Truyện ngắn
Đồng đội
10:17 | 14/01/2023

THANH TÙNG

Thân yêu tặng đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn

Đồng đội
Minh họa: Ngô Lan Hương

Hoàn thành chương trình huấn luyện tân binh, Quang Thanh, Ngọc Sơn, Phong Thủy cùng chuyển về đơn vị chiến đấu. Không chỉ ở một đại đội mà cả ba được biên chế về cùng một tiểu đội. Sở dĩ “ba eng tam” bọn họ được dồn “vô một rọ” là do cả ba đều học xong năm thứ hai đại học sư phạm nên Ban Quân lực bố trí về đơn vị trinh sát kỹ thuật. Ông Tô Tiến Phúc, trợ lí Ban Cán bộ, hay nói sư đoàn ta là “Anh cả đỏ” của quân đoàn, và thường gọi cánh lính sinh viên ra trận là những hạt giống đỏ. Anh em trong tiểu đội, trung đội, và cả đại đội, vẫn thường gọi họ là ba chàng ngự lâm pháo thủ.

Bộ ba ấy gộp lại như một bộ bách khoa toàn thư của đại đội. Giờ nghỉ giải lao trên thao trường, lúc lao động, kể cả khi chui vào màn rồi họ vẫn “nổ” đôm đốp, không ai chịu ai. Chuyện ba chàng ngự lâm hay tranh cãi, hay phản biện, kể cả tếu táo, bông đùa, đồng đội cùng một doanh trại vẫn gọi đó là món ăn tinh thần cực ngon. Những đêm hành quân anh em cùng đội hình thường xúi họ kể chuyện, hoặc cãi nhau, cho khỏi buồn ngủ và nhẹ vai nhẹ chân. Quang Thanh là dân khoa sinh nhưng lại hay giở giọng triết lí nhiều hơn là biến đổi gen và giải phẫu sinh lí. Anh chàng có cái sổ tay bỏ lọt túi áo, gặp ai cũng hỏi ngày sinh tháng đẻ, ghi ghi chép chép, và đối chứng. Thì ra anh ta mê tử vi từ khi mới học hết năm thứ nhất. Nhờ lính chiến ngày ấy “đông như quân Nguyên”, và sau này hành nghề dạy anh ta tiếp cận biết bao nhiêu là thế hệ học sinh, đặc biệt là học sinh lớp anh chủ nhiệm, nên lại càng có nhiều cơ hội để mày mò, chiêm nghiệm, tìm xác suất… Đến khi về hưu lại có thêm nghề xem tử vi, dịch học, phong thủy địa lí đủ cả. Cuộc đời Quang Thanh đúng là “học, học nữa, học mãi” và kết thúc có hậu. Lính chiến trở về lành lặn, không bị nhiễm da cam, ra trường giỏi chuyên môn, biết làm kinh tế, công thành danh toại.

Ngọc Sơn học văn, lại giỏi nhớ, thơ Tố Hữu, thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến Thế Lữ, Xuân Diệu, Tế Hanh… anh đọc vanh vách, vận dụng vào ngữ cảnh rất chuẩn. Nói xách mé đồng đội, kể cả chỉ huy, cũng rất hay. Ấy thế mà lại nhát gái. Đi lấy củi gặp em thanh niên xung phong cùng quê; đi địa hình nghỉ nhờ binh trạm bộ đội Binh đoàn Trường Sơn, lại nhờ vả mấy cô bộ đội nấu cơm mấy ngày liền mà chỉ trả công bằng bài thơ báo tường. Thỉnh thoảng có mấy em tìm về đơn vị thăm nhưng Sơn “nổ” cứ im thin thít, chẳng làm ăn được gì cả, lại bị anh chàng “buôn vua” trong đại đội phỗng tay trên. Rất may là chưa khi nào Sơn bị “đổ vỏ”. Quang Thanh hồi ấy rất mê thơ. Đọc thơ bí ở đâu đều được Ngọc Sơn gỡ ngay lập tức. Quang Thanh rất thích bài “Đồng chí” của Chính Hữu. Đêm ngủ ở lán trong rừng Quang Thanh nghêu ngao đọc: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ…”. Tập bắn ban đêm lại say sưa đọc: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”…

