Truyện ngắn
Trà
09:24 | 10/02/2023


HOÀNG THU PHỐ

Trà
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

1.
Du thấy mình bên dưới những đụn mây, mây bồng bềnh trắng, trời đủ sắc cầu vồng, không rõ mặt trời nhưng xung quanh là màu trắng - trắng sáng, trắng tinh, trắng bông, trắng muốt, trắng ngà, trắng và những đọt màu bay lên trắng. Ngồi trong một căn nhà mái thấp, nhiều cửa sổ, gạch men lát sàn chi chít màu - những màu sắc Du nhận ra được theo cách gọi tên - cả những vạt lấp lánh lạ lùng Du chưa thấy bao giờ, căn nhà lơ lửng sáng, qua cánh cửa tay trái Du thấy mây hồng, cánh cửa tay phải là mây tím, cửa chính thì hình thù cái đám bồng bềnh trôi như màu ba con cá vàng Du thả ngày ông Công ông Táo ở cái góc ao nhiều mưa giăng mỗi đợt cận tết.

Trên bếp, ấm nước đang sôi khói bay ngang nhà, có thể nhìn rõ những giọt long lanh trắng chầm chậm vây quanh mình rồi trôi ra cửa, trà thơm đứt đoạn, ngan ngát xanh, nước đậm vị không nồng khi nuốt thấy ngà ngà dư vị đắng dâng lên một chút, pha thêm gai gai quá khứ ngập ngừng hiện lên rồi vụt mất, đôi khi vị ngọt nỗi buồn hiện ra nhưng không rõ khuôn mặt, thêm vài vị thời gian mà Du chỉ nếm thấy mà không nói ra được thành lời - không giống cái vị thường khi ta thử ngụm đầu tiên nơi tách trà sớm trong vô vàn ngày của nhom nhem đời sống lắt lay phàm tục - cái hương vị không biết có phải mượn của đất trời khi Du chầm chậm đưa lên miệng trong lưng chừng không - Du bước ra cửa, một khoảng hẫng toàn gió, Du thả mình ngập trong mây hun hút xuống như dòng nước người đang rót ầm ập vào chén trà.

2.
Ngõ hạnh dài và sâu, thi thoảng những cơn mưa mùa hè, nước đổ tràn từ mái tôn, nước đập thẳng vào những mảng tường xi măng xanh xám mùi rêu, nhưng cũng có khi gặp cơn mưa nhỏ, mưa trái mùa, nước chảy chậm rỏ tí tách xuống chân, bàn chân Du nhỏ và dài, như ngõ hạnh, lép bép đầy bong bóng nước.

Du tá túc trong căn nhà cuối cùng ngõ hạnh, mặt tiền chỉ đủ mở nửa cánh cửa hàn bằng tấm thép có những hoa văn hình quả trám xỉn màu rộng một mét tám. Mùa hè hiếm khi Du ngước nhìn trời, khi đi trong ngõ Du biết mình hòa một màu với nó, không ủ ê, không lạnh lùng, chẳng phấn chấn, ít lắng nghe, nó mang phong vị và ánh nhìn của kẻ ẩn dật - (một nhẹ nhàng tự do và đôi khi tự cho mình một chút quyền lực quên lãng), có thể quá lâu khi những chủ nhân xung quanh vây kín thân phận mình bằng những ngôi nhà lúc nhúc tha nhân, lời vo ve cãi vã, những câu chửi thề, bữa sáng với một cút rượu (hai trứng vịt lộn, dăm lát gừng cùng rau răm), những cuộc họp cơ quan… như quên đi một ngõ hạnh - chỉ còn thứ hình hài đi lại, đứng ngồi, tất bật - với vòm mắt ít ngẩng nhìn ánh sáng như những kẻ mộng du trôi dạt trong hành trình băng qua dải ngân hà với áo mỏng chập chùng chi chít sao khuya.

