Truyện ngắn
Giếng trăng
14:52 | 31/08/2023

DƯƠNG THÀNH VŨ
      truyện ngắn dự thi 1993

Học hết bậc tiểu học trường làng tôi lên phố học tiếp, thi thoảng có phương việc chạp giỗ mới về.

Giếng trăng
Minh họa: Phạm Đại

Năm tôi học lớp Đệ tứ (tức lớp 9 bây giờ) chiến tranh bắt đầu lan rộng, gia đình tôi lãnh nguyên trái bom nửa tấn. Cha, mẹ, em trai, em gái, cùng cái nhà rường bằng gỗ kiền kiền đen bóng, truyền từ đời ông cố nội tôi, biến mất hút dưới cái hố sâu hoắm. Tôi trở thành kẻ tứ cố vô thân, từ đó càng ít trở về làng. Cũng từ đó cuộc sống cuốn tôi phiêu bạt xa dần nơi chôn nhau cắt rốn. Quê nhà trong ký ức của tôi là bếp lửa thơm mùi rơm khô, là những chiều trốn học đi tát cá bẫy chim ngoài đồng nội, là tiếng trống xao động lá vông đồng vàng trên sân trường mùa thu, là mái đình làng có hai con rồng uốn cong dưới bầu trời khoáng đãng, là tiếng ve râm ran dưới bóng mát khu vườn ấu thơ vào một mùa hè thanh bình xa lắc, là tiếng hò ru em vừa cay cực vừa nhân hậu, là những bữa cơm đầm ấm dưới mái gia đình... Năm 1982 tôi mới trở về quê cũ.

Làng tôi vốn là một miền quê trù phú. Với bàn tay cần mãn và óc cầu thị của dân làng, đất làng dù nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh cày qua xới lại nhiều phen, lúa vẫn hai mùa tươi tốt, vườn tược vẫn đầy hoa trái thơm lành. Dấu tích ý đồ điện khí hóa nông thôn một cách duy ý chí trước đây còn để lại những cột điện bê tông bị chiến tranh chém gãy ngang lưng, trơ cốt thép ra với đất trời nhân thế. Những mảng nhựa đường nằm bên những ổ gà trơ nền đá hộc của con đường nối từ quốc lộ I dẫn vào làng, nhắc ta nhớ lại cái thời nó được rải nhựa phẳng phiu.

Nhờ trời, tôi có được một ông chú đi tập kết về làm phó chủ tịch kiêm công an xã, nên tôi không bị rắc rối như những kẻ đồng cảnh ngộ, ngược lại còn được phép mở quán sửa xe đạp sống qua ngày. Chú tôi còn hứa nếu tôi “phấn đấu tốt” ông sẽ nhập hộ khẩu và cho làm cán bộ thống tin xã. Tôi không khoái làm cán bộ lắm, chỉ ậm ừ cho chú tôi khỏi giận.

Quán mở cạnh đường cái, thường vắng khách, bên kia là con hói nhỏ quanh năm nước đục ngầu nổi váng phèn ngũ sắc, chảy lờ đờ. Đêm khuya thanh vắng, tiếng chuông chùa ngân lên lẫn trong tiếng những con chó sủa trăng nghe não nuột.

Chú tôi ít mặn mà với tôi còn tôi cũng không khoái gặp ông để nghe những bài học chính trị ngô nghê từ nhận thức của một ông cán bộ thất học. Tôi cũng không dám đem sách vở ra tranh luận với ông sợ ông nổi xung lên rồi qui kết chống lại nhân dân thì nguy.

Biết tôi là cán bộ một phòng của công ty bề thế, chỉ do “đấu tranh cực đoan” - theo ngôn ngữ của ông - mà phải bỏ về quê không mảnh giấy, ngoài cái chứng minh nhân dân, ông cáu lắm:

- Cha mi nuôi cho mi ăn học đàng hoàng mà mi ngu quá - ông nói - Ai làm chi không đụng chạm tới quyền lợi cá nhân mình thì thôi, làm răng mi chống nổi lãnh đạo, mi thấy cả cái tập thể nhân dân trong xã ni có dám chống lại tau không? Một mình mi có đúng mười mươi thì đối với tổ chức cũng chẳng có nghĩa lý chi cả. Tập thể sống được thì mình sống được, thời buổi ni xin đi làm công nhân nhà nước để thoát khỏi cái anh xã viên còn khó, nói chi là cán bộ phụ trách. Sướng không ưa sướng lại ưa khổ. Với lại gia đình mình có truyền thống cách mạng, mi làm tau cũng nhơ nhuốc theo...

Thời phong kiến, bọn quan lại cũng không muốn con cháu mình làm dân thường như chú tôi. Với ông, kiếm được cái biên chế để được nhà nước bao cấp suốt đời là mục tiêu duy nhất của mọi người trong chế độ này. Với tôi, tôi chưa bao giờ coi cơ quan nhà nước là một trại cứu tế. Hồi chú tôi theo kháng chiến cũng như hồi tôi xuống đường trong phong trào sinh viên học sinh tranh đấu, chắc hẳn không vì mục đích được làm “quan cách mạng” hay được nhà nước bao cấp suốt đời.

Về đây tôi chỉ mong được yên thân. Ngoài công việc sửa xe kiếm sống hàng ngày, tôi ít giao du với ai, tránh xa những cuộc tranh cãi luận bàn thế sự. Lúc rảnh đọc sách, đánh cờ, đi câu cá hoặc viết lách lăng nhăng.

Rồi mùa hè đến. Khoảng mươi cô cậu người làng vừa tốt nghiệp trường sư phạm về quê chờ phân bổ công tác, nghe đồn tôi là một “ẩn sĩ” liền kéo đến quán sửa xe lân la kết thân. Các “kỹ sư tâm hồn” mới ra lò ấy rất khoái chuyện đời do tôi kể.

Có lần trong cuộc vui, cánh thầy giáo giới thiệu cho tôi một bạn học cũ, do thi rớt đại học nên ở nhà luôn. Cậu ta tên là Hoàng Thiên Lâm (cái tên nghe đầy cao vọng, chắc do ông già xưa đặt cho).

Câu chuyện của Hoàng Thiên Lâm xứng đáng làm cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết diễm tình hay tuồng cải lương mùi mẫn:

Vào một đêm trăng sáng bên giếng làng, Lâm tán tỉnh được cô nàng Thanh (tên cúng cơm là Nguyễn Thị Địu) ở làng bên - bên kia con hói - thuộc loại hoa khôi của xã. Cái giếng làng này từng xe duyên cho bao đôi lứa qua nhiều thế hệ. Có cặp nên đôi, có đôi gãy cánh, nhưng chưa có cặp tình nhân nào yêu nhau nồng thắm quyết liệt, bất chấp cả gia đình và chính quyền như Lâm và Thanh. Nhất là trong thời buổi đói kém chạy cho ra cái ăn đã xanh mặt, ít ai dám bạo gan làm trái ý cán bộ xã, trai gái hẹn hò nhau ban đêm dễ bị du kích trói gô đem về nộp cho chú tôi.

