Truyện ngắn
Tướng Trần Văn Trân
10:34 | 22/12/2021

HÀ KHÁNH LINH
              Truyện

Tôi kịp đến Campuchia lần đầu khi bộ đội Việt Nam vừa đánh trả bọn Khmer đỏ Polpot tràn qua xâm lược các tỉnh biên giới Tây Nam nước Việt Nam ta giết hại nhiều đồng bào ta, nhất là tại Ba Chúc - An Giang có hơn 3000 người dân bị giết hại!

Tướng Trần Văn Trân
Tướng Trần Văn Trân và chiếc đài kỷ vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Ảnh: baophapluat.vn

Quân ta đánh trả dồn quân Polpot qua biên giới - tiến sâu vào thủ đô Phnômpênh - giải phóng nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng của Polpot! Một đất nước Campuchia tan hoang ngổn ngang đầy máu và nước mắt của dân lành vô tội bày ra trước mắt chúng tôi. Những người dân Campuchia còn sống sót đã chạy ùa ra ôm chặt các anh bộ đội Việt Nam vừa thốt kêu:

- Các anh em là Thiên sứ của nhà Trời phái đến để cứu chúng tôi!...

Tôi đi ô tô từ Huế đến Tây Ninh, qua Phnômpênh rồi lên Siêm Riệp... Trên cung đường bắt đầu bằng cái lạnh buốt xương 13°C tại Huế đến nắng cháy bỏng rát 43°C tại Campuchia trên những cung đường với những ổ voi ổ gà tung bụi mịt mù và đầy dẫy bom mìn của Polpot…

Lần thứ hai tôi trở lại Campuchia bằng máy bay. Đón tôi tại sân bay Phnômpênh là anh em bộ đội Việt Nam. Đi vào khu chuyên gia quen thuộc, ngang qua các vòm cổng là chỗ ở và làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Côn, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, của Trưởng đoàn Chuyên gia… Xe đưa tôi đến một vòm cổng “lạ”. Anh em bộ đội trên xe cho biết đây là chỗ ở và làm việc của Tư lệnh trưởng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia: Tướng Trần Văn Trân.

Tôi chợt hiểu Bộ trưởng Quốc phòng đã về nước, giờ đây chỉ còn Tổng Tham mưu trưởng Tư lệnh trưởng cho Bộ Quốc phòng của nước bạn.

Tôi khá bất ngờ vì Tổng Tham mưu trưởng Tư lệnh trưởng Bộ Quốc phòng là một vị tướng Việt Nam cao lớn, đẹp trai đúng mức, và đặc biệt là nói rặt giọng Huế! Ông cùng với anh em đưa tôi lên phòng riêng của ông rồi bảo:

- Chị ở phòng này, còn tôi đã dọn xuống ở cùng với anh em.

Tôi ngạc nhiên đưa mắt nhìn ông với rất nhiều dấu hỏi.

Như đọc được cái nhìn ấy, ông nói:

- Phòng này là… tiện nhất… cho chị.

Câu nói ngập ngừng của vị tướng chỉ huy cho tôi hiểu được rằng “tiện” ở đây không thuần túy là tiện nghi, mà còn là an ninh, an toàn…

Ông rời khỏi căn phòng và đi xuống cùng anh em.

Căn phòng rộng rãi thoáng mát và đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt điều gây chú ý trước hết là rất nhiều tranh, ảnh nghệ thuật cũng như ảnh tư liệu về Huế - cả những bài báo nhỏ viết về Huế cũng được treo dán khắp nơi, nhất là chung quanh chỗ nằm nghỉ. Tôi đã từng gặp nhiều người Huế xa xứ với lòng nhớ Huế không lúc nào nguôi, nhưng nhớ thương Huế đến cỡ này thì tôi mới thấy lần đầu! Những bức tường cao đẹp, sáng choang mà cắt dán lên đó những bài báo nhỏ xíu kèm những bức ảnh minh họa cũng bằng mực đen - phải nhìn với cự ly rất gần mới có thể thấy rõ được, mới có thể đọc được! Chứ thoạt trông qua thì rất mất mỹ quan!

Trong bữa cơm trưa, bên bàn ăn chỉ có hai người, Tư lệnh Trưởng - Tổng Tham mưu Trưởng Bộ Quốc phòng nói:

- Theo yêu cầu của “cha” tôi đã bố trí máy bay để sáng mai “cha” đi Siêm Riệp.