22 giờ 50 phút, Du nằm dài, cửa sổ nhà kế bên vẫn sáng đèn, tiếng đọc nhẹ, đều (một bài kinh quen không thuộc mà Du thấy mỗi lần nghe xong đều dễ ngủ được mở bằng băng cassette); gia chủ sẽ mở đúng giờ này, chầm chậm như tiếng lục lạc va vào gió, Du thấy người nhẹ, vài nghĩ suy trốn tránh hay lủi vào ngóc ngách tăm tối nào đó mà Du vẫn biết, Du nằm sấp, nhắm mắt, nghe tiếng gió thổi qua tóc mình. Cảm giác sắp chìm vào cơn ngủ cho Du thấy mình sống, hiền lành, thứ bình yên thi thoảng tưởng chừng vo tròn đã nằm sẵn trong thân thể, nó thư thả lướt qua, không nói gì, không ve vuốt, nhìn Du rồi biến mất. Tiếng đọc đều đều miết vào đêm, những quãng ngắt cho Du cái trống trải của khoảng lặng - (nó tựa một đoạn cầu thang đặt trong màn tối, tiếng đọc vang như bước chân của người tu hành - trầm, vững, âm, trong, hành trình mà kẻ ngoài lề thấy kỳ lạ, thanh tịnh và không thể so đo biết trước). Nước cống vẫn bốc lên từ ngóc ngách giữa các căn nhà, xâm lấn vào đêm, nó làm phố xá mê mệt như bị đánh thuốc và thiếp đi tới sáng.

Du nhìn gã chuyên viên phòng kế hoạch tổng hợp, khẩu trang trễ quá cằm, mắt kính viễn mờ đục vì bẩn và hơi nước, chăm chăm nhìn màn hình máy tính, khói từ mồm gã đặc và lập lờ - Du thấy hình ảnh bát hương thắp cúng ông bà tổ tiên trên bàn thờ với hai bình cúc vàng và nến trắng. Ngoài cửa trời đang chuyển mùa, nửa mây mù nửa leo lét nắng, gió mang theo hơi nước ẩm như sương. 10 năm ngõ hạnh, hồi đó Thụy và Du còn trẻ, non tơ, buồn, và đi khắp phố phường.

3.
Trời u u một màu, hơi nước đọng kẽ lá, trên các cành cây rủ xuống lớp màn trắng pha màu nước, tiếng tí tách giọt rơi, thời gian ủ mầm.

Du ngồi đọc cuốn sách in đẹp, giấy nâu kraf Nga (200 bản giới hạn bìa cứng có jacket), được vẽ bìa bởi chính người con trai tác giả (một cái bìa Du nghĩ ấn tượng - hài hước hơi ám ảnh, nhưng không đẹp!), được ghi chép tỉ mỉ (nhiều ước vọng, suy tư, cái muốn và cái không thể muốn) - có thể khi chỉ được nói với chính mình người ta sẽ phải viết những thứ tạp như vậy (khó đọc và dễ gây nản - một cuốn nhật ký tự sự văn chương của bản thân một con người).

Lâu Du không uống trà, mưa chậm làm không gian trễ nải, mùi hương tỏa nhẹ, nước đẹp, trong, nóng, vàng ấm. Vợ Du bảo từ tối qua, sáng sẽ bế con về ngoại chơi, buổi chiều nhớ cầm thêm áo khoác cho con bé, trời sẽ chuyển lạnh dần, chắc đây là đợt không khí lạnh cuối trước khi tiết xuân chuyển sang hạ. Vài năm trước đây Du không đọc nổi sách, nhìn cái trật tự chi chít và đều tăm tắp được sắp trên giấy là đầu váng lên, mắt hoa, tức ở đỉnh và bên não trái, Du từng nghĩ mình bị bắt vạ, cái thú nho nhỏ với giấy bút còn chơi không nổi, nói gì đến viết với suy tư; một nhà thơ trong thư đã viết: “Với chúng ta, không đọc được, không viết được, là một nỗi khổ”, Du thì không biết vậy có đúng không?

4.
(Có thể với Du năm tháng tuổi trẻ, tự do là cuộc trốn chạy bất tận những ý niệm sợ hãi).

