Truyện ngắn
Những người trú trong bóng chân
09:06 | 11/02/2022


TRẦN BĂNG KHUÊ

Những người trú trong bóng chân
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

1.  
hai không hai mươi.
hai không hai mươi mốt.
hai không hai mươi.
hai không hai mươi mốt.
Tháng năm. Tháng sáu. Tháng bảy. Và...
Tháng mười. Cây đổ. Người xuống huyệt mộ. Kẻ hóa thành tro cốt.
Sáu. Bảy. Tám.

Anh ta lặp đi lặp lại điệp khúc về những con số mãi không chịu dừng. Nhà hàng xóm thì bắt đầu mở câu chuyện “đêm nguyệt cầm” từ năm ngoái vào lúc ba giờ chiều đến tận năm nay. Đôi vợ chồng già trong một căn nhà cũ kỹ màu rêu. Không hiểu, ai trong hai người là kẻ si tình với “đêm nguyệt cầm” kia nhỉ? Tôi đoán chắc hẳn ông lão tóc bạc gần tám mươi vẫn khỏe mạnh hồng hào mặc áo ba lỗ quần đùi ra đứng khởi động tay chân trước cửa nhà mỗi sáng. Họ sẽ chẳng bao giờ dừng lại việc hồi tưởng tuổi trẻ. (Dù rằng tuổi trẻ chỉ còn là một cái bóng mờ vô vọng đối với hầu hết chúng ta).

Anh ta, người đàn ông thích đếm những con số thì loay hoay lãng quên mất tuổi trẻ. Từ khi anh ta hai mươi tư đến gần xấp xỉ bốn mươi. Câu chuyện của anh ta là đếm những con số. Chúng nhảy nhót quanh quẩn trong đầu trong não của anh ta, khiến anh ta trở nên cằn cỗi. Anh ta làm việc như một cái máy. Tiền lương. Tiền nhà. Tiền điện nước. Tiền tiêu vặt. Tiền nợ. Chẳng mấy chốc mà anh ta già đi thấy rõ. Chỉ hai năm trở lại đây. Anh ta chơi thêm trò đếm những con số khác. Chẳng liên quan đến tiền. Nhưng cũng khiến anh ta bị hao hụt bớt tuổi trẻ.

“Tháng mười. Tháng mười một. Tháng...”.

“Này,...”. Tôi ngắt lời anh ta. Và sau đó im lặng. Tôi cảm thấy không cần thiết phải thêm vế sau. Tôi vẫn chưa chịu chấp nhận sự hiện diện của tháng mười. Khi mà trước đó vài tháng, tôi đã từng nhắc tháng mười cùng với những con số của mùa cách ly. Mười bốn. Hai mươi mốt. Hai mươi tám. Và đồng thời cho đến khi tháng mười đi qua, tôi phải tiếp tục đếm cho đủ số bốn mươi chín. Làm cách nào để chấp nhận việc một con người thân yêu của tôi vừa mới nằm sâu trong ba tấc đất?

2.
Hai mươi ba giờ. Hai mươi tư giờ. Hẳn là phải qua đến thời khắc của ngày hôm sau anh ta mới ngừng đếm những con số, nếu tôi không lên tiếng phản đối. “Thế giới này thật là đáng sợ”, anh ta lẩm bẩm và ngừng đếm. Tuy nhiên mắt vẫn chăm chú nhìn màn hình máy tính và những dãy số vàng, xanh dài. Tôi nhìn về phía anh ta, người đàn ông luôn mặc chiếc áo màu xanh đại dương. (Ngược lại tôi lại thích màu đen và luôn tự tin tỏa sáng trong bóng tối). Tôi bỗng nhớ căn nhà nằm sau lưng biển của người đàn bà có đôi mắt sáng vừa mới qua đời vào tháng mười. Tôi thì vẫn thi thoảng hồi tưởng về ký ức của mình. Hai mươi tư tuổi, tôi rời bỏ một cuộc tình, và đón nhận một cuộc tình khác. Chóng vánh như cảm xúc. Ranh giới của mọi sự lựa chọn cũng y hệt nước thủy triều.

