Truyện ngắn
Em gái tôi
15:08 | 05/05/2023

QUÁCH THÁI DI

Hai tháng nghỉ phép cộng với số tiền thưởng khá lớn, tôi lên đường đi du lịch. Tôi dự định sẽ dừng chân ở Helsinki để thăm đứa em gái rồi sẽ đi tiếp.

Em gái tôi
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Lúc này chắc Hà My đang đợi mình ở sân bay. Máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi vừa kéo áo khoác vừa nghĩ thầm trong bụng.

Đi du lịch vào mùa mà Helsinki có tuyết rơi thì thật thích. Đây là lần thứ hai tôi đến lại nơi này. Tỳ tay lên khung cửa sổ máy bay, tôi ngắm nhìn những bảo tàng cổ kính, những công trình kiến trúc đồ sộ với những dãy phố chạy dài có tuyết đậu trên từng mái ngói và những chiếc xe hơi nối đuôi nhau lướt đi trên mặt đường nhựa.

Hà My là cô em gái cùng cha khác mẹ với tôi. Chúng tôi đã không gặp nhau năm năm rồi. Lần gặp sau cùng là khi tôi du học trở về, Hà My cũng bắt đầu sang Helsinki học. Em còn có ý định sẽ lập nghiệp và kết hôn ở Helsinki bất chấp sự phản đối của mẹ kế tôi vì bà chỉ có một mình Hà My là đứa con duy nhất. Tôi hiểu tấm lòng của bà, có người mẹ nào muốn xa con cái của mình đâu. Chuyến đi lần này mẹ kế lại nhờ tôi khuyên nhủ Hà My thêm một lần nữa. Vốn là đứa con gái ương ngạnh, Hà My chẳng bao giờ chịu nghe lời ai.

“Mọi chuyện không đơn giản như em nghĩ đâu.” Tôi nói khi nghe Hà My vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho tương lai của chính em. Hà My học diễn xuất, sau khi ra trường sẽ đầu quân cho một hãng phim nổi tiếng, sẽ kết hôn với một chàngtrai giàu có và thừa hưởng số tài sản từ phía gia đình chồng. Tôi hết lời khuyên lơn nhưng em gái chứng nào tật nấy. Tôi nhận ra Hà My cũng giống như bao cô gái nông nổi khác, lúc nào cũng mơ tưởng đến cuộc sống vinh hoa phú quý.

“Nhưng đó là sự lựa chọn của em.” Em gái tôi đáp.

“Bên cạnh những điều sáng sủa, lộng lẫy ấy là gì, em biết không? Rồi em sẽ phải hối hận về quyết định của mình hôm nay.”

Hà My chớp mắt nhìn tôi chằm chằm rồi nhún vai. “Em không hối hận, con đường em lựa chọn dù đúng hay sai, em cũng đều sẽ chấp nhận.”

Thuyết phục mãi không được, tôi cùng ba đành tiễn Hà My ở sân bay. Đó là một ngày tháng tám, cách đây năm năm. Mẹ kế không đến vì sợ phải nhìn thấy cảnh tượng chia ly đau lòng. Chúng tôi đứng giữa đường băng, trò chuyện một lát trong khi đợi thời gian xuất phát. Trên đầu chúng tôi từng cụm mây trắng như tuyết nhờ gió thổi mà bay mãi, bay mãi đến phương trời xa. Giờ phút tiễn đưa, tôi không thấy nét buồn bã trên gương mặt em gái.

“Em đi nhé, tạm biệt anh trai.” Hà My nói.

Tự dưng nghe em nói thế, lòng tôi bỗng se lại. Nếu lỡ em gái không quay về nữa thì sao? Một điều bất an tựa như cơn giông khẽ sượt qua tim tôi.

Hà My quay sang ba tôi, nhẹ giọng. “Ba ở lại giữ gìn sức khỏe nhé.”

Ba tôi chỉ lặng lẽ gật đầu, ông muốn nói điều gì đấy nhưng lại thôi. Không hiểu sao tới tận lúc này tôi mới để ý thấy vai ông lệch hẳn đi, tóc ông lấm tấm những sợi bạc. Bất giác tôi buông một tiếng thở nhẹ, lòng nao nao, bâng khuâng.