Lâm là con một nhà giàu. Thanh cũng là con một nhưng sinh ra trong gia đình bần cùng. Dân làng, ngoại trừ số ít người (trong đó có ba Lâm), không ai đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối. Khi những chiếc máy đa dụng tiến vào đồng ruộng thay cho sức người sức trâu, khi những chàng học trò nghèo có thể làm nên danh phận rỡ ràng, khi sách báo phim ảnh bênh vực cho tình yêu tự do được phổ biến rộng rãi, và nhất là khi chính quyền cách mạng được thiết lập thì quan niệm cổ hủ về hôn nhân bị lung lay tận gốc rễ. Dân làng chỉ ngại một điều: Xưa nay gái làng kia không thể về làm dâu làng này được, vì ngạch đất hai làng xung khắc nhau ở cung tình duyên. Chẳng ai chứng minh có thật vì “cái ngạch đất” mà bao cặp uyên ương đành gãy cánh, nhưng cũng không có chính quyền nào có thể làm suy suyển niềm tin tư biện kia. Có một sự thật hiển nhiên là làng bên này con hói có rất nhiều người làm quan to cả bên “quốc gia” lẫn bên cách mạng, còn làng bên kia con hói thì có người mới leo lên được quan hai (trung úy) là đã chết trận. Tình duyên trắc trở của Lâm và Thanh thêm một bằng chứng sống nữa cho lòng tin dân làng. Hồi mới giải phóng, chú tôi cũng kiên quyết xóa đi sự mê tín ấy, nhưng dần dà những tập quán, tín ngưỡng ăn sâu từ bao đời trong lũy tre làng sống dậy nơi tâm hồn con người sinh ra và lớn lên ở đó, lặng lẽ đánh bật quan điểm vô thần (đối với chú tôi cũng chỉ là niềm tin tự biện) ra khỏi tư duy của ông. Có điều chú tôi khôn lắm, ông biết cách chứng tỏ “lập trường duy vật” của mình trước đám dân làng ưa xoi mói, lý sự nhưng lại cầu an.

Mẹ con Thanh không phải là loại nhác nhớm vụng về tay chân, cả hai đều miệng bằng tay tay bằng miệng, chỉ có cái tội là vụng tính nên làm được ngã trước tiền của chạy liền ngã sau. Làm đồng nào xào đồng nấy, không biết giành giụm tích lũy, tới lúc chẹt chân hả miệng thì tới vay tiền góp nhà giàu, vay tám chục góp mười ngày một trăm, không có mười đồng góp từng ngày thì phải vay mỗi tiền góp khác, nợ mẹ đẻ nợ con, chỉ nuôi lãi nhà giàu còn hơn nuôi thêm hai ba miệng ăn không ngồi rồi trong nhà. Thành thử miệng bằng tay tay bằng miệng mà cứ mạt. Người trong làng gọi đó là kiểu sống “đoản hậu”.

Ba của Lâm thì khác hẳn. Từ một anh lính “quốc gia” bị què chân được giải ngũ về quê với số vốn ít ỏi, cha mẹ đã mất, bà con cô bác góp miệng thì ai cũng sẵn lòng nhưng góp của thì không. Ba Lâm nghiên cứu kỹ, thấy mở quán sửa xe là ngon ăn nhất. Trong làng người ta đều biết ba Lâm là thợ “trời sinh”, nhưng được cái ông ham học hỏi, cần cù kỹ lưỡng và khéo tay, nên chẳng bao lâu một anh thợ khác trong làng (thợ thứ thiệt có học nghề hẳn hoi) đành phải chuyển ra đường quốc lộ I để hành nghề. Từ khi ra khỏi lính không còn kiếp sống rày chết mai, ba Lâm bỏ thuốc bỏ cà phê bỏ rượu, chí thú làm ăn. Trời chẳng phụ lòng người, chẳng bao lâu ba Lâm phất lên như diều gặp gió, ông mua xe đạp cũ về sửa lại cho thuê giờ (hồi nhỏ tôi cũng từng thuê xe đạp của ông một giờ một đồng để tập đi). Rồi ông nhắm mẹ Lâm, cô gái đẹp nhất làng, con nhà nghèo nhưng nết na sắc sảo. Khi có số vốn kha khá, ông mua máy nước chạy dầu cặn (diezel) về cạnh tranh với những máy chạy bằng than tưới nước cho ruộng, đang hoạt động trong làng; rồi ông mua máy cày cày thuê; đặt máy xay xát gạo. Đến lúc có được cơ ngơi đồ sộ như thế ông mới tính chuyện hưởng thụ, cải lương xi-nê, chiều thứ bảy đi ăn thịt dê bảy món dưới phố.

Tạo hóa phú cho ông khả năng sử dụng đồng tiền một cách mẫn cảm. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” lần hồi ông biết cách len lỏi vào kẽ hở của nhà nước để làm ăn. Và trong lúc phần đông người trong làng phải treo xe đạp lên phên nhà vì không có tiền sửa thì ông vẫn ngự lên yên xe vespa mỗi lần xuống phố.

Khi biết Làm có quan hệ tình cảm với Thanh, ba Lâm bảo:

- Mi ưa chi cái thứ khố rách áo ôm đó? Với lại trông cặp mắt sắc như dao lam của con đó thì không buôn chồng người cũng lấy trai. Mua heo xem nái mua gái xem tông, cái tông đường con Địu thì cả làng cả xã này ai không biết!

- Ba thì khi mô cũng tướng số với tông đường - Lâm cãi - Quan niệm vợ chồng thế hệ tui còn mô có giống thế hệ của ba. Con gần gũi Thanh con hiểu Thanh hơn ba hiểu. Tụi con đã trưởng thành rồi, ba cho con tự do quyết định đời mình.

Ba Lâm khoát tay:

- Đừng dài dòng lôi thôi. Tau không ưa là không ưa. Tau cho mi ăn học không phải để bất hiếu với cha mẹ, mình là con nhà gia giáo, giấy rách còn giữ lấy lề huống chi gia đình mình chưa suy vi đến nỗi con cãi lời cha. Tau nói như đinh đóng cột, gia đình này không chấp nhận con đó làm dâu.

Thuyết phục ông không xong, Lâm dẫn Thanh ra ủy ban xã xin đăng ký kết hôn theo pháp luật hiện hành, chẳng cần cưới hỏi theo tập tục. Nhưng xã không cho đăng ký. Lâm thắc mắc thì chú tôi tuyên bố:

- Ba mi nói với tau đừng cho hai đứa bây đăng ký. Tau hứa với ông rồi!

Vốn là thanh niên có học, lại là đoàn viên thanh niên, Lâm lý sự:

- Luật hôn nhân gia đình qui định...

Chú tôi xua tay:

- Ở đây chỉ có tau qui định. Tau báo trước, chính quyền đã không cho đăng ký mà hai đứa bây lén lút ăn ở với nhau là tau cho đi cải tạo liền!

Lâm chưa chịu thua:

- Cháu nghĩ rằng chính quyền ta phải ủng hộ cái tiến bộ chống lại cái lạc hậu phong kiến...

Chú tôi lại xua tay:

- Mi khỏi dạy chính trị cho tau, tau đi làm cách mạng từ khi cha mi còn thò lò mũi xanh... - ngừng một chút để suy nghĩ, ông nói tiếp - Thằng địch cãi còn chưa lại tau chứ đồ cái thứ tụi bây trứng đòi khôn hơn vịt. Mi nên nghe lời cha mi thì sướng cái thân.

