LÊ HOÀNH PHÒ
Tiếng máy điều hòa chạy đều đều. Nơi góc phòng, có một người chăm chú coi lại đề cương thực tập.
Phòng máy vi tính mát lạnh và yên ắng, lâu lâu rơ le ngắt mạch tạo thêm một sự chuyển đổi vang khẽ khàng... Anh gấp tập tài liệu, nạp đĩa rồi khởi động máy. Lúc màn hình báo dấu mời sẵn sàng, anh từ tốn gọi phần mềm soạn thảo VNIEZ đã cài dấu tiếng Việt.
Màn hình đơn sắc chưa được rõ nét. Người phụ trách lặng lẽ tới điều chỉnh độ sáng cho thích hợp rồi ý tứ bước đi. Anh mò mẫm tìm nhấn rời rạc các phím M, E và số 5. Màn hình xuất hiện ngay từ MẸ thân yêu của cả loài người. Anh ngồi lặng đi trong khi con cusor định vị cứ nhấp nháy thúc giục công việc mãi... Tay run run, anh dò tìm tiếp các phím T, o số 6 và I. Khi tìm nhấn đủ từ TÔI xong xuôi, anh mới thôi chăm chú vào bàn phím mà sung sướng ngước nhìn thành quả ban đầu của mình trên màn hình. Nhưng anh đã thất vọng ê chề! Con cusor vô tình bị chạm phím di chuyển lúc nào, do đó trên màn hình hiện ra từ TÔI nằm lệch xa từ MẸ. Không thể đọc là MẸ TÔI được, mà đến là hai chủ thể xa cách nhau như hoàn cảnh riêng của anh. Đúng là anh đang ở trong tâm trạng xa nhà, thương nhớ mẹ. Bất giác, anh định xóa chính anh đi rồi gõ phím lại. Ý tưởng đó chưa thực hiện, bỗng một chớp lóe vụt nhớ đến trong bài giảng hôm qua, anh sẽ dùng kỹ thuật đánh dấu khối để chuyển Mẹ đến ngay với hắn. Lật nhanh mấy trang vở học, anh cẩn trọng di chuyển cusor, nhấn phím CTROL-K-B rồi tiếp CTROL-K-E. Anh mỉm cười rạng rỡ khi trông thấy từ MẸ nổi bật lên trên nền của màu khối vừa xuất hiện, chỉ vài giây nữa thôi là Mẹ sẽ đến! Anh sửa lại tư thế ngồi ra lệnh cho máy di chuyển khối. Nào ngờ, chưa gõ xong câu lệnh thì bóng đèn trong phòng vụt tắt. Điện lại bị cắt!
Theo lý thuyết mà anh đã học: Mất điện là mất tất cả!
Sự cố vô tâm của kỹ thuật hiện đại làm anh như hụt hẫng, chơi vơi. Tiếng người phụ trách phòng máy hướng dẫn mà anh chẳng nghe được chút gì.
"Trong bóng tối không có huyền thoại!" Anh lẩm bẩm khi dò dẫm, lần bước ra khỏi phòng. Toàn thành phố mất điện tối đen.
Mưa. Tiếng hát từ chiếc máy cát - sét của nhà ai vẳng tới nhạt nhòa. Khu tập thể qua năm tháng dâu bể đã thu hẹp dần, còn lại một phòng ở duy nhất nhỏ hẹp, nơi đó chỉ có một thằng con trai 34 tuổi tồn tại. Một mình - một bếp, một giường cá nhân - một ngăn sách báo. Chiều chủ nhật sao mà ướt át. Khúc hát lướt đi qua mưa gió: "... Đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Từng câu chuyện ngày xưa. Mẹ về đứng dưới mưa. Che từng căn hầm nhỏ..." Giọng ca truyền cảm đệm thêm nhạc mưa gió chiều tà làm xao động tâm can. Anh bật ngay dậy, chạy vội ra cửa sổ, nhìn quanh quất. Trời vẫn mưa đục. Đoạn phố vắng chìm khuất. Mấy ngọn cây cao vật vờ. Dường như có một người? Một dáng người run rẩy, đang thu nhỏ thân gầy, cố nép mình vào hàng hiên cửa sắt. Con người không chịu đứng dưới mưa. Ai? Một người đàn bà với tập vé số? Mưa bỗng nặng hạt, chợt một ngọn gió trở mình hắt vào phòng những giọt nước lạnh lẽo. Hắn dở chiếc kính cận ra để thấm dậm. Anh dụi mắt, thì ra, tất cả chỉ là ảo ảnh! Người đàn bà tê tái, cố che những giọt mưa quái ác cho tập vé số đã biến mất.