Bất chợt anh ta ngoảnh mặt về phía tôi rồi nói một ẩn ý không đầu không cuối: “Chúng chỉ khác nhau một con số”.

“Hẳn nhiên là thế rồi. Nhưng có rất nhiều con số khác nhau. Thậm chí có những con số, khi chúng ta thống kê nó, nỗi đau sẽ đến”. Anh ta câm lặng như một ngọn nến. Tôi sẽ tắt đèn để thắp nến trong đêm nay. Một cơ số linh hồn đang cần được nhớ đến. Người ta nhắc nhở chúng tôi thế. (Hoặc cũng có thể chỉ dành cho một người duy nhất vừa mới qua đời trong căn nhà phía sau lưng biển).

Tôi không kiểm soát được việc tôi đang tiệm tiến dần đến cái ranh giới mà bấy lâu nay tôi dứt khoát không chịu thừa nhận. Tôi hồ tưởng rằng, nếu tôi cố tự dối lừa mình bằng mọi cách, bằng mọi công việc cô độc mà tôi đang làm, tôi sẽ vượt qua được ranh giới đó. Tôi có thể từ bóng tối bước ra ánh sáng, hoặc ngược lại trong nháy mắt. Nó, có khi chỉ cách tôi một đốt ngón tay, một bàn chân bước. Chẳng hạn như việc mà tôi biết, các thực khách muốn ăn tối ở quán bar Slovenia phải sang Croatia đi toilet. Hoặc câu chuyện ngồi trong nhà hàng ở Bsingen am Hochrhein, trên lãnh thổ Thụy Sĩ, có thể với tay sang Đức để lấy bia. Và một con đường thuộc Bỉ lại nằm trong lòng nước Đức. Tôi nghĩ ranh giới địa lý cũng có thể diễn tả việc mà tôi muốn nói đến, thứ ranh giới trong đời sống tinh thần, trong mọi cung bậc xúc cảm, dường như chúng luôn luôn biến đổi từng phút giây vậy. Nhanh hơn cả một cái nháy mắt.

Đêm qua, tôi không nằm mơ thấy nó nữa. Thứ bí ẩn đằng sau những con số có hình dáng kỳ quặc dưới ánh sáng của một ngọn nến.

3.
Mỗi sớm tôi đều được đánh thức bằng một nụ hôn nhẹ lên trán. Ấy vậy, tôi vẫn gào lên với tình yêu của tôi về những con số của tháng này. Hẳn là lại bị hao hụt bởi một vài thứ không đâu. Tôi ghét việc anh ta chơi trò đếm số mỗi đêm, nhưng tôi lại thích nhắc về những con số trong tài khoản của mình. Thật là khó hiểu và cực kỳ mâu thuẫn.

Tối qua tôi đã xem bộ phim với sự góp mặt của tài tử điện ảnh Johnny Depp, người hóa thân trong hình bóng của Cướp biển Caribean huyền thoại. Ranh giới hay - dở của bộ phim này với tôi chỉ là câu thoại duy nhất, “tao đã giết chết một chiếc gương”. Tôi không xem tiếp nữa. Bởi vì tôi nghĩ, thay vì giết tiếp những chiếc gương khác, anh ta, Johnny Depp thủ vai một nhà văn đa nhân cách, bị bệnh hoang tưởng đã chuyển sang giết người. Ranh giới của thiện - ác cũng mong manh như thế. “Đừng bàn về vấn đề đạo đức”, tôi nghe trong tai tôi lời của một học giả tóc xoăn đã từng nói cách đây vài năm khi vẫn còn tồn tại với hình hài gầy gò ốm đói. Những tháng năm trai trẻ. Hắn có quá nhiều ước mơ về câu chuyện chân trời. Bây giờ chân trời của hắn đã khác. Hắn lấy vợ. Hắn không còn gầy gò ốm đói nữa. Hình hài của hắn cũng sáng sủa hẳn. Hắn bảo, “chân trời cũng chẳng cần tìm đâu xa lắm.”

