Truyện ngắn
Kinh văn
14:14 | 12/05/2023


ĐÀO QUỐC MINH

Kinh văn
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Nó sinh từ hương Miếu Môn, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, cõi tây nam vùng châu thổ Nhị Hà, vào một đêm Nguyên tiêu, không bích đào, không hơi xuân, không sao, không trăng, giông bão gầm thét, mưa đá từng tảng lớn nhỏ, va đập rào rào trên mái ngói, một đêm cả xứ đưa ma, cung vĩ nhị hồ váng vất, tù và sừng trâu thúc lên, kèn đồng sáo trúc chói tai, chiêng đồng cồng đá inh ỏi, trống trận từ cổ thành dồn dập, đám ma của một tướng quân, vì đại nghĩa tập hợp tráng binh, mà vị nghĩa vong thân, thác về dòng suối Yến, suốt mười mấy dặm nước non, thuyền đò buông neo tìm bóng, đến nay nào biết thể phách nơi đâu, chỉ lưu lại vết gươm sinh thời chém vào vách động Hương, đứt lìa pho ngực tòa Phật ngọc, từ đó tỏa ra tia sáng mà người đời không hiểu vì đâu, hắt ngược lên triệu triệu năm hoàn vũ...

Từ lúc vừa lọt lòng, nó đã không khóc, và sau này không cười, không nói không hát, nhưng là bà đỡ, là cha của nó, là ông bà nó, là lão thầy bói, là ông thủ đình, là bà sãi hay kẻ tạt qua, là dân làng cho là thế thôi. Nó không khác dân làng chút nào, cả mình xương xẩu và đen đúa, quan trọng là có cái bướu đen, cha nó và gia tộc thấy mừng lắm, chỉ có ánh mắt sáng quắc, phát ra tia sáng bạc trắng, làm chói mắt bất cứ ai đối diện, đã vô tình gieo vào tim óc bề trên, nào là mầm mống hồ nghi, cảm xúc sợ hãi và ghét bỏ, nào là ám ảnh hận thù, rồi đây lớn dần theo năm tháng. Nghịch một cái, là nó lại hay nhìn xói vào mắt người ta, một ánh nhìn dữ dội. Bà đỡ từng kể rằng vào cái lúc sinh nó ra, mẹ nó mới có thể duỗi thẳng người, không còn cái dáng nằm gù gù lưng, lom khom như lúc thường, nhưng cũng chỉ được lúc đó, rồi mẹ nó cũng đành tắt thở, lưng mẹ nó lại còng trở lại, và lại mang theo cái bướu gù, vào trong lòng đất cằn cỗi. Cha nó, cũng như bao dân làng, đều phải khoét một cái lỗ ở đáy quan, cho mẹ nó, cho người thân của họ, rồi mới đặt kẻ quá cố vào, khâm liệm rồi chôn cất, chẳng có ngoại lệ nào, kể cả chính nó rồi đây.

Dân cả làng này, từ lúc vừa lọt lòng, đã có cái bướu lớn màu đen, một cục máu bầm kết cứng lại, như chứng di truyền của dân làng, mọc trên tấm lưng gầy guộc, đã truyền không biết bao thế hệ, dân làng ai cũng như ai, thoạt trông đều hiện rõ ra một bộ mặt thâm đen tím tái, rỗ chằng rỗ chịt và nổi lên những cục mụn trâu sì sì, dáng đi lúc nào cũng len lén, cứ vục mặt xuống đất bùn, nhòm trước liếc sau, rồi cum cúp con mắt, cụp đuôi lỉnh mất vào xó tối từ lúc nào, để lại sau lưng ấn tượng về cái bướu, duy nhất một cái bướu là còn lại, ngay cả khi cải táng ba năm, thậm chí khi đã chôn được đến cả trăm năm, mà vô tình bị cày cuốc xới lên, hoặc nhỡ bị trâu bò húc tung mả, bị bộc pháo làm xác lộ thiên, thì cái bướu kia vẫn không bị hủy, không thể lẫn vào đâu được cả, cái bướu gù trên lưng của dân làng, vẫn cứ nguyên hình vẹn dạng, một cục máu bầm kết cứng thành cái ụ đá, trên lưng bất cứ ai sinh từ Miếu Môn. Đó cũng là lời nguyền dành cho đứa trẻ sắp ra đời.

