Truyện ngắn
Chuyện hãng sơn T.K.
09:38 | 30/11/2022

VIỆT HÙNG

Bây giờ thì ở Việt Nam đã có "Đài hóa thân hoàn vũ" (nói đơn giản là lò thiêu những xác chết).

Chuyện hãng sơn T.K.
Minh họa: PHAN CHI

Kể ra khoảng mười mấy năm về trước mà nói chuyện này ở Việt Nam quả là điều khó tin. Bởi không dễ dàng gì bước qua những thói quen cổ truyền, trở nên như cái đạo lý thiêng liêng từ ngàn đời nay. Người Á Đông không quan niệm cõi hư vô là chấm hết. Một thước đất thôi là cái chốn trở về an bài của một kiếp người, là thế giới thần bí của mỗi cá nhân nơi cõi vĩnh hằng...

Nhưng, đất đai chẳng hề sinh sôi nảy nở, cho dù trong lòng nó là sự dịch chuyển, biến hóa khôn lường. Con người thì luôn phải vận hành theo chu trình hoạt động của cỗ máy thời gian, hết vòng này đến vòng khác, liên tục xuất phát lại liên tục trở về...

* * *

Sở dĩ tôi nhắc đến "Đài hóa thân hoàn vũ" vì nó liên quan đến số phận người bạn tôi, trong câu chuyện mà tôi sắp kể.

Hôm ấy, tôi đi bộ về hãng sơn T.K tìm anh ta - người tôi mới nói. Vừa bước vào cổng tôi đã phải chứng kiến cảnh ồn ào chẳng hay ho chút nào. Một ông to béo đang hoa tay múa chân. Nhìn cái dáng đường bệ, oai phong lẫm liệt của ông, tôi đoán hắn là người có quyền hành cao nhất hãng sơn. Nhiều người đang nháo nhác trước vẻ nóng nảy của ông. Một người dáng gầy gò khắc khổ, có lẽ là một lao công của hãng, đang bị ông chỉ tay vào mặt:

- Nó đi, nó có nói gì với anh không?

- Dạ không. - Người lao công khúm núm trả lời.

- Tý nữa thằng Tài quay lại, anh nói với nó từ ngày mai nghỉ việc. - Ông gằn giọng - bảo vệ mà trong giờ dám bỏ đi chơi. Tôi không thể dùng cái loại vô kỷ luật đó được. Cho nó về canh giữ cái lò thiêu xác của nó.

Tôi vội vã quay lưng bỏ đi. Lâu nay tôi vốn không thích tiếp xúc với các ông chủ to béo, đường bệ. Giờ lại thấy cái mẫu người "ấn tượng" ấy nhiếc mắng bạn tôi dù chỉ là sau lưng, cũng đủ làm tôi khó chịu. Một người tài hoa như bạn tôi, sao lại cúi đầu chịu cảnh nhục nhã vậy nhỉ? Cuộc đời quả là khắc nghiệt.

Chúng tôi học với nhau từ nhiều năm trước. Ngày ấy, thời còn học phổ thông ở Hà Nội, Tài thường nổi lên là ngôi sao sáng trong nhiều lĩnh vực. Ba năm học cấp 3, Tài luôn dẫn đầu toàn trường về các môn học tự nhiên. Cậu ta còn là cầu thủ bóng đá trẻ đầy triển vọng, liên tục có chân trong đội năng khiếu Hà Nội. Năm học cuối cấp 3, Tài được chọn vào đội tuyển trẻ bóng đá Câu lạc bộ Quân đội. Nhưng Tài cương quyết không theo nghiệp bóng đá. Sau này tôi cứ suy nghĩ - giá như hồi ấy cậu ta cứ đi đá bóng thì dẫu không trở thành cầu thủ nổi tiếng, cũng có thể trở thành một huấn luyện viên, đâu đến nỗi phải đi làm bảo vệ ở hãng sơn T.K để ông chủ mắng lên mắng xuống.

