Truyện ngắn
Về nhà đi
14:30 | 10/03/2023

NGUYÊN NGUYÊN

Nếu như ở P vào những năm 20 thế kỷ trước, khi đó, tôi hãy còn là tên bồi bàn ở La Closerie des Lilas, nơi Ernest thường qua lại uống rượu và ngồi viết văn.

Về nhà đi
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Ông chú tâm vào việc viết hơn là bận tâm những thứ đang diễn ra xung quanh mình. Và tôi nghĩ ông như tâm điểm của sự chú ý nếu như năm mươi năm về sau, người ta biết rằng, có một đại văn hào của thế giới đã ngồi đó, cặm cụi viết từng dòng, từng dòng một trên tờ giấy trắng ngà ngà, bên dưới ánh đèn vàng u hoài. Thú thực khi ấy, tôi trông ông như bao chàng thanh niên tuổi đôi mươi với bao hoài bão trong khối óc và con tim, từng làn sóng đang cuộn trào bên trong, chực chờ phá vỡ tấm màng ngăn cách giữa hai thế giới ấy, hoặc giữa các thế giới với nhau, giữa thanh xuân tuổi trẻ với buổi xế chiều.

Và tôi đã chợt nhận ra rằng, mình đã ngắm nhìn tuổi trẻ của chính mình qua một lăng kính hoàn toàn khác.

P là một thành phố nơi mà ai cũng một lần muốn đặt chân tới, chỉ một lần trong đời. Sau này, qua nhiều dòng hồi ức, các bài đăng báo hằng kỳ, tôi biết được người ta đã ca tụng thành phố này tới nhường nào, ca tụng nó với bao nhiêu mỹ từ khác nhau. Như ngôi nhà thứ hai của chúng ta, như nơi duy nhất trên thế giới đã không ruồng bỏ, đã chứa chấp và không đối xử với ta một cách tệ bạc. Tôi chẳng biết. Có khi, trong lòng mình, với vai trò của một tên bồi bàn, một linh hồn lạc lõng giữa thành phố rộng lớn, mênh mang này, thì tôi chẳng bao giờ nghĩ nhiều tới những chuyện mang màu sắc ảm đạm, u ám hơn. Cũng có khi, người ta đang tọng vô tiềm thức tôi những thứ đó một cách thản nhiên, để rồi, cho tới một ngày tôi nhận ra mình đã dễ dàng chấp nhận mọi chuyện theo cách như thế.

Chẳng biết Ernest có từng tồn tại trong tiềm thức của mình cảm giác đó hay không? Tôi tự hỏi mình, nhưng khi đối diện với Ernest, mang đồ uống cho ông, có khi ông không để ý, cũng có khi ông chỉ ngẩng đầu lên, khẽ cười xã giao. Công việc của ông là viết. Và nó là lẽ sống của ông. Tôi cũng không bàn luận gì nhiều về chuyện này.

Tôi thường tan ca làm vào lúc 9 giờ tối, cũng có khi muộn hơn. Ernest thường ra về cùng tôi. Quán đóng cửa sớm hơn so với những nơi khác, nhưng cũng có những lúc mở cửa muộn hơn để đón tiếp những lữ khách tới từ phương xa, họ đang đói bụng và cần uống một chút gì đó cho ấm người.

Khi ấy, Ernest thường rảo bước cùng tôi trên con đường lát gạch đỏ rêu phong trong thành phố. Những bức tường quét thứ sơn màu vàng đặc trưng, đôi chỗ những mảng rêu bám xanh đến tận lan can tầng hai, nơi có những chùm hoa nhỏ màu tím phủ xuống tạo nên những tấm “rèm” hoa thật gợi cảm.

Có lần Ernest nói với tôi, người ta đã dựng những bức tường này trước khi thành phố có hình hài như hiện tại.

Tôi thắc mắc với ông, tại sao lại như thế.

Ông đáp lại tôi rằng, ngày trước nơi đây là những nhà tù, bức tường ấy chính là một phần của những nhà tù mà người ta dựng lên với mục đích giam giữ những nô lệ làm phản trong cuộc nội chiến của thành phố.

