Truyện ngắn
Bạn cùng khoa thi
14:46 | 26/04/2022


NGUYỄN TOÀN THẮNG

Đinh Tú nhiều năm đèn sách siêng năng, nhưng không hiểu sao thi lần nào trượt lần ấy.

Bạn cùng khoa thi
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Đến lần thứ ba vẫn không đỗ dù đã đêm ôn ngày luyện cẩn thận tránh từng chữ phạm húy, nên vợ là Thị Nhuần sốt ruột bảo, giờ nhà mình cũng chẳng còn đủ thóc gạo mà dùng, chàng nên kiếm lấy một việc gì đó để sống qua ngày. Đinh Tú gắt, nếu nàng không muốn sau này võng anh đi trước võng nàng theo sau thì thôi tình nghĩa đoạn tuyệt từ nay cho kịp. Thị Nhuần khóc, em nào có ý đó, bao năm nay vẫn chăm chỉ hết đồng áng lại chạy chợ nuôi chàng, cũng mong ngày vinh hiển để em được rạng rỡ, nhưng nay không còn sức nên mới nói vậy. Đinh Tú thấy vợ khóc, nghĩ lại thấy mình cũng có điều không phải, bèn bảo, thôi ta với nàng tình nghĩa bao năm đâu có thể nói đoạn tuyệt là xong, lại thở dài bảo vậy ta tìm xem có chỗ người quen nào nương tựa qua ngày. Lại bấm độn bảo, vận hội của ta rồi cũng sẽ đến, có thể không đỗ cao nhưng cũng không đến nỗi khó khăn, nàng cố chịu thêm ít năm nữa, ta thề trước trời xanh rằng sẽ không bao giờ phụ rẫy nàng. Thị Nhuần sụt sùi, chỉ cần chàng được xênh xang, em cũng mãn nguyện rồi, cực chẳng đã mới bảo chàng đi kiếm cách sinh nhai, chứ nếu em lo được thì chàng muốn học đến bao giờ cũng xong, cảnh chàng ngồi đèn sách em thấy thanh bình lắm. Đinh Tú ngồi nghĩ, giờ mà đến nhờ cậy bạn đồng môn ắt họ đã làm quan, cùng lắm xin được làm kẻ hầu người hạ, có khi còn bị đuổi đi, nên nhất quyết không ham. Nghĩ mãi mới nhớ ra Mạnh Luân, trước kia thi cùng nhau anh em tâm đầu ý hợp. Mạnh Luân đỗ tú tài nhưng không thi tiếp, lần ấy có bảo Đinh Tú rằng, gia sản tôi cũng đủ dùng, nay về nhà để nối tiếp cơ nghiệp, sau này huynh có cần gì cứ đến tìm tôi, đừng ngại, đã coi như anh em một nhà, giúp được gì là tôi nguyện hết lòng. Nghe kể lại, Thị Nhuần bảo chồng, chàng cứ thử đến tìm xem sao, bác ấy đã nói vậy hẳn là người có tấm lòng.