Máy bay cất cánh rồi, người cũng đã về, sân bay thưa thớt, ba tôi cứ mãi ngước nhìn theo chiếc máy bay chở em gái tôi càng lúc càng xa cho đến khi chỉ còn lại một chấm mờ mờ rồi mất hút trong ngàn lớp bông mây trắng muốt.

Một năm rồi hai năm trôi qua, Hà My vẫn gửi thư đều đặn về cho gia đình. Trong mỗi bức thư, em luôn nói rằng chuyến đi đến Helsinki quả thực không uổng phí và hiện tại em đang sống rất tốt. Hà My kể rằng em ở trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, ngôi nhà của Jacky - người mà em nói sau này sẽ lấy làm chồng. Em hào hứng khoe căn phòng của mình trông ra là đại lộ Esplanadin Puisto được bao phủ bởi tuyết trắng toát vào mùa đông. Những lá thư tiếp theo Hà My kể về anh chàng Jacky, bạn bè cùng lớp và những buổi học thật thú vị. Nhưng tuyệt nhiên em không nhắc đến chuyện trở về. Nhiều lần tôi cố gặng hỏi, em đều lảng tránh rồi tiếp tục kể những buổi biểu diễn trên sân khấu.

Những lúc như vậy tôi lại nhớ đến đôi mắt long lanh của em gái và những mơ ước mà đến bây giờ tôi không biết có phải là viển vông hay không nữa. Tôi không đoán được tâm tư của Hà My. Em thực sự có vui với quyết định của mình hay em đang cố gồng mình để che đậy một cuộc sống bơ vơ nơi xứ người. Có thể em sẽ buồn, sẽ nhớ gia đình biết bao nhiêu nhưng lại không dám thú nhận điều đó và không muốn oán trách con đường mà em đang bước đi trên vì đã trót hứa với tôi rằng em-sẽ-không-bao-giờ-ân-hận. Phải chăng em cố làm ra vẻ sung sướng khi sống cùng gia đình Jacky? Trong thâm tâm tôi cảm thấy ganh tỵ với em gái. Vì em dám phấn đấu vì mục tiêu đời mình, còn tôi, sau khi du học trở về, tôi để lý tưởng của chính mình hao mòn đi trong cuộc sống vốn dĩ tẻ nhạt và tầm thường, chọn một công việc không liên quan đến chuyên môn.

Hai chiếc cánh của máy bay quay những vòng cuối cùng rồi dừng hẳn. Tôi xách ba lô lên, bước xuống đưa mắt tìm Hà My. Nhưng tôi không thấy em đâu cả. Những hạt tuyết nhỏ xíu cứ bay lơ lửng trước mặt. Tuyết rơi không nhiều nên chuyến bay vẫn an toàn. "Có lẽ Hà My đến trễ", tôi nghĩ thầm rồi thong thả tiến về phía nơi có ánh đèn chớp chớp để làm thủ tục nhập cảnh.

Ra khỏi đám đông, tôi trông thấy Hà My đang đứng một góc ở cửa sân bay. Em quàng khăn đến tận cằm, tay đút trong túi áo khoác dày cộm. Tôi đưa tay lên vẫy, em vội vàng chạy tới. Hai bàn chân nhỏ nhắn giấu trong đôi bốt màu xám lông chuột. Em mở cặp mắt tròn xoe, nhìn tôi từ đầu tới cuối. Đây là thói quen rất đặc biệt của em. Sau đó, em ôm lấy tôi thật chặt, thật lâu. Tôi ngầm hiểu cái ôm đó biểu lộ sự cô đơn chất chứa trong lòng Hà My suốt bao nhiêu năm qua do sống một mình nơi đất khách. Ý nghĩ ấy làm tôi xúc động. Khẽ khịt mũi một cái, tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cùng Hà My bước ra cửa sân bay. Ngoài phố, những chiếc taxi thấm tuyết đang chờ sẵn. Chúng tôi vẫy một chiếc và leo lên ngồi. Xe chạy trên con đường đẫm màu hoàng hôn, một loạt đèn đường kéo dài tít tắp, tỏa ra thứ ánh sáng mờ ảo trong màn tuyết lất phất.