Tôi không thích nghe chuyện chiến tranh, không thích một chút nào. Chiến tranh là quá khứ, là hồi ức, chuyện đấu tranh trở nên xa lạ đối với thế hệ chúng tôi, những người chưa từng kinh qua bất kỳ một cuộc chiến nào. Như nhạc Jazz, thế hệ chúng tôi ít người thích nghe dòng nhạc đó. Có thể giờ đây, người ta cần một thứ gì gấp gáp hơn và ngược lại.

Ernest phần nào hiểu suy nghĩ trong tôi nên ông không nói thêm nữa về chuyện tranh đấu, giết chóc...

Số phận của những con người đó ra sao, ông có biết không Ernest?

Tôi hỏi lại Ernest, dẫu có đôi lần ông né tránh việc tôi đi sâu vào trong một vấn đề mà người ta không hề muốn nhắc tới nữa. Một vấn đề mà người ta đang chôn chặt trong quá khứ. Với những con người, dành phần lớn cuộc đời mình để đi tìm cái tôi như Ernest thì chuyện đó như đào sâu lại những tầng ẩm thấp, tăm tối, hư vô trong tiềm thức của mình.

Ernest bèn nói, dĩ nhiên là chết, không một ai may mắn sống sót qua những bức tường này cả, cậu trẻ ạ! Kể cả những người được cho là khỏe mạnh nhất, nhưng trong điều kiện tối tăm, chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu quần áo, thiếu thức ăn, thiếu thuốc men như thế thì việc một cơ thể khỏe mạnh bị rút kiệt sức sống một cách nhanh chóng là chuyện hết sức bình thường. Hết-sức-bình-thường. Ernest nhấn mạnh. Và nhất là khi, người ta đã nhụt chí thì làm chuyện gì cũng chẳng xong.

Và rồi, họ héo mòn dần dần, mục ruỗng và tan biến. Không một dấu vết gì về họ nữa đúng không? Tôi nhận định, còn Ernest gật đầu. Tôi cho rằng, Ernest đang nghĩ tôi như một tên ấu trĩ thích đào bới sâu xa những chuyện chẳng liên quan gì tới mình, chẳng giúp ích được gì cho bản thân mình.

Chúng tôi vẫn bước đi, thật khẽ, trên nền gạch lạnh băng. Tôi cố gắng lắng nghe xem có âm thanh nào lọt qua những bức tường đá này không, tập trung lắng nghe một thôi hồi, nhưng tuyệt nhiên không có, cái tôi nhận được vẫn chỉ là thực tại lặng im. Màn đêm đen đặc mịn màng đang bao trùm lên thành phố này trong những ngày mưa ẩm tháng ba.

*

Từ căn phòng của mình nhìn xuống đại lộ tôi dễ dàng nhận thấy sự chuyển động của một góc nhỏ trong thành phố rộng lớn. Đã bao lần tôi lơ đãng trước sự chuyển động đó, để cho mọi thứ mờ dần dần dưới ánh đèn vàng vọt, hiu hắt.

Mọi thứ đã và đang biến mất cậu trẻ ạ, Ernest đã nói với tôi như vậy. Không tài nào nhớ nổi.

Có thể Ernest đã đề cập tới nó trong những trang viết ở La Closerie des Lilas, nhưng chẳng bao giờ tôi đọc được nó, dù đôi lần qua sạp báo ở ven đường tôi đã định nán lại đôi chút  để tranh thủ ngó xem Ernest đã viết những gì trong đó, nhưng sự thực là chưa lần nào tôi đọc được những gì ông ấy đã viết.

Có thể Ernest đã viết về gia đình mình, về người cha đáng kính, về người mẹ đáng ghét của ông, về anh chị em của mình, về người vợ đầu của ông, về người vợ thứ hai của ông, về em gái của người vợ thứ hai của mình, những ngày trên chiến trường, về đấu bò, chuyện đi săn, những ngọn đồi ở châu Phi, những hòn đảo... Và còn ti tỉ những thứ để ông có thể viết mỗi ngày. Có đôi lần, tôi muốn đề nghị ông hãy viết những gì tôi đang nhìn thấy ở đây, từ căn phòng nhỏ của mình trông xuống đại lộ, nơi một góc nhỏ của thành phố đang khẽ khàng chuyển động, những hình nhân mờ nhạt bước qua nhau mà chẳng lưu lại dấu vết nào. Tất cả đều đang dần biến mất.