Mẹ bảo thời còn ẵm ngửa, chỉ ước Du lớn thật nhanh để mẹ cầm tay dắt đi chơi, để thấy đứa con trai mình lon ton chạy ra cổng ngó nắng còn mẹ ngồi dõi theo trên bậc thềm nhà nhiều gió thổi, cái ước ao lấp lánh của các bà mẹ, bình dị, thật thà, đầy mộng mơ mà không phải ai cũng hiểu, có thể tất cả những kẻ sinh ra - lớn lên - rồi mang theo đôi cánh rời bỏ gia đình (tìm đến một chân trời kì vĩ mà chúng tưởng tượng) không bao giờ hiểu, hoặc cũng chưa khi nào muốn hiểu người phụ nữ đã sinh ra mình, điều gì ở trong mẹ trong ngần ấy tháng năm. Những người phụ nữ ấy đã đi qua những gì để ôm ấp một đứa trẻ lớn lên, những thiên thần bé nhỏ của mẹ, đều rời bỏ nơi chốn thiên đường ấu thơ, mà càng rời xa chúng càng thấy cùng cực, tuổi tác dần nhuốm màu, thử thách, tật bệnh, những nguy khốn bủa vây, những cú đánh bất thần của định mệnh, ước - mộng thì vời vợi, - cũng có thể khi số phận trao cho mũi tên của kẻ cùng đường chúng sẽ hiểu mục đích mà mình được ban tặng để đến với cuộc đời này - có phút giây nào quay đầu để nhớ thương về mẹ, để biết đâu đó trong ký ức, trong những bước chân da hồng máu đỏ mẹ dắt trên hành trình chập chững của số phận - sâu thẳm là năm tháng mùa xuân.

Một hành trình đằng đẵng, Du đã sống bao lâu, đã đi qua những cột mốc thời gian, nếu chỉ là một bụi sáng lang thang trong mê man thiên hà này, Du gặp nàng Dulcinea hay từng là kẻ giám mã cưỡi lừa đi theo người hiệp sĩ cuối cùng khốn khổ, Du đã sống với bao thân phận, mặt người, cỏ cây, muông thú, đi trong những cánh rừng mướt mù rậm rạp của một mùa hè đỏ lửa, lang thang trên dãy Andes nhớ thương kiếm tìm thứ tình yêu đầu tiên và cũng là cuối cùng đau nhức với hình bóng nàng Fermi, có từng cầm súng mà ngập ngừng, Du không nhớ, không thể nhớ, nếu đây là một lập trình lãng du của thân phận, một cuộc đi về miền miên viễn, mất mát hạnh ngộ khổ đau mà trên mỗi bước đường không thể nhớ mình vừa đặt chân xuống đâu, dải đất nào là máu thịt, cái ký ức nào là thân thương, hay bởi tất cả chỉ là một lung lay cõi tạm.

Có chăng trong đứt đoạn quá khứ, những nấc thang mà Du không còn nhớ được (nhớ - theo lẽ thường như cách hiểu của Du bây giờ) Du đã từng là kẻ hành khất mang thân phận kiếm cung.

5.
Một vạt thâm u, nặng màu xám đặc của nước, bốn phía kéo trùng bởi mây mù, đêm chầm chậm vây lấn, mùi mưa lạ, mùi cành lá đã già, mùi ẩm mốc len lỏi ngoi lên từ những tầng lá mục dưới chân, Du tựa vào bóng tối. Đã hai canh giờ ẩn thân ở hẻm núi, Du nhớ cái quầng đỏ rồi vàng trước khi cơn mưa bủa vây từ bốn phía, tiếng đập cánh của giống loài chạng vạng tìm về tổ. Du đã chạy hai ngày đường trên vùng sơn cước này, địa hình lòng chảo, trên đầu sương đặc, bao quanh bởi hoang dại xanh ngắt những ngọn lởm chởm mọc lên, vết thương âm ỉ đã làm Du kiệt sức, hơi lạnh trườn phủ khắp người, cơn sốt bốc lên đỉnh đầu, những hình ảnh nhập nhòe hiện lên méo mó rồi vụt mất, tiếng bước chân, tiếng chạy, tiếng ngựa thở phì phò, mũi tên bay, nhát kiếm lướt qua mạng sườn Du ánh lên những vệt nắng lao qua bức tường mây một vệt đỏ vương vãi điệp trùng.

