DƯƠNG GIAO LINH
Đêm nay trời có mưa?
Giao ngước mắt nhìn những ngôi sao đang thi nhau lấp lánh trên khoảng trời đen sẫm. Chỉ có góc này Giao mới nhìn được những ngôi sao đêm. Tiếng ai huýt gió vọng vào tai nghe u lạnh. Lại một đêm nữa Giao không ngủ…
Chinh lên đây vào mùa sim năm trước. Nhìn ngôi trường dựng trên mỏm đồi bạt chênh vênh chỉ chực mượn cơn gió ùa vào để đổ. Đường đi lên là những viên đá kê cập kênh, lâu dần cát sỏi lấp, thành lối đi mòn những đôi dép của mấy đứa học trò. “Trường Tiểu học và Trung học Phặt Chỉ”. Chỉ có mỗi cái cổng trường dựng bằng tấm gỗ ấy mà Giao phải chạy đi nhờ bộ đội mới dựng được cho thật chắc. Chứ sức mấy cô giáo cắm bản thì dựng hôm trước, hôm sau mưa, gió to là cổng trường đổ.
Mấy đứa trẻ mới vào lớp một lên đến nơi, nhìn cổng trường đổ lại thi nhau cười. Đua nhau chạy về:
- Không có trường nữa. Được nghỉ rồi!
Quỳnh huơ thước kẻ:
Cổng trường bị đổ là do gió hôm qua to quá, các cô cố ôm mà không được. Các em không được cười. Vào lớp!
Lũ trẻ đuổi nhau vào lớp.
Lớp được dựng lên bằng những tấm ván ghép lại, mái lợp bằng những tấm fibro xi măng xỉn màu, thủng lỗ chỗ. Trời nắng mặt trời rọi từ trên xuống, soi vào sách cô giáo, rọi vào mái tóc râu ngô thành màu đồng ánh, chải gãy răng lược mà không hết rối.
*
Đêm không mưa.
Khi chưa lên đây Giao thích mưa đêm. Nằm ôm chiếc gối bông mềm nghe mưa lộp bộp trên những tàu lá sau hè. Mấy năm dạy học Giao lại sợ. Mưa miền này lạ lắm. Cứ sầm sập. Rào rào. Sợ nhất là lúc trời bắt đầu mưa. Những cành cây như muôn ngàn cánh tay khào khào vào không trung, như vồ lấy, tóm lấy bất cứ một cái bóng người nhỏ bé, lọt thỏm giữa những khe nhỏ xíu vừa bằng một lối chân con gái. Rồi mưa. Mưa như dội thẳng vào cây, ào ạt, sầm sập. Nước từ trên những vách đá cao đổ xuống. Cứ hình dung đi qua những cái thác như thế vào lúc trời mưa là rùng mình. “Ở lâu mà vẫn chưa quen được với mưa rừng à?” Tiếng chị Thanh lọt qua ô vuông trên bức tường vôi tróc lở, nghe cảm nhận được cả nỗi cô đơn đè nặng.
Chị Thanh tết năm nay là được mười ba năm, bốn tháng, mười hai ngày làm cô giáo cắm bản. Ngày mới lên, nhìn đôi mắt đen láy, phong thái nhanh nhẹn của chị, Giao có niềm tin vào quyết định lên vùng cao dạy học của mình.
Chỉ mấy năm thôi rồi Giao sẽ về lại thị xã, dạy trong ngôi trường khang trang. Giao sẽ làm đám cưới với Chinh khi đã chính thức vào biên chế. Mẹ Chinh sẽ không còn chê Giao “thất nghiệp”.
Tốt nghiệp trường đại học sư phạm, ước mơ được đứng trên bục giảng là mơ ước lớn nhất của mấy đứa sinh viên mới ra trường. Nhưng để có một suất biên chế trong thời buổi này là vô cùng khó khăn. Giao đồng ý về với miền núi, mặc những lời lầm bầm của Chinh khi tiễn người yêu về bản nghèo nhất huyện miền núi, cách xa thị xã hàng trăm ki lô mét: “Rồi em sẽ phải quay về…”.
