Truyện ngắn
Chân ái
14:16 | 03/12/2021

NGÔ HỮU KHOA

Hải quay về. Xe khách có chút ọc ạch nhưng đường rộng, nền bê tông phẳng lỳ lại thẳng tắp nên tốc độ gần như không thay đổi, đều đều gần trăm km/h.

Chân ái
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Hầu như hành khách trên xe đều nhắm mắt ngủ hoặc mơ màng ngủ để làm ngắn lại quãng đường hơn năm trăm cây số, với điểm dừng cuối là thị trấn giáp biên giới. Ghế phía trên Hải có cô gái có mái tóc nhuộm vàng cháy dường như mang trong người tâm trạng bất an, giống như Hải, lúc thì đảo mắt nhìn mọi người, lúc thì nhìn qua cửa kính để thấy bên ngoài là cánh đồng mía ngùn ngụt chạy về phía sau cả mấy chục km không hết. Linh tính mách bảo, Hải khẽ nhoài người lên sát tựa ghế cô gái ngồi, nói khẽ: “Em về thị trấn T. phải không?” Hải nén cảm giác vui mừng khi nghe tiếng đáp khẽ: “Dạ vâng” và kề cận gương mặt xinh xắn, đôi mắt mở to mừng rỡ mang vẻ ngơ ngác của thiếu nữ mới lớn.

Bản tính lỳ lợm và sớm lang bạt vào Nam ra Bắc ngay từ khi còn ngồi ghế trường cao đẳng nghề đã tạo cho Hải có được bản mặt lạnh tanh trước những va chạm đắng ngọt luôn thường trực bên cuộc mưu sinh.

Những kẻ như Hải chỉ là cuộc đi tìm kiếm và bán sức lao động với mong muốn có đều việc làm và thu nhập cao hơn so với quê nhà. Có nhiều cách dẫn dắt mà ít nhất cũng cho điểm đến, công việc, mức lương... và khái quát kinh nghiệm đi đứng, mối lái... Thực tế con số những người ra đi lập nghiệp thành công chiếm đa số nên khi người trẻ sức dài vai rộng, đói việc, đói thu nhập như Hải càng có lý do để đi.

Nửa năm được người bản địa cưu mang và làm nghề thợ xây cộng với không có nhiều lý do để tiêu tiền, Hải cũng đã tích lũy được một món mà so với ở quê thì phải làm cả năm chưa chắc để ra được và nhẩm tính cứ cái đà suôn sẻ này thì chỉ trong vòng hai đến ba năm sẽ có đủ tiền xây nhà, lấy vợ và tạo dựng một công việc tự chủ. Có điều nhẩm tính thì dễ, thực hiện được mới là vấn đề khi mà diễn biến môi trường và công việc luôn biến đổi và nằm ngoài khả năng của Hải. Mặc dù đã cố gắng bằng sự lanh lẹ, Hải vẫn phải rời bỏ công việc cho thu nhập cao và đều. Hải tạm trở về quê để tìm cách đảm bảo an toàn và lâu dài hơn khi quay lại.

Xe khách rời trạm nghỉ, Hải ra hiệu cho cô gái đổi chỗ để được ngồi gần. Khi nghe được cả tiếng miết của bánh xe với mặt đường, hai kẻ đồng hương mới cho nhau những câu hỏi, câu trả lời bằng âm lượng vừa đủ để nghe mà không khuấy động những cặp mắt một mí đang chìm vào giấc ngủ miễn cưỡng. Ở nơi đất khách quê người, gặp được đồng hương đã làm vơi bớt cảm giác bất an, lo sợ... và nhanh chóng trở lên gần gũi. Thúy, tên cô gái, nói bằng giọng khẩn thiết:

- Em không biết làm cách nào để đến thị trấn gần biên giới. Anh cho em theo với!

Hải nửa đùa nửa thật:

- Mới biết anh, em không sợ theo anh, anh bán em đi sao?

Cô gái mạnh bạo nhìn thẳng vào mắt Hải làm Hải hơi ngượng ngùng đưa mắt né tránh và nói với giọng tự tin nhưng tính khẳng định có phần yếu ớt:

- Không đâu anh, nhìn anh em thấy anh không phải người như vậy.

