngày tháng tư năm 54, sau một đêm say sóng, ra boong tàu nhìn ngược về đất Bắc bác thấy Chúa hiện lên ở cuối đường chân trời, khuôn mặt băn khoăn trách móc. Lần thứ hai vào chiều một ngày cuối tháng tư năm 76, ở cảng Sài Gòn, Chúa ngay trước mặt, là là trên nước. Chúa im lặng. Chúa nhìn bác rồi nhìn ra phía biển, mặt trời đỏ ối, nắng cũng đỏ. Bác sợ, tức thở, cuống cuồng dụi mắt, nhìn lại Chúa đã biến mất. Bác không biết Chúa có thật hay không?

Tôi cũng không biết Chúa có thật hay không?

Lần thứ ba hiện lên với bác Chúa như thế nào…

Đ.P  
(TCSH391/09-2021)



 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Hoa cúc trắng (20/10/2021)
Vòm xanh nõn lá (14/10/2021)
Khế (08/10/2021)
Ngày tốt (16/09/2021)
Mưa xanh (27/08/2021)