Truyện ngắn
Lão Kình
09:46 | 02/02/2023

TỐNG PHÚ SA

Bây giờ lão nằm đó, thiêm thiếp trên tấm phản bằng bìa của những cây xoan mà lão tự đóng bằng chiếc dao cùn gỉ. Tấm thân gầy trơ xương dán bẹp xuống manh chiếu cói đã rách bươm.

Lão Kình
Minh họa: HIỀN LÊ

Gió đầu mùa thông thốc, trượt từ dãy núi Mồng Gà, hun hút luồn qua ô cửa bé như bàn tay, lơ thơ những sợi dây xanh đỏ rồi len vào trong tấm chăn chiên cũ nát. Hơi thở của lão nặng nhọc, hai rãnh xương sườn như hai mảnh xương rái cá. Mỗi khi hơi lạnh chuồi vào đôi bàn chân chỉ còn da, hơi lạnh theo mép chăn chuồi lên hai mảnh xương rái cá, từ cổ họng lão phát ra những âm thanh phì phọt.

Bây giờ lão nằm đó, không có lấy một người thân thích bên cạnh. Kẻ qua người lại, thương tình mang cho lão bát cháo hoa hay ngụm nước chát. Lão không thấy đói nhưng thèm ngơ ngẩn ngụm nước chè xanh đặc dính miệng. Nhấp nó vào, cả người lão như nóng lên, hai mảnh xương cá nhấp nhô, phập phồng. Những giọt nước xanh ngăn ngắt, thơm cái vị đặc trưng của vùng đất Tiến Sơn. Những giọt nước nhấp vào thấy chát, nhưng chảy xuống cổ họng nghe ngọt lừ. Cả đời đi chân đất đến nẻ gót, móng chân quắp lại cứng ngắc như mồng con ngan thiến đen, cả đời lão luôn vỗ ngực, tự cho là mình khôn ăn đứt già trẻ của cả làng Mỹ Hòa. Lão đã vận cái triết lý giản đơn, triết lý mà lão nghĩ không thể nào sai được vào cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn của gia đình lão trên vùng đất ba đời đã nghèo xác xơ. Mỗi sáng, nâng ngang miệng bát nước chè chát bốc khói, thơm cái vị thơm đầy ma mị, lão tin rằng cuộc đời của một thằng như lão đắng rồi sẽ ngọt. Đến tận khi hơi thở chỉ còn nóng ở phần cổ, khi hai rãnh xương sườn như hai mảnh xương rái cá dính sát vào manh chiếu sờn rách, khi thìa cháo, ngụm canh lão phải ăn chực nằm chờ những người tốt bụng đi qua về lại, lão vẫn tin và chờ đợi để được nhấp, dẫu chỉ một lần cái vị ngọt mà cả đời lão chưa được hưởng.

*
Cả nhà chín người có già, có trẻ dắt díu nhau về đồng đất Bãi Côi, cắm cọc trên dải đất bồi của mạn trái sông Phố Giang để làm nơi che mưa nắng. Năm ấy, Kình ba mươi tư tuổi, vâm váp, rắn đanh và khỏe như một con trâu rừng. Gia đình của Kình đã bao đời lênh đênh sông nước, lấy thuyền làm nhà. Đến đời của Kình, dòng sông không đủ cá tôm, việc mưu sinh trăm khó, ngàn khó. Nhìn đám trẻ ngơ ngác đến đáng thương mỗi lần vào thị trấn, Kình đau đáu ý định bỏ sông để lên bờ.

Một cái lễ nhỏ cúng Hà Bá được bày ra trên mui thuyền, thầy cúng áo thụng đen,  tóc vấn chẻ đuôi ngồi xếp bằng trên manh chiếu. Già trẻ nhà Kình lựa chỗ, ngồi chắp tay quay mặt về hướng sông, miệng mấp máy theo thầy. Hai bàn tay trơn láng của thầy gõ đều đều lên mặt trống: “Nam mô cung thỉnh: Quan đương niên hành khiển Triệu Vương chí đức tôn thần. Nam mô cung thỉnh: Các ngài Ngũ Phương, ngũ thổ, long mạch…”. Giọng thầy uy nghi vang rện mặt sông, cả nhà Kình cúi rạp theo hiệu lệnh của thầy. Một nồi cháo loãng được đặt trước mui thuyền, cứ ba nhịp trống, người nhà Kình lại múc một môi cháo rải xuống sông. Khi nồi cháo cạn, cũng là khi con thuyền của họ dừng lại chân vực Nầm, là nơi sâu nhất của dòng sông Ngàn Phố.

