Truyện ngắn
Tiếng chuông
15:13 | 13/04/2023

TRU SA

Tôi và Đán tìm được chỗ nghỉ chân tạm thời. Đấy là một thị trấn nhỏ. Nền công nghiệp vẫn chưa hoàn toàn khống chế nơi này nên tôi có thể yên tâm với các lọ nước mắm, cá tươi không dán bao bì.

Tiếng chuông
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Nơi đây chưa có internet, sóng điện từ nhiễu thường xuyên nên tôi không cách nào để liên lạc với những người còn lại trong nhóm. Dân phượt chúng tôi thường không mang theo nhiều tiền trong người nên việc ở lại thị trấn quá lâu sẽ là một khó khăn. Dù giá thuê trọ nơi đây rất rẻ, nhưng có lẽ, chúng tôi phải sớm rời đi. Trước mắt tôi phải đợi Đán sửa xong chiếc xe để có thể tiếp tục cuộc hành trình.

“Mấy hôm mày có nghe thấy gì không?”

Đán hỏi trong lúc đang loay hoay với chiếc cờ-lê.

“Hôm qua tao ngủ sớm.”

“Tao không nói hôm qua.” - Đán vẫn tiếp tục với câu hỏi - “Mà hai hôm trước, nếu tao nhớ không nhầm là hơn mười hai giờ. Tao nghe thấy tiếng kẻng, cũng có thể là tiếng trống ngũ liên.”

Tôi giữ câu nói của Đán trong đầu một lúc lâu. Ngày đầu tiên ở thị trấn tôi đã rất mệt nên vừa nhận phòng đã ngủ một giấc dài. Còn ngày tiếp theo, cũng là tối hôm qua tôi cũng ngủ sớm nhưng tôi chỉ chợp mắt vài tiếng đầu. Có lẽ giấc ngủ của tôi sẽ kéo dài hơn, nhưng như Đán nói, đã có một âm thanh chen ngang vào giấc ngủ của tôi. Khi đó tôi đã thức dậy. Và tôi vẫn nhớ mang máng về thứ âm thanh lạ hoắc đó. Hoàn toàn không phải tiếng kẻng hay trống ngũ liên. Nếu để nói đó là tiếng gió cào vào vách núi cũng không phải, vì thứ âm thanh đó tuy ở rất xa, cũng như việc nó chỉ thoáng vương trong đầu tôi nhưng tôi dám chắc đó là tiếng của một quả chuông. Tôi thường lên Hà Nội và đã nhiều lần được nghe chuông nhà thờ. Chỉ là tiếng chuông hôm qua không có độ cao, không dội vang và thuần khiết như chuông nhà thờ. Tiếng chuông bị phân rã dần dần và… Tôi chẳng thể nhớ thêm nữa nhưng tối nay tôi sẽ thức để có dịp nghe thật kỹ tiếng chuông đó, nếu nó còn vang lên.

Tôi mở điện thoại. Qua một đêm sạc điện, ổ pin đã đầy nhưng vẫn chưa có lấy một tin nhắn. Sau hàng chục cuộc gọi đi tôi chỉ nhận được những tiếng tút tút vô hồn. Ngay cả tiếng nói quen thuộc ở tổng đài cũng chẳng vang lên. Điện nơi đây vẫn có, các thông tin thời tiết, chương trình phim truyện tôi vẫn được biết nhưng chỉ ở dạng âm thanh.

“Nhóm anh cả có lẽ đã đi được vài địa điểm rồi. Chẳng biết họ có đến đảo Cò không nữa.”

Chúng tôi ăn trưa ở một quán cách nhà trọ không xa. Tôi gọi một suất cơm thịt kho, cá rim nước mắm và một đĩa bắp cải luộc. Đán chỉ gọi vài món sơ sài, còn thì kết thúc bữa ăn bằng một cốc rượu trắng.

Dùng bữa xong, Đán mua một chai rượu.

*

Mười giờ tối, không nhà nào sáng đèn. Ở thị trấn này đều là người lao động nên việc ngủ sớm là chuyện dễ hiểu. Nhiều miền quê chín giờ người làng đã đi ngủ. Tôi với điều khiển bật tivi thì chỉ nhận được những dòng xẹt điện đen trắng. Chuyển các kênh khác cũng chẳng có thêm âm thanh nào ngoài tiếng rè rè và dòng chữ mất tín hiệu.

“Tắt đi. Có phim cũng làm quái gì xem được.” - Đán nói và mở balô lấy ra một bộ bài.

“Đánh ba cây uống rượu không. Thằng nào thua phải cạn hết chén.”

“Tao không thích chơi bài.”

Tôi còn nhớ mình có mang theo vài cuốn sách.

Đán vẫn chơi bài, một mình. Gã tự phân ra hai dòng suy nghĩ. Mỗi một ván bài hạ gã rót một cốc rượu, tu bằng sạch.

Mấy cuốn sách tôi mang theo chẳng dễ đọc chút nào. Tôi chúa ghét loại sách quá phức tạp và tôi chỉ đọc nó như một mẹo để mau buồn ngủ.

Cửa sổ vẫn mở. Căn phòng tôi là ngọn đèn duy nhất trong thị trấn.

Tôi để sách xuống và ngồi lên chiếc bàn dựng phía cửa sổ. Ngoài trời ngăm ngẳm một màu đen thần bí. Tôi vẫn nghe thấy tiếng gió. Cơn gió không mang lại cơn lạnh nhưng xuyên thấu da thịt. Tôi còn nhớ đối diện với cửa sổ có một lùm cây. Gió dù chỉ ở mức vi vu cũng phải đánh động tới mỗi chiếc lá. Vào lúc trời bắt đầu trở khuya thế này tối thiểu cũng phải nghe thấy chút âm thanh. Hình như gió thổi mạnh hơn nhưng chẳng có tiếng lá cây nào. Thứ rơi vào lỗ tai tôi là một âm thanh sâu hút, như tiếng vọng từ vỏ ốc.

Mở đèn pin cá nhân, một khoảng sáng dài được chiếu sáng, khung cảnh vẫn đơn chiếc như vậy. Không có lấy một dấu chân người, chỉ có tiếng gió thổi. Lá cây đang bị hút vào cơn gió, xoay thành những vòng lốc nhỏ. Tôi thấy cả một mẩu xương nhỏ trong vòng gió. Rõ ràng gió chỉ ở mức riu riu.

Đán bảo tôi đóng cửa sổ lại. Tôi nghe theo. Cũng chẳng lý do gì mà đứng trước cửa sổ lâu như vậy.

*

“Có phải hôm qua mày đi ra đường.” - Tôi hỏi Đán khi hai đứa chuẩn bị đi ăn sáng.

Đán dậy trước tôi nhưng trên gương mặt vẫn còn vẻ uể oải của một người thiếu ngủ. Gã ngồi dựa tường, ngửa cổ lên trần, mái tóc chưa chải có vài sợi chổng lên. Lúc gã vươn vai ngồi dậy, chuẩn bị vào nhà tắm tôi nhìn thấy gã kỹ hơn. Đôi mắt gã nặng trĩu. Hai khối thâm quầng ở hai bên mắt đang ngày một lan rộng ra như muốn nhấn chìm hai con ngươi vào trũng xoáy vô tận.

“Tối qua mày đi đâu.” - Tôi lặp lại câu hỏi.

“Sao mày hỏi tao trong khi lúc tao bật đèn mày cũng đã không có ở phòng.”

Và Đán bỏ lửng cuộc trò chuyện ở đấy.

Tôi muốn thanh minh lại với gã, vì tôi nhớ rằng cả đêm hôm qua đã ngủ trong phòng. Đèn tôi không bật nhưng tôi đã rọi đèn pin về phía Đán nằm và không thấy gã ở đó. Có thể lúc đó gã ra khỏi phòng để xuống khu vệ sinh phía dưới nhà.

Nhà trọ này chỉ có hai chúng tôi, ba bốn người nữa là khách thuê trọ. Ở tầng một là địa phận của ông chủ và ngay từ đầu tôi đã biết về việc quản lý chặt chẽ của ông. Cửa ra vào được khóa từ rất sớm, những ba lớp khóa. Và tôi cũng không muốn có sự đôi co với ông ta vì rằng tôi chẳng đi đâu buổi tối.

*

Xe đã sửa xong. Chỉ còn lau chùi thêm lần nữa, lắp các phụ tùng vào thì sẽ có thể chạy được. Số tiền tôi và Đán mang theo vẫn còn kha khá nhưng có lẽ chúng tôi phải rời khỏi đây ngay.

Đán nói về bố gã. Kể từ lúc ông ấy qua đời, trong một cơn nhồi máu cơ tim thì những gì liên quan đến ông ấy Đán đều không muốn nhắc đến. Ngày hôm nay gã bỗng nhắc lại chuyện cũ. “Ông ấy trách tao.” -Gã nói. Trên gương mặt vốn đã uể oải từ lúc mới ngủ dậy tôi thấy một trũng xám xịt. Hoàn toàn không phải sự tiếc nuối hay xót xa nào khi gợi nhớ lại quá khứ. Tôi không nghĩ rằng bố Đán báo mộng vì khi dòng điện tâm đồ của ông ấy tắt phụt thì cơn ác mộng cuộc đời gã cũng biến mất. Từ đó gã luôn ngủ rất say và không bao giờ nằm mộng. Điều Đán nói với tôi là về những lời trách móc. Trong cả buổi sáng, gã chỉ nói về nó. Những lời trách móc, và chỉ như vậy.

Ở thị trấn này lâu lâu lại có khách ở phương xa đến thuê trọ. Họ chỉ ở vài ngày rồi trả phòng. Dân ở thị trấn khá hiếu khách và việc còn thừa nhiều đất quá lý tưởng để mở một trung tâm du lịch. Chỉ cần có một nguồn trợ lực, đầu tư về điện đóm. Việc quá siết chặt cửa nẻo khi trời tối khiến bọn tôi phải dành cả ngày để đi hết mọi nẻo của thị trấn. Con sông, các gò đất hoang hay cánh đồng lúa bát ngát tôi đều đã đi qua. Ngoài việc khí hậu trong lành thì nơi đây chẳng để lại ấn tượng gì. Cảnh quan nơi đây thậm chí còn thua xa các miền quê mà tôi biết. Ở các mảnh đất đó còn có cái để tham quan hoặc ít ra thì cũng có những món đặc sản để mua về làm quà.

