Truyện ngắn
Ngày mồ côi…
09:09 | 20/11/2021

DUY NHIÊN  

Như vừa lội qua một giấc mơ, giấc mơ chắp nối bao thân phận bên đời. Giấc mơ chập chờn nhớ quên lẫn lộn, Như muốn xóa đi gam màu xám và tô lên niềm hy vọng. 

Ngày mồ côi…
Ảnh: Internet

Như vào lớp ở tiết thứ ba. Vẫn những khuôn mặt thân thương mà giờ trong mắt học trò thoáng buồn và chút ngại ngùng, ấp úng căng thẳng. Như ngồi trên nhìn xuống những chiếc bàn sạch sẽ, các em quần áo tinh tươm như buổi đầu tựu trường năm học mới, rồi Như nhìn ra sân trường.

Đang sắp sửa vào đông, không còn nhiều chiếc lá bàng ửng đỏ dưới nắng. Cây sẽ trơ cành cho đến ngày nắng xuân ấp áp nhú mầm, ít ngày xanh chuyển qua đỏ hồng. Cây phượng già còn nở ở cành cao nhất như chút mùa hè quên ngày tháng. Cây phượng này đúng ra nằm ngoài khuôn viên trường, ai đã trồng mà giờ lớn nhất ở ngôi trường này. Như nhớ Hân, cái hình bóng đó với bó hoa còn ứa nhựa cây mang tặng chị em trong tổ. Tặng chị em dĩ nhiên Như hiểu, rằng Hân chỉ muốn tặng bó phượng (mà Như mê mẩn trên cao kia) cho chính mình thôi… Nào ai biết cho đến ngày hai người lộ niềm thân thiết. Sau này Hân thú nhận điều này với các cô, để chính thức gần gũi nhau hơn. Chưa hẹn ngày cưới, song Hân muốn chuyển trường, hai người cùng dạy một chỗ không hay, chuyển thì phải lên miền núi hay đến vùng nghèo khó. Hân nói sau vài năm sẽ được chuyển trở lại thành phố, đó là cách giữ lửa cho tình yêu. Như cũng thấy vậy. Như thích nhớ Hân. Nhớ nhau hơn trong chuỗi ngày giãn cách.

Kế hoạch chuyển trường của Hân bị hoãn vì dịch. Ngày cưới đã ấn định, Như và Hân cũng hoãn nốt. Cưới trong thời điểm dịch bệnh vây quanh ai vui nổi. Cũng không gì vội, hai người hẹn năm sau. Có một ngày Như nghe ai gọi, ra thì được nhận hàng. Hoa phượng và đồ ăn. Hân nhờ người ship tới trong nỗi bất ngờ khó tả của Như. Cảm giác hai người chỉ mới làm quen, cảm giác như lần đầu chớm yêu và rồi Như yêu mãnh liệt. Như ngồi bên cửa sổ nhà trọ như hôm nay ngồi trong lớp nhìn qua cửa sổ này, nắng rất trong.

- Cô ơi, chỗ mình hết dịch rồi sao vẫn hai bạn ngồi một bàn xa như này ạ?

- Cô ơi bạn Thơ bạn Vy bạn Song phải học trường khác rồi hả cô?

Những câu hỏi khiến Như muốn dựng mình dậy chạy khỏi nơi này.

Thoáng trong đầu Như câu hỏi của em nào đó: “Cô ơi thầy Hân không còn dạy mình nữa à?” Đó là ảo tượng trong Như. Không học trò nào biết hỏi câu đó, và Như cũng không muốn nghe nó để rồi rấm rức buồn.