Vậy mà… Đã ba năm. Ba lứa học trò nhớ tên cô giáo Giao có gương mặt lành như con cún con. Mỗi năm chia tay cô giáo chúng lại tặng cho cô một bó to, đủ thứ hoa rừng.
*
Lần này Chinh chỉ ở lại một đêm. Quỳnh ý tứ mang quần áo đi tắm rồi ngủ luôn phòng bên, nhường phòng cho đôi bạn trẻ. Chinh bảo không ngủ lại đây được. Vì không quen thiếu ánh điện sáng. Xuống thị trấn thuê một phòng trọ cho mát mẻ. Giao chần chừ. Chinh nhìn chiếc áo sơ mi cài cúc từ hõm cổ của Giao. Rồi lại nhìn lên cái mắc áo đóng trên bức tường dán đầy báo cũ. Mấy chiếc áo sơ mi màu sắc bợt bạt. Chinh đứng dậy, đội chiếc mũ lưỡi trai lên đầu, hai tay phủi phủi bụi bám vào chiếc áo sơ mi kẻ ca rô. Nhìn qua chiếc gương bằng tấm kính cắt vuông gắn trên bức tường cạnh những bông hoa rừng ép khô.
- Hoa ai tặng em à?
- Hoa của học trò!
Chinh đưa tay bấu vào cánh hoa khô, cứng như nhựa tán. Những cánh hoa rơi xuống mũi giày đen, giòn gãy vụn.
Gương mặt Giao xanh nhợt, loáng thoáng trên tấm gương theo ánh sáng của mặt trời chiều rọi qua mấy ô trống của viên gạch bỏ không trên tường.
- Thay áo rồi đi!
Giao lục trong đáy chiếc hòm gỗ thay một chiếc áo sơ mi khoét cổ màu trắng. Lũi cũi đi đằng sau Chinh. Ra đến cửa còn nghe thấy tiếng Quỳnh và mấy chị thủ thỉ: “Lên mãi tận thị trấn giờ này chỉ để ngủ. Lãng mạn thế!” Những tiếng thở dài rơi, phả lên những đôi vai trần nóng rẫy.
*
Xe xuống thị trấn chở cả người, cả lợn. Người ngồi trên ghế xe chệu chã chỉ chực bị hất văng xuống. Chinh bám vào thành xe, lẩm bẩm nói câu gì tục tĩu trong cổ họng. Giao nghe nhưng không để tâm.
Đêm thị trấn chùng chình mây ngoài cửa kính. Căn phòng trọ thơm nưng nức mùi gỗ trầm. Mùi gỗ dễ khiến người ta trôi vào cảm giác bình yên và ru dỗ giấc ngủ an lành. Khác với mùi ẩm mốc của những tờ báo cũ, mùi hăng hắc của cây cỏ, mùi nồng nặc của mấy thứ phấn son Quỳnh hay cầm về từ những phiên chợ.
Giao áp mặt lên ngực Chinh. Mát như đá sau mưa!
- Em bỏ việc về thì chúng mình mới có tương lai.
- Chắc năm sau có người lên thay, là em được về.
- Bao giờ? Đã ba năm còn gì. Anh cũng không chờ lâu hơn được nữa đâu.
- Cho em thêm thời gian. Rồi em sẽ về.
- Lương giáo viên ba cọc ba đồng mà sao em cứ bám mãi cái xứ khỉ ho cò gáy này làm gì. Anh không hiểu nổi.
Câu nói của Chinh khiến Giao câm lặng. Nước mắt lặng lẽ rơi trên đôi gò má khô khốc. Chinh quay người. Giao áp mặt mình vào tấm lưng rắn chắc, nồng nồng mùi nước hoa kenzo. Bàn tay miết trên da thịt khét nặng mùi mồ hôi, chạm đến từng thớ thịt. Giao ôm khuôn mặt Chinh, ấp vào ngực. Đôi môi ẩm ướt lướt lên đôi môi khô, lên mắt... Những cái chạm khẽ run rẩy.
