Truyện ngắn
Người cũ
08:36 | 06/09/2023

NGUYỄN VĂN VINH

Nắng sớm xuyên qua kẽ lá, xẻ từng luồng ánh sáng huyền ảo. Ngôi chùa nằm im dưới rừng thông vốn trầm mặc càng yên ắng hơn. Hương trầm, hương nhựa thông quyện nhau thơm hăng hắc, đầm ấm. Tưởng gặp đâu đây trong chuyện cổ tích bà kể. Tôi và Phái vào chùa tự lúc nào.

Người cũ
Minh họa: Lê Thừa Tiến

Tôi quen Phái trong những ngày ngồi quán. Thế hệ chúng tôi buồn nản. Thằng đi lính kiếm sống, hay bị bắt "quân dịch". Thằng học kiếm bằng mưu sinh, thằng ngồi quán đếm những ngày thất nghiệp đi qua đời, dài lê thê. Thời chủ nghĩa hiện sinh chiếm lĩnh thị trường tri thức, "L’ étranger" của Albert Camus; "La nausée" của Jean Paul Sartre đang có đất dụng võ. Đồng tiền thước đo mọi thành đạt!

Phái tốt nghiệp trường "Quốc gia hành chánh" Đà Lạt. Bổ nhiệm làm phó quận một tỉnh lẻ dưới quyền ngài trung tá quận trưởng có tài "an ninh điện địa". Ông tân đốc sự hành chính, chưa qua mấy giông bão đời thường. Thời gian đầu đến nhiệm sở, đã thiếu nghi lễ với ngài quận trưởng. Ngài không nói nhưng rất bực mình! Ngài nén chờ sự hiểu biết của Phái. Sau đôi môi thâm xì bởi thuốc lá, đáng lẽ được nổ ra liên thanh những lời giáo huấn, bực dọc. Ngài giấu kín, nén kín vì ngài là một quân nhân mẫu mực của "Việt Nam Cộng hòa". Phái không biết nịnh đầm, đầm thứ ba của ngài trung tá. Ôi! Bà vợ lẽ thứ ba của ngài thơm tho, trẻ trung. Làn da trắng như trứng gà bóc, lồ lộ bởi cái mini upe ngắn cũn, ôm vòng mông căng nưng nức. Nàng sùng ngoại, đồ dùng toàn hảo hạng made in USA. Thậm chí, anh còn tỏ ra khinh tởm khi thấy bà phu nhân của ngài quận trưởng đang trần truồng, ráu riết trong vòng tay lông lá của ngài cố vấn Mỹ, ngay trên bàn làm việc của ngài trung tá, lúc ấy ngài trung tá đang bận công cán một xã ven đô. Công lệnh, quyết định rơi vương vãi dưới bàn. Mù vẫn hơn, sáng thành tai họa! Thường ngày anh vẫn bị nhìn với đôi mắt cú vọ, đôi mắt ấy đeo đẵng sau ót làm anh lo lắng, xanh xao. Thời buổi quyền lực ở đầu ngọn súng, biết đâu một viên đạn vô tình kết thúc đời anh. Bỏ nhiệm sở ư? Đào ngũ ư? Có nên chăng? Bao năm ăn học ra sao? Một ngàn dấu hỏi trong anh, anh đổ đốn ra ngồi quán với chúng tôi.

Phái rủ tôi lên chùa thăm một ni cô tên là Thoại Vân. Tôi nghe tên quen quen. Cô ấy là người yêu cũ của Phái. Hai người có một chuyện tình trong sáng, ngọt ngào ăm ắp hoài niệm. Chiến tranh về xáo xác làng quê, hai người xa nhau. Nghe đâu nàng theo đoàn người loạn lạc, tha hương ở các tỉnh phía Nam.