Dịch thì chưa hết, Như biết vậy. Nhà trường học lại, mọi sự vẫn chưa thể bình thường. Sự thật là những chiếc bàn trong ngôi trường này trống hơn; học trò trước kia chụm đầu hỏi bài thì nay với tay chưa chạm nhau. Ở phòng họp giáo viên, cô thầy ngồi xa hơn một khoảng mà vẫn rộng chỗ, người thì vắng do cách ly, người thì…

Có những dư chấn tâm hồn đã qua đi, Như vẫn nghĩ nó mờ dần rồi, và trưa nay ăn xong miếng cơm vội, Như vừa nằm xuống thì có gì ngưa ngứa bên mi mắt. Vậy đó, nước mắt ứa ra mà Như không biết nữa. Rồi cơn nức nở trào lên như bung phá hết cảm xúc… Như bật dậy ra rửa mặt, chạy xe trong chiều cuối thu hoang hoải.

Ngôi nhà của đứa học trò lần đầu Như đến. Hai gian chính và gian bếp nhỏ thông ra vườn; không có ai, Như lòn ra sau.

- Dạ, con chào bác. Con là cô giáo của Di.

Bà ngoại của Di gật đầu, đẩy thêm củi vào cái bếp ngoài trời rồi tay chống gối đứng dậy tới bên giếng rửa tay.

- Mời cô vô nhà, cháu nó đang ngủ.

- Dạ thôi ạ, con ngồi đây nói chuyện cũng được. Nhà con ở quê cũng nấu bếp củi như thế này.

- À… Nhưng mời cô vô nhà uống nước đã.

Như vào ngôi nhà hơi tối do cửa khép. Chiếc giường ở góc, Di nằm trên đó ngủ say.

- Hồi sáng y tá lại đến xét nghiệm cả hai bà cháu. Không sao rồi cô ạ.

Lúc ngoại Di xuống bếp, hai khuôn ảnh trên bàn thờ đập vào mắt Như. Cha mẹ của Di trên đó. Như lẵng lặng đến thắp nhang, thầm khấn sự an lành siêu thoát, chợt nhớ là khuôn mặt của đứa học trò rất giống mẹ.

Như nhớ họ với hai hũ tro cốt bộ đội mang về; hẳn nhiên giống hũ mà Như đã run rẩy sợ chạm đến là cả thân mình tan chảy mất. Dòng tin khủng khiếp trong đời khiến Như chạy ào từ trong nhà ra và sụp xuống.

Như ốm nặng tưởng như đã nhiễm virus. Như nằm mê man, cứ chập chờn thấy Hân ngồi bên đắp khăn, cho uống thuốc. Mà đâu phải. Đâu còn. Như thấy Hân đứng trên lớp với học sinh thân yêu của mình. Ngày đầu trở lại dạy, có em hỏi, hôm ni thầy Hân không còn dạy hả cô?

- Mời cô dùng nước.

- Dạ…

Thoáng lặng phắc trôi qua nghe rõ cả tiếng nổ tách của lửa cháy phía sau bếp. Mấy con gà lởn vởn ở gần bờ chè tàu kêu cù cục trong cổ.

- Giờ không biết tính sao cô giáo ơi. Nội cháu nói đợi thông xe liên tỉnh sẽ vô đón cháu về nuôi ăn học. Vậy tui sống với ai. Mấy đứa con đầu đều lập nghiệp xa. Tui giờ còn nấu ăn trồng rau cỏ trong vườn và đi chợ được, chết cũng muốn ở ngôi nhà này mà chết, đâu muốn bỏ đất quê đi. Tui ở đây với vợ chồng nó lâu rồi nên cũng quen rồi.

Ngoại của Di sụt sùi.

- Mà giờ… chúng bỏ con lại với tui. Cháu Di nghe nội đón về, nằng nặc khóc đòi ở với ngoại. Nó sống đây từ nhỏ, trường lớp bạn bè cũng quen thân rồi… Tui sợ sau ni già yếu, ai chăm cháu.

Như quay mặt, nhìn khoảng sân rêu cũ. Như lớn chừng này rồi vẫn thấy bơ vơ khi mất người thân. Nhớ những cánh phượng mà Hân hái tặng, Như vẫn cắm trên bàn để giữ lại một khoảng trắng nhức nhối, để nhớ về những ngọt ngào không bao giờ nữa...

