Phía trước hang là khoảng đất rộng khá bằng phẳng, chỉ cần cải tạo đôi chút là có thể dùng làm sân chơi bóng chuyền. Chúng tôi đã dựng lên trên trảng đất ấy hai dẫy nhà tạm mái giấy dầu. Nhà được che dưới tán lá xanh mượt vươn xa của gốc cây vàng anh; được bao quanh bởi những bụi cây sắn rừng, bụi cây mỏ quạ, cùng những cây leo khác mà tôi không biết tên gọi của chúng là gì, trổ nhiều hoa thơm màu trắng trông na ná như hoa loa kèn. Đứng trước hang nhìn ra được cánh đồng Lùm Bùm: những thửa ruộng bằng phẳng hoặc bậc thang, thỉnh thoảng lại thấy nhô lên một lùm cây mua hoặc quỳ dại, tựa như chúng được một người khổng lồ nhổ chúng từ đâu đó rồi quẳng lại đây. Hang chủ yếu dùng làm kho chứa hàng; không nên làm việc, ăn ngủ lâu ngày ở trong hang đá bởi như thế dễ mắc bệnh thấp khớp. Không khí ở trong hang lạnh và ẩm ướt, lúc nào cũng có mồ hôi đá (nước thấm) tụ lại nhỏ xuống nền hang, tựa như dung dịch xút loãng, ngấm vào quần áo gây ngứa ngáy khó chịu lắm. Những năm tháng chiến tranh sống ở núi rừng Trường Sơn, tôi nhận ra rằng: Không có gì ngán ngẩm bằng cứ phải nằm khàn ở trong hang đá mà nghe đếm từng giọt mồ hôi đá rơi tí tách lẫn trong âm thanh ì ầm dội qua dội lại bên vách đá của bom chùm B52 rải thảm ở nơi xa nào đó... sao mà rền rĩ đến não lòng! Những thời khắc ấy, tôi hay nghĩ về miền Bắc... như muốn ứa nước mắt. Mẹ tôi đang ngày đêm mòn mỏi đợi tin các con. Bà năm nay tuổi đã ngoài bẩy mươi mà vẫn vất vả, lầm lũi, đơn côi... vì bà có hai thằng con thì cả hai đều đi thoát ly. Em tôi từ lâu không có tin về, đâu như nó đang chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Nghe nói đời sống của đồng bào Tây Nguyên đang bị giặc o ép cơ cực lắm: thiếu gạo, thiếu muối ăn đến phù thũng, mờ mắt, bạc đầu. - Kỷ Linh ngủ đấy à? - Không. - Nội nhật ngày mai trời sẽ hửng. - Sao anh biết? - Co tiếng kêu của vợ chồng con chim thủ thỉ ở ngoài rừng đó. Nắng hạn mà cóc nghiến răng thì trời sắp mưa. Mưa nhiều mà chim thủ thỉ kêu thì trời sắp nắng. - Bu Tha giải thích với tôi như thế vừa chất thêm củi cây săng lẻ vào bếp lửa đang nấu nước. Tôi lắng nghe quả là có tiếng kêu của chim thủ thỉ thật: những âm thanh nghe rất nhỏ, mơ hồ, thì thầm lẫn trong cái ồn ào, lao xao của nước xối, mưa rơi. Trời dịu mưa, có con chim sâu dậy muộn đang lích tích gọi bạn kiếm mồi trong khóm sắn rừng trước cửa hang. Những cơn mưa rừng tiếp nhau báo hiệu mùa khô đã hết; mưa nhỏ thôi nhưng rả rích, dầm dề. Mọi thứ ngấm nước không có chỗ phơi cứ sũng cả ra. May mà còn đống củi dự phòng bằng cây săng lẻ nên không thiếu cái đun. Củi săng lẻ ngấm nước vẫn cháy nỏ như gỗ thông và cháy không có khói. “Trời hửng nắng!” - Chỉ cần nghe nhắc đến mấy từ ấy thôi cũng thấy nhẹ cả người. ...Cả tổ công tác quây quần bên bếp lửa