*

Xăng trong xe còn rất ít nên hai đứa tôi không thể đi đâu xa. Theo những gì tôi hỏi được thì đi theo con đường đất sẽ ra khỏi thị trấn. Đi thêm chục mét nữa chúng tôi sẽ tới một thị trấn khác, nơi đó các dịch vụ thương mại tương đối phát triển, người ở đây vẫn thường tới đó để trao đổi hàng hóa. Không chắc nơi đó có cây xăng nhưng chắc tôi sẽ mua được xăng thùng ở các cửa hàng hoặc trong một khu chợ. Sóng điện trường nơi đó chắc sẽ ổn định, để bọn tôi có thể liên lạc được với nhóm anh cả. Hẳn rằng, họ đang tổ chức một bữa tiệc ngoài trời, chụp ảnh hoặc ghé vào các quầy hàng để mua đồ lưu niệm. Nếu trời tối họ sẽ dựng lều, cũng có khi tìm một nhà trọ giá rẻ để nghỉ qua đêm. Nếu không phải tôi và Đán tới muộn thì đã có thể cùng họ có hai ngày vui chơi tuyệt vời. Tôi vẫn nhớ những chuyến du lịch bụi của mấy năm trước. Đó là một bữa tiệc ngoài trời, trên một khu đất bỏ hoang. Chúng tôi đã đốt lửa trại, mở cát-xét và chia thành từng cặp nhảy múa theo ánh lửa. Trong đầu chúng tôi có vô số các ý tưởng kỳ quặc nên chẳng khó để duy trì ngọn lửa trại tới suốt đêm.

Bọn tôi không bắt chuyện với bất cứ ai trong khu nhà trọ. Còn những người ở thị trấn tôi chỉ mở lời khi mua hàng, hỏi thăm về đường đi. Ngay cả lúc nhận từ họ những con cá còn tươi hoặc cái bắt tay thân thiện từ một người già cả, tôi cũng không muốn bắt quan hệ với họ. Và tôi biết họ đã giấu tôi, về tiếng chuông lúc đêm tối. Không ai trong bọn họ thừa nhận là có tiếng chuông được đánh từ buổi đêm. Cái kẹo mút và gói bimbim không giúp tôi mua chuộc được cái gật đầu của bất kỳ đứa trẻ nào. Chiều hôm đó tôi đã đi thêm một vòng quanh thị trấn. Đán ở nhà và tôi chỉ đi một mình. Tôi bỏ chút tiền để thuê chiếc xe đạp của một người trong thị trấn. Chiếc xe hơi cà khổ nhưng khá bền.

Nhà cửa ở đây không quá lụp xụp nhưng cũng khó có thể gọi là hiện đại. Ngoài các ngôi nhà trọ thì tất cả đều nhỏ nhắn trong chục mét vuông. Khá nhiều bãi đất bỏ hoang để làm sân chơi cho đám trẻ con. Đã lâu tôi không đạp xe nên đi tầm chục mét thì thấm mệt. Nhiều quãng đường tôi đã phải dắt xe để tránh đâm vào ổ gà hoặc bị tuột xuống một con dốc dài với đầy đá găm.

Trí nhớ tôi rất tốt nên dù đã quẹo vào chục đoạn đường tôi vẫn nhớ đường về nhà trọ. Ở hai bên đường có đủ các loại cây nhưng tất cả đều đã trụi hết lá. Cả những cây cao tầm một mét tới những cây có thể liệt vào hàng đại thụ cũng đều rụng sạch lá. Đang là mùa hè nên không lý nào cây rụng nhiều như vậy, khi tôi lấy con dao nhỏ móc ở chùm chìa khóa rạch một đường sâu thì thấy nhựa cây vẫn ứa ra. Tôi ngắt dòng suy nghĩ bằng giả thiết về một trận bão lớn càn quét. Những cái cây không phải mối bận tâm của tôi nên tôi đi tiếp. Dẫu vậy, hình ảnh những cái cây trụi lá đã lưu lại trong đầu tôi. Những cái cây thật cao, với bộ cành nhọn hoắt vươn dài tứ phía như cái móng vuốt. Các nhánh cành nhô ra, cài cắm và tạo thành những cái gai nhỏ quanh bộ vuốt. Tôi chuyển dòng suy nghĩ về hướng khác, trước nó kịp gài thêm vào thân cây một đường nứt sâu hoắm, và trong cái hốc nứt đó là tiếng ùng ục của một cái bụng đang cồn cào. *

“Mày thấy ông ấy thế nào?” -Đán hỏi khi tôi vừa bước vào phòng.