Ngoài những đường bóng sắc sảo và bay bướm trên sân cỏ, Tài còn là tay độc tấu ghi ta cổ điển cự phách. Đêm thanh vắng mà được nghe Tài chơi đàn, thì dẫu người nghe có cầm điếu thuốc cháy dở trên tay cũng không dám hút, vì chỉ sợ làm ngắt đi một tiếng đàn mê hồn. Ngày ấy, buổi tối, chúng tôi thường đến nhà Tài học bài rồi ở lại để nghe cậu ta chơi đàn. Chơi đàn chán Tài lại kể chuyện. Những câu chuyện Tài kể luôn mang màu sắc ma mị, khiến người ta càng nghe càng phải xích lại gần nhau hơn. Học xong phổ thông, lớp chúng tôi có quá nửa số người thi đỗ dại học, nhưng đủ điểm đi học nước ngoài thì chỉ có mình Tài, mà cậu ta còn vượt quá điểm chuẩn đến gần năm điểm. Chúng tôi kéo đến chúc mừng Tài - một hạt giống đầy hứa hẹn của đất nước. Chắc chắn Tài sẽ trở thành nhà khoa học có tên tuổi. Vậy mà đâu ngờ... Thật là trớ trêu.

Người đời bảo kẻ lắm tài thường bất hạnh. Nhưng với riêng Tài, tôi không tin điều ấy sẽ xảy ra. Cho đến tận lúc chứng kiến cảnh ông chủ hãng sơn T.K. sài sể Tài, tôi vẫn không tin con người thông minh, uyên bác, nhanh nhạy như cậu ta lại có thể chấp nhận được hoàn cảnh ấy.

Tôi nghe nhiều người nói, ông chủ hãng T.K là con người hâm hâm, hay "chập mạch bất tử". Thấy bảo trước kia ông là một doanh nhân có tiếng ở Sài Gòn. Sơn T.K. ngày ấy không những đứng vững được trên thị trường Việt Nam mà nó còn góp phần quan trọng đẩy lùi sự xâm nhập của sơn ngoại. Hồi đó, chuyên gia kỹ thuật cho T.K. là một kỹ sư hóa chất từng đi tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài về. Sau năm 1975, anh kỹ sư này "tếch" sang Đài Loan và trở thành một trong những kỹ thuật chủ chốt của hãng sơn Taipen. Tất nhiên mọi bí quyết của sơn T.K. anh ta đem đi luôn. Sơn Taipen trở thành đối thủ nguy hiểm, đe dọa sự sống còn của T.K từng ngày. Chính vậy nên ông chủ T.K. mới điên tiết, luôn nguyền rủa anh kỹ sư "phản chủ". Thực chất anh ta chẳng hề phản ông, bởi bí quyết chế sơn T.K. là của riêng anh ta. Càng ngày ông chủ T.K. càng hâm hấp, ông có thể chửi mắng bất cứ ai trong hãng vào bất cứ giờ nào mà ông muốn.

Sau năm 1975, hãng sơn T.K nhà nước quản lý, nhưng nhiều năm sau đó vẫn đóng cửa không hoạt động được. Ông chủ T.K hồi ấy đinh ninh mình mãi mãi bỏ nghề làm sơn, cái duyên của ông đã hết vì chính viên ngọc quý của ông đã chạy ra nước ngoài. Cho đến thời kỳ làm ăn thông thoáng, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển, ông chủ T.K. mới quyết định hoạt động lại. Nhưng do không nắm được bí quyết của sơn T.K nên ông vừa làm vừa mò mẫm nghiên cứu. Tất nhiên ông có thuê một vài kỹ sư Việt Nam làm kỹ thuật, nhưng xem ra sơn T.K ngày một lụn bại. Người ta mua sơn T.K. vì cứ nghĩ đến tên tuổi của nó trước kia. Nhưng chỉ dùng một lần ai cũng khiếp. Ngày ấy đi trên đường nghe họ bôi bác sơn T.K. thì cứ phải ôm bụng mà cười: - "Thế nào, ông dùng sơn gì đấy?", "Ôi dào, dùng sơn T.K. thảo nào... ra nắng nó lên cơn động kinh nó phồng lên là phải". "Sơn T.K. mùa hè nó nhảy vũ điệu của người da đỏ, nó bong ra vì nó lên cơn động cỡn... nó bị thần kinh". Chẳng biết tự lúc nào, sơn T.K bị thiên hạ gọi là sơn "thần kinh", "sơn điên" vì nó không chịu nằm yên trên sắt. Ông chủ của nó mà nghe được chắc còn điên hơn. Đúng thời điểm ấy anh bạn tôi lại xin về làm việc cho hãng, mà chỉ làm chân bảo vệ quèn. Thế mới khốn khổ cho con người tài hoa.