Hương Miếu Môn, nguyên cái tên, nghĩa là cửa miếu. Cũng bởi nơi đây có một ngôi miếu, bên trong thờ một tấm bia mộ, chất bia bằng thiên thạch, đứng sừng sững trong lòng miếu. Tương truyền vào một năm giông tố, vị tổ mẫu của làng, trong cơn hoài thai, không nhà không y phục, ngửa mình trên đồng cỏ, chỉ chờ cái chết đến đón, bất ngờ thay, khi đứa bé gái vừa oa oa chào đời, thì từ trên cao, có một tiếng vang đinh tai nhức óc, một tấm bia mộ bằng đá quý, khối lửa đỏ cháy sáng rừng rực, lao thẳng đứng xuống đất bằng, cắm sâu vào lòng đất đến cả chục trượng, từ lòng đất đùn lên nguyên một ngôi miếu, bao quanh tấm bia mộ đang nóng chảy, quầng nhiệt hầm hập bỏng rát, phải đến bách thu không nguội, cho đến mùa xuân một năm nọ, khi đứa bé gái kia phổng phao lên, chính tay nàng chạm vào bia mộ, trước ánh mắt đẫm ướt của nàng, đứng ngây thơ trong làn mưa bay, tấm bia mới nguội dần rồi tắt lửa, hiển hiện bên trên tấm bia mộ, là một dòng kinh văn màu rực rỡ. Nàng cũng như tổ mẫu, sống neo đơn cùng một bầy khỉ đỏ, bên trong ngôi miếu thờ, với sắc đẹp thiên thần, cách kinh thành không xa, không quần áo...

Cũng từ đó quanh ngôi miếu, hương Miếu Môn quần tụ. Dân vãng lai đông dần, cất nhà lập trang ấp, khai hoang địa, đào kênh mương, làm đường sá, dựng đình chùa, tổ chức tế lễ quỷ thần, nhiều đời phồn thịnh. Hương Miếu Môn duy trì một tục lệ, kể từ khi con gái của tổ mẫu qua đời, đó là lễ tế tấm bia mộ thiên thạch. Vào đêm nguyên tiêu hàng năm, từ trước đó một tuần trăng, bất cứ một ai trong làng, hoặc đi ngang qua làng, trong trường hợp ở lại đây, đều phải giữ trai giới, từ khi con trăng lên rằm tháng chạp, đến lúc con trăng lên rằm nguyên tiêu. Sau một lần gột rửa sạch sẽ, rửa sạch mắt, thông sạch tai, lọc sạch miệng, trút hết xú khí trong phổi, trong ruột và dạ dày và thận, người hoàn toàn trống rỗng, không còn dịch huyết, phân hay thức ăn thừa, đêm cũng như ngày, người trai giới phải tắt hết lửa đèn, quỳ mọp trước con trăng, quỳ mọp trước con ác là, chiếu qua miếng ngói vỡ, đúng vị trí bàn thờ tổ tiên, trán chạm vào sát mặt đất, lưng phải uốn cong không được để thẳng, đầu gối phải gấp khúc, không được duỗi dài vì bất cứ lý do gì, miệng phải cầu nguyện, và phải tụng một lời nguyền, đến nay vẫn một bí mật. Người trai giới phải nhịn đói, chỉ được uống nước cầm hơi, ngậm sâm trong suốt tháng. Những ai có bụi, có mang hoặc có máu, đều không được tới lễ tế, mà phải giam mình trong nhà...

Trong ký ức sâu đậm của nó, đêm nguyên tiêu hàng năm... là những bóng người lầm lũi, nhấc từng bước chân rời rã, từng bước từng bước một, nối đuôi nhau thành dòng, từ khắp xóm ngõ trong làng, không một tiếng nói lời than, chầm chậm tiến về ngôi miếu, dòng người lẳng lặng đi qua, hiện lên trong ánh trăng mờ, là những bộ mặt xám ngoen ngoét, vàng vọt và xanh xao vì đói rét, vì kiệt sức và cả vì mong đợi, là những thân xác gầy guộc, mỏng như mảnh lá mùa thu, lê chân lào xào trên mặt đất, là những cái bóng gù lưng, phải làm theo tục lệ đời đời, rằng không được phép nhìn lên, không được phép ngẩng đầu, không được phép đứng thẳng, là những quầng mắt u tối, cúi gằm xuống bùn, trong đêm lạnh trắng, là những cái bóng dật dờ, lướt qua không để hình hài, sau cả đêm dài mới lết đến cổng miếu, để rồi trong tiếng hô vang, tất cả đồng loạt bò sát đất, cúi lạy trước tấm bia mộ, sau loạt cúi lạy gập người, đến không thể gập được nữa, là những cái bóng giống nhau, kéo dài đến cả dặm, nối đuôi nhau lạy giật trở ra.