Khuôn mặt Đán vẫn mang vẻ xanh xao của một người nhiều ngày chưa ngủ. Môi gã trắng bợt và khô cứng. Ánh nhìn của gã mang những tia dại, nhưng nếu để ý kỹ thì thấy cặp mắt giật giật, mang vẻ sợ hãi. Hắn vẫn lặp lại câu hỏi đó, còn tôi thì né tránh ánh nhìn của gã. Không rõ tại sao nhưng khi nhìn vào đôi mắt đã quá mệt mỏi nhưng vẫn cố mở to ra tôi lại thấy ngột ngạt. Trong cái đồng tử đó không phải là tôi, vì ngay cả khi tôi đứng yên thì cái hình hài lạ hoắc đó vẫn di chuyển.

“Ông ấy là ai?” - Tôi hỏi.

“Bố tao.” - Đán nói, mắt vẫn nhìn về phía tôi.

“Bố mày rất tàn bạo, tao nói thật lòng.”

“Ông ấy rất thích máu, nên đã có cả một bộ sưu tập các dụng cụ để lấy máu.”

“Nhưng ông ấy chết rồi.”

Đán thở mệt.

“Mày có thích thử cảm giác mạnh không.” - Tôi nói - “Tao biết một chỗ.”

“Ở thị trấn này ư?”

“Ừ. Nghĩa trang của thị trấn.”

Đán lắc đầu. Tôi nhắc lại về cái kế hoạch dạo đêm ở nghĩa trang thêm lần nữa. Chuyện đi vào nghĩa trang vào buổi đêm không phải ý tưởng lần đầu của tôi. Trước đây đã nhiều lần nhóm chúng tôi đã chơi trò này. Tất nhiên không ai đi một mình mà đi theo cặp. Tôi và Đán luôn là một cặp ăn ý. Tôi có thừa gan dạ, còn Đán thì luôn bình tĩnh. Kể cả khi chân vướng vào một bàn tay lở loét giòi bọ trồi ra từ dưới bia mộ, thì thay vì hét rống hay ngất lịm đi, gã sẽ chậm rãi gỡ từng ngón tay ra rồi đi tiếp.

Cả chiều bọn tôi không nói chuyện với nhau. Đán chỉ nằm trên giường, ít lâu lại trở mình vì khó ngủ. Tôi lấy chiếc điện thoại, thử nhấn vài cuộc gọi. Phía đầu dây vẫn chỉ có tiếng rè rè đáp lại. Ngoài cửa sổ vài người dân đã trở về nhà sau một ngày làm việc, mặt mũi ai cũng phấn khởi nhưng chẳng có lấy một cuộc chuyện trò nào vang lên.

Cái nghĩa trang đó tôi vẫn nhớ rõ. Đây có lẽ là nghĩa trang duy nhất của thị trấn nên được xây dựng rất cẩn thận. Toàn bộ nghĩa trang được bao bọc bởi một bức tường đá ong dày. Cánh cổng ra vào được làm bằng thép nhưng vì đã quá nhiều năm nên đã rỉ sét cả. Ổ khóa của cánh cổng cũng đã bị bào mòn. Sự rỉ sét ăn rỗng lỗ khóa và phá đi cấu tạo nhằm khớp với chìa khóa. Nghĩa trang không có đường hậu, nên tôi luôn thắc mắc người ở thị trấn sẽ vào bằng cách nào mỗi khi cần viếng mộ.

Cửa vào bị bít nhưng tôi vẫn có thể vào bằng cách leo qua tường. Lúc đó tôi không vào hẳn vì vướng chiếc xe đạp ở ngoài. Tôi chỉ bám trên tường, cheo leo một lúc lâu. Bên trong quả rất rộng, có kích cỡ của một cánh đồng. Đất ở đây nhìn rất bằng phẳng, cỏ mọc rậm rạp nhưng hầu hết đều là cỏ chết. Các ngôi mộ xây trồi lên trên và được sắp xếp rất gọn gàng, có một khoảng trống vừa đủ giữa các ngôi mộ để có thể đi lại. Có lẽ do tục lệ ở đây nên các ngôi mộ được xây cất tương tự nhau. Chúng không xây thành khối chữ nhật, cũng không có mái che, tất cả chỉ là những tấm bia bằng đá. Kích thước và độ lớn của những tấm bia bằng nhau.

Cái nghĩa trang với bạt ngàn ngôi mộ khiến tôi thấy hứng thú và muốn được tham quan. Nếu tôi thuyết phục được Đán thì có lẽ đây sẽ là chuyện đáng nhớ nhất mà tôi có thể đem ra kể khi gặp lại nhóm anh cả.

“Vấn đề là ở chỗ không thể để người của thịtrấn biết.” - Tôi lẩm bẩm.

Đán tiếp tục trở mình. Ít lâu gã lại vùng dậy, vò đầu, định nói điều gì đó nhưng miệng chỉ há nửa chừng liền ngậm lại.