Phong Thủy số khổ, việc gì khó cũng đến phần, nên Quang Thanh gọi anh là Phong  Ba. Thủy học sử nên rất khoái cụ Võ Nguyên Giáp, xem cụ là thần tượng. Bởi thế mà Quang Thanh hay xỏ xiên Ngọc Sơn: Học văn là vất. Muốn làm chính trị thì phải có tư duy sử học… Phong Thủy khổ từ trong chiến trận, và đau đớn còn gấp vạn lần hơn trong những ngày đất nước đã hòa bình. Trong ba chàng sinh viên ra trận của đơn vị tôi ngày ấy chỉ Thủy là có một mối tình mang theo. Chúng tôi thường được nghe nhạc hiệu đoán chương trình. Nghe Thủy khe khẽ hát: Cửa sổ hai nhà cuối phố… Anh ở đầu sông em cuối sông… Ngôi sao như nhớ ai trong những đêm không ngủ… Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau hơn…, là cả trung đội im phăng phắc, rất chi là đồng cảm và thương Thủy vô cùng.

Vào tới Quảng Nam, Thủy bị dính bom na pan bỏng nặng nửa người, từ vùng bụng lên đầu. Dù được chuyển về tuyến sau và ra Bắc điều trị nhưng y thuật thời ấy chưa có giải phẫu thẩm mĩ nên chỉ cứu được sinh mạng anh. Sau 5 lần phẫu thuật bạn bè chỉ nhận ra Thủy nhờ ngôn ngữ và cử chỉ. Cảm nhận được nỗi đau của bố mẹ, người thân trong ngày trở về nên Thủy đã giấu biệt tung tích, không dám viết thư cho ai cả. Ở trại thương binh được một năm thì chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, Thủy không dám về quê. Nhờ một đồng đội cũ giới thiệu, Thủy được nhận làm một chân kiểm lâm ở ngay huyện nhà. Thủy năn nỉ từng người trong đơn vị công tác cho mình được giấu kín thân phận. Vì anh không muốn những người thân yêu phải đau đớn khi bắt gặp gương mặt dị dạng của mình. Anh xung phong làm nhiệm vụ gác cửa rừng và ở lại giữ lán, cốt là để không bị ai phát hiện ra mình. Từ cái lán bên bờ suối vắng giữa cánh rừng già, ngoài thú vui câu cá, Thủy bắt đầu viết hồi ký và làm thơ với bút danh Hoài Hương. Thi thoảng anh dạy kèm thằng Tèo, thằng bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang ở với ông nội là lớp người cổ lai hi trong cái xóm nhỏ ngoài vùng đệm. Ngoài đồng nghiệp giữ rừng, duy chỉ có thằng Tèo là bạn chí cốt của Thủy.

*

Hà Thị Thanh Hương và Hồ Phong Thủy là đôi bạn ngày xưa học chung trường huyện. Thủy đi học đại học thì Hương đi học lớp 10 cộng 3 tháng đào tạo cấp tốc giáo viên cấp 1. Hương mất liên lạc với Thủy từ khi anh vào chiến trường. Trước ngày nhập ngũ, do chiến tranh ác liệt nên Thủy không đủ thời gian về thăm nhà. Ngày anh ra trận không có cô bé nhà bên đưa tiễn, chỉ có hương thầm theo mãi bước quân hành. Sau chiến tranh, vô vọng tin tức của người yêu, Hương xin về quê Thủy dạy học những mong nhận được tin của anh thông qua gia đình. Chiều thứ 7 mỗi tuần Hương lại cuốc bộ gần 10 cây số đường rừng, vượt sông lên nhà Thủy “làm dâu”. Năm qua đi, tháng qua đi Thủy vẫn biệt vô âm tín trong nỗi khắc khoải, chờ mong của cả gia đình, của Hương. Trong khi đó Quang Thanh và Ngọc Sơn đều trở về trường đại học tiếp tục học hai năm cuối. Ra trường Thanh và Sơn hạ quyết tâm đi tìm Thủy. Họ vẫn tin là Thủy vẫn còn ẩn khuất ở đâu đó. Còn Quang Thanh và Ngọc Sơn thì tình cờ đọc được chùm thơ ba bài trên báo Nông Lâm. Nghe giọng thơ, lấy trong ý tứ mà suy, họ có linh cảm tác giả chính là người đồng đội cùng tổ ba người năm xưa. Đặc biệt là cái bút danh Hoài Hương!