Sư bà, người đầu tiên chúng tôi gặp. Trong chiếc áo tràng thiên màu lam, trang nghiêm đức độ, bà nhìn Phái với ánh mắt không mấy hài lòng. Sư bà quay vào trong một lát, có một ni cô bước ra trong chiếc áo Nhật Bình. Tôi sửng sốt, trầm lặng. Sư cô, chừng bước như vấp, vướng gì ở cái nền xi măng láng trưng ấy? Tôi không ngồi đó được, có tiếng gọi vang vọng từ thiên thu. Cứ trân trân như bị mất hồn. Quên cả lời chào lịch lãm. Tôi bước ra vườn chùa, trong bước đi chạy trốn. Vân hiện về trong tôi rõ rệt, một sự đay nghiến đến nhức nhối. Năm ấy mùa hè. Gia đình nàng chạy vào thị xã, trước một đoàn tàn binh ô hợp. Những khuôn mặt anh hùng mũ xanh, mũ đỏ ngác ngơ, hốt hoảng, chưa qua hết kinh hoàng. Súng đạn vất đâu đó, nhưng đôi tay còn lại vẫn đốt được chợ, cạy hàng, cướp bóc, trấn lột... Thị xã rối lên màu tang tóc thua trận và lặng lẽ u uất. Người ta không dám ra đường nếu không cần thiết. Gia đình nàng tạm trú ở một trường tiểu học, dưới sự cứu trợ các đoàn thể tôn giáo. Vài gia đình chiếm một lớp, bàn ghế học sinh chắn thành khu riêng biệt của từng hộ gia đình. Nàng đẹp, mảnh dẻ nổi bật trong đám di dân bẩn thỉu. Ôi đôi mắt! Tôi muôn uống mãi dòng xanh màu biếc trong mắt ấy. Tôi điếng người bởi đôi-mắt-cười-có-đuôi. Tôi yêu nàng, một tình yêu mông muội, cháy đỏ đam mê. Nhà tôi đối diện với trường tiểu học, tôi qua lại giúp nàng và gia đình nàng, từ cái chăn đến bát gạo, đồng tiền, đến cả những thứ tủn mủn, vặt vãnh như soong chảo, kim chi...

Trời mùa thu oi ả. Đêm đêm tôi thường vác cái ghế bố qua nằm ở sân trường. Nàng với tôi thường nói chuyện tới khuya. Nàng ngủ cách tôi một khoảng, trên những chiếc ghế học trò sắp lại trước hiên.

Có đêm bức quá không ngủ được, đến bây giờ còn ray rứt khôn nguôi. Ngủ không được, chúng tôi rủ nhau đi ăn và uống giải khát. Ra ngã sáu đèn đêm hiu hắt. Chúng tôi ăn cao lầu mì và uống bia. Tôi ép nàng uống hết một chai bia 33. Hai má nàng ửng đỏ dưới đèn khuya, nàng như khói như sương, ngút say mê. Khi về nàng nũng nịu hờn dỗi, bắt đền tôi đã ép nàng uống bia quá đỗi. Tôi dìu nàng nằm trên ghế bố. Nàng thành đàn bà trong cái đêm mùa hạ có nhiều sao lấp lánh, sâu và mênh mông. Chúng tôi tan trong nhau, tan trong cơn chuếnh choáng rạo rực tuyệt vời. Tôi nhận lấy thơ ngây, sau nửa lần trao tay vụng dại. Những ngày sau nàng xem tôi xa lạ, thoáng hãi sợ, thoáng khinh khi. Tôi không thể gặp lại nàng, vì phải nặn một nụ cười méo xệch ở cả hai phía. Một chiều đầu thu bóng nàng mất hút, gia đình nàng ra quê, tôi nghĩ thế!

- Cốc... cốc... cốc, bo..o..ong...