*

Mặt trời chỉ giữ lại chút ánh sáng cỏn con, vừa đủ để đốt lên một ngọn hoàng hôn ngắn ngủi. Sau đấy mặt trời sẽ đánh đu trên bầu trời ít lâu rồi mới hoàn trả thị trấn cho bóng đêm để bắt đầu một chuyến đi dài. Đám trẻ con kết thúc trò chơi rượt bắt, những người lớn thì cũng đã trở về nhà. Muộn rồi và họ cần chuẩn bị cho một bữa tối.

“Ông ấy gọi tao!” - Đán vùng khỏi chăn và gào tướng lên.

“Mày dậy rồi à, hơn sáu giờ rồi, chuẩn bị đi ăn thôi.” - Tôi nói.

“Ông ấy đang ở quanh đây, chắc chắn là thế.”

Tôi gãi gãi đầu, định bụng nhiếc mắng gã vì thái độ kì quặc từ sáng tới giờ nhưng khi nhìn gã tôi đã phải hạ giọng. Cái khuôn mặt vuông vức đó nhăn nhúm lại, cặp môi khô rang và nứt nẻ như thiếu nước, có lẽ do tư thế nằm hoặc vì chưa được chải chuốt nên mái tóc rủ xuống, che khuất một phần khuôn mặt. Cái quầng thâm trên mặt gã dường như lại loang rộng ra, phủ tới sống mũi, đôi mắt mở rất to, hệt như muốn trồi hẳn ra ngoài. Tia mắt đó tôi đã nhìn qua, từ rất lâu. Ngày hôm đó tôi tìm thấy gã trong một công trường đã ngừng thi công. Cũng như bây giờ, gã co ro vào một góc, cặp mắt mở lồi ra, chỉ khác là khi ấy trên người gã chi chít lỗ thủng. Các vết thương không sâu tới mức chạm vào ngũ quan nhưng mỗi cử động mạnh của gã đều khiến máu trào ra. Phải rất khó khăn tôi mới tới gần được Đán vì hễ thấy tiếng động, gã lại chạy đi. Gã chui trong một hốc nhỏ trong công trường. Gã co quắp như con mèo rét. “Ông ấy cắm rất nhiều… ống sắt vào người tao. Tao đau lắm.” - Gã lặp đi lặp lại câu nói đó trong hàng giờ. Kể cả khi cuống họng bắt đầu khô rát, câu nói không liền thành một từ ngữ mà vỡ thành các chữ cái thì gã vẫn không dừng lại. Tôi thấy máu trào ra khi gã ho.

Nhiều lần Đán có ý định lóc các vết sẹo trên cơ thể bằng một con dao thật bén. Phần bẹn cũng có sẹo, và gã cũng từng nói với tôi rằng sẽ chẳng ngại gì nếu lưỡi dao có kết liễu sự cộng sinh giữa gã và tên đầy tớ đó. Nhưng gã đã không làm vậy.

Đán đứng dậy, vừa đi gã vừa lẩm bẩm: “Ông ấy gọi tao…”.

“Mày sao vậy, ông ta đã chết từ lâu rồi.”

“Ông ấy gọi tao…” - Đán gào lên - “Ông ấy gọi tao…”.

“Cứ ngủ một giấc đi, rồi ngày mai tao và mày sẽ đi khỏi đây.”

Đán đứng ở giữa nhà, im lặng thật lâu.

Tôi không mang theo thuốc ngủnên có lẽ sẽ phải trông chừng gã suốt đêm.

“Mày nghỉ ngơi đi, tao đi mua cơm.” - Tôi mặc quần dài vào rồi cầm ví theo. Để an tâm tôi đã khóa cửa lại.

*

Cửa đã bị phá và Đán đi đâu mất. Tôi hỏi mấy người phòng bên thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ông chủ nhà không biết việc này vì lúc đó đang ở ngoài đường. Ông ấy không trách tôi về việc cửa hỏng nhưng đã khuyên tôi trở về phòng vì trời cũng sắp tối.

Đồ đạc của Đán vẫn trong phòng, xe của gãđang dưới nhàxe. Tôi cóhỏi mấy người ngoài đường thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Gã không có ngoài cánh đồng, cũng không có ở các khu đất trống cách khu nhà hơn chục cây. Tôi chỉ biết rằng gã đã bỏ đi, manh mối là cánh cửa bị đạp văng ra.

Người ở thị trấn không có bất cứ hoạt động nào khi trời tối. Mọi cửa nẻo đều đóng chặt. Tôi không rõ lịch hoạt động của thị trấn trước giờ vẫn vậy, hay vì lý do gì khác mà họ kiêng kỵ việc ra đường buổi tối. Nhưng dù là như vậy họ cũng không nên cấm đoán khi tôi chỉ là khách thuê phòng. Nếu vì lý do an ninh thì tôi chưa thấy ai nói về việc có thảo khấu lục lâm, nói là có chó sói cũng không phải, vì thị trấn không nằm trong rừng.

Mới tám giờ mà trời đã tối mịt. Mây đen ở thị trấn này nhiều hơn những nơi khác. Có vẻ như để tạo được sự dày đặc tới mức ngay cả một vệt sáng nhỏ nhoi nhất của ánh trăng cũng không lọt nổi qua thì đã phải có hàng tầng lớp mây chồng lên nhau. Những khối mây đen bện vào nhau và tạo thành một cái kén khổng lồ để có thể chứa trọn cả thị trấn.