Thế là Đinh Tú khăn gói quả mướp đến tìm Mạnh Luân. Tới trước cổng nhà, vừa xưng là bạn cùng thi, gia nhân đã niềm nở mời vào, lại bảo số bác may mắn, chứ chậm một ngày à ông chủ tôi lại đi mạn ngược lấy hàng. Gặp Đinh Tú, Mạnh Luân hồ hởi lắm, sai gia nhân mời vợ mình là Huyền Nga ra chào. Kịp thấy hai vợ chồng ngồi cạnh nhau, Đinh Tú lấy làm buồn cười lắm nhưng cố nén. Mạnh Luân vừa thấp đậm vừa đen đúa, lại còn hơi gù, trong khi Huyền Nga xinh đẹp, mặt hoa da phấn, dễ phải cao hơn chồng cả tấc. Ngày thi cùng nhau, Đinh Tú cũng không để ý lắm, chỉ thấy rằng Mạnh Luân tuy hình dung cổ quái nhưng hết sức hào phóng, nhưng khi ngồi cạnh Huyền Nga, chàng mới thấy bạn mình quả là trò đùa của cao xanh. Mạnh Luân bảo Huyền Nga, đây là bạn học bạn thi với tôi, huynh ấy tài năng chẳng kém ai nhưng chưa gặp hội rồng mây mới phải đến đây, nàng cũng phải giữ lễ coi như anh chồng. Huyền Nga lễ phép bảo, chàng không cần phải dặn, người mà chàng kính trọng đương nhiên em cũng phải vậy. Mạnh Luân bảo Đinh Tú, giờ chúng ta mừng hội ngộ một trận đã đời rồi tôi sẽ cắt cử công việc cho huynh làm, cứ cố gắng ắt trời sẽ không phụ lòng người. Nghe đến đó, Đinh Tú chột dạ, bởi không thấy bạn mình nói gì đến công xá mà bản thân thì không dám mở lời trước, nhưng lại nghĩ, giờ mình có nơi ăn nơi ở, vợ ở nhà đỡ một miệng ăn là tốt rồi, lại thở dài trong bụng, thôi thì người ta giàu mình nghèo, có lý gì được đòi hỏi, cứ cố gắng làm tốt vậy xem hết năm mọi việc ra sao.

Thế là từ sau hôm đó, Đinh Tú cùng làm cùng ăn với gia nhân. Công việc trong nhà thì nhiều, do Mạnh Luân cũng là tay tháo vát thạo việc. Sáng ra thì chuyển hàng, chiều đến thì chuẩn bị đồ ăn thức uống cho tửu điếm, thành thử chỉ xong việc là Đinh Tú lăn ra ngủ, chẳng còn mơ đến công hầu khanh tướng kinh bang tế thế gì nữa. Đôi lúc chàng cũng thở dài than thân trách phận, nhưng được cái tuy vất vả nhưng cuộc sống không có điều chi phải lo lắng, nhà làm tửu điếm nên ăn uống lại ngon, gia nhân được ăn riêng chứ không phải ăn thừa của khách, nên cũng không có điều gì ái ngại. Chỉ duy nhất có một điều làm Đinh Tú băn khoăn, rằng không biết đến tết sẽ được thưởng ra sao.

Chờ mãi mới đến cuối năm, Mạnh Luân lại càng bận, không mấy khi ở nhà. Hôm ấy còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán, Huyền Nga tự tay trang hoàng nhà cửa. Gia nhân bảo, chưa bao giờ họ phải làm việc này, là bởi bà chủ rất có khiếu trong việc ấy, mỗi năm lại có một cách bày biện khác. Nghe đến đó, Mạnh Luân tò mò lắm, ra vườn sau xem sao, bởi trước kia, chàng cũng tự hào rằng mình có biết đôi chút về thi họa, chớ cầm kỳ thì không giỏi.