Hà My ngồi ghế trước, cạnh người tài xế trẻ măng, liên tục lên tiếng chỉ đường. Chạy được một quãng ngắn, em bảo dừng lại để mình ghé siêu thị mua ít bánh mì và phô mai. Tôi ngồi ở băng ghế sau, ôm ba lô vào lòng. Bộ quần áo luộm thuộm này trông tôi giống như anh chàng khờ khạo vừa mới ra tỉnh dù tôi cũng không ít lần ra nước ngoài. Tôi dỏng tai nghe em nói chuyện, không ngờ em gái tôi lại nói tiếng Phần Lan trôi chảy đến thế.

Trước đây tôi từng học ở Luân Đôn, thường xuyên giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ quen thuộc nhưng cách phát âm đôi chỗ còn sai. Rõ ràng là khoảng thời gian sống cùng gia đình Jacky đã ảnh hưởng ít nhiều đến ngôn ngữ cùng cách ứng xử của Hà My.

“Về nhà em sao?” Tôi hỏi.

Hà My lắc đầu, bảo: “Không, em đã thuê khách sạn cho anh rồi. Cũng gần chỗ em ở.”

Nói rồi Hà My lấy ra một điếu thuốc, châm lửa. Tôi còn đang sửng sốt thì em gái đưa điếu thuốc lên miệng, thở mạnh một hơi, từng vòng khói bay lên chẳng mấy chốc loang ra khắp khoang xe. Em gái tôi sao xa lạ thế này, không giống với hình ảnh trong ký ức tôi năm năm trước. Tuổi em còn rất nhỏ vậy mà ngay giờ phút này tôi thấy em mình già đi rất nhiều. Tôi chợt hiểu nguyên nhân em thay đổi. Tôi cũng hiểu tại sao em chọn sống ở một nơi vốn không phải quê hương mình và tại sao em tôi lại hút thuốc một cách thành thục như thế. Tất cả em muốn cho tôi thấy rằng em rất hài lòng với cuộc sống mà em chọn và mọi việc đều rất ổn.

Trong trí nhớ của tôi tái hiện lại cảnh tượng hôm chia tay Hà My ở sân bay cùng ánh mắt kiên quyết của em như muốn nói với tôi rằng: không-gì-có-thể-ngăn-cản-bước-chân-của-em-được-đâu.

Ô tô dừng trước cửa khách sạn Finn. Chữ ‘Hotel’ được thiết kế bằng đèn led sáng rực. Sau khi nói điều gì đó với chủ khách sạn, em gái dẫn tôi lên tầng ba, phòng hai lẻ năm. Trong phòng có một giường, một tủ và bình nước lọc. Vật dụng tuy không nhiều nhưng sạch sẽ, tươm tất.

Hà My kéo rèm cửa, dưới lòng đường một vài chiếc xe đang chạy. Đêm đông ở Helsinki vô cùng vắng lặng, dường như đóng băng cả thời gian.

“Em vẫn khỏe chứ?” Đặt ba lô xuống sàn nhà, tôi hỏi.

“Rất khỏe nữa là đằng khác.” Em nhún vai. Sau đó rút thêm một điếu nữa ra hút. Mỗi lần nhả khói, em lại ho khe khẽ làm tôi cảm thấy lo âu cho sức khỏe của em.

“Cuộc sống em thế nào, về anh chàng Jacky đó…”.

Tôi còn chưa hỏi xong, em đã cắt ngang. “Chẳng phải em viết trong thư rất rõ rồi sao?” Hà My ngồi trên giường đong đưa hai chân, hỏi tôi về ba mẹ, về công việc làm ăn của tôi.

“Em học diễn xuất thật á?”

“Đúng vậy, em sắp được biểu diễn ở nhà hát Opera rồi anh à!”

Tôi cảm thấy khó chịu vì trong mỗi một câu nói Hà My lại chen thêm vài từ của tiếng Phần Lan.

Trước khi về, Hà My đưa tôi bánh mì và phô mai cho bữa tối nay vì sợ tôi ăn đồ ăn ở đây không quen. Tôi tiễn em đến cửa định tiễn thêm một đoạn nữa nhưng em khoát tay, bảo không cần. Em chúc tôi buổi tối ấm áp rồi nói sáng mai sẽ gọi điện cho tôi. Tôi nhìn theo bóng em biến mất vào thang máy, khép cửa phòng lại. Nhìn xung quanh căn phòng, tôi thở dài, giờ thì chẳng biết làm gì cho qua hết đêm nay.

Sáng sớm hôm sau, trong khi tôi còn ngái ngủ thì chuông điện thoại bỗng reo vang. Hà My nói định sáng nay ghé qua chỗ tôi nhưng có chút việc bận đành gặp sau.

