Truyện ngắn
Giao thừa
09:37 | 09/06/2023


HỒNG NHU

Giao thừa
Ảnh: tư liệu

Đã lâu lắm tôi mới được nghỉ phép vào đúng những ngày giáp Tết. Công việc buộc tôi phải thế; khốn khổ, những lúc người khác ngủ thì mình phải thức, người khác ở trong nhà thì mình phải ra ngoài đường, người khác vui mừng hồ hởi thì mình căng thẳng lo lắng... Nhưng từ nay thì ngon lành rồi. Tôi được điều về cơ quan mới, tuy vẫn theo nghề cũ nhưng công việc thì khác hơn nhiều; nói tóm lại là dễ thở hơn, không phải chịu những cảnh trái khoáy như lâu nay. Vì vậy, trong dịp nghỉ phép này, tôi mới có thì giờ thong thả đi thăm thú bạn bè cũ, chuyện trò lai rai với nhau đủ thứ trên trời dưới đất. Người bạn mà tôi đến chơi nhà hôm nay là anh Cường, một cán bộ làm nghề hành chính lâu năm ở cơ quan văn hóa tỉnh, nhà ở phía bên kia truông, trước đây cùng một tỉnh nhưng từ lâu đã tách ra làm ba như cũ. Cũng là một dịp để hỏi thêm bạn dăm ba điều, giúp cho công việc mới của tôi...

Anh Cường kể:

“... Đêm ba mươi Tết năm đó, tôi có một kỷ niệm khó quên. Khoảng bốn giờ chiều, tôi mới thu xếp xong công việc ở cơ quan, đạp xe về nhà. Trời mưa lâm thâm, lại ngược gió. Cái xe của tôi lúc thường thì không sao, đến lúc gấp gáp thì dở chứng, không biết thế nào mà cứ tuột xích xoành xoạch. Đã thế, trời lại mau tối, các quán nhỏ chữa xe dọc đường đều đã đóng cửa; cũng phải thôi, giờ này ai còn ngồi đấy để có thể giúp mình nữa! Thế là tôi đành vừa đi vừa tự sửa lấy, cứ đạp, lúc nào trục trặc lại nhảy xuống lần mò, lắp gỡ, rồi kéo bộ... Có vài chục cây số chứ mấy, vậy mà gần tắc thở tôi mới về đến nhà, xem đồng hồ tay đã chín giờ đêm. Đã thế nhà lại vắng tanh vắng ngắt, chả thấy đèn đóm lửa củi gì sất. Trời ôi! đêm giao thừa mà thế này ư? Tôi nhào vào sân, quẳng chiếc xe đạp của nợ vào góc hè, gọi vợ con:

- Mình ơi!... Mấy đứa ơi!... đâu cả rồi?

Vợ tôi từ sau giếng khom người luồn qua cửa bếp bước vào, nhìn vẻ ngơ ngác lấm lem của tôi, cứ đứng tủm tỉm cười. Tôi hơi bực:

- Các con ngủ cả rồi à? Nhà chưa thu xếp được gì ư?

- Ôi dào ôi, lại còn hỏi! Bây giờ mà chưa thu xếp xong có họa mà “chết giấc” chứ “tết nhất” cái gì! Mấy đứa vừa chợp mắt trong kia, chốc đến giờ sẽ đánh thức chúng dậy. Thế anh đi với dì nào mà đến giờ mới mò về?

- Khốn khổ! Có dì nào mà đi thì đã may! Ra mà xem cái xe “đời mới” ngoài hè kia kìa!

Nói xong, tôi thở phào, quên hết cả mệt nhọc khi nhìn lên bàn thờ đã thấy đủ mọi thứ, hoa quả, hương đèn, bánh trái...

Có thế chứ! tôi nhủ thầm, vợ tôi tuy chẳng được như ai song vốn là người lo toan thu vén mọi chuyện, rất có “đầu óc”, trông bề ngoài có vẻ ung dung, chẳng ồn ào gì mà được lắm việc, tính lại hay đùa...

- Anh đi tắm đi. Nước nóng em đã pha sẵn trong buồng tắm. Tắm xong vào ăn uống tí chút rồi sửa soạn các thứ là vừa.

- Năm nay mình gói được bao nhiêu bánh?

- Khoảng bảy tám cân nếp. Được gần hai chục chiếc to!

- Còn thịt?

- Em nuôi chung với thím và mấy người nữa. Tính ra lời, được chia một chân, hơn yến. Xem như chẳng bỏ ra đồng nào cả!