Hải là thanh niên đơn giản, nét nổi bật nhất là sự dồi dào sức lực thể hiện qua nước da sạm đen, cánh tay chắc nịch, khuôn ngực nở nang... rất ít căn cứ mang lại sự tin cậy cho người đối diện. Có lẽ bị rơi vào “thế” thiếu chỗ bấu víu nên cô gái “liều”. Mà cũng không hẳn như thế, ai ở vùng này đều biết đường đi nước bước mới đi và đến được nơi cần đến. Chỉ là có gặp được đúng người để đồng tiền phát huy tính hiệu quả của nó. Với con trai thì không phải quá đề phòng, chấp nhận được giá xe là xuôi…

Hải đã nhanh vỡ lẽ và dù sao cũng không mất gì, nhất là trước người con gái xinh đẹp kiểu gu Hải thích, táo bạo, tự tin pha chút bụi bụi.

Hệ thống giao thông, quy hoạch đô thị tác động lớn đến thời gian di chuyển. Hình học cho thấy đường cong dài hơn đường thẳng, đường thẳng tắp. Đường giao thông là để lưu thông, không phải là mặt tiền để người kinh doanh khai thác, là đoạn nối giữa các khu đô thị và dân cư với nhau. Hai yếu tố đó giúp cho chiếc xe khách có thể nói là hơi ọc ạch đã vượt qua quãng đường dài một cách nhẹ nhàng và an toàn.

Tách khỏi đám đông khiến cho Hải như người câm điếc. Chỉ còn hơn chục km là về đến quê nhà nên cảm giác bất an vợi đi nhiều. Thúy đeo ba lô căng phồng lẽo đẽo theo sau Hải bước vào nhà nghỉ, cả hai như một cặp đôi lỡ đường ghé nghỉ đợi phương tiện tiếp nối hành trình.

Cánh cửa phòng nghỉ như một tấm lá chắn ngăn mọi tác động bên ngoài kể cả âm thanh lẫn ánh sáng tự nhiên tác động vào không gian riêng tư được mua bằng vài trăm ngàn bạc. Sự hiểu biết khái quát của nhu cầu giao tiếp quan hệ giữa hai người dường như bùng nổ. Thúy kể:

- Bố em bị bệnh, mẹ bán nhà đất nhưng không cứu được. Xong việc cho bố, mẹ đi làm ở vùng này hy vọng kiếm được tiền mua mảnh đất. Em không có việc gì làm ở quê nên… Nhưng mẹ không cho ở lại vì sợ bị lừa lấy chồng...

Hải nửa đùa nửa thật nhằm phá ngang giọng kể có chút buồn buồn của Thúy:

- Nhìn em như thế này, dễ ai lừa được...

Bất giác Hải nhận ra mình đã gặp một cô gái non tơ lạc đường. Lóe lên trong đầu Hải là câu chuyện môi giới tìm vợ. Mỗi phi vụ hoàn thành có thể kiếm được số tiền bằng cả năm làm công vất vả.

Tuy là trai gần ba mươi tuổi nhưng đường kiếm sống sớm đến nên chuyện tình cảm nam nữ đối với Hải lâu nay chỉ như chuyện tầm phào. Có quan hệ nam nữ đấy nhưng sau mối tình đầu hồi học phổ thông, Hải chưa bao giờ nhận thấy phát sinh tình cảm đối với một cô gái nào mặc dù có va chạm, có gặp nhiều cô gái, đẹp cũng có, giỏi giang làm ăn buôn bán cũng có. Không phải Hải nặng mối tình đầu nhưng xuất phát từ một gia đình nông dân nghèo khó lại va chạm với những người thành đạt ở cùng lứa tuổi đã làm nung nấu khát vọng có một đời sống sau khi lấy vợ sinh con khá hơn cha mẹ.

Nhìn cô gái mệt mỏi chợp mắt trên chiếc giường đơn nệm ga trắng muốt, trong Hải không mảy may dù chỉ một chút cảm xúc nam nữ mà chỉ đơn thuần là đứa em gái, là bạn đồng hành trong cùng một lộ trình. Tuy nhiên gương mặt xinh xắn, biểu hiện tự nhiên, cách nói chuyện chân thực pha lẫn vẻ ngây thơ non trẻ đã làm Hải mặc định chấp thuận lời đề nghị ban đầu của Thúy.

Như đọc được suy nghĩ của Thúy, Hải khẽ mỉm cười một mình và có một chút hài lòng với bản thân vì đã làm được một chút xíu sự tử tế.

Bến xe khách sớm lặng yên đợi người. Vài ba lời chào mời uể oải của lơ xe bắt gặp khách chỉ có ý nghĩa khẳng định chuyên môn, nhất là khi nhận lại cái lắc đầu. Dù ít trao đổi suốt dọc đường đi nhưng Hải khá tự tin với vẻ đàn anh hào sảng:

- Cùng anh về đến đây là được rồi. Anh phải về nhà. Em đi đường cẩn thận, nhất là không được quá tin người, không phải ai cũng giống anh đâu.