Như nhớ những khuôn mặt non tơ ngơ ngác khi nhận một cái tin về cha mẹ. Chúng không hiểu nhiều lắm ngoài sự thiếu vắng niềm yêu thương nhất, ngoài sự thèm khát vòng tay ôm, chăm chút hàng ngày. Như luôn dạy chúng phải nghe lời cha mẹ. Giờ, “Cha mẹ không còn thì nghe lời ai cô giáo?” Như vẵng đâu đây câu hỏi của học trò nào đó, hay chỉ là ảo giác âm thanh dội vào tâm thức rối bời của Như. Bao nhiêu đứa trẻ mồ côi cha mẹ sau cơn bão dịch bệnh này sẽ không còn đến trường nữa? Những đôi mắt dại ngây rẽ hướng nhìn phía xôn xao náo nhiệt cuộc đời quá sớm sẽ ra sao!

Thương trò Di quá chừng. Bây giờ Như nhớ ra, có lần đã nhờ Hân chở Di về bởi không thấy cha mẹ em đến đón. Mai lại, khuôn mặt giờ là bức ảnh thờ đó đã chờ gặp cảm ơn cô giáo. Như nói thầy Hân chở em về đó. “Dạ, nhà em kẹt xe đến muộn, nghe thầy hiệu trưởng cũng nói vậy ạ. Cảm ơn cô giáo và thầy”. Đầu năm nay Hân chọc ngón tay vào sườn Như mà rằng: Ngồi tính sau ni sinh con trai hay con gái à. Như cười ngất, trời tính chứ ai tính được. Mà anh muốn đặt tên con là gì. Hân cũng cười. Phải nhìn thấy con mới đặt được chứ.

Thầy hiệu trưởng hôm qua đưa Như quyết định chuyển trường của Hân. Hân không phải lên miền núi; Hân được Sở cho phép chuyển đến ngôi trường nông thôn chỉ xa Như vài giờ chạy xe máy. Cũng bởi Hân giỏi, lẽ ra là giảng viên đại học… Hân bảo may mắn là được đến dạy tụi nhỏ và làm học trò của Như… Thầy hiệu trưởng nói Như cứ giữ tờ giấy đó đi. Như không biết trả lời sao với thầy. Như sẽ nói sao với Hân? Mà Hân giờ đâu?! Nói, rằng hai chúng mình sẽ không xa nhau đâu… Ngày cưới có thầy cô hai trường thêm vui. Như vẫn còn cất tờ thiệp mời mẫu, có ghi tên hai người lên đó. “Này, anh xem có đẹp không?” Ngày cưới cũng đã ghi lên. Như mãi không quên ngày giờ đó. Sắp rồi. Gần rồi. Một chút nắng cuối thu và thoáng se lạnh của mùa đông sẽ hòa vào tiệc cưới…

- Dạ, thưa bác, để cháu xem có cách nào tạm thời đưa đón Di đi học… Em nó khóc nhiều không ạ?

Mấy ngày trước nó khóc khi ngủ dậy. Cũng may ơn phước cháu ngoan, nói gì nghe nấy. Tui cứ nhờ cháu làm việc vặt trong vườn cốt nguôi chuyện đau lòng, tối tối cháu ngủ dễ hơn. Nhà từ thiện và bên phường cũng đưa quà đến. Cô giáo làm sao giúp cháu đi học như thường, cha mẹ nó dưới kia đỡ tủi.
 

Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Nắng đậm hơn. Trời vẫn trong mát. Như chạy xe thật chậm, có lúc muốn dừng lại ngồi dưới gốc cây. Nhớ hồi học đại học sư phạm, thành phố mà bên nội của trò Di ở, những con đường nhỏ rợp hoa điệp đến mùa thu rụng vàng nôn nao. Như không yêu ai cho đến khi gặp Hân. Cũng chẳng phải bất ngờ hay tương tự như cú sốc tình cảm, mà bắt đầu từ đợt Như ốm, xin phép nhà trường nhờ Hân dạy bù, rồi Hân đến phòng thăm hỏi. Tình cảm cứ thấm như mưa dầm, như những nốt nhạc tình từ từ ngấm sâu đến ghiền. Rồi xúc cảm mê man. Hân chở Như về quê, bên đường gặp học trò quàng khăn nối dài, cả hai hòa vào tìm lại cảm giác của mấy mươi năm trước.

