Truyện ngắn
Ô cửa mùa xuân
10:27 | 14/02/2022

TRẦN QUỲNH NGA

Tôi mở cửa, vứt cái ba lô to kềnh xuống sàn nhà rồi nằm vật ra giường. Tưởng sẽ ngủ được một giấc nhưng rồi không thể chợp mắt được.

Ô cửa mùa xuân
Minh họa: Ngô Lan Hương

Lại nhớ tin nhắn vừa đến lúc nửa đêm của Nguyên: “Cuộc sống của Thành giờ chỉ tính bằng ngày, mày biết không?” làm tôi sững sờ. Biết làm sao được, ba năm ở trong bản làng này là ba năm tôi rũ bỏ tất cả những gì thuộc về mình trước đó. Tôi chạy trốn ngay cả với bản thân mình bằng cách cắm cúi vào đọc và viết. Tôi hạn chế cả dùng điện thoại nên mỗi lần mở mạng kết nối, tin tức cứ kêu lên những hồi báo dài không dứt. Một trong những tin nhắn chậm chạp đến tôi đó là của Nguyên. Tin nhắn đã được gửi đi từ mấy tuần trước làm tôi chới với. Lúc này đêm đã khuya. Tôi nhìn ra ngoài trời đẫm trăng, rùng mình. Sương dưới vực đã đùn lên ngùn ngụt che chắn hết mọi lối không còn nhìn thấy mặt người nữa. Tôi bất lực bó gối ngồi chờ trời sáng. Bao lâu nay, tôi tưởng đã quên nhưng hóa ra trong lòng tôi lại đang dối mình, những nhẹ nhõm về anh chỉ nhạt phai khi cả hai chúng tôi đều có cuộc sống tốt đẹp. Đằng này…

Tôi chỉ kịp rửa mặt qua quýt rồi chạy ngay đến nhà anh. Căn phòng nhỏ nằm tít trên tầng bốn của một dãy nhà cũ bày la liệt những tranh anh vẽ. Thành chẳng bao giờ tự xem mình là một họa sỹ. Anh nói với tôi chỉ là anh thích vẽ những khi hứng khởi. Anh không xem nó là nghề, không muốn chuyên sâu vào đó, không muốn lao tâm khổ tứ vì nó.

Trước khi quen tôi, anh đã từng là một thạc sĩ chuyên ngành triết học ở Đức, xuất thân từ một gia đình danh giá có bố là một nhà ngoại giao và có công việc ổn định ở nước ngoài. Một lần về nước, run rủi thế nào ông trời đã để chúng tôi gặp nhau.

Đó là một ngày cuối năm rét mướt và trong lòng đầy nỗi buồn, tôi đã một mình ngược lên bản Thượng. Đó là nơi những năm tháng sinh viên tình nguyện cùng tôi lưu dấu bạn bè. Chỉ tiếc, lần ngược lên này chỉ mình tôi. Tôi thất tình. Lòng đang muốn trốn chạy khỏi chính mình khi phải kiên quyết chấm dứt đi một mối quan hệ không đầu không cuối nơi công sở.

Tôi đã gặp anh vào sáng đó, khi vừa quấn chăn vừa mở cửa sổ căn phòng homestay và nhìn thấy anh. Anh đang say sưa vẽ một cô bé ngồi bên bậc thang lên nhà sàn nhà ngay dưới chân mình. Tôi đã chụp được cảnh đó khi anh ngước lên nhìn tôi và cười. Bức ảnh ấy cho đến bây giờ tôi vẫn giữ như một tín vật giữa tôi và anh cho một mối quan hệ rất nhanh được bắt đầu ngay sau đó.

Tôi đã sống những tháng ngày đẹp đẽ và thi vị như thế cho đến một ngày tôi nhận được bức thư của một người phụ nữ xa lạ (người đó tự xưng là vợ anh) người đã nói rành mạch những gì thân thuộc về anh mà tôi không cần kiểm chứng nữa. Họ yêu cầu tôi rời xa anh vì tương lai của anh, gia đình anh đang rất cần để anh về nước tiếp quản công việc. “Rong chơi thế đủ rồi!” Câu nói của người đàn bà đó đã ghim vào tôi như một vết thương. Tôi lặng lẽ rời xa anh. Bởi lúc đó, tôi nghĩ, nếu nói ra cả hai chúng tôi sẽ đều cùng khó xử, vô cùng khó xử.

Tôi đã ra đi, bỏ lại sau lưng cả thành phố rực rỡ ánh đèn và những buổi chiều mù mịt khói vì tắc đường để về với bản. Khi Thành đã không cùng tôi thực hiện ước mơ thì tôi cũng không vì anh mà từ bỏ nó. Tôi đăng ký đi dạy học ở miền núi… Từ dạo đó chúng tôi không gọi điện cho nhau. Chỉ từng đó thôi đã khiến cho tôi tin chắc rằng mối quan hệ của chúng tôi đã đến hồi kết thúc. Khi một mối tình bắt đầu đẹp đẽ đến nhường nào thì kết thúc nỗi đau khổ cũng lớn lao đến nhường ấy.