Nhìn thấy Đinh Tú, Huyền Nga kể, hằng năm vào dịp này, Mạnh Luân thường thích tranh hoàng đẹp đẽ, rồi cho gia nhâm ăn tết sớm để kịp về quê. Có điều gia nhân ở đây thương ông chủ, nên thường làm thông tết, rồi ra giêng về sau cũng được. Đang nói chuyện bỗng từ khu vườn nhà bên cạnh, ông chủ nhà láng giềng là Trần Tung vẫy tay chào Huyền Nga. Thấy điệu bôn Trần Tung có vẻ trịnh trọng, Đinh Tú lảng đi, nhưng không hiểu sao lần này sự tò mò lại trỗi dậy, chàng bèn nấp sau bụi cây để lắng nghe. Trần Tung nhìn Huyền Nga với vẻ dâm tiện rồi cất lời ong bướm, tiểu thư ơi, nàng xinh đẹp nhường ấy lẽ nào lại định chôn vùi tuổi xuân với cái gã vừa lùn vừa đen, vừa xấu vừa gù thật sao. Nghe đến câu đó, Đinh Tú thò đầu ra quan sát Trần Tung, thấy ông ta cũng không đẹp đẽ gì cho lắm, mắt híp tịt, bụng phệ, hai má núng nính, bèn khẽ thở dài, dân gian nói cấm có sai bao giờ, chuột chù thì luôn chê khỉ là hôi, còn bông hoa thì chỉ lặng lẽ tỏa hương chứ có chê lọ mắm là thối bao giờ. Huyền Nga chỉ nhẹ nhàng đáp lại, thưa ông, chồng tôi áo rách tôi thương, vợ chồng là ơn nghĩa với nhau ở đời, ông chớ nên nói xằng mà mất đi tình nghĩa láng giềng. Trần Tung phá lên cười rồi bảo, này cô em, có phải vì Mạnh Luân hắn chuộc cô em từ lầu xanh ra mà cô em phải lấy hắn để trả ơn không. Đến lúc này, Đinh Tú nóng mặt, bước tới rồi bảo, ông kia, chớ có nói quàng xiên. Thấy có người ra, Trần Tung nhếch mép cười rồi phẩy tay đi khuất vào trong nhà. Huyền Nga chắp tay tạ ơn Đinh Tú đã giải vây cho mình. Rồi khi thấy Đinh Tú có vẻ đăm chiêu, Huyền Nga thấy cũng không nên giấu bạn của chồng điều gì, bèn kể rằng, trước kia nàng vốn là ca nương, nhờ có tài đàn hát mà được mời vào một tửu lầu chơi nhạc. Tửu lầu này vốn là của một ca kỹ xưa kia nức tiếng kinh thành mở ra, chỉ phục vụ khách ăn uống chớ cũng không có làm gì xằng quấy. Có lần Mạnh Luân đi buôn chuyến ngang qua, vào ăn uống, thấy tài đàn hát của Huyền Nga bèn đem lòng say mê. Huyền Nga biết vậy nên cũng đem những ngón đàn ra để Mạnh Luân thưởng thức. Ít lâu sau, Mạnh Luân bảo, nàng cứ bán nghệ mãi cũng không phải cách hay, thầy đàn già con hát trẻ, nay ta cũng thiếu người cai quản gia sản, nếu nàng không chê ta là dân con buôn lại xấu người thì về với ta. Đinh Tú gật gù, lại nghĩ, nếu vậy thì cũng không phải vô cớ mà Trần Tung nói vậy, nhưng ngoài mặt thì tỏ vẻ thán phục lắm.