Thầy hiệu trưởng sắp về hưu, bộ dạng thuần phác nhẹ nhàng. Thầy ở ngôi trường này với thời gian kỷ lục và hẳn không ai qua nổi. Lúc Như chưa đến, Hân từng bảo Sở có ý chuyển thầy lên trường chuyên, thầy xin ở lại cho đến nghỉ hưu luôn. Thầy nói già rồi, như lão nông nhớ nhà vậy. Có lúc Như đang giảng bài, thấy thầy bước thong dong dưới hàng cây phượng, đứng nhìn lên rồi lại rảo bước. Như lại nghĩ thầy giữ được sự hồn nhiên phải chăng nhờ nhớ nhung mối tình nào đó… rồi Như mỉm cười một mình.

Thầy dặn Như về muộn nhớ khóa cổng cẩn thận kẻo hai con chó chạy ra ngoài bị lạc, bị bắt trộm tội. Bây giờ mấy chú chó đã bén hơi người nơi đây, tối thì làm bạn với bác bảo vệ. Còn hai con mèo hen thì vẫn nhốt thêm tuần nữa cho quen mới thả rông được. Thêm một lồng chim. Như chẳng biết tên, nghe thầy hiệu trưởng nói chim quý. “Họ gửi cho em thì nuôi giùm họ nghen”. Chúng đều theo người về từ vùng dịch, chủ đang trong giai đoạn cách ly, gửi lại. Chuỗi ngày bận rộn khi tỉnh đón bà con trở về quê, trường lớp cũng được sử dụng làm khu cách ly. Sau đó những ca F0 được chuyển đến chỗ cách ly đặc biệt hơn, những chó mèo chim quý vắng chủ, ở lại trong khuôn viên trường. Sau thời gian cách ly, Như đến dọn dẹp lại lớp. Hân đi mua cơm cho mọi người, còn có phần cho mấy con “ở nể”. Như nói nhỏ với Hân: Nếu sau chủ nó không quay lại nhận thì em sẽ mang về nuôi. Hân cười, em nuôi cả lũ nó trong cái phòng trọ bé tẹo ấy à. Em nuôi tất. Chim thì em mang ra đầm thả.

Cái phòng trọ nhỏ mà ăm ắp kỷ niệm, như thênh thang với hai người, có điều cưới nhau rồi hẳn cả hai phải thuê chỗ khác. Xa nơi này Như cũng buồn. Giờ ở lại càng buồn hơn. Mỗi lần về đến cửa là Như hồi hộp, bước vào có lúc như muốn khuỵu xuống. Bó hoa khô, bao đồ vật nhỏ xinh Hân mua tặng, kể cả chiếc bút Hân để quên giờ cũng khiến Như chạm vào là rưng rưng. Thoáng trong đầu Như ý nghĩ chuyển nhà rồi. Hôm nay về phòng, Như để nguyên áo dài nằm co trên giường, ngủ vùi. Như mơ màng thấy trò Di bước vào, nó bưng tô mì tôm bốc khói đặt nhẹ lên bàn rồi ra. Lúc Như tỉnh dậy đã qua chiều, mì tôm nở đầy, mấy cọng rau thơm phía trên non xanh. Tiếng bà chủ trọ:

- Cô giáo ăn đi. Tui hái rau thơm trong vườn đó, mì tôm nấm chay không biết cô ăn có hợp.