Tương truyền rằng, không ai từng thấy kinh văn, bởi lời nguyền, bất cứ ai từng thấy kinh văn, kẻ đó sẽ phải chết rất thê thảm. Do vậy mà nên, dân làng Miếu Môn, đã bao đời người, chẳng có kẻ nào dám ngước lên cao, chẳng có kẻ nào dám tìm cái chết...

Mùa xuân năm đó, nó lên mười tuổi, cái tuổi dựng vợ, cái tuổi sinh con, nhưng lại ngặt một nỗi, nó rù rù lù lù một đống, ngờ nghệch như phỗng đất, nuôi cho lớn xác rồi để đó, chẳng một ai đoái hoài gì, cả ngày không ai biết nó đi đâu, làm gì hay chơi với những ai, ai cũng nghĩ nó là thứ bỏ đi. Cho đến một ngày nọ...

Tảng sáng mờ sương. Tiếng gà câm bằn bặt. Không hiểu vì sao trời âm u đến thế. Cả nhà sáu người già trẻ trai gái. Tất cả đều đang chiêm bao. Một chiêm bao y hệt nhau. Một chiêm bao về cửa miếu. Tĩnh lặng và u mặc. Đậm đặc sương núi. Mà dân cửa miếu vẫn hằng mơ. Suốt bao nhiêu năm trời nay. Đột nhiên nó nói mớ, lảm nhà lảm nhảm, nhưng rõ từng tiếng. Muốn đọc kinh văn. Muốn đọc kinh văn. Muốn đọc kinh văn... Từng tiếng kinh văn bỗng dựng đứng cả nhà nó dậy. Ông nội bà nội và cả cha nó, ban đầu cứ nghĩ có sét đánh, roẹt ngang qua giấc mộng, bởi góc nhà nơi nó đang nằm, chợt bừng lên ánh sáng trắng. Họ lắc đầu ngoay ngoáy, họ vỗ mạnh vào mang tai, họ dụi mắt thùi thụi, và tự hỏi tiếng đó từ đâu vọng tới đây, phải chăng là từ trong giấc ngủ, vốn quá đỗi bình yên, không thể tin được. Nhưng trong tai họ thứ lời lảm nhảm đó, như đang vang lên khắp vùng cửa miếu, đến mức họ không còn có thể không tin, rằng chính đứa con ruột, đứa cháu đích tôn của họ, đang thốt ra lời sang sảng, ngay trước mặt họ, trong góc phòng u tối, nơi đặt bàn thờ mẹ nó. Và đó cũng là lời thốt đầu tiên, của một đứa trẻ câm bẩm sinh.