Đêm thị trấn đầy sương ẩm ướt và mê hoặc. Tiếng Giao chìm trong tối thẫm:
- Cho em thêm thời gian…
- Em cứ suy nghĩ cho kĩ. Về mới có tương lai!
-…
Ngày mới ra trường, Giao được thử thách lên bản xa nhất huyện miền núi này. Theo kế hoạch thì sau ba năm thử thách Giao sẽ được về dưới xuôi, được chọn một trường phù hợp. Ba năm nhanh lắm, mẹ động viên thế. Và cũng chẳng là gì với nhiệt huyết của một cô gái trẻ. Giao tình nguyện ấp ủ giấc mơ gieo chữ nơi vùng cao. Và cả cho giấc mơ được đứng trên bục giảng, làm một cô giáo. Thế. Có gì sai?
Hôm sau mặt trời vừa lên, Chinh về vội vã trước cơn mưa rừng. Không nhìn Giao và cũng chẳng nói thêm câu gì.
Giao nhìn theo chiếc xe hút về phía con đường rậm rì cây. Hắt lại chỉ là những mịt mù bụi đỏ.
*
Ở dãy trọ nơi điểm trường này đâu chỉ riêng Giao mong về xuôi. Chị Thanh, Quỳnh, chị Liễu… Chị Liễu lấy chồng ở bản. Chị Thanh để tuổi xuân qua đi vùn vụt. Những đêm buồn chị vẫn hát “Tóc gió thôi bay”. Nghe buồn não ruột. Còn những đứa đang tuổi yêu mà vẫn phải kìm lòng như Quỳnh. Đêm nghe tiếng mèo hoang gọi bạn tình, thấy mình chẳng bằng con mèo hoang. Niềm vui chỉ là nhìn lũ học trò đuổi nhau lên lớp mỗi sáng, đuổi nhau về nhà mỗi chiều. Bóng chúng nhỏ, tròn như những cuộn len lăn trên con đường dài ngoằn như sợi chỉ. Có khi khuất vào đá, chỉ còn như những bông may.
Ở điểm trường không có thầy giáo. Muốn tìm bóng con trai để mà có người nhìn màu son môi mới mua cũng khó. Cả trường chỉ có Phi được coi là đàn ông. Phi nhiều tuổi nhất trường. Nhà Phi nằm cách trường gần năm ki lô mét đường rừng. Phi đi học để làm y tá của bản. Cậu học trò hơn cô giáo tuổi có đôi mắt thăm thẳm sâu, đôi lông mày rậm đen. Giọng nói cứ ồ ồ như thác nước từ cao dội vào lòng đá. Lần đầu nhìn vào gương mặt ấy Giao chỉ thấy sợ. Sợ đôi mắt con trai sâu thẳm buồn, lại là cán bộ của bản. Ánh mắt ấy nhìn cô giáo như có trăm nghìn câu muốn hỏi mà lại lặng thinh, khi đôi mắt của Giao bắt gặp, khi ánh mắt lấp lánh của Quỳnh dõi theo. Không biết đôi mắt ấy nghĩ gì?
Mỗi lần lên trường Phi đều mang cho các cô giáo rau, ngô. Có khi là cá bắt được ngoài suối. Các chị mỗi lần thấy Phi lại gọi Giao đến. Giao chỉ cười. Nhìn cậu học trò không biết nên gọi bằng gì cho phải. Đành gọi Phi, xưng Giao. Quỳnh không vui khi các cô giáo trêu Giao với Phi. Giao biết.
Mùa mưa đến. Đường lên trường chẳng khác nào đám ruộng cày dở. Ra suối khuân đá về, những hòn cuội nhẵn bóng nằm ngổn ngang.
“Ngày mới lên, tao chỉ nhìn những viên cuội này mà lấy động lực. Chúng cứ cần cù nằm yên dưới lòng suối trong veo”. Giọng chị Thanh xen trong hơi thở dồn.