Lâm cầu cứu tổ chức Đoàn thanh niên. Tay bí thư lắc đầu cười cười:

- Các ông đã quyết thì trời cũng chịu!

Túng thế cô cậu dẫn vào “đất thánh miền Nam” xây tổ uyên ương. Đi lòng vòng đâu được bảy tháng mấy ngày, cô cậu lóp ngóp xách bị rỗng về làng, mặt cắt không ra hột máu, xấc bất xan ban như chạy giặc về. Duy cái bụng của Thanh thì đã phình lên.

Lâm liều mạng trình diện ông già xin chịu tội, đồng thời đặt ông trước một việc đã rồi. Lâm nghĩ dù sao ông cũng không thể bỏ rơi đứa cháu đích tôn trong bụng Thanh. Nhưng ông bảo:

- Cho hắn ít tiền sinh nở rồi bồng con về, còn mi ở đây tau lo vợ con ở chỗ đàng hoàng. Thiếu chi con gái đẹp, chỉ sợ không có tiền.

Nhưng thưa, đâu dễ quên nhau, dẫu cho tơ tóc nát nhầu gió mưa. Cô cậu bằng lòng trả giá cho tình yêu tự do: Từ bỏ gia đình, chấp nhận tai họa giáng xuống từ mọi phía, kéo nhau ra cư ngụ ở đình làng. Lâm cuốc thuê làm mướn, Thanh buôn bán vặt ở chợ để nuôi nhau. Cũng may chú tôi chưa thể “quốc hữu hóa” mọi sự nên Lâm và Thanh còn đất sống, đất làm ăn. Gần tới ngày Thanh sinh nở mẹ Thanh liền gọi hai người về nhà mình. Có lẽ bà không nỡ để con gái mình sinh đẻ ở đầu đình xó chợ. Bà nói:

- Ai ăn ở không phải thì có trời, hai đứa bây cứ về nhà mà ở, no cùng no đói cùng đói. Ai nói chi mặc kệ miệng lưỡi thế gian.

Khi đám thầy giáo giới thiệu Lâm làm quen với tôi thì Thanh đã sinh được chú bé bảy tháng rất kháu khỉnh. Ba Lâm thì vẫn cương quyết không đón con dâu dẫn cháu đích tôn về nhà mình. Tình cảnh vợ chồng Lâm thật là bi đát. Thanh buôn bán không dễ dàng như xưa vì ngay ở cổng chợ, xã cho kẻ cái khẩu hiệu to đùng “Bớt chợ thêm đồng thâm canh tăng vụ”, mà đồng ruộng thì ngay cả xã viên còn khó nhai huống chi vợ chồng Lâm là người đã bị gạch tên khỏi số nhân khẩu từ dạo trốn vô Nam. Đó là chưa kể tới những thế lực vô hình lẫn hữu hình thường xuyên đè nặng lên hạnh phúc mong manh của họ. Thiên hạ đoán già đoán non thế nào Lâm cũng phải đầu hàng số mệnh hoặc mẹ con Thanh cũng không còn kiên nhẫn. Dân làng càng tin vào sự linh ứng của thế lực vô hình. Và có lẽ chú tôi và ba Lâm càng tin cuối cùng thắng lợi sẽ về phía họ. Hình như cả trời đất lẫn lòng dạ con người đều không muốn điều quen thuộc bị phá vỡ.

* * *

Mùa hè đã qua. Tốp giáo viên dù có bằng lòng với sự phân công của tổ chức hay không thì cũng đã lên đường đi nhận nhiệm vụ. Chẳng ai cả gan bỏ bục dạy để nhận cái chân xã viên hợp tác. Tôi trở lại cuộc sống đơn độc của mình và cũng không còn lưu tâm tới thiên tình sử của Lâm và Thanh. Dù đối với tôi, tình yêu của hai người là sự đúc kết ước mơ đẹp nhất từ ngàn xưa tới nay của dân làng. Nhưng người ta còn phải sống với hiện thực nữa.

Họ hàng tôi người thì chết kẻ thì phiêu linh xa xứ, chỉ hai chú cháu tôi còn lại trong làng. Chú tôi (vừa trúng bí thư xã trong đại hội vừa rồi) không thể bỏ tôi và tôi không thể thọc gậy bánh xe vào công chuyện của ông. Người làng cũng nhìn tôi bằng cặp mắt e dè, chẳng ai dại dột phơi lòng tỏ dạ với cháu ruột của bí thư. Ngay cả Lâm, Lâm cũng dè dặt khi nói với chú tôi trước mặt tôi. Tôi tự nhủ, như thế cũng hay. Thời gian gần đây Lâm không ghé lại chỗ tôi nữa, vì chiếc xe đạp của cô nàng Thanh đã bán. Nhưng Lâm vẫn không quên tôi.

* * *

Một buổi xế chiều tôi đang đóng cửa quán thì Hoàng Thiên Lâm tới rủ đi uống cà phê. Tôi hơi ngạc nhiên trước sự hào phóng của anh chàng từ lâu không còn biết tới cà phê thuốc lá, ngay cả những đám cưới bạn bè Lâm cũng tránh vì không có tiền mua quà mừng. Cả Thanh cũng thế, vốn là cô gái xinh đẹp đỏm dáng nhưng đã sớm thành một thiếu phụ lam lũ vì chồng con. Tuy vậy nhan sắc nàng vẫn rực rỡ đúng với câu ca “gái một con trông mòn con mắt”. Nhiều anh cán bộ hãnh tiến, lắm kẻ mới phất còn độc thân ở trong làng ngoài huyện đã để mắt gấm ghé tán tỉnh cô nàng có anh chồng công tử đang biến thành anh nông dân vai u thịt bắp thô kệch lại chẳng có đám cưới đám hỏi hay giấy tờ kết hôn với nhau. Nhưng Thanh chưởi thẳng thừng vào những lời ong bướm kèm theo những miếng mồi vật chất. Dẫu rằng, lắm khi cả hai vợ chồng phải nhịn đói. Đôi lần nhìn con quá thiếu thốn, Thanh nói với chồng liều quá xin ông nội một ít tiền, cháu của ông ăn chứ phải hai vợ chồng ăn đâu. Nhưng Lâm từ chối, anh ta nói: “Con mình không còn là cháu nội của ai nữa”. Thấy chồng quá cương quyết Thanh cũng không ép. Hai vợ chồng đều hy vọng tới một ngày nào đó tình thế sẽ đổi thay. Mẹ của Thanh thì vẫn giữ im lặng, có lẽ bà vẫn ngại “miệng lưỡi thế gian”, chứ không phải mặc kệ người đời.

Thời gian gần đây nghe làng nước xì xào mẹ con Thanh bắt đầu đối xử tàn tệ với Lâm. Theo “miệng lưỡi thế gian” thì mẹ con nhà Nguyễn Thị Địu thấy khó nuốt trôi cái gia sản của ba Lâm nên trở mặt. Trò vờ vịt yêu thương rộng lòng tốt dạ không đánh lừa nổi con mắt tinh đời của ba Lâm nên mẹ con nhà Địu hạ màn lột mặt nạ. Chỉ có Lâm là càng ngày càng đắm say vợ. Người ta đồn khi Lâm mới quen Thanh, hai mẹ con đã toa rập cho Lâm uống bùa mê thuốc lú nên tâm thần Lâm trở nên mê mẩn. Người ta còn kháo ầm lên, Thanh vừa cặp bồ với tay lái xe bồn để theo tay này đi buôn đường dài. Tôi cũng định bụng nếu gặp Lâm sẽ hỏi cho rõ thực hư.

