TRẦN DUY PHIÊN
Sáng nay hoa hồng vườn nhà tôi đua nhau nở rộ. Điềm báo gì đây? Trong lúc uống trà đợi mặt trời lên, tôi thầm đoán điều kỳ bí ấy.
Và khi bắt tay vào làm việc, lòng vẫn dai dẳng nương theo sợi dây mơ hồ le lói chút háo hức. Lành hay dữ? Cứ phập phồng như thế thì chị Phương tới.
- Hôm qua anh Biên có đến đây không? Vừa bước vào, chị hỏi.
- Dạ có. - Tôi nói, nghe nghèn nghẹn cổ họng.
Chị Phương đứng sững trước mặt tôi, không son phấn, mặc toàn lụa đen, dáng bơ phờ. Ngưng làm việc, tôi chờ hỏi tiếp nhưng chị cứ lặng thinh thờ thẩn như giữa chốn không người, chỉ có đôi mắt sống động sắc lạnh ngầm trách tôi điều gì đó mà tôi phạm phải từ lâu. Là người trong cuộc, sao tôi chọn lấy thế đứng bàng quan - dửng dưng trước chị, hững hờ với anh ấy và an nhiên dưới một mái nhà quá tải! Quả thật, tôi đã lờ mờ một cái gì không phải đạo ngay khi anh ta bắt tay từ biệt. Nhưng, nếu mặn nồng níu kéo, hoặc một cách đối xử tương tự khác, tôi biết phải ăn nói làm sao với chồng chị - người tôi mang ơn và kính mến, đó là chưa tính đến mấy đứa cháu mà tôi không bao giờ muốn chúng ở dưới mây mù và nhiễm lạnh tình cảm.
- Anh ấy có nói gì với em không? - Sau một lúc im lặng, chị hỏi gần như tra xét.
Tôi đưa chị qua phòng khách, cài chặt cánh cửa thông sang gian bên. Chị gieo mình xuống chiếc ghế nệm rồi ôm mặt run rẩy. Tôi pha trà cho chị, tay lóng cóng, nước tràn lan mặt bàn và cái tách rơi vỡ toang. Chị ngước mắt nhìn lên:
- Thì ra anh ấy còn sống! Chị nói, đưa tay gạt một giọt nước mắt trào qua mi.
- Vậy chị nghĩ anh chết tự năm nào?
Chị mím môi, nghiến nhẹ một vật gì, nuốt xuống khó nhọc. Trước mắt tôi trồi lên một nấm mồ giấy.
- Không hẳn như thế. Dẫu cái tin dữ ấy do đâu mà mẹ nói ra, chị vẫn chưa bao giờ tin anh ta chết. Cõi đời tối tăm bí ẩn! Chị chớp mắt, bồi hồi - Nói cho đúng, trong khốn quẫn, chị đã tin theo giả tưởng để trấn an mình trước phù hoa của số phận. Rồi, như một kẻ lỡ tay giết người, chị cố đùa cái xác nạn nhân vào tận cùng sâu thẳm của tuổi thanh xuân. Thế mà nay...
Chị úp mặt vào hai tay, khóc không thành tiếng. Tôi cảm thấy lạnh lên khắp người mình. Tiết thanh minh đã qua lâu, trời đang vào hạ, nắng sớm chấp chới trong vườn. Nhưng chúng tôi như ở riêng một không gian u tối, sụt sùi, rờn rợn muốn theo âm khí trên đường tảo mộ.
- Tại sao chị biết anh ta đến em? - Tôi tra xét lại chị, dò tìm đường đi của thần giao cách cảm.
- Thì chiều kia anh đến chị. Và ngày xưa em là cánh chim xanh bay lượn khoảng giữa chúng tôi - Giọng chị trở nên bức bối - Do đâu anh biết rõ nhà và đến đúng lúc chồng chị vừa đi làm về. Thoạt nghe tiếng, tâm thân chị rối tung cả lên. Chưa kịp trấn tĩnh, chồng chị đã gọi ra. Có lẽ ông ta cũng không tránh khỏi lúng túng khi phải đối mặt với một người khách từ gió bụi cuốn về.