* * *

Hồi ấy, sau một năm học ngoại ngữ, chúng mình phải trải qua kỳ thi sát hạch. Rồi thì sang Đông Âu - Tài kể cho chúng tôi nghe khi cậu ta đã tốt nghiệp đại học, về nước với tấm bằng đỏ chói. Ngày đó ai tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về mà có bằng đỏ đều được quyền chọn nơi làm việc. Thêm sáu tháng học ngoại ngữ nữa thì được phân về các ngành nghề đào tạo theo nguyện vọng. Nước mà mình đến học, năm đó cùng đi với mình còn mấy trăm học sinh Việt Nam khác. Chỉ trong ba ngày, chúng nó lần lượt nhận được giấy báo về tập trung ở nhiều trường đại học khác nhau. Cuối cùng còn lại mười mấy đứa trong đó có mình, sứ quán dặn cứ bình tĩnh sẽ sắp xếp sau. Mình bồn chồn lo lắng đứng ngồi không yên - Hay là không được học nữa mà phải về nước? Nhưng sau tìm hiểu, thấy những người ngồi đợi như mình toàn những học sinh xuất sắc, lại chẳng vi phạm kỷ luật gì nên mình yên tâm. Mình lầm rầm khấn - Lạy trời cho con theo ngành Hóa ứng dụng, nguyện vọng tha thiết của con. Sau gần một tuần nữa, tất cả được gọi lên gặp cán bộ sứ quán. Bước vào phòng gặp mặt, tay chân mình run lẩy bẩy. Ông cán bộ sứ quán hắng giọng - "Các cháu là những học sinh ưu tú của đất nước nên được vinh dự vào học các ngành mà lâu nay chưa có, hoặc mới bắt đầu có ở Việt Nam. Sau này sẽ là những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Chúng ta rồi sẽ có một nền công nghiệp tiên tiến không thua gì Châu Âu. Do vậy ngay từ bây giờ phải đào tạo một đội ngũ khoa học trẻ. Các cháu sẽ góp phần không nhỏ cho tương lai đất nước...". Danh sách từng người cùng ngành nghề phải học được công bố. Đúng là toàn ngành lạ. Nào là công nghiệp hóa dầu, nào kỹ thuật điều chế tinh dầu, nào công nghệ Silicát... Không khí lắng đọng sự lo âu. Trong cái trang nghiêm ai cũng cảm nhận được trách nhiệm to lớn của mình. Thấy chưa được nhắc tên, mình đứng bật dậy - "Thưa chú... Dạ... vì sao cháu... chưa có tên?" - "Nguyễn Đắc Tài phải không? Cháu cứ bình tĩnh ngồi xuống" - Ông ra hiệu cho mình rồi tiếp tục nói - "Nhiệm vụ mà Tổ quốc trao cho các cháu là phải học thật giỏi, đem thật nhiều kiến thức mới về cho đất nước. Hôm nay các cháu được ngồi học ở đây, thì ở nhà, cha mẹ các cháu đang gian khổ, bạn bè các cháu phải cầm súng đánh Mỹ giành độc lập cho dân tộc. Các cháu phải xác định đây là nhiệm vụ không kém phần thiêng liêng, không kém sự vất vả... Các cháu có hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổ quốc giao phó không?" - Chao ơi, đang ở nước người mà nghe nhắc đến Tổ quốc mình sao nó thiêng liêng quá! Mắt đứa nào cũng rơm rớm. Tất cả đứng bật dậy tuyên thệ. Mình chưa biết sẽ được học gì nhưng cũng đứng dậy vung tay thề quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quả nhiên 6 năm sau, trước khi về nước, chúng mình gặp lại nhau, không có đứa nào trong số ấy là không tốt nghiệp đạt loại ưu. Rồi giải tán. Riêng mình phải ngồi lại. Sau một hồi giảng giải nữa ông cán bộ mới vào đề - "Cháu phải học một nghề mà Việt Nam chưa có. nhưng sẽ có trong nay mai. Cháu là người đầu tiên của đất nước được đào tạo về công nghệ thiêu xác chết. Đó là vinh dự lớn". Nghe đến đây mình bủn rủn tay chân. Trời ơi, học gì cái nghề dễ sợ quá! Nhưng đã lỡ hứa rồi, không thể thoái thác được nữa - "Cháu lạ lắm sao? Người ta đã có nghề này cách đây nửa thế kỷ. Tại sao mình không thể có? Mồ mả nhiều, đến lúc còn đâu đất đai cho người sống! Cháu hiểu chứ?" - Mình cầm quyết định mà cứ thẫn thờ. Nhưng không thể không quyết tâm, để khỏi phụ công những người đã hy sinh cho mình sang đây học hành...