Tiếng mõ, chuông vang lên khô, bỗng gọi tôi về thực tại. Chùa đang hành lễ thời thứ ba, trong "trú dạ lục thời", các sư ni đều đắp y vàng, những ống quần dài đều buộc túm lại. Trước điện thờ Đức Phật, Thoại Vân đang làm lễ. Đôi-mắt-cười-có-đuôi bấy giờ thâm u như cánh rừng cổ tích giấu đầy huyền thoại. Phái đứng đợi tôi ở phòng khách, tay mân mê cuốn Thiền Luận của Suzuki. Anh mượn của Thoại Vân. Tôi theo Phái đi về. Vây quanh tôi có một bài kinh sám hối vang vang. Từ đó tôi không lên chùa nữa...

Cách mạng (1975) về như cơn bão. Thay đổi bao cuộc đời.

Hơn mười lăm năm qua, lắng dịu, bớt nôn nao của thời xuất phát, sống và làm việc trong một đất nước thanh bình, chưa giàu có. Tôi nghèo đi bởi lý do riêng. Gặp lại Phái trong chuyến anh về thăm quê cũ, bất ngờ đến rưng rưng, y chừng gặp được một kỷ niệm quý đã mất đi trong dĩ vãng, nguôi quên trong năm tháng xa xưa. Chúng tôi rủ nhau vào quán rượu hàn huyên.

- Mày có vợ con ra sao?

- Vợ bỏ, bốn con ba trai, một gái.

- Vì sao vợ bỏ?

- Ôi chao, nhiều nguyên nhân, nhưng khởi đầu vợ mình không nguyên vẹn khi đến với mình.

- Mày ích kỷ quá, nàng ra sao?

- Đẹp, hấp dẫn, con quan! Thế ấy mà nàng trao thân cho một tên đại úy tên là Tôn Thất Phú đã có một vợ, năm đứa con, thuộc hạ dưới quyền của ba nàng. Tên ấy đã dùng capote để tránh đôi điều không hay đến việc thăng quan tiến chức của hắn, (tôi lè nhè hơn). Đêm ấy, sau khi xong, nàng nghe một tiếng xoạt, nàng chưa hiểu ra là gì, mai vẫn đi học như cũ.

- Nàng kể lại hay sao?

- Viết lại, hơn hai trang giấy học trò. Mày kể nghe đi chuyện của mày.

- Tao ngược lại những điều mày đã có. Vợ chồng tao tương đối hạnh phúc một gái, một trai, có xe máy, ti vi,... Tao làm phụ tá một chánh văn phòng huyện, nàng dạy cấp II. Nhà có mấy sào càfê, nuôi một đàn lợn 6 con, con nào con nấy cũng nung núc. Vợ mình dịu dàng đức độ, ảnh hưởng phần nào ở những ngày tu tập trong chùa.

Tôi đang choáng, bỗng tỉnh, ngỡ ngàng buột miệng hỏi.

- Ai vậy, có phải là...?

- Thoại Vân, chứ ai nữa!

Tự nhiên, tôi lẩm bẩm: "Nàng cũng nguyên vẹn sao?"

Dù tôi nói nhỏ, Phái vẫn nghe được. Anh ngoác cái miệng rộng cười khà khà. Tay cầm ly rượu chạm vào cốc tôi đang định uống và nói.

- Zô, trăm phần trăm.

- Ực, ực.

Phái trả lời từng tiếng:

- Nguyên, vẹn, trinh, nguyên.

Tôi hụt hẫng, như dưới chân mất một điểm tựa. Tôi uống với Phái đến tối mịt. Trước khi chia tay anh hứa sẽ tìm nhà tôi, nhậu với tôi một lần trước khi vào Nam.

Tôi về, trời mưa thấm lạnh, nỗi lạnh trời sao bằng cái lạnh cô đơn.

Tình yêu có thể dối nhau chăng?

Dù nói dối là một điều cần thiết?

N.V.V
(TCSH54/03&4-1993)

 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Giếng trăng (31/08/2023)
Bến trăng gầy (10/08/2023)
Giọt nước rơi (28/07/2023)