Chà chà, tôi vui đến nỗi muốn ôm chầm lấy cô nàng mà hôn một chập, may sao kịp nhớ mình chẳng còn trẻ mỏ gì nữa và người ngợm thì đang như ma lem. Tôi làm nghề hành chính, anh biết rồi đấy, việc chả lấy gì làm nặng nhọc nhưng lại bận như con mọn, nhà tuy gần nhưng không mấy khi về được, mà có về thì cũng như chuồn chuồn giấp nước, chả giúp vợ được gì cho nên cơm nên cháo. Thành ra mọi chuyện thượng vàng hạ cám đều đổ lên đầu vợ. Của đáng tội, tôi nhiều khi cũng đâm ra ỷ lại, lười nhác nữa là đằng khác.

Tôi vào buồng tắm sau giếng, vừa cởi quần áo ra thì nghe bên ngoài có tiếng lép kép như tiếng đánh kéo của mấy người bán kẹo kéo quay số ở chợ tỉnh. Thình lình vợ tôi xông vào buồng tắm, tay cầm chiếc kéo sáng loáng huơ lên. Tôi hốt hoảng giật giọng:

- Cái gì thế? Cái gì thế?

Vợ tôi toét mồm cười, nắm tay tôi kéo ra:

- Trời đất ôi, còn cái gì nữa! Khoan hãy dội nước, ra đây tí đã! Anh định để cái đầu bờm xờm như đống rơm thế kia mà đón xuân à? Để em cắt cho!

Tôi phá ra cười, đưa tay sờ tóc, sực nhớ đã lâu chưa cắt. Công việc cơ quan những tuần cuối năm túi bụi đã làm tôi quên khuấy cái việc nhỏ nhặt nhưng lại khá “quan trọng” này. Tôi vừa ngặt nghẽo cười vừa nhìn vợ tôi như thể nhìn một kỳ quan thế giới!

- Ối chao, “để em cắt cho!”, học được cái lối hài hước bao giờ thế?

Trong phút chốc, tôi vụt nhớ đến Liêm, người bạn cùng làng, đồng đội của tôi hồi đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bây giờ Liêm là trung đội phó, lại là một tay cắt tóc nổi tiếng trong đơn vị; nổi tiếng không phải vì anh ta cắt tóc giỏi cắt đẹp mà vì cái lối đặt tên các kiểu tóc mà anh ta đã cắt cho anh em.

Cậu nào thong thả được cắt tỉa cẩn thận, gọn gàng có phần thêm điển trai, anh ta gọi là kiểu “Đợi chờ anh!” Cậu nào vì vội quá mà hơi nham nhở như vạt rừng phát không sạch cỏ, anh ta gọi là kiểu “Hoàng hôn núi”. Có lần giặc dội bom vào nơi trú quân, mất cả dao kéo, anh ta đã dùng một lưỡi lam cạo râu để xén từng túm tóc một cho cậu Hạc, tiểu đội trưởng trinh sát. Mái tóc Hạc cứ nhấp nhô như sóng, được anh ta gọi là kiểu “Bí ẩn đại dương”... Lần ấy chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc. Hạc soi mặt bằng cái gương bỏ túi nhỏ xíu bằng cái nút bi đông, lắc đầu, mắng Liêm:

- Này, tôi chưa biết ông chỉ huy đánh đấm ra sao, nhưng nội riêng cái khoản để mất dao kéo, ông chả đáng mặt là một thằng lính đâu nhé!

Liêm vặc lại:

- Thằng giặc nó ném mất chứ tao đánh mất à? Làm thằng lính, giữ được vũ khí để “chơi” với giặc, giữ được cái gáo để hòa bình trở về với “em” nguyên lành mái tóc là đẹp rồi! Dao kéo có cũng tốt, không có cũng chả chết ai!

- Ông nói ngu bỏ mẹ! Hôm nay ông bỏ mặc dao kéo, ngày mai ông có thể bỏ mặc vũ khí, ngày kia ông lại có thể bỏ mặc anh em đồng đội đấy! Tôi hỏi ông nhé: nếu ông cắt xong, bỏ dao kéo vào một cái túi nhỏ, thắt luôn vào người thì có bị bọn chúng hất tung được không?

Liêm đuối lý, đưa bàn tay vuốt vuốt mái tóc Hạc, an ủi:

- Thôi, đi đánh nhau trận này về tao sửa lại cho. Đảm bảo với mày là “mô đen” trình độ, hết ý!