Mấy hôm sau, đang ngồi nghỉ, Trần Tung cho người gọi Đinh Tú sang nhà, nói là có chuyện cần thương lượng. Lúc đầu Đinh Tú từ chối thẳng thừng, nhưng người nhà hắn bảo, bác cứ sang nói chuyện với ông chủ tôi xem sao, chẳng gì ông chủ tôi cũng ngưỡng mộ bác là thư sinh có học thức. Nghe đến đó, Đinh Tú bụng bảo dạ, cứ sang xem sao, có mất gì đâu. Sang đến nhà, Trần Tung đón từ xa, mời vào gian giữa nói chuyện, sai người làm pha trà Quan Âm cho Đinh Tú thưởng thức. Xong một tuần  trà, Trần Tung mới ề à bảo, tôi có việc khó nói muốn nhờ huynh, tất nhiên là nếu huynh nhận lời thì sẽ trả hậu hĩnh. Đinh Tú mơ màng thưởng trà, nhìn những đồ vật trong nhà Trần Tung, nghĩ bụng sao trên đời này nhiều người giàu đến như thế, tự nhiên nhờ mình thì không hiểu có việc gì đây. Trần Tung nhìn Đinh Tú chăm chú rồi bảo gia nhân lấy cái áo gấm tặng, thở dài, huynh cũng là người có chữ lại là bạn thân, thế mà Mạnh Luân để cho huynh ăn mặc đơn sơ quá. Đinh Tú mặc áo gấm thấy người ấm hẳn, bèn bảo Trần Tung, ông chủ tặng quà thì tôi xin nhận, nhưng có đi thì phải có lại chớ tôi tuy nghèo nhưng cũng biết giữ khí tiết người đọc sách thánh hiền. Trần Tung trầm ngâm một lúc rồi bảo, thật ra tôi cũng không dám nói, nhưng thấy Mạnh Luân đối đãi với huynh như kẻ ăn người ở nên cũng căm tức thay cho kẻ bao năm đọc sách thánh hiền, nay tôi muốn huynh viết cho tôi mấy câu chuyện, sau đó sẽ biên cho tôi ít tuồng tích để tôi vạch mặt hắn ra, chớ hắn giàu có đến mức này cũng là ăn trên xương máu mồ hôi nước mắt nhiều người lắm. Đinh Tú lắc đầu quầy quậy, cởi phắt áo gấm ra bảo, tuy Mạnh Luân đối đãi với tôi chưa được tốt, nhưng cũng cho tôi ăn tôi ở, nên việc này dứt khoát không nghe. Trần Tung phá lên cười, nhặt áo mặc lại cho Đinh Tú, huynh chớ nóng vội, hẵng cứ nghe tôi kể đã, ít ra tôi còn sòng phẳng với huynh. Nói rồi sai người làm mang đến bộ văn phòng tứ bảo đưa đến trước mặt Đinh Tú. Nhìn thấy nghiên mực đất Đoan, bút làm từ lông dê núi, toàn thân Đinh Tú run bắn lên, bởi chàng chỉ nghe qua chứ chưa bao giờ nhìn tận mắt những bảo vật mà bất cứ người đi học nào cũng ao ước có được. Trần Tung đoán được tâm trạng của Đinh Tú bèn cười lớn, đấy huynh xem, tôi là người trọng nghĩa khinh tài, huynh chưa cần trả lời tôi vội. Lại hỏi, thế tết này Mạnh Luân thưởng như nào. Đinh Tú bèn thưa, chưa thấy gì cả, tôi lại nghe gia nhân nói năm nay khả năng phải làm cả tết. Trần Tung thở dài, đấy, kẻ thương nhân họ luôn tận dụng sức lực người khác, tôi tuy cũng làm ăn nhưng tết nào cũng cho người làm nghỉ, cả năm kiếm rồi, có mỗi cái tết để người tha phương về sum họp. Nghe đến đó, bất giác Đinh Tú thấy toàn thân nóng ran, nhớ lại trước khi ra đi chỉ mong có ngày về với vợ, cầm một cục tiền vàng về lo cho gia đình, rồi còn yên tâm đèn sách chờ khoa thi sau, ai ngờ chỉ được nuôi ăn qua ngày, lại làm việc hùng hục như trâu húc mả mà chưa biết tiền công sẽ được bao nhiêu. Càng nghĩ càng tức, Đinh Tú tự nhủ, đúng là chơi với người giàu chỉ thiệt mà thôi. Bèn bảo Trần Tung, thôi được rồi, tôi sẽ viết lại những gì ông chủ muốn.

Thế là từ hôm ấy, ngày thì làm quần quật, đêm tối Đinh Tú lại chong đèn hì hục viết. Huyền Nga thấy bạn chồng chăm chỉ, cảm thấy xót thương quá đỗi, lại bảo gia nhân nấu cháo cho ăn. Không bị đói, Đinh Tú lại càng viết khỏe. Bao lâu rồi, chỉ chăm chú làm những bài bình văn, rồi thi phú theo mẫu rập khuôn, giờ được thả sức sáng tác, Đinh Tú cứ như hổ được chắp thêm cánh. Chỉ chục ngày đã viết xong câu chuyện, trong đó kể rằng có một anh kia, chính là lấy Mạnh Luân làm nhân vật, người ngợm xấu xí làm nghề bán bánh đa rong, chẳng là thấy trong tửu điếm có món bánh đa nướng nên Đinh Tú viết vậy cho dễ nhớ. Anh kia một hôm đi ngang qua lầu xanh thấy bà chủ đánh đập một cô gái vì đã quá lứa lỡ thì nên không có khách, đã thế còn ăn khỏe báo hại bà bị lỗ vốn, bèn xin mua cô gái ấy về. Không biết làm sao từ ngày cô gái ấy về, hai vợ chồng có bỏ bùa mê thuốc lú gì không mà khách đến nườm nượp. Hóa ra là cô gái đó lén chồng đi mồi chài khách, nên từ đó gia sản tăng dần, công việc làm ăn khấm khá, chỉ có điều anh chồng ngờ nghệch nên không biết gì cả. Đem câu chuyện đã viết ấy đọc cho Trần Tung nghe, hắn tấm tắc khen, huynh quả là văn tài có một không hai, người ta có mắt như mù mới không cho huynh đỗ. Khen xong tặng Đinh Tú hai nén bạc, rồi bảo, huynh viết tiếp sao cho nó vừa như thật vừa không như thật, hư ảo để người ta không biết đâu mà lần. Cầm hai nén bạc, Đinh Tú rưng rưng cảm động, nghĩ bụng hóa ra văn chương cũng có giá đấy chứ.