Quần xắn cao quá đầu gối, ve tay áo xếp đá vào chậu khênh lên lát đường. Đá được xếp bằng mỗi bước chân của học sinh. Phi đi mượn xe thồ khuân đá lên dải đường giúp cô giáo. Đôi chân Phi chắc, tay khỏe. Vài chuyến là con đường như đám ruộng cày dở đã được dải đá khiến học trò thích thú. Vừa đi vừa học đếm. Một. Hai. Ba… Một trăm… Một trăm lẻ bảy… Giao nhìn những bước chân chênh vênh trên đá vừa buồn cười lại vừa thương. Chẳng để ý đến đôi mắt sâu thăm thẳm trong màn mưa dày đặc của Phi đang nhìn mình.
Chị Liễu lay vai:
- Kìa. Học trò chờ cô Giao mở lời mời cơm tối đấy!
Giao quay nhìn xuống chỉ thấy tấm lưng to bè ướt đẫm. Gió quệt ngang mặt mà lòng cứ như lửa xém.
Chị Liễu níu tay:
- Đi họp nghe thầy hiệu trưởng bảo, năm nay cũng chẳng có điều chỉnh giáo viên. Quân số giáo viên cắm bản vẫn như cũ.
- Thế bao giờ em mới được về?
-…
Tiếng chị thở dài. Gương mặt đanh lại:
- Thế người yêu nói sao?
- Anh ấy bảo em được về thì cưới. Còn không… Bọn em ai đi đường nấy.
- Thế có định bỏ việc không?
-…
Mấy cọng tóc mái lòa xòa trước mặt. Tiếng gió rít qua kẽ khe cửa lành lạnh nơi hõm cổ. Bên kia tiếng học sinh vẫn đang đọc bài theo cô giáo. Giọng Quỳnh lảnh lót, thi thoảng ngưng lại vì tiếng ho khan. Đã nhắc Quỳnh nghỉ dạy lên bệnh viện huyện lấy thuốc uống cho dứt hẳn. Mưa quá.
*
Giao chạy ra ngoài dốc. Dốc ngược lên tận núi. Gió thốc vào mặt. Tóc mắc vào những cành cây lòa xòa. Dưới kia, những ngôi nhà nằm lọt giữa đại ngàn xanh. Đường ra khỏi bản nhìn rõ từng hòn đá chắn lối, vực sâu hun hút, lấp lá cây rừng. Khói từ đâu vảng vất, là là trên những cánh hoa Mua. Giao đặt tay lên ngực. Chậm nghe tiếng thở mình rất lạ. Cảm nhận những đổi thay bằng sự nhạy cảm rất đàn bà.
Thương bước chân những đứa trẻ tới trường trên những hòn đá cập kênh. Thương mình cứ quẩn quanh với những mong mỏi mà không thể thoát ra cho được.
*
Đêm có mưa không?
Mưa!
Từng hạt gõ vào mái tôn khu tập thể nữ lộp độp. Tiếng côn trùng rỉ rả đằng sau giờ cũng im bặt. Tất cả không gian chỉ còn là tiếng mưa thi nhau ướt. Tiếng cành cây khua gió lạo xạo. Chỉ hình dung ra trăm ngàn cánh tay quờ quạng. Mưa rừng bí ẩn và đầy cám dỗ. Không kìm chân được là sẽ chạy ra ngoài ấy ngay. Để mưa táp lên thân thể con gái nóng rẫy, tắm mát những mảng da cứ đang dần khô héo đi. Cây lâu ngày không có nước cùng héo dần mà chết. Cứ tắm gội đi. Ào ạt. Sáng mai cây cối lại non xanh. Hoa lại bật cánh, thơm hơn môi con gái.
Giao trở mình. Mở mắt. Bàn tay Quỳnh siết nhẹ, hơi thở âm ẩm thấm qua từng sợi tóc sau gáy. Con gái vào yêu nghe mưa đêm thèm tắm.
- Mùi yêu thế nào hả Giao?