Trong cái tù mù ở hiện tại Du còn lõm bõm, Du đã gặp Thụy - trong hình hài xưa cũ, thứ ám ảnh bập bùng còn sót lại trong vùng não ký ức, Thụy đã từng ở đó, thoáng ẩn hiện mê man cơn sốt, trong tiếng mưa, tiếng lửa giữa rừng núi, một trớ trêu của định mệnh. Tiếng trống, tiếng kèn lá, tiếng bước chân giậm theo nhịp trên sàn gỗ, bài khấn thoát ra từ miệng gã âm u, Du cố mở mắt xem mình đang ở đâu, thân nặng như đá đè, qua thứ ánh sáng lập lòe một người đàn ông để trần thân mình đỏ như than cời bếp lửa, đầu đội vành cắm đầy lông chim, cổ chân đeo lắc bạc đang đi vòng quanh chỗ Du nằm, miệng không ngớt một điệu vũ mà Du chưa từng nghe, khi kết thúc bài ca gã thổi một thứ hơi ẩm đầy sắc màu lên người Du, dứt một cái lông chim màu xanh tím rồi đốt nó trong lòng bàn tay, thổi đám tàn tro qua bậc cửa lớn, mặt hướng về dãy núi đen thẳm:

- “Kẻ hành khất xa lạ, ngươi bị lạc ở đây, và sẽ lạc ở nhiều bến bờ khác nữa, phận số là thứ không thể trốn chạy!”

6.
Tháng năm ngõ hạnh, Du buổi sáng thường bần thần nhìn qua cửa sổ, cái ô trống nhỏ với chấn song sắt rỉ thi thoảng vẫn gợn lên mùi tanh của mạt sắt, đối diện là vuông trời nặng, chậm với lờ đờ mây, ít mặt trời, nhiều gió, một cành trứng cá thấp lòe xòe đập liên hồi những màu xanh xơ tướp mỗi khi gió thổi. Căn phòng tầng 2 cuối ngõ hạnh của Du đủ kê một chiếc giường (nói là giường nhưng là 2 tấm phản chủ nhà tự đóng, sẽ vênh bên cao bên thấp mỗi khi đổi giời hay thời tiết nồm ẩm), một cái bàn Du để sách vở và thi thoảng viết, một nhà vệ sinh bề ngang chỉ đủ hai thân người cỡ như Du - những viên gạch lát lâu ngày đã chuyển sang thứ màu nhờ nhờ của đất cát và nước, mạch gạch bong tróc là chỗ trú ẩn cho những con giun đỏ mỗi khi nước chảy trên sàn là chúng lại ngo ngoe ngóc đầu dậy. Những đêm nằm cùng căn bệnh mất ngủ, Du nghe những bước chân lên xuống thang gác (thứ thang đóng bằng gỗ lâu năm mà tiếng mọt kẽo kẹt cả ngày lẫn đêm ít khi ngơi nghỉ), Du tỉnh táo và nghĩ - có thể khi sắp đi đến khúc cua cuối trên hành trình những thứ không ngờ sẽ dám tìm đến với mình, biết đâu xung quanh Du là rất nhiều bóng dáng, hình hài, đi lại nằm ngồi ăn hút, đôi khi có thể còn trò truyện với nhau, đánh cược xem Du có kết cục bước sang thế giới của họ hay lay lắt điên cuồng mà bốc được mình qua khỏi khúc cua của định mệnh này. Năm đó Du chạm ngưỡng 30, một phần ba cuộc đời, có nghĩa những tháng năm thanh xuân đẹp nhất đã lừng lững đi qua.

Thụy xuất hiện trong chiều ngõ hạnh, vàng vọt nắng, tiếng người uể oải thưa từ đầu ngõ, khu trọ ngoại ô những mặt tiền với cửa sổ ngái ngủ phơi trong ngày cuối hạ giữa một nôn nao kinh thành. Thụy bước lên cầu thang, hương thoảng, vai tròn. Ngón chân múp trắng, cặp đùi Thụy cũng trắng, nhễ nhại hồng. Môi Thụy mấp máy lời mọng đỏ, có cảm giác chỉ cần cắn ngập vào Du sẽ biết dòng nhựa sống trong Thụy đang ào ạt chảy kia có mùi vị thiết tha gì?!