Đinh Tú vừa về, Trần Tung bèn gọi mấy người ở đến, kể lại câu chuyện ấy rồi bảo ra chúng bay cứ ra chợ kể cho ông. Đám người làm lâu nay không có gì để hóng, hăm hở lắm, hôm sau ra chợ túm năm tụm ba lại kể chuyện. Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc đã thành tam sao thất bản. Thành thử mỗi lúc đi chợ, bà con nhìn Huyền Nga với ánh mắt nửa như giễu cợt, nửa như dò xét. Thấy Huyền Nga cười nói vui vẻ thì đồn nhau là nàng phải giả cách như vậy để che giấu nỗi buồn bên trong, hôm nào thấy Huyền Nga có vẻ mệt mỏi thì đoan chắc là tối hôm trước bị chồng đánh vì nhớ lại chuyện quá khứ tủi nhục của nàng ngày trước. Ban đầu, Huyền Nga cũng không để ý lắm, nhưng càng lúc nàng càng thấy lạ nên cải trang thành người nơi khác đến dò la xem sao. Nghe người ta kể với vẻ thích thú, Huyền Nga choáng váng, nhưng cố trấn tĩnh rồi lẻn ra. Về đến nhà, nàng đem chuyện đó kể lại với Mạnh Luân, rồi bảo, em đã theo chàng đến nơi này, là để quên đi những tháng ngày cũ, thế mà không hiểu ai đem chuyện em ra kể. Mạnh Luân an ủi, thói đời là vậy, nàng chớ phải âu lo, chỉ cần ta biết nàng là được, còn miệng lưỡi thế gian thì kệ đi. Huyền Nga lắc đầu chán nản, chàng có phải là em đâu mà hiểu được nỗi lòng của em. Mạnh Luân ôm Huyền Nga vào lòng, nàng ạ, giờ ta phải sống thật tốt để thiên hạ thấy, vả lại, nàng cũng chỉ là người đánh đàn cho kỹ viện, chớ có làm gì trái luân thường đạo lý đâu, hồi đó ta trọng tiết tháo của nàng, nên đã nguyện với lòng, nếu nàng có phải bán thân thì ta cũng xin chuộc nàng ra, nữa là không phải. Huyền Nga nghe đến đó, cảm thấy được an ủi phần nào, bèn bảo Mạnh Luân, thôi em xin nghe lời chàng vậy. Nói là vậy, nhưng đêm đến, Huyền Nga lại ra hiên nhà ôm mặt khóc cùng ánh trăng, chỉ là Mạnh Luân quá bận rộn nên chưa lần nào biết để mà dỗ dành vợ mình.