Như cất lời cảm ơn, ra rửa mặt rồi quay vào bưng bát ăn ngay; ăn sạch và tự dưng, không hiểu sao lại nhớ ngay đến hình ảnh của bà cháu Di. Như biết nói sao để bà chủ trọ không buồn khi chuyển phòng. Rõ ràng muốn chở Di đi học Như phải ở nơi gần hơn, hoặc là Di đến ở đây. Giá như… Hân sẽ lo hết chuyện này giùm. Nhưng cái “giá như” ấy nếu có, thì Hân bây giờ vẫn ở bên Như, cha mẹ Di vẫn đưa đón Di đi học, và bao nhiêu đứa trẻ đâu mồ côi ngơ ngác giữa sân trường. Còn đó những bài học nghĩa tình, về sự mất mát đau thương Như phải giảng thêm vào mỗi tiết học.

Những đêm dài Như vẫn dõi theo dòng người từ vùng dịch trở về quê. Đường nghẹt. Và cổ Như nghèn nghẹn tuồng như loại virus đang xâm nhập. Những công nhân cùng nhiều gia đình dắt nhau trở về quê tìm thanh bình râm mát. Dẫu sao Như vẫn thấy họ may mắn hơn nhiều những bậc phụ huynh trong trường mà Như không bao giờ còn gặp họ nữa. Những đứa trẻ nằm co ro trên tấm áo mưa ven đường trong chuyến trở về, Như xót lòng quá đỗi; mà vẫn thấy chúng còn hạnh phúc vì còn cha mẹ dìu dắt. Không như Di và bao đứa học trò khác. Rồi hễ thoáng bóng Hân hiện lên là Như rung cả người, không biết buồn hay giận. Người lỡ một đoạn đường mà kẹt lại rồi mất hút…

Như thức bên trang giáo án với nhiều câu chuyện cần được kể với học trò. Đêm dài như con đường trở về của bao con người rơi vào túng quẫn cùng những bài học vô thường đang thấm dần. Như nhớ lại hôm qua lại về nhà học trò. Ngoại Di luộc khoai môn bới trong vườn cùng ăn. Vui. Hạnh phúc đến ứa lệ. Sao cứ nhìn Di là Như nhớ Hân. Tại sao hai con người này có sợi dây vô hình quấn lấy Như. Tại sao chứ. Sao lần đầu đến ngôi nhà này Như đã thấy thân thuộc.

Thầy hiệu trưởng gọi điện chừng khuya.

- Thương quá. Như à, lớp em sao lại nhiều trẻ mồ côi vậy… Như ạ. Trường sẽ tổ chức buổi gặp thân mật với các em mồ côi cùng một số học sinh nghèo khó khác. Thầy thăm dò qua rồi. Trên Sở rất đồng tình, nói trường mình sẽ đầu tiên làm việc ý nghĩa này. Nhiều phụ huynh và các tổ chức, công ty cũng xin được tặng quà các cháu.

- Dạ…

- Thầy sẽ bàn cùng hội đồng nhà trường sắp xếp thời gian rỗi cho Như đến tìm hiểu hoàn cảnh các em mồ côi do đại dịch này… để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thầy nghĩ các em chỉ thiếu tình cảm bù đắp thôi…

- Dạ, thưa thầy...

- Lớp Như nhiều trò mồ côi nhất, nên Như sẽ làm đại diện cho buổi gặp này…

Như chưa biết nói sao, tự nhiên nước mắt dâng lên. Có lẽ Như lâm vào bấn loạn tâm thần, bị ảo giác, thấy Hân đang dắt Di cùng mấy trò mồ côi đến. Như ngồi thụp xuống trước bàn, vặn ánh sáng yếu xuống, nhìn ra hiên vắng. Đường lộ xa xa hắt vào chút sáng lờ mờ.

Như giở cuốn giáo án lấy cái thiệp hồng kẹp trong đó. Cái thiệp do bên thiết kế đưa xem thử mẫu. Hai người về nhà soi từng góc cạnh, thấy rất đẹp rồi, mỗi người viết một bên thiệp. Như hỏi: Ghi tên mời ai đây anh? Hân nói, anh hỏi lại em câu đó. Không ai nêu được một dòng tên thật ý nghĩa. Chợt Hân thốt lên: “Mời con của chúng mình”. Như chớp mắt ngạc nhiên - “Đồ thông minh!”

