Truyện ngắn
Gió từ truông lao xao
15:03 | 06/04/2022

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

Mưa quất ràn rạt trên đầu. Mưa như xói cát vào mắt cay xè. Thanh nhoài mình ra cố nắm lấy hai bàn tay bé nhỏ mềm mại đang chới với đưa lên từ mặt nước. Con đò nhỏ mỏng manh chao đảo chực lật úp. Và mảng chớp lòa trước mắt kèm theo tiếng nổ khô khốc chụp xuống hất anh ngã nhào...

Gió từ truông lao xao
Minh họa: NHÍM

Giật mình mở mắt, Thanh còn kịp nghe tiếng ú ớ vừa thoát ra từ cơn mơ dữ, nắm tay vẫn bám chặt song cửa sổ thấp sát chỗ nằm. Ngoài vườn, cơn mưa vừa tạnh chưa lâu. Nước mưa từ lá cành giọt nhẹ trên đất ướt tỏa làn hơi mát ẩm dịu, nhẹ nhàng. Làn khói bếp trắng mỏng phả vào không gian xanh mướt của vườn một mùi thơm ngọt, mùi rơm rạ của mùa mới.

Vẫn nằm yên để lặng nghe hơi mát từ tấm phản rộng bằng gỗ nâu lên nước bóng láng, anh hít thở rất sâu và từng phút nhận ra vì sao mình ở đây...

Gian quán buổi sáng sớm đã chật chội nóng bức. Anh ngồi trước tô cháo gạo vừa ăn xong nhưng chưa vội đứng lên như mọi hôm. Bởi hôm nay anh chưa biết sẽ đi đâu. Bà chủ nhà trọ đã khóa cửa căn phòng mái tôn thấp lé đé bởi anh không còn khả năng trả tiền thuê mấy tháng nay. Những bóng người ngồi xuống đứng lên, ra vào lui tới, cứ lướt qua trước mắt anh như những đoạn phim đang bật chế độ nhanh. Chỉ đến khi nghe tiếng gọi ai đó của một cô gái, hình như là người giao hàng online, anh mới ngẩng đầu lên nhìn. Giọng nói này rất đặc biệt, của một vùng quê dường như anh đã từng nghe quen, nhưng đến khi cô gái trùm áo nắng và che khẩu trang kín mít quay ra, anh mới chợt nhớ. Cũng vừa lúc ánh mắt cô ta dừng lại ở anh.

- Ủa... Thanh!

Cả hai cùng kêu lên ngạc nhiên. Và đều mừng rỡ vì đã lâu lắm rồi, dễ chừng cũng năm hay sáu năm gì đó chưa gặp lại nhau. Thanh ngồi xuống trước mặt anh. Cô bạn cùng tên cùng lớp năm cuối trung học nhìn anh cũng với ánh mắt tinh nghịch ngày đó, nhưng không che được vẻ ái ngại. Thanh “công tử” giờ đã xuống dốc không phanh như này sao, cô suýt kêu lên thành tiếng.

Có vẻ như đọc được ánh mắt cô, anh cười nói lảng đi:

- Chẳng phải bà còn vi vu cùng mây trời Tây Bắc sao?

Ngày trước họ vẫn mi tau khi gọi nhau vì cả hai cùng tên, sau mấy năm không gặp, tự nhiên đổi cách xưng hô.

- Vi vu gì ông ơi! Dịch bệnh kéo dài mãi, gần hai năm rồi nào có tua tuyến chi đâu, tui ngồi không cũng chán, bèn xoay qua bán hàng online, ai ngờ lại vui.

Rồi cô chủ động vào chuyện:

- Gần đây tui có nghe mấy đứa nói về những không may, kể như là tai vạ của ông. Cứ tưởng ông còn trôi nổi đâu mãi ngoài Thanh Hóa, Nghệ An gì đó.

Hai người vừa nói vừa đi qua bên kia đường, nơi có quán cà phê cóc nép mình dưới tán cây bằng lăng. Nghe anh vắn tắt dăm ba câu, cô trầm ngâm vài giây rồi bỗng buột miệng:

- Bây giờ ông về nhà tui dưới quê đi! Coi như mạ tui cho ông ở trọ mươi hôm miễn phí! Khỏe người lại rồi tính tiếp. Còn nếu ngại ngùng hay sĩ diện hão gì gì đó, thì thôi vậy!