Gia đình Kình lên bờ, dắt díu nhau trọ nhờ một cụ bà không chồng, không con. Đêm ấy, ba người đàn ông lực lưỡng, vâm váp trong nhà là Kình, con trai lớn và ông của họ lầm lũi quay lại chân vực Nầm. Ba bóng đen câm nín, dầm người trong nước sông, môi cắn chặt trước phút giây được xem như là sinh tử. Kình lặn thật sâu xuống vực Nầm, tìm cách để neo chặt con thuyền khi nó được dìm xuống. Kình nghe môi mình mặn chát, ngực nhói đau. Con thuyền được lật nghiêng, từ từ uống no nước, chìm dần, chìm dần.

Họ, ba người lầm lũi ngược con đường mòn dọc bờ sông sau khi đã khuân đầy những viên đá thanh sắc nhọn xếp quanh con thuyền. Kẻ trai quen sông nước, giờ bàn chân nhẹ tênh tênh khiến Kình đau thon thót. Nỗi đau ấy nhói buốt nơi đỉnh đầu rồi run rẩy lan xuống mười đầu ngón tay. Nỗi đau nhắc Kình nhớ, cả gia đình chín người họ giờ là kẻ tha hương.

*
Bãi sông bồi mạn ngược dòng Phố Giang không bao dung nổi gia đình Kình. Mùa lũ năm ấy, nước thượng nguồn dâng nhanh, cuốn theo tất cả những vật dụng còn sót lại và đứa con trai út của vợ chồng Kình. Bàn chân đi trên đất mà nặng hơn lực cản của dòng nước xoáy. Đã nhiều lần Kình muốn vớt con thuyền lên, muốn lênh đênh trôi dạt, để ít ra, gia đình Kình còn đầy đủ chín mạng người. Nhưng rồi Kình lại cố nuốt nước mắt, chôn vội vàng thằng con trai tám tuổi trên đồng đất Bãi Côi, để rồi cả nhà lại lần đường tìm sự sống.

Ngọn đồi hoang vu thưa thớt người ở, rìu rạ xấn xuống nẩy lên như chạm phải bê tông cốt sắt là nơi gia đình Kình trụ lại. Ba đời nhà Kình là dân vạn chài, không mấy khi được đặt chân lên đất. Giờ, một vùng hoang vu, chỗ nào cũng bạc xóa màu đất. Già trẻ lớn bé nhà Kình quăng mình giữa cái nắng chang chang, lấy thanh sắt vót nhọn nẩy từng hòn đá. Đá được dồn thành đống, đá cao bao nhiêu thì màu xanh được phủ lên bấy nhiêu. Những hom sắn được trồng thành dãy, sắn thu hoạch xắt nhỏ rải trên nền đất sét, phơi hai nắng thì thơm lừng, giòn rụm. Sắn được bỏ vào cối đá thanh, một người dẫm lên cần cối, một người lấy đuôi của mo cau vun sắn thành ngọn. Tiếng chày thình thịch nghe tươi vui, rộn rã, nghe no ấm đủ đầy. Mùa đông, khi những cơn gió heo hãi trườn từ bên kia rú Vạc, thông thốc thổi từ dòng sông Phố Giang về, cả nhà người của Kình vây quanh chiếc bếp đỏ lừ được đốt bằng gốc trện già, xuýt xoa trên tay chiếc bánh sắn chưng với mật. Mùi vị béo ngậy, thơm phức của sắn quyện với vị ngọt lừ của mật mía, mùi vị chưa ăn đã thấy nưng nức.

Xóm  nhỏ  dưới  chân rú Vạc giờ đông đúc hơn những ngày gia đình Kình dừng chân lập nghiệp. Xóm nhỏ ấy đã có những mái ngói đỏ au, những cột ăng ten vút cao giữa bầu trời xanh ngăn ngắt. Gia đình Kình chín người còn sáu, bố mẹ và thằng con chết trong trận lụt năm nào đã nằm lại một góc nhỏ dưới chân rú Vạc. Thời gian nghiệt ngã cùng cuộc sống khốn khó biến Kình từ một chàng trai vâm váp, rắn đanh trở thành người đàn ông già nua, khắc khổ. Người ta gọi Kình bằng lão, một lão Kình với chằng chịt những vết nhăn chạy thành rãnh trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió. Một lão Kình chỉ biết khum khum hai bàn tay mắn chuối, nhặt nhạnh từng hào, từng cắc để cất trữ. Nghe đâu, lão đã mua được cả khâu vàng chín con chín, nghe đâu lão tằn tiện kham khổ để mua những khâu, những chỉ cất vào lọ sành chôn đầu giường.