Thanh và Sơn cùng nhau đến tòa soạn báo Nông Lâm hỏi thông tin về tác giả Hoài Hương. Cả biên tập viên văn hóa văn nghệ và thư ký tòa soạn đều lắc đầu vì tác giả chưa một lần diện kiến. Chùm thơ được gửi đến tòa soạn bằng đường bưu điện, không ghi địa chỉ người gửi. Theo chỉ dẫn Thanh và Sơn xuống phòng Trị sự ở tầng trệt nhờ cô văn thư dò tìm địa chỉ của tác giả Hoài Hương. Cô văn thư cũng chào thua vì kiểm tra sổ ghi bài đến cũng không có địa chỉ tác giả. Ơn trời, thầy giáo dạy văn Ngọc Sơn vẫn còn nhớ chút ít nghiệp vụ trinh sát. Anh năn nỉ cô văn thư cố lục tìm trong đống phong bì cũ. Nếu có sẽ lần theo dấu bưu điện… Cảm động trước tấm lòng đồng đội cô văn thư hứa: “Em sẽ cố gắng. Nhưng hy vọng rất mong manh vì thư đến cách đây đã 2 tháng 20 ngày. Hẹn hai anh sáng mai trở lại, may gì…”.

7 giờ 30 sáng hôm sau Thanh và Sơn trở lại tòa soạn báo. Thấy nét mặt tươi roi rói của cô văn thư, hai chàng ngự lâm mừng hơn lượm được đá đỏ. Cô văn thư liền một hơi: Em mất một đêm trắng các anh ơi. May quá. Nhờ có kế hoạch nhỏ của các cháu trong nhà mỗi tháng em gom được một bao báo cũ, tài liệu thanh lí, và cả phong bì. May (lại may) mà chưa đến ngày các cháu nộp cho nhà trường… Sơn vẫn bản tính hay nổ như thời ở lính nên quên cả lời cám ơn ân nhân của mình. Anh khoái chí nổ: Tuyệt vời. Kế hoạch nhỏ mà làm được việc lớn, rất lớn. Chính xác hơn là rất vĩ đại…

Theo dấu bưu điện trên chiếc phong bì, hai chàng ngự lâm cưỡi con ngựa chiến lên huyện Nghĩa Tân. Lê la hết Phòng Văn hóa Thông tin đến các câu lạc bộ thơ ca hò vè, tất cả đều nhận được những cái lắc đầu, những câu đại loại: Cảm động quá, nhưng… rất lấy làm tiếc. Trên đường về lại thành phố hai chàng ngự lâm vừa đi vừa lên kế hoạch tác chiến: Để bảo toàn sức người sức của, vì “cuộc chiến đấu” còn rất lâu dài và gian khổ, từ nay phân công nhau bám toà soạn báo Nông Lâm để mật phục tác giả Hoài Hương khi đến nhận nhuận bút. Tưởng là cao kiến, nhưng rồi mất một tháng trời tròn vẫn không thấy Hoài Hương đến nhận nhuận bút và báo biếu. Ngược lại tòa soạn tiếp tục nhận được thêm hai chùm thơ của Hoài Hương, cũng qua đường bưu điện và vẫn không ghi địa chỉ người gửi.

Quang Thanh phán đoán: Căn cứ nội dung bài “Rừng khát” và bài “Lời tự tình của loài chim” rất có thể tác giả đang công tác trong ngành lâm nghiệp? Cụ thể hơn, đang làm nhiệm vụ giữ rừng, hoặc đang làm dự án trồng rừng. Vậy thì phải trở lại Nghĩa Tân thôi. Qua nhiều phép sàng lọc, với nhiều cuộc tiếp xúc, cuối cùng đã có người lên tiếng. Đó là ông Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghĩa Tân. Ông Hạt trưởng đã bội ước với Thủy và đích thân dẫn hai chàng ngự lâm lên một cánh rừng phòng hộ đầu nguồn sông Con, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Ba chàng ngự lâm pháo thủ đã vỡ òa cảm xúc. Tôi có cảm giác lúc đó mà có lửa thì cả ba sẽ cùng nhảy vào để thể hiện tình bạn cảm động, tình đồng đội thiêng liêng của những người lính đã cùng trưởng thành trên đất lửa Quảng Bình và trên những chiến trường đầy khói lửa đạn bom. Vì không có lửa nên họ đã nhảy tùm xuống dòng suối trong mát lạnh như muốn ôn lại một thời dựng lán ở trong rừng Khe Bang, Khe Rợn, Rào Trù, Rào Đá.