... Lần đó, Hạc không bao giờ về nữa. Chúng tôi cắn môi tưởng đến bật máu, thương bạn quằn quại mà không hiểu sao chẳng rơi được giọt nước mắt nào... Từ đó, tôi để ý thấy Liêm thỉnh thoảng lại đưa bàn tay lên vuốt vuốt mái tóc mình nhè nhẹ, ngắc ngứ một giây rồi bỗng khựng lại nửa chừng như một hành động vô thức. Tôi cảm thấy hết nỗi đau đớn dội lên trong lồng ngực Liêm. Một cái gì đó - chả phải do anh gây ra - giống như niềm ân hận, không bao giờ có thể sửa chữa được nữa, đã làm anh dằn vặt khôn nguôi...

Tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế, trong lúc vợ tôi tìm chỗ đặt cây đèn soi cho rõ; bất giác đưa tay lên vuốt tóc. Tôi hỏi vợ:

- Ông Liêm năm nay có về không?

- Có. Về lúc sáng, nghe bà con đi chợ về nói. Hình như đã năm sáu năm nay rồi, ông ấy mới về đúng dịp Tết.

- Ô-tô con đưa về tận nhà chứ?

- Không. Anh ấy đi bộ từ quốc lộ vào làng. Nghe nói cho chú lái xe đánh xe về nhà ăn Tết, mạn trong Tuần. Mồng ba ra đón anh ấy!

- Thế à?

Vợ tôi quàng tấm ni-lông vào người tôi, tay đánh kéo một cách thành thạo, cười:

- Anh chẳng biết cái gì cả. Hồi còn ở Thanh niên xung phong Trường Sơn, em vẫn cắt tóc cho anh chị em trong đơn vị; có nhiều cậu chàng đi cả nửa ngày đường đến nhờ em đấy, đừng có tưởng! Ở nhà, em cắt cho các con, có tốn đồng nào cho thợ đâu!

Một bóng người hiện lên ở cửa ra vào, gõ đế dày lộp bộp. Chúng tôi nhìn lên. Như trong chuyện cổ tích, Liêm lù lù đứng đó, tay xách một chai rượu. Thằng con út của anh lấp ló sau lưng bố, ôm bụng một gói quà khá to bọc bằng giấy bóng. Liêm vào nhà, oang oang, liến thoắng:

- Chào hai ông bà. Năm nay tôi có dịp về, lại có chút ít thời gian, tôi sang thăm hai ông bà để xem hai ông bà chuẩn bị đón giao thừa thế nào đây. Chao, bạn bè sống chết có nhau mà bao nhiêu năm mới gặp nhau được một lần... Có chút quà mừng hai ông bà và các cháu đây!

Vợ chồng tôi hơi bị bất ngờ, cứ ớ ra.

Liêm cũng ngơ ngác. Anh nhìn lướt qua người tôi, rồi nhìn kéo lược trên tay vợ tôi, hiểu ngay cơ sự, cười ha hả. Đoạn giơ tay xem đồng hồ, kêu:

- Để việc này cho tôi. Gần mười giờ rồi! Nhưng khỏi lo, kịp chán, tôi sẽ thao tác kiểu nã pháo vào Dốc Miếu ngày nào! Đưa kéo lược đây! Thắp cây đèn tọa đăng lên!

Vợ tôi chỉ biết tủm tỉm cười, trao đồ nghề cho anh. Và tôi lại ngồi vào ghế.

- Kiểu gì đây, ông bạn quý mến? - Liêm lại ha hả cười.

- “Đợi chờ em!” - tôi trả lời.

Lâu ngày không cầm kéo, có lẽ đã gần hăm lăm năm rồi, Liêm lúng túng mãi. Sau rồi ngọt tay dần. Cực một nỗi mái tóc bờm của tôi thuộc loại vô kỷ luật, nên Liêm cứ xoay qua trở lại, chải xuống lật lên, huỳnh huỵch như đánh vật. Thằng con út của anh bỗng trở thành như ngọn hải đăng. Nó bế cây đèn, theo lệnh bố giơ lên, hạ xuống, lúc tiến qua lúc lùi lại, soi cho bố. Tôi không nhìn thấy mặt Liêm lúc bấy giờ nhưng cảm thấy rất rõ bàn tay anh run run trên mái tóc tôi hoàn toàn không phải vì ngượng ngập...