Không biết những chuyện nghe đâu ấy đúng được bao nhiêu phần trăm, nhưng một điều không thể sai được là, lão Kình rất giỏi nắm bắt “thời cuộc” để kiếm tiền. Cái làng bé như lỗ mũi với dăm chục nóc nhà dưới chân rú Vạc, ấy vậy mà lão đã kiếm được bộn tiền.

Đầu tiên là chuyện chiếc điện thoại kéo dây, để bàn. Ngày ấy, cả một dãy vòng quanh, xanh ngắt dưới chân rú Vạc chưa có một gia đình nào có điện thoại. Người dân rú Vạc phải đi mất nửa ngày đường để lên tận trung tâm huyện mới có thể nói chuyện bằng dây. Những chiều mưa dầm không đồng áng, cuốc cày, lão Kình thường lê la các quán cóc, đầu đường cuối chợ. Thiên hạ bắn thuốc lào lão xin tý xái, lão vê một bi thuốc rõ to, nhồi vào nỏ điếu rồi ngửa cổ chếch bốn mươi lăm độ rồi rít. Lão ghì điếu, mơ màng phì nhẹ bi thuốc vừa cháy một nửa ra thật xa. Mỗi chiều, nếu lão bắn được bốn bi thì ngày hôm sau lão có đủ thuốc để hút. Sau khi khách vãn, lão kín đáo nhặt các xái thuốc cho vào bao, kín đáo cất sâu vào túi, để mỗi ngày lão có thể lặp lại cái hành động khốn khổ của mình. Trong những chiều ngồi một góc, lặng lẽ chờ dịp để xin bắn một bi thuốc lào, lão cóp nhặt được trăm ngàn những câu chuyện, mà với lão, câu chuyện nào cũng có những giá trị kinh tế riêng. Tỷ dụ như chiều nay, lão nghe lỏm được câu chuyện về cái máy có dây trên thị trấn. Cả cái vùng trồng sắn ngô bạt ngàn dưới chân rú Vạc, gà dê thả ăn trụi cỏ cả một triền núi mà không có nổi một cái máy có dây? Bao đêm thức trắng, lão quyết định dốc hết vốn liếng tích cóp được lắp một cái máy có dây làm dịch vụ. Dây máy lắp xong, lão lấy bao xi măng lộn trái, ghi nắn nót số điện thoại, thời gian, giá cả rồi treo lên khắp đường làng, ngõ xóm. Nhưng, lão vẫn chưa yên tâm. Trên chuyến xe bò trưa ấy, lão kêu mấy đứa trẻ con, tay trống, tay chảo gõ inh ỏi: “Loa loa loa, hiện nay máy có dây gọi ngàn km, chất lượng đảm bảo, âm thanh tròn vìn đã có mặt tại tư gia nhà Kình. Nghe hai ngàn một lượt, gọi tính giây tính phút, tùy khoảng cách xa gần… loa loa loa”. Trẻ con được ngồi xe bò, thích chí gào khản cả cổ. Lão Kình chỉ việc quất roi vào mông bò, gà gật ngủ.

Chiếc máy có dây đưa về cho Kình một số lượng tiền lời không phải ít. Nhưng, lão vẫn nhận thấy có cái gì đó không ổn. Khi khách gọi, vợ lão nhiều khi phải bỏ dở bận cơm.  Có những cuộc vào lúc nửa đêm, lão phải lọ mọ, chân thấp chân cao. Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa rét, lão thấy lấy của khách hai ngàn tiền nghe, không bõ. Ấy thế là, lão lại lê la quán trà, lê la xin bi thuốc lào bắn thử, lê la cóp nhặt để rồi nẩy ra ý tưởng lắp một loa phóng thanh lên cây gạo cao nhất giữa xóm. Mỗi lần có khách, lão chỉ việc rung đùi, dí hơi thở sặc mùi thuốc lào vào mic: “Alo, alo… mời ông, bà… về tại phòng máy nhà Kình Phê để nghe điện. Khi đi, nhớ mang theo hai ngàn”. Kình Phê là biệt danh tự lão đặt cho mình. Mỗi lần ngồi quán cóc chém gió, lão tự vỗ ngực cho rằng cuộc đời lão phê nhất là bỏ nước lên bờ nhưng vẫn kiếm được bát cơm độn sắn. Và, lão cũng tâm đắc lắm lắm cái phê của hương vị thuốc lào, say tít tít tịt tận kẽ răng. Lão nói, bi thuốc lào mà lão rít bao giờ cũng lưng lửng nơi cuống họng, rồi loang dần đến tận các tế bào thần kinh trong cơ thể. Những người nghe lão nói chỉ cười khì, có người ghét cái thói kẹt xỉ của lão, cố tình dẫm lên những bi thuốc mà lão đã cố tình bắn ra xa.