Thật ra thì tôi không định chia sẻ gì về câu chuyện đạo đức. Thứ tôi muốn là viết nốt cái ý phía sau của dòng chữ này trong quyển sổ ghi chép tay: “rồi một ngày,...” đang dở dang. Nhưng, mỗi khi tôi muốn tiếp tục thì tôi lại chần chừ. Nỗi ám ảnh về hàng loạt con người trú trong bóng chân khiến tôi hoảng hốt. (Hoặc chỉ một kẻ dị nhân duy nhất trú ẩn dưới chính bàn chân khổng lồ của mình). Ngay lúc ấy, nụ cười hiền từ của mẹ hiển hiện như Đức bà Maria. Dù rằng tôi không muốn cầu nguyện ơn cứu rỗi nữa. Tôi thực ngần ngại việc phải xin ơn cứu rỗi mỗi ngày như một con chiên ngoan đạo.

Tôi nghĩ đến hình hài của một nhân vật. Nó bất chợt nảy ra trong lớp ý nghĩ thứ nhất của tôi. Về thứ kỳ dị ấy. Thật tình cũng chẳng khó khăn gì để mô tả về một hình hài. Ấy vậy mà tôi ngại. Tôi khá ngại việc tái hiện lại hình ảnh đó trong đầu mình. Vì thế tôi tạm cất giữ nhân vật ấy trong đêm nay. Lúc này, chao ơi lúc này, ngay thời điểm này, tôi chỉ muốn lôi anh/ả ra bằm nát trên thớt, hoặc tưới cồn 90 độ lên thân thể anh/ả (hay ai cho tôi biết làm cách nào giết anh/ả ngay lập tức mà không cần phải sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào nhỉ?). Tôi cần phải tiêu diệt triệt để con quái vật chẳng hề biết ăn thịt, chưa bao giờ thèm rau củ quả, mà chỉ khoái nuốt chửng không khí, sau đó lan tỏa sự chết chóc xám ngoét trên bầu trời và cả dưới mặt đất.

4.
Hai mươi tư giờ.

Khi anh ta dừng đếm những con số. Tôi lại bắt đầu chơi trò xếp chữ. Anh ta thúc giục tôi việc đi ngủ. Tôi thì sợ những giấc mơ. Chúng thường xuyên lặp đi lặp lại. Có khi là hình bóng của người tôi yêu thương vừa rời khỏi cõi đời này vào tháng mười. Có khi chỉ là những mộng cảnh hão huyền. Tuyệt nhiên, chưa bao giờ tôi nằm mơ thấy tuổi trẻ.

Nhưng, tôi đã nhìn thấy khói. Tôi kể với anh ta về việc nhìn thấy khói. Khói lửa ở khắp mọi nơi. Khói lửa từ trong những mái nhà chật lối, chằng chịt dây điện. Khói lửa bủa vây từ các khu rừng. Khói lửa trong những đài hỏa táng. Tôi ghét phải hình dung về cái chết theo cách nào đó của riêng mình. Nhưng cần gì phải hình dung, cái chết vẫn diễn ra hàng ngày. Dưới những ngọn lửa. Việc tôi sợ lửa hẳn nhiên cũng có lý do. Tôi chưa đầy bốn tuổi, khi thời đoạn chưa có ánh sáng của đèn điện. Mái tranh của nhà tôi bốc cháy vì chiếc đèn dầu. Tôi nhớ ngọn lửa năm tôi mười lăm tuổi, những vách gỗ bị khói hù dọa từ bàn tay con người bén ngọt. Ấy thế mà, chỉ vì một vài ký ức về lửa đủ khiến tôi rùng mình nghẹt thở. Sự vụ này thì có liên quan gì đến những hình hài về một câu chuyện mà tôi đang băn khoăn nhỉ? Tôi lại mường tượng về “những người trú trong bóng chân”. Thứ hình hài này thật sự tồn tại như tôi mô tả, đó là thứ mà mọi bộ phận trên cơ thể đều đầy đủ vừa giống con người (vừa giống cả thú), chỉ riêng chi dưới, thiếu mất một chân.