Nhưng từ đó công việc của Mạnh Luân cũng bị ảnh hưởng, đột nhiên tửu điếm vắng khách. Một số mối hàng quen cũng từ chối, mà không nói lý do. Mạnh Luân thấy tình hình không ổn, một hôm bèn mời một số khách hàng thân quen đến uống rượu rồi hỏi, các quan cho tôi biết tại sao lại lạnh nhạt với tôi, để tôi còn xem xét lại mà cư xử cho đúng mực, chớ tình nghĩa với nhau bao lâu nay đâu thể mất đi một sớm một chiều như vậy. Lúc đầu không ai nói gì, sau do rượu đã ngấm, một ông khách khoát tay bảo, trước kia tôi nể huynh là người tài đức đều tuyệt luân, nhưng hóa ra bao lâu nay huynh lừa gạt chúng tôi, mọi phương cách làm ăn đều do vợ huynh là ả ca kỹ kia đứng đằng sau giật dây. Mạnh Luân ngạc nhiên tột độ, sao quan bác lại nói hồ đồ đến vậy, lâu nay tôi là ai tôi thế nào mọi người còn lạ hay sao, không tin tôi lại đi tin lời xằng bậy. Một ông khách khác cười gằn, thôi huynh ạ, chuyện kể trong dân gian bao giờ cũng thật hơn cả thật nhé, chúng tôi lâu nay đúng là có mắt không tròng, mang tiếng là thương khách lão luyện lại để một ả ca kỹ sai khiến, chán thật. Nghe đến đó, Mạnh Luân chán nản, bỏ về. Đến cổng nhà thì gặp Đinh Tú đang ngắt lá bắt sâu, bèn gọi vào hiên nhà nói chuyện. Mạnh Luân hỏi Đinh Tú, huynh thấy vợ tôi có phải là người đoan trang hay không. Biết Mạnh Luân đã nghe hết chuyện trong dân gian, Đinh Tú chỉ cười mà rằng, tôi thấy Huyền Nga là người đàng hoàng đúng mực, chỉ có điều do làm ca kỹ lâu ngày nên nàng khéo quá, thành thử có vẻ như không thật. Mạnh Luân thở dài, đến huynh còn nghĩ vậy, chả trách miệng lưỡi thế gian độc ác. Đinh Tú nhìn theo bóng Mạnh Luân đi vào trong, tặc lưỡi nghĩ, có lẽ những chuyện Trần Tung kể cho mình là đúng, chớ trước kia Mạnh Luân có cư xử tệ với bạn đến vậy đâu. Ngày còn đi thi với nhau, Mạnh Luân lo cho mình từng bữa ăn, đến lúc chia tay còn tặng bạc làm lộ phí, mà tính toán giỏi đến mức khi về đến nhà vẫn còn đủ tiền mua quà cho vợ. Càng nghĩ càng uất, Đinh Tú cảm thấy mình không phải thẹn gì khi đã viết ra câu chuyện ấy, vả lại, nhiều điều là do ông chủ Trần Tung kể cho mà nghe nên chàng mới biết.

Câu chuyện một ông bán bánh đa xấu người hẩm hiu lấy vợ đẹp nức tiếng ấy cứ lan truyền mãi, đến tai ông chủ một gánh hát. Ông chủ gánh thấy câu chuyện hay, bèn chế thành tuồng tích, sáng tác thêm đoạn cô vợ ca kỹ ấy chê chồng xấu và yếu, nên đi thông dâm với một công tử nhà giàu. Chuyện vỡ lở ra do người chồng có người em là hiệp khách, ông chủ thêm nhân vật này là do trong gánh hát có một kép hát rất giỏi võ thuật, người em biết chuyện nên xử cả đôi rồi tự trói mình đưa lên quan. Tuồng tích viết xong, cả gánh hát đều khen hay, cô đào chính thì bảo ông chủ viết thêm cho nhân vật thật lẳng lơ qua các ngón dụ khách để em còn trưng trổ kỹ thuật ca diễn, anh kép lệch thì bảo cứ cho thêm nhân vật người chồng gù lưng dị dạng đi để khán giả thấy cuộc hôn nhân ấy đầy kệch cỡm nhằm tố cáo xã hội. Cả gánh hào hứng lắm, tập ít ngày là xong, rồi kéo nhau đi diễn khắp nơi, đến đâu cũng được khen. Một hôm kéo đến gần đó, Trần Tung nghe thấy bèn mời cả gánh đến nhà mình đãi đằng ăn uống, mời cả Đinh Tú đến rồi giới thiệu đây chính là tác giả của câu chuyện ấy. Ông chủ gánh thấy vậy bèn cung kính mời Đinh Tú sửa lại tuồng tích bởi dù sao ông cũng không dồi dào văn thơ như chàng. Đinh Tú thấy tiền không ít, bèn hứa là sẽ sửa sao cho câu văn thật sâu sắc hàm súc lại dễ ca dễ diễn. Chỉnh xong đưa cho ông chủ gánh đọc, ông bèn vỗ đùi khen, huynh thật là tài nghệ tuyệt luân, sau này tôi sẽ phải nhờ huynh soạn tuồng.