Nếu đứng đó, một hồi lâu thì tôi dễ dàng cảm thấy choáng váng, một chứng bệnh lý liên quan tới việc máu lưu thông không đều trong cơ thể. Tôi bấu mạnh tay vào khung cửa sổ, từ từ di chuyển chân của mình về chiếc giường nhỏ, rồi ngồi xuống hai tay bưng lấy gương mặt đang tái đi phần  nào cùng mình. Bỗng từ phía dưới đường, đám đông nhộn nhạo, đang vây quanh những nghệ sỹ đường phố, giai điệu của kèn trumpet vang lên kéo theo những giai điệu jazz đầy ngẫu hứng, tiếng cười đùa, tiếng vỗ tay hòa vào nhau tạo nên những âm hưởng của đường phố. Mùa hè. Bất giác tôi chợt nghĩ tới những mùa hè ở P.

Lần nào tôi gặp cô ở La Closerie des Lilas, cô cũng đang đọc một cuốn sách, lúc dày, lúc mỏng, bên chiếc bàn, cạnh lọ hoa tươi, hộp khăn giấy. Cùng với đó là một tách cà phê đang bốc từng lọn khói mỏng manh mau lẹ tan biến trong khoảng thinh không, chẳng lưu lại chút dấu vết nào.

“Cậu đang đọc gì thế?”

Vài lần tôi hỏi cô như thế, có khi cô trả lời, có khi cô chỉ cười lấy lệ rồi lại chăm chú vào những trang sách như chưa có chuyện gì xảy đến. Tôi thử tưởng tượng, nếu như Ernest thấy cô đang chăm chú đọc một cuốn sách của ông thì ông sẽ cảm giác thế nào. Giá như tôi có thể hỏi Ernest vào ngay lúc này.

Nhưng vào ngày hôm đó, cô đã trả lời tôi bằng giọng điệu dễ nghe nhất trần đời, sự việc đó khiến tôi liên tưởng người chị đã khuất của mình. Chị tôi có giọng nói y hệt cô.

“Một trong những cuốn sách hay của Stein.”

Tôi biết quý bà đó, một trong những người bạn của Ernest. Đôi lần tôi đã gặp bà ta ở La Closerie des Lilas, đôi lần bà ta đã xuất hiện trong những đoạn hội thoại cụt lủn giữa tôi và Ernest. Nhưng sau đó, thì cũng chẳng để lại chút gì trong tâm trí, một chút ít cũng chẳng có, vậy nên tôi đã bối rối biết nhường nào khi không thể thốt ngay lên một câu nói bất kỳ rằng, tôi cũng biết quý bà Stein, và tôi đã từng gọi đồ uống, chút điểm tâm cho bà ấy.

“Một trong những người bạn của Ernest?”

Sau cùng tôi hỏi lại, cố tỏ ra ngạc nhiên.

Cô lặng lẽ cười, như vạt nắng chiều lọt qua những ô cửa của La Closerie des Lilas. Tôi chẳng thể cảm nhận được gì hơn, khi tâm trí mình như lạc vào một không gian hoàn toàn khác, nơi những ký ức dâng lên như màn nước, đang nhấn chìm mọi ngoại cảnh xung quanh.

“Cậu sao thế?”

Giọng nói cô kéo tôi về với thực tại. Tôi cảm thấy nhiệt độ đang tăng cao trên gương mặt mình. Tôi sợ cảm giác sẽ phải đối mặt với cơn sốt tối nay khi nằm yên trên chiếc giường nhỏ, những cơn mộng mị bất chợt lại hiện về, giữa những nỗi đau giằng xé, sự dằn vặt. Chúng kéo dài hàng cây số, từ đại lộ này tới đại lộ khác, từ cánh đồng này tới cánh đồng khác, từ đại dương này qua đại dương khác.

“Cậu đang bệnh sao? Cậu nên xin nghỉ để về nhà đi?”

Nhà.

Tôi lặng người đi trong giây lát, khi thanh âm trong trẻo đó vẫn vang lên bên tai mình.