Nghe Tài kể, bọn tôi quá buồn cười. Nhưng không đứa nào dám cười vì sợ cậu ta tủi thân. Quả là khó cắt nghĩa cho Tài, vì ngày ấy Việt Nam vẫn chưa có "Đài hóa thân hoàn vũ" nào. Nghe bảo ở Sài Gòn trước 1975 cũng có một lò thiêu. Nhưng như đã nói, người Việt Nam không dễ dàng gì đưa người thân quá cố của mình lên dàn hỏa táng, mà vẫn phải cố tìm cho ra một thước đất. Nên cái lò thiêu ấy có mà không vận hành được. Vậy là con người tài hoa, thần tượng của tất cả bạn bè, anh kỹ sư sau 7 năm lăn lộn ở nước ngoài cố giành tấm bằng đỏ, đã phải nếm mùi thất nghiệp ở ngay quê hương mình.

Sau này Tài còn kể chuyện thử đi xin việc ở vài ba nơi, đến đâu người ta cũng vồn vã vì nghe kỹ sư tốt nghiệp bằng đỏ ở nước ngoài về. Nhưng khi hỏi ra ngành nghề, ai cũng run lẩy bẩy. Thậm chí có người còn không dám đến gần Tài, họ bảo Tài là ma hiện hình. Tài kể chuyện vẫn với vẻ nhởn nhơ hóm hỉnh như ngày nào. Hình như với cậu ta chẳng có việc gì đáng phải lo sợ.

Bẵng đi một thời gian bạn bè không thấy Tài đâu nữa. Chúng tôi đứa nào cũng mải mê với công việc của mình nên khá lâu sau mới tìm đến nhà cậu ta. Gia đình bảo Tài đi miền Nam thăm bà con, rồi ở lại làm việc luôn trong đó, không rõ làm việc gì. Bọn tôi đoán chắc Tài lại mon men đến cái lò thiêu ở Sài Gòn. Hoặc có thể làm việc khác, vì một người thông thạo đến ba ngoại ngữ như Tài, có lẽ chẳng khó khăn gì để kiếm một việc làm ở miền Nam.

Mấy năm sau nữa tôi cũng chuyển vào Nam công tác. Tình cờ gặp Tài. Chẳng hiểu cậu ta làm gì mà rất lắm tiền, vẫn với vẻ nhởn nhơ, hóm hỉnh như xưa. Nhìn cái vẻ ngoài của Tài, ai cũng sẽ bảo với cậu ta chẳng có gì là quan trọng. Hôm đó Tài dẫn tôi vào một nhà hàng rất sang, và còn nói đó là nơi cậu thường lui tới. Tài kể phải làm nhiều công việc để kiếm sống, nhưng nói chung sống được. Rồi chẳng hiểu đất trời nào xui khiến Tài về đầu quân ở hãng sơn T.K vào đúng thời kỳ hãng sơn đang "đứng bên miệng hố".

* * *

Sau một tháng bị đuổi việc mình lại mò đến hãng Sơn T.K. - Tài kể lại với tôi - Mình lên thẳng phòng ông chủ. Rồi khóa trái cửa không cho ai vào nữa.

- Có việc gì thế anh kỹ sư? Anh không định đưa tôi lên lò thiêu đấy chứ? Ông nhìn mình đầy vẻ đố kỵ.

- Tất nhiên là chưa.

- Anh cứ trình bày hoàn cảnh, nhưng... chân bảo vệ của anh có người khác thay rồi.