Anh trở vào, lòng-thẫn-thờ-sung-sướng. Anh với tay bật công tắc điện rồi ngồi tư lự. Mẹ anh nào có đào hầm, nào có nuôi quân kháng chiến. Mẹ chưa hề được làm liên lạc, canh gác chứ nói gì đến chuyện cầm dao, cầm súng chiến đấu với quân thù.
Mẹ anh chỉ là một người bán vé số rong. Từ nhỏ đã cần lao vất vả. Suốt đời luôn lo đánh giặc đói nghèo. Giải phóng về, chẳng có chút vốn liếng và nghề nghiệp riêng tư gì, mẹ đâm lo rồi đây không biết sẽ làm gì để nuôi con khôn lớn? Liệu vé số kiến thiết có còn hy vọng trở lại nữa không?
Mấy tháng trợ cấp qua mau. Mẹ nóng ruột với cảnh ăn không ngồi rồi. Chuyện đi làm thuê mướn đâu dễ kiếm tiền trong thời buổi ấy. Mẹ không còn sự bận-rộn-dễ-chịu như dạo nào.
Cho đến lúc mẹ quá mỏi mòn, tưởng chừng như vô vọng thì cơ may đã gõ cửa. Vé số các tỉnh thành lần lượt xuất hiện. Sự thủy chung chờ đợi của mẹ đã được đền đáp. Tuổi già của mẹ lại tiếp tục tảo tần xuôi ngược. Tấm thân gầy vui vẻ đè nặng lên bao đôi dép mòn vẹt xác xơ. Mẹ vẫn đi không một ngày ngừng nghỉ.
Tại sao? Tại sao?
Tại sao không có lấy một khúc hát nào - dẫu ngắn mấy cũng được - ngợi ca những bà mẹ già đi bán vé số rong, nước da màu nắng gió với đôi chân khẳng khiu, gót chân nứt nẻ?
Tuổi tác của mẹ lẽ ra phải được ngơi nghỉ từ lâu rồi!
Lại đầy đĩa. Anh cho lệnh chuyển ổ đĩa làm việc từ ổ A sang ổ B. Vẫn outdisk! Cái dòng thông báo bằng tiếng Anh sáng nay cứ đùa anh mãi - dòng thông báo trêu chọc kẻ ít tiền. Đáng lẽ, anh thuê máy thực tập thêm phải là loại máy có ổ đĩa cứng, có vậy mới nạp đủ phần mềm FOXBASE cần thiết.
- Vé số đây!
Lời rao mời chóng mặt, làm bực bội người đời từ sáng sớm tinh mơ khắp đường cùng phố tận. "Đồng đội" của mẹ lớn mạnh nhanh hơn cả một binh đoàn hùng hậu, có chủ lực, có địa phương bám chốt và vô số quân cơ động sáng chiều; đội ngũ có trai có gái, đủ trẻ đủ già, từ người lành lặn đến kẻ khuyết tật bần hàn. Trong số đó không ít kẻ hành nghề nghiệp dư, tranh thủ. Cái nghề quá ư dễ làm! Họ bán mua niềm hy vọng mà chẳng cần vốn liếng của cải gì mấy. Hy vọng thôi thì đủ loại: loại 300, loại 500, loại 1000 đồng, có khi đột xuất lễ tết, hội hè thì hy vọng vọt lên tới 2000. Vẫn rẻ chán!
Hy vọng hay là thất vọng? Vượt lên sự cầu may, run rủi đỏ đen đời vẫn sáng lên những tấm lòng trắc ẩn - thương hại với kẻ dao người bán,
- Vé số tối xổ đây!
Đối với mẹ, khúc rao ca nằm lòng đó đã đi vào dĩ vãng vàng son. Tóc bạc, răng long, đôi chân không còn vững trụ... Thiên hạ thì nháo nhào, lối sống đòi hỏi mau cười mau khóc. Vé số không còn tuần xổ, chẳng còn hai ba ngày chờ - đợi - trông - mong - ngóng một người nữa mà hy vọng xổ ra từng ngày, từng ngày một. Thế là mẹ sống! Thế là bầy con của mẹ lớn khôn thêm! Mẹ gắng đi "phất phơ như cây cỏ chỉ". Trên đường rong ruổi nắng sương, bản tính của mẹ vẫn không quên quơ vội một mớ rau rẽ, một cành cây khô mục bên lề để rồi tất bật lại ra đi.