Quán cà phê duy nhất trong làng do một ông cán bộ hưu trí làm chủ, nằm cạnh ngã ba đường rẽ ra quốc lộ, trông tồi tàn dơ bẩn, đầy ắp các thứ âm thanh bị biến dạng do cái máy cassette quá tã, cứ léo nhéo chưởi vào tai người ta chứ không phải là hát. Thanh niên thời nay ít được giáo dục về thẩm mỹ nên không tỏ ra khó tính với nghệ thuật, thanh niên ở nông thôn thị hiếu càng dễ dãi và dung tục hơn. Các chú choai choai trong làng cũng không ghiền cà phê, họ tụ tập ở đây để tán dóc, chơi bài, đấu cờ... vì chẳng có trò giải trí nào khác. Không biết sao, chú tôi thường gào thét: “Mặt trận văn hóa tư tưởng là mặt trận hàng đầu” nhưng ông chẳng cho lập một thư viện hay phòng đọc báo - tất nhiên ít tốn kém hơn một cuộc liên hoan và xã hoàn toàn có khả năng làm được nếu muốn, - phim ảnh thì vài tháng mới chiếu một lần, sân khấu càng hiếm hơn (chú tôi không muốn bà con thức đêm coi hát vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe làm giảm năng suất lao động), còn phong trào thể dục thể thao do chú tôi phát động rầm rộ đều được ít bữa rồi xẹp xuống như trái banh xì hết hơi vất lăn lóc trong kho văn hóa thông tin xã.

Tôi vốn ghiền trà hơn là cà phê. Thứ cà phê bán ở đây thì càng làm cho tôi xa lánh. Có trời mà biết bọn bất lương tạo ra thứ bột màu nâu mà ta gọi là cà phê bằng thứ nguyên liệu gì. Khó mà gọi cái thứ nước đắng nghét, hăng hắc, nhấp vào muốn nôn mửa là cà phê, dù nó được bán trong quán cà phê. Vì vậy, khi nể lời ai phải ra đây, tôi chỉ gọi một ấm trà ngon rồi đem vài cái ghế ra tít ở góc vườn, dưới rặng tre xào xạc gió lay động những đốm nắng, để thưởng thức hương vị của đồng quê, tránh xa cái không khí nhốn nháo của thứ “đô thị hóa” nửa mùa ở trong quán.

Lúc tôi và Lâm bước đến thì chiếc loa thùng bịt bằng bao bố đặt ngay cửa quán đang léo nhéo lời tình ca sướt mướt, nói về tâm sự của một anh chàng vô tích sự nào đó dường như được sinh ra cõi đời này mà sầu thảm và thất tình. Đây là loại nhạc dành cho giới bình dân được sáng tác ở miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ban đầu bị cấm gắt gao và nhiều người cũng đã bị chú tôi tống giam vì cái loại nhạc này. Nhưng dần dà nó được tái sinh bởi nhiều lẽ tế nhị (chính chú tôi cũng mê loại nhạc này).

Một tốp thanh niên xúm xít quanh chiếc bàn để sâu trong góc quán, được chiếu sáng bằng ngọn đèn dầu. Tất cả đang chú tâm vào ván cờ domino đang hồi quyết liệt. Một tay thanh niên tóc dài chấm vai, hành nghề buôn đường dài theo tàu Thống Nhất, chợt ngẩng lên nhìn thấy Lâm. Hắn đưa bàn tay nắm lấy mấy quân cờ lên chào Lâm và châm chọc:

- Ê, Rô-mê-ô! Nghe nói con Juy-li-ét đá mi để cặp bồ với xe bồn phải không?

Lâm đỏ mặt nín thinh. Tay thương nhân cười đểu:

- Trai ở nhà vợ như chó ở gầm giường, sức mấy mà dám nẹt vợ. Đ.m. phải tay tau, tau tặng cho em cái bầu tâm sự rồi là cho em gái số de. Đ.m. giàu như ông già mi mà đã chịu làm thân trâu ngựa cho nó đến nỗi ông già cũng từ mặt mà còn bị nó đá đít thì nhục quá!

Lâm cáu tiết định xông tới. Mẽ người bạc nhược như tay du côn vườn ấy thì Lâm cho một thoi là đo ván, nhưng tôi can ngay. Lúc này tốt nhất là tránh việc rầy rà. Dịp khác sẽ dạy cho thằng lưu manh tép riu bài học về phép xử thế. Thấy không thể ngồi nói chuyện ở quán, tôi mua gói thuốc thơm rồi kéo Lâm đi.

Tôi và Lâm thả những bước chân hoang trên những con đường làng ngợp bóng tre, trong ánh chiều tà sắp tắt và ánh trăng non bàng bạc tỏa xuống xóm thôn. Bầu trời mùa thu yên tĩnh và thanh bình đến lạ lùng. Vì sao hôm lấp lánh chân trời xa như ước mơ muôn thuở chói sáng và xa xôi. Bếp lửa rơm tỏa khói hòa quyện mùi hương hoa trái trong vườn.

Vừa đi Lâm vừa kể tình cảnh hiện nay của vợ chồng Lâm. Thì ra điều dư luận đồn đại cũng chẳng sai mấy tí. Tôi nắm bàn tay đen đúa chai sần của Lâm. Bàn tay một thời mềm mại lướt trên đàn ghi-ta xòe ra những âm thanh bay bổng của khúc tình ca, giờ đây chính tình yêu biến ngón đàn thành vụng về do phải nuôi sống hạnh phúc đôi lứa trong thời buổi nghiệt ngã, rất nhiều giá trị tinh thần trở thành vô dụng. Tôi lo lắng nghe trong mạch đập của Lâm tình yêu cuồng nhiệt dành cho vợ. Nếu ai chưa được may mắn nếm trải một tình yêu nồng thắm cuồng si trong đời, thì chỉ có thể tin Lâm bị bỏ bùa mê thuốc lú như dân làng đồn đại. Hình như ba Lâm thời thanh niên chỉ trai gái mèo mỡ chứ chưa yêu ai say đắm, cưới vợ với tính toán khôn ngoan hơn là yêu thương. Còn chú tôi cũng chẳng có dịp lắng nghe tiếng “thổn thức con tim” trong cuộc kháng chiến khốc liệt, ông cưới vợ theo ý đồ của tổ chức hơn là ý ông chọn lựa.

Đi ngang giếng làng thấy chẳng có ai, tôi và Lâm ghé lại ngồi trên thành giếng ngắm trăng. Đêm đã lên đều khắp tràn trề. Đêm bao la dịu ngọt. Thưa rằng thế sự hỗn mang? Triệu vì sao lấp lánh từ cõi vô cùng. Trăng khoác cho bầu trời đêm ánh sáng huyền diệu. Tiếng hò ru em đâu đó vừa thắm thiết vừa cay cực. Tôi nhìn xuống giếng. Đáy nước in bóng một vũ trụ huyền hoặc cùng mảnh trăng rạng ngời. Tôi nhìn sâu vào mắt Lâm: Một vầng trăng kỷ niệm buổi hẹn đầu lung linh tỏa sáng trong đó.