Thấy đến lúc phải chia tay và đoạn đường cùng đi tuy ngắn nhưng trắc trở lại dài đằng đẵng đã kết hai kẻ xa lạ trở thành thân thuộc, Thúy rớm rớm nước mắt:

- Em bây giờ về nhà cũng không biết làm gì. Em định về thành phố kiếm việc gì làm đợi mẹ em. Anh có chỗ nào có công việc em làm được chỉ cho em với!

Lại một lời đề nghị nhưng không quá làm Hải ngạc nhiên. Một hồi im lặng như đang suy tính, lúc sau Hải mới nói với vẻ gợi ý:

- Thế này vậy, đằng nào em cũng đi tìm việc làm, về quê anh, anh có bà dì kinh doanh quán hát, anh mà nhờ thì dì có thể xếp cho em phụ việc phục vụ khách.

Thúy vui mừng:

- Em làm được, làm không lương cũng được, chỉ cần được ăn và có chỗ ngủ.

Hải không quá bất ngờ nhưng ngẫu nhiên một tình huống dễ xảy ra xuất hiện trong tâm trí. Sẽ như thế nào với dư luận trong cái “làng lên phố” khi Hải lang bạt hơn nửa năm trở về cùng với một cô gái trẻ kém cả chục tuổi? Sẽ giải thích ra sao với bố mẹ? Lại còn bạn bè chơi với nhau từ nhỏ, nhất là bạn nữ đã có cảm tình với Hải và Hải cũng đã nhắm đến mỗi khi nghĩ về nghĩa vụ phải lập gia đình... Mà lạ, em không mảy may e dè, ngại ngần khi Hải giới thiệu làm trong quán hát, cái nơi luôn mang tính nhạy cảm mà ngay cả những đứa trẻ con cũng biết. Không rõ có phải em đã đặt trọn niềm tin vào sự tử tế của Hải hay em đã từng làm nghề này?

Sẽ ra sao khi Hải mang về một đứa con gái chưa tới 20 tuổi đã biết kiếm tiền bằng sự lả lơi với đủ mọi loại đàn ông? Nhưng lời đã nói ra không thể thu hồi.

Thời buổi trọng kinh tế, ai cũng rơi vào guồng quay của việc kiếm tiền đã biến đổi làng quê Hải dần trở thành một thị trấn sầm uất với san sát hàng quán, tiệm kinh doanh, những chiếc xe máy tàng tàng dần biến mất, trai gái hẹn hò ngả vào lòng nhau ở những tụ điểm cà phê có những chùm đèn xanh đỏ nhấp nháy... Đã làm cho kẻ lang bạt đi làm kinh tế như Hải càng nhận thức rõ hơn một điều hiển nhiên là nếu không có tiền thì ở bất kỳ đâu cũng đều khó sống.

Mặc cho Hải đã nhỏ to với dì: “Đây là đứa con gái Hải gặp gỡ được trên đường”, dì Hải vẫn sắp xếp cho Thúy công việc tránh những người khách đến quán ca hát. Nhiều lắm em chỉ phải mang đồ uống lên phòng hát cho khách rồi rời đi ngay, ngoài ra cùng dì dọn dẹp, lau chùi, kê dọn lại bàn ghế sau khi khách rời đi. Không biết em có điều gì khiến dì nói: “Nó còn trẻ con, hoàn cảnh tội nghiệp, con chú ý chăm sóc nó!” Có lẽ dì làm mẹ đơn thân nên có sự thương cảm trước Thúy, một đứa con gái mới lớn đã mất bố, xa mẹ, sớm biết tự chăm sóc bản thân, sớm gồng mình chống đỡ, phân định cái xấu cái tốt chỉ cách nhau sợi tóc. Còn cả cuộc đi tìm kiếm đồng tiền của mẹ Thúy rất gần với hàm ý bỏ rơi đứa con gái đang trong đoạn trường trưởng thành. Cũng có thể là cái duyên gặp gỡ giữa những con người thiếu hụt một phần trong đời sống về sự cân bằng, tròn trịa như đàn ông phải có vợ, đàn bà có chồng, con có cha mẹ mà tự nhiên sắp đặt. Khi lòng cảm thương ngập tràn trong mối quan hệ sẽ tạo lên một niềm tin và cái nhìn về nhau thật trong sáng và tin cậy. Biết con gặp được người để nương tựa, hàng tháng mẹ Thúy gửi tiền về cho Thúy thông qua tài khoản của dì Hải. Dì Hải còn mở riêng một sổ tiết kiệm để giữ tiền cho Thúy và ngoài tiền tiêu vặt, hàng tháng dì lại bỏ vào sổ cho Thúy vài ba triệu. Dì bảo: Để làm vốn đi lấy chồng.