Tôi muốn qua phòng bên cạnh để mời vài người chơi mấy ván bài để giết thời gian nhưng các phòng đều đóng cửa. Mặc cho tôi có gõ cửa mạnh tới đâu họ vẫn không ra mở cửa. Đèn trong các căn phòng đều tắt nên tôi nghĩ họ đã đi ngủ cả, chỉ kì lạ là tại sao phòng nào cũng hạ đèn sớm như thế.

Tôi phải chốt cánh cửa từ bên trong để nó đỡ bung ra. Ông chủ nhà muốn thay cửa cho tôi nhưng tôi từ chối và hẹn lại vào sáng mai. Tôi sẽ nán lại thị trấn thêm vài hôm để có thể tìm ra Đán.

Một âm thanh lạ khuấy đảo sự yên tĩnh của căn phòng. Tôi mở cửa sổ để có thể nghe thật kỹ thứ âm thanh này. Tiếng chuông, rõ ràng là nó. Ngày hôm qua tôi cũng nghe thấy tiếng chuông, khi ấy tôi muốn gọi Đán dậy nhưng gã đã ra khỏi phòng. Quả chuông có vẻ không lớn lắm, hoặc cũng có thể nó được đánh ở rất xa nên tôi chỉ nghe văng vẳng. Nhưng nếu là như vậy, tại sao có lúc tôi nghe thấy có hàng chục quả chuông cùng đánh lên. Ít phút trước tiếng chuông vang rất gần, tôi nghe như nó đang vọng dưới đường. Những tiếng chuông cũng có sự khác nhau, không hoàn toàn là từ một loại chuông đánh lên. Có tiếng với âm vực lớn như đánh từ chuông nhà thờ, có lúc thì lanh canh như chuông gió, thậm chítôi còn nghe thấy một tiếng vang inh ỏi và rè rè của loại chuông điện tử.

Ngoài trời rất tối, chiếc đèn pin trong tay tôi cũng chỉ soi được một đoạn ngắn. Gió thổi khá mạnh so với hai đêm trước. Tiếng chuông không hề bị át đi bởi tiếng gió, nó vẫn vang đều đều nhưng không theo một trật tự tiết tấu nào.

Tôi đóng cửa sổlại vàtrởvềgiường.

Tiếng chuông vẫn văng vẳng trong đầu. Những suy nghĩ mơ hồ đã vẽ ra một hình ảnh để nhập vào tiếng chuông. Thứ âm thanh truyền ra từ những quả chuông cao vút nhưng trầm đục và nỉ non như tiếng ru của bà mẹ mất con.

*

Cú vấp khiến tôi ngã bổ xuống đất. Có lẽ tôi đã vấp phải một cành cây hoặc một viên đá trồi lên dưới đường đi. Chiếc đèn pin, cũng làngọn hải đăng soi đường duy nhất của tôi đã tuột khỏi tay vàlăn lóc đâu đó. Bóng tối vẫn nắm đại quyền nên tôi chỉ có thể đứng loay hoay một chỗ. Lúc ngã tôi có nghe thấy một tiếng xoảng, có lẽ chiếc đèn pin đã văng vào chỗ nào đó và đã hỏng.

“Có ai không!”

Tôi hô lớn nhưng không thấy lời đáp lại. Thực ra dù cổ họng tôi có đủ lớn để hô nhiều lần như vậy thì có lẽ sẽ chẳng ai nghe thấy. Tiếng chuông vẫn còn vang lên và nó đã nghiền nát tiếng nói của tôi. Sẽ không có một ô cửa nào sáng đèn, cũng chẳng có một ánh trăng nào hé ra để tôi có thể nhìn thấy chút nào đó con đường trở về nhà trọ. Cú ngã ban nãy không làm tôi chảy máu nhưng đã khiến tôi tỉnh táo hơn. Với những gì còn lại trong trí nhớ thì có lẽ tôi đã ở ngoài đường một lúc lâu. Tôi không rõ tại sao mình lại ở đây, để rồi vấp ngã, đánh mất đèn pin nhưng tôi biết mình đã mở khóa. Tôi không có nhiều sức mạnh như Đán nhưng tôi lại có chút thủ thuật về mở khóa. Đừng nói là ba ổ khóa, ngay cả khi ông chủ nhà có lắp loại khóa chống trộm hoặc cửa mật mã thì cũng không làm khó được tôi. Chỉ có điều tôi không biết phải trở về thế nào. Cứ lang thang mãi trong đêm tối thế này thì chẳng hay ho gì.

Tôi thận trọng từng bước đi để không bị ngã. Trước tiên tôi phải sờ được vào tường của một ngôi nhà, rồi tôi sẽ men theo bức tường tìm tới cửa chính. Tôi sẽ ngồi trước cửa cho tới trời sáng. Nếu ngôi nhà đó có nuôi chó thì thật tốt vì hẳn nó sẽ phát hiện ra tôi và sủa vang cả thị trấn. Chỉ mong lúc đó tiếng chuông tạm dừng lại đôi phút để tiếng sủa có thể đánh thức chủ nhà.