Chúng tôi im lặng một lúc lâu. Sau đó, Lâm tiếp tục câu chuyện:

- Anh cũng biết Thanh rất thương em, vì em mà chịu khổ nhiều điều, chịu cả tai tiếng nữa. Nhưng sức chịu đựng con người có hạn. Đã là con người ai mà không ham tiền, Thanh lại bị bà già thúc ép mãi nên mới chịu đi buôn với thằng lái xe bồn. Nhưng nếu muốn giữ Thanh ở nhà thì em phải làm ra tiền để nuôi gia đình. Mà anh nghĩ thời buổi này khả năng em biết làm gì cho ra tiền? Phải chi có cưới hỏi hoặc có hôn thú đàng hoàng thì em còn mạnh thế, vì dù gì Thanh và mẹ Thanh cũng ngại miệng tiếng làng nước chê trách là bỏ chồng. Còn đằng này tụi em sống với nhau như vợ chồng hờ, chẳng có luật pháp hay lễ cưới xin ràng buộc. Bà già vợ em thì nói thẳng với em: “Ba anh khinh gia đình tôi là thứ nghèo hèn nên không chịu cưới con tôi làm dâu, anh sống với con tôi cũng chẳng có hôn thơ hôn thú, vui ở buồn đi. Lỡ sau ni anh ưng ai bỏ con tôi thì mẹ con tôi biết kêu kiện nơi mô. Thôi thì coi như con tôi lỡ dại chửa hoang để cho hắn đi kiếm tương lai”. Em thấy bà nói cũng có cái lý của bà. Ai mà dò được lòng người. Phận gái phải lo mà giữ mình. Bây giờ chỉ còn một cách là nói cách nào để ông già em chấp nhận đưa Thanh về nhà em sống, sau đó ông nói với xã cho chúng em đăng ký kết hôn là êm đẹp mọi bề. Mà phải làm gấp trước khi Thanh sa chân vào tay thằng xe bồn thì mới cứu vãn được tình thế. Anh đã biết ông già em rất khó lay chuyển. Em biết ông già em rất nể anh, anh thuyết phục dùm em.

Quả ba Lâm có nể tôi thật, nhưng điều đó không có nghĩa ông sẽ nghe tôi thuyết phục. Đã tiếp xúc nhiều lần với ông (và cũng từng nêu ra vấn đề của Lâm) tôi hiểu con người ấy. Ông có thể nghe tôi nhiều chuyện, nhưng về chuyện “đạo lý thánh hiền” thì ông coi lớp người như tôi nói chung đã mất gốc. Tuy nhiên không muốn đánh mất hy vọng cuối cùng của Lâm nên tôi đành nhận lời làm thuyết khách, hứa hôm sau sẽ đến nhà ba Lâm.

* * *

Thú thật từ lâu tôi vẫn tin tưởng vào tài hùng biện của mình. Chỉ đến lúc ấy, khi định mệnh trao vào tay tôi một sứ mệnh nghiêm trọng, không chỉ liên quan tới số phận của Lâm và Thanh cùng đứa con của họ, mà còn liên quan tới việc đánh đổ một thứ thành kiến, một trật tự cổ hủ đang ngăn chặn sự tiến bộ và làm tha hóa con người, thì tôi mới thấy mình chỉ là thằng bất tài, thích ba hoa bịp đời dối mình, tôi mới chua chát nhận ra mình là loại người đang bị đào thải chứ không phải là thứ ẩn sĩ ẩn siếc gì cả.

Phòng tiếp khách của gia đình Lâm là căn giữa ngôi nhà rường ba gian lợp ngói. Bộ salon gõ đặt trước tủ thờ cẩn xà cừ, ti-vi đặt trên chiếc tủ nhỏ dán đầy ảnh các cô đào cải lương, rađiô cat-sét đặt trên tủ búp phê (khi tôi đến nó đang phát tuồng cải lương “Máu nhuộm sân chùa”). Tường treo đầy lịch ảnh và mấy bức sơn mài mô tả phong cảnh hữu tình bằng bút pháp của một họa sĩ nhà quê, trông rối mắt như rạp hát. Trên cao là cái trang thờ bổn mạng của mẹ Lâm, dưới đất là ông thần tài phưỡn cái bụng phệ cười toe toét (không hiểu sao chú tôi không tịch thu ba cái món mê tín ấy, trong lúc ông không ngần ngại bê mấy vị được thờ trong đình làng đi chỗ khác chơi để biến nơi ấy thành kho chứa lúa của hợp tác xã). Ở một bức tường khác treo trang trọng tấm bằng liệt sĩ của chú ruột Lâm, lồng kính nghiêm chỉnh. Một giấy chứng nhận “Gia đình có công với cách mạng” cũng được lồng kính treo bên cạnh; có lẽ xuất phát từ mấy tạ gạo được ba Lâm ủng hộ một cách không tự giác lắm cho bộ đội hồi Mậu Thân và do công lao giúp đỡ của chú tôi. Đối với ba Lâm, hai tấm giấy ấy là tấm lá chắn khá quan trọng trong công việc làm ăn. Gia đình chính sách mà!

Ba Lâm tiếp tôi bằng thuốc thơm, rượu ngâm bìm bịp và nụ cười khó đoán biết được lòng dạ trên khuôn mặt hồng hào tinh quái của ông. Ngoài cái chân thọt xem ra không đáng kể (nhất là khi ông ngồi trên xe vespa), trông ông rất phong độ ở cái tuổi năm mươi, với dáng hào hoa phong nhã của kẻ có tiền và biết cách dùng tiền, ông có vẻ lôi cuốn được đàn bà con gái hơn cả chàng công tử Hoàng Thiên Lâm đã trở thành một anh nông dân thô tháp trong túi không có một xu. Sau khi thay băng nhạc theo gu của tôi và vặn nhỏ âm lượng, ông ngồi đối diện với tôi nâng ly, nói:

- Thằng Lâm mà khôn ngoan như chú mi thì bà choa đỡ khổ thân biết mấy. Hắn được cha mẹ lo cho từng li từng tí rồi sinh ra hư đốn. Chú mi quá biết mẹ con con Địu ưa cái gia tài của tôi là chính. Xin lỗi. Bà choa đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo nên cái sản nghiệp này đâu phải để cho cái bọn khố rách áo ôm nó nhảy vào hưởng.

Tôi nói:

- Theo em thì tình yêu có lý lẽ riêng của nó.

Ông cười ruồi:

- Lý lẽ cái chó chi, thằng Lâm mà tứ cố vô thân... Hình như ông cảm thấy nói như thế đụng chạm đến tôi nên ngừng lại. Suy nghĩ một chút ông nói tiếp - Sự đời mô có đẹp đẽ như trong sách chú đọc, sự đời nó chó má lắm. Bà choa mà như thằng Lâm thì bây chừ bị lùa ra đồng cuốc đất rồi. Tình cảm ai cũng có, nhưng muốn có tình cảm thì trước hết phải có tiền.