Là một thị trấn mới nổi, lối ăn chơi, tiêu khiển nhanh thâm nhập hơn so với đà phát triển kinh tế của người dân nên quán hát của dì Hải được mặc định với cái tiếng là tụ điểm ăn chơi nhưng chỉ dừng lại ở hình thức kinh doanh nhỏ, thu nhập đủ để dì trang trải cuộc sống đơn thân với vài ba nhân viên. Là trai đứng tuổi, không nhiều bạn bè, lại luôn mang nét mặt suy tính, Hải thường chọn khung giờ không có khách để đến với Thúy. Lần nào cũng vậy, Thúy hồn nhiên ríu rít bên Hải, khi thì nũng nịu như một đứa em gái, lúc lại điệu đàng như một thiếu nữ khát khao tình yêu đã để lại trong Hải một nỗi ám ảnh len lỏi vào cả trong giấc ngủ hàng đêm. Thấy đôi con cháu quấn quýt bên nhau, dì Hải nhiệt tình ủng hộ: “Để dì điện sang bảo mẹ Thúy thu xếp về lo tổ chức cho hai đứa. Hải không còn ít tuổi nữa, hai đứa sớm về với nhau cho bố mẹ mừng.” Bố mẹ Hải cũng rất quý Thúy bởi rảnh việc Thúy lại sang nhà Hải với biểu hiện lễ phép và luôn đụng chân đụng tay làm mọi việc, từ giặt giũ quần áo đến nấu ăn, quét dọn nhà cửa... Đã lâu mẹ Hải sốt ruột trước con trai được gọi là lớn tuổi lấy lý do “đi làm ăn” để biền biệt lang bạt khắp mọi nơi, không có một chút gọi là ổn định, bà bảo: “Không nhất thiết phải cùng quê, lấy được đứa ngoan ngoãn, biết ăn ở là được”. Hải chỉ biết phản ứng lại một cách yếu ớt: “Con đã bảo là cái duyên bèo nước thôi mà. Vả lại giờ chưa đâu ra đâu, nghề nghiệp lại không phát huy được...”. Trước những ý kiến “vun vào” tư tưởng Hải cũng có chút lay động. Cùng tuổi Hải ở phố làng hầu như đã xây dựng gia đình, bạn gái mà Hải nhắm đến cũng đã lấy chồng, lứa trẻ tuổi thì luôn bắt kịp lối ăn vận, hưởng thụ theo kiểu thành thị. Họ có bố mẹ có của ăn của để sau khi nhận đền bù đất theo quy hoạch, hay sắn đất ra bán bớt. Có gia đình còn ngầm đầu tư làm đẹp cho con gái để có được tấm chồng xứng với gia thế. Với điều kiện của Hải, họ không nhắm đến hay muốn gửi gắm con gái bởi không nhìn thấy Hải có kinh tế...

Cá tính mạnh mẽ, dứt khoát, chặt chẽ và mạnh tay giúp cho Hải sớm nhận được tấm Visa dưới danh nghĩa thăm người thân thời hạn một năm, thời hạn dài nhất cho một lần cấp. Cầm xem bằng chứng “nói là làm” của Hải, Thúy nghẹn ngào: “Anh cho em đi cùng với. Em không muốn xa anh.” Vô thức, Hải lặng người đắm chìm trong nguồn cơn choáng ngợp tình yêu thương. Mọi mưu tính phút chốc tan biến nhường chỗ cho vòng tay xiết chặt... Thời gian như ngưng đọng, cả hai tan vào nhau trong hạnh phúc yêu và được yêu.

Không nhiều đắn đo, Hải quyết định lập nghiệp ở quê nhà. Tuy tài chính của riêng Hải eo hẹp nhưng được sự hỗ trợ của gia đình và cả của mẹ Thúy, đám cưới của Hải và Thúy diễn vui vẻ và nhận được nhiều lời chúc phúc.

Tấm Visa đổi bằng khá nhiều công sức và tiền bạc được lồng ở góc dưới bức ảnh cưới khổ lớn ngày ngày được chứng kiến sự nỗ lực gây dựng một gia đình nhỏ với đầy ắp tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ.

N.H.K  
(TCSH393/11-2021)



 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Mê cung (12/01/2024)
Các bài đã đăng
Ngày mồ côi… (20/11/2021)
Đôi dép (17/11/2021)
Khát (12/11/2021)
Thần cây thị (05/11/2021)
Hoa cúc trắng (20/10/2021)
Vòm xanh nõn lá (14/10/2021)
Khế (08/10/2021)