*

Chiếc xe khách lên Kỳ Sơn thả tôi ở ngay một ngã rẽ. Gã tài xế vừa kéo chiếc va li to kềnh xuống xe ngại ngùng: “Cô giáo vào bản tầm này nếu không có người đón thì ngủ lại đây đã, mai hẵng đi. Đường vào bản khó đi lắm!”. “Bao xa anh?”. “Hai mươi cây số thôi, nhưng đoạn đường này thì không đo bằng thời gian được”. Gã tài xế chỉ nói được thế trước khi khuất sau đám bụi đỏ mịt mù.

- Cô giáo! Không chê anh nghèo thì lên xe?

Khi tôi đang hoang mang giữa những ngã đường thì nghe tiếng hỏi vóng vót phía sau như thế. Chử đón tôi bằng chiếc xe máy cà tàng đầy bùn đất nhìn tôi cười hiền: “Nguyên bảo tôi chờ đấy! Nào lên xe.” Chử nói rồi làm một động tác mạnh mẽ quay xe thành thục. Tôi ái ngại nhìn chiếc xe được quấn xích chung quanh lốp như bánh xe tăng. Biết làm sao được, khi đã lên đến đây thì chỉ có thể tiến chứ không lùi.

Chiếc xe như con ngựa nhảy cà tưng. Vượt qua con dốc một đoạn thôi đã làm tôi sởn người. Những “cỗ chiến xa” tự chế của người dân nơi đây phải về số một, rú ga hết cỡ, lốp xe cày bắn tung đất lên như một cỗ máy xới đất.

Sự thật giờ đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đi hết đoạn dốc đầu tiên là con đường chỉ rộng chừng một mét. Sương mù dày đặc, sương đọng rơi xuống mặt đường trơn trượt. Nhiều đoạn đường do bị nước mưa xối mòn nên giữa lòng đường bị cày sâu như một con suối. Đến nơi thì cả người đều lấm lem bùn đất.

Chử xách đồ vào phòng nội trú. Có tiếng lục cục từ phía sau mà một mùi thơm thảo mộc bốc lên từ chái bếp. Tôi mở cửa, đám học trò đã đứng ngoài kia từ bao giờ đang cười. Hai thằng bé rẽ đám đông khệnh khạng công kênh một nồi nước lá to đùng lên cho tôi tắm. Chúng đón chào tôi bằng tiếng nói rộn ràng chìm trong sương trắng. Lời Nguyên dặn trước khi vào bản “mua cho trẻ con ít kẹo” trở nên linh nghiệm lạ lùng. Đêm đó, tôi tổ chức buổi phát kẹo để làm quen xem như là lời chào hỏi thân thiện nhất.

Chỉ có Thy không lại cùng đám bạn đó. Vẫn ngồi dưới bậc cầu thang lặng lẽ. Đôi mắt mở to và buồn nhìn vào khoảng không vô định, bàn tay nhỏ bé sau gấu áo khiến tôi chần chừ lại gần. Chử đứng sau lưng tôi, nói: “Nó bị mù”.

Đó là lời đầu tiên tôi biết về Thy như một cái duyên đã định sẵn từ trước về cô bé trong bức ảnh của tôi ngày trước. Trong buổi nắng non như phủ phấn đó, cô bé ngồi tĩnh lặng, mắt hướng như nhìn lên nghe ngóng trong trẻo, ấy vậy mà giờ đây, vẫn cách ngồi đó lại khiến tôi như mắc nợ. Tôi cầm tay Thy:

- Là cô nè! Chào em.

- Dạ… - Tiếng Thy lí nhí. Bàn tay như ngập ngừng muốn rút ra khỏi tay tôi vụng về - Em…

- Nó không đi học được đâu - Tiếng Chử ngắt ngang. Rồi như định nói thêm điều gì nhưng ánh mắt của tôi đã ngăn anh lại.

- Ai bảo anh thế - Tôi lại nhìn anh - Ngày mai tôi sẽ báo Nguyên gửi vào cho tôi bộ sách chữ nổi. Tôi sẽ dạy cho Thy.