5.
Tôi kể với người đàn ông rất thích mặc chiếc áo màu xanh đại dương về “những con người trú trong bóng chân”. Tôi biết và tôi thấy một chiếc tai của anh ta vừa nhích lên trong ánh sáng mờ ảo của bóng đèn 5w. Chắc chắn rằng anh ta vẫn đang nghe tôi nói chứ nhỉ?

“Hắn sẽ đứng phía sau bóng tối. Hắn linh hoạt và nguy hiểm hơn bóng tối”. Tôi tiếp tục nói. “Nhưng sau khi tạo ra hắn, đặt tên cho hắn...”. Tôi dừng lại. Chao ơi, một thứ cảm giác, một sự trống rỗng đang muốn xóa trắng mọi ý nghĩ của tôi ngay lúc này. Tôi chẳng thể nào tiếp tục công việc sáng tạo trong cảnh huống mà anh ta vẫn đang mải miết chơi trò đếm số trên màn hình phẳng. Im lặng. Một sự im lặng hoàn hảo. Không có âm thanh nào khác ngoài tiếng vòi nước bị hỏng đang nhỏ giọt trong bồn rửa bát. Tôi quyết định ngừng việc tìm kiếm những diễn tiến từ nhân vật vừa mới xuất hiện trong trí não tôi. Tuy nhiên, ít ra, tôi đã có cái tên cho hắn.

Hắn tên là E. Hắn đến với thế giới của tôi qua cánh cửa của bóng tối. Hắn cai trị một nơi rất kì quặc, không hề được xác định rõ rệt bản chất đó là thứ gì? Đó là nơi như thế nào và có hình thù ra sao? Tôi đoán thế giới của hắn chắc chắn chỉ có bóng tối. Có ai hình dung được không? Hệt như việc chúng ta hình dung về thiên đàng, địa ngục vậy.

Tôi trống rỗng khi tạo ra hắn.

Hẳn là hắn khá khoái chí khi thấy tôi không biết phải sắp xếp hắn vào thể loại nào trong thế giới này. Thế giới của những cuộc chiến vẫn đều đặn diễn ra chưa có hồi kết. Việc của tôi là tạo ra hắn, mời hắn đến chứng kiến những cuộc chiến và khiến cho sự phân định rõ rệt ranh giới giữa bóng tối - ánh sáng trở nên nhập nhằng. Tôi tạo ra hắn và hắn lại tiếp tục tạo thêm một nhân vật khác. Đây, hắn vừa nói với tôi rằng, hắn phải tìm cách giết chết cái gì đó.

Một người đàn ông khác đáp lời hắn,

“Tao đã giết một cái gương”.

Sau đó anh ta, nhân vật của E hiển thị trước mặt tôi và hắn một cách rõ rệt. Anh ta hoang mang đứng trước một chiếc gương đã bị vỡ tan nát. Anh ta nhìn thấy gì? Khói. Lửa. Chiến tranh. Hòa bình. Dịch bệnh. Xác chết? Không. Người sống. Anh ta nhìn thấy những đoàn người sống đang đi qua một cánh cửa. Cánh cửa đó xuyên thẳng một gốc cây khế khổng lồ.

Chỉ một cánh cửa hẹp. Ấy thế mà họ vẫn kiên quyết chen lấn nhau. Phía bên kia đại dương hẳn là bầu trời đã chuyển màu đêm tối từ cách đây sáu tiếng. Ở đó chắc phải có những giấc mơ.

“Mình đã giết một chiếc gương”.