Anh - đồng lương không nuôi nổi miệng mình! Tấm bằng Đại học Anh đã được như mẹ từng còm cõi ước mong. Anh xứng đáng với sự hy sinh của mẹ. Duy chỉ có một điều nhức nhối, chính tấm bằng đỏ - tốt nghiệp xuất sắc đó đã ngăn anh đi làm những công việc lao động nhập nhằng để kiếm thêm chút tiền. Anh trẻ mà sớm bất lực. Anh bí rị với cái nghề mô phạm: thầy địa lý cấp ba! "Nhất nghệ tinh", đâu còn giá trị? Thời gian dài ấy anh cũng bỏ nhiều công sức để biên khảo địa lý các nước, nhưng rồi gần đây hắn đã đốt sạch tất cả. Vì một lẽ, chính anh đã chua chát nhận ra rằng, các thông tin số liệu tham khảo qua hắn đã quá ư lỗi thời, sai lạc.
Mẹ - một tấm lòng và trăm ngàn thứ chắt chiu, chịu đựng bươn chải trên cõi đời này. Cả đời không vốn liếng. Mẹ chẳng buồn. Vì mẹ là người cười vui nhiều nhất thế gian đây! Mấy chục năm luôn cười mời khách mua vé số. Mẹ cười nhiều đến nỗi nay cười như một phản xạ, không ra thành tiếng.
Máy vi tính đã cuốn hút anh tất cả thời gian. Anh lao vào nghiên cứu luyện tập như thể bù đắp lại cho khoảng thời gian vô dụng bấy lâu. Ngày ấy, anh cũng từng có trạng thái chờ đợi một cái gì cụ thể.
Bây giờ anh đã vượt qua dBASE, dBASE plus rồi đến FOXRASE, FOXPRO. Vốn ngoại ngữ đã "thức dậy" giúp anh tiếp thu nhanh như FOX - con cáo tinh khôn. Anh đã thành công khi làm một số chương trình cho các đơn vị kinh tế mà chẳng cần thù lao. Anh đã sáng tạo ra nhiều kiểu chương trình quảng cáo nhưng khoái nhất, vẫn là làm phim hoạt hình cho bọn trẻ con.
Anh có một chương trình đặc biệt tâm đắc. Chương trình mang mật danh HOPE01 in một bức tranh dân dã. Không một chút huyền thoại anh đã dồn hết trí lực. Bức tranh vô cùng đơn giản. Anh đã cố công vào đó khi biết sức mình không thể soạn nổi một khúc ca - như một chút lãng mạn của tâm hồn anh từng khắc khoải ước mơ. Tranh ấy vẽ một thằng bé con, tập vé số thò ra trên túi áo. Nó đang ngồi đếm lại những tờ giấy bạc dưới tán cây im mát, bên cạnh là mấy cuốn sách vở đã quăn góc. Cái đặc sắc, phần hồn của bức tranh là đôi mắt. Đôi mắt thằng bé qua nét vẽ điện tử hiện ra thơ dại hiền lành và ánh lên một niềm vui lớn lao sau buổi tan trường đầy may mắn.
Thằng bé con trong bức tranh in bỗng nhoẻn miệng cười sống động. Thằng bé con cười với "cha đẻ" của mình.
Anh cảm động, vui lây và càng mê say thao tác trên máy. Mắt đăm đăm nhìn màn hình, mười ngón tay anh chuẩn xác gõ phím điệu nghệ. Anh đang nhập cơ sở dữ liệu hay đang mơ mộng làm thơ? Có thể anh đang vẽ phác thảo hoặc đang tạo lập một chương trình? Mười ngón tay thoăn thoắt nhấn phím, âm vang bổng trầm nhẹ tựa một khúc hoan ca. Có gió có nắng chiều, có nỗi nhọc nhằn, có trời xuân bao la và có cả một tấm lòng mênh mông như biển...
Anh mê mải gõ. Nhạc điệu dịu êm như một khúc ru hời?
Anh bỗng quặn thắt từng lúc đau nhói. Anh đang ở trong cơn rứt ruột sinh thành? (Ai đẻ ra con mà lại không mong mỏi ở con mình?)
Anh gõ tiếp như thực như mơ...
Gục đầu trên bàn phím. Thằng con trai 34 tuổi thổn thức khóc sụt sùi. Hạnh phúc đến với anh lớn lao đến diệu kỳ. Tâm hồn mẫn cảm của anh đã nhận ra, đây chính là nhạc lòng của khúc hát mà Mẹ thân yêu từng ru anh những năm xưa thơ bé.
Đà Nẵng - Huế 1991
L. H. P
(TCSH50/07&8-1992)