Tôi bảo Chử để Thy ở lại cùng tôi trong khu ký túc xá. Thi thoảng ngày nghỉ, cuối tuần tôi chở Thy về nhà. Đến nhà Thy, phải băng qua cung đường quanh co dưới những rừng mận già, với những chùm địa y bám chung quanh từ gốc lên ngọn. Nhà em cũng như những nếp nhà người H’Mông khác nằm san sát nhau được lợp bằng gỗ samu. Trước đây, Chử là một trong những đoàn viên thanh niên của bản được đi học tập để về xây dựng quê hương, nên tiên phong xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của bản, nhưng rồi không thể. Việc cái Thy bị mù như một bát nước hất vào ngọn lửa đổi mới đang hừng hực trong anh. Người ta không tin khi bác sĩ nói con anh do thiếu vitamin A gây triệu chứng quáng gà, dẫn tới khô mắt, nhuyễn biểu mô kết giác mạc gây mù mà tin thầy cúng. Thầy bảo nó là sao chổi, bất kể ai ở gần đều có thể bị nguy hiểm, vì thế cả họ tộc đã yêu cầu Chử phải vứt bỏ đứa bé. Nhưng anh kiên quyết không từ bỏ nó. Anh lặng lẽ dựng một cái lán ở rìa bản, nuôi Thy cho đến hôm nay.

Thời gian trôi đi, Thy đã bắt đầu học chữ và đọc được những nét chữ Braille đầu tiên trong đời. Nhìn ngón tay non nớt run rẩy của Thy khi chạm vào phím chữ bao cảm xúc của tôi như vỡ òa nhận ra giá trị của cuộc sống mà mình hướng đến. Tôi nhìn Thy, khoảng trống đen sâu thẳm im lặng đó làm cho tôi thấy nhói buốt. Đứa trẻ tật nguyền kia vẫn đang mang trong mình ước mơ được chạm tay vào cuộc sống để xem ánh sáng nó thế nào, màu sắc nó ra sao, vậy mà tôi lại có lúc trốn chạy khỏi nó.

*

Tôi đã khóc suốt đêm khi Nguyên gọi điện phân bua với tôi nhiều điều. Hóa ra lâu nay, tình cảm của tôi đã bị người ta lừa gạt mà tôi không hay. Tôi đã có ba năm tươi đẹp để yêu anh và cũng từng đó thời gian xóa anh như một vết cứa của ký ức. Vậy mà, khi con số đó gần chạm đến đích, Thành lại buộc tôi trở về trạng thái ban đầu. Như mới hôm qua thôi chúng tôi vừa cãi nhau và câu kết thúc không thể nào đau đớn hơn với một đứa giàu lòng tự trọng và bướng bỉnh: “Cô nhạt nhẽo lắm!”

Thy hình như đã cảm nhận được điều gì đó từ tôi nhưng không thể nói ra. Như để xua tan sự ủy mị trong tôi Thy hít sâu vào lồng ngực rồi cười:

- Cô giáo! Cô có ngửi thấy mùi thơm hoa mận?

Tôi nhìn lên mái nhà lợp bằng gỗ samu đã cũ. Cây mận cao vút bắt đầu lác đác bông trắng lấp lánh.

- Thơm quá…

- Đến bữa cô lên là rộ mùa đẹp nhất, lúc đó mình còn nghe cả mùi mật ngọt ngào.

- Ừ. Cô sẽ lên mà.

Tôi dừng xe trước cổng nhà trồng đầy những đám cây từ bi lá lấp lánh. Chử đã chờ xe sẵn nhưng vẫn không nói với tôi lời nào. Anh ta đinh ninh rằng, tôi rồi sẽ như những giáo viên dưới xuôi lên đây từ trước, cứ gieo vào đầu con bé những hy vọng rồi bắt nó phải chờ đợi vì tuyệt vọng, nên giờ khi tôi báo với anh, Thy sẽ ở nhà ít hôm là anh đã hình dung ra ngay cái cảnh những cô giáo trước đây về xuôi và không trở lại.

- Lần này cô về luôn đúng không?

- Chỉ ít ngày.

- Ít ngày là bao giờ?

- Một tuần.

- Một tuần? Đáng ra tôi không nên để nó đến ở cùng cô. Cái đứa trẻ tội nghiệp đó ông trời đã bắt tội đời nó phải ngồi nơi xó cửa rồi thì vĩnh viễn phải ngồi nơi xó cửa.

- Anh… anh đừng nói thế - Tôi hốt hoảng - Tôi hứa với anh là tôi sẽ trở lại.

Tôi lấy hết can đảm cầm tay Chử, nhìn sâu vào đôi mắt đã đầy vết chân chim khắc khổ lẫn buồn bực trên khuôn mặt cố để anh tin. Việc tôi về phố, với anh, như là một niềm tuyệt vọng không thể nào níu giữ.