với chén trà nóng ngát hương, nghe Bu Tha kể chuyện. Anh rất thật thà, giọng trầm ấm, kể chuyện mà chẳng cần giấu giếm gì, về cái bản Bạc của anh, về những sinh hoạt văn hóa và tập tục của người Lào Thoong; về nỗi vất vả và kinh nghiệm đi rừng và đánh bắt cá trên sông Sê Kông... Có một chuyện mà Bu Tha kể nghe như huyền thoại, đưa sự liên tưởng của người nghe ngược thời gian về nửa chừng thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên: Có một nhóm người Tầu (không xác định được rõ ngày, tháng, năm!) đã đến tìm kho báu ở vùng này, dọc theo hai triền sông Sê Kông. Họ đã tìm được mười tám bộ thần chủ bằng vàng của vua Hời xưa, nó được chôn cùng với chiếc sọ dừa đã hóa đá tại một hang đá khuất nẻo. (Không chừng cái hang đó lại chính là nơi chúng tôi đang ở”!”). Theo sử sách thì vào năm 603 sau Công nguyên, vua nhà Tùy sai thái thú Châu Hoan đem quân đánh vào quốc đô nước Lân Âp, bắt được vua Hời và mười tám bộ thần chủ bằng vàng. Mỗi bộ thần chủ tiêu biểu cho một triều vua Lân Âp (truyền được 18 đời). Từ đấy nước Lân Âp bị tiêu diệt lệ thuộc vào nhà Tùy bên Trung Quốc. Dưới thời nhà Tùy, đất nước Trung Hoa vào thời gian đó rất rối ren, nên rất có thể thái thú Châu Hoan đã không đem nộp những báu vật ấy cho vua nhà Tùy, mà đem chôn dấu ở núi rừng Trường Sơn. Chiếc sọ dừa hóa đá rất có thể là của vua Hời đã bị giết và đem chôn cùng kho báu, được yểm bùa làm thần giữ của. Tôi cần nói rõ thêm: Bu Tha là người dân tộc Lào Thoong, quê nội ở bản Bạc nhưng quê ngoại của anh lại ở Quảng Bình. Mẹ của Bu Tha là người Hời.
Trường Sơn, một mùa khô đại hạn. Trời nắng nóng đến cực độ không sao chịu nổi, suốt từ lúc rạng đông đến xế chiều, cứ hầm hập, hầm hập... Mỗi khi, có làn gió thổi qua quện theo hơi nóng từ những vách đá bị nắng thiêu đốt thì cứ như táp hơi lửa vào da thịt! Sông Sê Kông cạn kiệt, lòng sông phơi ra lổn nhổn những đá đầu sư. Từng đàn bướm đủ các màu rập rờn lượn trên những vùng nước trong xanh bị tách khỏi nhau, mà ở đó vẫn những cá to hở vây tay xách nặng. Bầu trời chói chang trong veo, từng đàn chim sải cánh bay lượn mãi trên cao, và chiều về, bao giờ cũng vậy, không thể thiếu tiếng ca thanh thót của chim họa mi. Khói lam chiều như màn sương mỏng lan tỏa trên những mái nhà sàn của bản Bạc nằm khuất nẻo sau những tàn lá cây khoọc sum suê. Có tiếng ai đó nghe quen thuộc từ phía bản Bạc, như tiếng của Kan Ly gọi chồng: “Bu Tha à...!” Những buổi chiều trên mảnh đất hoang sơ nơi đây thật thanh bình, một nét thanh bình rất đặc trưng và vĩnh cửu, cho dù đang có chiến tranh! Bu Tha là người địa phương biệt phái sang giúp chúng tôi một thời gian để khảo sát dòng Sê Kông và đóng thuyền gỗ chở hàng chiến lược chi viện cho chiến trường khu V và Nam Bộ. Anh là tay đánh bắt cá cừ khôi nhất bản Bạc: da ngăm đen, mặt vuông chữ điền, người thấp đậm, đôi cánh tay săn chắc... Bu Tha mới ba mươi tuổi mà đã có hai con. Con gái lớn của anh mười tuổi, giúp bố mẹ được đủ việc. Cậu út mới lên ba. Kan Ly kém chồng ba tuổi, một thiếu phụ Lào Thoong xinh đẹp, khỏe mạnh, đảm đang... người gốc Cha Kơi. Bu Tha thuộc lòng sông Sê Kông như thuộc đường đi ngõ ngách của bản Bạc: từng mô đất, tảng đá; chỗ nào có nước xoáy, sâu bao nhiêu, những hốc nào ăn thông với hốc nào... Dòng Sê Kông quanh co, uốn khúc, chỗ phình ra, chỗ thắt lại, lòng sông có nhiều đá ngầm, cứ khoảng non chục cây số lại có một thác, dưới chân một vài thác có bãi bồi. Đặc biệt có xoáy nguy hiểm và chảy xiết là các thác Hàm Sư Tử, thác Nhạy, thác Rồng. Dọc hai bờ sông Sê Kông từ bản Bạc tới Bắc-Ca-Đon giang, nứa, tre, vầu chen nhau sin sít vươn xa xõa ngọn phủ bóng xuống mặt sông. Tiếng chim điêu điếu, chim tu hú, chim bìm bịp suốt ngày ồn ã báo hiệu một mùa khô tươi vui, nhộn nhịp của các bản bên sông. Người ta buông lưới, gõ sạp săn cá trên sông, say sưa hò hát. Song, với công việc vận tải bằng thuyền trên sông Sê Kông thì phải mùa thu mới đẹp, bởi khí hậu Trường Sơn khi này đã khô ấm, thác và ghềnh đã bị khỏa đi trong nước mênh mông, thuyền trọng tải mười tấn cũng có thể đi qua. Nước sông càng nhỏ thì thác càng dữ dội, thuyền độc mộc khả dĩ còn đi được, chứ thuyền trọng tải vài tấn thì cơ cực lắm: thuyền dễ bị mắc cạn và bục đáy khi xuống thác. Mua thuyền của dân thì chỉ có thuyền độc mộc trọng tải chừng năm sáu tạ nên không đảm bảo được kế hoạch vận chuyển. Chúng tôi cần thuyền trọng tải từ ba bốn tấn nên phải đóng thuyền mới. Bu Tha giúp chúng tôi chọn mua gỗ đóng thuyền. Gỗ rừng phải mua của dân và phải qua lễ “đuổi ma” rồi mới được đem đóng thuyền. Dụng cụ và thợ đóng thuyền đưa từ Quảng Bình sang đây.
Cả đội công binh đã làm việc cật lực suốt một tháng trời, dùng sức người sức bộc phá để phá những tảng đá nhô lên mặt sông, nắn bớt những quanh co trên dòng thác, đánh dấu luồng cho thuyền đi qua... Song, về cơ bản thì những thác trên sông Sê Kông vẫn còn nguyên vẻ hung dữ. Chiếc thuyền gỗ tam bản mang biển số 01 trọng tải 2 tấn do Bu Tha và ba thủy thủ nữa có tay nghề vững đảm nhận, dẫn đầu đội thuyền chở hàng. Thuyền chở hàng đi ngay ban ngày, đi lẻ tẻ; được ngụy trang cẩn thận lợi dụng những tàn cây che khuất, hy vọng đội thuyền đưa được hàng đến thung lũng Mường Mây một cách an toàn. ... Tới thác Hàm Sư Tử các tay lái của thuyền 01 đã bình tĩnh cố giữ để thuyền khỏi bị lật khi lao xuống thác, thì nó lại... bị nhấc bổng đặt lên bãi bồi. Gay go rồi đây! Các thủy thủ bị xô ngã sứt đầu xẻ trán, sấp ngửa lóp ngóp đứng dậy. Một trong số thủy thủ đã phải tức tốc chạy ngược lên đỉnh thác ra hiệu cho thuyền đi