- Họ đã nói gì với nhau? - Tôi muốn lần bắt điểm nóng.
- Chị không biết! - Mới nghe khó tin nhưng chị tỏ ra thành khẩn - Trong khi thay vội chiếc áo chị có nghe nhưng không nhớ gì hết, chỉ biết rằng chồng chị đưa anh vào nhà. Và chị bước ra như cái xác khô. Rồi, ngu ngốc làm sao, vừa giáp mặt chị vụt quay trở lại. Xin lỗi, tôi không quen ông - Con bé Phương ngày xưa thức dậy đã ngăn không cho chị nói như thế với anh ấy trước mặt chồng.
Tôi bực tức khi nghe chị bày tỏ ý đồ trắc trở dẫu cho bóng tối chưa phủ khuất mặt ai. Tôi nói:
- Hai mươi năm, anh ta chẳng thay đổi bao nhiêu.
- Chỉ có khác râu tóc của người thượng cổ, ánh mắt man dại và quanh anh đầy bóng tối. Nhưng chị trốn chạy không phải vì các thứ nhiễu dạng ấy. Chị ra sức đối kháng với lực hút mơ hồ - Bất chợt chị im bặt, cúi nhìn khoảng không trước mặt. Tôi đặt tách trà vào tay, chị cầm lấy nhưng không màng uống - Em biết không - Chị trả tách trà lại - được mấy bước chị thối trở ra, gầm mặt đi thẳng tới và đứng sững. Chị biết chồng nhìn mình như một con điên nhưng chị có còn tình nữa đâu. Người nóng bừng lên, chị cảm thấy mình rụi tàn vào lửa. Tôi là Biên đây - Anh ta nói khẽ, vừa đủ cho chị nghe. Và chị từ tro than trở lại, máu qua tim non rộn rã tưởng chừng át hẳn mọi thứ thanh âm ngoài trời. Giá như không có mặt chồng, giá như không có chiếc roi nhung cán vàng của mẹ treo lơ lửng đâu đó, giá như những danh vang theo về với những ngôi mộ cổ âm thầm, chị đã ôm lấy cái hình hài đắng cay ấy mà khóc cho thỏa thích. Chị dày vò và xé tung anh ra từng mảnh cho hả căm ngày tháng cứ căng đợi chờ đến tuyệt vọng. Đến hồi đền thiêng mở cửa, chị quỳ xuống xin tha thứ và đuổi anh đi về lại với cõi âm.
Bỗng dưng tôi cười thành tiếng khiến chị sửng sốt, nhìn xoáy vào tôi:
- Em đùa được với chị lúc này?
- Không.
- Em khinh chị?
- Không - Lấy tư thế ngang tầm, tôi nói - Em không đùa không khinh. Nhưng em vừa nhận ra bao giờ chị cũng bất công với anh Biên. Một thời, mẹ, chị và em - mỗi người theo cách riêng của mình, đã mặc nhiên chà đạp lên anh ấy.
- Chị không hiểu em muốn nói gì?
- Tại sao chị không chịu hiểu một điều hiển nhiên? - Tôi nói chậm lại - Này, khởi đầu là mẹ thay đổi cư trú, đưa gia đình đến một nơi xa cả ngàn cây số. Mẹ làm việc gì cũng lặng lẽ xuyên suốt, phăng thẳng như con tàu trên đường ray chẳng bao giờ nghĩ tưởng số phận của ai dưới bánh xe lăn, miễn sao chất đầy gói trọn tư trang châu thân đời mình. Rồi đến chị, yêu người mà kín bưng ngạo nghễ, khép chặt cánh cửa trinh nguyên không hé một lời từ biệt, không rơi một sợi tóc trên đường đi. Chị cho như thế là bảo tồn phẩm tiết, là không hạ giá giòng dõi cao sang nhưng có biết đâu chỉ để thỏa mãn cái tính kiêu kỳ của một người con gái có bao chàng dâng hoa và sẵn sàng quỳ gối ngợi ca nhan sắc. Chị hóa ra mù tình!