Giọng Quỳnh chơi vơi như người mộng du trong đêm. Giao nằm im. Mắt mơ hồ về thị trấn đêm chùng chình sương. Mùi gỗ trầm. Quỳnh chưa yêu. Quỳnh lên điểm trường sau Giao một năm. Lần đầu gặp Quỳnh, Giao đã nghĩ một đứa con gái gầy mảnh khảnh chưa nổi bốn mươi lăm ki lô gam kia liệu có trụ được những khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa này một năm. Vậy mà đã hai năm. Hai năm hai đứa con gái vui, buồn có nhau. Bao mùa mưa đi qua cùng nhau vượt mấy ki lô mét đường rừng vào từng nhà vận động trẻ đến trường. Mùa lạnh tê tái lội suối về trung tâm học thêm chuyên môn. Trăm cái thiếu, chỉ sợ thiếu tình người. Cái tình với con gái vào yêu cũng thật lạ. Xa lắm. Chơi vơi như ánh trăng vùng biên viễn.
Mưa nhỏ từng giọt. Tiếng thở của Giao lẫn vào trăm tiếng côn trùng rỉ rả:
- Như mùi gỗ trầm ấy…
Quỳnh buông tay khỏi người Giao. Môi mấp máy: “Mùi gỗ trầm”. Tiếng thở tan cùng màn đêm lặng ngắt. Cơn mưa cũng dần tạnh. Nghe được từng tiếng giọt nước tách, tách rơi xuống những vũng nước đọng.
Hơi thở Chinh cùng mùi hương gỗ trầm ấm dịu cứ như lẩn quất trong gian nhà chật hẹp. Giao nắm bàn tay trái trong lòng bàn tay phải, đặt lên môi mình một cái hôn rất nhẹ. Ngày mai Giao sẽ về?
Tiếng gà đua nhau gáy vọng.
Trời sáng từ khi những tia nắng đầu tiên lách mình ra khỏi những tán lá rậm rì trên núi. Chị Liễu đã vác được một can nước đầy từ suối lên. Những cái đầu lố nhố, lấp lánh trong tia nắng đầu ngày.
- Em chào cô!
- Các em vào lớp!
- Tất cả các em dọn vệ sinh lớp học. Lau thật khô bàn ghế!
Tiếng loạt soạt của giấy vụn, tiếng xé vải xoàng xoạc. Bàn nào cũng bị ẩm sau trận mưa dài. Quỳnh xắn quần tới gối. Tay miết tấm giẻ. Môi bặm vào. “Bao nhiêu lần đề nghị lợp lại cho đỡ dột. Vậy mà thầy hiệu trưởng vẫn bảo chờ kinh phí! Chả biết chờ đến mấy mùa mưa nữa!”
- Chắc hết mưa rồi! Tiếng Giao như gió vút.
Những chiếc bàn được kéo ra tận hiên hong trong nắng. Mùi thơm của gỗ rừng bắt đầu thấm, từng giọt.
Tiếng hát từ lớp chị Thanh vọng sang. Giọng đứa nào cũng như gào lên. Pha vào đó cả tiếng cười giòn như cành khô gãy. Giao đặt tay mình lên ngực. Nghe những nhịp thở dồn dập. Gió sao mà ác. Giao nôn thốc. Chị Liễu vất can xuống nền sân gạch, chạy lại. Nâng mặt lên:
- Mấy tháng rồi, Giao?
*
Chiếc điện thoại nằm trên phiến đá lặng ngắt.
Đôi mắt Giao nhòe đi. Những tiếng thầm thì vọng từ sau cánh cửa gỗ. Đôi mắt Quỳnh hoảng hốt:
- Giao về xuôi đi! Phải về thôi!
Giao xin phép nghỉ về quê thăm nhà. Thầy hiệu trưởng bảo, tự bố trí để thay nhau mà về.
Học trò nhìn cô giáo khoác ba lô thì ngước mắt tròn xoe:
- Cô Giao về dưới xuôi hôm nào lên mang quà cho tụi em nhé!