“Mình không sao, chỉ là hơi choáng váng, đôi chút, có lẽ mình phải đứng hơi lâu, nên... bị tụt đường huyết.”

“Mình hiểu. Vậy cậu có cần mình giúp gì không?”

Sau đó, câu chuyện giữa chúng tôi kết thúc, khi những vị khách của buổi chiều đang lặng lẽ bước vào trong quán. Chúng tôi gật đầu chào nhau trong im lặng. Cô trở về với Stein, về với thế giới của riêng mình.

Tối hôm đó về. Tôi sốt thật. Người nóng hầm hập, mồ hôi ướt đầm đìa trên người, ướt đẫm cả áo sơ mi mỏng đang mặc trên người. Không ăn uống được gì ngoài chuyện nằm bẹp dí trên chiếc giường nhỏ. Tôi mơ màng nghĩ về cô, nghĩ về chị gái mình. Giữa hai người như có một mối liên kết dai dẳng nào mà tôi không tài nào lý giải nổi. Sau khi ban nhạc đường phố cất lên những giai điệu cuối cùng của bản blue-jazz buồn bã như nỗi buồn hàng thiên niên kỷ. Tôi bắt đầu bước vào cơn mộng mị của mình. Nơi những nỗi đau dài đằng đẵng, nối tiếp nhau từ đại lộ qua cánh đồng, qua thành phố. Và tiếp theo những nỗi đau ấy, hẳn là những nỗi nhớ, càng nhớ, tim tôi lại như nhói lên một cái bất thình lình, khiến tôi có cảm giác mình đang chuẩn bị tắt thở đến nơi. Tôi đã không dám ngủ, bởi tôi sợ hãi mình sẽ chết khi đang ngủ mất. Tôi mà chết thì sẽ không còn cơ hội gặp lại cô nữa - người con gái có giọng nói hay nhất trần đời.

*

Thời gian sau, tôi có may mắn được hỏi chuyện Ernest về quý bà Stein. Ông chỉ đơn giản nói rằng, đó là người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ nhất mà ông từng gặp. Mạnh mẽ từ con người cho tới từng trang viết. Tôi không biết là cô có mê đắm Stein với lý do mà Ernest đề cập tới hay không, nhưng tôi dám chắc rằng, hẳn ở người phụ nữ ấy phải có thứ gì đó thật đặc biệt, toát ra một phong thái bản lĩnh hơn người. Mãi về sau này, khi bắt gặp hình ảnh của bà ở đâu đó, trên bìa gấp sách, trên một tờ báo, thì ai biết rằng ẩn sâu trong đôi mắt cương nghị đó, thứ văn chương kỳ dị như người ta vẫn gọi là “có thể sản sinh”.

Tôi rất muốn nói chuyện đó với cô, dẫu chẳng biết nó mang lại kết quả gì, đi tới đâu trong những lần trò chuyện chớp nhoáng, thoáng qua. Nhưng thực sự, tôi rất muốn nói chuyện với cô, ngay giữa cơn sốt đang hành hạ thân thể mình. Trong bóng tối mịn màng, thân thể tôi trở nên mềm oặt như con giun đang quằn quại dưới ánh nắng thiêu đốt của mùa hè tháng sáu ở miền nhiệt đới. Tôi nhớ những ngày mùa hè ở miền nhiệt đới, nhớ hương vị của những quả xoài treo lủng lẳng trên những cành xanh mát, nhớ những con đom đóm bay lập lòe trên những cánh đồng đang chuẩn bị vào vụ, nhớ ruộng dưa hấu của mẹ, nhớ nhiều thứ...

Đó cũng là khoảng thời gian mà sau này Ernest kể cho mọi người nghe về cuộc sống của ông, ở giữa những hòn đảo của vùng xích đạo, có đảo lớn, đảo vệ tinh, đảo nhỏ chỉ những cồn đất nhô lên từ màu xanh, và mưa rất nhiều, muỗi rất nhiều, bão cũng rất nhiều - những cơn bão nhiệt đới từ Thái Bình Dương mênh mông. Tôi nhớ ông đã từng có những trang viết về những hòn đảo, dòng nước ấm... Tôi chẳng biết rằng, trong một giây nào đó Ernest hồi tưởng lại khoảng thời gian quá khứ, Ernest có cảm giác giống như tôi không, cảm giác như con giun quằn quại dưới ánh nắng thiêu đốt của mùa hè tháng sáu, miền nhiệt đới cùng những quả dưa hấu lăn tròn trong vườn của mẹ tôi, trong giấc mơ của chúng tôi, của tôi.