Có người thi sĩ đi qua cuộc bể dâu đã viết lời thắp tạ (những ước vọng bình thường mà khi đời sống gập ghềnh biến cố đâu thể ngồi lại yên lành mà nghĩ tới): “anh định ngày rất gần đây sẽ thôi làm văn nghệ,… xin đi dạy học trường làng, già có tiền lương hưu trí, chết có…, nước mắt vợ con”*. Du thèm được cái bình thường lúc đó hơn bất cứ ao ước trần thế nào mà mình từng biết, những tháng năm phố biển với thứ áp lực triền miên đến từ công việc không lường trước được đã vắt kiệt Du cùng những cuộc chơi không dừng, khi lờ mờ biết giới hạn đã cận kề Du đánh cược với số phận, tất tay và ngập chìm sợ hãi. Khát khao được sống - như người - trong kiệt cùng sức lực, lắt lay tật bệnh đeo bám, Du tìm thấy ngõ hạnh trong một hun hút kinh thành nhập nhoạng nhiều những đèn màu, trong một nỗ lực vượt thoát cuối cùng bởi cố chấp và trêu đùa thân phận.

7.
Vẫn là gã chuyên viên phòng kế hoạch tổng hợp, bữa nay Du cầm theo hồ sơ và bản hợp đồng cần ký sau khi đã thảo luận một thời gian qua email và điện thoại. Gã nhìn vậy nhưng không phải vậy, khá dễ gần, lúc đầu mới gặp dễ nhầm tưởng trịch thượng dọa người, chơi lâu mới thấy cũng xuề xòa, biết người biết ta, nhún ở việc cần nhún, nhường ở người cần nhường. Gã có thói quen ăn chè vào buổi sáng (đó là cách Du dùng khi uống và nhìn gã pha chè), chè khô vốc đầy 2/3 ấm, tráng cẩn thận loại bỏ lớp nước đục, hút hết 2/3 điếu Thăng Long rồi khề khà thưởng thức nước đầu sau khi mời Du, nước sánh, đắng ngắt và quyện đầy vị chát, gã trầm ngâm nhìn buổi sáng của mình với khói và những câu chuyện đâu đó ở quãng hơn 50 năm cuộc đời đã gặp. Gã bảo: “Đừng nghĩ học nhiều cái chữ mà hiểu biết, thứ bằng cấp của gã hay của bao kẻ ở thời đại này, không phải nó không có giá trị, ở một mặt nào đó nó làm con người dễ lầm lạc”. Đấy là câu chuyện mào đầu của gã vào một sớm dễ chịu đầu tuần, Du đưa một phong bì được dán kín dày một đốt ngón tay, bên trong biết chắc là những đồng polime vừa được rút từ chi nhánh một ngân hàng gần đó. Du biết “đạo đức” là thứ luôn được trao đổi bên lề, những thứ màu như vậy làm người kể hay người nghe nó đem lại một cảm giác dễ chịu, một thứ an ủi xoa dịu tinh thần, mình là kẻ tốt lành, sở hữu một thứ tự trọng, có thể là liều thuốc để bước tiếp trên những ái ngại, xung đột, nhọc nhằn. Còn sau đó công việc vẫn là công việc. Những người trưởng thành hay có nhiều câu chuyện như vậy xung quanh cuộc đời mình.