- Cô Giao về xuôi có lâu không?
Ánh mắt đen sâu thẳm lặng như những giọt nước mưa đêm qua đọng lại trong lòng đá. Chỉ có ánh nhìn là khiến Giao nhói buốt. Phi quay lưng khi bước chân Giao vừa giẫm lên bậc đá thứ mười hai.
Đường về nhà quanh co qua mấy chân núi. Đã thấy màu vàng của lúa hiện ra trước mắt. Một thảm vàng trải dài. Mùi của đồng quê, của những quen thuộc, những ấm áp xa xôi. Là những buổi chiều có Chinh bên cạnh trong quán cà phê du dương nhạc Trịnh. Là những đêm mưa được ngủ vùi trên cánh tay, trong mùi gỗ trầm còn rớt lại trên ngực. Về thôi?
Một dòng áo trắng chạy qua trước mặt. Tiếng nói cười của những cô cậu học trò làm những nghĩ suy tan ra. Những vòng xe quay đều trên con đường phẳng rộng. Giao nhìn theo những bóng áo trắng hút về phía những xanh um tùm của cây cối, chợt thấy trong đó ánh mắt ngơ ngác của đám học trò trên điểm trường. Những bộ quần áo lấm lem bùn đất ngày mưa. Những mái đầu vàng chóe dưới nắng. Những đôi bàn chân trần giẫm trên những hòn đá nhỏ, sảy một chút thôi là trượt xuống vực. Vắng cô là có đứa lại không lên lớp cho mà xem.
Đêm yên bình. Không mưa. Gió nhẹ nhàng. Cái gì cũng lấp lánh. Cà phê quánh đặc. Mùi cà phê giờ cũng khiến Giao lạ lẫm…
Em về hẳn thì chúng mình sẽ làm đám cưới!
- Rồi em sẽ về!
- Em có gì ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy?
-…
- Về mới có tương lai được!
Chinh vuột ra ngoài để một tia sáng lọt vào góc quán. Vương lại mùi gỗ trầm thoang thoảng khiến Giao buồn nôn. Cụp mắt xuống. Chỉ thấy những đớn đau rơi rắc quanh đây, thấm cả vào không khí. Hơi thở cũng ám đặc những tính toan nhặt vụn.
*
Thị trấn hiện ra trong chùng chình sương sớm. Xe chỉ dừng ở đây thôi. Từ đây về trường còn hơn mười lăm ki lô mét đường rừng. Mùi khói đã bắt đầu len lỏi trong từng kẽ lá, nghèn nghẹt. Mùa này ai còn đốt nương chiều? Về gần tới nơi thì chân cũng đã mỏi nhừ. Bóng ai như bóng Phi trước mặt. Cái khổ hiện ra cả dáng đi. Đôi mắt gom cả khói trên nương vừa đốt:
- Cô giáo đưa túi tôi xách cho!
Giao bỏ chiếc túi xách xuống vệ đường. Đôi bàn tay to bè nhấc túi nặng đầy như nhấc mớ rau vừa cắt. Giao theo sau. Mùi hương rừng quện chặt, trong từng lớp áo, trong hơi thở phả lại. Không khí thoáng từng mắt lưới, nâng cơ thể nhẹ nhàng, thoát khỏi những tính toan, hờn trách. Chỉ còn nghe tiếng lá cây quệt vào ống quần ràn rạt.
Về đến điểm trường, trời dần tối. Mắt Quỳnh xa xôi:
- Sao lên sớm thế? Chinh nói sao?
- Phải về xuôi hẳn mới làm đám cưới!
- Bao giờ về?
- Không biết…
Quỳnh ôm Giao chặt trong vòng tay gầy mảnh khảnh. Tiếng nấc trên vai Quỳnh như tiếng đá nứt. Phía bên ngoài những tiếng thở dài lọt vào khe cửa gỗ. Tiếng bước chân giẫm trên đá chắc nịch của người đàn ông cứ nhỏ dần, nhỏ dần.
Đêm kéo đến nhanh và tĩnh.
