Truyện ngắn
Hoàng hậu Kim Liên
14:15 | 15/09/2023

TRẦN HUYỀN ÂN

Truyện ngắn dự thi 1993

Hoàng hậu Kim Liên
Minh họa: Lê Thừa Tiến

Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại kinh đô nước Triệu. Phái đoàn Ô Qua đến sớm hơn cả. Họ muốn nhân dịp này thương thuyết với Sở xin giảm khoản bồi thường chiến phí và thu nhập hài cốt các quân nhân bỏ mình trong trận đánh mấy năm trước, có hài cốt ba vị tướng lãnh là trung tướng Cốt Đột, các thiếu tướng Hỏa Hổ, Thần Long. Họ tin tưởng nơi hoàng hậu của họ, bà Thái Kim Liên, một người gốc Sở. Với tài giao thiệp, với tình đồng hương, thể nào cũng đạt kết quả khả quan.

Phái đoàn nước Sở đến chậm hơn cả. Trong mười hai nước Trung nguyên, Sở là một thuộc bảy nước lớn. Vì vậy, phái đoàn Sở đông hơn hết, thành phần cũng hùng hậu hơn hết.

Tại nhà khách nước Triệu, Đại tướng Lục Vân Tiên vừa dùng bữa tối xong thì sĩ quan nghi tiết bưng vào chiếc khay đỏ, trên đó đặt tấm danh thiếp in nhũ vàng. Đại tướng cầm lên xem qua rồi trao cho phu nhân:

- Này em! Cô tì tất cũ của em xin gặp em đây. - Đại tướng cười nửa miệng - Cô ta cũng khéo biết giữ ý, đã xóa đi dòng chữ Hoàng hậu Ô Qua trên danh thiếp, chỉ để lại tên Thái Kim Liên.

Kiều Nguyệt Nga hơi chau mày, trách chồng:

- Ôi, anh yêu quý của em! Sao anh lại nói vậy? Dẫu sao, thuở ấy em đã coi Kim Liên như một người em, lúc nào Kim Liên cũng ở cạnh em, cả những lúc nguy hiểm nhất, như lần gặp nạn được anh cứu giúp. Kim Liên còn là một người bạn, từng cố vấn cho em bao điều khó xử. Hơn nữa, bây giờ Kim Liên là hoàng hậu, dẫu nước lớn hay nước nhỏ, Kim Liên cũng là bậc mẫu nghi thiên hạ.

Lục Vân Tiên cười:

- Nếu em không chung thủy với anh thì cái địa vị mẫu nghi thiên hạ ấy là của em. Chúng ta đang bị cấm nói hai tiếng Tây Nhung, chứ thật ra Kim Liên chỉ là Hoàng hậu Tây Nhung, một thứ Phiên thuộc. Còn em, tương lai em sẽ là Hoàng hậu Sở quốc. Quốc vương đã ngỏ ý sẽ truyền ngôi cho anh. Ngài già yếu rồi, ngày ấy tất không còn xa nữa.

Kiều Nguyệt Nga không tranh luận với chồng. Đạo lý phong kiến không cho phép bà làm như vậy, bà chỉ nói:

- Dẫu sao, Kim Liên cũng là một phụ nữ Sở quốc.