Mỗi năm, gia đình lão làm ăn lại càng khấm khá hơn. Người trong làng vay trước giật sau nhưng lão có tiền để mua vàng cất. Có tiền, vậy mà lão vẫn để vợ con làm việc không có giờ nghỉ, ăn uống kham khổ như ngày đầu họ mới đến lập nghiệp. Căn nhà tranh dựng tạm bằng thân cây bạch đàn bao năm vẫn thế. Lão nhất quyết không bỏ tiền để làm nhà, lão cho đó là sự xa xỉ không cần thiết.

Có một bận, lão lên phố huyện mua đôi lợn giống về nuôi. Đi đến đâu, lão cũng chỏng đôi tai dài như tai thỏ để nghe người ta đang bàn tán những gì. Trưa ấy, mua được đôi lợn giống vừa rẻ, vừa có tướng, lão tự thưởng cho mình ba bát bánh đúc nóng hổi. Lão ngồi xổm trên nền xi măng, mắt hau háu nhìn bát bánh đúc đỏ thẫm, bốc khói nghi ngút từ chiếc mủng đã ngả màu xỉn đen. Hai viên bánh đậu vàng mơ được thả vào bát nước mắm có ớt xanh thái lát mỏng. Lão bẻ đôi chiếc bánh, quệt thật sâu vào bát nước chấm thơm lừng rồi đút tỏm vào miệng, nhai ngấu nghiến.

Đang hít hà cái vị nồng cay của ớt xanh, béo ngậy của viên đậu quyện với bánh đúc đỏ, lão nghe loáng thoáng tiếng the thé của mụ béo bán lợn quay:

- Tao là tao mê cái cô Marianna đến chết đi sống lại. Người đâu mà đẹp đến thế không biết. Mắt thì sắc hơn dao, tóc màu đồng biếc. Đã thế lại tốt nết, chứ đâu như lắm kẻ, đã xấu lại…

Mụ nguýt ngang nguýt ngửa. Âm thanh đủ để cho Kình biết, cái cô nàng có tên là Anna gì đấy đang rất chi là hót. Lão lân la lại gần, hào phóng bỏ tiền ra mua những miếng thịt vụn, bạc nhạc và xương xẩu để bắt chuyện. Lão chém:

- Cái cô Anna ấy đẹp thì đẹp thật, nhưng đ… ếch có bằng cô bán thịt quay của chợ Trùa quê mình bà chủ nhỉ!

Được khen, mụ béo cười tít mắt. Rồi, mụ ghé vào tai lão:

- Lão thì biết cái đếch gì! Này nhá, cô ấy là Marianna, nữ chính trong phim “Người giàu cũng khóc” đấy.

Lão à lên một tiếng khẽ, lui cui nhặt túi nilon đựng thịt quay rồi xách hai con lợn giống về nhà. Hóa ra, dân kẻ Vạc nhà lão như ếch ngồi đáy giếng. Sáng hôm sau, lão lại lân la ra quán cóc đầu làng, đưa câu chuyện của mụ béo trên phố huyện ra để chém gió. Mặt ai nấy đều nghển ra như đít vịt giời. Lão quyết định đầu tư hẳn một chiếc tivi đen trắng. Cần ăngten ngạo nghễ vươn lên trên những túp nhà lúp xúp. Lão mãn nguyện vì đã có công khai sáng văn minh cho cái làng hơn một trăm hộ dân dưới chân rú Vạc. Một tuần đầu công chiếu, lão nấu nước chè chát chiêu đãi cả làng. Chưa đến giờ bông hoa nhỏ, nhưng già trẻ lớn bé đều ngồi chồm hổm trước sân gạch nhà lão để chờ. Nhìn lượng người kìn kìn kéo đến, cả các vùng lân cận cũng kéo đến, lão như mở cờ trong bụng. Lão chắc mẩm, vụ này lão sẽ được một mớ kha khá.