sau biết mà dừng lại. Số người còn lại thì dùng xẻng đào cát làm lạch, dỡ hết hàng ở trên thuyền xuống; dùng tre, vầu làm đòn xeo và con lăn để lăn bẩy thuyền... Vất vả, chật vật đến mãi sớm hôm sau, các thủy thủ mới đưa được thuyền xuống nước. May mà thuyền không bị thủng đáy. Con thuyền lại được chất hàng lên để tiếp tục hành trình... Vào thời điểm đó, các thủy thủ thuyền 01 chưa kịp ngơi tay thì đã thấy trên đầu xuất hiện một máy bay trinh sát vũ trang của Mỹ! Chiếc máy bay rà sát xuống mặt sông: cánh quạt tạo nên những luồng gió dồn dập làm lật thốc những ngọn cây rủ bóng và... thuyền 01 đã lộ ra! Thấy mục tiêu, chiếc máy bay trinh sát ngoắt quay lại, bắn xối xả và dội bom tới tấp vào chỗ thuyền đang neo đậu! Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến chúng tôi không kịp trở tay. Tình hình đã trở nên hết sức nghiêm trọng - nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng tôi tưởng. Máy bay trinh sát của bọn Mỹ rất cáo, nó phát hiện được ngay đội thuyền chở hàng của chúng tôi và chuyến hàng đầu tiên của mùa khô vận tải trên sông Sê-Kong đã bị trúng bom. Không thể bó tay mà nhìn đồng đội hy sinh, nhìn những chiếc thuyền gỗ mà chúng tôi đã tốn bao công sức mới tạo nên với những hàng chiến lược bị bom đạn vằm nát và nhấn chìm trong nước. Cũng không thể ngưng trệ việc vận chuyển hàng chiến lược chi viên khẩn cấp cho cách mạng miền
. Chúng tôi hạ quyết tâm thực hiện khẩu lệnh hành động: Địch đánh, ta cứ đi! Địch đánh ta, ta đánh trả! Ngay sau đấy, tất cả những thuyền gỗ trọng tải lớn đều được trang bị vũ khí đánh máy bay tầm thấp. Quả nhiên, kẻ thù đã phải đền tội: Sau đó, liên tiếp có những chiếc máy bay trinh sát vũ trang của Mỹ được xơi “kẹo đồng”, biến thành bó đuốc và đâm đầu vào núi!
“Thuyền vận tải 01 bị bom Mỹ đánh chìm. Ba thủy thủ của tàu bị thương đã bị thương nặng giạt vào bờ, còn hoa tiêu Bu Tha vẫn chưa tìm thấy...”. Cái tin sét đánh đau thương ấy nhanh chóng truyền đi dọc Trường Sơn. Chúng tôi, những người còn sống sót, những bạn của Bu Tha cùng gia đình anh và bà con ở bản Bạc, chia thành tốp đi tìm kiếm Bu Tha dọc hai bên bờ sông Sê- Kông; đã ròng rã 10 hôm rồi mà thông tin về anh vẫn biệt tăm. Tốp chúng tôi quay lại chân thác Hàm Sư Tử, buồn và đói mệt, chúng tôi bảo nhau ngồi nghỉ ở đó một lát cho lại sức để rồi lại tiếp tục hành trình. Và lúc ấy, bỗng xuất hiện con bướm trắng rõ to, không rõ nó từ hướng nào lại, cứ bay lượn quanh quẩn mãi chỗ chúng tôi ngồi. Người tôi bỗng nổi gai rờn rợn như có cái gì đó vô hình, run rủi, linh thiêng! Tôi khấn thầm: “Bu Tha ơi! Chúng tôi thương tiếc anh vô hạn và đã ra đi tìm kiếm anh ròng rã ngần ấy ngày rồi... Anh sống khôn chết thiêng, hồn anh có hóa thành bướm trắng thì hãy xin dẫn dắt chúng tôi tìm được