“Thế gặp ở đâu, bao giờ hay anh qua nhà em nhé?”

“Đừng.” Em vội vàng trả lời. “Em vẫn chưa nói gì với Jacky và gia đình anh ấy hết…”. Suy nghĩ một lát, em nói. “Bảy giờ tại Linnanmaki.”

Ăn sáng xong, tôi đi dạo phố xá. Mùa đông cài tuyết lên toàn bộ thành phố. Trên đầu treo lơ lửng từng cụm mây trắng. Buổi sáng không có nắng. Băng tuyết còn chưa tan giá, mang cái lạnh rớt rơi trên hè phố. Những chú bồ câu bay xuống lòng đường từ trên các nóc nhà, mổ những vụn bánh mỳ do người đi đường ném vương vãi. Mặt nước nổi sóng gợn. Chiếc thuyền nhỏ dập dềnh theo sóng nước lăn tăn. Bầu không khí lạnh vắng. So với năm năm trước, tôi không thấy Helsinki thay đổi gì mấy. Kể cả quán cà phê Regatta tôi từng đến một lần. Những chiếc bàn vẫn đặt ở vị trí cũ. Những vị khách trẻ tuổi chống cằm lơ đãng quan sát người qua lại trên phố. Những anh chàng thanh niên da đen đang chơi bài. Những bạn sinh viên đến từ các nước châu Á chụm đầu vào nhau xem nội dung gì đấy trên chiếc máy tính bảng.

Phía bên tay phải tôi đang đứng là hiệu giày. Đã từng có một thời gian tôi sống ở nước ngoài, học xong làm việc được hai tháng thì bỏ về vội vàng, như một cuộc trốn chạy. Tôi không biết vì sao mình lại làm thế, tôi chỉ biết tôi không đủ nghị lực để sống một khoảng thời gian dài năm năm như Hà My. Cho nên tôi luôn cảm thấy ganh tỵ với cô em của mình.

Uống hết cốc Espresso, tôi bước ra khỏi quán cà phê đi thẳng về phía Viện bảo tàng lịch sử. Tôi đứng bên ngoài ngó vào và trông thấy những bộ trang phục, đồ bạc, vũ khí và các giải thưởng công cụ lao động cổ được trưng bày khắp nơi. Mùa này ít có khách tới tham quan, chỉ có vài người phục vụ đang ngồi tán gẫu. Tia sáng mặt trời mong manh lọt vào gian phòng qua tấm kính trắng. Tôi lại cất bước, đi mãi cho đến khi tuyết tan chảy dưới ánh mặt trời. Dừng chân trước cửa hàng mĩ nghệ, không kìm được tôi bước vào. Tôi đi loanh quanh cửa hàng để xem chứ không mua gì cả. Một bức tượng tinh xảo níu bước chân tôi. Lúc trước đã bao lần tôi mơ ước tự tay mình khắc ra một pho tượng tuyệt diệu và mê hồn như tượng của Chúa Giêsu trong cửa hàng này. Nhưng khi quay về Việt Nam, tôi bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời, ngày hai buổi đến cơ quan và cảm thấy ước mơ thời trẻ của mình bắt đầu nguội dần đi. Nhưng bù lại công việc của tôi kiếm ra rất nhiều tiền, muốn mua sắm gì cũng được. Tự đáy lòng tôi cảm thấy xấu hổ khi có một con người khác bên trong tôi lên tiếng nói với tôi rằng đừng bao giờ từ bỏ những gì mình khao khát. Đã mấy lần tôi tuân theo nhưng rồi lại có một bàn tay kéo tôi quay trở về cuộc sống thực tại, một cuộc sống ngày hai buổi đi làm tới cuối tháng lãnh lương, quá ư dễ dàng nhưng không khiến tôi vui.

Trời buông một sợi nắng mềm, tôi ra khỏi cửa hàng mĩ nghệ, thơ thẩn bước dọc bờ sông. Tôi nghĩ đến những lời em gái nói lúc sáng tinh mơ. Hình như em không muốn tôi tới chỗ em ở. Em nói mình sống cùng gia đình Jacky hay chỉ sống riêng cùng anh ta? Em gái đã hơn hai mươi, lứa tuổi để yêu đương cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nhưng vì Hà My là em gái tôi nên tôi buộc phải có trách nhiệm. Tôi bỗng thấy khó chịu khi nghĩ đến chuyện em ở cùng Jacky cũng như cảm giác khó chịu khi tôi nhìn thấy em hút thuốc.