Câu chuyện về thứ văn chương kì dị của Stein xuất hiện trong cuộc trò chuyện giữa tôi và cô ở La Closerie des Lilas, ngày một nhiều, trên những cung đường, trong một buổi chiều nắng nhạt, bên bức tường từng giam giữ nô lệ trong cuộc nội chiến trước kia. Thi thoảng lại phát ra những tiếng khóc ỉ ôi giữa đêm khuya vắng lặng, không một bóng người.

“Người đàn ông đó là ai?”

Cô đề cập tới Ernest trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Tôi không vội đáp lời, cô thì luôn luôn giữ được vẻ điềm tĩnh hiếm có ở người con gái đang trong độ tuổi này.

Chúng tôi ngồi xuống ghế đá, nhìn ra đại lộ vắng lặng.

“Một người bạn của Stein. Có đôi lần ông ấy đã đề cập tới chuyện đó qua những lần trò chuyện với mình. Nhưng mình vẫn không dám chắc lắm giữa những mối quan hệ đó. Ernest có thể là một người không thích chia sẻ nhiều ngoài những trang viết, rượu hay người vợ của ông. Đơn giản chỉ như một người đàn ông thú vị và bí ẩn.”

Cô gật đầu đồng ý, không nói gì thêm.

Được thể nên tôi bèn nói tiếp:

“Sở dĩ chuyện của một tên bồi bàn, nghe ngóng rồi thi thoảng bàn tán về chuyện trong giới văn chương thì cũng là một việc làm hết sức bình thường. Tuy nhiên những vấn đề sâu xa trong nó lại không tài nào hiểu được, giống như sâu thẳm bên trong tâm can của một con người vậy. Mình luôn nghĩ tới đại dương”.

“Đại dương ư?”

Cô nhắc lại với giọng điệu pha chút sự tò mò ngạc nhiên.

“Tại sao lại là đại dương?”

Tôi biết rằng, mình đang biến bản thân mình trở nên ngu ngốc trước những gì mà bản thân mình sắp nói ra tiếp đây, nhưng thây kệ, tôi vẫn sẽ nói, nói cho hết mới thôi. Tôi khẽ hít một hơi thật sâu như để lấy lại sự bình tĩnh đã bay biến tự lúc nào, trong những cuộc trò chuyện với cô tôi luôn luôn không thể làm chủ được bản thân mình. Mọi thứ như đang bị cuốn trôi đi theo dòng xoáy nước trong cơn mưa lớn, giữa lòng đường.

Tôi bắt đầu với dòng cảm xúc ngổn ngang của mình.

“Mình luôn nghĩ tới đại dương, chẳng hiểu sao mỗi khi mường tượng tới điều gì sâu thẳm trong tâm can mình, mình lại nghĩ tới đại dương. Ernest có từng nghĩ tới những điều đó, thiết nghĩ ông ấy đã từng đề cập tới nó trong bất cứ trang viết nào của ông. Về những hòn đảo, hay dòng nước ấm chẳng hạn. Mình cũng không biết nốt, chỉ là mình đang cảm thấy trống trải mà thôi. Cậu biết không, trên mặt biển đen thẫm, lấp loáng dưới ánh trăng, mình chẳng nhận ra nổi thứ gì đang tồn tại ngay cả bản thân mình nữa, mình không nhìn thấy gì hết, không thể lắng nghe, cả tiếng trái tim mình, chỉ thấy lòng mình trải rộng ra như mặt biển, dưới ánh trăng lấp lánh, không một con tàu, không một ngọn hải đăng, không một con sóng nào có thể khuấy động những phần sâu thẳm ở bên trong. Mọi thứ im lìm như ngàn năm vẫn thế. Rồi mình cũng bất chợt nhận ra rằng, mình đang tồn tại là vì cái gì đây? Mình đang tồn tại vì cái gì đây?”