Hãy câm ngay đi! Không được phép! Chết cả bây giờ! Ba người lớn nhà nó, ngay lập tức lao lên chỗ nó nằm, lấy tay bịt miệng nó, lôi nó dậy mà không hề nói một lời. Mà nó vẫn chiêm bao. Không thể nào tỉnh dậy. Họ phải trùm tấm mền nát, nhưng rất dày và rất chặt, đè lên đứa trẻ trong hoảng loạn, vừa thở hổn hả hổn hển, mắt dáo dác như đám chim lạc. Nhưng nó vẫn không ngớt thốt lên, từng tiếng từng tiếng như lên đồng, kéo dài suốt cả canh giờ. Cửa sổ liền bị chèn vải vụn. Cửa ra vào liền bị đóng chặt. Tảng sáng hôm ấy, họ ra khỏi căn nhà, trong tâm trạng hoảng loạn, không dám nhìn ai, chỉ một chốc rồi lủi thủi về, thay phiên theo dõi nó, canh chừng nó ngủ. Đêm về khuya hôm ấy, cả nhà nó không ngủ. Họ ngồi thức bên cạnh nó, cảnh giác xen lẫn sợ hãi. Nửa khuya về lúc tảng sáng, hơi thở của nó đều đều, cả nhà mừng thầm, có lẽ nó đã an giấc, ai cũng hy vọng vậy, và đặt lưng xuống. Đột nhiên lời lảm nhảm lại thốt lên. Muốn đọc kinh văn. Muốn đọc kinh văn. Muốn đọc kinh văn... Cả năm người, già trẻ lớn bé, đều thất kinh. Người già thì vội vã thắp nén hương đỏ, vừa lẩm bẩm tụng niệm lời nguyện cầu, gieo lời nguyền rủa và cả lời chết chóc. Người trẻ khỏe thì vội vã bịt miệng nó, trùm mền lên nó và đóng chặt cửa, ngó nghiêng trước sau đầy hoang mang, vừa trùm tấm mền, vừa nhìn ra cửa, vừa chửi bậy, trở nên điên rồ, không kiềm được. Người nhỏ tuổi thì vội vã trốn vào xó tối, đắp lên mình manh chiếu rách tơi rách tả, khắp toàn thân run lên bần bật như giẽ, thở hối hả từng hơi hầm hập, như vừa trốn ma chạy quỷ. Lại một sớm.

Cứ như thế từ tảng sáng ngày hôm ấy, tảng sáng nào, nhà nó cũng ở trong nỗi kinh hoàng, bởi lời thốt ra từ miệng nó, từ giấc chiêm bao của nó, suốt gần năm trời, lần lượt ông bà nó, rồi đến cha anh nó, rồi cả em gái nó, tất cả đều phát rồ phát dại, không ai còn chịu đựng được. Để cứu sống cả gia đình, năm cái miệng ăn, năm cái mạng người, một đêm trước khi gà gáy, cha nó gạt nước mắt, bồng nó trên vai trần cao thấp trong sương, đặt nó đang say ngủ ở giữa cánh rừng già, nằm ở ranh giới giữa cửa miếu, và một bản làng người dân tộc, trong thâm tâm đầy xót xa của cha nó, từ nay nó sẽ vĩnh viễn không thể trở về, vừa nghĩ đến đây, nước mắt trào ra, cha nó đặt đứa con trai bé bỏng, vốn bị ngờ nghệch từ tấm bé, xuống một gốc xoan già, dứt áo quay ngoắt về xuôi, trong hoa khói loang đầy trời đông.

Nhiều ngày trôi qua. Nó không về nhà nữa. Chẳng ai buồn đi tìm. Chắc là cha nó đã cản. Chứ bà nó chiều nào, cũng cắp cái nón rách, bên trong giấu miếng cháy, quả ổi hay vụn oản mốc, đi qua đi lại trước đình làng, rồi cuối cùng quay về triền đê, đứng trên cao ngóng về rừng, hốc mắt buồn trông dáo dác. Nó đã đi đâu mất tích? Số là sau khi bị vứt ở rừng, tuy bị ngốc nghếch bẩm sinh, nhưng nó lang thang thế nào đó, rồi cuối cùng lại về được làng. Nhưng khuôn mặt bị thú hoang cắn nát, đã không còn ai nhận ra được nó nữa. Nó đến ăn xin ăn vạ, tại sạp của lão thầy bói. Lão thầy bói thường ngồi trước cổng đình, trò chuyện đi lại với thủ đình và bà sãi. Ba người đó thường xúm xít lại, nghe đủ chuyện phiếm thiên hạ, rồi loan truyền tin đồn khắp chốn. Chiều hôm đó, sau giông tố, trời quang tạnh, gió trong veo.