Rồi bà thân hành ra đón Kim Liên. Kim Liên đến với Nguyệt Nga bằng tình cảm của một kẻ bề dưới nên bà không vận triều phục, không đội vương miện, chỉ mặc y phục thường ngày của một phụ nữ nước Sở. Hai người gặp nhau, mừng mừng tùi tủi, biết bao nhiêu nỗi niềm kể lể cho nhau. Kim Liên hỏi thăm Nguyệt Nga về thị trấn Tây Xuyên, nhịp cầu tre nhỏ, cánh đồng mênh mông, những nguồn suối những ngọn đồi ở đó hai người từng gắn bó bao nhiêu kỷ niệm từ lúc ấu thơ đến tuổi cập kê. Nỗi niềm thương nhớ đất nước quê hương của Kim Liên làm Nguyệt Nga cảm động. Nhưng dáng dấp uy nghi, khuôn mặt rạng rỡ của Kim Liên khiến cho Nguyệt Nga kính nể, bà thấy Kim Liên am hiểu thông suốt nhiều vấn đề, nhất là những thông tin mới về thời cuộc.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Vì, với địa vị phu nhân một bộ trưởng, Kiều Nguyệt Nga không trực tiếp tham gia chính sự, bà chỉ biết phần nào việc nước việc dân qua lời chồng kể lại. Thỉnh thoảng bà có đi cắt băng khai mạc một phòng triển lãm, chủ trì một buổi tặng quà cho con em chiến sĩ. Còn Kim Liên, sau khi về Ô Qua quốc, bà hiểu rằng cuộc chiến giữa hai nước là do bọn nịnh thần hai bên tìm cách tạo ra để riêng hưởng danh vọng và giàu sang. Bà biết, Thiết Can vua Ô Qua, chồng bà, tuy hiếu động nhưng cương trực, liêm chính. Thiết Can đã yêu bà thực sự, dù bà xuất thân là gái cống Hồ. Bà cũng yêu Thiết Can. Ngay trong đêm động phòng, Thiết Can đã làm bà khâm phục. Lúc ấy, không muốn lừa dối chồng, bà đã nói thật việc trá hôn, bà không phải là Kiều Nguyệt Nga, bà chỉ là Thái Kim Liên, tì tất của Nguyệt Nga. Nếu nhà vua buộc tội khi quân, bắt bà phải chết, bà xin vui lòng chết, vì bà đã được yêu.

Vua Ô Qua nói:

- Anh yêu em và em yêu anh. Điều đó đã quá đủ. Em không cần phải là Kiều Nguyệt Nga, hãy cứ là Thái Kim Liên của anh. Rất có thể, nếu gặp Kiều Nguyệt Nga anh sẽ không yêu nàng như yêu em. Tình cảm không phải là sự áp đặt. Ngày mai lâm triều anh sẽ xuống chiếu sắc phong chính em, Thái Kim Liên, Hoàng hậu Ô Qua quốc.

Kể từ ấy, Kim Liên được cùng chồng tham gia chính sự. Văn minh Trung nguyên được đem ra áp dụng trong canh nông, trong giáo dục ở Ô Qua. Ngày ngày, trong y phục kị sĩ, Thái Kim Liên cùng chồng phi ngựa đi khắp nơi trong nước. Bà khuyến dụ dân chúng cày cấy, chăn nuôi ươm tơ dệt vải, săn bắn, học hành, làm cho muôn dân được no ấm, được giỏi giang. Biết không thể nào quay về Sở quốc, lòng yêu thương và nhớ nhung quê nhà cứ mãi canh cánh bên lòng, nhưng đồng thời bà đã coi Ô Qua quốc giờ đây cũng là quê hương, bởi đó là quê hương của chồng bà.

Kim Liên hỏi Nguyệt Nga, vẫn dùng tiếng gọi "cô" của ngày nào:

- Cô đã đọc bản dự thảo chương trình nghị sự chưa?

Nguyệt Nga trả lời:

- Chưa. Vì phái đoàn nước ta vừa mới đến. Có lẽ ngày mai Quốc vương mới họp quần thần thông báo.

Kim Liên nói:

- Theo như em biết thì cuộc họp thượng đỉnh lần này, ngoài mục đích ký kết một hiệp ước bất tương xâm, chấm dứt cả chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh, như ban đầu đã thỏa thuận, nhiều nước còn đề nghị thảo luận vấn đề nâng cao vai trò người phụ nữ trong xã hội, cho nên khai mạc và bế mạc hội nghị đều do phái nữ chúng ta đảm trách. Triệu Uy hậu sẽ đọc diễn văn khai mạc.

- Tại sao Triệu Uy hậu mà không là một Hoàng hậu khác? - Nguyệt Nga hỏi.

- Lẽ thứ nhất... Kim Liên giải thích - Triệu là nước đăng cai hội nghị. Nhưng yếu tố quyết định vì Triệu Uy hậu là một người đạo đức. Năm ngoái, khi vua Tề sai sứ qua thăm, thư chưa mở, Uy hậu đã hỏi sứ giả:

- Năm nay được mùa không? Dân chúng không sao chứ? Nhà vua cũng không sao chứ?