Khi đó, tôi cảm thấy nhiệt độ đang tăng cao trên gương mặt mình, như một cơn sốt khác lại ập tới, hòng tiêu diệt những xúc cảm ít ỏi đang cố gắng sống sót trong cơ thể của tôi. Tôi không buồn để ý tới xung quanh nữa, dùng hai tay bưng lấy gương mặt đang trở nên nóng phừng phừng.

Cô chưa vội nói gì, điềm tĩnh như mọi lần, điềm tĩnh như khi đọc những trang viết nổi loạn, kỳ dị của Stein. Cô đặt nhẹ bàn tay mình lên vai tôi, rồi cô nói:

“Mình sẽ không thể nào hiểu ngay được cảm giác của cậu ngay lúc này đâu. Nhưng cũng không phải là mình không thể hiểu nổi nó. Cảm giác ấy, như vài lần trong đời, mình đã từng trải qua, có thể cách tiếp nhận của mình khác so với cách tiếp nhận của cậu. Và những cánh cửa khi được mở ra, thì ta cũng chẳng biết phải làm gì khi đối mặt với những thứ trong đó, ngay cả khi nói về đại dương, con tàu hay đêm trăng. Bất cứ một hình ảnh nào liên đới ở đây, ắt phải mang một hàm ý nhất định. Có thể Ernest đã từng viết, có thể Stein đã từng viết và ta đã từng nghĩ tới mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi thời khắc qua đi... và để lại những dấu tích. Nhưng chắc chắn một điều, mọi thứ sẽ qua đi, chắc chắn.”

Chúng tôi không nói gì nữa, màn đêm đang buông dần xuống đại lộ, trên vỉa hè, sau những bức tường xám xịt giam giữ những linh hồn nô lệ, thân xác tàn lụi chỉ còn những mẩu xương lẩn khuất trong bóng tối, sân ga hay bất cứ ngóc ngách nào trong thành phố mênh mang này. Đó là cuộc trò chuyện lâu nhất giữa tôi và cô, trước khi mọi thứ biến mất.

Stein biến mất.
Ernest biến mất.
Và cô biến mất.

*

Nếu như trở lại P vào khoảng 10 năm trước khi Ernest biến mất, tôi ngạc nhiên khi mọi thứ vẫn chẳng thay đổi gì nhiều, điều thay đổi duy nhất, có thể khi ấy, tôi đã trở thành một ông già 60 tuổi, gần bằng với độ tuổi mà Ernest cầm trên tay khẩu súng săn nã đạn vào trong đầu mình ngay tại nhà riêng. Sau đó, ông lìa đời, biến mất, không trở lại lần nào nữa. Chẳng biết việc đó có mang ý nghĩa nào với ông hay không, hay đơn giản là chỉ thêm một lần biến mất. Một lần biến mất của P. Một lần biến mất ở nhà riêng của mình. Và mãi mãi.

Còn tôi vẫn ở đây, bên trong gian phòng chính của La Closerie des Lilas, những giai điệu bản blue-jazz cất lên bên máy quay đĩa. Những giọng ca rên rỉ, rất khẽ, rất dễ dàng để nghe thấy tiếng giọt cà phê đang từ từ nhỏ xuống cái ly thủy tinh. Người bồi bàn, bằng với độ tuổi tôi những năm tháng trước đây đang tươi cười với một người phụ nữ.

Người phụ nữ ấy có lẽ trạc tuổi Stein khi bà ngồi ở đây cùng thời điểm với Ernest trong những cuộc hội hè miên man. Bà ta không nói gì nhiều, gọi đồ uống, gọi một món điểm tâm nhẹ trong thực đơn mà người bồi bàn đưa, sau đó lại chăm chú nhìn vào cuốn sách mà bà lôi ra từ trong chiếc giỏ tay xăng-đan màu xanh cổ vịt. Màu sắc luôn thu hút ánh nhìn của tôi lúc bấy giờ. Đột nhiên, một dư ảnh xa xôi chực trở về, choán lấy tâm trí tôi trong giây lát rồi biến mất. Tôi nhìn thấy cô gái của tôi trong hình ảnh bà lão, cô gái có nụ cười đẹp nhất trần đời.