Bóng nó ngồi ngu ngơ, đổ trên mặt đất lạnh lẽo, thân thể nát bấy và rách rưới, y như một kẻ ăn mày tàn tật. Nó nghếch cái mồm lên, nhìn xói vào lão thầy bói, ông thủ đình và bà sãi, tia mắt ngời lên ánh trắng, nó bỗng cất lời oang oang. Muốn đọc kinh văn... Muốn được đọc kinh văn... Muốn đọc được kinh văn... Lão thầy bói đang bỏm bẻm nhai trầu, miệng đỏ lòm những vôi và lá, bỗng dưng giật mình đánh khật, mặt quay ngoắt xuống, như nhòm vào mặt nó, quát toang toáng cả lên. Mày vừa nói cái gì, mày... vừa... nói... Câu nói đến đây khựng lại, lão không dám tiếp thêm, âm thanh càng về cuối càng bé tí lại, càng tịt ngóm như bịt mũi nói, lí nha lí nhí trong cổ họng lão. Giơ ngón tay dí vào môi. Suỵt suỵt suỵt im ngay. Không được không được. Chết hết cả nút bây giờ. Mắt lão thầy bói nhớn nhác, quay ngang rồi lại quay dọc, sang bên trái rồi lại sang bên phải, nhưng không kịp nữa rồi, ông thủ đình, và cả bà sãi, đã nghe thấy, ba người nghệt cả mặt chỉ giây lát, và hoảng hồn méo xệch cả miệng. Lão thầy bói bấm độn... cửa miếu không giữ nổi rồi.

Một sự im lặng thật đáng sợ, xen vào chuyện tình ái tay ba, giữa ba người lớn, đang đến cao trào. Ông thủ đình bất chợt trợn mắt lên, vô tình đánh đổ cốc nước chè, ướt be bét cả hai vạt áo tế lễ, mùi nước chè thum thủm khè khè thối rây, đến độ ông thủ đình phải vứt cả áo sống, hàng đêm vừa tắm rửa kỳ cọ, ông vừa run lẩy bẩy, vừa căm giận nó lắm, mà không dám nói ra cái căm ấy, chỉ ngậm bồ hòn trong bụng dạ. Còn bà sãi nghe chỉ được có vậy, đã vội rảo bước lảng đi xa, đóng cổng chùa đoàng một cái, từ chiều hôm đó không nhang đèn gì nữa, bảo điện trong chùa làng, tối om om đầy rắn chuột, hình như có cả mùi xác chết, và cũng chẳng dám tiếp đón bất kỳ ai. Những ai lảng vảng gần đó, thấy ba người đang râm ran, bỗng dạt đi sạch trơn hết cả, đều cun cút phắn không còn một bóng, để lại cái sân đình vắng hoe vắng hoắt, cơn gió thổi nhẹ mà lá lẩu bay tung mù, chỉ có nó là vẫn ngồi đấy bên sạp, ngờ nghệch lảm nhảm từng lời. Muốn được đọc kinh văn... đọc kinh văn, đọc kinh văn... muốn đọc được kinh văn... Lão thầy bói ngay chiều đó dọn sạch sạp bốc, về nhà gom góp tiền nong cho đủ vốn liếng, và đi đâu mất tiêu, không ai gặp lão nữa. Có người nghe phong thanh, rằng lão đã chết trong cái mỏ, nằm cheo leo trong dãy núi nọ, trên đỉnh bạch vân cổ tùng.

Kể từ khi lão thầy bói, ông thủ đình và bà sãi, ba người mất hồn lạc vía, cửa miếu như có loạn tâm. Đêm đến cả dân cửa miếu, ai ai cũng đều gặp ác mộng, dĩ nhiên vẫn giống y hệt nhau, một chiêm bao chung nhất, chỉ khác là không tĩnh lặng, không trầm mặc như xưa. Trong giấc chiêm bao đó, rền vang lời một đứa trẻ. Muốn... đọc... kinh... văn... đọc.. kinh... văn... kinh... văn... kinh... văn... Trong giấc chiêm bao đó. Người ta thấy một cặp mắt. Sáng trắng tưng bừng. Đang nhìn từ trong miếu. Khiến cho không khí cả hương, tràn ngập rùng mình và sợ hãi.