Cô nhún vai, lại cười. Xem ra cô cũng rất có duyên, không hiểu sao hồi đó hễ đến lớp mà đụng mặt nhau là anh lảng ra ngay. Không chỉ vì lũ bạn cứ ghép đôi hai đứa cùng tên, mà phần lớn là do cái cách cô không mặn mà với mấy đứa con nhà giàu, trong đó có anh.

Hơn một giờ chạy xe mới đến làng. Hèn gì ngày đó cô lên phố học phải cuối tuần mới về một lần. Con đường đổ bê tông còn mới chạy len giữa các thôn xóm có gió biển thổi qua vùng cây xanh ẩm mát. Căn nhà thấp, mái ngói liệt cũ kỹ và hơi tối, ngoài nắng đi vào là cảm nhận ngay cái mát dịu rất yên ả. Nhà chỉ hai mẹ con nhưng chủ nhà đi đâu đó chưa về. Cô bảo anh nằm nghỉ ở bộ phản gian giữa, còn cô xuống bếp chuẩn bị cơm nước. Chưa kịp nhìn ngó quanh quất, anh đã thấy lơ mơ buồn ngủ...

Mùi thơm của canh rau bốc lên ấm cả gian nhà làm anh thấy đói bụng. Đúng hơn là thèm một bữa ăn gia đình. Chưa đến cửa bếp, anh đã nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện, dù cố ý nhỏ giọng:

- Đến mười lăm tỉ sao? Làm chi mà ra nông nỗi vậy?

Anh vội quay người nhấc từng bước chân nặng như đeo đá trở lên nhà trên, trước khi cô gái bưng mâm cơm còn bốc hơi cùng mùi thơm của gạo mới, cất tiếng gọi lớn:

- Ông thức dậy chưa? Lạ nhà mà ngủ cũng say đó hỉ!

Người mẹ đi theo sau tươi cười, vẻ như chưa hề tham gia câu chuyện trước đó với con gái:

- Đi đường có mệt không cháu?

- Dạ không, thưa bác!

Cái cách thân thiện tự nhiên của hai người phụ nữ khiến anh thấy dễ chịu. Không biết bao lâu rồi anh mới được ăn một bữa cơm ngon đến vậy. Mùi cá đồng kho nhiều ớt, ớt bột và ớt trái, với cả hạt tiêu xanh. Nước canh rau tập tàng trong và ngọt thanh vị tôm tươi. Đặc biệt là chén nước ớt đỏ, thứ nước ớt cay và thơm nồng kích thích vị giác, là món thường có trên mâm khi của mọi gia đình và các quán ăn ở làng này.

Thanh cảm thấy yên tâm như ở nhà mình. Không. Hơn cả ở nhà mình. Mà cũng chưa đúng. Anh còn có nhà để về sao? Ông Quả đã dốc hết tài sản tích cóp của một đời làm quan để trả phân nửa số nợ có giấy tờ vay mượn và chữ ký của anh, cùng với quyết định từ bỏ đứa con trai duy nhất. Phần còn lại do nhập nhằng nhiều khoản với bọn cho vay anh chị và một số người nói theo kiểu “bạn không ra bạn”, ông để mặc anh tự xoay sở. Ông cấm vợ liên lạc với đứa con vốn được cưng chiều từ nhỏ, đã nhiều lần khiến vợ chồng ông điêu đứng vì vô tâm và ăn chơi đàn đúm. Ông đã mừng vì tưởng rằng cưới vợ xong thì Thanh sẽ biết lo cho gia đình nhỏ mà tu chí làm ăn. Công bằng mà nói, Thanh cũng đầu tư cho công ty toàn tâm toàn ý trên cương vị một cổ đông lớn. Nhưng chỉ vài năm sau thì nhiều khó khăn liên tiếp xảy đến. Điều này không chỉ riêng với công ty anh trong thời buổi nhiều cạnh tranh khốc liệt này. Lỗ lã thất bại dồn dập. Anh xoay sang nhiều hoạt động liều lĩnh để cố đắp đổi, không biết từ bao giờ lao vào chứng khoán rồi cá độ... Can ngăn chồng mãi không được, Túy có ý định sẽ sang Anh với gia đình. Một chút cãi vã nhỏ, Túy trượt chân và không giữ được cái thai bốn tháng. Cô xuất viện cùng với tờ đơn ly hôn đã ký sẵn. Có thể tình yêu chưa đủ bền để giữ được cuộc hôn nhân mới đầu rất êm ả và rất môn đăng hộ đối này. Anh không thấy bịn rịn níu kéo gì, ngoài những ám ảnh cứ vẫn mãi chập chờn về đứa con chưa đủ duyên để đến với cuộc đời anh...