*
Đêm nay có mưa không?
Gió bắt đầu lùa lạo xạo, nghe cả được tiếng những chiếc lá lìa cành, rơi vào khoảng không, xoáy tít. Lá quất vào lá. Xạc xào. Nát bét. Những cành cây vụn gãy. Văng cả trên mái ngói trong khu tập thể. Những tiếng thở dài của Quỳnh lẫn vào tiếng ù ù của chiếc quạt cũ trên bàn. Trang giáo án vẫn trắng nguyên. Bởi mưa. Bởi sự câm lặng trong căn phòng. “Rồi đứa trẻ sẽ lớn dần lên, sẽ học tại điểm trường này, sẽ làm người của núi rừng này. Là con của những cô giáo trong khu tập thể này. Mày lo gì nhiều?” Quỳnh nắm chặt tay Giao lay. Nhiều khi chỉ muốn một vòng tay con trai đủ rộng, ôm hết những chênh vênh trong lòng mà mang ra suối quẳng đi. Vậy mà…
Đêm đầy huyễn hoặc và cạm bẫy, giăng những nghĩ suy và những hành động đáng sợ nảy sinh trong ý nghĩ. Nhất là trong sự cô đơn đến mỏi mòn. Cả trong nỗi tuyệt vọng và chờ đợi, khao khát.
Tiếng Quỳnh phả mùi âm ẩm của mưa, liêng biêng như người mộng du:
- Mùi yêu thế nào hả Giao?
Giao gỡ tay Quỳnh ra khỏi người. Tiếng mưa vẫn loong toong rơi trên mấy chiếc chậu thau đặt bên ngoài cửa. Những ánh chớp sáng lóa lọt qua những ô vuông phía trên tường. Đôi môi Quỳnh mấp máy như đứa trẻ nhấp những giọt sữa ngọt lành. Giao ngồi dậy, gối đầu lên cánh tay. Tiếng thở đều, ẩm ướt.
Mặt trời tô vàng những mắt lá. Tiếng kẻng trong sân vang lên. Quỳnh chậm rãi bóc một tờ lịch, gắn lên tường.
Học trò quây thành vòng tròn, khoanh tay trước ngực để cô giáo chia kẹo. “Phải ăn ngay, không được để dành mang vào trong lớp kiến cắn. Mai bạn nào tới trường đúng giờ là lại được chia kẹo. Nhớ chưa nào?”
- Vâng ạ!
Giao nhớ những chiếc áo trắng cùng những vòng xe đạp quay vòng trên con đường phẳng rộng. Nhìn lũ học trò mình ăn kẹo chưa kịp bóc vỏ mà nụ cười bỗng buồn như ngày mưa ngồi một mình trên bậc cửa nhớ Chinh. Nỗi đau dày hơn nỗi nhớ. Nhưng trong cái bảng lảng của chiều, nỗi nhớ dần lấn chiếm hết.
Trong từng mái nhà xa và nhỏ tít lẫn vào những tàng mây, tàng cây xanh thẫm kia, có nơi nào cho nỗi cô đơn dừng ngoài cánh cửa, không chen vào mắt người. Không đè lên đôi chân người được nữa?
*
Không thể giấu lâu thêm được. Cả trường đã biết Giao mang bầu. Ai cũng biết cô Giao có người yêu dưới xuôi. Sao không về cưới? Sao không về cưới cho con nó có bố? Những câu hỏi như sợi chỉ mảnh xiết. Giao im lặng. Mấy cô giáo đều im lặng như Giao. Họ hiểu. Nhưng người trong bản thì không hiểu. Họ khó lòng chấp nhận một cô giáo có chửa mà không có chồng dạy chữ cho những đứa con gái của họ.
Giọng thầy hiệu trưởng khê nồng mùi rượu mới cất:
- Hay cô về kết hôn xong rồi lên. Tôi sẽ bố trí giáo viên dạy thay một tuần.
- Tôi về thì không lên nữa.
- Thế sao được! Trường còn đang thiếu giáo viên nhiều lắm cô Giao ạ.