Tôi đón taxi tới nhà Jacky. Trong thư Hà My có khoe căn phòng của mình trông ra là đại lộ Esplanadin Puisto. Tôi vẫn còn nhớ địa chỉ nên chẳng mấy chốc đã tìm ra. Đó là một khu chung cư cao tầng. Tôi bước lên từng bậc thang, vừa đi vừa nghĩ không biết Hà My ở tầng mấy. Bỗng có một người đàn ông lớn tuổi đang đi xuống, tôi hỏi và nói ra tên em gái. Người đàn ông nói có một cô gái Việt sống tầng bảy, phòng cuối cùng nhưng hiện tại đã ra ngoài rồi. Tôi gật đầu cảm ơn, bước tiếp.

Tôi dừng lại trước cánh cửa gỗ sạm màu. Có tiếng trẻ con khóc phát ra đâu đó. Tôi đi qua đi lại, nghĩ xem có nên gọi điện cho Hà My không thì có người tiến lại gần, hỏi tôi cần gì. Tôi nói rõ ý định của mình, người phụ nữ đó mang cho tôi chìa khóa phòng Hà My. Cánh cửa vừa mở lớp bụi từ bên trong xộc ra. Căn phòng rất tối và lạnh. Thiếu thốn đủ thứ. Tấm kính cửa sổ bị vỡ, Hà My dán lên đó những hình thù ngộ nghĩnh mà thời thơ ấu chúng tôi hay lấy giấy cắt chơi. Nhìn những hình vẽ ấy, tôi chợt ngậm ngùi.

Tôi ngồi xuống chiếc giường kêu cót két, nhìn khắp gian phòng một lần nữa rồi lẩm nhẩm. Hóa ra em gái sống như vầy. Tôi chuyển ánh mắt hướng về phía tủ đựng quần áo của Hà My. Chỉ mới đặt tay hờ lên nắm cửa thì cánh cửa tự động mở ra. Bên trong toàn bộ là những bộ quần áo cũ mà em mang theo cách đây năm năm, không có lấy một chiếc váy mới. Trên cánh cửa tủ có dán hai tấm hình, một là tấm em gái tôi chụp một mình, hai làảnh gia đình có ba, mẹ kế, em gái và tôi. Hà My trong bức ảnh gia đình cười với nụ cười rạng ngời biết bao. Giấc mộng của Hà My, đến bao giờ mới thành hiện thực?

Tôi bước ra ngoài, khép nhẹ cửa phòng lại. Người phụ nữ lúc nãy đưa tôi chìa khóa vẫn đang đứng ở hành lang, theo dõi từng hành động của tôi như một viên cảnh sát.

Bảy giờ, tôi đợi Hà My tại quán rượu ngoài trời cạnh công viên Linnanmaki. Trong quán đủ mọi tầng lớp, người da đen có, người da trắng cũng có. Những cô gái, những chàng trai cắt những mái đầu kỳ dị đang rôm rả tán chuyện bằng đủ thứ tiếng khác nhau. Năm năm trước tôi từng khinh bỉ những loại người này, tôi còn cho rằng họ là cặn bã của xã hội. Dĩ nhiên trong số đó cũng có những thanh niên nghiêm túc. Cũng may em gái tôi chỉ mới hút thuốc, vẫn còn lưu lại nét duyên dáng của một người con gái Việt.

Thế còn mày thì sao? Tôi nhấp môi ly rượu vodka, thầm hỏi chính mình. Vài giọt rượu nhỏ xuống chiếc áo khoác ngoài của tôi. Chợt nhớ đến mấy bộ đồ cũ trong tủ quần áo của Hà My, tôi tiếp tục phán xét bản thân. Mày vội vã trở về nước, thay vì theo đuổi ước mơ chân chính, mày lại bỏ công sức ra kiếm tiền để mua những món hàng xa xỉ?

Hà My đẩy tấm cửa kính bước vào trong quán. Cũng giống như ngày đầu tôi gặp em ở sân bay, hôm nay em vẫn quàng chiếc khăn cũ cùng áo khoác măng tô. Tôi hỏi em uống gì, em nói em thích uống glogi có vị chua ngọt dịu của chanh và cam.