Cũng từ đó, ngày qua ngày, đêm qua đêm, lặp đi lặp lại, chiêm bao đáng sợ bao trùm cửa miếu, dân cửa miếu đều cho rằng, chính nó đã gây ra sự ấy. Dân cửa miếu không ai bảo ai, ban đầu bực mình, rồi sau căm ghét, rồi sau giận dữ, và cuối cùng thù hận. Tất cả đồng lòng, muốn đuổi nó, cút khỏi Miếu Môn, trong câm lặng. Không có lương ăn, không có thức uống, không quần không áo, không có tình người. Sáng hôm ấy nó rời đi thật xa. Miệng không ngớt lời kinh văn. Trên dải đê ngoằn ngoèo, dòng người đứng lô nhô, mắt tròn mắt dẹt, mồm tròn mồm dẹt, xôn xao một góc trời đông. Cuối cùng nó cũng đi rồi... hú vía cho cả Miếu Môn... hú vía cho cả Miếu Môn... hãy cút đi cho thật xa... đừng bao giờ trở lại... hãy cút đi cho thật xa... đừng bao giờ trở lại... cút cút cút đi đồ quỷ dữ... đồ quỷ dữ hại người...

Nhưng rồi nó chỉ quanh quẩn, đâu đó thấp thoáng ở bìa rừng, giáp ranh giữa Miếu Môn và vùng sơn cước, quanh năm không một bóng người lai vãng. Dạo đó, con lộ thâm thâm độc độc dẫn vào núi, kỳ lạ thay thường có đoàn người tây dương, chẳng hề tỏ ra sợ hãi chút nào, chẳng hề quản đèo cao rừng sâu, đôi khi là một vài kẻ độc hành, trên ngực có đeo dây thập tự, mặc bộ đồ trắng như tuyết, vừa đi vừa ngước nhìn lên trời, dáng vẻ không cúi đầu bao giờ, lắm khi là một vài toán người, đầu đội khăn vấn trùm kín mặt, toàn thân chỉ tuyền màu đen, chỉ để lộ hai con mắt đỏ đun, miệng không ngớt lầm bầm, hai tiếng cứ lặp đi lặp lại.

Cho đến một hôm khi đám người kia, nghỉ trú chân trong một hang động, thì bất thình lình từ đâu, một cái bóng thoáng lướt qua, đám người chỉ kịp nghe được, tuy rất nhanh, nhưng rất rõ, từng tiếng từng tiếng một, vang vọng trong hang đá. Muốn được đọc kinh văn... muốn được đọc kinh văn... đọc được kinh văn, đọc được kinh văn... đọc kinh văn... đọc kinh văn... kinh văn... kinh văn... văn... văn... Âm ba dội vào vách đá dựng đứng, dội vào lồng ngực từng kẻ đi đường. Bỗng một tiếng rú đồng thanh ghê rợn vút lên từ đáy hang, hắt thẳng lên đỉnh hang nơi có lỗ thủng lớn. Một đàn dơi đen kìn kịt, đập cánh loạn xạ dữ dội, ồ ạt lao ra khỏi lòng hang, trong phút chốc như đám mây, bao trùm bầu trời buổi sớm. Đám người, có kẻ đã chết vì vỡ tim, có kẻ thất thần trợn mắt, đang tự đập đầu xuống đất, kẻ thường lầm bầm thì đã câm bặt, kẻ vốn đeo thập tự thì đã bẻ dấu, quăng xuống làn nước xanh, theo sóng ngầm chìm đáy sâu. Những đêm sau đấy, đám người không còn, nhưng tiếng rú kinh hoàng, thì vẫn cứ vọng ung oang, dội khắp bao hang động, dọc theo con suối trong, lan đến tận truông rừng, vang tận đỉnh cô phong, âm u trong đới gió bạc đầu, phảng phất trong mưa mù lạnh, cả một vùng trời và đất, không được bình yên. Nơi nó đã dừng chân, sống cùng nai hoẵng, sống cùng chim vượn, suốt mấy tháng qua, giờ đã trở thành tử địa. Không ai biết trong hang, có một ngôi đền trống rỗng.