Anh ta gào lên tiếp rằng, “tôi đã thấy sự phập phồng tan nát”. Chao ơi, lại là thứ khái niệm khó hiểu của một kẻ tâm thần bị giam lỏng trong bóng tối và những bức tường trắng. Tôi đã để cho anh ta được phép gào lên thật to. Nhưng không. Anh ta vẫn nhấn giọng trầm xuống từng chữ một. Tôi nói với anh ta rằng, “Thế giới này thật đáng thương. Con người thật cô độc”. Anh ta nhìn vào mắt tôi, đôi viên bi đen lõm vào hai cái hốc tối sâu hoắm như lỗ đen của vũ trụ huyền bí.

Hóa ra tôi vừa trò chuyện với gã nhà văn bị bệnh hoang tưởng trong bộ phim có Johnny Depp thủ vai.

6.
Tôi nói với người đàn ông luôn đánh thức tôi với một nụ hôn nhẹ lên trán mỗi sáng sớm rằng, tối nay tôi sẽ viết nốt câu chuyện. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Mẹ đang gọi. Tôi nhấn nút kết nối. Mẹ cười, nụ cười cách xa sáu trăm kilomet. Hơn một năm rồi chúng tôi không thể về với mẹ. Nụ cười của mẹ trên màn hình smartphone thật ấm áp giữa những tháng ngày dịch bệnh khốn khổ. Mẹ vừa cười, vừa hỏi về những con số, dĩ nhiên bà vẫn không quên nhắc đi nhắc lại lời răn quen thuộc “phải bới đất nhặt cỏ”. Tôi gãi đầu gãi tai, ngại ngùng trước nụ cười của mẹ. Sao tôi lại không làm được như thế nhỉ? Tối qua tôi vừa mới xua đuổi tình yêu của tôi. Và thật tình, lúc đó tôi thèm được khóc. Giá có thể khóc, tôi muốn trình bày sự dài dòng phía sau của câu chuyện của mình lắm. Nhưng tôi vẫn không làm được. Nụ cười của mẹ ở vùng phong tỏa vừa mới được gỡ bỏ lệnh cách ly tạm thời xóa bay một khoảng trắng tôi đang cố tìm kiếm trong hàng mớ dữ liệu tôi có. Nụ cười của mẹ, chiếc răng bị thiếu ở hàng trên của mẹ, giống như việc cuộc đời mẹ trống đi một chỗ khi bố mất. Tôi nhìn đôi mắt bình thản đó, tôi thấy tôi già đi nhiều hơn.

Tâm hồn cằn cỗi của tôi. Tâm hồn yếu đuối đầy nỗi sợ hãi của tôi. Tâm hồn dễ bị thương tổn của tôi. Tôi không mô tả cụ thể về cuộc đời tôi nữa, về thế giới loài người đầy khổ hạnh này, (vì hẳn là ai cũng nhìn thấy) chúng luôn làm tôi phiền muộn mỗi ngày. Thật tình, ranh giới của mọi sự đối lập đều mong manh. Hẳn nhiên sự sống và cái chết cũng thế. Tôi nghĩ tôi không nên nói về sự đối lập, hoặc cái ý đồ của một câu chuyện đang được tôi thu vén sắp xếp. Thật vớ vẩn. Làm sao để thoát ra khỏi cái bóng của kẻ dị nhân chỉ có một bàn chân lớn được nhỉ? Cái bóng chân đầy lông, mọc tua tủa hệt như loài người chưa tiến hóa thời tiền sử. Tôi lại liên tưởng đến quả cầu có nhiều gai. Chúng khiến dịch bệnh chết chóc bao trùm lên thế giới loài người.

“Hai không hai mươi. Hai không hai mươi mốt.”

Người đàn ông mặc chiếc áo màu xanh đại dương lại ngồi đếm những con số trong bóng tối. Tôi thì nhìn về phía bóng tối để đếm những giấc mơ. Hoặc đếm nỗi đau. Sự mất mát. Tôi rảnh rỗi đến nỗi, có lần tôi còn định ngồi phân loại cái chết. Kể cả sự cô độc. Nhưng đôi khi tôi lại tìm cách chạy trốn. Không muốn đối diện với việc mình vừa mất đi một ai đó trên cõi đời vào tháng mười. Thật tình người đàn ông của tôi sẽ chẳng thể nào hiểu nổi tại sao tôi luôn băn khoăn về một cái chân đầy lông lá khổng lồ. (Hẳn nó không phải là một cái cây?)