“Trông em có vẻ mệt mỏi nhỉ?” Tôi nhìn những đường nét trên gương mặt em gái, hỏi han.

Hà My cố cười. “Chắc tại mấy hôm nay diễn tới khuya nên có chút mệt. Nhưng em vẫn ổn mà.”

Tối nay không bận gì nên tôi và em ngồi nói chuyện hơi lâu một chút. Tôi bây giờ mới có dịp quan sát bộ quần áo mà em đang mặc trên người. Chiếc quần jeans và áo sơ mi, bình thường như bao cô sinh viên khác. Hà My ngồi đối diện tôi, đôi chân thon dài khép lại, đôi tay tê tái, run run cầm ly nước đưa lên miệng. Tôi nghĩ bụng ngày mai phải kiếm lý do gì để mua cho em một đôi găng tay bằng len.

“Anh lang thang ngoài phố cả ngày à?” Em gái hỏi.

“Ừ.” Tôi nghĩ đã đến lúc nên nói ra mọi chuyện rồi. “Anh đã đến chỗ ở của em.”

Hà My lặng thinh, tay cầm thìa cứ khuấy mãi.

“Anh nghĩ em nên trở về đi, em đã sống ở đây năm năm rồi mà mọi chuyện có tiến triển gì đâu.”

“Sao tự dưng anh lại nhắc đến vấn đề này?”

“Không phải vô duyên vô cớ mà anh nhắc đến vì anh không muốn em gái phải sống cơ cực như vậy nữa.”

“Anh biết rồi đấy, diễn viên là mơ ước lớn nhất đời em. Em chỉ mới bắt đầu thôi, em không thể từ bỏ.”

“Anh có thể nhận ra em đang nói dối, anh chàng Jacky là ai, em nói em sống cùng gia đình cậu ta kia mà. Rốt cuộc em còn điều gì nữa giấu giếm không nói cho gia đình biết? Với lại, mảnh đất này không phải là duy nhất để em tỏa sáng. Em đừng đánh đổi quá nhiều để rồi ân hận không kịp.”

“Anh chẳng biết gì cả.” Hà My cáu bẳn, nói hơi lớn tiếng.

Tôi đưa mắt nhìn những người trong quán một lần nữa. Vẫn là những thanh thiếu niên ăn mặc quái dị, bên ngoài luôn trùm một chiếc áo khoác rộng thùng thình, đi qua đi lại, tụ tập cờ bạc. Một đám đông hỗn loạn ở phía đằng kia thì bàn về nghệ thuật sống lại buông những lời khó nghe. Ai cũng cho rằng mình là duy nhất, là trung tâm vũ trụ và càng ngày càng lún sâu vào cái cuộc sống gọi là không nhà cửa. Giữa thành phố xa lạ, không phân biệt thật giả, liệu em tôi có đứng vững được không?

“Em nhìn những con người này đi, rồi em cũng sẽ giống như họ.” Tôi nói.

Nhưng Hà My vẫn bướng bỉnh. “Dù em có vấp ngã thì đó là cuộc sống của em. Em không tham vọng những điều vĩ đại, em chỉ cần sống với đam mê của mình thôi, điều đó cũng không được à?”

“Những con người này miệng nói nhiều về nghệ thuật, vì nghệ thuật mà cống hiến nhưng cuối cùng lại chẳng đóng góp được gì cả.”

“Em hiểu rồi.” Hà My cười khẩy. “Chính vì vậy mà anh không chịu đi tiếp con đường đến với nghệ thuật chân chính của riêng anh vì anh sợ mình cống hiến rồi mà không nhận được gì.”

“Hai chuyện này không giống nhau. Thôi, anh không muốn cãi với em nữa.” Tôi đi đến quầy thu ngân thanh toán tiền rượu cho cả hai anh em.

Có lẽ em gái tôi nói đúng. Năm năm trước, lúc tôi quyết định về có một giọng nói từ bên trong tôi nói rằng: Chẳng có điều gì tốt đẹp hơn là sống đúng với lý tưởng của mình cho dù có phải trả giá rất đắt đi chăng nữa. Khi đó tôi đã bỏ ngoài tai những lời ấy và quên đi pho tượng hoàn mỹ của Chúa Giêsu trong cửa hàng mĩ nghệ. Tôi đã chôn chặt hoài bão vĩnh viễn dưới đáy lòng và kiếm thật nhiều tiền để mua những món đồ cao cấp.