Lúc mới đến tôi đã nghe ông gọi anh em bộ đội bằng đại từ nhân xưng “cha” này “chả” kia. Ai ngờ chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ làm cách của ông, tôi cũng đã được ông xếp vào hàng anh em thân thiết để xưng hô bằng đại từ nhân xưng này.

- “Cha” ăn nhiều vô để còn lấy sức mà đi làm việc! Trên đó… vẫn còn nhiều vùng chưa ổn lắm, bọn tàn quân Polpot ở biên giới Thái - Miên vẫn còn lén về quậy phá… Siêm Riệp. Ôt Đô Miên Chay mà “cha” sắp đi đến là một trong những điểm nóng biên giới…

- Siêm Riệp - Ôt Đô Miên Chay là tỉnh hợp nhất kết nghĩa với tỉnh Bình Trị Thiên của chúng ta…

9 giờ sáng Tư lệnh trưởng - Tổng Tham mưu trưởng Trần Văn Trân lên xe đưa tôi ra sân bay Phnômpênh. Trên xe, ông nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, cũng như nói với tôi đều dùng đại từ “cha”.

Chuyến bay có một phi công lái chính với một lái phụ, và một hành khách là tôi. Càng bất ngờ hơn vì chỉ chở một người thì bố trí loại trực thăng HU1A hoặc HU1B là quá đủ rồi, đằng này là một chiếc máy bay to, rộng, sơn màu xanh nước biển. Trước khi leo lên tôi chỉ kịp đọc hàng chữ kẻ trên thân máy bay là ALLS. Trên máy bay tôi nói lên băn khoăn này với anh lái phụ khi anh bưng ly nước mát đến mời tôi. Anh giải thích:

- Đây cũng là một loại trực thăng chị ạ. Loại này có thể chở một trung đội…

Lần này không chỉ trở lại Siêm Riệp Ôt Đô Miên Chay thăm các đơn vị quân đội thuộc Mặt trận 479, mà tôi còn thăm một số cơ quan Dân- Chính-Đảng của bạn mà tôi đã quen thân, thấy khá ổn định và phát triển, tiến bộ hơn trước rất nhiều. Trên tinh thần bộ đội Việt Nam chuẩn bị rút về nước, nên đi đến đâu tôi cũng bắt gặp sự lo lắng, băn khoăn, thắc thỏm của các tầng lớp nhân dân Campuchia. Bà con không ngần ngại thổ lộ với tôi rằng không biết rồi đây sẽ sống ra sao khi bộ đội Việt Nam rút về hết! Sống với nhau thương nhau nhiều như thế… mà đến lúc phải chia xa… Chưa kể rằng bọn tàn quân Polbot độc ác vẫn vượt biên giới về quấy phá! Không biết rồi có được sống bình yên hay không?… Tôi đã lựa lời động viên an ủi bà con, nhất là với các má các dì, rằng chính quyền các cấp đã được kiện toàn, các lực lượng vũ trang nhân dân Campuchia đã trưởng thành nhiều, chắc chắn sẽ tiếp tục trừng trị bọn đồ tể còn sống sót đó… Với lại Việt Nam luôn ở bên Campuchia, các má các chị đừng lo!…

Tôi kể lại những cuộc gặp gỡ đó và những sự kiện của chuyến đi sau khi tôi trên đường trở về Việt Nam, ghé qua Phnômpênh gặp tướng Trần Văn Trân. Tướng Trần Văn Trân chăm chú lắng nghe như uống từng lời từng chữ của tôi. Nhất là khi tôi kể hôm tôi cùng với Phó Tư lệnh Mặt trận 479 bay lên một điểm chốt ở Sàm- Rông thuộc Ôt Đô Miên Chay. Được biết cách đó hai ngày Tư lệnh trưởng đã bị tên lửa mặt đất H12 của tàn quân Polbot bắn hạ hy sinh - Khi cũng đi máy bay HU1A bay ngang qua khu rừng Thốt Nốt lên một điểm chốt khác với anh em. Khi máy bay vừa tiếp đất chúng tôi bước xuống, một số anh em cán bộ chiến sĩ chạy ùa ra rối rít chào Tư lệnh phó và chào tôi rồi hét to lên:

- Văn công! Văn công!…

- Không phải Văn công đâu! Cô ấy là nhà văn, nhà báo…

Anh em dẫn tôi xuống công sự, trải vải bạt mời ngồi. Trong công sự ngoài anh em bộ đội còn có một người phụ nữ Khmer với hai con nhỏ - một trai một gái.