- Này, uống nước đi! Nước này ở phố không dễ tìm ra đâu!

Tiếng cười trong và vang của cô gái nhắc anh nhìn ly nước trên bàn, màu nước nâu đậm sóng sánh bốc hơi. Đúng là mùi thơm rất lạ, quyện lẫn từ nhiều loại lá rừng. Cứ như từ một siêu thuốc Bắc nào đó tỏa thơm quanh gian nhà. Đắng nhưng có vị ngọt hậu. Anh buột miệng:

- Ngon quá!

Tiếng người mẹ từ bếp vọng lên:

- Uống nước lá này thì ăn ngon ngủ yên đó cháu!

Mấy ngày liền ăn ngon ngủ yên, không biết vì nước lá hay vì không khí trong lành và đầu óc được thư thái, anh thấy người khỏe ra.

- Trông ông có vẻ lại sức nhiều đó đa! Cày hết bộ Tam Quốc rồi vẫn chưa chán phim sao?

Anh thấy mình đúng là vô tích sự. Lại cười nhìn ra bên ngoài. Trời đã qua mấy ngày dông, trở lại chói chang với màu nắng như xối bạc xuống cây lá. Người mẹ đang cuốc xới đám đất cuối vườn, lâu lâu lại cởi nón nhanh tay quạt mấy cái rồi cắm cúi làm.

Cô nhìn theo về phía mẹ:

- Ông nghĩ sao nếu mẹ tui muốn nhà vườn này trở thành một homestay?

- Tốt quá chứ sao nữa! Bà đang làm du lịch thì thuận lợi cho bác quá rồi!

- Nhưng đó còn là chuyện ở thì tương lai. Địa phương này vốn không có nhà nghỉ, khách sạn. Vì nhiều nguyên nhân a, b, c... đều hợp lý cả.

Anh cười:

- Không muốn thì tìm lý do. Muốn thì tìm cách. Không phải sao?

Cô vỗ vai anh thật mạnh, nồng nhiệt:

- Mấy ngày rồi mới nghe ông nhại được câu nói hay.

Rồi đưa ngón tay vẽ những vòng tròn trước mắt, vẽ những dự tính cho một ngày mai rất gần:

- Địa phương này có nhiều di tích lịch sử, nhiều tập quán lâu đời khá là độc đáo. Tại sao không chứ?

Có vẻ như tiếng cười vọng đến nơi người mẹ đang cặm cụi làm đất. Bà ngẩng lên nhìn về phía hai người rồi lại tiếp tục công việc. Những nhát cuốc phầm phập bổ sâu xuống trên những thớ đất mềm và nặng sau mưa.

Suốt cả tháng trời, cô luôn bận bịu vì có nhiều đơn hàng phải giao trong ngày. Thỉnh thoảng anh chạy giúp cô, thấy vui vui vì dẫu sao cũng chưa đến nỗi vô vị khi nương náu ở đây. Anh dường như đã quên cái lời mời mươi ngày của cô hôm mới gặp lại nếu không có một cuộc gọi từ người quen ở phương Nam. Việc làm ở một công ty nhỏ với lương ban đầu dưới mười triệu. Chuyện chỉ xem như trò đùa của ngày trước, giờ là cơ hội vàng của anh. Vậy là anh đã có thể sống tốt, cô nghĩ vậy. Cô đưa anh ra bến xe, vội vàng dúi vào tay cái phong bì đủ cho anh trang trải vài tháng đầu khi đang còn tay không ở một nơi có rất nhiều người quen, nhưng không thể gõ cửa một ai trong tình thế này...