Rốt cuộc thì “khu rừng rậm rạp” của tôi cũng được phát dọn sạch sẽ, tinh tươm. Liêm ngồi xuống ghế ngắm nghía mái tóc tôi như chiêm ngưỡng một kỳ công vừa lập được.

- Hì hì! Quả đúng kiểu “Đợi chờ em!”, tuyệt! Nào bà chủ đâu, người ta đang “đợi chờ” đây này, vào mà coi!

Rồi anh bỗng im lặng, trầm tư đưa tay lên vuốt tóc. Bàn tay anh khựng lại nửa chừng...

Chúng tôi ngồi trong hơi ấm của đêm trừ tịch, nhớ đến bao nhiêu chuyện, nhắc đến bao nhiêu bạn bè. Nhớ nhất vẫn là các đồng đội đã nằm xuống, vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại. Hạc, người trinh sát lừng danh của trung đoàn chúng tôi năm ấy là một trong những người đó. Sau cái hôm cắt tóc mà Liêm gọi tên kiểu “Bí ẩn đại dương” nọ, Hạc hy sinh sau khi đã mang về cho sư đoàn một bản đồ bố trí pháo của địch ở cụm Đèo Cau, tài liệu vô cùng quý giá làm nên chiến thắng lẫy lừng của đơn vị chúng tôi trong chiến dịch mùa khô năm ấy...

Nhớ đến Hạc, chúng tôi không sao ngăn được những giọt nước mắt vốn rất hiếm rỏ của mình. Tôi thì không nói làm gì nhưng Liêm, anh ta giờ là một cán bộ cao cấp, tôi không ngờ... Có phải thế này không, khi nước mắt người đàn ông rơi xuống, ta có thể tin cậy được, đúng chứ anh? Hồi còn nhỏ đi học ở làng, bọn trẻ con chúng tôi thường trêu Liêm là “Liêm toét”; chả nhớ được bấy giờ vì Liêm hay cười toe toét với bạn bè hay vì đôi mắt anh thường bị đau, kèm nhèm luôn. Còn giờ đây thì Liêm ngồi đó, đôi mắt của tuổi năm mươi vẫn trẻ trung, trong suốt... Lát sau, anh giật mình đứng lên: “Thôi, mình về nhé. Mười một giờ hơn rồi, về để còn đón giao thừa với vợ con, kẻo bà xã lại “ca cải lương” cho đêm ba mươi thì nguy to!” ”.

Cường ngưng lời. Tôi hỏi:

- Anh bạn Liêm của cậu giờ làm gì, ở đâu?

- Ủa, tôi tưởng anh biết rồi! Chính là anh Hội, bộ trưởng, nơi anh mới về nhận công tác đấy thôi! À, còn một chi tiết này cũng hay hay tôi kể nốt anh nghe. Bấy giờ vợ tôi đang soạn sửa ở nhà trong, nghe hai chúng tôi im lặng, tưởng có chuyện gì, chạy ra. Thấy chúng tôi ngồi trầm ngâm, mắt hoe đỏ, cô ta lắc đầu: “Các ông buồn cười thật! Chả mấy khi gặp nhau, lại ngày Tết, không vui thì chớ lại mau nước mắt như đàn bà!” Khốn khổ, nhà tôi đâu có biết chúng tôi xúc động vì sao...!

Tôi đứng lên, tạm biệt Cường. Tự dưng tôi cũng thấy mi mắt mình hơi cay cay... Thế ra là ông Hội đấy! Ai chứ ông ấy thì tôi tuy mới về nhưng lại khá gần gũi. Cái động tác vuốt vuốt tóc của ông nửa chừng khựng lại như chạm phải bậc thang, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy, vẫn thắc mắc không hiểu do đâu... Đã có lúc tôi nghĩ bụng rằng, có lẽ ông ta làm đỏm! Ông ta có kiểu vuốt vuốt tóc hơi vô duyên; mái tóc của ông lúc nào cũng được cắt tỉa đẹp đẽ, đàng hoàng; chải chiếc cũng láng lẩy, có gì đâu mà cứ vuốt vuốt mãi thế...?

Ôi, giá tôi biết được vì sao...!

Xuân 1998, Mậu Dần
H.N
(TCSH108/02-1998)

 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Bão nhỏ (24/05/2023)
Kinh văn (12/05/2023)
Em gái tôi (05/05/2023)
Tiếng chuông (13/04/2023)
Hương cổ tích (24/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)