Chú mi có hiếu với cha mẹ mà không có đồng xu thì cũng thua cái thằng lâu lâu về chơi vất ra một nắm tiền. Chú mi thấy đó, trong gia đình đứa con mô làm ra tiền là đứa đó được cha mẹ quý trọng. Muốn yêu đương hẹn hò thì cũng phải có chục bạc mời con người ta vô quán uống nước chớ không lẽ đi xan khao ngoài đường mãi?

Tôi nói:

- Hiển nhiên đồng tiền có giá trị của nó. Nhưng chỉ có đồng tiền thôi thì cũng không đem lại hạnh phúc.

- Chú mi nói chơi đó chứ? Chú mi chỉ cho bà choa thấy ai giàu có mà khổ còn ai nghèo rớt mồng tơi mà sướng coi thử?

Tôi bí. Thì ra cái đầu óc vốn tự hào thông hiểu triết lý duy tâm lẫn duy vật biện chứng và không biện chứng, cộng với tài hùng biện của tôi đem ra thực hành ở đây chẳng đắc dụng chút nào. May sao lúc ấy ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ló vào. Ông chào chủ nhà rồi ban cho tôi nụ cười thân thiện. Dù ngu ngốc đến mấy tôi cũng hiểu nếu tôi không có ông chú đang làm bí thư xã thì tôi chẳng bao giờ vinh dự nhận được nụ cười ấy, mà ngược lại.

Ông chủ nhiệm hợp tác chắc định bàn riêng với anh “tư sản dịch vụ” làm ăn gì đó (dân làng đều biết hai tay này liên kết làm ăn với nhau dưới sự bảo trợ ngầm của chú tôi. Tuy nhiên không ai hiểu được nội dung hoạt động của cái liên minh này ra sao). Sự có mặt của tôi làm cho cả hai kẹt khàn, đưa mắt nhìn nhau đầy ý nghĩa. Sau đó ông chủ nhiệm ngồi xuống ghếch cả hai bàn chân đất lên mặt ghế. Ông đón ly rượu từ tay ba Lâm nốc một hơi rồi nói:

- Cái thứ này mà nhắm với lòng lợn là nhất hạng.

Khi chưa làm chủ nhiệm, ông ta vẫn gọi heo là heo chứ không gọi là lợn như dân tập kết. Ba Lâm không quan tâm tới điều ấy, ông quan tâm tới ý thích của ông chủ nhiệm. Trong lúc ông chủ nhiệm đưa tay chùi mép thì ba Lâm bảo mẹ Lâm ra chợ mua lòng heo. Ông chủ nhiệm nói:

- Thôi anh để khi khác, kẻo quần chúng nhân dân họ lại phê bình.

Ba Lâm khoát tay:

- Họ có sức cứ nói, tôi có tiền tôi muốn ăn uống với ai quyền của tôi.

Ông chủ nhiệm nhìn tôi nói:

- Dân họ ưa xoi móc lắm. Chú anh với tôi khổ với họ từ miếng ăn cho tới cái nhà. Anh thấy chú anh đi cách mạng qua hai cuộc kháng chiến mà đã hưởng được chi bao lăm.

Tôi không biết nói sao cho phải, đành gật đầu ừ è cho qua chuyện, rồi tính đường chuồn. Nhưng ba Lâm nhất quyết giữ tôi ở lại nhậu nhẹt.

Trong cuộc rượu lòng heo khá xôm tụ, tôi chỉ đực mặt ra nghe ba Lâm thuyết phục tôi nên động viên Lâm biết “cải tà quy chánh”, bồng con trở về nhà sau đó ưa con nào ông cưới cho con nấy. Ông chủ nhiệm cũng hùa vào nói tuổi trẻ cần phải thức thời, biết nghe lời người trên thì sướng cái thân. Tình trai gái như lửa rơm, cháy đó rồi tàn đó. Đợi khi con Địu nó theo trai rồi mới chịu ôm con về thì quá ê mặt. Tiếp đó hai ông nói chuyện thế sự, nói chuyện làm ăn và khuyên tôi nên tích cực tham gia lao động để chú tôi dễ bề đưa tôi lên làm cán bộ thông tin xã. Ông chủ nhiệm còn nói, đảng ủy xã và chi bộ hợp tác đã nhất trí rồi, nếu Lâm chịu về nhà thì cũng sẽ được cho làm cán bộ xã. Ba Lâm nói thêm, hắn ưa làm cán bộ huyện tôi cũng lo được, miễn hắn chịu nghe lời tôi. Đến lúc tống tiễn “nhà thuyết khách” bất tài ra cửa, ba Lâm còn hứa sẽ làm một chầu ra trò nếu Lâm bồng con trở về nhà để “làm lại cuộc đời”.

Lâm đợi tôi ở ngoài ngõ. Thấy tôi lắc đầu, Lâm rũ xuống như tàu lá chuối non gặp lửa. Chẳng nói chẳng rằng, Lâm thất thểu bước đi như người mất hồn. Sợ Lâm quẫn chí làm liều, tôi chạy theo an ủi Lâm, hứa sẽ có cách vận động cả chú tôi nữa, thế nào cũng có kết quả, phải kiên nhẫn kẻo hư việc. Lâm tỏ vẻ không tin tưởng lắm và chính tôi cũng chẳng tin sẽ có phép lạ nào có thể xoay chuyển được tình thế.

* * *

Tôi về tới quán thì gặp chú tôi đang đợi tôi với chiếc xe đạp có mang bảng số từ ngoài Bắc đem vào. Ông độp ngay:

- Mi vừa mới tới nhà cha thằng Lâm năn nỉ ông cưới con Địu cho hắn phải không? Làm ăn không lo làm ăn đi lo chuyện bao đồng. Lại còn tứa rượu vô nữa - ông tháo cái cặp đen to tổ bố ra khỏi xe rồi nói tiếp - Mi thay bộ bi trục giữa, vô dầu mỡ hai bánh xe, xiết lại cặp dây phanh, tau ra xã một chút rồi quay trở lại lấy.

Thấy ông quày quả bỏ đi, tôi vội nói:

- Cháu muốn bàn với chú chuyện này...

- Thôi lo mà sửa xe đừng có mà xen vô chuyện của người khác - Chú tôi khoát tay - Đã từ một anh cán bộ phụ trách bị hất ra làm thằng sửa xe mà không thất kinh. Bỏ cái thói ăn cơm nhà đi vác ngà voi, lo tu tỉnh làm ăn cho nên người. Mi làm cái chi, nói năng ra răng, tau đều được báo cáo đầy đủ, liệu cái thần hồn. Không có tau thì mi vô trại cưỡng bức lao động chớ không được ngồi đây mà sửa xe mô, đừng có múa mặt. Cố tu tỉnh đi rồi tau cho làm cán bộ văn hóa xã, sau đó phấn đấu tốt tau cơ cấu làm trưởng ban.

Làm cán bộ hay trưởng ban văn hóa xã có lẽ là tiêu chuẩn nên người nhất mà chú tôi dành cho tôi. Nhưng lúc ấy tôi không quan tâm tới chuyện đó. Tình cờ gặp ông ở đây tôi thử liều một phen. Biết đâu số phận phiêu bồng, bỗng dưng lại thuận theo lòng ước mong?