Mặt chị tái mét, tôi ngừng nói.
- Ngày ấy anh Biên và chị đang hờn nhau vì một chuyện cỏn con - Chị chống chế.
Nhưng tôi không tin. Về sau chị mới bịa ra như thế và chị vuốt ve cái ngụy tín ấy cho đến hôm nay, tôi thầm nghĩ rồi nói tiếp:
- Còn em - Không ngờ tôi dành lại viên đạn sau cùng để xử mình, chị kinh ngạc mở lớn đôi mắt nhìn tội nhân. Tôi đặt một tay lên ngực mình - Chính em đây, mấy năm sau có nhận được thư anh ấy lúc đang đóng quân ở một tiền đồn heo hút, em đã khuyên anh hãy quên quá khứ, nói cho đúng, em muốn thả rơi anh trong đời mình. Thế mà anh cứ viết đều đặn cho em như một người bơi theo chiếc phao trên biển cả. Và thư nào em cũng cố tình giấu bặt tông tích chị bằng cách viện cớ đời lính nay đây mai đó, địa chỉ ngoài bì thì thay đổi luôn bảo là mượn số nhà của bạn không mấy thân thiết. Hồi đó, em nghĩ làm như vậy là cách khôn ngoan nhất để bảo tồn gia đạo và giữ vững an vui cho người thân.
Chị Phương vụt thoát ra khỏi vẻ đau xót:
- Em thử nhớ lại xem dạo đó là năm nào?
- Năm nào còn phải rà xét lại - Tôi bước đến kệ sách cầm lấy quyển album mở ra đặt xuống trước mặt chị - Nhưng em nhớ vào khoảng sau lễ hỏi và trước ngày cưới của chị - Đôi mắt chị đờ đẫn lướt qua từng tấm ảnh màu sặc sỡ nhưng tôi biết chừng đó cũng đủ cho chị nhớ lại ngày tháng pháo đỏ rượu nồng và các thứ tưng bừng khác. Đợi đến lúc chị gấp album lại, tôi nói tiếp - Đó là mùa hoa trong đời một người con gái nên em ra sức ngăn chặn mọi chấn động nhiễu loạn để chị có được bình yên trong lựa chọn.
- Chị lựa chọn thực à? - Chị nhếch mép cười chua xót rồi hạ thấp giọng - Hình như chị mất mình từ khi sinh ra và sống theo vết mòn.
- Em xin lỗi chị.
Chị Phương vật mình ra ghế. Viên đạn tôi tự xử tôi vẫn trúng thương qua chị. Tôi hối hận, đứng im. Nhưng ngay khi ấy, tôi nhận ra người tôi có khác gì chị. Mười lăm năm trước tôi đã sai lầm và mới hôm qua tôi lại đi tiếp con đường ấy bằng những bước chân vụng về hơn nữa.
- Chị còn muốn nghe không...? - Chị gật đầu. Tôi nói như một người xưng tội - Cũng vào giờ này, anh Biên đến đây, ngồi xuống chiếc ghế mà chị đang ngồi. Em mời thuốc, anh châm một điếu và để ngay xuống gạt tàn rồi đưa mắt thẫn thờ ngắm những nụ hồng ngoài kia. Mẹ có ra chào khách, vấn an sức khỏe thăm hỏi gia đình một cách chiếu lệ.
- Anh ta đã có vợ chưa? - Chị ngắt lời tôi, ngồi thẳng lên.
Biết nói với chị thế nào cho đúng nghĩa! Tôi ngần ngại một lúc.
- Anh đã đi qua một số cuộc tình phù du bằng số tuổi của anh bây giờ. Và mới đây, ly dị người vợ thứ ba - Chị cau mặt - Đó là những con số làm mẹ kinh hoàng nhưng em tin có thực. Anh tự nhận những lần rã đám chia đàn bao giờ lỗi lầm cũng do anh. Không có hoa nào vui với xác bướm lâu dài. Chị đã vét sạch của anh để trang trí đời mình, bất hạnh cho người đến sau như đi vào ngôi nhà trống. Cái tội của anh là chỉ có một con tim và dám thách thức với số phận để không dối người.