*

Thành không có nhà. Tôi nhắn tin hẹn gặp anh nơi quán cũ và ngồi sẵn ở đó. Lần này anh không tránh mặt tôi. Khi anh chọn cách đối mặt thì tôi lại bối rối. Từ khi nghe tin anh từ Nguyên, tôi như có bão lòng. Tại sao tôi có thể hồ đồ vướng vào trò lừa bịp của anh nhanh đến thế. Anh chọn cách đó để lìa xa tôi, để không muốn giam cầm tuổi thanh xuân của tôi mà chọn một cách đểu cáng và trơ trẽn nhất - anh đã có gia đình. Điều đó hạ gục tôi một cách nhanh chóng. Và giờ đến tôi, khi sắp đối mặt với anh lại phải diễn nốt cùng anh vở kịch này.

Thành đứng ở cửa, vẫn cái dáng người kênh kiệu và bất cần. Anh cởi chiếc áo măng tô dài đặt vào thành ghế, gỡ cái khăn len quấn quanh cổ rồi vội vàng quấn quanh cổ tôi như hồi yêu nhau:

- Em không giữ ấm cổ gì cả.

- Em không lạnh.

Tôi bắt đầu run lên, hơi ấm của anh từ chiếc khăn quấn quýt cổ tôi làm tôi rùng mình. Thành gọi một ly capuchino nóng cho tôi và một ly đen không đường cho anh như ngày xưa, rồi nháy mắt cười.

- À, em có còn thích hương vị của nó?

- Em sao cũng được.

- Em vẫn nhạt nhẽo thế.

- Ừ! Thế anh mới bỏ em mà, đúng không?

Thành cười không trả lời câu hỏi của tôi, dẫu tôi biết anh đang cố để làm ra một cuộc nói chuyện tự nhiên nhất có thể. Vở kịch này thực ra đã hạ màn từ lâu, vậy mà không hiểu sao cả hai vẫn muốn tiếp tục. Tôi vì Thành mà dối mình, cốt để anh tin cuộc sống của tôi đang đẹp đẽ lên từ ngày không có anh. Thành cũng vì tôi mà giấu đi những cơn đau đang gặm nhấm cơ thể. Đến một lúc nào đó, cả hai phải dừng lại. Nhưng như thế cả tôi và Thành sẽ đau khổ.

- Tối nay em ở lại nhé? - Thành đề nghị.

Tôi lặng lẽ gật đầu. Đêm đó, như lần đầu hẹn hò cùng nhau, chúng tôi cùng ăn cơm, cùng đi xem phim rồi cùng về lại căn gác trọ đầy khung tranh và toan vẽ, cùng thu chân vào chăn và tựa đầu vào vai nhau cho đến sáng.

Thành đã ra đi như thế, nhẹ nhõm trên vai tôi như một lời từ biệt cuối cùng.

*

Tôi về lại bản, nơi miền sương giăng phủ. Chử đón tôi từ đầu đường:

- Bệnh viện gọi, đã có người hiến giác mạc cho con bé… mong cô giúp tôi.

Chử nói rồi vội vàng dúi bức thư vào tay tôi. Tôi mở thư. Một bức ảnh tôi chụp và bức thư của Thành làm tôi òa khóc. Bức thư nói về mơ ước mãi mãi không thành “anh đã mơ về một căn nhà gỗ dưới bóng cây xanh êm ả và có bóng em mỗi chiều sương giăng… nhưng đành nợ… nguyện vọng cuối cùng của anh là được hiến giác mạc cho Thy, anh muốn được ở bên em, muốn cuộc sống của anh thêm phần ý nghĩa khi được cùng em thắp lên tia hy vọng cho cuộc đời của đứa trẻ đầy bất hạnh. Đó là điều cuối cùng mà anh mong ước…”.

*

- Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được ánh mắt đầu tiên của con bé Thy nhìn tôi, nhà báo ạ! - Cô giáo già rưng rưng nước mắt nói với tôi - nó thiết tha và trìu mến đến nỗi tôi không rời nơi đây mà đi đâu được.

Tôi gập cuốn sổ tay đã chi chít những chữ lại, ngồi lặng im bên chị. Ý định đầu tiên khi đến đây là định viết về chị như một tấm gương nhà giáo bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, say mê với công việc bám bản gieo chữ, vậy mà không thành. Bởi những yêu thương chị dành cho mảnh đất này còn nhiều hơn những điều tôi muốn viết. Chị bảo cô bé Thy ngày xưa nay đã trở thành cô giáo ở chính bản làng của mình. Còn chị vẫn ở một mình đến nay, bởi chị nói tình yêu đó với chị đã là mãi mãi…

Chị tiễn tôi xuống núi. Từ lưng chừng dốc, tôi nhìn thấy chị đang nhìn qua ô cửa của ngôi nhà gỗ dưới bóng cây xanh êm ả đã đầy sương giăng…

T.Q.N  
(TCSH395/01-2022)


 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Ngôi sao xanh (21/01/2022)
Kama (31/12/2021)
Chọn lựa (29/12/2021)
Về nhà (08/12/2021)