Chúng tôi rời quán rượu. Bóng trăng giữa đêm đen in trên nền trời. Hà My than đói bụng. Chúng tôi vào một cửa hàng đồ nướng, món tráng miệng là bánh xếp blini, món bánh thích hợp dùng vào mùa đông. Trên đường về, chúng tôi cố tránh nói đến những vấn đề mà đối phương cảm thấy khó chịu. Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ lướt qua mặt. Hà My kể về những buổi học vô cùng lý thú dưới sự chỉ dẫn của một người nghệ sĩ già. Khác hẳn với vẻ ủ dột, mỏi mệt lúc đầu, em tôi giờ đây sôi nổi và vui vẻ biết bao nhiêu. Em kể bằng giọng sung sướng, bằng niềm say mê phấn khích không để đâu cho hết. Tôi chợt nghĩ đến căn phòng chật chội mà em ở. Rốt cuộc em gái tôi vui thật sự hay chỉ cố làm ra vẻ thôi? Hoặc cũng có thể em không muốn tôi lo lắng.

Tôi tiễn Hà My về tận chung cư rồi quay trở lại khách sạn. Vừa ngả lưng xuống giường, tôi suy nghĩ mông lung. Em tôi quả thực có tài diễn xuất? Tôi lẩm nhẩm rồi kết luận, nghệ thuật không chỉ miệt mài là có thể thành công mà còn phải có một chút năng khiếu và may mắn. Sáng ngày mai tôi sẽ đi gặp người thầy mà Hà My đã kể, tôi sẽ hỏi ông ấy xem Hà My có điểm gì đặc biệt để trở thành diễn viên. Nếu ông đánh giá về em tôi rất tốt thì có lẽ tôi phải về nước một mình, tôi sẽ lựa lời nói với mẹ kế để bà bớt đau buồn.

Sáng ngày hôm sau, tôi gọi điện đến người phụ trách nhà hát Opera vì tôi nghe Hà My nói người thầy của em từng biểu diễn ở đây.

“Cậu nói ai cơ?” Người đầu dây bên kia lộ rõ vẻ kinh ngạc.

Tôi lặp lại cái tên của vị nghệ sĩ kia một lần nữa. Người quản lý bảo tôi đợi để mình đi hỏi lại xem thật sự ông ta có từng diễn ở đây không. Trong lúc đợi, tôi lại nghi ngờ câu chuyện của Hà My. Hay em bịa ra chuyện hoang đường này để che đậy tình cảnh khốn khổ của mình hiện tại.

“À, ông ấy đúng là từng biểu diễn ở chỗ chúng tôi nhưng giờ đã nghỉ hưu rồi. Vì người quản lý nhà hát trước đây đã nghỉ làm, tôi là người mới nên không rõ chuyện lắm. Xin lỗi cậu, nếu cậu muốn gặp tôi có địa chỉ nhà của ông ấy…”.

Tôi ghi lại địa chỉ trong một mảnh giấy và tìm được nhà của ông nghệ sĩ. Ngôi nhà nằm đằng sau nhà thờ Rock Church. Trên nóc nhà thờ luôn bao trùm một làn sương mỏng. Tôi bước vào và gõ cửa. Đợi mãi mới thấy một cụ già bước ra, mặc bộ đồ đã sờn, quấn chiếc khăn cũng bạc màu. Có lẽ những thứ ấy là kỷ vật còn sót lại từ thời trẻ của ông. Mái tóc chỉ có vài sợi đen còn lại đều bạc trắng. Đôi mắt già nua híp lại nhìn tôi.

Đầu tiên tôi xin lỗi vì đã đến đường đột sau đó hỏi ông có phải là thầy của Hà My. Ông gật đầu và nói thêm Hà My là viên ngọc sáng giá nhưng trước hết cần phải mài dũa nhiều lần.

“Tôi đã về hưu rồi và tôi có khuyên con bé hãy tìm một người thầy khác nhưng con bé nhất quyết không chịu.”