- Chị muốn theo bước trở về của anh ấy kia mà?
Tôi chợt tỉnh:
-... Mẹ hững hờ rút lui. Liền khi ấy, anh vuốt mặt đứng lên bắt tay em, bước nhanh ra cửa. Em bàng hoàng hụt hẫng. Khi nhận ra mình phải làm gì, anh ta đã biến mất vào dòng người trên đường phố. Nhiều lần trong một ngày qua em tự hỏi có thực anh ta trở về hay mình chịu một cái bóng đè đang lúc thức.
Nắng đã ra tới hiên.
Chị Phương im lìm ngã mình như một tấm lụa đen vắt lên thành ghế, đôi mắt mệt mỏi khép hờ. Ngoài kia, những cành hồng bỗng dưng rũ rượi úa sẫm sắc lá, những đám mây bạc ánh theo nhau bay về phía núi như trốn chạy biển khơi. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh chị, nhẹ tay kéo quyển album lại, bắt đầu giở ra từng trang. Đây là nội tôi, tấm ảnh nhiều lần được in trong sách sử, uy nghi đường bệ. Đây là cha tôi, tài hoa mệnh yểu, sớm để lại chị em tôi thơ dại bên cạnh mẹ góa chưa tàn sắc. Mẹ rất mực đoan trang và hết lòng yêu con, thầm lặng hy sinh hết thảy vì chúng tôi. Còn đây là chị tôi và tôi thuở nhỏ, mẹ thường ví như hai thiên thần bé bỏng. Ước mơ của mẹ từ đó. Nhưng tôi rất ngán đường bay, chiến tranh đưa đến cho tôi trận mạc thương tích tủi nhục và lao tù. Còn chị Phương, sao chiếu mệnh sáng chói từ giờ sinh ra, chị vươn tới vinh hoa và hạnh phúc. Một tấm chồng khoa bảng cao sang quyền quý. Một ngôi nhà tầng ở trung tâm thành phố lớn đầy đủ tiện nghi. Một đàn con ba đứa đủ trai đủ gái đẹp và ngoan. Người đời thèm khát bức tranh hoa mỹ ấy. Mẹ và tôi nhiều buổi thỏa thích tâm sự và thầm lặng hãnh diện... Nhưng giờ thì... bức tranh bỗng dưng vô hồn, hình như chỉ được bóng sơn tốt vải chắc khung mà nét cơ bản không thực. Một bức tranh giá đời rất cao nhưng giá người quá thấp!
- Dậy mà đi đi em! Chị Phương hét lên, vụt rời khỏi ghế, dáo dác nhìn ra bên ngoài cửa sổ.
- Chị bảo em đi đâu?
- Chị không biết - Chị nói như năm mới lên mười - Ít ra em cũng giả bộ đi tìm anh Biên như một trò chơi ngày xưa trong vườn nội.
Trước ánh mắt thành khẩn của chị, tôi đứng dậy cầm mũ bước qua cửa. Đi đâu? Ra tới phố, tôi tự hỏi và nhận biết mình đang ngơ ngẩn ở một ngã ba đường. Không nơi nào cho tôi đến trong một tình huống như thế này...
Khi tôi trở về, trong vườn những cành hồng héo úa như hình móc câu dưới ánh nắng ngũ sắc, mẹ tôi đứng đợi ngoài hiên tóc bạc trắng như sương, chị Phương hôn mê trong chiếc ghế đặt ngay vị trí nhìn ra cửa sổ. Có lẽ, chị đang bơi ngược dòng số mệnh phù hoa. Còn anh Biên? Một lần tôi đã hợp đồng cùng mẹ đưa anh về cõi chết, nay đang ly cách ở một thế giới nào đó...
Kontum, 12-8-1992
T.D.P
(TCSH53/01&2-1993)