Ít lâu sau, không chịu nổi sự khinh khi của thiên hạ, Huyền Nga thắt cổ tự tử. Mạnh Luân đề phòng từ trước, nên kịp cắt dây cứu vợ mình. Có điều từ đó, Huyền Nga trở nên nửa điên nửa tỉnh, lúc tỉnh chỉ ôm mặt khóc, lúc điên thì bẻ cây làm đàn, hát những câu vô nghĩa do tự mình nghĩ ra. Công việc kinh doanh của Mạnh Luân cũng đi xuống thảm hại, khiến Mạnh Luân phải bán hết gia sản cho Trần Tung. Đoán được trước kết cục ấy, Đinh Tú sang bảo Mạnh Luân, thôi tôi cũng về quê đây ông chủ ạ, dù sao thì nhìn cảnh này cũng không đành lòng. Trần Tung gật đầu bảo, huynh quả là người có tấm lòng. Nói rồi đưa thêm cho Đinh Tú mấy nén bạc, lại tặng cho bộ văn phòng tứ bảo quý hiếm. Cầm được bạc, Đinh Tú đi ngay trong đêm, không chào từ biệt Mạnh Luân câu nào. Làm Mạnh Luân ngơ ngác, sai tên gia nhân duy nhất ở lại với mình đi tìm mãi mà không được.

Về đến nhà, Đinh Tú ngơ ngác mãi vì con đường thì quen mà ngôi nhà thì lạ. Ngôi nhà gianh vách đất không còn nữa, mà lại mọc lên ngôi nhà ngói năm gian, cột gỗ, bên cạnh là giếng nước gạch. Chỉ đến khi Thị Nhuần ra, Đinh Tú mới biết đây nhà mình. Chưa kịp hỏi thì Thị Nhuần hồ hởi kể, chàng ạ, sau khi chàng đi ít lâu thì bác Mạnh Luân về đây bảo em là sẽ làm cho vợ chồng mình ngôi nhà. Bác ấy bảo em, chàng là thư sinh nên có đôi phần lười nhác, bác ấy muốn cho chàng làm lụng gian khổ để thấy rằng làm ra của cải cũng khó khăn vất vả lắm, theo dõi chàng ít lâu nên thấy chàng đã chăm chỉ nên mới về đây. Bác ấy còn bảo, em cố gắng đợi chàng ít năm, sau khi chàng thạo việc bác ấy sẽ dạy chàng cách làm ăn.

Nghe đến đó, Đinh Tú chết lặng trong lòng, cố trấn tĩnh lại rồi thản nhiên bảo vợ, nàng thấy chưa, bạn ta là người tốt mà. Thị Nhuần cười hớn hở bảo, thôi chàng nghỉ đi để em còn làm cơm. Đinh Tú gật đầu rồi làm bộ dọn đồ ra, bởi còn phải soạn tuồng mới cho gánh hát. Lúc mở tay nải, vô tình thấy bộ bút, chàng giở từng cây bút lên xem. Từ đầu bút, từng giọt mực đỏ như máu chảy xuống. Đinh Tú thét lên vì sợ hãi, rồi ngất lịm đi.

N.T.T
(TCSH397/03-2022)

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Mê cung (12/01/2024)
Các bài đã đăng
Khúc (19/04/2022)
Ô cửa mùa xuân (14/02/2022)