9 giờ 03 phút, hơi lạnh phả ra từ chiếc máy lạnh Daikin làm Du thấy khô hốc mũi, trời âm u nặng, tiết không nắng nhưng oi từ sáng sớm, Du đã uống hai viên hoạt huyết dưỡng não mà đầu vẫn như đeo chì, một thứ váng vất tê tê (không thể tự chủ hay có thể chú ý gì tới công việc giấy tờ) đang gai gai bò trong não. Văn phòng 20m2, mặt tiền 5m, sâu 4m, ba bàn làm việc, hai tủ tài liệu, một bàn nước, một giá để giày, bảy cái ghế, ba người làm công: một kế toán tổng hợp, một chân lon ton chạy việc giấy tờ (là Du), một văn thư kiêm chè nước lau dọn và giúp việc, một ông sếp 69 tuổi dái tai to, bụng to, nát rượu, hai lần vợ bỏ thích nói chuyện đạo lý, có trang trọng treo bức “Những lời dạy của Khổng Tử” ngay trên đầu giường trong phòng ngủ của mình (mặc dù cũng ngô nghê không biết Khổng Tử sinh ở đâu? Sống dưới vòm trời nào?). Tầm giờ này buổi sáng mà sếp chưa về thì chỉ có hai việc, bù khú với đám bạn rượu hoặc đi khám bệnh (theo những gì mà Du quan sát được, sếp sẽ uống triền miên say tràn ba đến bốn ngày, rồi về văn phòng kiếm chuyện và coi Du giống cái thùng nước gạo, chửi bất kể lí do gì mà ông ta nghĩ ra được (Du vẫn thường bảo với kế toán: đó là một phần công việc, nó được tính vào lương trả vào ngày cuối tháng), những ngày sau ông ta lành tính đi hẳn, bần thần, lủi thủi như kẻ hối lỗi, thường sẽ ngồi ca cẩm về cuộc đời, vô số bất công gặp phải, khi thấy đủ sẽ lật khật đến một phòng khám tư quen biết, làm đầy đủ các xét nghiệm để xem bệnh tật đã kịp xâm lấn cái thể xác kia chưa? Và sau đó vòng quay lại đều đều như cũ!)

Du ngồi dưới vòm sấu ở một ngã năm, ngã năm lầm lì, ít gió, Du đang đợi cơn giông đầu của mùa.

8.
Du đang đau hay đang buồn, hay Du chẳng cảm thấy gì, cái thân xác máu thịt này được nặng mang một linh hồn, hai phần tách biệt trôi lờ lững trong dòng thời gian, đến một khoảnh khắc bất chợt chạm gặp hòa làm một, được nhào nặn, tạo cho một hình hài để đưa đến thế giới này, có đủ những giác quan nhận biết như đồng loại, có thể chỉ thế thôi, Du thấy vậy, (cảm giác là thứ khó diễn tả, nó chỉ lờ mờ ẩn hiện trong tâm trí như thứ nhựa linh hồn vẫn chảy trong thể sống nhưng không sao nắm bắt được),... ngày thứ năm, thứ bảy hay đã vài tuần trăng khi Du được đưa về căn nhà này, thanh kiếm treo trên tường kia đã từng là vật bất ly thân, nước thép sáng lạnh, lưng kiếm gân dầy, lưỡi sắc ngọt, đó là thứ duy nhất Du nhận từ tay một nghĩa sĩ trước khi anh ta nằm xuống, bữa đó Du 16 tuổi, ánh mắt như van nài Du sẽ đi tiếp quãng đường mà nếu anh ta còn sống đến lúc này cũng không mường tượng được đích đến.

Chiến địa bất ngờ hôm ấy, Du và năm người bị tập kích, xé lẻ, trận đánh diễn ra chóng vánh, những người anh em theo Du đều nằm ngay lại chân núi, Du vừa chống trả vừa mang vết thương men theo đường rừng, mảnh vải buộc chặt tay không rời kiếm - có thể đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng thanh kiếm biết mình bất lực trong tay Du, giờ nó nằm im lìm như hơi thở, nhọc mệt và không mấy toan tính về đoạn đường sắp tới.

Du nằm đợi mưa, cơn mưa đầu tiên sau tuần trăng, căn nhà dựng hút trong hẻm núi nhìn xuống một thung lũng im lìm, thung lũng mưa. Người thầy cúng nói Du có thể xuống núi khi “những giọt mưa đầu tiên của tuần trăng rơi xuống trong một đêm thức dậy bởi những con mắt thiên thần”.