Ông vừa nói xong tôi tung ngay một đòn quyết định:

- Thằng Lâm dồn vào chân tường nó có thể tự tử, trước khi chết nó có thể viết thư tố cáo chú làm sai pháp luật lên huyện lên tỉnh. Công an sẽ về điều tra. Lúc đó là lôi thôi to.

Chú tôi gắt:

- Cái chi mà sai pháp luật? Cái chi mà lôi thôi to? Mà ai lôi thôi? Còn luật pháp mô cho hắn tự tử?

- Luật pháp không qui định về việc tự tử, nhưng luật pháp truy tố kẻ nào bức bách người khác đi đến chỗ phải tự tử. Nhất là do hành vi cố tình làm sai luật pháp dẫn đến. Thằng Lâm với con Thanh đăng ký với nhau hoàn toàn đúng với luật hôn nhân, đáng lý ra chính quyền phải ủng hộ cái đúng cái tiến bộ...

Chú tôi nóng nảy cắt ngang:

- Chứng cớ mô mà nói tau làm sai luật pháp? Mà luật pháp thì cũng phải được lãnh đạo chớ mô phải ai muốn tự do vô chính phủ cũng được. Mà tau làm theo ý gia đình hắn chớ có chèn ép khi mô?

Thấy ông xuống câu cuối với giọng điệu hơi nao núng, tôi tấn công tới:

- Cháu thấy chú có bao nhiêu việc trong xã cần phải giải quyết thì không nên vì chuyện thằng Lâm mà tạo ra rắc rối. Chú làm như thế dân làng nghĩ chú bị đồng tiền của ông già thằng Lâm mua chuộc thì còn thể thống gì? Ai mà lường được hậu quả sẽ ra sao nếu thằng Lâm phẫn chí tố cáo tùm lum rồi liều mình? Cái họa lớn nhiều khi do một nguyên nhân nhỏ nhặt gây ra. Con chó dồn nó vào đường cùng thì nó phải cắn. Cháu biết chú thừa khôn ngoan, thừa bản lĩnh nhưng trong việc này chú hơi chủ quan. Trước kia những ông quan khôn ngoan bao giờ lột hết tiền của người khác họ cũng ném lại vài đồng bạc lẻ để xoa dịu bớt sự phẫn uất dẫn tới chuyện làm liều...

Không biết sao vừa rồi với ba Lâm tôi lọng ngọng như một thằng đần mà lúc ấy tôi lại hùng biện một cách lưu loát vậy. Tôi tiếp tục vừa đánh vừa xoa. Cố chứng minh cho ông thấy không phải mọi pháp luật đều bị ông vô hiệu hóa ở trong xã này. Và nếu có một sự cố xảy ra người ta sẽ bới móc bao nhiêu là chuyện. Tôi cũng cố chứng minh cho ông hiểu dù sao tôi cũng là cháu ruột của ông, tôi cũng có bổn phận giúp ông bảo vệ sự nghiệp chính trị của ông, ông mà bị hề gì thì tôi cũng chẳng yên thân mà sửa xe chứ đừng nói tới làm cán bộ cán biếc.

Dù không thích ông lắm nhưng trong thâm tâm tôi vẫn quý ông. Khi gia đình nội tôi sa sút, nhờ chút ít chữ nghĩa ba tôi kiếm được một việc làm khá nhàn nhã; còn ông phải làm thuê cuốc mướn và bị bọn nhà giàu, bọn cường hào ác bá nó làm tình làm tội đủ điều, rồi còn gánh chịu tai họa chiến tranh...

Chú tôi có vẻ hơi ngạc nhiên thấy thằng cháu làm mình “nhơ nhuốc theo” nói vanh vách chủ trương đường lối của Đảng, trích dẫn rành mạch lời dạy của các lãnh tụ cách mạng vô sản, lại tỏ ra có quan điểm lập trường vững vàng. Đồng thời nghe tôi quy đủ thứ “chịu trách nhiệm” ông cũng hơi run. Tôi đã đánh trúng điểm yếu của ông. Người thiếu năng lực nhận thức thường rất sợ gánh chịu trách nhiệm. Thấy có mòi thắng lợi, tôi kết luận:

- Bây giờ, giải pháp tối ưu nhất là chú bảo ông già thằng Lâm cưới con Thanh cho nó. Ông phải nghe theo lời chú: Thứ nhất ông không dại gì mà chống lại chú, nhất là khi chú làm đúng pháp luật, thứ hai là ông còn nương nhờ chú trong công chuyện làm ăn lâu dài. Tính ra chú chẳng mất gì mà còn để tiếng tốt. Ông già thằng Lâm phải biết rằng nếu con Thanh đi theo thằng lái xe bồn có khi ông mất cả cháu lẫn con trai.

Xem ra chú tôi đã nghe ra. Nhưng ông vẫn nói nước đôi:

- Để tau coi lại... Mi qua nói thằng Lâm đừng làm liều.

* * *

Giao xe cho chú tôi xong tôi qua ngay chỗ Lâm. Chỉ có mình Thanh ở nhà. Độ rày cô nàng như trái cây vừa chín tới, đẹp một cách sắc sảo. Dù ở nhà, Thanh vẫn đánh phấn tô son một cách kỹ lưỡng, ở đó toát ra một vẻ gì đó làm người ta nghi ngờ lòng chung thủy. Tôi hỏi Lâm, Thanh trả lời cay đắng:

- Anh ấy bồng con đi rồi.

Hình như tất cả đã chậm trễ. Tôi nói:

- Anh cần gặp cả Lâm và Thanh để nhắn lại lời của chú anh.

Thanh rơm rớm nước mắt:

- Vô ích thôi anh ạ. Chẳng mấy ai muốn tụi em nên đôi mô. Chẳng qua ông bí thư và ba anh Lâm bày mưu tính kế chi đó.

Tôi giải thích:

- Không phải vậy đâu. Anh vừa nói chuyện với chú anh - thấy cần tạo lòng tin nơi Thanh tôi nói dối - Chú anh nói sẽ bàn chuyện lại với ba Lâm, ông bảo anh sang gặp Thanh và Lâm nói cứ yên tâm. Thanh đi tìm Lâm về đi.

Thanh nhìn tôi tỏ ý nghi ngờ, nhưng rất nhanh Thanh lắc đầu:

- Em không còn tin ai nữa cả. Anh không biết chớ em với Lâm sống với nhau, Lâm xin nhận ruộng khoán hợp tác cũng không cho, còn em đi buôn đậu thì thuế vụ xã rình bắt cho bằng được. Anh thấy đó, người ta buôn đậu cả làng thì được còn em đi ba giờ sáng cũng bị bắt, hết vốn hết liếng. Các ông tìm đủ cách o ép cho Lâm và em phải bỏ nhau. Em mang tiếng chịu lời mà miếng cơm manh áo cũng không nên thân. Nếu mà em chỉ ham giàu như ba anh Lâm nói thì chán vạn chi mối, gia đình anh Lâm mười họ cũng được tám chín. Nhưng chừ có thương anh Lâm cũng đành chịu, anh Lâm cứ bồng con về nhà rồi cưới vợ khác, còn em thì lo phận em. Chiếu manh thì theo phận chiếu manh.