Sứ giả không vui, bảo:

- Tôi phụng mệnh tới vấn an Thái hậu, Thái hậu không hỏi thăm vua trước mà hỏi thăm mùa màng và dân chúng trước, như vậy chẳng phải là hỏi thăm cái ti tiện trước, hỏi thăm ngôi tôn quý sau ư?

Uy hậu đáp:

- Không phải vậy. Không có mùa màng thì làm sao có dân? Không có dân thì làm sao có vua? Thế thì sao lại bỏ cái gốc mà hỏi thăm ngọn trước?

Thế rồi Uy hậu hỏi thăm ông Chung Ly Tài là kẻ trung thần, trách vua Tề sao không dùng, hỏi thăm cô Bắc Cung Anh Nhi Tử là bậc hiếu để; trách vua Tề sao không ban thưởng. Uy hậu lại hỏi đích danh vài kẻ siểm nịnh, trách vua Tề sao không trừng trị. Có lẽ cô nên làm quen với Uy hậu, đó là một người đáng kính.

Đúng như lời Kim Liên nói với Nguyệt Nga, khi Triệu Uy hậu xuất hiện trên diễn đàn, đọc lời khai mạc, bà đã chinh phục được tất cả cử tọa. Ai ai cũng nhận thấy bà xứng đáng được tôn vinh.

Sau lễ khai mạc, Tiến sĩ Vương Tử Trực, Bộ trưởng Văn hóa nước Sở trân trọng gởi tặng mỗi thành viên một tập thơ. Ông nói:

- Đây là tập thơ Lục Vân Tiên, một tác phẩm văn học hiện thực có giá trị ở nước Sở chúng tôi, trong đó đề cao luân lý trung hiếu tiết nghĩa, thể hiện qua hai nhân vật thật có mặt nơi đây là Đại tướng Lục Vân Tiên và phu nhân. Tác giả tập thơ là một nho sĩ uyên thâm, cương trực. Theo dự báo điện toán thì trên hai ngàn ba trăm năm sau tác phẩm này sẽ tái hiện ở phương Nam, nhưng muốn cho con hùm không có cánh, có vây, khi tái sinh để tái hiện tác phẩm, tác giả chỉ được phép đậu đến Tú tài và phải mang trọng bệnh. Qua tác phẩm này, quý Quốc vương và quý vị sẽ hiểu rõ hơn về đất nước và con người ở Sở quốc chúng tôi.

Tiến sĩ Vương Tử Trực nói không sai, hội nghị đã coi tập thơ là một quà tặng vô giá. Ai ai cũng chăm chú đọc, từ dòng đầu đến dòng cuối tác phẩm, ngân nga với nhau cả trong giờ giải lao, giờ ăn và giờ ngủ. Có vị còn lén mở sách ra đọc khi bàn bạc các vấn đề trọng đại.

* * *

Sau bốn ngày làm việc, hội nghị thượng đỉnh được đánh giá là thành công tốt đẹp với một bản thông chung làm tất cả phái đoàn đều vừa lòng. Đêm ấy, Sở vương mở tiệc khoản đãi trước khi về nước. Tiệc tan rồi, Sở vương đã chuếnh choáng đi nghỉ sớm. Quí vị phu nhân cũng về phòng riêng. Nơi bàn trà chỉ còn lại bốn người chuyện trò tâm đắc.

Tiến sĩ Vương Tử Trực nói:

- Em rất tiếc là hội nghị đã bầu Thái Kim Liên đọc diễn văn bế mạc. Em nghĩ, lẽ ra phải là chị Kiều Nguyệt Nga. Em đã vận động bầu cho tẩu tẩu.

Trung tướng Hớn Minh nói:

- Tôi là con nhà binh, tôi nói thẳng, nói thật. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Anh em ta ai ai cũng muốn chị Kiều Nguyệt Nga đọc diễn văn bế mạc. Vinh dự ấy, cho chị và cho cả nước Sở nữa. Nhưng chúng ta không thể cãi lại ý kiến đa số, khi ý kiến ấy đúng. Ngày xưa, chắc là nhan sắc tẩu tẩu ăn đứt Thái Kim Liên, nhưng tẩu tẩu vừa trải qua một thời gian khổ, từ khi thương nhớ anh Vân Tiên, rồi phải trầm mình, và suốt ba năm nương náu trong chùa, ăn chay nằm đất, những ngày tháng hạnh phúc mới đây còn ngắn quá, chưa đủ để phục hồi. Hơn nữa, tẩu tẩu là người ít có dịp tiếp xúc với bên ngoài, có phần rụt rè, e ngại. Còn Thái Kim Liên, là Hoàng hậu, tất nhiên giàu sang hơn, có dư điều kiện bồi dưỡng thể lực. Cô ta lại yêu mến đất nước Ô Qua, vui sống vì Ô Qua. Sự hoạt động năng nổ làm cho Thái Kim Liên trẻ trung hơn, mạnh dạn hơn, vui vẻ hơn, hấp dẫn hơn, vì vậy đa số tuyệt đối phiếu đã dồn cho Thái Kim Liên.