- Hôm nay tôi không đi xin việc.

- Anh cứ tự nhiên. Tôi xin nghe đây. - Ông giơ tay ra trước bàn rồi ngẩng đầu nhìn lên trần nhà. Mình cũng thử nhìn lên nhưng vẫn chỉ là cái trần nhà, chẳng có gì đáng cho ông phải nhìn lâu thế.

- Thưa ông chủ, tôi sắp chết rồi!

- Cái gì? - Ông giật mình kinh hãi.

- Thầy tử vi nói tôi chỉ sống được mấy tuần nữa.

- Nói lảm nhảm. Lại mê tín dị đoan.

Ông chủ T.K là người rất ghét bói toán. Có lần, một nhóm công nhân đi xem bói về, ông biết được, suýt nữa thì ông đuổi việc cả nhóm.

- Nhưng lần này thì đúng. Không phải một thầy mà những ba thầy đều nói giống nhau. Ông biết đấy, thành phố ta mới khánh thành "Đài hóa thân hoàn vũ". Tôi đã đăng ký rồi. Tôi sẽ là người đầu tiên được đưa vào "Đài" như một "anh hùng" đi tiên phong.

Ông chủ T.K mặt mày biến sắc, thái độ không còn bình thường nữa.

- Điều này mới quan trọng. Thầy bói nói tôi là người hay thù vặt, mà lại xuống cõi âm rồi mới trả thù người dương thế. Tôi trả thù ai chắc ông cũng đoán được.

Ông chủ T.K bắt đầu run. Người ông vã đầy mồ hôi, miệng lắp bắp:

- Không... anh đừng... thù ai cả. Tội nghiệp... họ. Mà tốt nhất anh đừng dại chết. Tôi sẽ nhận anh trở lại làm việc với lương cao hơn.

- Mệnh trời làm sao cãi được. Bây giờ thế này, dù sao tôi cũng đã từng làm việc ở đây. Vậy tôi chết, ông có lo đám tang cho tôi được không?

- Có chứ!

- Ông lo được bao nhiêu?

- Tùy anh.

- Tôi chỉ xin ông 5 triệu đồng. Sau này ông khỏi bận tâm. Chừng nào ông đọc trên báo thấy nói đến người đầu tiên được đưa vào "Đài hóa thân", đó chính là tôi, ông chỉ việc cầu nguyện cho linh hồn tôi được yên ổn nơi chín suối.

Mình chìa ra tờ đơn. Ông đọc qua rồi ghi phía dưới, dòng chữ run run: "Chi cho anh Tài về khoản ứng trước tiền đám tang của mình".

Quả là câu chuyện thật như đùa. Tất nhiên Tài chẳng bao giờ thực hiện được nguyện vọng của mình là người đầu tiên vào "Đài hóa thân". Bởi cậu ta vẫn sống nhăn răng ra đó, vẫn là nhởn nhơ yêu đời. Tôi rất buồn là bạn tôi, một người luôn trọng nhân cách, bỗng nhiên đi lừa ông chủ T.K một người hâm hâm và tội nghiệp. Ông T.K thật đáng thương. Tôi cho Tài đã trở thành kẻ lừa đảo. Từ đây tôi không muốn gặp cậu ta nữa.