Rồi tôi hướng mắt về chiếc bàn quen thuộc, chỗ ngồi quen thuộc, chỗ đứng quen thuộc, chiếc bàn quen thuộc, lọ hoa khô, gạt tàn, giỏ đựng khăn giấy... nơi những cuộc trò chuyện giữa tôi và cô, trôi đằng đẵng về phía sau với tốc độ ngang một đoàn tàu cao tốc. Những cuộc chuyện trò chớp nhoáng ngắn ngủi, nhưng dần dần nối đuôi nhau từ thời điểm chúng tôi còn trẻ dại hay làm những chuyện điên rồ, trưởng thành hơn đôi chút, kết hôn, sinh con, già nua, mắt kém chân chậm, tay run rẩy cầm một chiếc baton lê từng bước trên con đường tối thẫm...

Và giờ đây bản thân mình đã trở thành một ông lão ngoài 60 tuổi, không có gì ngoài chiếc áo măng tô màu gi đang bận lên người, một chiếc khăn choàng cổ màu xanh cổ vịt. Một chiếc va li đựng bộ quần áo, đồng hồ, bàn chải đánh răng, lược chải tóc, vài cuốn sách mỏng trong đó có một cuốn của Ernest, hộ chiếu, hành trình trở về miền nhiệt đới với một bức ảnh của chị gái mình.

“Hãy trở về nhà đi!”
Nhà.

Đó là câu nói cuối cùng mà cô nói với tôi trước khi biến mất khỏi P, khỏi La Closerie des Lilas, trên đại lộ dài hun hút kéo tận đường chân trời. Vài chiếc xe rượt qua, vội vã, trời vừa mưa xong, những vũng nước đọng lại dưới lòng đường, vỉa hè loang loáng nước, vương vãi ánh sáng vàng từ những ngọn đèn cũ kỹ.

Tôi và cô đã đứng bên nhau một khoảng ngắn ngủi, thời gian chầm chậm trôi qua. Chúng tôi không biết nói gì, ngoài đại dương, không nghe thấy tiếng con tàu, không nhìn thấy ống khói, không nghe tiếng sóng, không nhìn thấy chúng táp mạnh vào vách đá dựng đứng, đen ngòm; mà chỉ thấy lòng mình trải rộng ra như mặt biển dưới ánh trăng sáng loang loáng.

“Về nhà đi!”

Cô nhắc lại, rồi buông đôi tay tôi ra, biến mất trong bóng đêm đang bao vây lấy thành phố.

N.N
(TCSH408/02-2023)

-----------------------------
1 Ernest Miller Hemingway (21/7/1899 - 2/7/1961; phát âm: Ơ-nít Mi-lơ Hê-minh-uê) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, một nhà văn viết truyện ngắn, và là một nhà báo. Ông là một phần của cộng đồng những người xa xứ ở Paris trong thập niên 20 của thế kỷ XX, và là một trong những cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới I, sau đó được biết đến qua “Thế hệ bỏ đi” (Lost Generation). Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả, và Giải Nobel Văn học năm 1954 (Theo Wikipedia).
2 Gertrude Stein (3/2/1874 - 27/7/1946) là một nhà văn người Mỹ, tuy vậy bà sống chủ yếu ở Pháp. Bà là một trong những nhân vật tiêu biểu trong sự phát triển của nghệ thuật hiện đại và văn học hiện đại. Trong suốt cuộc đời, bà trải qua hai mối quan hệ quan trọng là với người anh Leo Stein từ năm 1874-1914 và với Alice B. Toklas từ năm 1907 cho đến khi bà mất vào năm 1946. Tại 27 rue de Fleurus, Paris, bà triển lãm tác phẩm của bà và người anh và sau đó với Alice. Trong suốt cuộc đời bà kết bạn với những người nổi tiếng và tiên phong trong thế giới nghệ thuật và văn học (Theo Wikipedia).
3 La Closerie des Lilas - quán cà phê trung tâm của cuộc sống học giả và nghệ thuật Paris.

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)
Trà (10/02/2023)
Lão Kình (02/02/2023)
Đồng đội (14/01/2023)
(12/01/2023)
Một người cha (30/12/2022)