- Vậy thầy cho tôi ở lại.
Bước ra khỏi cửa còn nghe hơi nóng của ánh mắt nhìn đằng sau gáy. Phi đứng đó từ bao giờ. Mắt lặng như giọt nước đọng trong lòng đá xám.
*
Trời tảng sáng.
Học trò đã bắt đầu đuổi nhau lên lớp. Mấy lớp Một đã gần như đông đủ cả. Chỉ có lớp của Giao là học trò vắng nhiều. Chỉ vài đứa mặt lem nhem ngồi vào bàn. Chị Thanh chạy sang:
- Các em có biết vì sao các bạn nghỉ học không?
- Mẹ không cho đi học ạ?
- Tại sao?
-…
- Thưa cô… Mẹ bảo cô Giao là đàn bà hư. Không chồng mà có chửa ạ.
Giao cố đứng vững khi nhìn vào đôi mắt vừa ngây thơ lại vừa sợ sệt của học trò. Phải đứng vững. Nhưng không đứng được nữa rồi. Đôi chân Giao như sắp gãy đôi. Vậy là người bản không còn tin cô giáo cắm bản nữa. Học trò cũng không còn yêu mến cô giáo nữa.
Giao chạy ra ngoài dốc. Dốc ngược lên tận núi. Mây chờn vờn trên đỉnh, chỉ còn trông thấy rõ những đốm đỏ lòe của những chùm hoa nổi bật lên giữa màu trắng xóa. Ôm mặt mà khóc. Dựa vào đá mà run. Trông xuống dưới kia, những mái nhà nằm nép mình trong núi ngủ. Không thể để bọn trẻ nghỉ học thế được! Dốc ngược chân con gái. Không cứng chân là khụy xuống rồi. Đường đến từng mái nhà nhỏ vừa bàn chân con gái. Đất chưa kịp khô. Đá còn chưa kè vững. Mái tóc bật ra khỏi chiếc cặp, phủ kín đôi vai gầy. Trăng không có. Chỉ có gió. Gió cuộn luồng hơi lạnh, thả trên đầu, trên vai áo, trên mái tóc con gái…
- Cô giáo đợi tôi với!
Tiếng Phi lẫn trong gió ngược. Không biết bao nhiêu lần phải vào vận động để bọn trẻ được đến trường. Nhưng lần này thì khác. Giao không biết phải nói thế nào? Phi nhìn vào đôi mắt ấy chỉ thấy nỗi đau đè nặng.
Phi đến từng nhà, nắm tay người già, nói với người đàn ông trong nhà. Rồi cô Giao sẽ là người của bản. Con cô Giao là con của bản. Người bản nhìn chân cô giáo trầy xước gai cỏ gừng, thương cho nắm lá thuốc về băng lại. Đêm ấy Quỳnh khóc…
Mặt trời lên từ lúc sương chưa tan.
Lũ học trò đếm từng viên đá theo mỗi bước chân. Một. Hai. Ba… Mười hai… Giao đón học trò từ những bậc đá chông chênh. Cảm giác như có ai đó đang nhìn mình. Quay lại chỉ thấy tấm lưng to bè đã ướt sũng mồ hôi.
Chị Liễu nhắc:
- Học trò chờ cô Giao mở lời mời cơm hơi lâu đấy!
Giao nói trong hơi thở:
- Chiều mời Phi qua ăn cơm với chúng tôi.
Đôi mắt quay lại mỉm cười khi Giao đã khuất sau cánh cửa lớp học.
Có tiếng thở dài, rơi từng nhịp, từng nhịp xuống bậc thềm nơi căn phòng mưng mức mùi gỗ trầm khép cửa…
Những bước chân chênh vênh trên đá. Mặt trời ló ra từ những mắt lá, những tia nắng như sợi tơi giăng. Đường đến trường dài hơn vạt nắng xuyên từ đỉnh đồi trải xuống thung lũng, lên con đường đến lớp.
D.G.L
(TCSH392/10-2021)