Những lời nói xé lòng lại được phát ra từ cái miệng tô son trên khuôn mặt điểm trang rực rỡ, và cái nhìn sắc như dao, gây cho tôi cảm giác bứt rứt. Tôi không tài nào đoán ra được lòng dạ của Thanh. Lời nói của Thanh và những tình cảm cô dành cho Lâm mà tôi biết được, khiến tôi không thể tin Thanh có thể ngồi tỉ mẩn trang điểm nhan sắc mình khi Lâm vừa ôm con ra đi. Thế nhưng điều đó đang ở trước mắt tôi đây. Phải chăng ở trong Thanh tình yêu nồng thắm, đức tính hy sinh và sự lạnh lùng tàn nhẫn phản trắc đều mạnh mẽ như nhau? Phải chăng cả chú tôi lẫn ba Lâm đã bẻ gãy mầm thiện lương xanh tươi đang may mắn phát triển trên cây đời của Thanh, để rồi do bản năng tồn sinh cây đời ấy nhú ra những gai nhọn ác độc?

Tôi bỗng cảm thấy một nỗi chán chường mệt mỏi. Tuy nhiên, trót “xen lo vô chuyện người khác” tôi cố lựa lời thuyết phục Thanh. Cuối cùng tôi nói:

- Thôi để anh đi tìm Lâm coi.

Thanh nói giọng như có pha giấm:

- Anh khỏi tìm chi mất công, tối chi “ông” cũng mò về!

Câu nói của Thanh làm tiêu tan trong tôi tất cả niềm hy vọng.

* * *

Ba ngày sau, chú tôi mời ba Lâm lên trụ sở ủy ban xã làm việc. Khi về ba Lâm ghé chỗ tôi nói:

- Nhờ chú qua nhà con Địu nhắn thằng Lâm về nhà tôi nói chút chuyện.

Tôi bảo:

- Bữa trước em có qua chỗ Lâm thì Thanh nói Lâm bồng con đi rồi.

Ba Lâm nói:

- Hắn không xa nổi cái lưng quần con Địu mô. Chú đi giùm choa.

Thú thật tôi đã chán ngấy chuyện này. Nhưng vì thương Lâm nên tôi cũng đóng cửa quán qua nhà Thanh.

Chỉ có mẹ Thanh ở nhà. Thanh đã đi theo anh xe bồn hành nghề buôn chuyến từ tối hôm qua. Lâm thì mới tảng sáng đã bồng con ra đi sau khi nói với bà là từ nay Lâm không trở về đây nữa. Thanh tự do ưng ai thì ưng. Bà kết luận:

- Thôi thế cũng xong!

Tôi trở về nhà Lâm thì mẹ Lâm nói, trong lúc ba Lâm lên làm việc với chú tôi ở ủy ban thì Lâm bồng con về gởi cho bà rồi đi ngay. Bà cố giữ chờ ông về nhưng không được. Ba Lâm cũng vừa về biết tin Thanh đã đi theo anh lái xe bồn, ông hầm hầm nói: “Sinh cái thằng con ngu quá mức, làm thiên hạ cười thúi đầu cha hắn”, mẹ Lâm nín nhịn từ lâu nay gào lên: “Chính tự ông mà ra, tự ông hại con hại cái. Thời buổi ni mà cứ đòi môn đăng hộ đối. Chừ biết con tui ở mô mà tìm”. Nói xong bà khóc lóc kể lể một tràng. Ông cáu sườn quát: “Bà có câm cái miệng không, thứ con bất hiếu có chết tui cũng không tiếc”. Tôi không muốn chứng kiến thêm bi kịch gia đình Lâm nên thối lui, trở về với cái quán sửa xe của mình.

* * *

Tôi đinh ninh Lâm buồn đời đi lang thang một thời gian để xóa vết thương lòng rồi sẽ trở về. Tôi thầm hy vọng vào thời gian dù thật ra cũng chẳng biết hy vọng về điều gì trong dòng đời trôi chảy mịt mùng.

Thời gian cứ trôi đi. Thời gian có thể làm lành vết thương nhưng cũng có thể hủy hoại tâm hồn tan nát.

Đi đâu chừng hơn hai tháng, Lâm trở về (sau này mới biết Lâm đi tìm trầm quyết làm giàu để lôi vợ ra khỏi vòng tay của thằng lái xe bồn). Đêm ấy trăng mười ba. Lâm về làng nhưng tránh không gặp mặt ai, kể cả cha mẹ mình. Lâm kín đáo mang đến cho con một đồ chơi điện tử, loại không có đứa bé nông thôn nào vào thời ấy dám mơ ước; để lại cho con một cái hộp đựng xấp ảnh Lâm và Thanh chụp chung với nhau. Sau một tấm ảnh màu chụp Thanh bồng đứa bé ngày đầy tháng đứng cạnh Lâm (hình như do một anh thợ ảnh ở thành phố vốn là bạn học cũ ghé thăm chụp tặng hai vợ chồng), Lâm ghi: “Gởi lại con kỷ niệm của ba mẹ với con. Cầu nguyện ơn trên cho thế hệ con không chịu nỗi bất hạnh như ba và mẹ đã hứng chịu. Lớn lên con có một tình yêu chân chính con sẽ hiểu và tha thứ cho ba”. Lâm gởi lại cho cha mẹ mình một lá thư, nội dung xin ba mẹ tha thứ cho tội bất hiếu. Nhưng cũng xin ba mẹ cho phép Lâm quyết định số phận đời mình vì dẫu sao Lâm cũng đã trưởng thành. Lâm nhấn mạnh rằng, xin cha mẹ đừng dùng tình thương lẫn sự cưu mang của mình để biến con cái thành kẻ nô lệ vào điều mà cha mẹ tự cho là tốt đẹp là hợp với lẽ phải. Lâm còn nhờ người bạn thân của Thanh chuyển cho Thanh một lá thư (lúc đó Thanh đang buôn chuyến với tay xe bồn chưa về), nội dung nói gì thì tôi không biết.

Cũng đêm mười ba ấy có người trông thấy Lâm đứng hàng giờ bên giếng làng giữa đêm khuya thanh vắng một mình.

Đêm hôm sau (tức là đêm mười bốn), tôi và một tay du kích xã ra cái giếng định mệnh đó tắm, nửa chừng thì gàu đứt. Tay du kích phải lặn xuống giếng để vớt gàu lên. Mới hụp xuống tới đáy, hắn đã trôi lên hét lạc cả giọng:

- C... ó... có... có... người chết!

Chúng tôi vội đi báo cho xã đội. Xã đội cho du kích lặn xuống vớt cái xác lên. Người chết là Hoàng Thiên Lâm.

Một tay du kích nhận xét:

- Thằng ni hắn quyết tâm chết nên cột luôn hai cục bờ-lô rất chắc vô người.

Người ta đặt Lâm nằm ngửa mặt lên trời. Tôi cúi xuống vuốt mắt cho Lâm bằng những ngón tay run rẩy. Trong đôi mắt ấy có cả một trời trăng huyền ảo.

Vỹ Dạ 1989 - 1992

D.T.V
(TCSH54/03&4-1993)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Bến trăng gầy (10/08/2023)
Giọt nước rơi (28/07/2023)
Linh hồn gầy (28/06/2023)