Nước mắt đã rỏ lên tấm thiệp này nhiều lần đến ố vàng.

Thầy hiệu trưởng chưa bao giờ hỏi về chuyện của hai người. Thầy có tính trầm lặng ít nói về người khác, dẫu thầy quan tâm. Thầy hay đứng xa và nhìn. Như vẫn nghĩ thầy chỉ buồn thôi, với cái dáng rảo bộ dọc hàng cây sân trường khi học trò đã vào lớp học. Hẳn cũng chỉ Như hay quan sát thầy mà thầy không biết. Ai ngờ thầy đã tính kỹ về hoàn cảnh của các học trò mồ côi đến vậy. Như quá bất ngờ đến không biết nói sao. Kể cả việc đại diện chính cho buổi gặp mặt quan trọng sắp tới là quá sức của mình, Như cũng như nghẹn lòng không từ chối nổi.

Như có ai đó vô hình đang đẩy Như đến với những khoảng bình yên. Hôm qua Như đến chở Di ra công viên, rồi sắm áo quần sách vở cho năm học mới. Con chó của Di đã biết vẫy đuôi lúc Như đến. Khu vườn nhà bà ngoại Di dành cả cho Như. Như khèo ổi, nắn xem trái na nào chín. Di thì bới khoai. Nó nói môn chúm luộc bỏ chút muối nữa ngon lắm cô.

Như hỏi bà ngoại Di: Sau ni con đưa đến đây mấy con mèo nhờ nuôi được không ạ? Nó theo chủ nhà từ vùng dịch về trường cách ly. Chủ nhà F0 đến giờ vẫn chưa thấy quay lại nhận. Con sợ để lâu thành mèo hoang lại tội.

- Cô giáo cứ đưa đến ở với con vện cho vui. Thằng Di nó thương chó thương mèo lắm. Năm ngoái có nuôi mèo đó cô, mà rồi quân ăn nhậu dùng ná bắn hết.

Bà ngoại nói: “Cô giáo ngủ lại đây cho cháu Di nó vui. Đêm kia nó nhắc cô giáo, rồi tự dưng…”.

Buổi gặp mặt. Như đến trường sớm. Hội trường được trang hoàng sắp đặt đầy đủ vào chiều qua. Bộ đồ đẹp nhất Hân sắm cho giờ Như mặc để nhớ về một khoảng trong và xanh ngằn ngặt trong mình. Chỗ những nhánh phượng gãy giờ cũng nhành lá phủ lấp. Lấp ló mấy bông phượng lạc mùa trên xa tít. Đôi lúc tuồng như ngớ ngẩn, Như vẫn nghĩ rằng có sự nhầm lẫn thôi, Hân chỉ kẹt lại đâu đó trong vùng dịch thôi. Người ta đã nhầm lẫn một tên tuổi khác với Hân? Cũng như trong những đứa trẻ mồ côi, vẫn có đứa còn hạt giống hy vọng đang nẩy mầm nào đó? Không biết hồi nữa, có khi nào Như khóc? Như không biết. Nhưng Như sẽ kể câu chuyện về những học trò mồ côi tội nghiệp mà Như tiếp xúc nhiều lần. Riêng chuyện Như không nói trong buổi gặp mặt này, là Như đã xin phép gia đình nội ngoại của Di để nhận em làm con nuôi. Và, một điều nữa, điều mà Như sẽ không nói với ai hết. Không. Đó là, ngày hôm nay, cũng chính là ngày cưới đã định của Như và Hân! Ngày ghi trong tấm thiệp hồng đang phai…

D.N
(TCSH393/11-2021)



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Đôi dép (17/11/2021)
Khát (12/11/2021)
Thần cây thị (05/11/2021)
Hoa cúc trắng (20/10/2021)
Vòm xanh nõn lá (14/10/2021)
Khế (08/10/2021)
Ngày tốt (16/09/2021)