- Bà con dân làng ở đây thường bỏ cửa nhà, dắt díu nhau theo anh em chúng tôi như vậy… Chúng tôi không còn cách nào khác… - Anh em giải thích.

Một câu nói được lặp lại nhiều lần là:

- Lâu lắm rồi chúng tôi mới được gặp, được nhìn thấy một người phụ nữ Việt Nam!…

Nói rồi anh em vội đi bứt những tờ giấy trắng trong sổ tay của mình để viết thư nhờ tôi gởi cho người thân ở quê nhà. Tôi nói, tôi còn phải ở lại Siêm Riệp một thời gian, sau đó còn phải đi đến một số tỉnh thành khác trước khi trở về Việt Nam, nhưng tôi sẽ tìm cách gởi tất cả thư này về nước bằng con đường ngắn nhất nhanh nhất. Có những bức thư anh em không có phong bì, hai em nhỏ Campuchia đã lấy giấy vở của mình đưa cho các chú để làm phong bì, nhưng các chú gạt đi. Vì đó là giấy vở các chú khó khăn lắm mới kiếm được để dạy cho hai em học. Tôi nói rằng tôi sẽ lo liệu việc làm phong bì trước lúc gởi. Một số anh em còn rất trẻ cứ dí những mảnh giấy nhỏ vào tay tôi vừa năn nỉ:

- Khi nào chị về nước chị hãy đến thăm gia đình em, thăm cha mẹ em ở tỉnh... thành... huyện... Tôi nhận lời vừa mở túi xách của mình lấy kim chỉ ra để kết những hạt cúc áo của anh em bị rời ra. Có anh bộ đội mặt non choẹt mãi không tìm thấy hạt cúc rời của mình, nên tôi đã phải cắt một hạt cúc ở cuối vạt áo sơ mi của mình kết lên chỗ cúc khuyết cho anh bộ đội ấy… Anh em bộ đội ngồi thành một vòng tròn quanh tôi, chỉ có cô bé Sovanny ngồi lọt thỏm vào giữa - ngước mắt nhìn tôi không chớp. Cả ba mẹ con cô bé đều nói được tiếng Việt. Mẹ Sovanny kể rằng một đêm đầu năm 1981 bọn tàn quân Polpot ập vô nhà bắt chồng của chị. Sáng hôm sau chị cõng bé Sovanny chưa đầy một tuổi tay dắt anh trai Sovanny lên bốn tuổi nhắm hướng rừng Sàm Rông mà đi, vừa đi vừa khóc khô cạn cả nước mắt! Đi đến gần tối cả ba mẹ con đều đói khát, kiệt sức cũng vừa lúc gặp được các chú bộ đội Việt Nam. Ba mẹ con được các chú cho ở chung trong công sự. Được nhường cơm ăn, nước uống, nhường cả chỗ nằm… Và về sau còn phải làm thầy giáo dạy học cho các cháu - các cháu đã lớn lên trong công sự. Nghe đến đây tôi đảo mắt quan sát và ước lượng diện tích công sự. Đó là một khoảng đất trống hình vuông được đào sâu chừng một mét hai (1,20m), mỗi cạnh hình vuông chừng hai mươi mét (20m). Từ mép công sự - tức cạnh của mỗi hình vuông - cây rừng được chặt phá hết sạch - để lộ một khoảng trống cỡ trên năm mươi mét (50m) - cả bốn bên đều như thế. Anh em bộ đội giải thích là vì cự ly của đạn B40 và B41 là năm mươi mét (50m). Bọn tàn quân Polpot thường dùng loại vũ khí này để tấn công vào chỗ đóng quân của bộ đội, cũng như thường dùng tên lửa mặt đất H12 để bắn hạ những chiếc trực thăng đưa thức ăn nước uống đến cho bộ đội.

Khi tôi vừa mới bước xuống từ trực thăng ALLS thấy chung quanh công sự rải rác đây đó những cánh võng anh em bộ đội đang nằm đọc sách báo. Giờ đây tôi đưa mắt đảo một vòng thấy những cánh võng không có ai nằm, mà vây quanh tôi đông hơn, nhiều hơn… Tư lệnh phó đang làm việc với Ban chỉ huy. Tôi bước lên khỏi công sự, dạo một vòng quanh doanh trại dưới cái nóng gắt của vạt rừng trống hoang bởi được phát quang. Khi đi ngang qua vài cánh võng tôi tiện tay vớ trong cánh võng một tập dày quay ronéo chi chít chữ đưa lên xem, coi thử anh em bộ đội ở đây đang đọc gì. Thật hết sức bất ngờ và xúc động: NỤ CƯỜI APSARA - tập truyện và ký của Hà Khánh Linh!