Mưa đổ nhọc nhằn sau ba ngày oi bức, thứ oi nồng của không khí đặc quánh bị nén lại, cây cối vồn vã, con đường đục ngầu bùn đỏ, hơi nóng bốc lên từ thảm mục, cây cỏ, từ đất đá lâu nay nêm chặt các sườn núi. Người con gái cõng Du về đây, là Thụy - tên nàng như lời hát lẩn khuất mà chỉ khi mê sảng bởi cơn đau trên chiếc giường đơn ngập mùi lá thuốc Du mới mơ hồ gặp được, nàng đi lại, đứng, ngồi trong những bộ váy sặc sỡ đan cài, bên bình hoa cắm gieo vào cửa sổ màu nắng buổi sáng núi rừng, giữa đêm những ngón tay đan vào tóc Du nối bồng bềnh cơn mơ dài, dài mãi. Du nghe loáng thoáng người thầy cúng nói với Thụy, những đợt sục sạo đã bắt đầu, lính đã đông hơn cho cuộc lùng bắt, chỉ vài ngày nữa những căn nhà cuối cùng sẽ bị tìm tới, Du biết điều gì đón đợi khi câu chuyện đi tới hồi kết. Ngày Du và những anh em của mình bị hạ tại chân núi, giờ có thể chỉ còn lác đác những trang sách sẽ ghi lại phần nào bước chân của họ, thành quách mỏi mệt cũng ngồi lại khoác lên mình hoang phế, thời gian sẽ đứng lên đảm đương phần việc của mình, không còn ai vẽ lại diện mạo của quá khứ, như một lớp bụi lấp lánh, rực rỡ rồi vụt tan đi, không gì cưỡng lại được, dòng chảy sẽ đưa những phế tích về lại nơi chốn, không còn một vấn vương hay hoài vọng về một hiện diện nào đó, như hoa đến lúc thả mình về cội.

9.
Vị chè loãng dần, nhạt, thoảng rồi tan mất, gió bốn bề lồng lộng, nhiều mùi hương lạ lẫm vây quanh, Du đang rơi, rơi lâu lắm, mặt trời tỏa điệu chói chang, ấm nóng, rực rỡ, một khoảng hẫng, dừng lại Du thấy mình bước trên một tầng mây tím, tất thảy ở đây các tạo vật đều đang bay, ngựa, chim hồng, sóc, cá bảy màu, nhiều loài Du mới gặp lần đầu, những vòng sáng ánh lên quanh thân thể chúng, nhưng không thể dừng lại lâu, Du lại lao xuống những cột mây, tầng thứ hai xanh ngắt, thăm thẳm vây bọc là rừng già, cây cao không thấy ngọn, sương ẩm ken dầy đặc trên đầu, Du bước trên những tầng lá rậm ẩm ướt, ở đây ngay cả những suy nghĩ cũng không thể lọt qua lớp màn vây bọc này, Du thiếp đi, một tiếng gọi, Du lang thang trong đường hầm xanh thẳm màu trời, phía kia là ánh sáng, tiếng gọi vẫn mơ hồ, ngập ngừng, Du ngỡ hình bóng Thụy nắm tay mình chạy đi, tiếng cười rơi vỡ dưới bước chân hai người, tay Thụy dài, vươn mãi vươn mãi, Du nhìn theo chỉ thấy điệp trùng mây, mở mắt Du biết đã đi qua hố thẳm, nhẹ nhàng hơn Du để mình tự rơi, cứ đi đi, mơ hồ này, tâm trí này, hành trình sẽ đưa Du về đâu, bay trên ngọn đền đài, lướt qua những phù sa châu thổ, nghe lại một lời ru thân thuộc của mẹ thuở nằm nôi, một lần chạm mặt quê hương,... sẽ đi đứng nằm ngồi hay dừng lại, Du không biết, ai cũng nói về phận số, Du cầm sợi chỉ đỏ mà lúc nãy mơ màng cột ở cổ tay Thụy, biết đâu Thụy cũng đang rơi.

10.
Du ngồi ở hiên nhà, mưa đã ba ngày, sáng nay dậy sớm, vợ Du vẫn ôm con ngủ, mát giời đầu óc con người thư thái, cây cối trầm hòa. Du rót tách trà, nước xoáy nhẹ, hương ngọt, vị xanh nhừa nhựa, bông nhài vừa nở Du hái ngoài vườn buổi sáng đọng sương chầm chậm xoay tròn.

H.T.P
(TCSH407/01-2023)


------------------------
(*) Thơ Tô Thùy Yên.

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Lão Kình (02/02/2023)
Đồng đội (14/01/2023)
(12/01/2023)
Một người cha (30/12/2022)
Nhà nội… (15/11/2022)
Mùa sâm cầm (11/11/2022)