Tôi vướng vào một vật lớn, chắn dưới chân tôi. Bàn tay tôi sờ thấy bề mặt thô ráp của một phiến đá. Đi thêm một quãng tôi lại vấp phải một phiến đá khác, lần này suýt nữa tôi vấp té. Cứ như vậy, tôi dọ dẫm một lúc lâu trong bóng tối. Những tiếng chuông nhỏ tạm ngừng lại, tôi định nhân dịp hét lên một tiếng lớn để có thể đánh thức một hộ dân nào đó, kể cả sau đó có bị nhiếc mắng, miễn là họ cho tôi một ánh đèn để có thể về được khu nhà trọ. Miệng tôi há ra và cứ há như vậy. Một tiếng chuông khác đã thế chỗ cho những tiếng chuông nhỏ. Lần này là tiếng chuông mà họ vẫn thường đánh vào sáng sớm. Tiếng chuông này khác hẳn với những tiếng chuông mà tôi đã từng nghe. Không hề có sự mênh mang, cũng chẳng có chút cảm giác nhẹ nhõm, thư thái khi lắng nghe tiếng chuông này. Thứ âm thanh này trùm xuống cả thị trấn và khiến bóng tối thêm dày đặc. Bước chân của tôi cũng vì vậy mà loạn cả lên, tôi chỉ biết mình đang đi chứ không biết mình đi thẳng, đi chéo hay đi vòng tròn.

Tiếng chuông chỉ vang lên một lần rồi mất hút vào bóng tối. Tôi vẫn đi trong đêm, đôi bàn tay huơ ra hai bên. Nếu trong tay tôi có thêm một cây gậy thì sẽ rất giống một hành khất mù.

Sự yên lặng chỉ kéo dài vài giây rồi tiếp tục bị xáo động bởi những tiếng chuông khác nhau. Tôi càng đi lâu trong thị trấn thì mật độ tiếng chuông càng dày. Khả năng xác định phương hướng của tôi đã hỏng và cặp chân của tôi đang bị tiếng chuông dẫn dụ. Trong lúc đang bước sang bên trái, một tiếng chuông khác đã vang lên. Chân tôi bước chệch sang một bên và đi theo tiếng chuông đó. Được một quãng thì tôi lại đi giật lùi vì đằng sau vừa có một tiếng chuông khác.

*

Tôi vướng phải một phiến đá. Thêm vài bước chân tôi lại chạm phải một phiến đá, rồi một phiến đá. Tôi ngã bổ chửng.

Tay tôi chạm thấy một vật hình chữ nhật. Tôi nhặt vật đó lên và thở phào một cái khi ngửi thấy mùi diêm sinh. Rất nhanh nhẹn, tôi mở bao diêm ra rồi rút ra một que. Tôi đánh lửa. Ánh lửa cháy rực trên thanh gỗ. Lửa chỉ chiếu sáng được một khoảng nhỏ nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc vì cuối cùng đã vớ được một tấm ván.

Cái phiến đá làm tôi vấp ngã đã lộ nguyên hình. Nó hoàn toàn không phải phiến đá hay cột mốc gì, mà là một bia mộ. Tấm ảnh đặt nơi ngôi mộ là của một ông già, gương mặt lão rêu đã phủ xanh, các đường nứt trên bia đákhiến gương mặt đókhông còn toàn vẹn. Huơ cây diêm ra xung quanh, tôi thấy các bia mộ khác. Ở nơi tôi đứng có tới bốn bia mộ và chúng nằm ở bốn hướng khác nhau. Bốn tấm bia đổ nát bo chặt tôi ở giữa, tôi thấy mình như bị mai phục và rơi vào một tình thế hiểm hóc mà không cách nào phá vây được.

Bốn gương mặt. Một đã rêu phong, một thì biến dạng bởi các đường nứt vỡ, một thì hai cặp mắt trợn trừng như của người còn sống, một thì ám đầy bụi bặm, chỉ lộ ra cái miệng móm mém đang mỉm cười.

Cây diêm tắt phụt đi, tôi chạy điên loạn trong bóng tối, tiếp tục va quệt vào hàng chục bia mộ. Tiếng chuông vẫn va lanh canh, có tới chục quả chuông cùng đánh lên.

Thêm một bước chân hụt, tôi lảo đảo và ngã đập lưng vào một tấm bia. Tôi nghe thấy một tiếng thì thầm, dường như nó vang ra từ tấm bia mà tôi đang tựa lưng vào. Đó là tiếng nói. Không thể sai được, dù nó không thật rõ ràng nhưng đó đúng là tiếng của con người.

Tôi rút que diêm thứ hai và đánh lửa. Ánh lửa phụt lên, đốm lửa đã phá vỡ một phần nhỏ của bóng tối và giúp tôi tiếp cận được với cái tiếng nói đó.