Bỗng một thời gian, tôi thấy báo chí và truyền hình rộ lên quảng cáo cho sơn T.K. Tôi nghĩ sơn T.K đang "giãy chết" nó muốn vớt vát chút danh dự. Người khác lại bảo T.K lên cơn động kinh lần cuối. Nhưng dù sao sơn T.K vẫn ào ạt tuôn ra thị trường. Rồi báo chí hết quảng cáo cho T.K. Bỗng T.K khan hiếm. Một cơn sốt sơn T.K nổi lên. Giá cả nó tăng vọt. Rồi thị trường được điều tiết trở lại bình ổn. Người ta kháo nhau chất lượng sơn T.K khá hơn trước 1975, nó chỉ thua sơn Nhật chút ít và đang có cơ vượt sơn Taipen của Đài Loan. Giá cả T.K lại rẻ hơn các loại sơn ngoại nhập. Người ta vẫn gọi nó là sơn "thần kinh", vì thành thói quen mất rồi. Nhưng sơn "thần kinh" bây giờ được nói đến bằng sự đáng yêu, đáng kính chứ không phải để bôi bác như xưa. Chẳng hiểu phép nhiệm màu nào vực T.K vươn dậy thần kỳ như thế? Sơn T.K mới bao bì đẹp, in cả mấy thứ tiếng nước ngoài, đang được xuất sang Đông Âu. Chắc chắn sơn T.K đã thay đổi công nghệ từ A đến Z. Sự tò mò thôi thúc tôi tìm về hãng xem sự thể ra sao. Người ta chỉ tôi lên gặp phó giám đốc kỹ thuật. Tôi gõ cửa và nhận được lời đáp - "Mời vào tự nhiên". Tôi xoay đấm cửa. Một người đàn ông ngồi trên ghế xoay đang bình thản đọc báo nước ngoài. Thấy tôi vào, anh ta nhún người xoay thêm một vòng nữa. Quả là con người khôi hài. Ơ kìa, thế là thế nào? Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Người đàn ông xoay ghế thêm vòng nữa. Tôi dụi mắt nhìn tấm biển trên bàn: Phó giám đốc kỹ thuật- kỹ sư Nguyễn Đắc Tài. Người đàn ông lại xoay ghế thêm vòng nữa rồi phá lên cười ha hả - "Lạ lắm sao? Ồ, mọi chuyện đều có thể xảy ra". Tôi đứng lặng không nói được lời nào. Người đàn ông xoay ghế thêm vòng nữa, vẫn cứ cười ha hả. Rồi anh đứng dậy ấn tôi xuống ghế, và gỡ kính trắng ra khỏi mắt - "Tài đây, không nhận ra ư?". Tôi bàng hoàng. Tài mở tủ lạnh lấy bia mời tôi - "Uống đi, mọi chuyện sẽ rõ ngay thôi".

Thì ra thời gian học ở nước ngoài, Tài vẫn bí mật theo đuổi ngành Hóa ứng dụng, và điểm đích của cậu ta là công nghệ sản xuất sơn. - "Mình biết trước cái nghề thiêu xác của mình sẽ thất nghiệp khi về nước. Hơn nữa mình rất sợ nghề này. Nhưng nhiệm vụ Tổ quốc đã giao phó làm sao thoái thác được". Anh kỹ sư thiêu xác đến tận bây giờ mới ló ra cái bằng đỏ thứ hai, chẳng hiểu con người bí hiểm này còn bao nhiêu điều bí mật nữa. - "Có một vấn đề các nhà làm sơn Đông Âu chủ quan không đặt nặng là "nhiệt đới hóa" các sản phẩm. Ngay từ hồi ở bên đó mình đã nghĩ đến việc này".

- Thế cậu lừa ông chủ T.K lấy 5 triệu đồng làm gì?

- Ồ, khi đó công trình mình sắp công bố, mình muốn chọc con người hâm hấp nhưng tốt bụng này một vố cho vui.

Ông chủ T.K giờ vớ được Tài, ông cho rằng trời cho ông viên ngọc còn sáng hơn viên ngọc ngày xưa. Ông lại hết hâm hấp và trở nên linh hoạt. Tài không ăn lương của một phó giám đốc thông thường mà hưởng phần trăm ngay trên số sản phẩm xuất xưởng. Trong lúc các loại sơn của Đông Âu đều bán không chạy trên thị trường Việt Nam thì một anh kỹ sư Hóa ứng dụng "bán công khai", học nghề từ bên đó trở về, lại đang phát huy ngón sở trường độc đáo của mình ngay tại quê nhà. Mặc dù một số nguyên liệu làm sơn T.K vẫn phải nhập ngoại, nhưng, như thế cũng là ghê lắm rồi. Vậy thì không phải ngẫu nhiên mà Tài chọn hãng sơn T.K để đến xin việc như lúc đầu tôi nghĩ. Thế mới biết khi đã có đất dụng võ, người Việt Nam đâu có chịu kém ai.

Huế, tháng 12.1995
V.H
(TCSH84/02-1996)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Nhà nội… (15/11/2022)
Mùa sâm cầm (11/11/2022)
Con riêng (26/09/2022)