*

Thủy kể. Mỗi tuần mình xuống núi một đêm, lẻn về nhà, nấp trong bóng tối như một tên trộm để lén nhìn bố mẹ và các em. Cứ y như ngày trước đi làm nhiệm vụ tiềm nhập mục tiêu điều tra cứ điểm cho mỗi trận đánh. Nhiều khi nước mắt dàn dụa, chẳng nhìn thấy gì nữa. Cũng một tuần mình có hai buổi sáng về đứng trước cổng trường để được ngắm nhìn Hương thong thả bước vào cổng trường. Khi thì cải trang làm một tiều phu đi bán củi, rồi ghé chợ mua thực phẩm đủ ăn trong vài ba ngày. Khi thì cõng một chiếc gùi đầy nấm hoặc măng xuống chợ bán, giả vờ vào quán nước đối diện cổng trường điểm tâm, nghỉ ngơi, chờ chợ đông. Chiến tranh run rủi khiến mình trở thành một kẻ dị dạng, người lạ không ai dám đến gần. Một thương binh tật nguyền suốt đời khiến mình bị tổn thương nhưng chính Hương đã níu giữ mình lại và làm thức tỉnh trái tim rỉ máu, giữ lại trong lòng một tình yêu mãnh liệt, chẳng cần hồi đáp. Quanh năm suốt tháng mình vẫn mặc bộ quân phục vải Tô Châu, đầu đội mũ cối, đeo kính đen, khăn màu cỏ úa bịt kín mặt. Thằng Tèo ngây thơ thi thoảng lại hỏi tại sao quanh năm, dù trời nắng nóng mà chú vẫn không xắn tay áo lên cho mát. Mình hát “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo” và giải nghĩa câu thơ của Phạm Tiến Duật trong bài “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” thay cho câu trả lời. Những lúc như thế thằng Tèo tròn xoe hai mắt phục mình sát đất. Nó nói là “cấy chi chú cũng biết tuốt”. Mình sợ Hương ngất xỉu nếu nhìn thấy khuôn mặt dị dạng này. Mình rất không muốn làm “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”. Thanh và Sơn phản đối cách hành xử của Thủy. Rằng thằng lính đã từng đối mặt quân thù thì hà cớ gì không dám đối diện với sự thật, cho dù sự thật phũ phàng đến bao nhiêu đi nữa. Nhưng đã lỡ rồi thì phải xây dựng một kịch bản thật hoàn hảo cho ngày hội ngộ với Hương và gia đình.

Lục lọi tư trang của Thủy, hai chàng ngự lâm phát hiện ra tập hồi ký và một tập thơ được gói cẩn thận trong tờ giấy xi măng. Hai chàng phân công nhau đọc. Sau bữa cơm trưa kế hoạch được phác thảo: Thủy phải in một tập thơ để làm món quà trong ngày hội ngộ với người thân. Để khẳng định mình là một con người đầy ý chí và nghị lực. Là một thương binh tàn nhưng không phế… Bọn họ nói say sưa và nói hay hơn cả Thiếu tá Khôi, Trưởng Ban Tuyên huấn Sư đoàn ngày mới thành lập ở Nghệ An và Quảng Bình.

Ba chàng ngự lâm cân nhắc từng bài trước, sau. Sơn nhận đánh máy bản thảo gửi nhà xuất bản xin giấy phép. Tưởng là kẻ ngoại đạo nhưng Thanh xung phong viết lời giới thiệu. Anh cao hứng nói: Sẽ không có ai viết thật và hay như tớ. Vì thơ chưa thật là hay nhưng cái tình trong thơ thì quá hay, trong đó thấm đẫm tình đồng đội và chan chứa tình yêu lứa đôi. Người ngoài vô cảm không thể viết được. Phi văn dĩ nhập tình mà! Không ngờ nhà sinh vật học, thầy phong thủy Quang Thanh vẫn nhớ như in câu nói của Lưu Hiệp, đời nhà Lương ở bên Tàu, do Ngọc Sơn giảng giải trong những ngày đầu quân ngũ: “Quan văn giả tình động nhi từ phát/ Xuyết văn giả phi văn dĩ nhập tình” (Người phê bình văn học, người xem văn phải rẽ văn ra để tìm cái tình của người viết ở trong đó).