Tôi đã hiểu, vì hoàn cảnh của Hà My chật vật nên em mới học từ vị nghệ sĩ luống tuổi này. Thế mà em lại chẳng nói gì cả, chỉ cần em nói một tiếng, chẳng lẽ người anh trai này không đủ tiền để cho em học trong một môi trường tốt hơn sao? Nhắc đến tiền, tôi lại tự xỉ vả bản thân. Lẽ nào có tiền thì ước mơ mới được chắp cánh sao? Em gái tôi chẳng cần vật chất xa hoa, em chỉ cần sống với niềm đam mê của mình thôi.

Ngày tôi rời khỏi Helsinki, tôi vẫn không nói chuyện tôi đã đi gặp thầy của Hà My cho em biết. Chuyện này chẳng có gì quan trọng để kể. Thay vào đó tôi nhẹ nhàng bảo: “Anh hy vọng sẽ được thấy em tỏa sáng bằng đôi chân của chính em, còn nữa phải sống thật tốt và khỏe mạnh đấy.” Hà My mau mắn gật đầu. Em cầm tay tôi, siết chặt thay cho lời hứa.

Tiếp viên thông báo máy bay sắp khởi hành, tôi tạm biệt em như năm năm trước đây em tạm biệt tôi để đi theo tiếng gọi của đam mê. Khi đã yên vị trên máy bay, tôi nghĩ sau khi du lịch trở về tôi cũng sẽ bắt tay vào làm điều mà mình ấp ủ bấy lâu.

*

Một ngày mùa đông của nhiều tháng sau, tôi nhận được thư của Hà My kèm theo hai bức ảnh ở bên trong phong bì. Bức ảnh thứ nhất em chụp cùng với những nghệ sĩ của nhà hát Opera, tay cầm bó hoa tươi thắm, nụ cười rạng rỡ trên môi. Sau nhiều tháng miệt mài tập luyện, Hà My được mời đóng một vai nhỏ trong vở kịch Những người khốn khổ. Dù chỉ là vai phụ, mờ nhạt, không có sức ảnh hưởng gì cả nhưng em vẫn rất vui và tự hào. Em nói rằng đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời để tiến xa hơn nữa.

Giấc mơ của Hà My đã đạt được rồi, tôi mừng cho em dù cho em mới đi được một đoạn ngắn của chặng đường dài đằng đẵng phía trước. Tôi tin rằng với sự kiên trì bền bỉ và lòng quyết tâm, em tôi nhất định sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Bức ảnh thứ hai, Hà My chụp cùng với Jacky, hai đứa chúng nó có vẻ thân thiết. Tôi quên mất cậu ấy là người em thương. Những lá thư trước, em đề cập Jacky là chàng trai giàu có. Điều này là sự thật. Nhưng vẫn còn một điều mà đến hôm nay em mới tiết lộ: Jacky là một diễn viên nổi tiếng nhưng không kiêu ngạo.

Người thầy mà em đang theo học nghề diễn xuất chính là người đã từng dạy cậu ấy nhiều năm về trước. Hà My và Jacky gặp nhau trong một lần cậu ấy đến thăm thầy của mình. Có cùng sở thích, đam mê với nghề, muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Jacky nói rằng nếu Hà My gật đầu, cậu ấy sẽ nói với đạo diễn và em sẽ được đóng vai chính ngay lập tức. Nhưng Hà My từ chối. Em muốn đi lên bằng chính thực lực của mình, không phải nhờ người khác nâng đỡ hay đi bằng cửa sau. Dù ba năm hay năm năm vẫn không lên được vai chính cũng chẳng sao, miễn là nhiệt huyết hoài bão chảy tràn trong người, em sẽ không có phút giây nào từ bỏ. Với tính cách bướng bỉnh mà kiên quyết, Jacky càng yêu quý em gái tôi hơn. Ở cuối thư, Hà My nói Jacky là anh chàng quan tâm và thấu hiểu… Gấp lại lá thư, tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm. Nếu mẹ kế biết được chuyện này, chắc hẳn bà sẽ rất vui. Một lát nữa tôi sẽ kể cho bà nghe.

Hà My làm được, thì tôi cũng sẽ làm được. Mở ngăn kéo để lấy ra bức tượng chúa Giêsu khắc dang dở, tôi bỗng thấy tuổi trẻ sục sôi trong trái tim mình.

Q.T.D
(TCSH48SDB/03-2023)

 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Tiếng chuông (13/04/2023)
Hương cổ tích (24/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)
Trà (10/02/2023)
Lão Kình (02/02/2023)