Cứ năm giờ chiều hàng ngày, loa phát thanh nhà lão lại ông ổng. Lão tóm tắt lại những tình tiết của bộ phim nhiều tập “Người giàu cũng khóc”, lão dự đoán tình huống gay cấn của tập tối nay. Lão thu người lớn mỗi người hai ngàn, trẻ em miễn vé.

Đâu được hai tuần như thế, lão nghe ruột mình nổ đôm đốp. Ôi cha mẹ ơi, trẻ con đâu mà ra nhiều thế, mỗi ngày một đông. Lão xót của, đứng ngồi không yên. Nhưng, bây giờ mà thu tiền thì bọn chúng lấy đâu ra? Ấy thế rồi lão cũng nghĩ ra một cách. Buổi tối hôm đó, lão rỉ tai dặn nhỏ từng đứa, bảo chúng mày khôn hồn thì đừng mách lẻo. Tối hôm sau, khi chương trình phim truyện kết thúc, dân làng lục tục kéo nhau ra về, lão sướng rơn khi nhìn thấy trên mặt sân nhà lão, cơ man nào là những viên gạch bốn lỗ. Bọn trẻ con xem phim, mỗi đứa mang theo hai viên gạch để ngồi. Gạch được chúng lấy từ những công trình bỏ phí, từ những ngôi nhà hoang. Lão Kình đắc chí vì nghĩ ra được một cách hay để thu tiền bọn nhỏ. Trong vòng một năm, gạch trong vườn nhà lão đã chất cao hàng đống. Số gạch đó được lão quy thành bao nhiêu tiền của, lão chôn dưới chân cột nơi góc nhà.

*
Bây giờ lão nằm đó, không có lấy một người thân thích bên cạnh. Vợ lão mất do bị cảm hàn biến chứng. Lần ấy, nếu lão không tiếc ba thang thuốc gia truyền của bà chắt Vắn đầu thôn thì vợ lão không bỏ lão mà đi. Đã mấy lần lão moi cái hũ đựng vàng lên, mấy lần chậc lưỡi định chạy ù lên phố huyện bán để thuốc thang cho vợ. Nhưng rồi, lão lại đặt xuống. Lão tự nói cho mình nghe, rằng, mụ vợ lão khỏe như vâm, bao nhiêu năm bên cạnh lão, có đau ốm gì đâu mà thuốc với thang cho tốn kém. Vợ lão mất, cha con lão tự khâm liệm và chôn ở nghĩa địa sau nhà. Một ngôi mộ đất sơ sài giữa um tùm mua móc. Những đứa con lão lớn lên, chỉ biết quanh quẩn nơi hom sắn, luống khoai. Rồi, chúng cũng lần lượt bỏ lão mà đi. Rất ít khi chúng trở về thăm lão, tám phương chín hướng chúng đi, lão không thể nào hình dung được.

Bây giờ lão nằm đó, hơi thở nặng nhọc phát ra từ cuống họng sâu hoắm. Xung quanh lão, hàng dài người xếp hàng về đưa lão đi. Lão nhìn thấy vợ lão tóc bạc phơ, ăn mặc rách rưới đứng từ xa giơ tay vẫy lão. Cha mẹ lão nước mắt lưng tròng, đứng hai đầu giường, nói với lão một từ buông.

Chiều ấy, khi những đợt gió mùa thốc tháo trườn từ sông Ngàn Phố, hun hút thổi dưới chân rú Vạc, thần chết nhấc lão đặt lên một chiếc xe màu đen tuyền. Xe tiến vào Quỷ Môn quan trong tiếng gào khóc xé trời của lão. Trước mắt lão là hộp gỗ màu đen, là tài sản mà lão đã đổi bằng mồ hôi cả gia đình chín người nhà lão.

Tiếng gào khóc của lão rơi bẫng trên con đường Hoàng Tuyền mọc đầy hoa Bỉ Ngạn!

29/10/2022
T.P.S
(TCSH47SDB/12-2022)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Đồng đội (14/01/2023)
(12/01/2023)
Một người cha (30/12/2022)
Nhà nội… (15/11/2022)
Mùa sâm cầm (11/11/2022)
Con riêng (26/09/2022)