Khu vườn của người mẹ sau những tháng mưa dài đã được bắt tay vào việc xới vun chuẩn bị cho mùa cây mới. Nắng đông hiếm hoi nên không thể chậm trễ việc trồng tỉa. Thật ra chỉ là khởi đầu của một ý tưởng, với tình hình ngưng trệ đến đóng băng của du lịch cả năm nay nên cũng không cần phải vội. Nhưng cũng đã có thể thấy được hình hài của một khu lưu trú nghỉ dưỡng sinh thái cỡ nhỏ. “Ứớc mơ và cố gắng hết mình, nhưng có chạm tay đến được thành công hay không thì phải chờ xem. Trồng cây là trồng cả niềm tin và hy vọng.” Người mẹ vẫn thường nói với cô như vậy. Những giờ phút rảnh rỗi, cô ra vườn giúp mẹ. Vẫn nhanh nhẹn tháo vát, nhưng ít nói hơn mọi khi. Có khi bất chợt dừng tay nhìn xa xôi. Có khi lại lặng im suốt buổi. Tất cả đều không qua khỏi cái liếc mắt nhanh và sắc của người mẹ đã qua ngưỡng bốn mươi, đã chín và đã chững lại theo những vấp ngã lao đao. Người như vậy chắc chắn sẽ không quên một thanh xuân vội vã của mình, rộng lượng và cả ngốc nghếch. Quãng đường dài một mình lầm lũi đã khiến người đàn bà xứ cát nhận ra điều đó. Chưa hết năm đầu đại học của một sinh viên xa nhà, chị đã từ bỏ giảng đường và sách vở vì muốn giữ lại đứa bé, và vì lời hứa của người ấy vẫn còn hiệu lực. Nhưng từ khi vỡ vụn mọi lòng tin thì đến cả làng quê cũng trở thành xa ngái. Bươn chải vật vờ cho đến khi biết tin ông cụ đã yếu đi trong ngôi nhà cổ, và niềm thương nhớ ruột rà đã vượt lên sự sĩ diện với họ tộc làng nước, chị đưa con về nhìn mặt ông ngoại lần cuối...

Những ngày có nắng vàng lên những đọt cau, hong khô dần những lối đi bằng gạch nung đã ẩm rêu suốt mùa mưa. Gió về theo mùi gừng thơm nóng ấm phả qua những xóm nhà. Năm nay khốn khó lao đao vì chật vật mưu sinh trong bối cảnh ảm đạm chung của mọi miền. Tai họa lan nhanh như nấm, không chừa một ngõ ngách, không chọn lựa giàu sang hay bần hàn. Cô cũng phân vân trù trừ bên mấy luống cải ngồng vàng hoa… Tiếng chuông điện thoại chợt vang lên từ phía hiên nhà, mỗi lúc một đến gần. Là mẹ đang từ nhà đi ra. Cô nhoài mình qua luống cải đón lấy điện thoại trên tay mẹ.

- Thanh nghe đây...

- Ủa, sao đổi số mà không cho tui biết?

- Ông có điên không vậy?

Cô suýt nói cho anh ta nghe, là mấy tháng nay cô chỉ cần biết anh vẫn bình an ở nơi đó là tốt rồi. Chứ cái chuyện “còn khó khăn khốn đốn vì công việc, chưa dám liên lạc...” thì có ai lạ gì mà phải phân trần. Hắn vẫn vô duyên và đáng ghét như thuở nào.