Chuyện bản thảo coi như xong. Nhưng chuyện cấp phép xuất bản thì không hề đơn giản chút nào. Lúc đầu ông giám đốc nhà xuất bản nói là kinh phí rất hạn hẹp… Đã tiên liệu được điều này, và đã có trong kịch bản, hai chàng ngự lâm bảo: Tiền in chúng tôi lo. Nếu cần chúng tôi nộp luôn cả tiền quản lí phí. Chúng tôi không lấy nhuận bút. Tiền nhuận bút chỉ cần quy đổi ra sách để tặng bạn bè, tặng ân nhân. Thấy hai chàng ngự lâm quá nhiệt thành với đứa con tinh thần đầu tiên của bạn mình, ông giám đốc đưa ra phép thử thứ hai: Cám ơn các anh đã thông cảm và chia sẻ với nhà xuất bản. Nhưng còn khâu cuối cùng là phải tìm đầu ra. Nếu không có ai nhận phát hành thì cũng không ổn. Ngọc Sơn nổ liền: Phát hành chúng tôi lo luôn. Đồng đội cũ chúng tôi đã kết nối được vài trăm, chưa kể bạn bè, đồng nghiệp. Ông giám đốc nhà xuất bản thở phào nhẹ nhõm, nhận xét: Thực ra thì tập thơ chưa hay, nhưng bài giới thiệu thì hay vô cùng. Hết sức cảm động. Ấm áp tình người… Tôi tin, ngoài đồng đội và bạn bè của các anh sẽ có rất nhiều người mua tập thơ này vì đó là tình người, là đạo lí ở đời. Nói rồi ông quyết cái rẹt: Nhà xuất bản cấp phép. Miễn quản lí phí. Các anh chịu trách nhiệm in và phát hành. Chỉ cần nộp lưu chiểu 20 cuốn.

*

Một tháng sau lại đích thân ông Hạt trưởng kiểm lâm cho anh em trong cơ quan sửa lại nhịp cầu tre qua suối; cho người phát quang bờ bụi ven con đường mòn từ xóm nhỏ ngoài vùng đệm đến đầu cánh rừng phòng hộ, nơi có lán của người giữ rừng là Rô bin xơn Thủy Phong Ba. 9 giờ sáng hôm đó, Thanh và Sơn chở lên một thùng sách 100 cuốn, một thùng bia, một can 5 lít rượu quốc lủi, và một thùng giấy carton niêm phong, có gắn nơ hồng. Thằng Tèo, mang vào một oi cá mát và cá trê rồi biến đi đâu mất tiêu. Ông Hạt trưởng kiểm lâm mua mấy kg thịt lợn và cho làm thịt một con gà nuôi thả. Thủy chuẩn bị một bó củi gộc và một bao than, sẵn sàng “nổi lửa lên em” cho bữa tiệc mừng ngày hội ngộ đồng đội. 10 giờ 45 các món nướng đã thơm điếc cả lỗ mũi, trào cả nước miếng, Thủy tuyên bố khai hội, “Chào mừng tập thơ “Khi chiếc lá xa cành”, tác phẩm đầu tay của tôi”. Ngọc Sơn lại cãi: Không phải. Đây là tập thơ đầu tay của “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”. Quang Thanh thì bảo: Khoan. Chờ thêm một người nữa. Bên kia bờ suối tiếng thằng Tèo vang lên: Đây rồi! Mọi người ngước mắt nhìn sang. Trên nhịp cầu tre thấp thoáng một bóng hồng. Nàng bận quần lụa đen, áo pô pơ lin màu tím hoa cà, tay phải cầm nón lá nghiêng che. Thủy đứng lặng như trời trồng. “Không tin được dù đó là sự thật”. Người đang đi trên nhịp cầu tre là Hương.

Thằng Tèo chạy về trường đón cô giáo lên. Tay phải Hương cầm nón, chiếc cặp sách nhờ thằng Tèo xách đi theo sau. Quang Thắng ra hiệu, tất cả rút lui vào rừng, dành cho hai người một không gian riêng. Chừng mười phút sau thì giọng hát Lê Dung vút lên từ chiếc radio cassette xách tay, bài hát “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”.

Em vẫn từng đợi anh
Như mây từng đợi nắng
Như gió tìm rặng phi lao
Như trời xanh mong mây trắng….

Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em
Có lẽ nào anh lại quên em…

Dứt tiếng nhạc, mọi người lại tập trung vào lán. Ông Hạt trưởng lấy chai sâm banh ra. Ngọc Sơn bảo: Khoan! Để mở thùng quà đã. Từ bất ngờ này lại đến bất ngờ khác. Trong thùng carton là chiếc máy đánh chữ, kèm một hộp giấy than và hai hộp giấy Bãi Bằng khổ A4. Quà của đồng đội năm xưa ở Trường Sơn tặng người gác rừng làm thơ, và có một mối tình rất thơ.

Huế, tháng 11/2022
T.T
(TCSH47SDB/12-2022)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
(12/01/2023)
Một người cha (30/12/2022)
Nhà nội… (15/11/2022)
Mùa sâm cầm (11/11/2022)
Con riêng (26/09/2022)