Đêm đêm cùng tiếng vọng... kinh văn... của nó, là tiếng máu chảy róc rách từ một đôi mắt đá. Dòng máu cứ trào ra, ban đầu ri rỉ đôi ba giọt, rồi ngày một mau hơn, ngày một mạnh mẽ hơn, cuốn trôi cả những mảnh lá vàng, nhuốm đỏ cả rêu đá đã ngàn năm, mùi thơm tươi mới, lan tỏa khắp nơi nơi. Nó nằm đó nét mặt ngước lên sầu thảm, gối đầu lên lưng con nghê đá bên cửa đền, không suy chuyển và động đậy, như nó đã từng cả mấy thế kỷ, miệng lảm nhảm đọc tiếng kinh văn. Con nghê đá, vật duy nhất, là người bạn đường đời của nó, nơi cho nó gọi tên nỗi khát khao, tưởng chừng như vĩnh cửu, rồi cuối cùng cũng đã đổ lệ. Đôi mắt nó trào máu. Khóc cùng con nghê đá. Bỗng dưng hang động cuối cùng, nơi dung thân muôn thuở, rùng mình rồi đổ sập xuống, muôn ngàn tảng đá lớn nhỏ, đã đè nát ngôi đền trống rỗng, vùi chôn con nghê đá cổ kính. Nó chỉ kịp thoát thân ra bên ngoài, mà không kịp ngoái nhìn bạn đời. Sớm hôm ấy, đứng dưới vòm trời mênh mông, phóng tầm mắt về đường chân trời, nó đau đớn. Trong sâu thẳm tâm can nó, vẫn là khao khát về kinh văn, nhưng lại dấy lên, khát khao tự tuyệt. Thấp cao lếch tha lếch thếch. Theo khúc hát ru con sầu xa ngái. Chẳng hiểu sao nó cứ từng bước một, mơ màng quay về lại đất Miếu Môn.

Đêm đó Nguyên tiêu. Một đêm giông bão. Người canh miếu đi đâu không rõ. Ngôi miếu nhập nhòa vàng tia sét. Xô cánh cửa gỗ lim đã đến hồi phải mục nát. Đại điện mờ mờ ảo ảo hiện ra từ từ trong mưa. Nó một đứa trẻ mười hai tuổi. Sau hai năm rời khỏi Miếu Môn. Nay đầu đã rụng hết tóc. Mắt đã thành trong vắt. Chỉ có cái bướu gù trên lưng. Là trở nên to lớn hơn. Cứng rắn hơn như đá. Phía trước nó là tấm bia mộ bằng thiên thạch. Sừng sững cắm sâu vào lòng đất miếu. Nó bất giác hân hoan. Đêm này là tận số. Được đọc kinh văn. Đọc được kinh văn. Cũng là chấm dứt hoàn toàn. Nỗi cô đơn và niềm bất hạnh. Sẽ chẳng ai lụy phiền vì nó. Một đứa con không gia đình. Một ăn mày không quê hương. Một tín đồ chịu án phản giáo. Một kẻ điên không giao ước. Một tội phạm đời nguyền rủa. Hai con mắt, trong phút chốc, ngước lên cao. Nó bỗng nhận ra tấm bia mộ cao vút lên tận trời xanh. Dường như xuyên qua cả ngôi miếu thờ không có mái. Một chiều kích không thể nào tưởng tượng cho nổi. Mưa táp vào tấm bia mộ. Ánh chớp bỗng sáng lòa. Mắt nó nheo nheo lại. Đọc dòng kinh văn khắc nổi. Đang bừng lên màu đỏ rực. Màu đỏ của máu người xưa. Năm chữ Hán. Cử đầu tâm như nguyệt. Đột nhiên cái bướu gù trên lưng nó biến mất. Không còn cái dáng vẻ lom khom như trước. Nó vươn mình, đứng thẳng dậy. Cả một vùng trời đang giông bão, đột nhiên vì đâu lặng ngắt như tờ. Cảnh vật bốn phương trong veo như sương mai. Vầng trăng tròn vành vạnh đang chiếu tỏa. Cái bướu gù của dân cửa miếu, đêm đó bỗng không còn lớn thêm, nhưng cũng không biến mất đi. Những đứa trẻ con, được sinh vào đêm ấy, mãi mãi về sau này, không còn mọc lên cái bướu gù, chúng lớn lên với tế lễ cửa miếu, nhưng là nghi lễ ngước lên cao, để lồng ngực đón ánh hào quang, rồi sang sảng đọc dòng kinh văn, trong nhang khói hậu thế đời đời. Còn chuyện kể lưu truyền. Chẳng ai biết nó đã đi đâu. Còn nghe trong trăng Nguyên tiêu, lời ngâm kinh văn vang vọng mãi...

Đ.Q.M
(TCSH48SDB/03-2023)

 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Em gái tôi (05/05/2023)
Tiếng chuông (13/04/2023)
Hương cổ tích (24/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)
Trà (10/02/2023)