đến chỗ anh nằm!” Tôi khấn xong thì con bướm trắng lượn quanh chúng tôi một lần cuối, rồi bay tít lên trời cao! Lòng tôi đau như thắt lại và nước mắt cứ muốn trào ra. Hình như, ở vách núi trước mặt phía xa, lóa nhòa trong nắng hình ảnh một đàn cọp đang ăn xác người! Tôi đưa tay lên dụi mắt: Không! Không có gì! Chẳng qua đấy chỉ là ảo ảnh thoáng hiện trong tâm thức ở nơi tôi. Vâng, thực tế là vài năm lại đây có những con cọp quen ăn thịt người chết, phiêu bạt đến sống ở vùng rừng núi nơi này. Chính mắt tôi, một tháng trước đây, đã nhìn thấy dấu chân cọp in bên bờ một con suối gần chỗ chúng tôi đang ở. ... Lại một chiều gay gắt nắng đầu mùa khô ở phía tây Trường Sơn, vẫn có những đàn chim sải cánh bay lượn tít trên trời cao, vẫn có khói lam chiều như làn sương mỏng trên mái những nhà sàn ở bản Bạc nằm khuất nẻo sau tàn lá khoọc sum suê, vẫn vang lên tiếng ca thánh thốt của chim họa mi... nhưng không nghe thấy tiếng gọi chồng quen quen của
Kan
ly từ bên bản Bạc vọng sang. Vào giờ này, người thiếu phụ Lào Thoong ấy đang ngồi trên một tảng đá bên bờ sông Sê-Kông, lặng lẽ buồn nhìn theo dòng nước ngóng đợi người chồng mà chị biết rằng chẳng bao giờ anh còn về được nữa! Bu Tha đã vĩnh viễn rời bỏ chúng tôi; vĩnh viễn rời bỏ người vợ trẻ và hai đứa con thơ, rời bỏ bà con họ hàng ở bản Bạc thân thương! ......Đó chỉ là ảo ảnh về những con cọp ăn xác người! Phải tin là như vậy vì nếu không coi đó là sự thật đối với số phận Bu Tha thì... đau lòng lắm! Song, cái ảo ảnh ấy cứ như một điều linh nghiệm ám ảnh tôi khiến tôi phải day dứt, trăn trở nhiều đêm không ngủ. Tôi không dám hé răng thổ lộ điều này với bất cứ ai, vì ngay lập tức, tôi sẽ bị mọi người phản đối, cho tôi là mắc bệnh hoang tưởng với những ý nghĩ ngớ ngẩn- quái dị, không thể chấp nhận được. Tôi bí mật chuẩn bị chu đáo: chiếc búa tạ, chiếc búa đanh, bộ choòng phá đá và những chiếc đục bằng thép hợp kim được tôi cứng và mài sắc.... Tôi lẳng lặng ra đi, chỉ một mình thôi, đến chân thác Hàm Sư Tử-chỗ cái vách núi mà bữa trước hiện lên ảo ảnh. Tôi chạm khắc vào vách đá ấy một tấm bia to, bằng phẳng, có viền hoa văn và những hàng chữ thật trang trọng: Liệt sĩ BU THA. Sinh ngày. ... tháng.... năm.... Đã hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Lào-Việt ngày .... tháng.... năm.... Đời người ngắn, dài có gì là quan trọng lắm đâu. Cái chính là sống sao cho xứng đáng. Dẫu chúng tôi không tìm được thi thể Bu Tha, thì coi đấy là nơi anh yên nghỉ, để mai ngày, mọi người có thể đến được đây dựng một vòng hoa tươi và thắp một nắm nhang thơm để tỏ lòng thương tiếc anh, một con người bình thường thôi nhưng biết sống có lý tưởng-tình nghĩa thủy chung. Hà Nội, mùa thu 2000
MINH HUỆ (nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)
|