7.
Tôi chợt nhớ ra tôi đã từng mơ về một bóng cây lớn. Như gã Zarathustra từng nhắc, “Con người cũng như thân cây vậy. Hễ càng muốn vươn đến những cõi miền cao thẳm rạng rỡ, thì những cỗi rễ càng bám sâu vào lòng đất, bám chặt vào những miền tối và những chiều sâu, bám sâu vào sự xấu ác”. Có một thời điểm, tôi không phải là tôi bây giờ. Tôi là tôi của lúc ấy, khi mà tôi chẳng hề u uất phiền não, khi mà tôi nhẹ nhàng tản bộ, hoặc leo qua một ngọn đồi rất thoải mái không hề mỏi mệt đôi chân. Và hẳn là kể cả khi tôi ngồi xuống đó, nơi có sự tồn tại của cây Ginkgo lá vàng mùa thu rải đầy dưới gốc, trên mặt đường, ngập lối đi phía trước nữa. Nhưng, cây Ginkgo mà tôi nhắc đã không còn hiện diện ngay thời khắc mà tôi nghĩ mình cần một nơi để được ngồi xuống, để lặng im tìm kiếm thứ gì đó đang bị trôi dạt trong tiềm thức.

Tôi cố tình chạy trốn? Phải thừa nhận rằng, tôi đang cố tình chạy trốn tất thảy mọi thứ khiến tôi đau đớn rùng mình, co quắp sợ hãi. Thế giới của tôi. Thế giới bên trong của tôi và cả thế giới bên ngoài của nhân loại hình như cũng đang bị rơi vào một trạng huống khó hiểu, không phân định được rõ ràng ranh giới. Quỷ thần ơi. Con người ơi. Tôi chỉ cần một gốc cây. Giá như cái gốc cây đó tồn tại để tôi được phép ngồi xuống, lặng im và thở.

(Hãy luôn nhớ rằng,...).

Tôi cố gắng lẩm nhẩm lặp đi lặp lại, “chỉ cần ngồi xuống, im lặng và thở”. Tâm thức của tôi sẽ nghe thấy, sau đó dần dần hé mở dù chỉ vừa đủ cho một tia sáng lọt qua. Những khổ đau, mất mát sẽ được chữa lành. Hình hài bên ngoài sự sống, cũng chỉ là một cái bóng. Hệt như đôi vợ chồng già trong căn nhà phủ màu rêu mơ mộng “đêm Nguyệt cầm” từ năm trước đến giờ. Đời người rồi sẽ sớm kết thúc trong mớ hồi tưởng, tiếc nuối của thời gian đã qua thôi.

Tháng mười. Một con người vừa mới qua đời.

Tôi thắp một ngọn nến. Sau đó bước đến giá vẽ. Bức tranh vẫn đang dở dang, “những người trú trong bóng chân”. Chẳng cần phải viết nốt một câu chuyện về E mà tôi cố tình đặt trùng tên giữa thời khắc lẽ ra người ta cần phải tắt đèn đi ngủ. Anh ta, người đàn ông thích trở về căn nhà nằm phía sau lưng biển đang mải mê trước màn hình chơi trò đếm số vẫn thì thào trước mặt tôi lúc hai mươi tư giờ, “Mười một. Mười hai. Hai không hai mươi mốt. Sắp đến bốn chín ngày rồi phải không nhỉ?”.

T.B.K  
(TCSH395/01-2022)



 

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Các bài đã đăng
Ngôi sao xanh (21/01/2022)
Kama (31/12/2021)
Chọn lựa (29/12/2021)
Về nhà (08/12/2021)
Chân ái (03/12/2021)