Vẫn là một tấm bia, giống như hầu hết mọi tấm bia ở đây. Khi ánh lửa soi vào vị trí tiếng nói đã phát ra tôi thấy một khuôn mặt. Không phải là một tấm bưu ảnh với hàng chữ đề tên họ, năm mất mà đó là khuôn mặt của một người còn sống. Nólồi ra khỏi bia đávàkhông ngừng nhúc nhích. Cái khuôn mặt này đã bị nhấn chìm vào một màu đen sâu thẳm, hai con mắt đã khuyết một, cái mồm vẫn lẩm bẩm.

- Đ… i.

Lửa cháy đến tận cùng que diêm vàđốt bỏng ngón tay tôi. Ánh sáng nhòa khỏi cặp mắt tôi, những tiếng chuông rung ngày một mạnh, tuồng như ở mỗi bia mộđều gắn một quảchuông. Chúng cùng đánh lên, ngạo nghễ như tiếng hú đầy thỏa mãn của bầy dã thú khi nhìn thấy con mồi sập bẫy. Cái hình ảnh quen thuộc gắn với khuôn mặt trồi ra từtấm bia trong tôi đang bịnhững tiếng chuông bằm nát. Chỉ còn lại một cái miệng đang mấp máy…

Mỗi bước lùi của tôi đều chạm vào một tấm bia. Hẳn rằng, chúng đang chụm quanh tôi, rào kín lại đểxây thành một nhà mồ.

Cái hình ảnh trong tôi đã mất, miệng tôi ngoác ra và hét một tiếng cuối cùng. Dường như có một tiếng hét khác đáp lại tôi. Cũng ngay sau đó, có hàng loạt tiếng động vang lên. Tôi nghe ra tiếng của các tấm bia di chuyển. Một tấm bia đã đẩy tôi ra khỏi vòng vây. Tôi bị hất văng ra vài mét. Bóng tối vẫn nhốt tôi trong cũi nhưng ý nghĩ về một ngọn lửa đã cứu tôi khỏi nỗi kinh hoàng. Bao diêm chắc hẳn còn đâu đó. Tôi dí mũi xuống đất và hít sâu. Tôi cứ bò dưới đất, hít những hơi dài cho tới khi ngửi thấy mùi diêm sinh.

Tiếng chuông vẫn vọng thăm thẳm.

Que diêm cuối cùng được đánh lên. Tôi dí que diêm đang cháy vào tay áo. Thật lạ, lửa lan ra, cháy bùng bùng như ngọn đuốc. Da thịt tôi dính vào lửa tê rát, tôi vội vàng cởi chiếc áo ra, ném ra sau, ngọn lửa vẫn cháy, thắp sáng một khoảng nhỏ. Trong đầu tôi vang lên giọng nói: “Đi, mày phải sống.” Tôi nháo nhác nhìn quanh, nhưng không nhìn thấy tấm bia với cái đầu thằng Đán ngoi ra nữa. Những tấm bia khác đã xếp thành một bức tường dài để cầm tù kẻ phản loạn.

Từ mọi phía, hàng chục tấm bia tiếp tục di chuyển. Những cái ngách ngoằn ngoèo đã thành hình.

Ngọn lửa bốc ngày một cao, ăn sạch lớp cỏ dưới đất, cháy ngày một lớn. Bóng tối rách ra, những tiếng chuông cũng bắt đầu hỗn loạn. Các tấm bia xê dịch nháo nhào. Nghiêng trái, nghiêng phải, đổ nhào. Ngọn đuốc bốc cao lên, phóng thành một đường lửa dài trước khi tan biến.

Tôi cứ thế chạy, chạy điên cuồng trong đêm, chạy khỏi tiếng chuông hỗn loạn cho đến lúc mệt lử, nằm lịm ở đường. Tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở viện xá của thị trấn, tôi không nói, không nhớ được gì. Lúc khỏe hơn, tôi trở về khu trọ của thị trấn nhưng đó chỉ là dãy nhà bỏ không nhiều năm. Trên căn phòng của tôi và Đán, tôi chỉ tìm thấy đồ đạc của tôi, không thấy hai người trọ phòng bên và người chủ thuê. Trong nhà bụi bặm đóng mờ tầm mắt. Buồn bã, tôi bỏ lại cái xe của hai đứa, rảo bộ xuống thị trấn để bắt xe về Hà Nội. Lúc đi tôi nhìn thấy một ông già quét lá, tiếng ông cụ làu bàu nói một mình.

“Xót xa cho những ai không thể tỉnh mộng, xóa đi ác quỷ trong lòng.” Nghe tiếng leng keng, tôi ngoảnh lại thì không thấy ai hết, nhìn từ xa, chỉ thấy khu nhà hoang phế, cấu trúc không khác gì khu nghĩa trang tôi từng cố tình xâm nhập.

Tôi chắp tay, vái ba vái rồi rời khỏi thị trấn, mãi mãi.

T.S
(TCSH409/03-2023)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hương cổ tích (24/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)
Trà (10/02/2023)
Lão Kình (02/02/2023)
Đồng đội (14/01/2023)