Từ Hoa, Bộ trưởng bộ ngoại giao nói:

- Tôi đã điều tra dư luận, đúng như Trung tướng Hớn Minh vừa bày tỏ. Thái Kim Liên có ưu điểm vượt trội hẳn các hoàng hậu và phu nhân về sự tươi trẻ và giản dị, luôn luôn gần gũi quần chúng. Ưu điểm ấy lôi cuốn nhiều người. Nhưng về phía phu nhân của Đại tướng Lục Vân Tiên, tôi tự hỏi, có nên quy trách nhiệm cho Tiến sĩ Vương Tử Trực hay không? Chính là do quyển sách Tiến sĩ đem tặng hội nghị, tất cả đều đã đọc kỹ tác phẩm. Rất kỹ là khác, và họ có hỏi tôi: "Đường từ Tây Xuyên đến Hà Khê, xa xôi diệu vợi, núi non hiểm trở, dấu thỏ đàng dê, chim kêu vượn hú như thế, mà Kiều Nguyệt Nga lại bắt một người cũng là con gái như mình, đẹp không kém mình, thông minh chẳng thua mình, lanh lẹ còn hơn mình, làm cái việc nặng nhọc là đẩy xe. Khi được Lục Vân Tiên đến cứu, giặc cướp tan rồi, Kiều Nguyệt Nga vẫn còn hoảng vía nấp vào trong xe, chỉ để Kim Liên ra mặt:

Thưa rằng: Tôi thiệt người ngay
Sa cơ nên mới lm tay hung đ
Trong xe chật hẹp khôn phô
Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng

Vừa rồi Trung tướng Hớn Minh nói lúc ấy nhan sắc Kiều Nguyệt Nga ăn đứt Kim Liên, e phải bàn lại. Tôi cho rằng lúc ấy Kim Liên phải có cái gì đó rất đặc biệt, vì hai người, một là chủ, một là tớ, có phong cách khác nhau, ăn mặc khác nhau, nhưng Lục Vân Tiên đâu phân biệt được, chắc Đại tướng thấy xem xem cả, phải hỏi:

Trước sau chưa hãn dạ này
Hai nàng ai tớ, ai thầy nói ra?

Kiều Nguyệt Nga mới lên tiếng:

Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga
Con ny tì tất, tên là Kim Liên.

Bây giờ thì chẳng còn sợ hãi chi nữa, hai người tha hồ tình tự, làm thơ xướng họa cho đã đời, rồi cuối cùng Lục Vân Tiên bỏ đi, và Kiều Nguyệt Nga bảo:

Thôi thôi, em hi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua min Hà Khê

Ôi, sao Kiều Nguyệt Nga nỡ đành lòng làm như vậy? Người ta đã hỏi tôi câu ấy, thưa Đại tướng. Bởi hội nghị này một nửa chương trình là thảo luận về quyền của phụ nữ nên tập thơ đã gây tai hại không nhỏ cho uy tín của “Đại tướng phu nhân”.

Lục Vân Tiên lặng thinh trầm ngâm. Phải uống đến ba tách trà, ông mới tìm được lời, vừa là giải thích, vừa tự an ủi:

- Dẫu sao, Thái Kim Liên cũng là Hoàng hậu. Và dẫu sao, Thái Kim Liên cũng là phụ nữ Sở quốc chúng ta...

T.H.A
(TCSH54/03&4-1993)

 

 

Các bài mới
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Các bài đã đăng
Người cũ (06/09/2023)
Giếng trăng (31/08/2023)
Bến trăng gầy (10/08/2023)
Giọt nước rơi (28/07/2023)