Nhưng sao là bản quay ronéo?

Sau khi làm việc với Ban chỉ huy tôi lại xuống công sự ngồi với anh em. Tôi hỏi anh em đọc truyện và ký NỤ CƯỜI APSARA thấy như thế nào?

Một số anh em đồng thanh đáp:

- Viết rất thật! Rất sâu sát! Rất hay!…

Có anh nói:

- Khi đọc chúng tôi không nghĩ người viết NỤ CƯỜI APSARA là một phụ nữ như thế này…

Khi nghe đến đây, tướng Trần Văn Trân nói:

- Văn phòng Bộ cho quân về Sài Gòn mua vét hết NỤ CƯỜI APSARA đem qua Campuchia cho bộ đội đọc. Do không đủ, nên chúng tôi phải cho đánh máy, quay ronéo thêm nhiều lần…

Nói rồi tướng Trần Văn Trân dẫn tôi tới kho lưu trữ. Giữa bốn bề ngổn ngang sách báo, giấy tờ, tôi bắt gặp những bản quay ronéo như anh em bộ đội đang đọc ở Sàm Rông. Tôi cầm một bản về phòng đọc. Thấy rất nhiều lỗi trong quá trình đánh máy!

Trong lúc tôi đang lật từng trang ronéo NỤ CƯỜI APSARA thì tướng Trần Văn Trân soạn hành lý của tôi, bày hết lên sàn nhà. Khá nhiều thứ bị ông tuyên bố vứt bỏ, nhất là các kỷ vật tôi kiếm được trong chuyến đi.

- “Cha” này tưởng sức khỏe tốt lắm hay sao mà toàn vác đá với gạch vụn của người ta đem về nhà!…

Ông nói vừa vứt mấy món đồ của tôi vào sọt rác. Đó là những mảnh đá cổ tôi nhặt dưới chân các ngôi đền tháp AngKor Wat, AngKor Thom, Bântir Sereiz… Một số tượng đá tôi mua; có một cái của Pyza - phóng viên Thông tấn xã SPK tặng tôi. Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười chờ ông “hạ hỏa” rồi cùng đi ăn cơm. Khi trở về phòng tôi nhặt lại tất cả, rồi đặt vào một vị trí kín đáo, bên trên được ngụy trang bằng mấy món nội y của mình.

Yên trí túi xách, ba lô của tôi đã rỗng, nên tướng Trần Văn Trân cho người đi mua đường thốt nốt, trái cây, bánh kẹo các loại - đặt vào.

Tôi có thói quen khi đến đơn vị nào tôi không quan tâm “lý lịch” của vị chỉ huy, mà chỉ tập trung vào anh em thuộc cấp, quan sát họ đang sống và chiến đấu như thế nào, bám chặt các diễn biến trận mạc cũng như tâm lý tình cảm của anh em… Còn các vị chỉ huy ư? Họ đã đạt đến chức vụ ấy, quân hàm ấy, trách nhiệm ấy - đương nhiên họ đã qua một quá trình chiến đấu rèn luyện trong máu lửa… Tôi chỉ tập trung quan tâm thế trận đang bày ra trước mắt họ và quan sát phương thức họ chỉ huy đánh trả… Thế nhưng sau chuyến đi Campuchia lần này trở về Việt Nam - tôi cứ nghĩ về vị tướng người Huế - nói đặc giọng Huế, với cá tính độc đáo của ông! Tôi chia sẻ điều đó với một anh bạn đồng nghiệp đang công tác tại báo Tiền Phong. Nghe xong anh thốt kêu:

- Đó nguyên là Sư đoàn trưởng của chúng tôi - sau khi ông được trao trả tù binh tại bờ Nam sông Thạch Hãn theo tinh thần của Hiệp định Paris 1973.

- Ôi! Đó là nhân vật bất ngờ nhảy xuống sông Thạch Hãn bơi qua bờ bên kia trước sự ngỡ ngàng bối rối của quân địch?

- Đúng thế!