Cô vội vã chạy xe ra chợ. Lúa xuân vừa xạ chưa lâu, mới lên lấm tấm chưa kịp phủ xanh mặt ruộng. Mấy nong cải ngồng trong sân nhà ai đang phơi vội cho kịp ngày nắng hiếm hoi khiến cô rộn rã muốn tự tay mình chuẩn bị một vài thứ món. Những cây kim phượng vườn ai dọc theo đường làng phủ đầy hoa vàng tươi. Người làng thích cắm hoa này để cúng, hương thơm dịu và tinh tấn. Trên những triêng gióng trở về từ chợ là màu giấy trang kim lấp lánh dưới nắng nhẹ của những người đã quen gánh vác nhọc nhằn. Cô bỗng thấy vui lây với những điều dung dị đơn sơ ấy.

Trước hiên nhà, người mẹ đã dọn sẵn cái bàn thấp trải đầy lá chuối. Thúng nếp thơm ngâm từ đêm qua đã kê lên mấy viên gạch cho ráo. Cái chảo gang nấu đậu xanh quết nhuyễn làm nhân đang tỏa mùi thơm bên cạnh những dong thịt heo ba chỉ trắng hồng xếp ngay ngắn.

Mẹ cô thoăn thoắt miết một tay cầm khăn xuống mặt lá, tay kia kéo tấm lá lên xếp vào cái mâm đồng sáng loáng.

Cô chợt nhìn lại chỗ nếp. Đến gần đầy thúng, cho một gia đình chỉ có hai người? Như hiểu được ý cô, mẹ cười:

- Mình gói bánh nhiều ra thêm một ít, gửi biếu mấy gia đình gặp chuyện trong xóm để cúng ông bà. Năm nay chắc họ phải tiết kiệm nhiều.

Đêm ấy trời có mưa nhỏ. Những hạt mưa mỏng đem theo hơi lạnh thấm vào từng chân tóc. Hai người phụ nữ ngồi bên nồi bánh đang sôi vì được lửa xuê xoang. Loại củi đun từ những gốc dương liễu đã khô từ dạo nắng, cháy đượm và than đỏ rất bền. Nhìn con gái qua ánh lửa đang ửng lên mặt cô một màu da sáng bóng trẻ trung, người mẹ như thấy lại hình ảnh ngày xưa của mình. Một chút bướng bỉnh quyết đoán. Và nhiều nông nổi. Để tới bây giờ chị vẫn không muốn nhắc đến sự tồn tại của người đó. Nhớ những lúc có ý nghĩ điên rồ khi so sánh với những người góa bụa khóc chồng, xem ra còn hạnh phúc ấm áp hơn mình, chị bật cười thành tiếng. Phía bên kia, cô bỗng nhìn sang mẹ đang vội nhìn xuống cuộn len và mũi kim móc cầm hờ hững trên tay. Mẹ đẹp, mà cũng nhiều đa mang và đa đoan. Còn mình thì nhạt nhẽo và trống trải cho đến bao giờ?

- Con có biết, hạnh phúc của chờ đợi là gì không?

Cô giật mình nhìn mẹ lúng túng.

- Là chưa chạm vào tuyệt vọng.

Người mẹ cúi xuống tấm khăn len đang móc dở. Câu nói rơi vào khoảng không chơi vơi lạnh buốt.

Cô chêm gáo nước lạnh vào nồi, cời lại mấy thanh củi cho lửa bốc già thêm, lặng im nhìn bóng mẹ chập chờn trên vách. Gió biển thổi qua truông cát, vù vù trên hàng dương vọng vào xóm nhà ẩm ướt dưới mưa đêm. Mẹ nói đúng. Cô vẫn còn nguyên hy vọng để đợi chờ. Như đâu đó dưới những mái nhà im lìm trong đêm tối ngoài kia, những đôi mắt của phận người khốn khó vẫn sáng lên chờ đợi và cầu mong một mùa xuân mới không còn âu lo phiền não, được trở lại những ngày tháng lam lũ, có buồn vui mơ ước cũng chỉ rất giản dị bình thường.

Nhưng giờ đây bình thường đâu phải dễ. Cả cô và mẹ, cũng thế. Chỉ có gió ngoài truông là cứ lao xao mãi không thôi.

N.T.D.S
(TCSH44SDB/03-2022)

 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Ô cửa mùa xuân (14/02/2022)
Ngôi sao xanh (21/01/2022)