- Trời đất! Chuyện đó tôi có biết, nhưng hết sức bất ngờ đấy là Tư lệnh trưởng Trần Văn Trân mà tôi vừa gặp trong chuyến đi Campuchia vừa qua…

Sự kiện ngày 18/3/1973 hai bên trao trả tù theo tinh thần Hiệp định Paris 1973. Tướng Trần Văn Trân với tên gọi Nguyễn Văn Thương trong thời gian ở tù 1970 - 1973 - có trong danh sách được trao trả đợt này. Từ bờ nam sông Thạch Hãn, phía chính quyền Sài Gòn thấy bên bờ bắc sông có rất nhiều xe ô tô hạng sang của quân đội với một số sĩ quan quân đội đang háo hức hăm hở nồng nhiệt… - hướng mắt về bờ nam nên họ tự hỏi: Trong số những tù nhân được trao trả hôm nay có ai là nhân vật sáng giá, là cốt cán của Việt Cộng - mà có sự chuẩn bị đón tiếp long trọng như thế ở bờ bắc kia?!… Họ đang nghi ngờ vừa bàn bạc tính toán trì hoãn cuộc trao trả - Trước mắt là mau đưa số tù nhân này lùi sâu hơn về phía bờ nam một chút… Liền lấy danh sách ra để gọi tên.

Khi cái tên Nguyễn Văn Thương vừa được xướng lên. Người được gọi vừa bước ra, liền bị một sĩ quan Sài Gòn gọi giật lại và đưa tay để kéo ông về phía sau. Ông nhanh chóng lao về phía trước, nhảy xuống dòng sông, lặn thật sâu, và rất lâu. Tất cả mọi người đều bất ngờ. Đám sĩ quan Sài Gòn theo phản xạ giương súng lên định lẫy cò, nhưng sực nhớ tinh thần của Hiệp định Paris 1973 nên kịp dừng tay… Đúng vào tích tắc đó ông đã lặn ra đến điểm giữa của dòng sông, ông bắt đầu ngoi đầu lên một chút để thở vội, rồi ngụp xuống lặn tiếp. Ngay cả phía bờ Bắc cũng bất ngờ bối rối trước sự kiện này, nhưng kịp trấn tĩnh lại, lấy thuyền con bơi ra để đón ông. Toàn bộ Quân, Chính của Sài Gòn bên bờ Nam đều vò đầu, bứt tai dậm chân, vỗ trán vì đã để sổng mất một cán binh cao cấp của Việt Cộng!… Tại sao có sự nhầm lẫn này?!… Chàng trai Huế nhập ngũ những ngày đầu Cách mạng tháng 8/1945 - vào Đảng năm 1946 - chiến đấu chống thực dân Pháp tại mặt trận Bình Trị Thiên tại các Trung đoàn 95 và 101, rồi Trung đoàn Trần Cao Vân. Tháng 10/1963 chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên làm Sư đoàn phó, rồi Sư đoàn trưởng của Sư đoàn 1 với hàm Thượng tá. Tháng 2 năm 1970 trong một lần đi khảo sát trận địa ông cùng đoàn cán bộ đang vượt sông Vĩnh Tế - Châu Đốc - An Giang thì bị địch phục kích. Người hy sinh, người bị bắt, người bị thương. Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân cũng bị thương nên không thể chạy thoát được. Đang tiên liệu tình huống xấu hơn có thể xảy ra - cùng lúc thấy đồng chí quân y đi cùng đã hy sinh - giữa mênh mông sóng nước ông đã nhanh chóng với lấy cái túi quân y quàng lên vai mình. Vậy nên khi bị địch bắt và bị tra khảo, ông khai mình là Thượng sỹ quân y tên là Nguyễn Văn Thương, chuyên môn là y tá Đông y. Đối phương nghi ngờ vì thấy vẻ bề ngoài, phong thái, tính cách của ông… Nên cứ gặng hỏi mãi, tra khảo mãi, ông vẫn một mực giữ lời khai ban đầu. Chúng thử thách ông bằng việc chữa bệnh cho tù binh trong trại tù. May thay những ngày ở chiến khu Ba Lòng, Dương Hòa (Bình Trị Thiên) thời chống Pháp ông cũng học lỏm được đôi chút về quân y. Chưa dừng lại ở đó, một lần vợ của tên giám thị trại giam bị bệnh thần kinh tọa và muốn được châm cứu. Trần Văn Trân rất lo lắng. Châm cứu mà sai huyệt là tai họa khôn lường! Nhưng là Thượng sĩ quân y mà không biết châm cứu sao?! Trong lúc bí bách ông chợt nhớ ra thời thiếu thốn tại chiến khu Dương Hòa (Bình Trị Thiên) đã có lúc anh em dùng viên gạch nung nóng chờm với lá ngải cứu để giải quyết bệnh thần kinh tọa. Ông thực hiện ngay. Kết quả, vợ của tên giám thị trại giam đỡ đau, đứng lên đi lại được. Nhưng đối phương vẫn tiếp tục nghi ngờ về nhân thân của ông. Tên giám thị hỏi thẳng ông:

- Bề ngoài của anh sang trọng quắc thước là vậy, tuổi cũng không còn trẻ nữa, cớ sao chỉ là Thượng sĩ mà thôi?

Ông giải thích rằng cấp hàm quân y chưa có bằng Đại học y như chúng tôi thì cao nhất chỉ là thượng sĩ. Nếu công việc xuất sắc thì có thể được hưởng thêm phụ cấp.

Sau giải thích hợp tình hợp lý của ông, giám thị trại giam và thuộc cấp bớt nghi ngờ người tù Thượng sĩ Đông y mang số tù 414-10922 Nguyễn Văn Thương!…

Từ bờ sông Thạch Hãn trở về với đồng bào, đồng chí đồng đội, ông được cấp trên thăng quân hàm Đại tá và làm Tư lệnh trưởng Sư đoàn 341. Tại Nam bộ trước khi bị địch bắt ông được dân và quân ở đó gọi thân mật là Ba Trân - Ba Trân Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Giờ đây Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 cũng được quân và dân ở miền Trung gọi là Ba Trân. Anh em cán bộ chiến sĩ thuộc cấp của ông, nhất là Đại đội trinh sát C20 luôn coi Ba Trân là thần tượng về tất cả mọi phương diện.

Ông lại được lệnh đưa cả Sư đoàn 341 vào mặt trận miền Đông Nam bộ, Sư đoàn được đổi phiên hiệu từ SÔNG LAM 341 thành Sư đoàn 1 trong đội hình Quân đoàn 4 - do Trung tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh đánh trận Xuân Lộc nổi tiếng, tiến vô giải phóng Sài Gòn và làm quân quản cho đến lúc có chính quyền dân sự. Đại tá Trần Văn Trân được thăng quân hàm Thiếu tướng, làm Phó tư lệnh Quân đoàn 4 một thời gian rồi được điều động lên Đà Lạt làm Phó Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt. Từ 1984- 1987 ông làm Tham mưu phó rồi Tham mưu trưởng Mặt trận 719 đánh đổ bọn Polbot giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Từ tháng 5/1988 ông giữ trọng trách giúp Bộ Quốc phòng Campuchia với cương vị Tư lệnh trưởng kiêm Tổng Tham mưu trưởng.

Người chiến binh nhạy bén, mưu trí, anh hùng, dũng cảm trên sa trường, trận mạc ấy - đã dành cho quê hương Huế một tình yêu, nỗi nhớ thâm thầm da diết khi phải đi xa! Những bức tường sáng choang dán đầy những tranh ảnh với mấy bài báo to nhỏ viết về Huế chi chít mực đen trắng… đã ám ảnh tôi trên suốt những chặng đường…

- “Cha” ở lại Phnômpênh vài hôm nghỉ ngơi cho lại sức rồi hẵng về!…

- Cám ơn, tôi bận lắm, nên phải về nước vào sáng sớm mai thôi…

Khi đã hoàn thành nhiệm vụ và rút quân về Sài Gòn được thăng quân hàm Trung tướng, mỗi khi về thăm Huế tướng Trần Văn Trân đều ghé thăm tôi, khi thì đi một mình, khi đến thăm cùng với phu nhân - là một nữ nhà giáo rất Huế. Bất ngờ nhìn thấy những “đá gạch vụn” mà ông đã từng vứt vào sọt rác tại Phnômpênh ngày nào - giờ được chưng trang trọng tại phòng khách nhà tôi, ông chỉ đưa mắt nhìn mà không nói gì!…

H.K.L  
(TCSH43SDB/12-2021)



 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Về nhà (08/12/2021)
Chân ái (03/12/2021)
Ngày mồ côi… (20/11/2021)
Đôi dép (17/11/2021)
Khát (12/11/2021)
Thần cây thị (05/11/2021)
Hoa cúc trắng (20/10/2021)
Vòm xanh nõn lá (14/10/2021)